SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN – A
Lời Chúa: Ml. 1,14b – 2,2b.8-10; 1Tx. 2, 7b-9.13; Mt. 23, 1-12
1. GIẢ HÌNH
TGM Giu-se Vũ Văn Thiên
Từ điển Công giáo định nghĩa giả hình là “hình thức dối trá, giả vờ có các nhân đức hoặc lòng đạo đức mà thực ra bên trong không có”. Tội giả hình đã bị lên án gay gắt trong Cựu ước. Quả vậy Thiên Chúa đã phán trong ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta (Is 29,13). Chúa Giê-su trích dẫn nguyên văn những lời này, trong khi một số người biệt phái phê phán các môn đệ vì không rửa tay trước khi ăn (x.Mc 7,1-8)
Tội giả hình đã ăn sâu nơi bản chất con người. Tâm lý tự nhiên, ai cũng muốn mình được nhiều người biết tới và khen ngợi tung hô. Không chỉ che mắt người đời, người ta còn giả hình trước mặt Thượng Đế và các thần linh nữa. Những câu chuyện liên quan đến những chiếc bánh chưng, bánh giày vĩ đại mà lại có xốp bên trong để tiến Vua Hùng cách đây vài năm đã cho thấy điều đó. Nhiều người cho rằng “Dương sao âm vậy; con người sao thì thần linh cũng vậy”, cho nên họ đút lót hối lộ các vị thần thánh để được bổng lộc chức tước, vì nghĩ rằng “tốt lễ thì dễ kêu”.
Thiên Chúa không có nhu cầu nhận lễ vật. Đôi khi lễ vật làm cho ngài không vui. Ngôn sứ Hô-sê đã thuật lại lời Đức Chúa: “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi. Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).
Nội dung Lời Chúa của Chúa nhật này gồm những lời oán trách. Đối tượng của những lời oán trách gay gắt ấy lại là những tư tế. Như chúng ta đã biết, các tư tế là thành phần ưu tuyển, được chọn trong chi tộc Lê-vi. Họ là trung gian giữa Thiên Chúa và Dân Người, để chuyển tải phúc lành của Chúa cho dân và để thay mặt dân dâng lời thỉnh cầu lên Chúa. Nhiệm vụ thì cao cả là thế, nhưng con người tư tế thì lại đầy những thấp hèn. Qua ngôn sứ Ma-la-khi, Thiên Chúa đã khiển trách các tư tế nặng lời, thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt: “Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân, vì các ngươi không giữ đường lối Ta, và hay nể vì khi áp dụng Luật”. Chắc hẳn các tư tế thời ngôn sứ Ma-la-khi đã có nhiều lỗi phạm và sa đọa trong đời sống. Họ là những người giả hình. Bởi lẽ lời giảng dạy của họ thì tốt lành cao siêu, nhưng cuộc sống của họ thì không được như vậy.
Vào thời Chúa Giê-su, Phụng vụ Đền thờ Giê-ru-sa-lem cũng nhuốm màu thương mại. Chúng ta còn nhớ sự kiện Đức Giê-su chắp dây thừng làm roi, xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ với lời khiển trách: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Lc 19,46). Cả bốn tác giả Phúc âm đều thuật lại sự kiện này, trước sự ngỡ ngàng của độc giả. Có lẽ các tư tế thời ấy cũng tham lam, ăn hối lộ và sống buông thả bê tha. Chúa Giê-su đã khiển trách họ: “Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài…” Đúng với định nghĩa về giả hình trên đây. Họ tỏ ra đạo đức thánh thiện, nhưng trong thực tế thì ngược lại.
Lời khiển trách của Chúa Giê-su phải là điều suy niệm nghiêm túc của các linh mục. Bởi lẽ các linh mục hôm nay là những tư tế của Giao ước mới. Các ngài được tham dự vào chức tư tế của Đức Ki-tô. Tuy vậy, các linh mục vẫn là những con người, vẫn mang trong mình tham, sân, si và hỷ, nộ, ái, ố của kiếp nhân sinh. Linh mục là người rao giảng Chúa Ki-tô chứ không phải rao giảng chính mình. Những lời giáo huấn của Chúa Giê-su ở phần hai của bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên ý nghĩa những danh xưng mà chúng ta thường sử dụng. Nếu chúng ta gọi các linh mục là “cha”, không có nghĩa là nhằm tôn vinh cá nhân của các ngài. Bản thân linh mục, khi được người ta gọi là “cha”, phải luôn tâm niệm, mình phải trở nên hiện thân của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn nhân từ và yêu thương gần gũi mọi người. Có tác giả gọi danh xưng “cha” của linh mục hay danh xưng “bề trên” của các dòng là những danh xưng mang tính bí tích, tức là những dấu chỉ hướng người ta về một thực tại cao siêu vô hình. Bản thân những người được gọi với những danh xưng này phải cố gắng mỗi ngày để dần dần nên xứng đáng với những danh xưng ấy. Linh mục với danh nghĩa là “cha” phải làm cho người khác thấy hình ảnh Chúa Cha nơi cuộc đời mình.
Một cách rất tự tin, thánh Phao-lô tâm sự với giáo dân Thê-xa-nô-li-ca, đồng thời nêu chính bản thân mình như mẫu gương của đời sống khiêm nhường, bác ái. Ngài tự làm việc kiếm sống, không muốn mình trở nên gánh nặng của tín hữu. Ước chi các tư tế của Giao ước mới, tức là các linh mục, cũng biết noi gương vị thánh tông đồ, luôn sống thánh thiện để không trở nên gánh nặng cho Dân Chúa, hiểu theo mọi chiều kích khác nhau.
Sự giả hình dường như ăn sâu nơi mỗi người chúng ta. Tin vào quyền năng của Thiên Chúa, xác tín vào sự hiện diện của Người, sẽ giúp chúng ta sống ngay thẳng và trung thực hơn, vì hằng giây hằng phút, chính Chúa đang ngắm nhìn chúng ta.
2. QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ
Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt
Lời Chúa hôm nay thật mạnh mẽ, khiến ta bàng hoàng, chới với. Phải chăng Chúa muốn phá đổ tất cả những cơ chế trong xã hội và trong Giáo Hội? Phải chăng tất cả chúng ta đều sai lầm? Có lẽ không nên hiểu theo nghĩa đen của mặt chữ nhưng phải hiểu theo tinh thần. Qua chân lý: Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em, Chúa muốn dạy ta phải sống những quan hệ với xã hội theo một tinh thần mới gồm 3 khía cạnh sau đây.
1- Mọi người đều bình đẳng. Mọi người bình đẳng trong xã hội vì tất cả đều là người. Là người như nhau nên phải được kính trọng như nhau. Cũng thế, mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Cùng là hình ảnh Thiên Chúa, nên mọi người phải kính trọng nhau. Mọi người đều là con của Cha trên trời và đều là anh em với nhau. Nên mọi người đều phải vâng phục Thiên Chúa và yêu thương anh em chung quanh mình.
2- Chức vị chỉ là một phân công. Một xã hội phải có tổ chức. Có tổ chức nên có nhiều công việc. Phân công để công việc chung được trôi chảy. Hơn nữa phải hiểu rằng mọi quyền lực đều đến từ Thiên Chúa. Làm cha mẹ là được thông phần vào quyền làm Cha của Thiên Chúa. Làm người lãnh đạo là được dự phần vào quyền cai trị của Thiên Chúa. Con người không tự mình chiếm đoạt được chức vị, nên phải khiêm nhường nhận biết ơn Chúa ban vì lợi ích của tập thể.
3- Chức vị là để phục vụ. Hãy nhìn vào một gia đình. Trong gia đình cha mẹ là quan trọng nhất, là người điều khiển gia đình. Nhưng chính cha mẹ lại phục vụ nhiều nhất. Cha lao động vất vả. Mẹ cực nhọc chăm sóc con thơ. Nhìn bề ngoài cha mẹ không khác người giúp việc. Nhưng cha mẹ điều hành gia đình trong khi phục vụ con cái thơ dại. Cha mẹ đã dùng quyền để yêu thương và phục vụ. Cũng thế, người có nhiệm vụ trong Giáo Hội và trong xã hội phải là người có lòng yêu mến anh em. Chu toàn nhiệm vụ với tình yêu thương sẽ giúp ta biết phục vụ bằng chức vụ của mình.
Không ở đâu ta có thể tìm gương mẫu cho những lời Chúa dạy hôm nay bằng tìm nơi chính Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt trong bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể đưa ta về phòng Tiệc Ly, nơi Chúa ăn bữa tối cuối cùng với các môn đệ. Trong khi ăn, Chúa đứng dậy, cầm chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ. Rồi Chúa nói: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân nhau. Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em?” (Ga 13,12b-15). Quyền bính để phục vụ. Không còn minh họa nào sinh động hơn. Không còn giải nghĩa nào sáng tỏ hơn hình ảnh Chúa quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Không còn lệnh truyền nào thuyết phục hơn, vì chính Chúa đã làm gương trước.
Bí tích Thánh Thể cho ta thấy sự hiến thân phục vụ của Chúa Giêsu. Trở thành tấm bánh là để trở thành lương thực nuôi con người. Không trở thành một tượng đài uy nghi để mọi người cung kính. Không trở thành một trang sức quý giá để mọi người trân trọng. Nhưng trở thành tấm bánh để phục vụ con người. Trở thành lương thực là trở thành những gì gần gũi nhất. Trở thành lương thực là chấp nhận phục vụ sự sống: chịu nhỏ bé đi để người khác được lớn lên, chịu đau khổ cho người khác được hạnh phúc, chịu chết đi cho người khác được sống. Bí tích Thánh Thể là một mẫu gương về quyền bính phục vụ. Thiên Chúa phục vụ con người. Người Cha hy sinh cho hạnh phúc của con cái. Chúa tể vũ trụ hiến thân nuôi dưỡng loài thụ tạo.
Như thế, bí tích Thánh Thể thiết lập một mối quan hệ mới giữa con người. Quyền bính là để phục vụ. Nếu hiểu và thực hành Lời Chúa dạy hôm nay, ta sẽ biến đổi bộ mặt thế giới. Thế giới sẽ trở nên một gia đình ấm cúng chan chứa tình người. Xã hội sẽ tươi đẹp vì sống theo nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.
Năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng mầu nhiệm Thánh Thể phải tiếp tục mãi mãi trong cuộc đời chúng ta. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là biết quan tâm phục vụ anh chị em. Sống mầu nhiệm Thánh Thể là duy trì sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa xã hội, giữa cuộc đời chúng ta. Hiện diện đó là một tấm bánh bẻ ra cho một thế giới phát triển, một thế giới chan hòa yêu thương, một thế giới hạnh phúc thực sự.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, phục vụ mọi người trong tình yêu thương.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Tại sao mọi người đều bình đẳng?
2- Chức vị chỉ là một phân công trong Giáo Hội, bạn hiểu điều này thế nào?
3- Quyền bính là để phục vụ. Bạn thấy điều này đã ứng dụng ở đâu?
4- Bạn phải làm gì để sống bí tích Thánh Thể theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay?
3.SỐNG GIẢ HÌNH
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi
Lối sống giả hình của Pharisêu, Biệt phái và những người Do Thái xưa làm Chúa Giêsu phẫn nộ và chống đối. Chúa đến để chu toàn lề luật. Ngài kêu gọi con người sống hoàn thiện như Cha trên trời. Những vị lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu sống giả hình, họ cùng với những người Biệt phái, nhóm Pharisêu bầy ra đủ thứ luật lệ. Họ chỉ vẽ ra luật lệ nhưng thực tế họ không bao giờ giữ mà lại bắt người khác giữ. Chúa Giêsu lên án thái độ sống giả hình những vụ việc của những hạng người này, đồng thời Ngài còn muốn dạy đám đông dân chúng và các môn đệ của Ngài về tinh thần mới của lề luật.
Vâng, đọc Tin Mừng của Đức Kitô, chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, từ những vụ việc nực cười đến chảy nước mắt, đặc biệt khi chúng ta chứng kiến lối sống giả hình, đầy cao ngạo của những người Biệt phái và Pharisêu: “ Họ giống mồ mả tô vôi bên ngoài trông đẹp mắt, trông lòe loẹt nhưng thực chất bên trong là hôi thối, là xương khô như lời Chúa cảnh giác “. Những người Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái và những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó luôn tìm vinh danh cho bản thân của mình. Do đó, họ muốn được người khác bái chào, tung hô ngoài đường, nơi công cộng. Họ mặc áo dài, áo thụng, tay đeo thẻ kinh. Họ kênh kiêu, ngạo mạn muốn người ta coi trọng, tung hô, và nhận biết địa vị của mình.Họ khinh chê kẻ khác, đặc biệt những người nghèo khổ, thấp cổ bé họng vv…Tin Mừng đã thuật lại hình ảnh, lối sống, cách ứng xử của lớp người giả hình này. Họ đầy tội lỗi nhưng lại kết án người khác, muốn tiêu diệt kẻ khác.Ví dụ người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và nhóm giả hình muốn Chúa Giêsu ra lệnh ném đá người phụ nữ này đã cho chúng ta thấy bộ mặt đầy giả hình của họ hoặc người Biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện.Những ví dụ ấy cho chúng ta nhận ra bộ mặt thật của những người có lối sống giả hình, những con người đầy kiêu hãnh, tự kiêu, biến dạng. Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng toàn diện đối với Do Thái giáo, vì Do Thái giáo bầy ra nhiều điều cấm kỵ, dị dạng: ” Người ta không được ăn thịt heo, thịt thú chết ngạt, không được sờ đụng vào xác chết, không được ngồi đồng bàn với người thu thuế, những người tội lỗi, những người ngoại giáo…phải đóng thuế rau thì là, rau húng vv…Những người Pharisêu, những người Do Thái đã bầy đặt đủ thứ luật lệ quá tỉ mỉ, nặng nề làm dân chán ngán, ngột ngạt “. Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia nói với những người Pharisêu và những người Do Thái: ” Dân này tôn kính Ta bằng môi, bằng miêng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì Giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân “ và Ngài nói tiếp: ” Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, và duy trì truyền thống của người phàm “ ( Mc 7, 8 ).
Thái độ sống giả hình của những người Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái,của những người lãnh lãnh đạo tôn giáo lúc xưa đã khiến họ không nhận ra khuôn mặt thật của chính họ, khiến họ càng ngày càng xa rời Thiên Chúa. Thái độ sống giả hình của họ cũng làm biến dạng khuôn mặt đầy yêu thương, nhân từ và lòng thương xót của Thiên Chúa.Nên, chính họ đi sai đường lối Chúa, đồng thời họ cũng kéo theo và làm cho nhiều người khác bị chao đảo bước chân theo họ. Lối sống của họ không phải là Phúc Âm nhưng chính là cái vinh quang tạm bợ, cái danh vọng hão huyền của chính họ.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con nhận ra chính Chúa là Đấng thiện hỏa, đầy lòng từ bi nhân hậu và cho chúng con nhận ra chúng con chỉ là loài thụ tạo yếu hèn, luôn cần có Chúa và xin cho chúng con biết yêu thương, tha thứ, cảm thông với tha nhân như chính Chúa đã làm cho chúng con.Amen.
Gợi ý để chia sẻ :
1. Sống giả hình là thế nào ?
2. Tại sao những Pharisêu, Biệt phái và Kinh sư lại chống đối Chúa Giêsu ?
3. Tại sao những Pharisêu và Biệt phái lại bầy ra nhiều thứ luật lệ ?
4. Chúa đến trần gian có phải để phá lề luật không ?
5. Thái độ sống giả hình có tốt không ?
4XIN ĐỪNG NÓI MỘT ĐÀNG LÀM MỘT NẺO
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Có một so sánh vui như sau: Cả thế giới đều phải kiêng nể người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Người Nhật lại sợ Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Người Trung Quốc lại sợ Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo…
Dẫu rằng cha ông ta vẫn dạy con cháu rằng: “Nói chín thì nên làm mười. Nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Thế nhưng, “nói nhiều, làm ít” đang là một căn bệnh khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Từ quan lớn đến quan bé đều hứa nhiều mà làm chẳng bao nhiêu. Ngay trong gia đình cũng thiếu đi gương sáng khi lời nói không nhất quán với việc làm. Ngoài xã hội người ta dễ dàng thất tín, thất hứa khi cái lợi chẳng còn, thì người ta sẵn sàng “nói một đàng làm một nẻo” để tìm an toàn cho bản thân.
Tin mừng hôm nay, Chúa quở trách người Pha-ri-sêu nói mà không làm. Giữa lời nói và hành động thì luôn mâu thuẫn. Họ đọc kinh nhưng không có lòng mến Chúa mà chỉ để phô trương. Họ thích được chào hỏi nhưng lại thiếu lòng khiêm cung. Họ sống giả hình. Họ sống hai mặt. Họ hô hào làm việc nhân nghĩa nhưng bản thân thì chẳng buồn động ngón tay. Vì thế, Chúa Giê-su đã không ngần ngại vạch trần lối sống giả hình ấy. Người nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Người giả hình còn nhiều tật xấu khác mà Đức Giêsu không tiếc lời chỉ trích. Như tính khoe khoang công đức, thích ăn trên ngồi trước, ưa được kính trọng chào hỏi nơi công cộng, và muốn người ta gọi mình là “thầy”.
Xã hội hôm nay cũng có rất nhiều người mang dáng dấp của những người biệt phái. Cũng háo danh, cũng khoa trương. Làm ít nói nhiều, đôi khi chẳng làm nhưng vẫn thích kể công. Ở nơi này nơi kia ta vẫn thấy có người thích được làm ông này bà kia nhưng không để phục vụ cộng đoàn mà chỉ lấy tiếng khen ở đời. Có những cộng đoàn thích khoa trương bằng lễ hội linh đình nhưng lại bỏ rơi người nghèo, người bất hạnh. Có những người nói rất hay, lên kế hoạch rất giỏi nhưng chẳng bao giờ thực thi lời mình đã nói, đôi khi còn sống ngược lại những lời mình rao giảng. Có lẽ chúng ta cần phải lắng nghe lời của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã nhắc nhở: “Con người ngày nay không cần những thầy dạy nói suông, nhưng cần những chứng nhân sống điều họ nói”. và Đức Thánh Cha Phanxico cũng nói: “Mục tử tốt lành là người đến với những người bị loại bỏ hất hủi, là người có lòng thương xót và không xấu hổ khi đụng chạm đến các thân thể bị thương tích. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị thì luôn tìm cách tiếp cận với quyền lực hoặc là tiền bạc. Họ chỉ nghĩ đến việc leo lên nắm quyền cao hơn, nghĩ đến làm bạn với quyền lực và thỏa hiệp với mọi thứ hoặc nghĩ đến túi tiền của họ (bài giảng Thánh lễ 30/10 tại nhà nguyện thánh Marta).
Vâng, đời sống của người ky-tô cần phải thể hiện đức tin của mình qua hành động. Hành động bác ái yêu thương tha nhân. Hành động tìm vinh danh Chúa chứ không phải làm để lấy tiếng khen, tiếng thơm để đời. Hành động vì lòng mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn chứ không đơn thuần là việc bác ái làm qua loa, chiếu lệ.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước khi dạy. Tuy Người là Chúa và là Thầy, nhưng Người luôn coi mình như bạn hữu, như anh em, và nhất là như đầy tớ phục vụ và yêu thương các môn đệ cho đến cùng. Như thế, “làm lớn” theo quan điểm của Đức Giêsu chính là cúi xuống trước anh em để chân tình phục vụ họ trong yêu thương.
Ước gì người ky-tô hữu chúng ta đang sống trong một xã hội có rất nhiều người nói một đàng làm một nẻo chúng ta hãy sống chứng nhân bằng hành động và lời nói luôn đi đôi với nhau. Xin cho niềm tin của chúng ta luôn được xây dựng bằng lòng mến nồng nàn, bằng đức tin kiên vững để nhờ đó chúng ta luôn tìm vinh danh Chúa trong từng lời nói việc làm của mình. Amen
5NÓI MÀ KHÔNG LÀM
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Bệnh khoe khoang lúc mào cũng có và thường biểu hiện nói hay mà không làm được. Theo phân tích, nói mà không làm có ba trường hợp: Khoe khoang – Tự ái thiếu tự chủ – Chủ quan. Còn Chúa Giêsu đưa ra trường hợp của những người Pharisêu và biệt phái, hàng kì mục, việc họ nói mà không làm chủ ý để tố cáo người khác để tôn mình lên.
Khoe khoang:
Người khoe khoang thường hay phô trương thành tích của mình hoặc có khi chẳng phải của riêng mình lập được. Khoe khoang là một căn bệnh để thuyết phục người khác tin vào khả năng của mình; nhưng thực chất, người khác cũng biết rằng họ có tật hay khoe khoang chứ chẳng làm được việc gì. Chúa Giêsu cũng thấy ở nơi những người kinh sư và biệt phái có căn bệnh này, nên Thánh Phaolô cũng khuyên bảo: “Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Th 3,10-12).
Tự ái, thiếu tự chủ.
Tính bốc đồng hay trong lúc mất kiểm soát bản thân, người ta cũng thường lên tiếng dạy đời như mình đã từng trải hoặc vỗ ngực ta đây hứa hẹn nhiều việc, cuối cùng không làm gì được. Khoe khoang, vỗ ngực, một ngày nào đó người ta cũng nhận ra một điều “thùng rỗng kêu to”. Không biết lúc đó sẽ ra sao khi mọi người đều biết điều mình nói mà làm không tới đâu. Cẩn thận trong lời nói và lời hứa bao giờ cũng hơn. Đó là hành vi biết mình làm được gì và cố gắng làm được gì trong khả năng để tạo niềm tin tưởng nơi người khác. Chúa bảo: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? 17Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt 7, 16 – 17)
Chủ quan
Tính chủ quan đôi khi thiếu xem xét, cân nhắc khi bắt tay vào việc, để rồi không đi tới đâu. Người ta thường chê bai “đầu voi đuôi chuột” của những người làm ít nói nhiều hiệu quả không tới đâu. Chúa dạy bảo cần cân nhắc trước khi làm việc gì: “ “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc” (Lc 14, 28 – 29).
Lỗi người biệt phái.
Chất gánh nặng trên người khác, đó là hành vi xét nét người khác theo tiêu chuẩn của mình mà không quan tâm đến lề luật quan trọng: “Yêu thương như Chúa yêu thương”. Đôi khi lên án người khác để minh chứng mình vô tội hoặc vô can trong sự lỗi của người anh chị em. Trong đời sống cũng như trong lời cầu nguyện cũng thường hay như: “Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18, 11 – 12). So sánh hơn người khác về mặt này mặt kia, nói như ngày nay “dìm hàng” để tôn mình lên, một điều chẳng hay tý nào, nhất là trong môi trường kinh doanh là giết hại lẫn nhau, cuối cùng chẳng ai thắng mà chỉ thua.
Kết lại Chúa dạy hãy lấy yêu thương mà phục vụ lẫn nhau như chính Chúa đã yêu thương và phó mình vì tình yêu, “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23, 11 – 12).
6ĐỪNG SỐNG GIẢ DỐI KIỂU BIỆT PHÁI
Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển
Sống trên đời, ai cũng muốn cho mình được trọng vọng. Sự huênh hoang tự đắc gần như nó đã bén sâu trong tâm trí con người ở mọi thời. Vì thế, nhiều người đã cố gắng bằng mọi cách có thể để ngụy trang cho mình, hầu mong đạt được mục đích.
Những kiểu cách này, đã được các Luật Sĩ và Biệt Phái khai thác triệt để và sử dụng chúng như lá bùa hộ mệnh cho mình.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã thấu hiểu tường tận những con người này, vì thế, chúng ta không lạ gì khi dạy các môn đệ và dân chúng bài học khiêm nhường, Ngài đã đưa ra hình ảnh đối lập nơi những Luật Sĩ và Biệt Phái để làm toát lên tác hại của sự dối trá, giả hình.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trung thành, khiêm tốn, làm việc trong sự thật và lòng mến. Có thế, công việc của chúng ta mới được đẹp lòng Chúa, nếu không, hẳn sẽ thất bại.
1/ Ý Nghĩa Lời Chúa
Khởi đi từ bài đọc I cho chúng ta biết: sau khi vua Cyrô cho dân Dothái được hồi hương và tự do thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hồ hởi, nhiệt huyết buổi ban đầu dần dần lắng lại và vụt tắt, nhường chỗ cho sự ươn lười, chểnh mảng của cả người lãnh đạo lẫn dân chúng. Vì thế, dẫn đến hệ quả là: người dân thì sống vô cảm, tranh dành và ganh tỵ với nhau, còn những nhà lãnh đạo thì quan liêu, hách dịch, tự kiêu, bảo thủ và dối trá…
Đúng lúc đó, tiên Malakhi xuất hiện, ngài đã vạch trần nguyên nhân của sự xuống cấp này, đồng thời chỉ cho thấy trách nhiệm thuộc về các vị lãnh đạo. Họ đã không tìm ý Chúa để thực thi, nhưng họ đã thượng tôn chính kiến của mình và tìm những lợi lộc thấp hèn cho riêng bản thân.
Khi đến, tiên tri Malakhi đã kêu gọi họ sám hối để được tha thứ, tránh được cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và giao hòa lại với Ngài, hầu xứng đáng là người thay mặt Chúa, hướng dẫn dân đi theo đường công chính.
Sang bài đọc thứ II, thánh Phaolô đã trở nên vị lãnh đạo đối lập lại với các nhà lãnh đạo của thời tiên tri Malakia trong bài đọc I. Thánh nhân đã luôn tìm thánh ý Thiên Chúa để thực thi. Luôn quy chiếu mọi vinh dự và vinh quang về Thiên Chúa, còn bản thân của ngài thì chỉ là đầy tớ phục vụ trong lòng mến.
Chính tâm tình như thế, thánh Phaolô đã trở thành mục tử luôn hy sinh, sống hết lòng vì đoàn chiên được trao phó. Sống tinh thần phục vụ chứ không để người khác phục vụ… Chính gương sáng đó nơi ngài mà dân thành Thêxalônica có một đời sống đạo thật vui tươi, hân hoan và yêu thương nhau.
Sang bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã chỉ rõ cho các môn đệ và dân chúng về ích lợi của sự khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường sẽ làm cho tư cách và hành động của người môn đệ trở nên hấp dẫn, vì lời nói và hành động của họ đi đôi với nhau.
Đời sống và cung cách ứng xử của người loan báo Tin Mừng cần tránh hết sức bao nhiêu có thể những thói kiêu căng, cứng ngắc, hám danh, thích quyền và sai khiến như các Luật Sĩ và Biệt Phái. Vì thế, tư cách của nhà lãnh đạo theo tinh thần của Chúa, chính là: khiêm nhường, tự hạ, trung thực, hiền lành, lắng nghe, đơn sơ, và hăng say phục vụ chứ không mong được người khác phục vụ. Có được những đặc tính đó, người môn đệ sẽ hành động vì Chúa, nhân danh Chúa và quy hướng về Ngài hết thảy.
2/ Lối sống giả hình của những “Rapbi” Dothái
Hình ảnh và đời sống của người kiêu ngạo và khiêm nhường luôn luôn đối lập nhau. Kiêu ngạo, giả dối là thuộc về phe ma quỷ, còn khiêm tốn là thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Người đi theo ma quỷ, hẳn sẽ thuộc về chúng với tất cả những đặc trưng của chúng. Người thuộc về Thiên Chúa thì luôn mang trong mình phẩm hạnh của Ngài.
Khi thấy được những Luật Sĩ và Biệt Phái sống kiểu quen trò bịp bợm thói lưu manh…, Đức Giêsu đã không muốn để cho dân chúng bị mắc hợm và cũng không muốn các môn đệ của mình khi thi hành sứ vụ lại có một lối sống như họ. Vì thế, Ngài đã thẳng thắn phê phán họ cách công khai và hướng dẫn các môn đệ về cách thức thi hành Luật Chúa.
Vì thế, Đức Giêsu phán: “Những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm”. Không được sống kiểu: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều).
Nguyên nhân dẫn đến việc các Biệt Phái và Luật Sĩ sống giả đò nhân đức là vì:
Họ thuộc hạng người chỉ biết tìm lợi lộc cho mình, hám danh, muốn được mọi người ta ca tụng ở nơi công cộng là đạo đức, tốt lành.
Cũng chính vì những ý tưởng đó chủ đạo, nên họ mới nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo cốt để cho người ta chú ý và khen là mình đạo đức, khôn ngoan, chứ không nhằm nhắc nhớ mình nhớ đến luật Chúa hầu thực hành cho đúng cốt lõi của Luật.
Chính cách sống đó, dẫn họ đến thái độ ưa được người ta chào hỏi nơi công cộng, thích được ngồi cỗ nhất trong đám và mong muốn được người ta chào mình bằng thầy…
Nói chung, thực ra những người Luật Sĩ và Biệt Phái này họ thuộc hạng am tường Kinh Thánh thật. Nhưng điều đáng nói chính là sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của họ. Họ giải thích luật thật cặn kẽ và bó buộc người ta phải thi hành từng chi tiết. Tuy nhiên, với bản thân họ thì không hề để ý tới. Họ thuộc dạng nói một đàng, làm một nẻo: “Ngôn hành bất nhất”; hay: “Mồm miệng đỡ chân tay”.
Thấy được hình thức của họ, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ và dân chúng hãy vâng nghe lời họ giảng dạy khi họ nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, lòng đạo đức của họ thì hoàn toàn giả dối, vì thế không được làm theo.
3/ Sống Sứ điệp Lời Chúa
Khi nghe bài Tin Mừng, hẳn nhiều người trong chúng ta luôn có thái độ phê phán những nhà lãnh đạo tinh thần…, tuy nhiên, xét về một góc độ nào đó, mỗi người chúng ta cũng đang là những người nắm giữ vai trò đại diện cho Chúa khi đảm nhận trọng trách là người cha, người mẹ trong các gia đình, hay là những người lãnh đạo một hội đoàn, tập thể nào đó trong đạo… Vì thế, chung một sứ điệp, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy thống nhất trong việc giữ đạo và sống đạo. Giữa niềm tin và cuộc sống phải ăn khớp với nhau. Cần tránh kiểu: “Ngôn hành bất nhất” giống như những người Luật Sĩ và Biệt Phái. Đừng giống như những người lãnh đạo tinh thần Dothái khi xưa là: chỉ lo tô son trét phấn bên ngoài như kiểu mồ mả tô vôi, còn bên trong thì nhơ bẩn, thối tha như xương người chết. Nếu sống như vậy, chúng ta đâu khác gì những tay hề chuyên nghiệp trên sân khấu đang diễn một vở kịch châm biếm!
Mặt khác, cần tránh thói kiêu ngạo, khoe khoang, phô trương, giả hình và bất nhân… Bởi vì những tính cách đó là con đẻ của ma quỷ. Nhưng hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại và khiêm nhường. Sống trong tâm tình và thái độ của kẻ bé mọn, tôi tớ, đến để phục vụ chứ không phải được người khác phục vụ.
Thật vậy, đời sống khiêm nhường là thuộc về phẩm hạnh của Thiên Chúa và được Ngài yêu mến. Sống đức khiêm nhường là được ở trong Thiên Chúa. Hành động khiêm nhường sẽ được Chúa chúc lành. Người khiêm nhường sẽ thành công và được mọi người ca tụng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học cùng Chúa, vì Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN_A
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Anh chị em thân mến,
Tuần trước chúng ta cùng nhau suy niệm về một vấn đề được coi là cốt lõi trong đạo của Chúa. Đó là vấn đề có liên quan đến giới luật yêu thương. Hôm nay Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm tiếp về một trong những khía cạnh khác cũng có liên hệ đến vấn đề trên. Có thể nói đây là khía cạnh quan trọng nhất để giúp cho chúng ta dễ thực hiện giới luật yêu thương của Chúa. Đó là sự khiêm nhường, một nhân đức mà các nhà tu đức gọi là nhân đức nền tảng của đời sống thiêng liêng.
I. Như anh chị em đã biết khiêm nhường thì đối nghịch với kiêu ngạo.
- Mà Chúa thì không thích sự kiêu ngạo vì người kiêu ngạo thường không sống thực với lòng của mình.
– Người kiêu ngạo thường đánh giá mình theo cái mình có hơn là theo cái mà công đồng Vaticano II gọi là cái mình là.
– Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa hay đả kích những người Biệt phái và luật sĩ cũng chỉ vì họ sống như thế.
* Họ tưởng họ có được một mớ hiểu biết về luật pháp là họ đương nhiên trở thành Thầy dạy mọi người.
* Họ tưởng họ có cái quyền nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo là tất nhiên họ trở thành nhà mô phạm đối với mọi người.
* Họ tưởng họ có được một chỗ nhất trong đám tiệc, một chỗ cao trong hội đường là tự nhiên họ phải được mọi người nể vì và kính phục.
– Rõ ràng Chúa không bằng lòng với kiểu tự đánh giá mình như thế. Chúa có một cái nhìn khác về cuộc sống chứ không theo cái nhìn tầm thường như vậy.
* Đối với Chúa thì cuộc sống của những người biệt phái và luật sĩ chỉ là cuộc sống hình thức mà không có nội dung – có cái mã ở bên ngoài mà không có thực chất ở bên trong.
* Đã có rất nhiều lần Chúa quở trách họ một cách rất nặng lời. Thậm chí Chúa ví họ như những mồ mả bên ngoài sơn phết rất đẹp nhưng bên trong thì toàn là mùi xú uế.
– Đối với Chúa thì có phải nói có, không thì phải nói không. Và Chúa nhấn mạnh thêm: thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.
– Chúa thích cái gì là thật, là đúng.
Trong Tin Mừng Chúa đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em.” André Frossard thuộc viện hàn lâm Pháp là bạn thân của Đức thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã hỏi Ngài: “Thưa Đức Thánh Cha, nếu phải chọn lấy một lời duy nhất của Tin Mừng để công bố thì Đức Thánh Cha sẽ chọn lời nào?” Không một chút chần chừ, không cần phải suy nghĩ, Đức Thánh Cha trả lời ngay: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”. Sống theo sự thật là sống khiêm nhường. Thánh Têrêxa Avila đã quả quyết như thế.
- Vậy thì sống khiêm nhường là sống như thế nào?
– Thay vì đưa ra một ý kiến riêng tôi xin mượn cách trả lời của văn hào Dostoievsky. Theo ngôn ngữ của Dostoievsky thì sống theo sự thật là biết sống thực với căn tính của mình và góp phần vào việc xây dựng một mối quan hệ hoàn toàn mới đối với những người khác.
* Căn tính của tôi là gì ? – Chỉ là một thụ tạo không hơn không kém. Là một thụ tạo cho nên tôi phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, phải đặt mình dưới uy quyền của Ngài. Trong Tin Mừng có lần Chúa kể một câu chuyện về hai người lên đền thờ để cầu nguyện: Một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái cầu nguyện trong tư thế đứng thẳng, đứng giữa cung thánh và cầu nguyện bằng cách phô trương công đức truớc Thiên Chúa. Thái độ như thế không phải là thái độ của người khiêm nhường. Ngược lại người thu thuế cảm tháy mình bất xứng trước Thiên Chúa cho nên anh ta đứng cúi đầu xuống đấm ngực ăn năn và cầu xin lòng thương xót của Chúa. Thái độ như thế là thái độ của một thụ tạo khi đối diện với Đấng tạo thành. Và đó là thái độc của kẻ khiêm nhường. Trong Tin Mừng chúng ta còn thấy một lần kia, sau khi được chứng kiến mẻ cá lạ, Phêrô một ngư phủ dầy dặn về nghề đánh bắt cá, đã quì sụy lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa với Người: “Lạy Ngài . xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi.” Thái độ đó là thái độ của một thụ tạo và đó cũng là thái độ của người khiêm nhường.
* Và từ thái độ của một thụ tạo trước Thiên Chúa mà tôi phải đi tới một thái độ khác đó là tôi phải coi và đối xử với mọi người như anh em. Lý do tại sao thì Chúa đã cho biết trong Bài TM hôm nay:”Tất cả anh em đều là anh em với nhau”. Chúng ta là con của cùng một Thiên Chúa là Cha…và cùng là người được Chúa Giêsu cứu chuộc. Mọi thái độ có tính cách “cha-chú” đối với nhau đều không phải là thái độ của những người anh em và chắc là không phải là thái độ của những người biết sống khiêm nhường.
* Hơn thế nữa, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Chúa còn cổ võ một nếp sống có tính cách quyết liệt và cao hơn nữa: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ phải là người phục vụ”. Đây quả là một quan niệm thật mới và táo bạo thời đó. Giữa lúc các xã hội còn đang bị chi phối bởi chế độ quân chủ và đầu óc con người còn nặng chất phong kiến mà Chúa đã có một quan niệm như thế thì phải nói là rất cách mạng. Không những Chúa nói mà Chúa còn sống như thế: “Thầy đến không phải được phục vụ mà là để phục vụ”.
II. Ngày 22.10.1978, trước mặt đầy đủ các vị trong hồng y đoàn, có khoảng chừng 100 phái đoàn ngoại giao và có khỏang 70.000 tín hữu tụ tập lại ở công trường Thánh Phêrô để tham dự buổi lễ đăng quang của người kế vị đức Gioan Phaolô I lên ngôi giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tuyên bố sự khởi đầu triều đại Giáo hoàng của ngài bằng những lời rất cảm động sau đây: “Người kế vị mới của Phêrô trên tòa Roma này hôm nay xin được dâng lên Chúa Kitô một lời nguyện cầu thật chân thành, khiêm tốn và tin tưởng. Đó là xin cho có thể làm một nô bộc hay đúng hơn: làm nô bộc của các nô bộc của Người”. Và cho tới hôm nay thì người ta đã thấy Ngài đã sống như thế.
Trước đó, một vị Giáo hoàng cũng lấy danh hiệu là Gioan Phaolô. Đức Gioan Phaolô thứ I. Ngài chỉ sống trong chức vụ Giáo hoàng của Ngài một thời gian rất ngắn ngủi: 33 ngày. Nhưng cuộc sống của Ngài đã để lại nhiều ấn tượng thật tốt đẹp. Jean Villot vị thư ký riêng của Ngài đã nói về ĐứC THÁNH CHA với những lời lẽ cảm động như thế này: “Bên cạnh Ngài, tôi đã được sống những kinh nghiệm đạo đức phong phú nhất cuộc đời của tôi”
Trở về trước đó một chút nữa, ngày 14-12-1975, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giáo Hội Roma và Giáo hội chính thống Constantinopolis xóa bỏ sự khai trừ lẫn nhau có từ thế kỷ thứ 11 dẫn tới sự ly khai như Lịch sử đã cho chúng ta biết, một buổi lễ chính thức đã được cử hành long trọng trong nhà nguyện Sixtine nơi vẫn diễn ra các cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tham dự buổi lễ hôm đó có 40 vị hồng y, toàn thể ngoại giao đoàn, các đại diện dòng tu nam nữ. Buổi lễ diễn ra trong một bầu khí thật đạo đức và thánh thiện. Vào gần cuối buổi lễ, ĐứC THÁNH CHA Phaolô VI đã làm cho mọi người tham dự phải sửng sốt. Ngài tiến lại gần Đức Tổng Giám Mục Mêliten, vị Giáo chủ chính thống giáo, Ngài quì xuống, vén áo và hôn chân vị Giáo chủ này. Mọi người đều ngỡ ngàng.
Phải chăng đây là một sự hạ mình quá đáng? Làm như vậy có thế mất thể diện chăng? – Không. Không phải là hạ mình, cũng không phải là mất thể diện, mà là thể hiện tinh thần của Bài TM hôm nay.”Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Hiện nay tại Roma, người ta đang cổ vũ cho việc phong thánh cho Ngài. Dostoievsky nói: “Nếu mọi người hiểu được điều ấy thì thế gian này sẽ trở thành Thiên đàng”.Amen.
7CHÂN THÀNH
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Chân thành, nguyên ngữ Latinh là: Sincerus, a, um.
Sincera có một lịch sử. Ngày xưa, người La mã thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn, có lỗ, sứt mẻ, họ lấy sáp ong nhét vào những lỗ đó, rồi đánh cho thực trơn láng. Cũng giống như phụ nữ lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn. Những cột cẩm thạch nào không có sáp ong, là dấu tuyền vẹn, và gọi là: Sine cera; Sine: không, cera: sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này ghép lại thành một là “sincera”, và có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành thực, chân thành.
Tình thương giữa con người với nhau cần phải sinecera: không phấn sáp, không giả tạo, nhưng tự nhiên và chân thành.
Ngày xưa, Nữ Hoàng Saba nghe biết về sự khôn ngoan của Salomon nên đã gởi đến Nhà Vua hai bó hoa để thử xem sự khôn ngoan của ông tới đâu. Đó là một bó hoa thật và một bó hoa giả rất giống nhau. Vua đặt hai bó hoa lên bàn và liền mở cửa để cho bầy ong bướm bay vào. Thế là đàn ong bướm liền sà ngay xuống những bông hoa thật. Những bông hoa giả có sắc mà chẳng có hương, có hình dáng mà không có sự sống.
Những kẻ giả hình nói thì nhiều mà làm thì chẳng bao nhiêu, thậm chí nói suông mà không thực hành, dung túng cho mình, nghiêm khắc với kẻ khác.
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch trần sự giả hình của các Kinh sư, Pharisiêu.
– Giả hình: vì họ nói mà không làm
– Thích thống trị: Vì họ bó những gãnh nặng lên vai người khác, còn chính họ thì không buồn động động ngón tay vào.
– Thích khoe khoang: Vì họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
– Thích hám danh: Vì họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi nơi cộng cộng, được thiên hạ gọi là Rápbi.
Nghe Đức Giêsu mô tả khuôn mặt kẻ giả hình, xét mình ai cũng thấy dáng dấp của mình trong đó. Nếu không háo danh thì cũng khoa trương, nếu không kể công thì cũng thích được trọng vọng, nếu không ích kỷ cũng nói nhiều làm ít…
Những người Pharisiêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu đã nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc, giả hình làm hoen ố đạo thật. Nhân đó, Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời sống đạo:
– Chỉ dẫn 1: Lời nói đi đôi với việc làm:
Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ nhưng làm thì khó nên người ta để rơi vào thói nói nhiều, làm ít hoặc chỉ nói suông mà không làm hoặc còn tệ hơn khi việc làm mâu thuẫn với lời nói như người Pharisiêu “ nói mà không làm”. Trong những trường hợp ấy, nói về Đạo trở thành phản chứng làm cho người nghe khó chấp nhận Đạo.
Khi phê phán thái độ của người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn dạy chúng ta đừng nói nhiều nhưng hãy làm. Chính việc làm minh chứng Đạo thật, việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Người ta thích câu tục ngữ “Đừng nghe những gì người ta nói mà hãy nhìn kỹ những gì người ta làm“.
– Chỉ dẫn 2: Hãy làm một cách khiêm tốn.
Người Pharisiêu làm gì cũng muốn phô trương, muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Đeo rồi sợ người khác không nhìn thấy, họ phải đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương biến thành tự phụ, tự mãn, hợm hĩnh. Cho nên những người Pharisiêu luôn ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, ưa được chào hỏi nơi công cộng.
Khi phê phán người Pharisiêu, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ hãy thực hành đạo trong kín đáo: Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí đừng để tay trái biết việc tay phải làm (Mt 6,3). Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo.(Mt 6,6) (x. Chia sẻ Tin Mừng năm A, ĐGM Giuse Ngô Quang Kiệt).
Âm thầm làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến chân thực dẫn đến thái độ khiêm tốn, biết kính trọng ngươi khác, biết luôn phục vụ anh em.
Lời chỉ dẫn trên đây của Đức Giêsu giúp chúng ta sống chân thành và khiêm tốn. Người chân thành khiêm tốn chỉ sống những gì họ nói và chỉ nói những gì họ làm. Người chân thành khiêm tốn không nói láo, không giả hình, không tự cao cho mình hơn kẻ khác, không phê bình, không chỉ trích.
Ứng xử trong các mối quan hệ phải chân thành. Còn gì thất vọng cho bằng khi thấy những cử chỉ, thái độ, lời nói có vẻ lịch sự, bác ái nhưng thực tế lại giả tạo, xã giao miễn cưỡng, một thứ nguỵ tạo giả hình. Trước mặt niềm nở sau lưng nói hành nói xấu, gièm pha. Lối sống của Pharisiêu vẫn còn nhiều lắm trong đời sống thực tế hàng ngày. Sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh vực tình yêu đến lãnh vực văn hoá, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn thường dùng cái bên ngoài mà lừa đảo nhau. Vì vậy cần phải sống chân thành, tín nhiệm, tin tưởng nhau.
Kinh nghiệm cho thấy một người không chân thành thì khó được tín nhiệm “một lần bất tín, vạn sự bất tin”.
Trong bài đọc 1, Tiên tri Malakhi trách mắng nghiêm khắc những tư tế Do Thái làm việc cẩu thả, biếng nhác và giả dối trong khi thi hành tác vụ của mình. Sau khi đi lưu đày về, đền thờ đã được tái thiết, nền phụng tự đã được thiết lập lại, nhưng sự nhiệt thành của những ngày đầu tiên đã bị biến mất. Nhiều tư tế không còn lưu tâm đến trách nhiệm của mình, bỏ bê công việc tôn vinh danh Chúa, làm gương mù gương xấu khiến cho nhiều người đi sai đường lối Chúa và hủy bỏ giao ước. Họ không còn được dân chúng tín nhiệm vì họ không chân thành trong sứ vụ hàng ngày của mình.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2 nhắc lại với giáo đoàn Thessalonica tình yêu vô vị lợi, tình yêu dâng hiến mà ngài đã ân cần dành cho họ, như một người mẹ dành cho con cái mình. Ngài đã giảng dạy lời Chúa cho họ; họ đã đền đáp ngài cũng tràn đầy tình yêu. Thánh Phaolô sống chân thành với cộng đoàn, ngài đã không ngần ngại và vui mừng được trao ban cho họ chính cả mạng sống của mình. Đáp lại, mọi người đã sống trung thành với Lời Chúa. Lời Chúa đã phát huy tác dụng nơi cộng đoàn này, đã sinh hoa trái tốt đẹp nơi cuộc sống của mỗi người.
Thư Mục vụ tháng 10 năm 2017 của ĐGM Giáo phận Long xuyên, nói đến “Tin Mừng về sự Tín Nhiệm”.
Xã hội ngày nay, cụ thể tại Việt Nam, đang bị khủng hoảng về sự tín nhiệm. Cuộc khủng hoảng này đang tàn phá các tương quan trong mọi lãnh vực nhân sinh, tương quan trong gia đình giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau; tương quan trong gia tộc giữa thế hệ cha ông và con cháu; tương quan trong trường học giữa thầy và trò, giữa bạn học với nhau; tương quan trong bệnh viện giữa lương y và bệnh nhân; tương quan tại hàng quán giữa người bán và kẻ mua; tương quan trong các xí nghiệp nhà máy giữa những người thuộc giai cấp làm chủ và giai cấp công nhân; tương quan trong các công sở giữa những người hành sử quyền bính và dân chúng. Sự khủng hoàng này cũng có những dấu hiệu đang hiện diện trong các cộng đoàn Kitô hữu của giáo phận. Biểu hiện của sự khủng hoảng tín nhiệm này là thái độ nghi ngờ lẫn nhau và đối phó ngay cả với những người thân. Kết quả là sự cô đơn và ích kỷ, bất hạnh và thất vọng đến tuyệt vọng. Kết quả nữa là một cộng đồng bất an, bất ổn và nỗi loạn…
Giáo phận được mời gọi lần chuỗi Mân Côi để suy tư, cầu nguyện, và xin ơn biến đổi, với nền tu đức đi ra ngoại biên để loan báo Tin Mừng, Tin Mừng về một cộng đoàn như gia đình của Thiên Chúa, trong đó mọi người bày tỏ yêu thương và tín nhiệm…
Giáo phận xin đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, và sống tín nhiệm lẫn nhau, theo gương Mẹ Fatima để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Tin Mừng về sự tín nhiệm. (x.giaophanlongxuyen.org).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống “Tin Mừng tín nhiệm”, sống chân thành với chính mình, với người khác, với Thiên Chúa. Tư tưởng đi đôi với lời nói. Lời nói đi đôi với việc làm. Cả ba lãnh vực tư tưởng, lời nói, việc làm đều phải diễn tả sự trung thực và chân thành. Như bông hoa thật đẹp đầy màu sắc toả hương thơm, những người chân thành khiêm nhường toả hương thơm qua việc làm. Những điều mà các vị ngôn sứ vĩ đại đã nói ra thường hay bị lãng quên, nhưng những hành động mà các vị Thánh nhân, anh hùng thực hiện luôn được hậu thế ghi nhớ mãi. Hãy soi đời mình vào tấm gương Chúa Giêsu, để tìm cho mình một phong cách sống đẹp chân thành.
8NGÔN HÀNH NHƯ NHẤT
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Kính … Thời Đức Giêsu, những người Pharisêu tự cho mình là đạo đức, là bậc thầy dạy dỗ dân chúng về cách sống đạo. Nhưng Đức Giêsu nhìn thấy trong lối sống đạo của họ có những biểu hiện lệch lạc làm hoen ố đạo thật. Nhân đó Người đưa ra mấy chỉ dẫn thiết thực cho đời sống đạo.
Đừng nói, hãy làm. Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn như giữa lý thuyết với thực hành, giữa ước mơ với hiện thực, giữa lý tưởng với thực tại. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Nên người ta dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn thế khi việc làm mâu thuẫn với lời nói. Như trường hợp những người Pharisêu : Họ sống vẻ bề ngoài: “Họ làm tất cả các công việc đều có ý cho người ta thấy” (Mt 23,5). Và hơn nữa, ngôn hành của họ thật bất nhất “vì họ nói mà không làm” (Mt 23,3), họ trở nên nô lệ cho sự lừa dối của chính mình bằng cách chỉ tìm kiếm lời khen và sự ngưỡng mộ của người khác. Thành thử ra, những lời họ dạy về đạo trở thành phản chứng, làm cho người nghe khó chấp nhận. Khi phê phán thái độ của người Pharisêu, Đức Giêsu muốn dạy ta đừng nói nhiều, nhưng hãy làm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Ngôn hành phải như nhất, đừng có dạy người ta sống một đàng, mình sống một nẻo.
Đấy là thái độ của người Pharisiêu. Cũng tựa như chúng ta đang sống trong Giáo Hội luôn thưa với Chúa rằng : Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy và yêu mến Chúa, nhưng trong thực tế lại không thực hành Lời Chúa dạy. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Nhiều người cho rằng : Cứ đọc nhiều kinh, xem nhiều sách Đạo, hay nói về Chúa, về Đạo một cách thông thạo, như thế là người đạo đức. Không phải thế, Đức Giêsu nói : “Không phải mọi kẻ nói với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy” (Mt 7,21). Người đạo đức thật không phải là người đọc nhiều kinh, nhưng là người sống theo những kinh mình đọc.
Nếu đem những kinh chúng ta đọc hàng ngày đối chiếu với cách ta sống, thật xa vời. Cụ thể như Kinh Kính Mến ta đọc : “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sưc, trên hết mọi sự…” Kính mến Chúa trên hết mọi sự là coi Chúa hơn của cải, hơn người thân, hơn chính mình, thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa. Thế mà, trong đời sống, chỉ vì một chút lợi lộc khiến ta liều mình làm điều mất lòng Chúa. Như thế có phải là người kính mến Chúa trên hết mọi sự không? Ta đọc tiếp : “Vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vây”. Yêu người như mình, nghĩa là ta muốn mình sao thì muốn cho người khác làm vậy. Ta muốn người khác giúp đỡ ta mà ta không bao giờ giúp ai, ta không muốn ai nói xấu ta, mà ta cứ nói xấu người khác. Như vậy, mà nói là thương yêu người ta như mình ta vậy, đó là nói dối.
Còn Kinh Lạy Cha : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Mỗi lần đọc câu ấy, ta như nói với Chúa rằng : Lạy Chúa, con tha thứ cho anh chị em con rồi, xin Chúa cũng tha thứ cho con. Ngoài miệng nói thế, nhưng trong lòng vẫn còn chấp lỗi nhưng kẻ làm mất lòng ta. Như vậy, lời kinh ta đọc không đi đôi với đời sống và việc làm ta làm.
Người ta thường nói con đường xa nhất là từ con đường từ miệng tới tay. Từ tư tưởng đến lời nói và tới việc làm là cả một con đường dài xa tắp. Một người dù có nói hay mấy chăng nữa mà không đem ra thực hành thì cũng như một bông hoa không bao giờ kết trái. Chúng ta vẫn nói : “Ăn vóc học hay”, ăn để mà học, học để biết, biết để mà làm. Nhưng thực thế trong xã hội, chúng ta thấy có những người biết mà không làm, hoặc nói thì rất hay nhưng lại không chịu làm.
Bài Tin Mừng nhắc nhở ta nhìn lại lời nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau không? Chúng ta phê bình, yêu cầu người khác phải sửa sai, nhưng chính mình lại không tự sửa sai. Trong phạm vi gia đình, thật không gì tai hại cho bằng nói mà không làm. Chúng ta bảo con cái phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau, nhưng mình lại cứ ăn thua đủ, không ai nhường ai. Chúng ta dạy con cái sống thành thật, nhưng mình lại quanh co, gian dối với người khác. Nếu sống như vậy, chúng ta hãy coi chừng, Chúa sẽ cảnh cáo chúng ta, người khác sẽ vào thiên đàng, còn chúng ta thì sao?
Người môn đệ Chúa Giêsu không như thế, trái lại: “Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi” (Mt 23,11). Và chúng ta chỉ có một Cha, còn tất cả đều là anh em với nhau. Tin Mừng nói rõ cho chúng ta biết rằng chúng ta không thể tách rời chiều dọc (Cha) chiều ngang (chúng ta) hoặc, như Chúa Nhật tuần trước, “ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi (… ). Và yêu tha nhân như chính mình ngươi”(Mt 22,37,39).
Vậy, chúng ta hãy để cho tình yêu Thiên Chúa tái tạo và thành luyện con tim chúng ta, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, để chúng ta không còn sống cho mình, sống lý thuyết suông nữa mà sống cho tình yêu: mến Chúa yêu người, sống ngôn hành như nhất. Một đới sống như thế chắc chắn sẽ mang lại hoa trái tốt lành như lòng Chúa mong ước.
Xin Mẹ Maria dạy chúng ta biết sống và thực hành Lời Chúa như Mẹ. Amen.
Nguồn: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Gặp Mặt Tại Hà Nội
Th11
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
Th11
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ
Th11
Hồng ân đêm Diễn Nguyện kỷ niệm 340 năm Hiện Diện, 100 năm..
Th11
Sứ thần Tòa Thánh tại Ucraina: 1.000 ngày chiến tranh, số người chết..
Th11
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 147 – Say Nắng Người..
Th11
Sứ Mạng Của Giáo Viên Công Giáo
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Kitô Vua Năm B – 2024
Th11
Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người..
Th11
Thánh Lễ Thêm Sức Tại Giáo Xứ Đồng Troóc
Th11
Vlog Năm Thánh 1
Th11
Thư Gửi Anh Chị Em Giáo Chức Công Giáo Nhân Ngày Nhà Giáo..
Th11
Bế Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm 2024 Của Linh Mục Đoàn Giáo Phận..
Th11
Tháng 11 – Hiệp Thông Trong Tình Yêu
Th11
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua bị trục xuất sang Guatemala
Th11
VPTGM-GPHT: Thư Rao Truyền Chức Phó Tế
Th11
Sứ Điệp Ngày Thế Giới Người Nghèo Lần Thứ 8 Năm 2024
Th11
Những ước mơ của ĐTC Phanxicô trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh..
Th11
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11