“Sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật”: Giáng Sinh theo Thánh Phaolô

1219 lượt xem

SINH BỞI NGƯỜI NỮ, SINH DƯỚI QUYỀN LỀ LUẬT”:
GIÁNG SINH THEO THÁNH PHAOLÔ

La Civiltà Cattolica

Đoạn đầu tiên trong Tân Ước liên quan đến sự ra đời của Chúa Giêsu được tìm thấy trong Thư gửi tín hữu Galát: “Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa đã sai Con Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật, để cứu chuộc những kẻ ở dưới quyền Lề luật, ngõ hầu ta chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4:4-5).

Đây có lẽ là đỉnh điểm của bức thư, trong đó Thánh Phaolô công bố ơn cứu độ đã được ứng nghiệm. Thiên Chúa Cha can thiệp vào tiến trình lịch sử bằng một biến cố ngoại thường, vì thời gian viên mãn (tiếng Hy Lạp: “được làm đầy”) đã đến: thời gian của Đấng Cứu Thế. Những thời đại trước bước ngoặt này không chỉ là thời kỳ trước đó mà còn là thời kỳ chuẩn bị và chờ đợi việc thực hiện những lời hứa của Cựu Ước. Những điều này giờ đây đã trở thành hiện thực vì thời của Đấng Mêsia đã bắt đầu, và đó là thời điểm mới, dứt khoát, thời điểm cứu độ: Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Chúa Giêsu, “sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật” (Gl 4: 4). Bản Hy Lạp viết chính xác là đã “trở thành con của một người nữ”.

Trong một tổng hợp ngoại thường, Thánh Tông Đồ trình bày mầu nhiệm Nhập Thể: trước hết có sự hiện hữu thần linh trước đó của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa; rồi đến bản tính con người của Ngài: Người Con đồng thời là con người, vì Ngài được thụ thai bởi một người phụ nữ. Cách nói “Được sinh ra bởi một người phụ nữ” cho thấy rằng Chúa Giêsu đã thực sự sinh ra là một con người, ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai và bước vào thế giới: nhân tính của Ngài cũng như nhân tính của chúng ta, cần được chăm sóc, quan tâm, trìu mến và yêu thương. Tuy nhiên, điều đó ngay lập tức được làm rõ rằng đó không phải là một nhân tính vinh quang. Ngược lại, lời loan báo cho thấy sự chịu tủi nhục của Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài chào đời. Trong Thư gửi giáo đoàn Rôma, muộn hơn một chút so với Thư gửi giáo đoàn Galát, Thánh Phaolô nói rõ: Thiên Chúa đã “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8:3), nghĩa là chia sẻ xác phàm tội lỗi, bởi vì Ngài bước vào một thế giới và một lịch sử được đánh dấu bởi sự dữ, bởi nỗi đau, bởi những khốn khổ của con người.

* * *

Cách diễn đạt đầu tiên nhấn mạnh đến sự chịu sỉ nhục của Chúa Giêsu chính là việc Ngài “được sinh ra bởi một người phụ nữ”. Trong Kinh thánh, công thức này chỉ ra thân phận con người, sự yếu đuối và hư hỏng của xác thịt, sự bấp bênh của cuộc sống và sự không chắc chắn của hiện tại. Gióp nói rõ: “Con người do phụ nữ sinh ra, tuổi đời ngắn ngủi, mà âu lo chồng chất. Tựa đoá hoa mới nở đã tàn, con người qua mau, khác nào bóng câu qua cửa sổ” (G 14:1-2). Trong Thánh ca Qumran, “sinh ra từ người phụ nữ” có nghĩa là “được hình thành từ bụi”, “thụ tạo bằng đất sét” (1 QS 11,215; cf. F. García Martínez, Testi di Qumran , Brescia, Paideia, 1996, 95).

Karl Rahner suy ngẫm về ý nghĩa của việc “trở thành xác phàm”: “Vĩnh cửu đã trở thành thời gian, Chúa Con đã trở thành con người, Tinh thần thuần túy, Ngôi Lời – Logos – bao trùm và thấm nhập mọi thực tại, đã trở thành xác phàm, thời gian và đời sống con người đã được biến đổi, vì chính Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt loài người. […] Giờ đây Ngài đã thực sự trở thành con người, thế giới này với số phận của nó đã trở nên gần gũi với trái tim Ngài. Bây giờ đó không chỉ là công việc của Ngài mà còn là một phần của chính Ngài. […] Giờ đây, Ngài cũng ở trên trái đất của chúng ta, nơi đó Ngài không được hưởng một sự hiện hữu nào tốt lành hơn sự hiện hữu của chúng ta, nơi đó không có đặc ân nào được đảm bảo cho Ngài, mà là chịu mọi sự trong số phận của chúng ta: đói khát, mệt mỏi, thù địch, thống khổ khi phải bị tiêu diệt và đón nhận cái chết khốn cùng. Sự thật khó tin nhất là thế này: sự vô hạn của Thiên Chúa đã thâm nhập nỗi thống khổ của con người, hạnh phúc đã mang lấy nỗi buồn chết chóc của trần gian, sự sống đã nhận lấy cái chết trong chính mình” (L’anno liturgico, Meditazioni, Brescia, Morcelliana, 1962, 15f).

Thành ngữ thứ hai nhấn mạnh sự sỉ nhục là “sinh ra dưới Lề Luật” (trong tiếng Hy Lạp không có mạo từ). Chúa Giêsu không chỉ là một con người giữa loài người, mà còn là một người Do Thái: Ngài phải tuân theo luật Môsê. Vì thế, Ngài đến trong tình trạng nô lệ, tình trạng của con người trước khi Đấng Thiên sai đến, chính xác là đúng theo Lề Luật (Gl 4:5), tức là một chuẩn mực bên ngoài, mà người ta phải phục tùng, tuân theo và thậm chí kéo theo án tử. Chúa Giêsu, vốn hoàn toàn tự do trước Lề Luật, đã phục tùng Lề Luật, để trong mọi sự, trở nên ngang hàng với chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

* * *

Tuy nhiên, điều dường như chỉ là sự sỉ nhục thì lại mở ra cho một chiều kích tích cực của tự do và tình huynh đệ. Chúa Giêsu sinh ra dưới Lề Luật để cứu chuộc những ai là nô lệ của Lề Luật. Ngài đã mặc lấy thân xác vốn mang lấy hậu quả của tội lỗi để biến đổi thực tại tội lỗi thành một thứ logic – lý lẽ của tình yêu. Ngài được sinh ra bởi người phụ nữ để tất cả những ai sinh ra bởi phụ nữ đều có thể đón nhận sự gần gũi và liên đới của Ngài.

Đây là cách mà mầu nhiệm nhập thể, vốn ban Chúa Giêsu cho chúng ta, được thành toàn, nhưng mầu nhiệm đó cũng đòi hỏi sự hợp tác không thể thay thế: Thiên Chúa cần con người. “Được sinh ra bởi một người phụ nữ” giả thiết phải có một người mẹ để được sinh ra; “sinh ra dưới Lề Luật” ám chỉ một người cha “hợp pháp”, là người cho phép Ngài bước vào triều đại thiên sai. Đứa trẻ sinh ra không có cha trong thế giới Do Thái thời đó không có quyền công dân, thậm chí không có quyền phát biểu trước công chúng. Không có người cha trần thế, Chúa Giêsu không thể rao giảng Tin Mừng. Khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, một giáo sĩ Do Thái đã tìm thấy ở Giêrusalem một loại sổ đăng ký với danh sách những đứa con ngoài giá thú của những phụ nữ đã kết hôn (H. L. Strack – P. Billerbeck, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch, I, München, Beck, 1956, 42). Thiên Chúa cần đến Mẹ Maria và Thánh Giuse để cứu rỗi chúng ta; và Ngài sẽ yêu cầu các tông đồ tiếp tục sứ mạng cứu độ của Ngài trong lịch sử.

Khi cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã trở thành người anh em của chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô sử dụng một thuật ngữ pháp lý mang tính kỹ thuật: “hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:5). Do đó, thực tại mới là trở thành nghĩa tử, thành viên gia đình của Thiên Chúa: điều đó thiết lập một mối tương quan đặc biệt, thân mật, hoàn toàn cá nhân với Chúa Cha, nhưng với một hệ quả xa hơn: việc trở thành “con cái” bao hàm ân sủng của Chúa Thánh Thần, Thánh Thần của Chúa Giêsu và của Chúa Cha. Phép rửa, tức là việc dìm mình trong Chúa Con, tạo lập lại mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong cõi lòng chúng ta và cho phép chúng ta kêu lên: “Abba, Cha ơi” (Gl 4:6).

Điều tiếp theo là một Kitô học đồng thời là một cứu độ học: “Người Con hoàn toàn là Người Con cho chúng ta!” (F. Mussner, La lettera ai Galati, Brescia, Paideia, 1987, 422). Ngài được sinh ra trong lịch sử cho chúng ta: một biến cố biến đổi thế giới và ghi dấu lịch sử không thể xóa nhòa. Không phải ngẫu nhiên mà sự ra đời của Ngài đã trở thành bước ngoặt giữa trước và sau Ngài; đó là một điều hoàn toàn mới lạ vì nhờ đó mà dòng chảy các sự kiện của con người được phân biệt giữa “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô”.

* * *

Đây là Lễ Giáng Sinh theo Thánh Phaolô. Thánh Tông đồ không nói về hang đá, máng cỏ, chuồng bò, thiên thần, mục đồng; ngài không nhắc đến tên của Mẹ Maria và thậm chí không nhắc đến Thánh Giuse. Không có Bêlem, không có quán trọ không có chỗ ở; Hêrôđê, các tiến sĩ Luật và các Đạo sĩ đều mất tích. Tuy nhiên, có một điều thiết yếu: sự sinh ra của Đấng Cứu Độ trong xác phàm để cứu độ chúng ta.

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã chấm dứt tình trạng “không có gì mới dưới ánh mặt trời” của nhà thông thái Qohelet (Gv 1:9) và đã phá hủy trí tuệ của các triết gia cổ đại, những người mà đối với họ mọi thứ đều lặp lại theo chu kỳ và sẽ quay trở lại luôn mãi. Giờ đây có sự mới lạ lớn nhất từng được tỏ lộ trong quá khứ, điều mới lạ duy nhất có giá trị trong lịch sử: đó là sự mới lạ của việc Thiên Chúa đích thân gánh lấy trách nhiệm trong Người Con, Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:22), trong lịch sử của chúng ta, một lịch sử vốn là một tập hợp những đau khổ và thất bại, ngập tràn ích kỷ và tội lỗi; tuy nhiên Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy nó, đảm nhận nó, biến nó thành của riêng mình, yêu thương nó và khi yêu thương nó, Ngài cứu độ nó, bởi vì chỉ những gì thực sự được yêu thương mới được cứu độ. Vì vậy, đêm và bóng tối của lịch sử và của con người trở thành ánh sáng, và chúng trở thành Đêm Thánh.

* * *

Trong Thư gửi Titô, một môn đệ trung thành của Thánh Phaolô, Lễ Giáng Sinh được trình bày dưới một ánh sáng khác: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:11-12): một bản văn quan trọng đưa ra định hướng cho đời sống Kitô hữu. Đoạn văn tiếp tục: “Nhưng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Ngài đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Ngài thương xót, nên Ngài đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3: 4-6). Trong Giáo hội, từ thời xa xưa, đoạn văn cuối cùng này đã được công bố trong phụng vụ Giáng sinh, trong Lễ rạng đông.

Ân sủng của Thiên Chúa, sự tốt lành của Ngài, tình yêu của Ngài (trong tiếng Hy Lạp là philanthrōpia) đã cứu chúng ta, qua phép rửa, “khỏi cảnh nô lệ của đủ thứ đam mê và khoái lạc,” và bởi việc “sống trong gian ác và ganh tị, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau” (Tt 3:3). Bản văn khẳng định rằng điều này xảy ra với việc tuôn đổ Thánh Thần: một động từ được sử dụng  – “đổ ra” – mà ở chỗ khác trong Tân Ước được sử dụng liên quan đến máu Chúa Kitô, máu “đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:28; Hípri 9:21 -26).

Theo cách này, có một bước ngoặt dứt khoát không chỉ trong lịch sử, mà còn trong đời sống của người Kitô hữu: Thư gửi Titô khẳng định rằng “Đó là điều tốt đẹp và hữu ích cho người ta” (Tt 3:8). Đây là vẻ đẹp của đời sống Kitô giáo: “Từ thời mà sự căm ghét lẫn nhau được coi là điều đương nhiên, thậm chí được coi là cần thiết, để đảm bảo các cam kết trong trật tự công cộng trong các lĩnh vực dân sự và chính trị: do đó, từ ý muốn giết người vốn vẫn luôn có trong việc thực thi quyền lực, chúng ta đã chuyển sang một cảnh huống mới, trong đó viễn cảnh về một cái chết vì tình yêu đã được soi sáng cho chúng ta, nghĩa là, cái chết vì chính trị được coi như việc tước bỏ quyền lực! […] Chúng ta là những người chứng kiến “sự tỏ hiện lòng nhân ái”, tức là tình bạn đích thực và duy nhất dành cho con người, đó là “sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của chúng ta.” […] Do vậy, nơi nào có Chúa Thánh Thần tuôn đổ, thì chúng ta được gắn kết trong mối tương quan hiệp thông với cung cách chết đi của Ngài vì tình yêu, cung cách này đã đánh bại hận thù và khai mở nền chính trị tốt đẹp, như một thứ trách nhiệm chung cao độ” (P. Stancari, Il mistero della pietà, Rende [Cs], R-Accogliere, 2019, 124f).

Cách Vulgata dịch từ ngữ philanthrōpia của văn bản Hy Lạp sang tiếng Latinh (Tt 3:4) cũng giúp soi sáng. Để tôn vinh thần tính của Thiên Chúa, Vulgata đã biến đổi – bằng một cú đột phá thiên tài – philanthrōpia thành “nhân tính” (humanitas), gần như để chỉ ra rằng đối với chúng ta, sự tốt lành và tình yêu của Thiên Chúa là humanitas – mang tính người. Thiên Chúa của chúng ta “có tính người”, và nhân tính là sự tôn vinh thần tính của Ngài. Thánh Tông đồ kết luận: “Đó là lời đáng tin cậy, và tôi muốn anh đặc biệt nhấn mạnh các điểm ấy, để những kẻ đã đặt niềm tin vào Thiên Chúa ra sức trổi vượt về những việc tốt đẹp” (Tt 3:8). Ơn gọi của người Kitô hữu là đóng góp cho công ích, nổi bật bằng đức ái, tức là tham gia vào đời sống của mọi người, do đó cũng tham gia vào đời sống của cộng đồng xã hội và chính trị ở mọi cấp độ.

* * *

Chúng ta cử hành Lễ Giáng Sinh với ánh sáng, với các bài hát và lễ hội vốn dĩ làm chúng ta cảm động một cách sâu sắc, nhưng chúng ta không nên quên rằng vẻ đẹp của lễ Giáng Sinh đối với người Kitô hữu là chứng tá của đời sống đã được rửa tội. Đó là sự kiên trì trong ân sủng, trong cuộc sống mới trong Chúa Kitô, trong việc hiến thân, hiến thân cho anh chị em, trong nhân tính, là điều cần được chia sẻ với người khác và là điều mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã mạc khải cho chúng ta khi Ngài trở thành con người vì chúng ta. Sự ra đời đó khẳng định giá trị của chiều kích nhân loại chúng ta, bởi vì Lễ Giáng Sinh là lời chúc lành trên tất cả “xác phàm” của chúng ta.

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: laciviltacattolica.com (22.12.2021)

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận