THÀNH LẬP

Ngày 22 tháng 12 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô ban hành tông sắc thành lập Tân Giáo phận Hà Tĩnh, tách từ Giáo phận Vinh.

(bản dịch)

GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Tôi Tớ của các Tôi Tớ Thiên Chúa
để muôn đời ghi nhớ

Do sứ mệnh của Hội Thánh trong trần gian là cổ vũ, xúc tiến và trả lời cho tất cả những gì liên quan đến chân thiện mỹ đối với xã hội nhân loại theo ý muốn của Thiên Chúa nơi con tim con người (xem Vui mừng và Hy vọng các số 76 41), Cha phải thực hiện mọi sự để các tín hữu khắp nơi sống và diễn tả chính mình như những con người mới mà họ đã lãnh nhận trong Bí Tích Thanh Tẩy bằng gương sáng, chứng từ và lời nói, hầu những người khác thấy những việc làm tốt đẹp mà nhận thức được ý nghĩa đích thật của đời sống và mối dây liên đới toàn vẹn hơn giữa những con người với nhau.

Vậy, Cha sẵn lòng sắp xếp trong các miền này, qua đó vấn đề cai quản giáo phận được đặt ra cách thuận tiện, Cha quan tâm đến các tín hữu yêu dấu đang sống tại Việt Nam, nghiêm túc xem xét thỉnh cầu xin thiết lập giáo phận mới ớ đó.

Thế nên, sau khi đón nhận thỉnh nguyện của Hiền đệ Đáng kính Leopoldo Girelli, Tổng Giám Mục Hiệu tòa Capritano, đã từng là Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam và đề nghị của Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc gửi đến, Cha chấp thuận và ra sắc lệnh vì lợi ích cho các linh hồn.

Do đó, với năng quyền Tông Đồ toàn vẹn, Cha tách rời khỏi Giáo Phận Vinh miền đất ở trong ranh giới thuộc các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình và thiết lập Tân Giáo Phận Hà Tĩnh.

Cha đặt ngai tòa Tân Giáo Phận tại thành phố Hà Tĩnh và nâng thánh đường ở đó dâng kính Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa lên hàng Nhà Thờ Chính Tòa với tất cả đặc ân do năng quyền và Giáo luật. Cha quyết định Tân Giáo Phận Hà Tĩnh thuộc Giáo Tỉnh Hà Nội và dưới quyền của Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, còn những thủ tục khác chiếu theo Giáo luật thì Cha châm chước.

Để thực hiện những điều được quyết định, Cha giao cho vị Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam với tất cả năng quyền cần thiết và thuận tiện cũng như việc ủy quyền cho vị nào đó trong hàng giáo sĩ theo ý của Bộ vì đó là quyền của Bộ ấy, báo cáo thực hiện việc được giao phó.

Cha cầu xin Thiên Chúa để Ngài đổ xuống trên vị Chủ Chăn và các Kitô hữu của Giáo Phận này cùng giữ gìn họ khỏi mọi hiểm nguy, để nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, họ có thể vượt thắng với những hành động xứng đáng và đạt được phần thưởng hạnh phúc.

Sau hết, Cha muốn Sắc lệnh của Cha được thi hành; tất cả những gì trái ngược đều không có giá trị.

Làm tại Rôma, bên cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 22 tháng 12 năm Chúa Giáng Sinh 2018, năm thứ VI triều đại  của Cha.

Giáo Hoàng Phanxicô

Read more

 

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN HÀ TĨNH 

     I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

Hà Tĩnh là Giáo phận trẻ nhất trong số 27 giáo phận của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Dẫu mới được thành lập nhưng Giáo phận Hà Tĩnh lại có chung bề dày lịch sử và cùng sẻ chia những gia sản đức tin cùng với Giáo phận Vinh, đã vượt qua biết bao thăng trầm của thời cuộc để không ngừng trổ sinh hoa trái.

1. Hạt giống Tin Mừng đầu tiên được gieo vãi

Hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Nghệ – Tĩnh – Bình từ rất sớm. Ngược dòng lịch sử, vào cuối tháng 3 năm 1629, hai thừa sai dòng Tên là linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và linh mục Pedro Marquez bị chúa Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Trên đường bị dẫn độ vào Quảng Bình để tìm phương tiện trở về Macao, các ngài đã tận dụng thời gian để giảng Đạo Chúa, đặc biệt là những lần dừng chân tại các vùng cửa biển như: Cửa Chúa, nay gọi là Cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Cửa Rùm hay Cửa Rum, nay gọi là Cửa Hội (Nghi Lộc, Nghệ An), Cửa Sót (Lộc Hà, Hà Tĩnh), Cửa Gianh (Quảng Trạch, Quảng Bình).

Với thời gian chưa đầy 7 tháng, khi ở trên bộ lúc ở dưới thuyền, Cha Đắc Lộ cùng Cha Marquez đã tận dụng mọi cơ hội để rao truyền Đạo Chúa và rửa tội cho nhiều người trên đường từ Nghệ An, qua Hà Tĩnh, vào Bố Chính và ngược lại. Chính nhờ những nỗ lực tuyệt vời đó, hạt giống Tin Mừng đã được gieo vãi và trổ sinh tại vùng đất Nghệ – Tĩnh – Bình cho tới ngày nay.

2. Giữa lòng mẹ Giáo phận Vinh

Sau 30 năm hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Nghệ – Tĩnh – Bình, đến ngày 09/9/1659, qua Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Thánh Cha Alexandre VII đã thiết lập hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên của Giáo hội Việt Nam là Giáo phận Đàng Trong và Giáo phận Đàng Ngoài. Đến năm 1679, Tòa Thánh lại quyết định chia giáo phận Đàng Ngoài thành hai giáo phận: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài.

Đến năm 1846, Giáo phận Tây Đàng Ngoài lại được chia tách thành hai: giáo phận Tây Đàng Ngoài và giáo phận Nam Đàng Ngoài. Đến cuối năm 1924, khi các giáo phận tại Việt Nam được đổi tên theo địa bàn hành chính, Giáo phận Nam Đàng Ngoài được đổi thành Giáo phận Vĩnh, về sau được gọi là Giáo phận Vinh như ngày nay. Vào năm 2006, địa hạt Giáo phận Vinh được mở rộng khi tiếp nhận thêm các giáo xứ ở khu vực Nam Quảng Bình, phần hữu ngạn Sông Gianh – Sông Son từ Tổng Giáo phận Huế.

Sau hơn 170 năm hình thành và phát triển trong tình thương và sự quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, Giáo phận Vinh không ngừng lớn mạnh với số giáo xứ và giáo dân ngày một đông. Nếu khi mới thành lập giáo phận chỉ có 18 giáo xứ với 66.350 giáo dân, thì đến cuối năm 2018, số giáo dân đã lên tới 523.000 người với 182 giáo xứ và hơn 750 nhà thờ. Về địa lý, giáo phận có địa giới trải dài trên 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với tổng diện tích lên tới 30.590 km2.

Với số tín hữu đông đảo cùng địa bàn rộng lớn như thế, việc mục vụ tại Giáo phận Vinh gặp nhiều khó khăn. Bởi thế, từ nhiều năm trước, việc chia tách Giáo phận đã là định hướng và nguyện vọng của các vị Chủ chăn cùng mọi thành phần Dân Chúa.

3. Giáo phận Hà Tĩnh được khai sinh

Sự ra đời của giáo phận Hà Tĩnh là một tiến trình đã được thai nghén qua nhiều năm tháng. Thật vậy, Bề Trên giáo phận Vinh qua nhiều giai đoạn đã chuẩn bị cho việc thành lập tân Giáo phận. Năm 1994, Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đã đệ trình Tòa Thánh xin chia tách giáo phận. Tiếp đó, vào năm 2009, Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên tiếp tục nhắc lại thỉnh nguyện này của vị tiền nhiệm với Tòa Thánh. Chung một tâm nguyện, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tiếp tục đệ trình xin chia tách Giáo phận Vinh.

Sau những năm tháng hy vọng và chờ đợi của các tín hữu, vào ngày 22/12/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban Tông sắc thành lập Giáo phận Hà Tĩnh, đồng thời bổ nhiệm Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh, làm giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Hà Tĩnh. Tại thời điểm này, tân Giáo phận Hà Tĩnh có 10 giáo hạt, 118 giáo xứ và chuẩn giáo xứ, 135 linh mục, 46 chủng sinh, 39 sở dòng hoặc nhóm tu sĩ, và 278.559 tín hữu.

Thánh lễ tạ ơn, công bố quyết định thành lập Giáo phận Hà tĩnh và khai mạc sứ vụ của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được cử hành trọng thể ngày 11/02/2019, tại nhà thờ chính tòa Văn Hạnh trong niềm hân hoan của mọi thành phần Dân Chúa.

Như thế, sau 173 năm cưu mang và 25 năm chuyển dạ, Giáo phận Hà Tĩnh đã được khai sinh từ Giáo phận Vinh và bắt đầu một trang sử mới trong lòng Mẹ Hội Thánh.

     II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

     1. Địa lý và khí hậu

a) Địa lý: Địa bàn Giáo phận Hà Tĩnh hiện nay nằm trọn trong 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, có tổng diện tích 14.107 km2. trong đó, Hà Tĩnh: 6.055,6 kmvà Quảng Bình: 8.051,8 km2. Về ranh giới, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An (Giáo Phận Vinh), phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị (Giáo Phận Huế), phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Lào. Với địa hình đồi núi chiếm gần 80% diện tích tự nhiên, người dân nơi đây định cư chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển và trung du.

b) Khí hậu:

Hà Tĩnh và Quảng Bình là 2 tỉnh nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều, với sự giao thoa giữa đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và mùa đông giá lạnh của miền Bắc. Điều này làm cho khí hậu ở mảnh đất Hà Tĩnh và Quảng Bình trở nên khắc nghiệt với mùa đông giá rét, mùa hè nóng bức.

     2.  Dân số 

Theo thống kê ngày 31/12/2022, giáo phận Hà Tĩnh có 287.063 tín hữu trong tổng số dân 2 tỉnh là 2.379.984 người (chiếm 11,89 % dân số 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình).

     3. Giáo hạt và giáo xứ

Hiện nay, giáo phận Hà Tĩnh có 132 giáo xứ và chuẩn giáo xứ, phân bổ trong 13 giáo hạt: Nghĩa Yên, Can Lộc, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Văn Hạnh, Trung Nghĩa, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Bình Chính, Minh Cầm, Hòa Ninh, Nguồn Son, Tam Tòa.

     4. Dòng tu

Hiện có 22 Dòng tu đang hiện diện và phục vụ tại giáo phận Hà Tĩnh, với 43 cộng đoàn và nhóm tu sĩ đang phục vụ tại các giáo xứ. Có thể kể đến các Hội dòng như: Đaminh, Don Bosco, Phanxicô, Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, Thừa Sai Đức Tin; Ngôi Lời; Thánh Thể; Xitô Nho Quan, Thánh Tâm Huế; Mến Thánh Giá, Thừa Sai Bác Ái, Đaminh Thánh Tâm, Nữ Tử Tận Hiến cho Chúa Thánh Thần, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, Mẹ Chúa Cứu Chuộc, Dòng Bác Ái Thouret, Phaolô..v.v.

     5. Đời sống giáo dân

Đa số giáo dân Hà Tĩnh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, thủy sản và nghề thủ công. Trên mảnh đất gió lào và cát trắng này, người dân tuy nghèo nhưng luôn kiên trung trong đời sống đức tin. Bởi được tôi luyện trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu thiên tai và cả những nhân tai, con người nơi đây trở nên kiên cường và mạnh mẽ, không chỉ trong cuộc sống nhưng còn cả trên bình diện đức tin.

Tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế và điều kiện công ăn việc làm tại quê hương, hiện nay nhiều người trẻ trong Công Giáo phải xa quê tìm việc làm tại các thành phố lớn và ở nước ngoài. Sự chuyển hướng công việc này đã phần nào đem lại nhiều đổi thay về đời sống kinh tế nơi nhiều gia đình và xứ đạo, nhưng bên cạnh đó, thực trạng di dân này cũng đem đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho đời sống đức tin, gây ra nhiều hệ quả không tốt cho đời sống gia đình. Không chỉ thế, thực tế này cũng đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác mục vụ của các linh mục.

     III. NHÂN SỰ

1. Giám mục đương nhiệm: Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn 

Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn sinh ngày 26/12/1962 tại Đà Nẵng (nguyên quán: Hương Khê, Hà Tĩnh), thụ phong linh mục ngày 30/6/1999. Ngày 25/8/2017, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, hiệu toà Catrum, khẩu hiệu Giám mục: “Này con đây” (Hic Ego Sum).

Đến ngày 19/3/2021, sau khi chấp thuận đơn từ nhiệm của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp do tuổi tác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức cha Louis làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Hà Tĩnh, trong khi vẫn tiếp tục là Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn. Thánh lễ khởi đầu sứ vụ Giám quản Tông tòa của Đức cha Louis được cử hành ngày 29/4/2021 tại nhà thờ chính tòa Văn Hạnh.

Sau hai năm trong cươn vị Giám quản Tông Tòa, vào ngày 25/3/2023, Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh. Thánh lễ Tạ ơn và nhận sứ vụ Giám mục chính tòa của Đức Cha Louis được cử hành tại nhà thờ chính tòa Văn Hạnh sáng ngày 22/4/2023.

2. Giám mục tiền nhiệm: Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp sinh ngày 02/02/1945 tại Giáo xứ Làng Anh, Giáo phận Vinh. Ngày 13/5/2010, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh, khẩu hiệu Giám mục: “Sự thật và Tình yêu”.

Đến ngày 22/12/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám  mục tiên khởi của tân Giáo phận Hà Tĩnh. Sau hơn 2 năm tại vị, ngày 19/3/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận đơn từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính tòa của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp theo thỉnh nguyện của ngài.

3. Linh mục, chủng sinh và tu sĩ

a) Linh mục: Giáo phận Hà Tĩnh hiện có 175 linh mục, trong đó 140 linh mục triều và 35 linh mục thuộc các Dòng tu đang phục vụ tại các giáo xứ, chuẩn giáo xứ và cộng đoàn dòng tu trong Giáo phận.

b) Chủng sinh: Tính tháng 9 năm 2023, Giáo phận Hà Tĩnh hiện có 102 chủng sinh đang học tại Đại Chủng Viện Thánh Thánh Phanxicô Xaviê và 30 Tiền chủng sinh đang học tai Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II. Ngoài ra, còn có 430 dự tu đang học tập và theo đuổi lý tưởng ơn gọi linh mục.

c) Tu sĩ: Giáo phận Hà Tĩnh hiện có sự hiện diện và hoạt động của 22 dòng tu, hiệp hội và tu hội với 425 tu sĩ nam nữ.

     IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Tổ chức Điều hành

  • Giám mục Giáo phận: Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
  • Tổng Đại diện: Lm. Gioan Baotixita Nguyễn Khắc Bá
  • Chưởng ấn: Phêrô Nguyễn Đoài
  • Đại diện Tư pháp: Phêrô Nguyễn Đoài
  • Quản lý TGM: Lm. Giuse Phan Đình Trung

2. Ban Tư vấn (nhiệm kỳ 2023 – 2028)

  1. GB. Nguyễn Khắc Bá
  2. Giuse Nguyễn Công Bình
  3. Phaolô Bùi Đình Cao
  4. Antôn Võ Thành Công
  5. Phêrô Hoàng Biên Cương
  6. Phêrô Nguyễn Xuân Đình
  7. Phêrô Nguyễn Đoài
  8. Phêrô Nguyễn Văn Hương
  9. Lm Phêrô Trần Đình Lai
  10. Giuse Phan Đình Trung
  11. Phaolô Nguyễn Minh Sáng
  12. Phêrô Trần Văn Thành

3. Hội đồng Linh mục (nhiệm kỳ 2023-2028)

Hội đồng linh mục Giáo phận gồm 56 thành viên. Ban đại diện Hội đồng Linh mục gồm:

  1. Phêrô Hoàng Biên Cương (phó Chủ tịch)
  2. Antôn Võ Thành Công (thư ký)
  3. Phêrô Trần Đình Lai (thủ quỹ)
  4. Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm (ban viên)
  5. Phêrô Lê Thanh Hồng (ban viên)

4. Các linh mục quản hạt

  1. GB. Nguyễn Khắc Bá – Quản hạt Văn Hạnh
  2. Phêrô Hoàng Biên Cương – Quản hạt Can Lộc
  3. Phêrô Trần Đình Lai – Quản hạt Nghĩa Yên
  4. Giuse Trần Đức Ngợi – Quản hạt Ngàn Phố
  5. Phêrô Nguyễn Xuân Đình – Quản hạt Ngàn Sâu
  6. Phêrô Lê Nam Cao – Quản hạt Trung Nghĩa
  7. Micae Hoàng Xuân Hường – Quản hạt Cẩm Xuyên
  8. Giuse Nguyễn Công Bình – Quản hạt Kỳ Anh
  9. Phaolô Nguyễn Minh Sáng – Quản hạt Bình Chính
  10. Phêrô Lê Thanh Hồng – Quản hạt Minh Cầm
  11. Phêrô Phan Văn Đồng – Quản hạt Hòa Ninh
  12. Phêrô Trần Ngọc Hưởng – Quản hạt Nguồn Son
  13. Phêrô Trần Văn Thành – Quản hạt Tam Tòa

5. Các ban mục vụ Giáo phận 

  1. Ban Bác ái – Xã hội (Caritas) : Lm. GB. Nguyễn Huy Tuấn
    Đặc trách bệnh nhân: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Tâm, CSsR
  2. Ban Công lý và Hòa Bình: Lm. Giuse Trần Đình Lai
  3. Ban Giáo dân và Gia đình: Lm. Giuse Trần Văn Phúc
  4. Ban Giáo dục Kitô giáo: Linh mục GB. Nguyễn Khắc Bá
  5. Ban Giáo lý Đức tin: Lm. Giuse Trần Đức Ngợi
  6. Ban Giới trẻ và Thiếu nhi: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Phục
    Đặc trách Sinh viên: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khánh
  7. Ban Loan Báo Tin Mừng: Lm. GB. Mai Văn Quốc
  8. Ban Mục vụ Di dân: Lm. Tôma Võ Minh Danh
    Đặc trách Di dân tại Hoa Kỳ: Lm. GB. Cao Xuân Hưng
  9. Ban Mục vụ Doanh nhân: Lm. Antôn Đậu Thanh Minh
  10. Ban Mục vụ Giới chức: Lm. Giuse Nguyễn Viết Nam
  11. Ban Phụng vụ: Lm. Antôn Nguyễn Xuân Hồng
  12. Ban Quy hoạch – Dự án: Lm. Antôn Đậu Duy Vinh
  13. Ban Thánh nhạc: Lm. Giuse Nguyễn Công Bình
  14. Ban truyền thông: Lm. Giuse Trần Hữu Tầng
  15. Ban Văn hóa – Thể thao: Lm. Antôn Nguyễn Xuân Bá
  16. Ban Tu sĩ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Tâm, CSsR.
  17. Ban đào tạo: Phaolô Bùi Đình Cao

     V. CÁC CƠ SỞ CỦA GIÁO PHẬN

1. Nhà thờ Chính tòa Văn Hạnh

Nhà thờ chính tòa Văn Hạnh tọa lạc tại xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh. Nhà thờ Văn Hạnh được khởi công xây dựng vào ngày 16/9/2003 với diện tích 2013m², dài 67,8m, rộng 27,6m, cánh Thánh giá rộng 36m, mái vòm cao 49m, hai tháp cao 64,4m. Sau 9 năm thi công, nhà thờ được khánh thành và cung hiến vào ngày 26/4/2012. Vào ngày 22/12/2018, khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông sắc thành lập Giáo phận Hà Tĩnh, nhà thờ Văn Hạnh được nâng lên hàng Nhà thờ Chính Tòa với tất cả đặc ân do năng quyền và giáo luật.

2. Tòa Giám mục Giáo Phận Hà Tĩnh

Từ ngày thành lập, Giáo phận Hà Tĩnh vẫn đang phải dùng cơ sở của giáo xứ chính tòa Văn Hạnh để làm Tòa Giám mục tạm thời. Tuy nhiên, với diện tích chật hẹp, công trình hiện tại không thể đáp ứng phục vụ cho các nhu cầu của Giáo phận. Bởi thế, việc xây dựng Tòa Giám mục, Trung tâm mục vụ và các công trình chung khác của Giáo phận là hết sức khẩn thiết.

Ý thức điều đó, Bề Trên Giáo phận hết sức lưu tâm tới việc xây dựng công trình Nhà chung của Giáo phận. Sau 10 năm đề nghị và xúc tiến hồ sơ (2011-2021), hiện nay nhà nước Việt Nam đã đồng ý cấp cho Giáo phận Hà Tĩnh 5,5ha đất để xây dựng công trình Nhà chung với nhiều hạng mục quan trọng như: Trung tâm mục vụ, Tòa Giám mục, Nhà hưu dưỡng linh mục, Trường Tiền Chủng viện… Tuy nhiên, mảnh đất ấy hiện vẫn là những thửa ruộng, ao hồ, đầm lầy nên việc xây dựng Nhà Chung của gia đình Giáo phận là một tiến trình gian nan, đòi hỏi mọi thành phần Dân Chúa phải chung sức, hiệp lòng cho công trình chung của Giáo phận nhà. Ước mong một ngày không xa, công trình Nhà chung Giáo phận sẽ vươn mình sừng sững giữa trời xanh như một minh chứng hùng hồn cho đức tin sống động của giáo dân Hà Tĩnh. Công trình ấy sẽ như là hoa trái của sự hiệp nhất, chung sức đồng lòng của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận.

3. Tiền Chủng Viện Thánh Gioan Phaolô II

Là Giáo phận mới được thành lập, Hà Tĩnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giữa những bộn bề và khó khăn đó, Đấng Bản Quyền Giáo phận vẫn dành sự quan tâm và thao thức đặc biệt cho công cuộc đào tạo linh mục của Giáo phận nhà. Chỉ ít tháng sau khi Giáo phận được thành lập, vào ngày 10/10/2019, Bề Trên Giáo phận quyết định thành lập Tiền Chủng viện Thánh Gioan Phaolô II trong định hướng đào tạo các mục tử tương lai cho Giáo phận. Đến nay, Tiền Chủng viện đã chiêu sinh và đang đào tạo khóa thứ ba.

4. Trung Tâm Hành Hương Đền Thánh Antôn Đồng Xuân 

Trung tâm hành hương Linh địa Thánh Antôn Đồng Xuân thuộc giáo xứ Xuân Tình, hạt Văn Hạnh, nằm trên địa bàn xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vào dịp đại lễ kính Thánh Antôn năm 13/6/2020, Ðức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã công bố quyết định số 07/2020/QĐ-GM về việc nâng cấp Đền Thánh Antôn Đồng Xuân thành trung tâm hành hương cấp Giáo phận.

     VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

     1. Công cuộc Loan báo Tin mừng

Với tỉ lệ tín hữu Công giáo trên địa bàn chỉ là thiểu số (khoảng 11,89% dân số), công cuộc loan báo Tin Mừng tại Giáo phận Hà Tĩnh luôn là đỏi hỏi cấp thiết. Thao thức trước hiện trạng này, giáo phận Hà Tĩnh đã xúc tiến chương trình mục vụ loan báo Tin Mừng ngay từ ngày giáo phận được thành lập. Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp tiền nhiệm đã thành lập Ban Loan Báo Tin Mừng và kế tiếp ngài là Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn đã không ngừng nỗ lực và tìm ra những phương thế mới đẩy mạnh công cuộc Loan báo Tin Mừng. Sau những năm hoạt động, Ban Loan Báo Tin Mừng Giáo phận đã được mở rộng và thành lập tiểu ban tại các giáo hạt. Hàng năm, giáo phận tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo về loan báo Tin Mừng dành cho các tham dự viên đến từ các giáo xứ, các hội đoàn và dòng tu.

Hy vọng rằng, những nỗ lực và dự phóng trong công cuộc loan báo Tin Mừng nói trên sẽ thực sự kiến tạo một môi trường thuận lợi cho Tin Mừng sinh trưởng. Và trên mảnh đất miền trung đầy nắng gió này, đức tin sẽ tỏa sáng, hòa bình, công lý, sự thật và tình yêu sẽ tỏa sắc khoe hương.

     2. Hoạt động bác ái xã hội

Bác ái là hoạt động thuộc về bản chất và là lối diễn tả không thể thiếu của Giáo Hội. Công tác bác ái xã hội đó không chỉ nhằm mục đích trợ giúp hay từ thiện, nhưng tiên vàn là để thể hiện căn tính của Giáo Hội trong việc loan báo Tin mừng và thể hiện Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Xác tín như thế, kể từ ngày thành lập giáo phận, các Đức Giám mục cùng các linh mục và cộng đoàn Dân Chúa đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, bác ái, có thể kể đến các hoạt động tiêu biểu như: Tổ chức định kỳ khám bệnh và phát thuốc miễn phí tại các giáo xứ cho cả giáo dân và lương dân; thăm viếng, tặng quà cho các cá nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện nhiều dự án hỗ trợ kinh tế cho cả người giáo dân lẫn lương dân như: Cho vay vốn làm ăn, xây nhà tình thương, nhà vượt lũ, hỗ trợ cây trồng vật nuôi, trợ giúp nhu yếu phẩm cho đồng bào lũ lụt, thăm viếng người khuyết tật, nuôi dưỡng trẻ mồ côi…v.v.

Bên cạnh đó, giáo phận cũng thúc đẩy việc bảo vệ sự sống và mai táng các thai nhi. Cụ thể: trợ giúp và lập các mái ấm dành cho người cơ nhỡ, thu gom và mai táng thai nhi từ các bệnh viện, phòng khám, xây dựng các nghĩa trang thai nhi, tổ chức các buổi hội thảo giáo dục về bảo vệ sự sống. Cùng với đó, ban Caritas Giáo phận còn thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến học như cung cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ cho sinh viên nghèo…v.v.

     VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

  • Địa chỉ Tòa Giám mục: Văn Hạnh, Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
  • Số Điện thoại Văn phòng: (+84) 865 165 167
  • Địa chỉ Email: hatinh@cbc-vietnam.org
  • Website: www.giaophanhatinh.org

VĂN PHÒNG TÒA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN HÀ TĨNH
Cập nhật tháng 9 năm 2023