Đức Giêsu Kitô – Đường Thập Giá

1126 lượt xem

ĐỨC GIÊSU KITÔ – ĐƯỜNG THẬP GIÁ
(Chủ đề học hỏi và suy niệm tháng 3 năm 2020
Chương trình mục vụ giới trẻ mỗi tháng một hình ảnh hay tước hiệu Đức Giêsu Kitô)

Các bạn trẻ thân mến,

Chủ đề suy niệm của tháng Hai vừa qua là ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường xuống với con người’. Trong đó, chúng ta đã cùng nhau chiêm ngắm hành trình đi xuống của Đức Giê-su Ki-tô: Xuống thế làm người, xuống Ai Cập, xuống thung lũng Giê-ri-khô, xuống với những người tội lỗi và đau khổ, đặc biệt, xuống thung lũng sự chết. Tháng Ba này, trong Mùa Chay Thánh, chúng ta suy niệm chủ đề ‘Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thập Giá’.

Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ lại đến với con người và cứu chuộc con người qua Đường Thập Giá. Đây thật là mầu nhiệm lớn lao!

Chúng ta biết rằng, vào thời cổ đại, giữa các hình thức trừng phạt phạm nhân, khổ hình thập giá là hình thức nặng nề nhất. Khổ hình thập giá được sử dụng phổ biến nơi một số dân tộc quanh Địa Trung Hải và Trung Đông, nhất là những dân tộc thuộc quyền kiểm soát của đế chế Ba Tư (Persia) hay ở Carthage, Ma-xê-đô-ni-a, Rô-ma. Từ thời Phục Hưng trở đi, một số quốc gia khác cũng sử dụng khổ hình thập giá đối với những vị thừa sai, cũng như những người mới gia nhập Ki-tô Giáo, chẳng hạn, ở Nhật Bản, Miến Điện. Thời hiện đại, mặc dù khổ hình thập giá ít được áp dụng, tuy nhiên, đây đó hình phạt này vẫn tồn tại, chẳng hạn, Ả Rập Xê Út, I-rắc, Sy-ri-a hay ở một số quốc gia Hồi Giáo khác. Những nơi đó, khổ hình thập giá dành cho tội nhân. Riêng về việc thực hành đạo đức tôn giáo, ở Phi-líp-pin, hằng năm, dịp Tuần Thánh, một số người vẫn tự nguyện để mình được đóng đinh vào thập giá, nhằm diễn tả sự thông phần đau khổ với Đức Giê-su Ki-tô.

Trong lịch sử nhân loại, biết bao người đã chịu khổ hình thập giá, tuy nhiên, khổ hình thập giá của Đức Giê-su Ki-tô là nổi bật nhất, bởi vì, người chịu khổ hình là Con Thiên Chúa trong thân phận con người. Với Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô, bao gồm việc Người chịu khổ hình thập giá, chết và phục sinh, một thực thể mới được hình thành trong gia đình nhân loại, đó là Ki-tô Giáo. Sau Đức Giê-su Ki-tô, đa số các môn đệ thân tín của Người đều chịu các hình thức khổ hình khác nhau, để làm chứng cho Người và Tin Mừng của Người, trong đó, một số vị phải chịu khổ hình thập giá. Chẳng hạn, thánh Phê-rô chịu khổ hình thập giá ở Rô-ma (đóng đinh ngược, đầu của thánh nhân quay về phía dưới). Tương truyền rằng thánh An-rê, anh của thánh Phê-rô, cũng chịu khổ hình thập giá.

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su Ki-tô bị treo trên thập giá từ giờ thứ 3 đến giờ thứ 9 theo cách phân chia thời gian của Dân Do Thái lúc đó, tức là từ 9 giờ Sáng tới 3 giờ Chiều trong bối cảnh hôm nay. Trong đó, 3 giờ đầu tiên, 9 giờ Sáng đến 12 giờ Trưa, là thời gian Người bị sỉ nhục, còn từ 12 giờ Trưa tới 3 giờ Chiều là ‘thời gian tối tăm’ và Người chết lúc 3 giờ Chiều. Thánh k‎ý Mác-cô trình thuật rằng “vào giờ thứ sáu [12 giờ Trưa], bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni! Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:“Vì không hề phạm tội, Đức Giê-su không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha, cho đến độ Người xem như bị tách lìa Thiên Chúa vì tội chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên thập giá” (GLGHCG 603).

Tiếng kêu cầu của Đức Giê-su Ki-tô trên thập giá không phải là tiếng kêu cầu của người thất vọng, nhưng là tiếng kêu cầu của người chứa chan niềm hy vọng rằng ngay cả lúc tối tăm, nhất là khi đối diện với cái chết, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện. Tối tăm là hình ảnh của đau thương, hình ảnh của sự chết, hình ảnh của thế giới ma quỉ, thế giới sự dữ, và cũng là khoảng tối của đức tin. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tình yêu Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ nhất. Chính Đức Giê-su Ki-tô, trong tư cách là Con Thiên Chúa làm người, nhân danh toàn thể nhân loại, tỏ bày niềm hy vọng thẳm sâu vào tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Tiếng kêu cầu của Người vẫn còn đó, vẫn còn vang vọng cùng với tiếng kêu cầu của tất cả những ai bất lực trước những nghịch cảnh đau thương của cuộc đời trong hành trình trần thế.

Cái chết của Đức Giê-su Ki-tô, xét bề ngoài, cũng giống như cái chết của những người chịu khổ hình thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Đức Giê-su Ki-tô còn đau đớn rùng rợn hơn nhiều, rùng rợn không chỉ vì Người chết trên thập giá, mà vì Người chết vì tội lỗi của tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thếMặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng vì Nguyên Tổ phạm tội, mà tội lỗi đã vào trần gian (1 Cr 15,21-22; Rm 5,13). Nguyên Tổ nhân loại đã chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa và thực thi theo lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỉ, đã vâng nghe ‘lời con rắn’ hơn là vâng nghe Lời Thiên Chúa.

Trong bối cảnh Kinh Thánh Cựu Ước, rắn là biểu tượng của sự dữ. Hình ảnh con rắn đầu tiên đáng chúng ta quan tâm đó là con rắn được đề cập trong sách Sáng Thế (St 3,1-16). Con rắn đã thành công khi dụ dỗ E-và, rồi E-và dụ dỗ chồng mình là A-đam. Với việc ‘ăn trái cấm’, tình trạng đơn sơ, thánh thiện không còn nữa, A-đam và E-và nhận ra mình trần truồng, họ xấu hổ khi đối mặt nhau. A-đam không nhìn nhận tội mình, nhưng chối tội. Cách gián tiếp, A-đam trách móc Thiên Chúa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12). Cách trực tiếp, A-đam đổ tội cho E-và, còn E-và đổ tội cho con rắn. Vì A-đam và E-và phạm tội, tội lỗi đã ‘xâm nhập trần gian’ và lan tràn đến hết mọi người. Tội Nguyên Tổ có thể được ví như ‘vi-rút tâm linh’ vậy. Vi-rút này rất mạnh và sức lan tỏa thật khủng khiếp, mạnh đến nỗi đem cái chết đến cho tất cả mọi người và lan tỏa từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế [mạnh và lan tỏa hơn nhiều so với Covid-19].

Con rắn thứ hai là con rắn đồng mà Mô-sê giương cao theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa để chữa lành những người bị rắn cắn (Ds 21,4-9). Dĩ nhiên, không thể đồng hóa hình ảnh con rắn ở đây với con rắn cám dỗ trong sách Sáng Thế (St 3,1-16). Sách Dân Số tường thuật rằng trong hành trình về với Đất Hứa, Dân Do Thái mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Trong sa mạc, họ cho rằng đời sống của họ ở Ai-cập sung túc và đầy đủ hơn (Ds 11,4-6; Ds 21,5). Hậu quả là có nhiều người trong họ bị rắn cắn chết. Họ đã nhận ra tội lỗi của mình và xin Mô-sê cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho họ. Thiên Chúa nhận lời Mô-sê và bảo ông làm một con rắn đồng và treo lên cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được sống. Như vậy, bất tuân lệnh Chúa, họ bị rắn cắn chết, nhưng nếu họ tin tưởng vào Chúa, thì chính con rắn biểu tượng sự chết đó lại trở thành dấu chỉ đem lại sự sống cho họ.

Trong Tân Ước, khi trò chuyện với Ni-cô-đê-mô về việc con người cần phải sinh lại bởi ơn trên, bởi nước và Thần Khí, thì mới có thể vui hưởng sự sống muôn đời, Đức Giê-su Ki-tô đã quảng diễn căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình. Người nói về con rắn đã được đề cập trong sách Dân Số và xem đó như là hình ảnh tiên báo về Người: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Chúng ta có thể quảng diễn thêm rằng con rắn thứ nhất trong sách Sáng Thế, trên ‘cây hiểu biết điều thiện, điều ác’, là hình ảnh sự chết. Con rắn thứ hai trong sách Dân Số, được Mô-sê treo trên cây cột, là hình ảnh sự phục hồi thể xác. Còn Đức Giê-su Ki-tô, được treo trên cây thập giá, là hình ảnh sự sống. Với thập giá, Đức Giê-su Ki-tô đã dùng phương dược hết sức đặc biệt, đó là dùng cái chết của Người trên thập giá để tiêu diệt sự chết, nhằm đem lại sự sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người.

Trước khi chịu chết trên cây thập giá, chính Đức Giê-su Ki-tô đã vác cây thập giá đó. Hình ảnh Người vác cây thập giá và ngã xuống đất gợi lên trong chúng ta hình ảnh sa ngã của A-đam và E-và. Hình ảnh Người trần truồng trên cây thập giá gợi lên trong chúng ta hình ảnh của A-đam và E-và sau khi phạm tội, họ nhận ra mình trần truồng, không còn phẩm giá nữa, và cần đến lá che thân để ‘giữ chút phẩm giá tối thiểu’ của thân phận con người (St 3,7). Đức Giê-su Ki-tô bị lột áo ra hết, người không còn sở hữu gì nữa. Người bị tước đi tất cả, mất hết tất cả, để phục hồi phẩm giá con người cách trọn vẹn.

Với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành thánh giá. Do đó, thập giá là dấu chỉ sự chết, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ sự sống. Thập giá là dấu chỉ của sự thất bại, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chiến thắng. Thập giá là dấu chỉ của sự đớn đau, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chữa lành. Thập giá, dấu chỉ của sự trừng phạt, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự tha thứ. Thập giá, dấu chỉ của sự ghen ghét, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự yêu thương. Thập giá là dấu chỉ của sự sợ hãi, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của niềm tin vững chắc. Thập giá, dấu chỉ của vực thẳm sự chết, nhưng với Đức Giê-su Ki-tô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự sống vĩnh cửu. Chúng ta có thể kể ra rất nhiều sự đối nghịch khác nữa để diễn tả nhãn quan của nhân loại về thập giá và chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô.

Kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng bản tính con người không thích thập giá, không thích hi sinh, không thích trút bỏ chính mình. Đặc biệt, trong thế giới hưởng thụ hôm nay, người ta muốn tránh thập giá càng nhiều càng hay, muốn xa thập giá càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng cho chúng ta biết rằng không ai trong gia đình nhân loại có thể tự giải thoát mình khỏi các hình thức thập giá, bởi vì tất cả mọi người, dù muốn dù không, đều chung sống trong ‘nền văn hóa A-đam và E-và’, nền văn hóa bị ô nhiễm vì tội lỗi. Người ta có thể tránh được hình thức thập giá này, nhưng lại không thể tránh được các hình thức thập giá khác và hình thức thập giá cuối cùng là vực thẳm sự  chết, thì không ai có thể tránh được.

Chúng ta biết rằng với Bí Tích Rửa Tội chúng ta được khỏi Tội Nguyên Tổ, tuy nhiên, hậu quả của Tội Nguyên Tổ vẫn còn đó. Con rắn cám dỗ A-đam và E-và vẫn còn đó. Thánh Phê-rô nhắc nhở các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5,8).  Nhiều người trong chúng ta than trách Dân Do Thái, vì họ đã vô ơn bội nghĩa với Thiên Chúa trong Cựu Ước và đã đối xử bất nhân với Đức Giê-su Ki-tô trong thời Tân Ước. Tuy nhiên, như Dân Do Thái xưa kia, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về sự vô ơn bội nghĩa của mình đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và đi ngược với Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô, ngược với những giá trị Tin Mừng mà Người loan báo (Pl 3,17-19).

Chúng ta hằng bị cám dỗ ‘bỏ Đường Thập Giá’ hoặc ‘xuống khỏi thập giá’ như các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và nhiều người khác nói với Đức Giê-su Ki-tô khi Người chịu treo trên thập giá (Mt 27,39-44; Mc 15,29 -32; Lc 23,35). Đức Giê-su Ki-tô, trong thân phận con người, bị cám dỗ ‘bỏ Đường Thập Giá’ hoặc ‘xuống khỏi thập giá’, nhưng Người đã ‘không sa chước cám dỗ’, Người đã trung tín với chương trình của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Nhiều người trong chúng ta muốn niềm vui mà không cần đau khổ, muốn tình yêu mà không cần hi sinh, muốn phục sinh mà không cần thập giá, muốn sự sống mà không cần phải chết, muốn về với Thiên Chúa mà không cần đi Đường Thập Giá.

Trong bài Giảng Lễ tại Casa Santa Marta (11-11-2016), Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói về những người ngộ đạo thời hiện đại (contemporary gnostics) rằng họ ưa thích “một Thiên Chúa mà không có Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô mà không có Giáo Hội, một Giáo Hội mà không có các tín hữu”. Theo dòng tư tưởng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, chúng ta có thể nói rằng trong thế giới hôm nay vẫn còn đó những người ưa thích một Đức Giê-su Ki-tô xuống thế làm người mà không chịu đau khổ, một Đức Giê-su Ki-tô chịu đau khổ mà không chịu treo trên thập giá, một Đức Giê-su Ki-tô chịu treo trên thập giá mà không phải chết. Tắt một lời, họ muốn một Đức Giê-su Ki-tô toàn năng, toàn thiện đến với con người, không qua Đường Thập Giá mà vẫn đạt tới sự sống bất diệt, để rồi họ cũng được hưởng sự sống đó theo cách thức như vậy.

Cách đây gần 2000 năm, trong thư thứ nhất gửi tín hữu ở Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết rằng: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 22-25). Với thánh Phao-lô, thập giá trở thành biểu tượng của sự nghịch lý từ khi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, cúi xuống vác lấy và chịu đóng đinh trên đó. Cũng từ đó, thập giá trở thành thánh giá, biểu tượng của niềm tin, hy vọng và vinh thắng đối với những ai là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô qua mọi thời đại. Kinh nghiệm về Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô mà thánh Phao-lô có được cũng là kinh nghiệm của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Đức Giê-su Ki-tô đã chọn Đường Thập Giá để đem lại sự sống cho con người. Đường của Người ngược với đường của A-đam và E-và, vì đường của Nguyên Tổ dẫn đến sự chết. Chiêm ngắm Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô cho phép chúng ta cảm nghiệm được chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa đã không chọn đi con đường nào khác để đến với con người ngoài Đường Thập Giá. Như vậy, Đường Thập Giá phải là đường có ý nghĩa nhất.

Nếu chúng ta tin tưởng rằng Đức Giê-su Ki-tô đã đau khổ, chịu nạn, chịu chết vì chúng ta, thì chúng ta cũng tin tưởng rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn bao phủ chúng ta. Đồng thời, chúng ta không bao giờ thất vọng cho dù chúng ta phải đương đầu với muôn vàn thử thách và ngay cả vực thẳm sự chết. Chúng ta đau khổ ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đau khổ với chúng ta. Chúng ta buồn sầu ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta cô đơn ư? Đức Giê-su Ki-tô luôn bên cạnh chúng ta. Chúng ta chán nản ư? Đức Giê-su Ki-tô luôn là nguồn trợ lực của chúng ta.

Trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su Ki-tô mời gọi mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Trên đường dương thế, Đức Giê-su Ki-tô vẫn luôn đồng hành với mỗi người chúng ta trong mỗi giây phút của cuộc đời. Người vẫn đồng hành để chia sẻ và nâng đỡ chúng ta. Vấn đề của mỗi người chúng ta là ý thức sự hiện diện và hoạt động của Người trong đời sống mình, nhất là những lúc chúng ta phải đối diện với ‘gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo’ (Rm 8,35). Với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Bóng tối cuộc đời phai mờ khi bình minh Đức Giê-su Ki-tô tỏa rạng.

Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta dâng đau khổ của chúng ta cho Người. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta biết cảm thông với những đau khổ của người khác. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta trung tín với ơn gọi Ki-tô hữu của mình giữa những bấp bênh của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta đi Đường Thập Giá khi chúng ta cố gắng sống đời công chính, thánh thiện giữa muôn hình thức cạm bẫy ở thế gian này. Chúng ta đi Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô khi chúng ta sống trong tinh thần biết ơn Chúa, biết ơn người trong mọi hoàn cảnh của đời mình, nhất là những lúc chúng ta phải đối diện với muôn hình thức đau khổ, khó khăn.

Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá và Người mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy đi trên Đường đó. Thánh ký Mác-cô cho chúng ta biết rằng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, khi căn tính của Người là ‘Đấng Ki-tô’ được biểu lộ, Người nói với các môn đệ về Đường Thập Giá của mình: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Đồng thời, Người mời gọi họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,34-36).

Chương trình của Thiên Chúa qua Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô, qua Đường Thập Giá luôn là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Chương trình này vượt quá sự nhận thức của con người. Do đó, Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô vẫn mãi mãi là ‘đường điên rồ’ đối với ai coi sức mạnh vật chất, sức mạnh thể lý hay sức mạnh tri thức như là khí cụ toàn năng để thiết lập các tương quan, để tiếp cận vạn vật, để hoàn thiện chính mình. Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô vẫn mãi mãi là ‘đường ô nhục’ đối với những ai đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa khoái lạc và tôn thờ những vị thần không đụng chạm hay nếm trải bất cứ hình thức đau khổ nào của con người.

Hôm nay, Đức Giê-su Ki-tô đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi Đường Thập Giá với Người. Đường Thập Giá là đường hi sinh, quên mình, từ bỏ, hy vọng, tín thác. Đường Thập Giá luôn luôn là đường chân thật hay nói đúng hơn, Đường Thập Giá là ‘Đường Duy Nhất Chân Thật’. Đức Giê-su Ki-tô đã đi Đường Thập Giá để đến với thế giới thụ tạo, đến với chúng ta. Do đó, chúng ta đừng chọn đường theo ý riêng mình nữa. Chúng ta hãy đi theo Đường Thập Giá của Người và phản chiếu ánh sáng của Đường này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
Chủ tịch UB Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi / HĐGMVN

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận