Sự phát triển khoa học công nghệ ngày càng cao giúp con người ngày càng dễ dàng thu hẹp khoảng cách về tri thức và sự hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, làn sóng di cư Đông-Tây cũng góp phần thúc đẩy sự giao thoa văn hóa, thực hành tôn giáo ở nhiều vùng có người nhập cư sinh sống. Điều đó dẫn đến khả thể hội nhập tất cả các yếu tố văn hóa, tri thức và giá trị sống tạo nên một sự hội tụ trong đa phức. Cũng trong bối cảnh ấy, người ta thấy mình đứng trước lời mời gọi duyệt xét lại sự hiểu biết và niềm tin của mình. Ở khía cạnh niềm tin, nhiều người chủ trương coi mọi tôn giáo có giá trị như nhau để đạt tới cùng đích tối hậu; thậm chí có người còn chủ trương một thứ tôn giáo toàn cầu cho mọi người. Ngược lại, cũng có người cho rằng mỗi tôn giáo là một “khoảng trời riêng” đến nỗi chấp nhận tính đa nguyên và không thể có điều gì chung chia giữa các tôn giáo với nhau. Với bối cảnh vừa đề cập, một câu hỏi được đặt ra rằng người Kitô hữu cần có thái độ đối diện với những vấn đề vừa trình bày ở trên như thế nào?
Bài viết này là một nỗ lực trình bày những quan điểm coi mọi tôn giáo đều có giá trị ngang nhau để đạt tới cùng đích chung trong đó có thái cực cộng gộp thành tôn giáo toàn cầu; cũng như quan điểm đa nguyên tôn giáo. Qua đó, người viết muốn đóng góp góc nhìn của mình về thái độ cần có nơi người Ki-tô hữu trước những quan điểm vừa được nhắc đến.
1. Quan điểm mọi tôn giáo đều là những con đường đưa đến cùng đích chung tối hậu
Theo nhận định của nhà tôn giáo học S.A. Nigosian, ngày nay có rất nhiều người muốn hội nhất các học thuyết và thực hành tôn giáo Đông–Tây lại với nhau. Sự hòa trộn các giáo thuyết và thực hành tôn giáo như thế đưa đến ý tưởng rằng mọi tôn giáo đều giống nhau, chỉ là con đường dẫn đến một cùng đích tối hậu mà thôi. Những người ủng hộ chủ trương này cho rằng ngay từ khi con người xuất hiện, các hành vi tín ngưỡng cũng được hình thành. Niềm tin tín ngưỡng cùng những hình thức nghi lễ đi kèm cũng dần được biểu lộ cách phong phú và đa đạng theo mức độ sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Sự triển nở của các hình thức tín ngưỡng, tôn giáo như thế được cho là khởi đi từ một kinh nghiệm siêu nhiên nơi tâm hồn. Kinh nghiệm ấy hướng người ta tìm kiếm một tôn giáo nào đó khả dĩ giúp con người cảm thấy an toàn, bình an và lý giải được ý nghĩa hiện hữu của họ.
Mặc dù hình thức thể hiện của các tôn giáo có khác nhau nhưng đều phản ánh một điều gì đó sâu xa, vượt trên những kinh nghiệm trong hoạt động đời sống thường nhật. Nói theo Rudolf Otto, mọi tôn giáo đều chung chia một loại kinh nghiệm thánh thiêng, vượt khỏi những gì là tự nhiên, thường nghiệm.[1] Sự thánh thiêng ấy được hiểu là những điều phi lý, vượt khỏi những lập luận, lý lẽ thông thường. Kinh nghiệm thánh thiêng được diễn tả như là một kinh nghiệm vừa phong phú để thu hút người ta, vừa bao la khiến họ cảm thấy sợ hãi. Điều đó cho thấy rằng ở tầng sâu của mọi biểu hiện tôn giáo là một xung lực nào đó luôn thôi thúc người ta lên đường khám phá. Thái độ dấn thân đó là lời đáp trả cho một mối quan tâm tối hậu mà Paul Tillich gọi là biểu hiện của tôn giáo tính nơi con người. Theo đó, chính sự quan tâm tối hậu thể hiện một cách nào đó rằng mọi tôn giáo có chung một nguồn cội.[2] Không những thế, tôn giáo tính luôn sống động và mang bản chất thánh thiêng. Theo góc nhìn của Mircea Eliade, không gian của tôn giáo luôn là có tính thánh thiêng và nếu quên mất điều đó thì ngay lập tức, người ta sẽ bị lôi cuốn vào những gì là duy thế tục.[3]
Hơn thế, ngay tại phạm vi kinh nghiệm thánh thiêng, nhiều người cho rằng mọi tôn giáo đều diễn tả cùng một kinh nghiệm về siêu việt nhưng ở những góc độ thể hiện khác nhau. Để diễn tả ý tưởng này, người ta hay dùng hình tượng những ông thầy bói mù cùng sờ mó một con voi nhưng mỗi người miêu tả con voi ấy khác nhau. Người ta lập luận rằng Thiên Chúa siêu việt không thể bị giới hạn trong bất kỳ diễn đạt của một tôn giáo nào. Theo đó, nền tảng chung của mọi tôn giáo là kinh nghiệm về một cùng đích thánh thiêng, rộng lớn, bao trùm tất cả. Kinh nghiệm ấy là điều thu hút sự quan tâm tối hậu nơi con người. Thậm chí có một số nhà thần học còn cho rằng từ nền tảng kinh nghiệm thánh thiêng ấy, có thể đưa ra một giả định rằng mọi tôn giáo đều có giá trị là đường đưa tới ơn cứu độ. Cha Phan Đình Cho, một thần học gia người Việt ở Mỹ còn nhận định tình trạng đa tôn giáo cùng đưa đến ơn cứu độ như thế có thể là một phần trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.[4] Đẩy xa hơn, nhiều thần học gia chủ trương các tôn giáo đa dạng nhưng cùng giá trị vì có cùng căn nguyên tối hậu cho rằng Đức Ki-tô là một cách thế đưa con người đến với ơn cứu độ; nhưng Ngài không phải là cách thế duy nhất. Ngoài Ngài ra còn có nhiều cách thế khác để đạt tới ơn cứu độ như được thấy trong các niềm tin khác ngoài Ki-tô giáo. Thậm chí, James L. Fredericks còn viết trong tác phẩm “Faith among Faiths” của mình rằng đối với những người theo chủ trương đa dạng tôn giáo nhưng chung một cùng đích tối hậu thì “không hề có một ưu thế nào cho người Ki-tô hữu vì Ki-tô giáo cũng chỉ là con đường đưa đến cùng đích như những tôn giáo khác mà thôi.”[5]
Dường như những điều vừa nói ở trên không chỉ được nhìn nhận nơi những người theo chủ trương tôn giáo toàn cầu ở phía Tây phương, mà ngay cả Đông Phương, nhiều người cũng ủng hộ quan điểm này. Nhà thần bí Gangadhar Chatterji (1836-1886) thường còn được biết đến với tên hiệu Sri Ramakrishna, đã cố gắng tìm hiểu nơi nhiều tôn giáo khác nhau về kinh nghiệm nền tảng thánh thiêng mà ông gọi là “Thánh Mẫu” (the divine mother). Ông đã dành ra 12 năm để thực hành các nghi lễ, đời sống đức tin trong bầu khí của đạo Shakti, Kỳ-na giáo, Phật giáo, Hồi giáo và sau cùng là Ki-tô giáo. Từ kinh nghiệm bản thân, ông nhận định rằng các tôn giáo thì đa dạng nhưng tất cả đều có giá trị như nhau, chỉ là những con đường đưa tới một mục đích tối hậu của đời sống tâm linh.[6] Tư tưởng này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều người. Radhakrishnan, phó tổng thống Ấn độ, là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này. Ông đã tuyên bố rằng chân lý thiết yếu của mọi tôn giáo là như nhau bởi vì dù cho tên gọi của các tôn giáo này có khác biệt, đa dạng nhưng đều cùng do một thần khí chi phối để cùng hoạt động hướng đến việc cứu độ con người và vũ trụ. Ông cho rằng đúng lẽ thì người Hồi giáo cần nhận thấy trong Kinh Vệ-đà; người Âu Châu nhìn ra nơi Đức Ki-tô; người Ả-rập tìm được trong kinh Cô-ran; hay người Phi Châu phải nhận thấy từ ý nghĩa của những bùa hộ mệnh; rằng có một động cơ thánh thiêng mang tính tôn giáo thúc bách họ tìm đến với tôn giáo. Động cơ này là duy nhất nhưng đã thúc đẩy họ đến với những biểu hiện tôn giáo đa dạng, tùy vào bối cảnh sống của họ. Radhakrisnan còn hy vọng rằng một ngày nào đó, toàn nhân loại nhận ra điểm chung ấy và hiệp nhất nên một dân tộc với cùng một tôn giáo toàn cầu.[7] Trên thực tế, quan điểm này đã thu hút nhiều người và các trung tâm truyền bá tư tưởng của Ramakrishna đã được thành lập ở nhiều vùng khác nhau ở Châu Âu và Châu Mỹ.
Thế nhưng, quan điểm tìm cách hội nhập tất cả tôn giáo chung lại thành một tôn giáo toàn cầu cũng phải đối diện với những vấn đề khó có thể giải quyết thỏa đáng. Liệu ý niệm Thiên Chúa và con người được các tôn giáo hiểu như nhau không? Ngoài một cảm nghiệm về sự linh thánh siêu nhiên được diễn tả như một điều gì đó thôi thúc lên đường hướng về cùng đích tối hậu để được bình an và lý giải ý nghĩa cuộc sống, liệu các cùng đích vừa nói đến là giống nhau nơi các tôn giáo không? Và phải chăng vì cùng đích khác nhau nên cách thế để đạt tới cùng đích nơi mỗi tôn giáo dường như rất khác biệt với nhau? Trong số người đặt ra các câu hỏi ấy, có những người chủ trương cho rằng mỗi tôn giáo là “khoảng trời riêng”, khác biệt so với các tôn giáo khác.
2. Quan điểm mỗi tôn giáo là một “khoảng trời riêng”
Trong số những người phản đối quan điểm cho rằng mọi tôn giáo chỉ là những con đường đưa đến một cùng đích tối hậu duy nhất, có những người nhìn mỗi tôn giáo có giá trị đặc sắc, một “khoảng trời riêng biệt” và không liên hệ gì đến các tôn giáo khác. Ở Phương Tây, nhiều thần học gia điển hình như Paul F. Knitter đề nghị lối nhìn đa dạng hóa các tôn giáo; tức là coi mỗi tôn giáo là một điểm độc lập.[8] Wilfrid Cantwell Smith, giáo sư tôn giáo học người Canada, thì lập luận rằng sở dĩ mỗi tôn giáo có cách thế riêng để đạt đến cùng đích là vì cùng đích của các tôn giáo rất khác nhau. Chính vì thế mà có những người cảm thấy thỏa mãn khi được ở trong bầu khí niềm tin của tôn giáo này; người khác lại thấy mình chỉ thỏa lòng khi được thuộc về tôn giáo khác. Ở Đông Phương, Pujjiah Narada Maha Thera, trụ trì của chùa Vajirarama, thuộc nhánh Phật giáo Theravada nhận định: “Phật giáo không khẳng định rằng tất cả các tôn giáo đều hướng đến cùng một mục đích tối hậu hay mọi tín ngưỡng đều là những lối diễn giải của cùng một Chân lý tối hậu.” Tương tự như thế, thần học gia Mỹ, G.E. Rupp cũng chủ trương “mỗi truyền thống tôn giáo khác nhau có lối tiếp cận khác nhau và đưa đến những cùng đích khác nhau.”[9] Cũng đồng thuận với quan điểm coi mỗi tôn giáo là độc lập, riêng biệt, nhà thần học S.A. Nigosian trong tác phẩm “World Religions – A Historical Approach” đã thực hiện một số đối chiếu so sánh giữa một số tôn giáo ở cả Đông lẫn Tây Phương để chứng tỏ rằng các tôn giáo có “khoảng trời riêng” và độc lập với nhau, như sẽ được trình bày ngay sau đây.[10]
– Quan niệm về Thiên Chúa, con người và cách thế đạt đến cùng đích tối hậu
Nigosian nhận định rằng mỗi tôn giáo có những cách thế riêng để đạt đến cùng đích tối hậu. Chẳng hạn như việc tuân giữ Torah là con đường của Do-thái giáo để có được sự chúc phúc cho cuộc sống đời này và có được một chỗ trong thế giới mai hậu; còn đối với Ki-tô giáo, tin tưởng vào chương trình cứu độ nơi Đức Ki-tô, Đấng Thiên Chúa sai đến, là con đường để đạt tới ơn cứu độ và sự sống đời đời; và phục tùng (submit) theo ý muốn của Thiên Chúa là con đường của Hồi giáo để được thưởng những thú vui vĩnh cửu trên thiên đàng.
Rõ ràng có một sự khác biệt lớn giữa các tôn giáo “Tây Phương”. Trong đó, mỗi tôn giáo không chỉ có một con đường khác biệt để đạt tới một cùng đích riêng; và đồng thời mỗi tôn giáo còn có một quan niệm rất đặc thù về Thiên Chúa và con người. Chẳng hạn như với Do-thái giáo, Torah có nghĩa là “toàn bộ Lề Luật” bao gồm mặc khải kép có tính thánh thiêng: phần bản văn Luật được truyền tại núi Sinai và phần sấm truyền được gìn giữ, lưu truyền bởi các vị tiên tri, anh hùng dân tộc. Truyền thống Rabbi Do-thái cho rằng các thầy rabbi học tập và sống theo Torah giống như Thiên Chúa và các thiên thần trên trời. Thêm nữa, Thiên Chúa tỏ lòng thương xót theo đạo đức Do-thái giáo và cai quản thế giới theo quy luật của Torah. Với truyền thống Rabbi về việc sáng tạo, Thiên Chúa theo Torah hướng dẫn trong việc sáng tạo ra thế giới. Do vậy, những ai thực hành lời dạy của Torah thì không chỉ sống phù hợp với ý muốn của Chúa mà còn làm theo cách của Chúa nữa. Có thể nói, “khung sườn” để được ơn cứu độ của Do-thái giáo là Giao ước Thánh, tức là luật Torah.
Với Hồi giáo, việc nói về Giao ước thánh trong Hồi giáo khơi lên vấn đề rằng làm sao để một người có thể sống theo thánh ý Thiên Chúa? Thực tế, thuật từ “Islam” có nội hàm ý nghĩa gắn chặt với ý tưởng đó rồi. Thật vậy, “Islam” có gốc từ thuật ngữ Ả-rập “Salama”, có 2 nghĩa gắn với nguồn gốc Hồi giáo: (1) bình an và (2) quy phục. Theo đó, những ai tự do chọn lối sống quy phục Thiên Chúa thì sẽ được bình an. Một cách cụ thể, người ta dễ dàng nhận thấy rằng trật tự và hoạt động có quy luật của thế giới tự nhiên cho thấy sự phụ thuộc của nó vào ý muốn của Thiên Chúa. Điều khác biệt giữa thế giới tự nhiên và con người là sự lựa chọn. Chỉ có con người mới có tự do thực hiện một lựa chọn để sống thuận theo thánh ý Chúa. Hơn nữa, sự lựa chọn của con người có tính chủ động, có ý thức; trong khi hoạt động của tự nhiên có tính thụ động và lệ thuộc.
Ở một góc độ khác, việc nói về sự chấp nhận thánh ý Chúa gợi đến vấn đề đức tin vào Thiên Chúa trong Ki-tô giáo. Trong niềm tin Ki-tô giáo, đức tin là sự khẳng định đức tin tuyệt đối vào những điều Chúa tỏ lộ chỉ đơn giản vì đó là do chính Chúa tỏ lộ: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Kinh nghiệm là một “Ki-tô hữu” khởi đi từ chính sự gắn kết với đức tin. Vì tin nên người ta chấp nhận mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải thánh ấy được nhận thấy trong tự nhiên, nơi Chúa Ki-tô và nơi Giáo hội. Trong đó, mầu nhiệm Nhập Thể là trung tâm điểm của mặc khải Ki-tô giáo; tức là nội tại Đức Ki-tô có cả bản tính Thiên Chúa lẫn bản tính người. Như thế, Đức Ki-tô vừa là Thiên Chúa, vừa là người. Tương tự, mầu nhiệm Ba Ngôi là một bản thể Thiên Chúa được nhận thấy trong 3 ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa ấy vừa là Chúa Cha, Đấng sáng tạo muôn loài; vừa là Chúa Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người; vừa là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa Tình Yêu. Như thế, một Chúa nhưng ba ngôi vị là một huyền nhiệm bí ẩn đối với tâm trí con người. Có thể thấy, đối với người Ki-tô hữu, Thiên Chúa làm người đã chứng tỏ tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Con người đầu tiên là A-đam đã phạm tội và hậu quả là cả nhân loại bị mắc tội tổ tông truyền. Sự bất tuân của A-đam đã làm cho nhân loại đau khổ và chịu phạt đời đời. Con người trong tình trạng ấy không có khả năng tự chuộc tội và cần đến một “A-đam mới”. A-đam mới đó chính là Đức Ki-tô, Đấng đến để chuộc tội con người và phục hồi vận mệnh của nhân loại. Do vậy, đức tin là tin vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Đức Ki-tô. Theo đó, chỉ những ai tin vào Đức Ki-tô và sống theo Lời Ngài thì mới được cứu độ.
Như thế, sự khác biệt giữa ba tôn giáo này trong quan niệm về Thiên Chúa, nhân loại và con đường đạt đến cùng đích tối hậu cho thấy mỗi tôn giáo là một điểm riêng biệt. Điểm tiếp theo được đưa ra xem xét là liệu cùng đích tối hậu của các tôn giáo có khác biệt nhau không?
– Quan niệm về cùng đích tối hậu
Không chỉ cách thế đạt đến cùng đích tối hậu khác nhau, S.A. Nigosian còn cho rằng ngay chính cùng đích tối hậu của mỗi tôn giáo muốn nhắm đến cũng không giống nhau. Nigosian trình bày rằng Do-thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo có vẻ có nhiều điểm chung nhưng thực tế thì hoàn toàn khác. Các tôn giáo này có những đích đến rất khác biệt. Có thể thấy, “thế giới đang đến” là cùng đích của Do-thái giáo, trong khi “ơn cứu rỗi và đời sống vĩnh cửu” mới là cùng đích của Ki-tô giáo, còn người Hồi giáo thì hướng đến điểm đích cuộc đời là “niềm vui bất diệt trên thiên đàng”.
Một cách cụ thể, Do-thái giáo luôn quan tâm đến thế giới này và muốn xây dựng nó cách lý tưởng. Một quan niệm theo truyền thống Rabbi cho rằng chỉ cần Israel không phạm tội (tức là trung thành giữ luật Torah) thì sẽ đến lúc Palestin được độc lập và “cộng đồng thánh sẽ sống hòa bình vĩnh cửu theo luật thánh”. Cũng có quan niệm khác cho rằng “thời gian cai trị của những người ngoại đạo tùy thuộc vào tình trạng tội lỗi của dân Israel.” Hay cũng có quan niệm khác theo truyền thống Rabbi nói rằng chỉ cần Israel “giữ luật ngày sa-bát thì thời đại Mê-si-a sẽ mở ra”. Như thế, quan niệm của Do-thái giáo về “thế giới sẽ đến” gắn chặt với việc phục hồi đất nước Israel, tái thiết Đền Thờ và thành thánh Giêrusalem; cũng như triều đại Đấng Mê-si-a sẽ chấm dứt sự cai trị của dân ngoại trên “dân Chúa” và khôi phục hòa bình, công lý trên đất nước này.
Đối với Ki-tô giáo, Chúa Ki-tô sẽ trở lại vào ngày cánh chung trong vị thế thẩm phán xét xử mọi loài trên trời dưới đất. Ngày phán xét biểu lộ lòng thương xót và công thẳng của Thiên Chúa. Trước đó sẽ có những điềm báo như: Tin mừng được rao giảng khắp nơi, người Do-thái gia nhập đạo, tên Phản Ki-tô, những sự kiện thảm khốc và phi thường trong thiên nhiên (Mt 24,14; Rm 11,25; 2Th 2,3-4; Mt 24,29). Tiếp đến là việc kẻ chết sống lại, phán xét chung cuộc và sau cùng là trời mới đất mới, thiên đường vĩnh cửu của “Nước Thiên Chúa”.
Ngày cánh chung theo Hồi giáo (al-akhirah) sẽ đến bất ngờ và là ngày của sự phán xét. Phán quyết sẽ được thực hiện ngay thế giới này. Mục đích tối hậu của Hồi giáo không phải là điều siêu thăng khỏi thế giới này. Hơn nữa, thiên đàng và hỏa ngục là những chuẩn mực đạo đức mà ý thức của người Hồi giáo nắm bắt cách sống động như thể cho chúng một diện mạo không thời gian mới vượt trên không thời gian này.
Ở Đông Phương, Ấn giáo có cùng đích là nhận ra được bản chất của Brahman-Atman; tức là nhận ra bản ngã cá nhân (tiểu ngã – Atman) chính là Bản ngã phổ quát (đại ngã – Brahman). Với tín hữu Ấn giáo, cái Nhất tối hậu là toàn thể mọi hiện hữu, kể cả nhân loại, quy về Brahman. Ấn giáo không có sự phân cấp Thần – nhân – vật; không có nhị nguyên nhưng tất cả chỉ là một cái Nhất; cũng không có con đường đặc trưng để đạt tới hạnh phúc tối hậu mà tùy theo hoàn cảnh của mỗi người mà có cách thế riêng. Theo quy luật tự nhiên, tất cả những gì cá nhân mỗi người đạt được là do nghiệp báo (karma) và hệ quả là sự luân hồi (samsara), chứ không phải là một sự phán xét của thần như thường thấy trong lối nhìn tôn giáo Tây Phương.
Ngoài ra, lối nhìn có tính hữu thể học của Phật giáo nguyên thủy cũng khác biệt so với các tôn giáo Tây Phương và ngay cả với Ấn giáo. Phật giáo không chấp nhận một cái ngã nơi bất kỳ con người nào. Điều đó được thể hiện rõ trong thuyết vô ngã (anatta).
Như thế, các tôn giáo có những điểm tương tự nhau khiến nhiều người cho rằng có một tôn giáo toàn cầu khả dĩ dành cho mọi người hay mọi tôn giáo đều đưa đến ơn cứu độ. Tuy nhiên có những điểm khác biệt về quan niệm cùng đích, Thiên Chúa, con người và cách thế đạt tới cùng đích tối hậu giữa các tôn giáo. Điều đó lại thúc đẩy nhiều người chủ trương lối hiểu các tôn giáo có những “khoảng trời riêng” và không thể dung nạp các yếu tố của tôn giáo của nhau. Đối diện với sự đa dạng tôn giáo như vậy, người Ki-tô hữu đã có những thái độ như thế nào? Lời giải đáp phần nào được trình bày ở phần tiếp theo sau đây của bài viết.
3. Phê bình cá nhân: Thái độ của Ki-tô hữu trước hiện tượng đa tôn giáo
Nhiều người cho rằng chủ trương mọi tôn giáo có giá trị như nhau trong việc đưa đến cùng đích tối hậu hoặc chủ trương tôn giáo toàn cầu là hướng đi mang tính thỏa hiệp không đáng có. Thái độ đối lập với chủ trương này là nhận định về các tôn giáo như một sự đa dạng, độc lập và không có liên hệ gì đến nhau. Thái độ này, như vừa trình bày ở mục 2 của bài viết, vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong việc lý giải ở tầng sâu khi đối diện với vấn đề kinh nghiệm về sự thánh thiêng, kinh nghiệm tôn giáo như một điều gì đó rất uyên nguyên, ban sơ của mọi tôn giáo. Điều này còn được nhận thấy ở thái độ của nhiều người khi phản ứng lại với chủ trương đa dạng tôn giáo nhưng giá trị ngang nhau vì chung một cùng đích bằng cách cho rằng tôn giáo họ đang theo mới là chân lý đích thực và loại trừ các tôn giáo khác. Một vài người trong số họ là Ki-tô hữu. Những người này bảo vệ niềm tin của mình khi khẳng định điều đặc biệt mà chỉ thấy ở niềm tin Ki-tô giáo. Đó là việc Thiên Chúa nhập thể làm người nơi Đức Ki-tô Giê-su. Họ tin rằng Đức Ki-tô không phải là người chỉ đường hay là người được Thiên Chúa mặc khải cho biết những điều bí nhiệm; nhưng chính Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người, là Đường đưa đến sự sống vĩnh cửu, là Sứ điệp mặc khải của Thiên Chúa. Thay vì nhấn mạnh đến chiều kích hiểu biết đức tin như những tôn giáo ở Đông Phương, hay chiều kích đức tin như nơi Do-thái giáo và Hồi giáo; người Ki-tô hữu luôn tin rằng đức tin của họ luôn song hành cùng sự hiểu biết. Điều đó cũng tạo nên sự hoàn hảo và là nét đặc sắc riêng cho Ki-tô giáo.[11] Đối với những người theo chủ trương này, chỉ có một tôn giáo đích thực là Ki-tô giáo, còn những tôn giáo khác chỉ là sự mù mờ, lầm lạc. Dĩ nhiên, những người có lối nhìn tôn giáo như vậy không thể nào chấp nhận được kiểu tôn giáo coi con người là vô ngã hay lịch sử không có nội dung nào.
Chủ trương độc tôn và loại trừ cũng cho thấy sự cực đoan và gây khó khăn trong việc mở ra, đối thoại và tôn trọng những tôn giáo khác. Với quan điểm cá nhân, người viết nhận thấy thái độ trung dung được chờ đợi như một lối nhìn khả dĩ cho việc truyền giáo và đối thoại giữ Ki-tô giáo với những tôn giáo khác. Đó là chủ trương mở ra để nhìn thấy những đặc nét của tôn giáo mình trong mối tương quan tích cực với các tôn giáo khác. Theo đó, Ki-tô hữu vừa xác tín những nét riêng, độc đáo của đức tin Ki-tô giáo nhưng đồng thời cũng mở lòng để nhìn thấy công trình kỳ diệu Thiên Chúa đang thực hiện nơi các tôn giáo khác. Đây là điều mà Công đồng Vatican II đã nhìn nhận và được các thần học gia trong Ủy ban Thần học Quốc tế xác tín như là niềm tin vào “sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa Ki-tô (vốn) đang bao phủ khắp địa cầu”.[12] Có như thế, người Ki-tô hữu mới có thể không nhìn Giáo hội trong một khuôn khổ Tông Truyền khép kín và đồng thời không loại trừ bất kỳ ai ra khỏi vòng tay Giáo hội.
Thiết nghĩ, thái độ mở ra để thấy sự bao hàm phổ quát của ơn cứu độ cho phép Ki-tô giáo vừa giữ được sự độc đáo và ưu việt của mình, vừa có thể nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các tôn giáo khác. Theo đó, các tín biểu đức tin của Ki-tô giáo vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Người Ki-tô hữu vừa xác tín về một Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhân loại và Ngôi Hai đã nhập thể làm người để ban ơn cứu độ, vừa có thể đồng ý với việc Thiên Chúa yêu thương muốn cứu độ mọi người và có thể hiện diện nơi các tôn giáo khác. Điều đó không những không làm tổn hại đến niềm tin của người Ki-tô hữu, nhưng còn giúp phong phú và triển nở niềm tin ấy hơn nữa. Có thể nói, người Ki-tô hữu với quan điểm mở ra để đối thoại với các tôn giáo khác có thể nhận ra được “dấu chỉ thời đại” và khám phá các truyền thống, văn hóa, tôn giáo của các dân tộc với niềm vui và sự trân trọng những hạt mầm Tin Mừng đang tiềm ẩn trong đó.[13] Cũng vì vậy mà Công đồng Vatican II đã nhận định rằng nơi trái tim của mỗi nhân vị, nơi mà con người một mình đối diện với Thiên Chúa, luôn có tồn tại tiếng lương tâm, tức là sự thôi thúc hướng thiện hảo mà Thiên Chúa đã đặt để sẵn từ khi Ngài tạo dựng nên nhân vị ấy.[14]
Trong việc đối thoại liên tôn, có thể coi đây là tiến trình chân lý tương đồng được đẩy đến chân lý tương hợp. Điều đó có nghĩa là mặc dù các tôn giáo có vẻ khác biệt nhau nhưng khi đặt chung lại để đối thoại thì chân lý được tỏ hiện. Tuy nhiên, người viết hiểu rằng ở ngay tại thời điểm gặp gỡ để đối thoại giữa các tôn giáo với nhau, người Ki-tô hữu luôn cần xác định rằng đây không phải là vấn đề đặt các tôn giáo ngang hàng với nhau nhưng là đặt các tôn giáo khác lồng vào trong Ki-tô giáo. Bởi lẽ nếu đặt các tôn giáo ngang hàng với nhau và rút ra một chân lý thì có nguy cơ coi Ki-tô giáo cũng đơn thuần chỉ là một trong nhiều tôn giáo mà thôi; và hệ quả dẫn tới có thể là quan điểm đa tôn giáo nhưng chung cùng đích hoặc đẩy xa hơn là tôn giáo toàn cầu; hoặc nếu không chấp nhận có nhiều chân lý tuyệt đối tùy vào niềm tin mỗi tôn giáo thì dẫn tới quan điểm mỗi tôn giáo là “khoảng trời riêng”, như đã được trình bày ở hai mục đầu của bài viết. Ở đây, người Ki-tô hữu được mời gọi nhìn nhận chân lý Ki-tô giáo có khả thể bao hàm sự quy hướng về sự hiện diện thánh của Thiên Chúa vốn cũng được thấy ở các tôn giáo khác. Chân lý ấy ngày càng tỏ lộ một cách mở rộng và phong phú cho các Ki-tô hữu. Nói như thế không có nghĩa là người Ki-tô hữu đồng tình với tất cả các biểu hiện của niềm tin nơi các tôn giáo khác nhưng luôn ý thức về chân lý đức tin nơi Ki-tô giáo để chỉ đồng thuận với những gì tương hợp với chân lý đức tin ấy mà thôi. Như thế, một mặt người Ki-tô hữu vẫn nhìn nhận với tất cả lòng tôn trọng các giá trị thiêng liêng và luân lý nơi các tôn giáo ngoài giáo hội Chúa Ki-tô; mặt khác, tính đặc thù về sự thánh thiêng và các nhân đức của Ki-tô giáo luôn được quan tâm như một điều khả dĩ bao trùm tất cả mọi sự và không thể miễn trừ sự cần thiết của việc loan báo Đức Giê-su cho mọi dân tộc.
Đồng ý rằng khi mở ra để nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các tôn giáo khác và chấp nhận bị đặt trước nguy cơ coi Ki-tô giáo cũng chỉ là một trong số nhiều các tôn giáo như thế, thiết nghĩ, người Ki-tô hữu cũng có cơ hội để đào sâu kinh nghiệm đức tin và ý thức được tình trạng “trên đường” gặp gỡ và hướng về Thiên Chúa Siêu việt của mình. Vì còn “trên đường” nên người Ki-tô hữu được mời gọi để luôn có thái độ sẵn sàng bao dung, đón nhận và khám phá những tư tưởng thần học của mọi nền tôn giáo để từ đó có thể đọc được thánh ý Chúa đang ngày ngày tỏ lộ cho Giáo hội Chúa Ki-tô, nhờ ơn của Thánh Thần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Ki-tô hữu bỏ đi căn tính của mình để thỏa hiệp với người khác về chiều kích đức tin. Hơn nữa, thái độ đón mở ấy cũng giúp cho người Ki-tô hữu khám phá ngày một sâu xa hơn khuôn mặt của Thiên Chúa hiện diện một cách phong phú nơi các tôn giáo khác. Rõ ràng, đây là cơ hội cho người Ki-tô hữu gặp gỡ người ngoài Ki-tô giáo để cùng lớn lên trong tình huynh đệ và là dịp để Ki-tô hữu làm chứng về Tin Mừng Nước Trời cũng như làm phong phú hóa, xác tín hơn về kinh nghiệm đức tin của chính mình.
Có thể thấy, thái độ đối thoại và truyền giáo đúng nghĩa của một Ki-tô hữu, thiết nghĩ luôn cần khởi đi từ sự tôn trọng sâu xa đối với mọi tôn giáo để ở tầng sâu kinh nghiệm siêu nghiệm, người Ki-tô hữu xác tín lời mời gọi đọc ra dấu chỉ sự hiện diện của Thánh Thần trong thế giới và nơi các tôn giáo. Qua đó, người Ki-tô hữu cũng thấy được giá trị cao cả của chân lý đức tin Ki-tô giáo với kinh nghiệm về một Thiên Chúa Ba Ngôi hết tình yêu thương nhân loại.
Bên cạnh đó, ở bình diện hợp tác trong những vấn đề chung như môi sinh, giáo dục, y tế,… thái độ ý thức mình đang “trên đường” còn giúp người Ki-tô hữu dễ dàng đón nhận những giới hạn của các tín hữu ngoài Ki-tô giáo để cùng hướng đến một mục tiêu chung. Thật vậy, khi chấp nhận tính “trên đường” lữ hành đức tin, người Ki-tô hữu không đóng khung những nhận định và phán quyết về tất cả những vấn đề liên quan đến đức tin và bác ái, phục vụ vì lòng tin. Thay vào đó, người Ki-tô hữu có thể nhận thấy sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đang hiện diện nơi người khác, kể cả người ngoài Ki-tô giáo. Nhờ đó, mọi người có thể chung tay xây dựng thế giới này với sự tôn trọng và tin tưởng.
Có thể nói, trong bối cảnh hậu hiện đại ngày nay, vấn đề gặp gỡ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, tôn giáo của các dân tộc trên thế giới trở nên rất dễ dàng. Điều đó tạo điều kiện cho một cuộc duyệt xét lại đức tin của mỗi người. Trong bối cảnh đó, đã có nhiều tư tưởng thần học tôn giáo xuất hiện. Có những quan điểm coi mọi tôn giáo đều như nhau, chỉ là những con đường đưa tới chung một cùng đích tối hậu là ơn cứu độ, hạnh phúc viên mãn. Đối lại, cũng có những thần học gia chủ trương coi mỗi tôn giáo có nét độc đáo riêng và không có điểm gì chung chia với các tôn giáo khác. Họ chấp nhận tính đa nguyên tôn giáo. Đối diện với sự đa tôn giáo với các chủ trương thần học đa dạng, thiết nghĩ, người Ki-tô hữu cần trung tín với kinh nghiệm đức tin của mình trong lòng Giáo hội để có thể xác tín vào ơn cứu độ độc nhất nơi Đức Ki-tô; đồng thời, luôn ý thức mình cũng mang thân phận đang trên đường lữ hành đạt đến ơn cứu độ để có thể khiêm tốn mở lòng tìm hiểu các học thuyết tôn giáo, đối thoại tích cực và cộng tác với các tôn giáo khác trong những vấn đề chung của thế giới. Nhờ tôn trọng những giá trị tốt đẹp, thánh thiện nơi tôn giáo khác, người Ki-tô hữu có thể được phong phú hóa đức tin của mình khi nhận thấy sự hiện diện thánh của Thiên Chúa nơi các tôn giáo bạn; đồng thời, có thể góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, thánh thiện.
Vũ Chí Thành, S.J.
———–
BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Giáo lý Hội thánh Công giáo, Tôn giáo, 2012.
DOURLEY, John P., Paul Tillich-Carl Jung and the Recovery of Religion, Routledge, 2008.
ELIADE, Mircea, The Sacred & the Profane: The Nature of Religion – The significance of religious myth, symbolism, and ritual within life and culture, Trans. Willarrd R. Trask. Harcourt, Brace & World, Inc., 1987.
FREDERICKS, James L., Faith among Faiths, Paulist Press, NewYork, 1999.
KNITTER, Paul F., Introducing: Theologies of Religions, NY: Orbis Books, 2003.
NIGOSIAN, S.A., World Religions – A Historical Approach, Bedford/St. Martin’s, 2000.
OTTO, Rudolf, The Idea of the Holy: An Inquiry into the non-rational factor in the idea of the divine and its relation to the rational, Trans. John W. Harvey, London: Oxford University Press, 1923.
PHAN, Peter C., Being Religious Interreligiously, Maryknoll, 2004.
RUPP, G., Religious Pluralism in the Context of an Emerging World Culture, HTR 2, 1974.
UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Thần Học Ngày Nay – Viễn cảnh-Nguyên lý và Tiêu chuẩn, LHNB, 2012.
VARILLON, Francois, Một KiTô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn, Tôn Giáo, 2009.
————————–
[1] x. Rudolf Otto, The Idea of the Holy: An Inquiry into the non-rational factor in the idea of the divine and its relation to the rational, Trans. John W. Harvey, London: Oxford University Press, 1923, tr.1-4.
[2] x. John P. Dourley, Paul Tillich-Carl Jung and the Recovery of Religion, Routledge, 2008, tr.26.
[3] x. Mircea Eliade, The Sacred & the Profane: The Nature of Religion – The significance of religious myth, symbolism, and ritual within life and culture, Trans. Willarrd R. Trask. Harcourt, Brace & World, Inc., 1987, tr.23-24.
[4] x. Peter C. Phan, Being Religious Interreligiously, Maryknoll, 2004, tr. xxiii.
[5] James L. Fredericks, Faith among Faiths, Paulist Press, NewYork, 1999, tr.15.
[6] x. S.A. Nigosian, World Religions – A Historical Approach, Bedford/St. Martin’s, 2000, tr.413-414.
[7] x. Francois Varillon, Một KiTô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn, Tôn Giáo, 2009, tr.28-29.
[8] x. Paul F. Knitter, Introducing: Theologies of Religions, NY: Orbis Books, 2003, tr.5-8.
[9] x. G. Rupp, Religious Pluralism in the Context of an Emerging World Culture, HTR 2, 1974, tr. 217.
[10] x. S.A. Nigosian, tr.414-419.
[11] x. Francois Varillon, tr.56-61.
[12] Uỷ Ban Thần học Quốc tế, Thần Học Ngày Nay – Viễn cảnh-Nguyên lý và Tiêu chuẩn, LHNB, 2012, s.51.
[13] x. Ibid., tr. 63-68.
[14] x. Bộ Giáo lý Đức tin, Giáo lý Hội thánh Công giáo, Tôn giáo, 2012, s.1776-1777.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1