SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH LẦN THỨ 57
NGÀY 1 THÁNG 1 NĂM 2024
Trí tuệ nhân tạo và hòa bình
Vào đầu Năm Mới, thời gian ân sủng mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta, tôi muốn ngỏ lời với Dân Chúa, các quốc gia, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các lãnh đạo các tôn giáo và xã hội dân sự khác nhau, tất cả mọi người nam nữ của thời đại chúng ta, để gửi những lời cầu chúc hòa bình.
1. Tiến bộ khoa học và kỹ thuật như con đường dẫn đến hòa bình
Thánh Kinh chứng thực rằng Thiên Chúa đã ban Thánh Thần của Người cho con người để họ có được “sự khôn ngoan, thông minh và hiểu biết trong mọi công việc” (Xh 35,31). Trí thông minh của con người là sự diễn tả của phẩm giá mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho chúng ta, Đấng đã tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Người và giống với Người (xem St 1,26) và giúp chúng ta đáp lại tình yêu của Người với ý thức và tự do. Khoa học và kỹ thuật thể hiện cách đặc biệt phẩm chất quan hệ cơ bản này của trí tuệ con người: chúng là những sản phẩm phi thường của tiềm năng sáng tạo của trí tuệ con người.
Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, Công đồng Vatican II đã nhắc lại chân lý này khi tuyên bố rằng “Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống của mình bằng việc làm và tài năng”[1]. Khi con người, “với sự trợ giúp của công nghệ”, nỗ lực để trái đất “trở thành nơi cư ngụ xứng đáng cho toàn thể gia đình nhân loại”[2], họ thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa và hợp tác với ý muốn của Người để hoàn thành công cuộc sáng tạo và mang hòa bình đến giữa các dân tộc. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, trong mức độ nó góp phần vào một trật tự tốt đẹp hơn cho xã hội loài người, vào việc gia tăng sự tự do và sự hiệp thông huynh đệ, cũng dẫn đến sự tiến bộ hơn của nhân loại và sự biến đổi của thế giới.
Chúng ta vui mừng và tạ ơn một cách chính đáng vì những thành tựu ấn tượng của khoa học và công nghệ, nhờ đó mà vô số bệnh tật trước đây từng hành hạ đời sống con người và gây ra nhiều đau khổ lớn lao đã được chữa trị. Đồng thời, những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, khi giúp con người có thể thực hiện khả năng kiểm soát chưa từng có đối với thực tế, đang đặt vào tay con người một loạt khả năng, bao gồm một số khả năng có thể gây nguy hiểm cho sự sống còn của chúng ta và gây nguy hiểm cho ngôi nhà chung[3].
Do đó, sự tiến bộ đáng kể của các công nghệ thông tin mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số, mang lại những cơ hội thú vị cũng như những rủi ro nghiêm trọng, với những tác động nghiêm trọng đến việc theo đuổi công lý và hòa hợp giữa các dân tộc. Vì vậy, cần phải tự đặt ra cho mình một số câu hỏi khẩn cấp. Những hậu quả trung và dài hạn của công nghệ kỹ thuật số mới là gì? Và chúng sẽ có tác động gì đến đời sống của các cá nhân và xã hội, đến sự ổn định và hòa bình quốc tế?
2. Tương lai của trí tuệ nhân tạo giữa những hứa hẹn và rủi ro
Những tiến bộ trong công nghệ thông tin và sự phát triển của công nghệ số trong những thập kỷ gần đây đã bắt đầu tạo ra những biến đổi sâu sắc trong xã hội toàn cầu và trong sự năng động của nó. Các công cụ kỹ thuật số mới đang thay đổi bộ mặt của truyền thông, hành chính công, giáo dục, tiêu dùng, tương tác cá nhân và vô số khía cạnh khác của cuộc sống hàng ngày.
Hơn nữa, từ các dấu vết kỹ thuật số lan truyền trên khắp internet, các công nghệ sử dụng nhiều thuật toán có thể trích xuất các dữ liệu cho phép chúng kiểm soát các thói quen tinh thần và tương quan của con người vì mục đích thương mại hoặc chính trị, mà chúng ta thường không hề biết, và do đó hạn chế việc chúng ta thực hiện cách có ý thức quyền tự do lựa chọn. Trên thực tế, trong một không gian như web, đặc trưng bởi sự quá tải thông tin, chúng có thể cấu trúc luồng dữ liệu theo tiêu chí lựa chọn mà không phải lúc nào người dùng cũng cảm nhận được.
Chúng ta phải nhớ rằng nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ không phải là xa rời thực tế và “trung lập”[4], nhưng chịu ảnh hưởng của văn hóa. Là những hoạt động hoàn toàn do con người, những hướng đi của chúng phản ánh những lựa chọn chịu ảnh hưởng bởi các giá trị cá nhân, xã hội và văn hóa của từng thời đại. Điều tương tự cũng có thể nói về những kết quả mà chúng đạt được: chính xác là kết quả của những cách tiếp cận cụ thể của con người với thế giới xung quanh, chúng luôn có chiều kích đạo đức, liên kết chặt chẽ với các quyết định của những người lập kế hoạch thử nghiệm và định hướng việc sản xuất của chúng tới các mục tiêu cụ thể.
Điều này cũng đúng với các hình thức của trí tuệ nhân tạo. Cho đến nay, không có định nghĩa thống nhất về trí tuệ nhân tạo trong thế giới khoa học và kỹ thuật. Bản thân thuật ngữ này, hiện đã đi vào ngôn ngữ chung, bao gồm nhiều ngành khoa học, lý thuyết và kỹ thuật nhằm làm cho các máy móc tái tạo hoặc bắt chước khả năng nhận thức của con người trong hoạt động của chúng. Hình thứ số nhiều của “các dạng trí thông minh” có thể giúp chúng ta thấy được khoảng cách không thể lấp đầy tồn tại giữa con người và các hệ thống này, dù chúng đáng kinh ngạc và mạnh mẽ đến đâu: xét cho cùng, chúng thật sự là “những mảnh rời rạc”, theo nghĩa là chúng chỉ có thể bắt chước hoặc tái tạo một số chức năng của trí tuệ con người. Việc sử dụng số nhiều cũng nhấn mạnh rằng các thiết bị này, rất khác nhau và chúng phải luôn được xem là “hệ thống kỹ thuật xã hội”. Trên thực tế, vì tác động của dụng cụ trí tuệ nhân tạo, ngoài công nghệ cơ bản, không chỉ phụ thuộc vào thiết kế kỹ thuật của nó nhưng còn phụ thuộc vào mục tiêu và lợi ích của những người sở hữu và những người phát triển nó, cũng như các tình huống mà chúng được sử dụng.
Do đó, trí tuệ nhân tạo phải được hiểu như một thiên hà gồm những thực tại khác nhau và chúng ta không thể giả định trước rằng sự phát triển của nó sẽ đóng góp có lợi cho tương lai của nhân loại và cho hòa bình giữa các dân tộc. Kết quả tích cực này sẽ chỉ có thể đạt được nếu chúng ta chứng tỏ mình có khả năng hành động có trách nhiệm và tôn trọng các giá trị cơ bản của con người như “hòa nhập, minh bạch, an ninh, công bằng, bảo mật và tin cậy”[5].
Cũng không đủ nếu chỉ giả định một cam kết hành động một cách có đạo đức và có trách nhiệm từ phía những người thiết kế các thuật toán và công nghệ kỹ thuật số. Cần tăng cường hoặc, nếu cần thiết, thành lập các cơ quan để xem xét các vấn đề đạo đức đang nổi lên trong lĩnh vực này và bảo vệ quyền của những người sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc bị ảnh hưởng bởi chúng[6].
Do đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ phải đi kèm với việc đào tạo đầy đủ về trách nhiệm đối với sự phát triển của nó. Tự do và sự chung sống hòa bình bị đe dọa khi con người chiều theo cám dỗ ích kỷ, tư lợi, tham lợi và khao khát quyền lực. Do đó, chúng ta có nhiệm vụ mở rộng tầm nhìn và hướng nghiên cứu khoa học-kỹ thuật tới việc theo đuổi hòa bình và lợi ích chung, phục vụ sự phát triển toàn diện của con người và cộng đồng[7].
Phẩm giá nội tại của mỗi người và tình huynh đệ gắn kết chúng ta như là các thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất phải là nền tảng cho sự phát triển của các công nghệ mới và phải là tiêu chí không thể chối cãi để đánh giá chúng trước khi sử dụng, để tiến bộ kỹ thuật số có thể diễn ra trong sự tôn trọng công lý và đóng góp vào sự nghiệp hoà bình. Những sự phát triển kỹ thuật không dẫn đến sự cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn nhân loại, nhưng trái lại làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng và xung đột, thì không bao giờ có thể được xem là tiến bộ thực sự[8].
Trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Những thách đố mà nó đặt ra có tính kỹ thuật nhưng cũng về nhân chủng học, giáo dục, xã hội và chính trị. Ví dụ, nó hứa hẹn tiết kiệm công sức, sản xuất hiệu quả hơn, vận chuyển dễ dàng hơn và thị trường năng động hơn, cũng như một cuộc cách mạng trong quy trình thu thập, tổ chức và xác minh dữ liệu. Chúng ta cần nhận thức được những biến đổi nhanh chóng đang diễn ra và quản lý để bảo vệ được các quyền cơ bản của con người, tôn trọng các thể chế và luật pháp, những điều thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện. Trí tuệ nhân tạo phải phục vụ tiềm năng tốt nhất của con người và của những khát vọng cao nhất của chúng ta chứ không phải trong sự cạnh tranh với chúng ta.
3. Công nghệ của tương lai: máy móc có khả năng tự học
Dưới nhiều hình thức, trí tuệ nhân tạo dựa trên các kỹ thuật máy tự học, mặc dù vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, nhưng đã tạo ra những thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu xã hội, gây ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, hành vi xã hội và việc xây dựng hòa bình.
Những sự phát triển như “máy học” hoặc “học sâu” (deep learning) đặt ra những câu hỏi vượt trên các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật và liên quan đến sự hiểu biết về ý nghĩa của sự sống con người, việc xây dựng kiến thức và khả năng tiếp cận sự thật của trí tuệ.
Ví dụ, khả năng của một số thiết bị tạo ra các văn bản mạch lạc về mặt cú pháp và ngữ nghĩa không đảm bảo cho độ đáng tin cậy của chúng. Chúng được cho là “ảo giác”, tức là tạo ra những tuyên bố thoạt nhìn có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế lại vô căn cứ hoặc bộc lộ những thành kiến. Điều này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng khi trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch nhằm lan truyền tin giả và dẫn đến sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với các phương tiện truyền thông. Quyền riêng tư, sở hữu dữ liệu và sở hữu trí tuệ là những lĩnh vực khác mà các công nghệ này gây ra rủi ro nghiêm trọng. Chúng ta có thể thêm những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng các công nghệ này không đúng cách, ví dụ như sự phân biệt đối xử, can thiệp vào quá trình bầu cử, sự xuất hiện một xã hội giám sát, sự loại trừ về chiều kích kỹ thuật số và làm trầm trọng thêm chủ nghĩa cá nhân ngày càng mất kết nối với cộng đồng. Tất cả những yếu tố này có nguy cơ thúc đẩy xung đột và cản trở hòa bình.
4. Ý thức về giới hạn trong mô hình kỹ trị
Thế giới của chúng ta quá rộng lớn, đa dạng và phức tạp để có thể nhận biết và phân loại đầy đủ. Tâm trí con người sẽ không bao giờ có thể thấu triệt sự phong phú của nó, ngay cả khi có sự trợ giúp của các thuật toán tiên tiến nhất. Trên thực tế, các thuật toán đó không đưa ra những dự đoán chắc chắn về tương lai mà chỉ là những sự phỏng chừng mang tính thống kê. Không phải mọi thứ đều có thể đoán trước được, không phải mọi thứ đều có thể tính toán được; cuối cùng thì “thực tế vượt trội hơn ý tưởng”[9]. Cho dù khả năng tính toán của chúng ta có phi thường đến đâu đi nữa, sẽ luôn có một số lượng không thể tiếp cận được và không định lượng được.
Hơn nữa, lượng lớn dữ liệu được trí tuệ nhân tạo phân tích tự nó không đảm bảo tính khách quan. Khi các thuật toán ngoại suy thông tin, chúng luôn có nguy cơ bóp méo thông tin, tái tạo những bất công và thành kiến của môi trường nơi chúng được tạo nên. Chúng càng trở nên nhanh hơn và phức tạp hơn thì càng khó hiểu tại sao chúng lại tạo ra một kết quả nhất định nào đó.
Những cỗ máy “thông minh” có thể thực hiện các nhiệm vụ được giao với hiệu suất ngày càng cao, nhưng mục đích và ý nghĩa hoạt động của chúng sẽ tiếp tục được xác định hoặc kích hoạt bởi những con người có một vũ trụ các giá trị của riêng họ. Có rủi ro là các tiêu chí cơ bản cho những lựa chọn nhất định trở nên kém rõ ràng hơn, trách nhiệm cho những quyết định đó bị che giấu và người sản xuất có thể trốn tránh nghĩa vụ hành động vì lợi ích của cộng đồng. Theo một nghĩa nào đó, điều này được ủng hộ bởi hệ thống kỹ trị, hệ thống liên minh kinh tế với công nghệ và ủng hộ tiêu chí hiệu quả, có xu hướng bỏ qua những gì không liên quan đến lợi ích trước mắt của nó[10].
Điều này phải khiến chúng ta suy tư về một khía cạnh thường bị bỏ qua trong não trạng hướng tới hiệu quả và kỹ trị hiện nay, vì nó có tính quyết định đối với sự phát triển cá nhân và xã hội: “ý thức về giới hạn”. Thực ra, con người là phàm nhân theo định nghĩa, khi nghĩ đến việc vượt qua mọi giới hạn nhờ kỹ thuật, trong sự ám ảnh muốn kiểm soát mọi thứ, chúng ta có nguy cơ mất kiểm soát bản thân; trong việc tìm kiếm tự do tuyệt đối, chúng ta có nguy cơ rơi vào vòng xoáy của “chế độ độc tài công nghệ”. Nhận biết và chấp nhận giới hạn của mình như là các thụ tạo là điều kiện không thể thiếu để con người đạt được, hay nói đúng hơn là đón nhận sự viên mãn như một món quà. Ngược lại, trong bối cảnh ý thức hệ của một mô hình kỹ trị, được thúc đẩy bởi giả định về khả năng tự đủ của Prometheus, sự bất bình đẳng có thể gia tăng đáng kể, và kiến thức và của cải tích lũy trong tay một số ít người, và gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho các xã hội dân chủ và sự chung sống hòa bình[11].
5. Những vấn đề nóng hổi về đạo đức
Trong tương lai, độ tin cậy của người nộp đơn thế chấp, sự phù hợp của một cá nhân đối với công việc, khả năng tái phạm của người bị kết án hoặc quyền được tị nạn chính trị hoặc trợ giúp xã hội có thể được xác định bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo. Việc thiếu các cấp độ trung gian đa dạng mà các hệ thống này đưa ra đặc biệt dễ dẫn đến các hình thức thành kiến và phân biệt đối xử: các sai sót mang tính hệ thống có thể dễ dàng nhân lên, không chỉ tạo ra những bất công trong các trường hợp cá nhân mà còn, thông qua hiệu ứng domino, tạo ra các hình thức bất bình đẳng xã hội thực sự.
Hơn nữa, đôi khi các dạng trí tuệ nhân tạo dường như có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của cá nhân thông qua các lựa chọn được định trước liên quan đến các năng động và can ngăn hoặc thông qua các hệ thống điều chỉnh các lựa chọn cá nhân dựa trên việc thiết kế thông tin. Những hình thức thao túng hoặc kiểm soát xã hội này đòi hỏi có sự chú ý và giám sát cẩn thận, đồng thời hàm chứa trách nhiệm pháp lý rõ ràng về phía người sản xuất, người sử dụng chúng và của các cơ quan chính phủ.
Việc dựa vào các quy trình tự động phân loại các cá nhân, ví dụ như thông qua việc sử dụng rộng rãi sự giám sát hoặc áp dụng các hệ thống tín dụng xã hội, cũng có thể có tác động sâu sắc đến cơ cấu dân sự, khi thiết lập thứ hạng không chính xác giữa các công dân. Và những quy trình phân loại nhân tạo này cũng có thể dẫn đến xung đột quyền lực, bởi vì chúng không chỉ liên quan đến người dùng trực tuyến nhưng cả đến người thật. Sự tôn trọng cơ bản đối với phẩm giá con người đòi hỏi chúng ta phải từ chối để tính duy nhất của con người được xác định bằng một bộ dữ liệu. Các thuật toán không được phép xác định cách chúng ta hiểu về nhân quyền, gạt bỏ các giá trị cốt yếu của lòng trắc ẩn, lòng thương xót và sự tha thứ hoặc loại bỏ khả năng một cá nhân thay đổi và bỏ lại quá khứ đàng sau.
Trong bối cảnh này, chúng ta không thể không xem xét tác động của các công nghệ mới tại môi trường làm việc: các công việc từng là nơi đặc quyền lao động của con người đang nhanh chóng được các ứng dụng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo tiếp thu. Ngay cả trong trường hợp này, vẫn có rủi ro đáng kể về lợi ích không tương xứng cho một số ít người với giá là khiến cho nhiều người khác trở nên nghèo khổ. Tôn trọng phẩm giá của người lao động và tầm quan trọng của việc làm đối với phúc lợi kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội, an ninh việc làm và mức lương công bằng phải là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế khi những hình thức công nghệ này ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nơi làm việc.
6. Chúng ta sẽ biến đao gươm thành cuốc thành cày?
Ngày nay, khi nhìn thế giới xung quanh, chúng ta không thể thoát khỏi những vấn đề đạo đức nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực vũ khí. Khả năng tiến hành các hoạt động quân sự thông qua các hệ thống điều khiển từ xa đã dẫn đến việc ít nhận thức hơn về sự tàn phá do các hệ thống vũ khí đó gây ra cũng như gánh nặng trách nhiệm của việc sử dụng chúng, góp phần tạo nên một cách tiếp cận thậm chí còn lạnh lùng và tách biệt hơn đối với thảm kịch to lớn của chiến tranh. Nghiên cứu về các công nghệ mới nổi trong lĩnh vực được gọi là “hệ thống vũ khí tự động gây chết người”, bao gồm cả việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chiến tranh, là nguyên nhân nghiêm trọng gây lo ngại về mặt đạo đức. Các hệ thống vũ khí tự động không bao giờ có thể là chủ thể chịu trách nhiệm về mặt đạo đức: năng lực độc quyền của con người trong việc phán đoán luân lý và đưa ra quyết định có đạo đức không chỉ là một tập hợp các thuật toán phức tạp, và khả năng này không thể bị quy giản thành việc lập trình cho một cỗ máy, dù “thông minh” đến đâu, vẫn luôn là máy móc. Vì lý do này, điều bắt buộc là phải đảm bảo sự giám sát đầy đủ, có ý nghĩa và nhất quán của con người đối với các hệ thống vũ khí.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua khả năng các loại vũ khí phức tạp rơi vào tay kẻ xấu, tạo điều kiện, ví dụ, cho các cuộc tấn công khủng bố hoặc các hành động can thiệp nhằm gây bất ổn cho các tổ chức chính phủ hợp pháp. Tóm lại, thế giới thực sự không cần những công nghệ mới góp phần vào sự phát triển không công bằng của thị trường và việc buôn bán vũ khí, thúc đẩy sự điên rồ của chiến tranh. Khi làm như vậy, không chỉ trí tuệ mà cả trái tim con người sẽ có nguy cơ ngày càng trở nên “nhân tạo”. Những ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất không nên được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết xung đột bằng bạo lực, mà để mở đường cho hòa bình.
Từ một quan điểm tích cực hơn, nếu trí tuệ nhân tạo được sử dụng để thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, nó có thể mang lại những đổi mới quan trọng trong nông nghiệp, giáo dục và văn hóa, cải thiện mức sống của toàn thể các quốc gia và các dân tộc, phát triển tình huynh đệ nhân loại và tình bạn xã hội. Cuối cùng, cách chúng ta sử dụng nó để bao gồm những anh chị em rốt cùng nhất và những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất, là thước đo đúng đắn về lòng nhân đạo của chúng ta.
Cái nhìn của con người và mong muốn về một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới của chúng ta chắc chắn cho thấy nhu cầu đối thoại liên ngành nhằm phát triển đạo đức của các thuật toán – đạo đức thuật toán -, trong đó các giá trị sẽ hướng dẫn hành trình của các công nghệ mới[12]. Các vấn đề đạo đức cần được tính đến ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu cũng như trong các giai đoạn thử nghiệm, thiết kế, sản xuất, phân phối và tiếp thị. Đây là cách tiếp cận đạo đức của việc thiết kế, trong đó các tổ chức giáo dục và người ra quyết định có vai trò thiết yếu.
7. Những thách đố đối với giáo dục
Sự phát triển của một nền công nghệ biết tôn trọng và phục vụ phẩm giá con người có tác động rõ ràng đối với các tổ chức giáo dục và thế giới văn hóa. Bằng cách nhân rộng các khả năng của truyền thông, công nghệ kỹ thuật số đã giúp chúng ta có thể gặp nhau theo những cách mới. Tuy nhiên, vẫn cần phải không ngừng suy tư về những loại tương quan mà chúng đang hướng chúng ta tới. Những người trẻ đang lớn lên trong môi trường văn hóa tràn ngập công nghệ và điều này không thể không đặt ra câu hỏi về phương pháp giảng dạy và đào tạo.
Giáo dục sử dụng các hình thức trí tuệ nhân tạo trước hết phải nhằm mục đích thúc đẩy tư duy phản biện. Người dùng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ, cần phát triển khả năng phân định trong việc sử dụng dữ liệu và nội dung được thu thập trên web hoặc do hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra. Các trường học, đại học và các hiệp hội khoa học được kêu gọi giúp đỡ sinh viên và các chuyên gia nắm bắt các khía cạnh xã hội và đạo đức của việc phát triển và sử dụng công nghệ.
Đào tạo cách sử dụng các công cụ truyền thông mới không chỉ phải tính đến thông tin sai lệch và tin giả mà cả sự trỗi dậy đáng lo ngại của “những nỗi sợ truyền kiếp […] điều đã có thể ẩn nấp và làn truyền đằng sau các công nghệ mới”[13]. Thật không may, một lần nữa chúng ta lại thấy mình phải chiến đấu với “cám dỗ tạo ra một nền văn hóa của các bức tường, của việc dựng lên những bức tường để ngăn chặn những cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa khác, với những người khác”,[14] và sự phát triển sự chung sống hòa bình và huynh đệ.
8. Những thách đố đối với sự phát triển của luật pháp quốc tế
Phạm vi tiếp cận toàn cầu của trí tuệ nhân tạo cho thấy rõ rằng, bên cạnh trách nhiệm của các quốc gia có chủ quyền trong việc quản lý việc sử dụng nó trong nội bộ, các tổ chức quốc tế có thể đóng vai trò quyết định trong việc đạt được các thỏa thuận đa phương cũng như điều phối việc áp dụng và thực hiện chúng. Về vấn đề này, tôi kêu gọi Cộng đồng các quốc gia hợp tác để thông qua một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc, trong đó quy định việc phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo dưới nhiều hình thức. Tất nhiên, mục tiêu của quy định không chỉ là ngăn chặn các hành vi xấu mà còn khuyến khích các hành vi tốt, kích thích các cách tiếp cận mới và sáng tạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến cá nhân và tập thể.
Cuối cùng, trong quá trình tìm kiếm các mô hình luật pháp có thể cung cấp hướng dẫn đạo đức cho các nhà phát triển công nghệ kỹ thuật số, điều cần thiết là phải xác định các giá trị con người, những điều làm nền tảng cho nỗ lực của xã hội trong việc hình thành, chấp nhận và áp dụng các khuôn khổ pháp lý cần thiết. Công việc soạn thảo các hướng dẫn đạo đức để sản xuất các dạng trí tuệ nhân tạo không thể bỏ qua việc xem xét các câu hỏi sâu sắc hơn liên quan đến ý nghĩa của cuộc sống của con người, việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người, việc theo đuổi công lý và hòa bình. Quá trình phân định đạo đức và pháp lý này có thể chứng tỏ là một cơ hội quý giá để cùng suy tư về vai trò của công nghệ trong đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta cũng như về cách thức sử dụng nó để có thể góp phần tạo ra một thế giới công bằng và nhân đạo hơn. Vì lý do này, trong các cuộc tranh luận về quy định về trí tuệ nhân tạo, cần phải quan tâm đến tiếng nói của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả người nghèo, người bị gạt ra bên lề và những người khác, những người thường không được lắng nghe trong quá trình ra quyết định toàn cầu.
* * * * *
Tôi hy vọng rằng suy tư này khuyến khích chúng ta đảm bảo rằng các tiến bộ trong việc phát triển các hình thức trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ phục vụ cho tình huynh đệ và hòa bình của con người. Đó không phải là trách nhiệm của một số ít người mà là của toàn thể gia đình nhân loại. Thực vậy, hòa bình là kết quả của những tương quan nhìn nhận và chào đón người khác trong phẩm giá bất khả nhượng của họ, cũng như của sự hợp tác và dấn thân theo đuổi sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người và mọi dân tộc.
Lời cầu nguyện của tôi vào đầu năm mới là sự phát triển nhanh chóng của các hình thức trí tuệ nhân tạo không làm gia tăng quá nhiều bất bình đẳng và bất công hiện có trên thế giới, nhưng góp phần chấm dứt chiến tranh và xung đột, đồng thời giảm bớt nhiều hình thức đau khổ đang tra tấn gia đình nhân loại. Chớ gì các tín hữu Kitô giáo, các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau và những người nam nữ thiện chí sẽ hợp tác hài hòa để nắm bắt các cơ hội và đối mặt với những thách đố do cuộc cách mạng kỹ thuật số đặt ra, đồng thời trao lại cho các thế hệ tương lai một thế giới liên đới, công bằng và hòa bình hơn.
Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2023
PHANXICÔ
Nguồn: www.vaticannews.va
——————————–
[1] Số 33.
[2] Ibid., 57.
[3] Xem Tông thư Laudato si’ (24/05/2015), 104.
[4] Xem Sdd, 114.
[5] Gặp gỡ các tham dự viên cuộc Gặp gỡ “Minerva Dialogues” (27/03/2023).
[6] Xem Ibid.
[7] Xem Sứ điệp gửi Chủ tịch điều hành của “Diễn đàn Kinh tế Thế giới” ở Davos-Klosters (12/1/2018).
[8] Xem Thông điệp Laudato si’, 194; Diễn vắn nói với các tham dự viên Khóa học “Công ích trong thời đại kỹ thuất số” 27/09/2019.
[9] Tông huấn Evangelii gaudium (24/11/2013), 233.
[10] Xem Tông thư Laudato si’, 54.
[11] Xem Diễn văn nói với các tham dự viên Đại hội Tòa thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống (28/02/2020).
[12] Xem Ibd.
[13] Thông điệp Fratelli tutti, (03/10/2020), 27.
[14] Ibid.
Có thể bạn quan tâm
Tập Huấn Giáo Lý Viên Hạt Minh Cầm 2024
Th9
Đức Thánh Cha Phanxicô Chủ Sự Thánh Lễ Tại Sân Vận Động Gelora..
Th9
Bài Giảng Đức Thánh Cha – Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm B
Th9
Quý cha Giáo hạt Ngàn Phố tĩnh tâm tháng 09/2024
Th9
Ngày 05/09: Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu
Th9
Đức Thánh Cha gặp giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo lý viên..
Th9
Trực Tiếp Chuyến Tông Du Của Đức Thánh Cha Tại Indonesia, Papua New..
Th9
Giáo Hạt Hòa Ninh Đón Nhận Niềm Vui Trong Kỳ Tập Huấn Giáo..
Th9
Giúp Hối Nhân Vượt Qua Lạm Dụng Phim Ảnh Khiêu Dâm Trong Bí..
Th9
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 23 Thường Niên Năm B
Th9
Ủy Ban Thánh Nhạc – Thư Mời Tham Dự Đêm Thánh Ca Và..
Th9
GPHT-BAN GD&GĐ: Thông Báo Tổ Chức Các Khóa Đào Tạo Billings 2024
Th9
Chương trình tông du Indonesia của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Th9
Đức cha Louis ban bí tích Thêm Sức và làm phép Linh đài..
Th9
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 8/2024
Th9
Giáo xứ Trại Lê vui mừng đón nhận Ơn Thánh Thần
Th9
Giáo Phận Hà Tĩnh – Ban Giáo Lý Đức Tin: Thông Báo Dạy..
Th8
Thi Hài Của Thánh Têrêsa Avila Vẫn Còn Nguyên Vẹn Sau Gần 5..
Th8
Giáo Lý Viên Hạt Tam Tòa Tham Gia Kỳ Tập Huấn Năm Học..
Th8
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Khai Giảng Năm..
Th8