Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106

1007 lượt xem

Trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106, được cử hành vào ngày 27/09 năm nay, Đức Thánh Cha suy tư về thảm kịch của người di dân nội địa và mời gọi các tín hữu nhận ra gương mặt Chúa Giêsu nơi những người di dân này. Trong sứ điệp, ngài muốn nói đến thảm kịch của tất cả những người đang phải chịu đựng sự bấp bênh, bị bỏ rơi, bị gạt ra và bị từ chối do Covid- 19.

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106
(27/09/2020)
Như Chúa Giêsu, họ bị buộc phải chạy trốn.
Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân nội địa.

Vào đầu năm nay, trong bài nói chuyện của tôi với các thành viên của Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, tôi đã chỉ ra thảm kịch của những người di dân nội địa như là một trong những thách đố đối với thế giới đương đại của chúng ta: Các tình cảnh xung đột và khẩn cấp nhân đạo, vốn đã trầm trọng hơn do sự biến đổi khí hậu, đang làm gia tăng số người phải tản cư và ảnh hưởng đến những người đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều quốc gia đang gặp phải những tình cảnh này thiếu các cấu trúc phù hợp để đáp ứng nhu cầu của người di tản (09/01/2020).

Phân bộ Di dân và Tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện đã ban hành tài liệu “Các Định hướng mục vụ về những người di dân nội địa” (Vatican, 05/05/2020), với mục đích truyền cảm hứng và khuyến khích các hoạt động mục vụ của Giáo hội trong lĩnh vực cụ thể này .

Vì những lý do này, tôi đã quyết định dành Sứ điệp này để nói về thảm kịch của những người di dân nội địa, một thảm kịch thường không được nhận thấy và cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 làm cho nó trở nên trầm trọng hơn. Trên thực tế, do mức độ mạnh mẽ, nghiêm trọng và phạm vi địa lý của nó, cuộc khủng hoảng này đã làm cho nhiều trường hợp khẩn cấp nhân đạo khác đang ảnh hưởng đến hàng triệu người bị coi nhẹ, khi đặt những sáng kiến và trợ giúp quốc tế cần thiết và cấp bách để cứu sự sống con người nằm ở vị trí cuối cùng trong các chương trình nghị sự chính trị quốc gia. Nhưng “đây không phải là thời gian lãng quên. Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt không được làm chúng ta quên đi nhiều cuộc khủng hoảng khác đang mang lại đau khổ cho rất nhiều người.” (Sứ điệp Urbi et Orbi, ngày 12/04/2020).

Trong bối cảnh của những biến cố bi thảm đánh dấu năm 2020, tôi muốn Sứ điệp này, mặc dù nói về những người di tản nội địa, cũng mở rộng đến tất cả những người đang gặp phải tình cảnh bấp bênh, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và bị từ chối do hậu quả của Covid-19.

Tôi muốn bắt đầu với hình ảnh đã truyền cảm hứng cho Đức Giáo hoàng Pio XII trong Tông hiến Exsul Familia – Gia đình lưu vong (01/08/1952). Trong cuộc chạy trốn sang Ai Cập, hài nhi Giêsu cùng với với cha mẹ mình đã chịu số phận bi thảm của những người di tản và tị nạn, “đánh dấu bởi sự sợ hãi, không chắc chắn và không thoải mái (x. Mt 2,13-15, 19-23). Thật không may, trong thời đại của chúng ta, hàng triệu gia đình có thể thấy mình rơi vào thực tế đáng buồn này. Hầu như mỗi ngày, truyền hình và báo chí đều loan tin tức về những người tị nạn chạy trốn đói khát, chiến tranh và những nguy hiểm nghiêm trọng khác, để tìm kiếm an ninh và một cuộc sống xứng đáng cho mình và cho gia đình” (Kinh Truyền Tin, 29/12/2013). Trong mỗi người trong số họ, chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu, như đang ở thời vua Hêrôđê, buộc phải chạy trốn để cứu lấy sự sống. Trong khuôn mặt của họ, chúng ta được mời gọi nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu đói khát, trần truồng, bệnh tật, khách lạ và tù nhân, đang cầu xin chúng ta giúp đỡ (x. Mt 25,31-46). Nếu chúng ta có thể nhận ra Người trong những khuôn mặt đó, chúng ta sẽ là cảm ơn Người vì đã có thể gặp gỡ, yêu thương và phục vụ Người nơi họ.

Những người di tản cho chúng ta cơ hội này để gặp Chúa, “mặc dù mắt chúng ta rất khó nhận ra Người: dưới những bộ quần áo rách rưới, với đôi bàn chân dơ bẩn, gương mặt bị biến dạng, cơ thể thương tích, không thể nói được ngôn ngữ của chúng ta” (Bài giảng ngày 15/02/2019). Chúng ta được kêu gọi đáp lại thách đố mục vụ này với bốn động từ tôi đã nêu lên trong Sứ điệp Ngày này năm 2018: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Bây giờ tôi muốn thêm vào những động từ này sáu cặp động từ khác, tương ứng với các hành động rất thực tế và được nối kết với nhau trong mối quan hệ nhân quả.

Cần biết để hiểu

Biết là một bước cần thiết để hiểu người khác. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này trong trình thuật về các môn đệ trên đường đi Emmaus: “Trong khi họ đang nói chuyện và thảo luận với nhau, chính Chúa Giêsu đã đến gần và đi với họ, nhưng mắt họ không thể nhận ra Người” (Lc 24,15- 16). Khi chúng ta nói về những người di cư và di tản, chúng ta thường dừng lại ở những con số thống kê. Nhưng đây không phải là những con số, mà là những con người! Nếu chúng ta gặp họ, chúng ta sẽ biết nhiều hơn về họ. Và khi biết những câu chuyện của họ, chúng ta sẽ có thể hiểu họ. Ví dụ, chúng ta sẽ có thể hiểu rằng sự bấp bênh mà chúng ta đã trải qua do hậu quả của đại dịch này là một điều thường xảy ra trong cuộc sống của những người di tản.

Cần gần gũi để phục vụ

Nó có vẻ rõ ràng, nhưng thường thì không phải như thế. “Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,33-34). Những nỗi sợ hãi và định kiến – quá nhiều định kiến – khiến chúng ta xa cách với người khác và thường ngăn chúng ta “trở thành người lân cận” của họ và phục vụ họ trong yêu thương. Gần gũi với người khác thường có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, như rất nhiều bác sĩ và y tá đã dạy chúng ta trong những tháng gần đây. Sự sẵn sàng đến gần và phục vụ vượt xa hơn ý thức trách nhiệm đơn thuần. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về điều này khi Người rửa chân cho các môn đệ: Người cởi áo choàng, quỳ xuống và để cho tay mình bị vấy bẩn (x. Ga 13,1-15).

Để hòa giải cần lắng nghe

Chính Thiên Chúa đã dạy chúng ta điều này khi sai Con của Người xuống thế gian. Người đã muốn lắng nghe lời cầu xin kêu van của nhân loại đau khổ bằng đôi tai của con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một , để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Tình yêu hòa giải và cứu độ bắt đầu bằng việc lắng nghe. Trong thế giới ngày nay, các thông điệp thì rất nhiều nhưng người ta đang đánh mất thái độ lắng nghe. Tuy nhiên, chỉ bằng cách lắng nghe khiêm tốn và chú ý, chúng ta mới có thể thực sự được hòa giải. Trong năm 2020, trong nhiều tuần lễ, sự thinh lặng đã ngự trị trên các đường phố của chúng ta. Một sự im lặng đầy bi thương và bất an, nhưng nó đã cho chúng ta cơ hội lắng nghe tiếng kêu của những người dễ bị tổn thương, của những người di dân và của hành tinh đang bị bệnh trầm trọng của chúng ta. Lắng nghe cho chúng ta cơ hội được hòa giải với người lân cận, với tất cả những người đã bị loại bỏ từ chối, với chính chúng ta và với Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi trao ban cho chúng ta lòng thương xót của Người.

Để tăng trưởng cần chia sẻ

Chia sẻ là một yếu tố thiết yếu của cộng đồng Kitô giáo tiên khởi: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Thiên Chúa không muốn các nguồn tài nguyên của trái đất chúng ta chỉ sinh lợi cho một số ít. Đây không phải là ý muốn của Chúa! Chúng ta phải học cách chia sẻ để cùng nhau tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một chiếc thuyền. Việc nhận ra rằng chúng ta có cùng mối quan tâm và nỗi sợ hãi một lần nữa cho chúng ta thấy rằng không ai có thể được cứu một mình. Để tăng trưởng thực sự, chúng ta phải tăng trưởng cùng nhau, chia sẻ những gì chúng ta có, như cậu bé đã dâng cho Chúa Giêsu năm ổ bánh và hai con cá… Và nó đủ cho năm ngàn người (x. Ga 6,1-15)!

Cần tham dự để thăng tiến

Thật sự Chúa Giêsu đã làm như thế với người phụ nữ Samari (x. Ga 4,1-30). Chúa đến gần chị, lắng nghe chị, nói với trái tim chị, rồi dẫn chị đến chân lý và khiến chị trở thành người loan báo Tin Mừng: “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?” (c. 29). Đôi khi sự vội vàng hăng hái phục vụ người khác ngăn cản chúng ta nhìn thấy sự giàu có phong phú thực sự của họ. Nếu chúng ta thực sự muốn thăng tiến những người mà chúng ta hỗ trợ, chúng ta phải cho họ tham gia và biến họ thành những tác nhân chính trong việc cứu chính họ. Đại dịch đã nhắc nhở chúng ta về việc đồng trách nhiệm là thiết yếu như thế nào và chỉ với sự đóng góp của mọi người – ngay cả những nhóm thường bị đánh giá thấp – chúng ta mới có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng này. Chúng ta phải tìm thấy “lòng can đảm để tạo ra không gian, nơi mọi người có thể nhận ra rằng họ được mời gọi và cho phép các hình thức hiếu khách, tình huynh đệ và liên đới mới” (Suy niệm tại quảng trường thánh Phêrô, 27/03/2020).

Cần hợp tác để xây dựng

Đó là những gì mà thánh tông đồ Phaolô nói với cộng đoàn Côrintô: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau” (1 Cr 1,10). Xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa là một nghĩa vụ chung của tất cả các Kitô hữu, và vì lý do này, chúng ta cần phải học cách hợp tác, mà không để mình bị cám dỗ bởi sự ghen tị, bất hòa và chia rẽ. Trong bối cảnh hiện tại, cần nhắc lại: “Đây không phải là lúc của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, bởi vì thách đố mà chúng ta đang gặp liên kết mọi người, không phân biệt người này người kia.” (Sứ điệp Urbi et Orbi, 12/04/2020). Để gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta và làm cho nó ngày càng giống với kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, chúng ta phải dấn thân bảo đảm sự hợp tác quốc tế, sự liên đới toàn cầu và dấn thân của địa phương, không để ai bị loại trừ.

Kinh nguyện

Tôi muốn kết thúc với kinh nguyện được gợi ý từ gương mẫu của thánh Giuse, đặc biệt khi ngài bị buộc phải chạy trốn sang Ai Cập để cứu hài nhi Giêsu.

Lạy Cha, Cha đã trao phó cho thánh Giuse điều quý giá nhất của Cha, đó là hài nhi Giêsu và Mẹ Người, để bảo vệ các ngài khỏi những nguy hiểm và đe dọa của kẻ ác.

Xin cho chúng con cũng cảm nghiệm được sự bảo vệ và trợ giúp của ngài. Xin thánh nhân, Đấng đã trải qua nỗi đau khổ của những người chạy trốn vì sự thù ghét của những kẻ quyền lực, an ủi và bảo vệ tất cả anh chị em của chúng con, vì chiến tranh, nghèo khổ và các nhu cầu thiết yếu, phải rời bỏ nhà cửa quê hương của họ để lên đường như những người tị nạn tìm đến nơi an toàn hơn.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Cha giúp họ có được sức mạnh để kiên trì tiến bước, được an ủi trong lúc sầu khổ và can đảm giữa những thử thách.

Xin ban cho những người tiếp đón họ một chút yêu thương dịu dàng của người cha công chính và khôn ngoan này, Đấng đã yêu thương Chúa Giêsu như người con thật sự và trợ giúp Mẹ Maria trên suốt đường đời.

Xin thánh nhân, Đấng đã kiếm cơm bánh bằng đôi tay lao động của mình, chăm sóc những người đã bị mất đi mọi thứ trong cuộc sống và cho họ tìm được công việc có phẩm giá và sự an bình trong mái nhà.

Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, mà thánh Giuse đã cứu khi chạy trốn sang Ai Cập và nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, mà ngài đã yêu thương như người phối ngẫu chung thủy theo ý Cha. Amen.

Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 13/05/2020
Kính nhớ Đức Trinh nữ Maria Fatima.
PHANXICÔ 

Bản dịch của Hồng Thủy
Vatican News

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận