Trả lời:

Bạn mến, vì bạn hỏi nên mình lại cố đu bám với chủ đề làm giàu. Hỏi người Công Giáo có được làm giàu không, câu trả lời là ĐƯỢC. Mời bạn tìm lại bản trả lời chi tiết cho vấn đề này trong bài viết “Làm giàu trước mặt Thiên Chúa” của cùng tác giả trong Giải đáp thắc mắc cho người Công giáo trẻ, tập 6.

Còn bài viết này sẽ trả lời tiếp cho chủ đề làm giàu dựa trên các yếu tố bạn nêu trong câu hỏi, bao gồm người Công giáo có được bon chen để làm giàu, những khó khăn của người Công giáo khi hoạt động trong ngành kinh tế, và người Công giáo sống chứng tá trong môi trường kinh tế như thế nào.

Bon chen làm giàu

Bạn đề cập đến sự “bon chen làm giàu”. Vậy có được bon chen không? Trước hết, mời bạn khám phá bon chen là gì.

– Tranh-giành từng đồng, tính hơn thua từng món lợi nhỏ – Từ điển – Lê Văn Đức

– (1) Tranh giành, xô đẩy từng tí để cầu danh hoặc để mưu lợi riêng. (2) Chắt bóp, căn cơ từng tí một: bon chen từng xu một. – Đại Từ điển Tiếng Việt

– Cạnh tranh và kèn cựa. – Từ điển – Nguyễn Lân

– Cạnh-tranh, tranh đua. – Từ điển – Thanh Nghị

– “Len lỏi chật vật trong môi trường chật hẹp một cách nhọc nhằn hoặc ti tiện” (vi.wiktionary.org)

Mình muốn phân tích khái niệm bon chen cuối cùng một chút: “Len lỏi chật vật trong môi trường chật hẹp một cách nhọc nhằn hoặc ti tiện.” Trong khái niệm này có sự phân biệt giữa chủ thể (người hành động) và môi trường. Chủ thể phải “len lỏi chật vật”, nói lên sự vất vả, khó khăn, khôn khéo… “trong môi trường chật hẹp một cách nhọc nhằn hoặc ti tiện”. Môi trường đó bao gồm những người khác (chủ doanh nghiệp, người quản lý, đồng nghiệp…), điều kiện làm việc (không gian, phương tiện lao động) và kiểu vận hành hệ thống kinh tế (chính sách, luật, người thi hành). Chủ thể được mời gọi len lỏi cách chật vật trong môi trường khó khăn, vất vả mà vẫn giữ được lòng thanh.

Khái niệm “Chắt bóp, căn cơ từng tí một” của Đại từ điển Tiếng Việt góp phần để hiểu cách làm ăn căn bản, không hoang phí nguyên liệu, không tiêu xài hoang phí. Đó là khái niệm làm ăn chân chính và tiêu dùng chừng mực.

Cũng nên nói ngay rằng, tự bản chất làm kinh tế không xấu. Làm kinh tế là ơn gọi “trồng cấy và canh tác” của con người trên hành tinh này. Môi trường làm kinh tế trở nên “chật hẹp và ti tiện” là do lòng tham của những con người tham gia vào hoạt động kinh tế.

Những khó khăn của người Công giáo khi làm kinh tế

Khi bạn sống trong một nước đang phát triển, tháp dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào thì để tìm được một công việc tốt là khá cạnh tranh. “Tốt” đối với bạn là gì? Là an nhàn, lương cao, ổn định, đúng chuyên môn, hợp sở thích, môi trường làm việc tốt, tương quan đồng nghiệp tốt…? Thông điệp Laborem Exercens (Lao động của con người) được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II công bố ngày 14/9/1981 nói rằng lao động và sáng tạo làm nên phẩm giá con người và diễn đạt về chính con người. Nói đơn giản, lao động là vinh quang!

Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” – tìm được một công việc tốt đã khó, mà tìm được một công việc, hay tạo nên một hệ thống làm việc để làm giàu theo lương tâm Công giáo càng khó hơn. Trong khuôn khổ bài viết, mình không thể kể chi tiết các khó khăn mà người Công giáo gặp phải trong khi làm ăn và làm giàu. Chỉ xin nêu ra đây một số lý do tạo ra những khó khăn như:

+ Văn hóa “vứt bỏ” đã tạo cho con người thói quen sống vội với những tiện ích không cần kiểm chứng qua thời gian. Chữ tín theo đó cũng đi xuống, vì người tiêu dùng đâu còn thời gian để đánh giá độ bền và thưởng thức vẻ đẹp của sản phẩm họ sử dụng. Trong môi trường sản xuất để cung ứng đủ và kịp thời cho lối sống đó, giá trị con người được đánh giá theo tiêu chí hiệu năng: làm càng nhanh và tạo ra được nhiều sản phẩm thì người đó càng có giá trị, và kiếm được nhiều tiền. Ừ, làm việc thì phải hiệu quả chứ; nhưng đừng biến mình hoặc người khác thành công cụ lao động thuần túy.

+ Văn hóa đối kháng làm cho hầu hết mọi người nghĩ rằng muốn thắng thì phải đạp người khác xuống. Bản thân mỗi người đều mang nhiều thương tích của những lần bị “chơi khăm”, nên cũng ngần ngại giúp nhau cùng tiến. Do đó, thay vì giúp nhau cùng tiến, chúng ta tạo ra đủ thứ khó khăn để cản lối người khác, và ngược lại.

+ Văn hóa chỉ trích và đổ lỗi cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những “chật vật” trong môi trường làm việc và làm giàu. Sự thật, sự liêm chính bị nhấn chìm. Đã có bao nhiêu cá nhân, tổ chức, công ty, hệ thống kinh tế bị sụp đổ vì tai ương “chỉ trích và đổ lỗi”, thay vì tự vấn và tự hoàn thiện chính mình, hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện hệ thống tổ chức công việc.

+ Văn hóa phân biệt đạo-đời làm cho ta sống hai mặt, làm con chiên ngoan đạo và quảng đại cống hiến cho nhà thờ và các việc từ thiện; đồng thời ki cóp, gian dối để tích lũy trong các môi trường làm ăn.

Người Công giáo sống chứng tá trong môi trường kinh tế

Đất sống của người Công giáo vẫn thuộc về hành tinh này, ngay trong môi trường làm ăn và làm giàu cách chật vật, và họ được mời gọi sống theo các giá trị cao hơn. Thật ra, đâu chỉ là người Công Giáo, thách thức này dành cho tất cả những ai muốn sống theo lương tri, muốn sống đúng phẩm giá làm người.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là lời mời gọi dành cho người Công giáo và những ai có lương tri ngay thẳng. Khi người Công giáo làm ăn và làm giàu mà vẫn cố gắng giữ “tay sạch lòng thanh” (x. Tv. 23,3-4) thì họ đang sống chứng tá cho Thiên Chúa. Về những khía cạnh nào?

+ Bạn muốn nói với thế giới rằng, Thiên Chúa là Cha yêu thương hằng chăm sóc cho con người và muôn loài Ngài đã dựng nên. Ngài hạnh phúc khi thấy con người lao động và sáng tạo để tạo phương cách chăm sóc cho nhau.

+ Bạn muốn nói với thế giới rằng sự giàu có của thế giới này thuộc về Thiên Chúa, Đấng tạo nên chúng và ban cho chúng ta; rằng sự giàu có đó thuộc về mọi người và mọi loài nên cần được chia sẻ. Ngài vui khi thấy con người trao tặng và chia sẻ cho nhau những sản phẩm tối ưu, diễn đạt phẩm giá của chính mình. Ngài vui khi thấy công trình sáng tạo của Ngài ngày càng xinh đẹp hơn.

+ Bạn muốn nói với thế giới rằng con người được tạo dựng với những ưu phẩm của Thiên Chúa, cao hơn tất cả mọi loài và được đặt lên vị trí coi sóc và chăm lo cho muôn loài, chứ không phải để thống trị và bóc lột chúng, và bóc lột nhau. Ngài vui khi thấy con người dùng tài trí của mình để tương trợ nhau khi cùng giúp nhau làm ăn và làm giàu.

Bạn có biết những câu chuyện về những người, những dân tộc cường thịnh và thánh thiện để kể cho nhau nghe không? Mình rất ngưỡng mộ nhiều vị thánh xuất thân từ giới giàu có. “Không thể cho người khác cái bạn không có” – Vậy bạn giàu có thế nào để chia sẻ cho người khác, và để chăm lo cho muôn vật muôn loài? Bạn muốn bon chen làm giàu cách chân chính bằng cách nào?

“Giàu có trước hết là khả năng tạo ra của cải.” (Elon Musk)

Trích Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 7 (Nxb Tôn Giáo, 03/2023)

Nguồn: hdgmvietnam.com