Thoáng nhìn lại 7 sứ điệp Mùa Chay của Đức thánh cha Phanxicô

1072 lượt xem

Sứ điệp Mùa Chay 2020

Từ khi được bầu làm Giáo Hoàng ngày 13-3-2013 đến nay, ĐTC đã Phanxicô đã công bố 7 sứ điệp Mùa Chay, để hướng dẫn các tín hữu đặc biệt sống mùa chay thánh, với những điểm nhấn khác nhau, nhất là hoán cải và việc thực thi bác ái. Những sứ điệp mùa chay đầu tiên của ĐTC Phanxicô thường dài hơn so với các sứ điệp gần đây. Ví dụ sứ điệp mùa chay đầu tiên của ĐTC năm 2014 dài gần 10 ngàn từ, trong khi sứ điệp mùa chay năm nay 2020 chỉ còn 6.700 từ.

1. Sứ điệp mùa chay 2014

Trong sứ điệp mùa chay đầu tiên, với tựa đề: “Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” (Xc 2 Cr 8,9), ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu thực thi bác ái cụ thể trong mùa chay, giúp thoa dịu tình trạng lầm than của bao nhiêu anh chị em nghèo khổ.

Ngài nhận xét rằng Thiên Chúa đã chọn con đường nghèo hèn, con đường Thập Giá và đau khổ để giải thoát nhân loại. Từ tiền đề trên đây, ĐTC khẳng định rằng:
“Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy”.

Vượt thắng 3 thứ lầm than

ĐTC phân biệt 3 thứ lầm than: vật chất, luân lý và tinh thần. Ngài nhấn mạnh nhiều nhất đến lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi: rượu chè, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe.

Và ĐTC khẳng định rằng “Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần”.

2. Sứ điệp mùa chay 2015

Trong sứ điệp mùa chay năm sau đó, 2015, với chủ đề là “Anh chị em hãy củng cố tâm hồn” (Giacôbê 5,8), ĐTC kêu gọi mọi thành phần Giáo Hội vượt thắng hiện tượng “hoàn cầu hóa sự dửng dưng” đối với những người nghèo khổ.

Sau khi nhắc lại sự kiện Thiên Chúa không dửng dưng đối với chúng ta, ĐTC nhấn mạnh rằng: “Chúa quan tâm đến mỗi người chúng ta, Chúa biết đích danh chúng ta, chăm sóc và tìm kiếm chúng ta khi chúng ta bỏ Chúa. Chúa chú ý đến mỗi người chúng ta.. Nhưng xảy ra là khi chúng ta an mạnh và cảm thấy thoải mái, thì thường chúng ta quên những người khác, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, những đau khổ và bất công họ đang chịu”.

ĐTC nhận xét rằng sự dửng dưng vừa nói có chiều kích hoàn vũ và người ta có thể nói ngày nay đang có một thứ “hoàn cầu hóa sự dửng dưng”. Để giúp các tín hữu khắc phục tệ nạn này, ĐTC mời gọi toàn thể Giáo Hội ý thức rằng “Nếu một chi thể đau, thì tất cả các chi thể khác cũng đau” (1 Cr 12,26).

ĐTC cũng kêu gọi vượt thắng sự dửng dưng trong đời sống của các giáo xứ và cộng đoàn. Để được vậy, các tín hữu cần ý thức mình là chi thể của một thân mình, một chi thể đau thì toàn thể thân mình cũng chịu đau. Ngài khẳng định rằng: “mỗi cộng đoàn Kitô được kêu gọi hãy vượt qua ngưỡng cửa nối kết họ với xã hội xung quanh, với những người nghèo và những người xa xăm. Giáo Hội tự bản chất là thừa sai, không co cụm vào mình, nhưng được sai tới tất cả mọi người. Sứ mạng của Giáo Hội là kiên nhẫn làm chứng về Đấng muốn mang tất cả thực tại và mỗi người về cùng Chúa Cha… Anh chị em thân mến, tôi nồng nhiệt mong ước sao cho các nơi mà Giáo Hội hiện diện, – đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta, – trở thành những hải đảo từ bi giữa lòng biển cả dửng dưng!”

ĐTC mời gọi các tín hữu “đừng coi nhẹ sức mạnh kinh nguyện của bao nhiêu người hiệp nhau!” Trong ý hướng đó ngài cầu mong toàn thể Giáo Hội tham gia sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội, kể cả ở cấp độ giáo phận, trong những ngày 13 và 14-3 tới đây”

Ngài cũng khuyến khích các tín hữu thực hiện những việc bác ái, đối với những người ở gần cũng như những người ở xa, nhờ bao nhiêu tổ chức bác ái của Giáo Hội. “Mùa Chay là mùa thuận tiện để chứng tỏ sự quan tâm tới tha nhân qua một cử chỉ, dù là nhỏ bé nhưng cụ thể, nói lên sự tham dự của chúng ta vào nhân loại chung”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Để khắc phục sự dửng dưng và sự tự phụ toàn năng của chúng ta, tôi muốn xin tất cả mọi người hãy sống Mùa Chay này như một hành trình huấn luyện tâm hồn, như ĐGH Biển Đức 16 đã nói (Thông điệp Deus caritas est, 31). Có một con tim từ bi không có nghĩa là có một tâm hồn yếu đuối. Ai muốn từ bi thì cần một con tim mạnh mẽ, kiên vững, khép kín đối với kẻ cám dỗ, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa”.

3. Sứ điệp mùa chay 2016

Trong sứ điệp mùa chay năm 2016 cũng là Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.

Sau khi đề cao mẫu gương của Mẹ Maria như hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng và để cho mình được Tin Mừng biến đổi, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong lịch sử cứu độ: toàn thể giao ước của Thiên Chúa với loài người là một lịch sử lòng thương xót. Thiên Chúa tín trung luôn tha thứ những bất trung và phản bội của dân Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong lời huấn giáo của các tông đồ. Lòng thương xót diễn tả “thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, cống hiến cho họ cơ may hồi tỉnh, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae vultus 21), và qua đó tái lập quan hệ với Chúa.

Đề cập tới các công việc từ bi thương xót, ĐTC khẳng định rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, và qua đó làm cho họ cũng có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là “Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!”.

ĐTC giải thích: “Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng “trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố” (ibid. 15).

Trong sứ điệp, ĐTC cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: “Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazzaro ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Xc Lc 16,20-21).

Và ĐTC kết luận rằng: “Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận thiện để có thể ra khỏi tình trạng cuộc sống tha hóa của mình, nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái… Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn”.

4. Sứ điệp mùa chay 2017

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2017, với chủ đề: “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”, ĐTC mời gọi các tín hữu lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa Kitô trong tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.

ĐTC đặc biệt quảng diễn dụ ngôn Phúc Âm về người phú hộ hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi một người nghèo khổ là ông Lazzaro ngồi trước cổng nhà ông ta không có gì để ăn (Xc Lc 16,19-31).

ĐTC viết: “Ông Lazzaro dạy chúng ta rằng tha nhân là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người hệ tại nhìn nhận giá trị của họ với lòng biết ơn. Cả người nghèo nơi cổng nhà người giầu không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi hoán cải và thay đổi cuộc sống. Mùa chay là mùa thuận thiện để mở cửa cho mỗi người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Kitô. Mỗi người đến gặp chúng ta là một hồng ân và đáng được tiếp đón, tôn trọng và yêu mến. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống, nhất là khi sự sống ấy yếu ớt”.

Khi phân tích thái độ của người phú hộ, ĐTC nhận xét rằng: “Tiền bạc có thể biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân hành một tiêu chuẩn ích kỷ, không còn chỗ cho tình thương và cản trở hòa bình. Dụ ngôn này tỏ cho chúng ta thấy sự ham hố tiền bạc của người phú hộ làm cho ông ta kiêu hãnh, háo danh, chỉ quan tâm phô trương bề ngoài trong khi trống rỗng trong nội tâm.. Người phú hộ ăn mặc như thể mình là vua, giả bộ cung cách như một vị thần, mà quên mình chỉ là một phàm nhân hay chết. Vì thế, kết quả của sự quyến luyến tiền bạc là một thứ mù quáng: người giàu không thấy người nghèo đang chịu đói, bị đè bẹp trong tủi nhục!”.
Trong phần kết luận, ĐTC cầu xin Chúa Thánh Linh hướng dẫn các tín hữu trong hành trình mùa chay, thực hiện một con đường hoán cải đích thực, để tái khám phá hồng ân Lời Chúa, để được thanh thẩy khỏi tội lỗi vốn làm cho chúng ta mù qáng, hầu phụng sự Chúa Kitô nơi các anh chị em túng thiếu”.

5. Sứ điệp mùa chay 2018

Sang đến Mùa Chay năm 2018, với chủ đề là câu trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người trở nên nguội lạnh” (Mt 24,12), ĐTC cảnh giác các tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, và hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay.

ĐTC giải thích rằng những tiên tri giả lợi dụng cảm xúc của con người để biến họ thành nô lệ. Ngài cổ võ các tín hữu trong mùa chay hãy dùng phương dược ngọt ngào là kinh nguyện, làm phúc bố thí và chay tịnh.

“Khi dành nhiều thời giờ hơn cho kinh nguyện, chúng ta sẽ để cho tâm hồn mình khám phá những gian dối bí mật chúng ta thường dùng để đánh lừa chính mình, để tìm kiếm sự an ủi trong Thiên Chúa là Cha và là Đấng muốn cho chúng ta được sống.

“Việc thực hành làm phúc bố thí giải thoát chúng ta khỏi sự ham hố và giúp khám phá tha nhân là anh chị em chúng ta: điều chúng ta sở hữu không phải chỉ là của chúng ta. Tôi ước mong việc làm phúc được biến thành lối sống đích thực của mỗi người! Tôi mong ước dường nào cho các tín hữu Kitô chúng ta theo gương các Tông Đồ và nhìn thấy qua sự kiện có thể chia sẻ thiện ích của chúng ta với người khác là một chứng tá cụ thể về tình hiệp thông mà chúng ta sống trong Giáo Hội. Về điểm này, tôi khuyên nhủ như thánh Phaolô khi Ngài mời gọi dân thành Corinto lạc quyên giúp cộng đoàn Jerusalem: “Đây là điều có lợi cho anh chị em” (2 Cr 8,10). Điều này có giá trị đặc biệt trong Mùa Chay, trong mùa này nhiều tổ chức quyên góp cho các Giáo Hội và dân chúng gặp khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn rằng trong các tương quan thường nhật, đứng trước mỗi người anh chị em xin giúp đỡ, chúng ta hãy nghĩ rằng đó là một lời kêu gọi của Chúa Quan Phòng: mỗi lần làm phúc bố thí là một cơ hội để tham gia vào sự Quan phòng của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài và nếu ngày hôm nay, Ngài dùng tôi để giúp đỡ người anh em, thì làm sao ngày mai Ngài chẳng quan phòng lo cho các nhu cầu của tôi, Ngài vốn là Đấng không thua ai về lòng quảng đại?

6. Sứ điệp mùa chay năm 2019

Trong sứ điệp mùa chay 2019 với chủ đề là: “Muôn loài thụ tạo nóng lòng chờ đợi ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của các con cái Người” (Rm 8,19), ĐTC cảnh giác trước sức mạnh tàn phá của tội lỗi, khi chúng ta không sống như con cái Thiên Chúa, chạy theo các đam mê, thì chúng ta gây hại cho tha nhân và cả thiên nhiên nữa. Ngài cũng mời gọi các tín hữu ăn chay, nghĩa là học cách thay đổi cuộc sống của chúng ta, đối với thiên nhiên và con người, từ bỏ lòng tham lam, vơ vét, khai thác, để được giải thoát khỏi nô lệ sự hư hỏng để bước vào tự do của vinh quang con cái Thiên Chúa”.

Sức mạnh tàn phá của tội lỗi

ĐTC khẳng định rằng: “Chúng ta biết căn cội mọi sự ác chính tội lỗi, ngay từ khi nó xuất hiện giữa loài người, tội lỗi đã phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với tha nhân và với các thụ tạo, mà chúng ta liên kết, nhất là qua thân xác chúng ta. Khi phá vỡ tình hiệp thông với Thiên Chúa, người ta đi tới chỗ làm thương tổn cả tương quan hòa hợp của con người với môi trường mà họ được kêu gọi sinh sống trong đó, và thế là vườn cây bị biến thành một sa mạc (Xc Kh 3,17-18). Đây là tội đưa con người đến chỗ coi mình là chúa tể của thụ tạo, cảm thấy mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và dùng thụ tạo không phải theo mục đích mà Đấng Tạo Hóa muốn, nhưng là để phục vụ cho tư lợi, gây hại cho các thụ tạo và tha nhân.

“Khi luật của Thiên Chúa, luật tình thương, bị bãi bỏ, thì rốt cục luật của kẻ mạnh hơn sẽ đè trên những kẻ yếu. Tội lỗi ở trong tâm hồn con người (Xc Mc 7,20-23) – và nó được biểu lộ qua sự tham lam, mong ước một phúc lợi vô độ, chẳng quan tâm đến thiện ích của người khác và thường cũng chẳng chú ý đến thiện ích của chính mình – tội lỗi đưa tới sự khai thác bóc lột thụ tạo, con người và môi trường, theo lòng tham lam vô đáy, coi mỗi ước muốn như một quyền và trước sau gì nó cũng hủy diệt cả kẻ bị nó thống trị.

Biểu lộ hoán cải qua chay tịnh

ĐTC khích lệ các tín hữu ăn chay và giải thích rằng: “Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu hãy thể hiện một cách nồng nhiệt và cụ thể hơn mầu nhiệm vượt qua trong đời sống bản thân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt qua sự ăn chay, cầu nguyện và làm phúc.

“Ăn chay, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với tha nhân và các thụ tạo: từ cám dỗ muốn ”nuốt chửng” tất cả để thoả mãn lòng tham của chúng ta, tiến tới khả năng chịu đau khổ vì tình thương, có thể lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn chúng ta. Cầu nguyện để biết từ bỏ sự thờ thần tượng và thái độ tự mãn của cái tôi, và tuyên bố mình cần Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm phúc để ra khỏi sự điên rồ: sống và tích trữ mọi sự cho bản thân, với ảo tưởng đảm bảo cho mình một tương lai không thuộc về chúng ta. Và nhờ đó chúng ta tìm lại được niềm vui về dự phóng mà Thiên Chúa đã đặt để trong công trình sáng tạo và trong tâm hồn chúng ta, dự phóng yêu mến Chúa, yêu thương anh chị em chúng ta và toàn thế giới, và tìm lại hạnh phúc chân thật trong tình thương ấy”.

7. Sứ điệp mùa chay 2020

Và sau cùng, trong sứ điệp mùa chay năm 2020, ĐTC Phanxicô mời gọi các tín hữu đón nhận mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa để hoán cải, cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, dấn thân trong đời sống cầu nguyện, đồng thời cảm thương những vết thương của Chúa Kitô nơi bao nhiêu nạn nhân vô tội.

Sứ điệp Mùa Chay của ĐTC có chủ đề là lời thánh Phaolô: “Nhân danh Chúa Kitô, tôi nài xin anh chị em hãy hòa giải với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20), trong đó ngài nhắc lại điều ngài đã viết cho giới trẻ trong Tông Huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit): “Hãy nhìn vòng tay mở rộng của Chúa Kitô chịu đóng đanh, hãy để cho bạn luôn được cứu rỗi. Khi bạn đến gần để xưng thú các tội lỗi, hãy tin chắc nơi lòng thương xót của Chúa giải thoát bạn khỏi tội lỗi, hãy chiêm ngắm máu Chúa đổ ra với bao nhiêu tình thương và hãy để cho bạn được thanh tẩy bằng máu Chúa. Như thế, bạn luôn có thể được tái sinh” (n.123). Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu không phải là một biến cố quá khứ: do quyền năng của Chúa Thánh Linh, Lễ Vượt Qua ấy luôn thời sự và giúp chúng ta nhìn được, động chạm bằng đức tin thân mình của Chúa Kitô nơi bao nhiêu người đau khổ”.

Hoán cải và gặp gỡ Chúa Kitô

Sau khi nhắc lại sự cấp thiết cần hoán cải và gặp gỡ Chúa Kitô trong kinh nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau, “để cho mình được tâm tình biết ơn đối với Chúa đánh động, kéo ra khỏi tình trạng ngái ngủ”, ĐTC viết: “Mặc dù có sự hiện diện nhiều khi bi thảm của sự ác trong đời sống chúng ta, cũng như trong đời sống của Giáo Hội và thế giới, cơ hội được cống hiến cho chúng ta để đổi hướng, biểu lộ ý chí kiên trì của Thiên Chúa, không cắt đứt cuộc đối thoại cứu độ với chúng ta. Trong Chúa Kitô chịu đóng đanh, “Đấng mà Thiên Chúa đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2 Cr 5,21), ý chí ấy của Thiên Chúa đã lên tới mức độ đổ mọi tội lỗi của chúng ta trên Con của Ngài…

Cảm thương những vết thương của Chúa Kitô

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy “đặt Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô ở trung tâm cuộc sống của mình, nghĩa là cảm thương đối với những vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đanh đang hiện diện nơi bao nhiêu nạn nhân vô tội vì chiến tranh, vì những lạm dụng chống lại sự sống, từ các thai nhi cho đến người già, những hình thức bạo lực, các thảm họa môi trường, sự phân phối bất công các tài nguyên của trái đất, những vụ buôn bán người dưới mọi hình thức và sự miệt mài tìm kiếm lợi lộc vô độ, vốn là một hình thức tôn thờ thần tượng”.

Kêu gọi chia sẻ

ĐTC khẳng định rằng: “Cả ngày nay, điều quan trọng là nhắc nhớ những người nam nữ thiện chí hãy chia sẻ của cải của mình với những người túng thiếu nhất, qua việc làm phúc bố thí, như hình thức đích thân tham gia vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Sự chia sẻ trong tinh thần bác ái làm cho con người có tình người hơn; sự tích trữ có nguy cơ làm cho con người trở nên hung bạo, khép kín họ trong sự ích kỷ. Chúng ta có thể và phải dấn thân hơn nữa, khi cứu xét những chiều kích cơ cấu của nền kinh tế”.

G. Trần Đức Anh OP

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận