Bài giảng Đức Thánh Cha – Lễ Đêm Giáng Sinh

12486 lượt xem

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Đây là những bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ đêm Giáng Sinh.

Các bài giảng của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ đêm Giáng Sinh:

Đức Phanxicô:

2022 – Máng cỏ muốn nói với chúng ta điều gì?

2021 – Thiên Chúa muốn hạ mình, còn chúng ta lại muốn trèo cao

2020 – Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con cái Thiên Chúa

2019  Tình yêu Thiên Chúa là ân sủng nhưng không

2018 – Bêlem có nghĩa là ngôi nhà bánh

2017 – Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!

2016 – Mầu nhiệm Giáng Sinh chất vấn và khuấy đảo chúng ta

2015 – Hài nhi Giêsu mang đến niềm an ủi đích thực

Bài đọc Thánh lễ ban đêm

1. Đức Phanxicô, Lễ đêm Giáng sinh năm 2022: Máng cỏ muốn nói với chúng ta điều gì?

Anh chị em thân mến,

Đêm nay, điều gì vẫn còn nói với cuộc sống chúng ta? Hai thiên niên kỷ sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, sau nhiều lễ Giáng sinh được tổ chức với đồ trang trí và quà tặng, sau quá nhiều chủ nghĩa tiêu dùng che khuất mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, có một nguy cơ rằng: chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng sinh, nhưng lại quên mất ý nghĩa của nó. Vậy, làm thế nào để tìm lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Và trên hết, tìm kiếm nó ở đâu? Tin Mừng về sự giáng sinh của Chúa Giêsu dường như đã được viết để nói về điều này: để dẫn chúng ta trở lại nơi Thiên Chúa muốn.

Thật ra, Tin Mừng bắt đầu với một hoàn cảnh tương tự như của chúng ta: mọi người đều bận rộn và bận rộn với một sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức, cuộc đại điều tra dân số, đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị. Theo nghĩa này, bầu khí khi đó tương tự như bầu khí bao trùm chúng ta ngày nay vào dịp lễ Giáng sinh. Nhưng câu chuyện Tin Mừng tự tách ra khỏi bối cảnh thế tục đó: “tách ra” khỏi những hình ảnh để tập chú vào một thực tại khác. Câu chuyện tập trung vào một đối tượng nhỏ bé, có vẻ tầm thường, nhưng được nhắc đến ba lần, nơi đó các nhân vật chính quy tụ: đầu tiên là Đức Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2,7); sau đó là các thiên thần loan báo cho các mục đồng “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); rồi đến các mục đồng, những người nhìn thấy “Hài nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Máng cỏ: để khám phá lại ý nghĩa của Giáng sinh, chúng ta phải nhìn vào đó. Nhưng tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu hiệu, không phải ngẫu nhiên, mà Chúa Kitô bước vào bối cảnh thế giới này. Đó là cách mà Người tỏ lộ để tự giới thiệu mình, cách mà Chúa sinh ra trong lịch sử để làm cho lịch sử được tái sinh. Vậy máng cỏ muốn nói với chúng ta điều gì? Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.

  1. Sự gần gũi. Máng cỏ được sử dụng để đưa thức ăn đến gần miệng và để ăn nhanh hơn. Do đó, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh của con người: sự phàm ăn trong việc tiêu thụ. Bởi vì, trong khi những con vật trong chuồng nhai ngốn thức ăn, thì con người trên thế giới, khao khát quyền lực và tiền bạc, cũng nút chửng những người hàng xóm, anh chị em của mình. Có bao nhiêu cuộc chiến! Và ở bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do bị chà đạp! Và bao giờ nạn nhân chính của sự phàm ăn của con người cũng là những người mong manh, yếu đuối. Ngay cả Giáng Sinh này, một nhân loại ham mê tiền bạc, quyền lực và vui thú không dành chỗ cho những người bé nhỏ, cho biết bao trẻ thơ chưa chào đời, cho những người nghèo khổ và bị lãng quên, như đã làm đối với Chúa Giêsu (x. câu 7). Trước hết tôi nghĩ đến những trẻ em bị nút chửng bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Nhưng Chúa Giêsu đến ngay tại đó, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự lãng phí và bị ruồng bỏ. Nơi Người, trẻ thơ của Bêlem, có mọi trẻ em. Và có một lời mời nhìn vào cuộc sống, chính trị và lịch sử qua con mắt của trẻ em.

Trong máng cỏ của sự từ chối và thiếu thốn, Thiên Chúa đã tự đặt mình: Người đến đó, bởi vì ở đó có những vấn đề của nhân loại, sự dửng dưng do sự vội vàng phàm ăn của sở hữu và tiêu thụ. Chúa Kitô được sinh ra tại đó và chúng ta tìm thấy Người ở đó trong máng cỏ. Người đến ở nơi đựng thức ăn để biến mình thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha phá huỷ con cái mình, nhưng là người Cha, trong Chúa Giêsu, biến chúng ta thành con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng sự dịu dàng. Người đến để lay động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng sức mạnh duy nhất có thể thay đổi dòng chảy lịch sử là tình yêu. Người không còn xa cách và uy quyền, nhưng trở nên gần gũi và khiêm nhường; Người, Đấng ngự trên trời, đã để mình nằm trong máng cỏ.

Anh chị em thân mến, đêm nay Thiên Chúa đến gần chúng ta vì Người quan tâm đến chúng ta. Từ máng cỏ, như lương thực cho cuộc sống chúng ta, Người nói với mỗi người: “Nếu con cảm thấy bị nhai ngốn bởi các sự kiện, nếu con bị cảm giác tội lỗi và bất xứng của mình nuốt chửng, nếu con khao khát công lý, thì Ta, Thiên Chúa, ở cùng con. Ta biết những gì con đang sống, Ta đã kinh nghiệm nó tại nơi máng cỏ đó. Ta biết những đau khổ của con và lịch sử của con. Ta sinh ra để nói với con rằng Ta đang và sẽ luôn ở bên cạnh con.” Máng cỏ Giáng Sinh, thông điệp đầu tiên của một Thiên Chúa bé thơ, nói với chúng ta rằng Người ở với chúng ta, yêu thương chúng ta và tìm kiếm chúng ta. Hãy can đảm lên, đừng để mình bị khuất phục bởi sợ hãi, cam chịu, nản lòng. Chúa sinh ra trong máng cỏ để tại đó chúng ta được tái sinh, tại chính nơi chúng ta nghĩ mình đã bi đát đến tận cùng. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào mà Chúa Giêsu không muốn và không thể cứu mỗi người. Giáng sinh có nghĩa là Thiên Chúa đang ở gần, làm tái sinh sự tin tưởng!

  1. Máng cỏ Bêlem, hơn cả sự gần gũi, còn nói với chúng ta về sự nghèo khó. Thật vậy, không có nhiều thứ xung quanh máng cỏ ngoài những cây bụi, một số động vật và một số thứ khác. Mọi người đang ở trong khách sạn ấm áp, không phải nơi chuồng vật lạnh lẽo của nhà trọ. Nhưng Chúa Giêsu đã được sinh ra ở đó và máng cỏ nhắc nhở chúng ta rằng xung quanh Người không có gì khác ngoài những người yêu mến Người: Mẹ Maria, Thánh Giuse và một số mục đồng; tất cả những người nghèo, hiệp nhất bởi tình cảm và sự ngạc nhiên, không phải bởi sự giàu có và những khả năng xuất chúng. Do đó, máng cỏ nghèo mang đến sự giàu có thực sự của cuộc sống: không phải tiền bạc và quyền lực, mà là các tương quan và con người.

Và con người đầu tiên, sự giàu có đầu tiên, chính là Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta có muốn ở bên Người không? Chúng ta có đến gần Người không, chúng ta có yêu mến sự nghèo khó của Người không? Hay chúng ta thích ở lại thoải mái trong sở thích của mình? Trên hết, chúng ta có đến thăm Người tại nơi Người ở, tức là trong máng cỏ nghèo nàn của thế giới chúng ta không? Ở đó Người hiện diện. Và chúng ta được kêu gọi để trở thành một Giáo hội thờ phượng Chúa Giêsu khó nghèo và phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo. Như một vị giám mục thánh thiện đã nói: “Giáo hội ủng hộ và chúc lành cho những nỗ lực biến đổi các cơ cấu bất công và chỉ đặt ra một điều kiện: những biến đổi xã hội, kinh tế và chính trị mang lại lợi ích đích thực cho người nghèo” (O.A. Romero, thông điệp mục vụ cho năm mới, ngày 1/1/1980). Dĩ nhiên, thật không dễ dàng để rời bỏ sự ấm áp nồng nhiệt của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp trơ trụi của hang đá Bêlem, nhưng chúng ta hãy nhớ rằng không có một Giáng Sinh thực sự nếu không có người nghèo. Không có họ, chúng ta cử hành Giáng sinh, nhưng không phải là Giáng sinh của Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa nghèo trong lễ Giáng Sinh: hãy làm tái sinh lòng bác ái.

  1. Như thế chúng ta đi đến điểm cuối cùng: máng cỏ nói với chúng ta về tính cụ thể. Thật vậy, một hài nhi nằm trong máng cỏ tượng trưng cho một khung cảnh ấn tượng, thậm chí là mộc mạc. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm. Và do đó, để nói về Người, các lý thuyết, những tư tưởng đẹp đẽ và những tình cảm sùng kính thì không đủ. Chúa Giêsu sinh ra trong sự khó nghèo, sẽ sống nghèo và chết nghèo. Người không có nhiều diễn văn về cái nghèo, nhưng Người đã sống cái nghèo đó cho đến cùng vì chúng ta. Từ máng cỏ cho đến thập giá, tình yêu của Người dành cho chúng ta là hữu hình, cụ thể: từ khi sinh ra cho đến khi chết, người con của bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, cái xù xì của kiếp nhân sinh của chúng ta. Người không yêu chúng ta bằng lời nói, Người không yêu chúng ta như trò đùa!

Và do đó, Người không hài lòng với vẻ bề ngoài. Người không chỉ muốn những ý muốn tốt, Người đã trở nên xác thịt. Người được sinh ra trong máng cỏ, Người muốn một đức tin cụ thể, được tạo nên từ sự thờ phượng và lòng bác ái, chứ không phải những lời xầm xì và vẻ bề ngoài. Người, Đấng nằm trần trụi trong máng cỏ và sẽ nằm trần trụi trên thập giá, đòi chúng ta sự thật, để đi đến thực tại trần trụi của mọi sự, để đặt những lời bào chữa, biện minh và giả hình dưới chân máng cỏ. Người được Mẹ Maria dịu dàng quấn trong tấm tã, muốn chúng ta mặc lấy tình yêu. Thiên Chúa không muốn vẻ bề ngoài, mà muốn sự cụ thể. Chúng ta đừng để Giáng Sinh này trôi qua mà không làm điều gì tốt đẹp. Vì đây là lễ của Người, là sinh nhật của Người, chúng ta hãy cho Người những món quà mà Người yêu thích! Thiên Chúa cụ thể trong Lễ Giáng Sinh: nhân danh Người, chúng ta hãy làm sống lại một chút hy vọng nơi những người đã đánh mất nó!

Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn ngắm Chúa nằm trong máng cỏ. Chúng con thấy Chúa thật gần, luôn luôn gần bên chúng con: tạ ơn Chúa. Chúng con nhìn thấy Chúa nghèo, để dạy chúng con rằng sự giàu có thực sự không phải ở vật chất, mà ở con người, đặc biệt là nơi những người nghèo. Chúng con xin lỗi Chúa nếu chúng con không nhận ra Chúa và phục vụ Chúa trong họ. Chúng con thấy Chúa cụ thể, bởi vì tình yêu của Chúa dành cho chúng con là cụ thể: xin giúp chúng con dành cuộc đời và sự sống cho đức tin của chúng con. Amen.

Nguồn: vaticannews.va/vi

2. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2021: Thiên Chúa muốn hạ mình, còn chúng ta lại muốn trèo cao

Anh chị em thân mến,

Một ánh sáng bừng lên trong đêm. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang Thiên Chúa bao phủ các mục đồng, và cuối cùng lời loan báo được mong chờ hàng thế kỷ đã thành hiện thực. “Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã ra đời, Người là Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11). Tuy nhiên, điều thiên thần loan báo đã làm cho chúng ta ngạc nhiên. Thiên thần chỉ cho các mục đồng cách thức tìm thấy Thiên Chúa, Đấng đã đến trần gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (c. 12). Đây là dấu chỉ: một trẻ thơ. Đây là tất cả: một trẻ thơ trong cảnh khó nghèo cùng cực của một máng cỏ. Chẳng còn ánh sáng, hào quang, hay tiếng hát của ca đoàn thiên thần. Chẳng có gì khác, ngoài điều đã được ngôn sứ Isaia loan báo từ trước: “Một trẻ thơ đã sinh ra cho chúng ta” (Is 9,5).

Tin Mừng nhấn mạnh đến sự tương phản này. Lời Chúa tường thuật về việc Giáng Sinh của Đức Giêsu, khởi đầu với việc nhắc đến Cesare Augusto là người truyền kiểm tra dân số trên toàn cõi đất. Trình thuật Kinh Thánh đã phác họa sự vĩ đại của vị hoàng đế đầu tiên này. Nhưng ngay sau đó, Lời Chúa dẫn chúng ta đến Belem, nơi đó, chẳng có gì lớn lao, ngoại trừ một em bé khó nghèo được bọc trong tã, với các mục đồng xung quanh. Nơi đây có Chúa, trong sự nhỏ bé. Đây chính là sứ điệp. Thiên Chúa không ngự trị trên chốn cao sang uy quyền, nhưng đã hạ mình xuống nơi của sự nhỏ bé. Sự nhỏ bé là con đường Chúa chọn để đến với chúng ta, để chạm đến trái tim chúng ta, để cứu độ chúng ta và để đưa chúng ta trở về với những gì là cao quý.

Anh chị em thân mến, khi dừng lại trước hang đá, chúng ta cần nhìn vào trung tâm: chúng ta hãy vượt qua những ánh đèn, những đồ trang trí, và chúng ta hãy chiêm ngắm HÀI NHI. Trong sự nhỏ bé của mình, Thiên Chúa hiện diện cách trọn vẹn. Chúng ta nhìn nhận điều này: “Hài Nhi, Người là Thiên Chúa, Thiên Chúa-Hài Nhi.” Chúng ta hãy để mình trải nghiệm sự kinh ngạc đảo lộn này. Đấng ôm lấy toàn thể vũ trụ, lại cần được bồng ẵm trên tay. Đấng đã tạo nên mặt trời, lại cần được sưởi ấm. Chính sự hiền dịu lại cần được nâng niu. Tình yêu vĩnh cửu lại nhập thể trong một trái tim nhân loại với những nhịp đập. Đấng sáng tạo thế giới lại chẳng có một nơi trú ngụ. Hôm nay, mọi thứ đã bị đảo lộn.

Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta đã biết đón nhận con đường này của Thiên Chúa không? Đó thực sự là thách đố của Giáng Sinh: Thiên Chúa tự tỏ mình, nhưng con người lại không hiểu được điều này. Người trở nên bé nhỏ theo cái nhìn con người, còn chúng ta cứ mãi tìm kiếm sự vĩ đại theo kiểu thế gian, ngay cả bằng cách nhân danh Người. Thiên Chúa thì muốn hạ mình bước xuống, trong khi chúng ta lại muốn trèo đứng trên ngai tòa. Đấng Tối Cao tìm sống trong khiêm hạ, còn chúng ta ham thích sự phô trương. Thiên Chúa đến với các mục đồng, những người vô danh, chúng ta lại tìm kiếm danh vọng. Hài Nhi Giêsu sinh ra để phục vụ, còn chúng ta sống những tháng năm chỉ để theo đuổi thành công riêng mình. Thiên Chúa không kiếm tìm uy thế và quyền lực, nhưng Người đòi hỏi sự dịu dàng và tinh thần bé nhỏ nội tâm.

Đây là điều chúng ta cần xin Chúa Giêsu trong mùa Giáng Sinh: đó là ơn trở nên bé nhỏ. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự bé nhỏ. Xin giúp chúng con hiểu được rằng, đó là con đường để đạt đến sự vĩ đại đích thực.” Nhưng, đón nhận sự bé nhỏ, điều ấy một cách cụ thể có nghĩa là gì? Trước hết, điều ấy có nghĩa là Thiên Chúa muốn đến ngang qua những điều bé nhỏ trong đời sống chúng ta; Người muốn hiện diện trong những thực tại đời sống thường ngày, những cử chỉ đơn sơ được thực hiện ở nhà, trong gia đình, nơi trường học hay chốn công sở. Chính trong khung cảnh bình thường của đời sống thường nhật mà Thiên Chúa muốn thực hiện những điều phi thường. Và đây là sứ điệp mang đến niềm hy vọng lớn lao: Thiên Chúa mời gọi chúng ta coi trọng và đánh giá cao những điều bé nhỏ trong cuộc sống này. Nếu Người ở đó với chúng ta, chúng ta còn lo thiếu sự gì? Chúng ta hãy bỏ lại phía sau bao tiếc nuối về những thứ cao cả mà chúng ta vốn dĩ không có. Hãy thôi than vãn và xệ mặt, cũng như hãy từ bỏ những tham vọng chỉ khiến chúng ta thất vọng.

Thế nhưng, vẫn còn điều đáng nói hơn. Chúa Giêsu không chỉ muốn đến ngang qua những điều nhỏ bé của đời sống chúng ta, nhưng Người còn đến ngang qua chính sự nhỏ bé của chúng ta: nơi kinh nghiệm của chúng ta về sự yếu đuối, mỏng dòn, thiếu thốn, thậm chí những sai lầm. Anh chị em thân mến, nếu bóng tối đêm đen như ở Bêlem bao phủ lấy anh chị em, nếu sự dửng dưng lãnh đạm vây quanh anh chị em, nếu những vết thương mà anh chị em đang mang trong lòng thét lên rằng: “bạn kém giá trị, bạn chẳng là gì, bạn sẽ chẳng bao giờ được yêu thương như bạn muốn”, thì đêm nay, Thiên Chúa đáp lời anh chị em. Đêm nay, Người nói với mỗi người chúng ta: “Ta yêu con như chính con là. Sự nhỏ bé của con không khiến ta sợ hãi, sự mỏng manh của con không làm ta bất an. Chính ta đã trở nên bé nhỏ vì con. Để là Thiên Chúa của con, ta đã trở nên anh em của con. Hỡi những người anh chị em đáng yêu của ta, đừng sợ hãi ta, nhưng hãy tái khám phá sự vĩ đại của các con ở nơi ta. Ta ở gần bên các con, và ta mong chờ nơi các con chỉ một điều duy nhất, đó là: hãy tín thác nơi Ta và hãy mở rộng cõi lòng với Ta.”

Đón lấy sự nhỏ bé cũng có nghĩa là: ôm lấy Chúa Giêsu nơi những con người bé nhỏ của thời đại hôm nay. Hãy yêu mến Chúa Giêsu nơi những người rốt hết, hãy phục vụ Người nơi những người nghèo khó. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo. Và chính nơi họ, mà Người muốn được tôn kính. Trong đêm yêu thương này, duy chỉ một nỗi sợ có thể tấn công chúng ta, đó là: làm tổn thương tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương Người bằng việc coi thường người nghèo bởi sự dửng dưng vô cảm của chúng ta đối với họ. Người nghèo là những người được Thiên Chúa yêu mến, và một ngày nào đó, chính họ sẽ chào đón chúng ta ở trên trời. Một nữ thi sĩ từng viết: “Ai không tìm thấy Nước Trời ở dưới thế, sẽ không có được nó ở trên thiên đàng” (E. DICKINSON, Poems, XVII). Chúng ta đừng bao giờ bỏ quên không ngước nhìn về Quê Trời, chúng ta hãy chăm sóc Hài Nhi Giêsu từ bây giờ, bằng việc quan tâm đến Người nơi những người đang cần đến chúng ta, bởi vì chính Chúa Giêsu đồng hóa mình với họ.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhìn vào Hang Đá và chiêm ngắm Đức Giêsu trong đêm Giáng Sinh, đang được bao quanh bởi những người bé nhỏ và khó nghèo. Họ là những ai? Họ là những mục đồng, là những người đơn sơ và gần gũi với Chúa nhất. Họ đã tìm thấy Người bởi vì, “suốt đêm, họ thức để canh giữ đàn vật” (Lc 2,8). Họ ở đó để làm việc, bởi vì họ nghèo và cuộc sống của họ không có thời gian biểu, nhưng phụ thuộc vào đàn vật. Họ không thể sống ở nơi và theo cách họ muốn, vì họ phải điều chỉnh bản thân theo nhu cầu của đàn vật. Và Hài Nhi Giêsu đã sinh ra ở đó, gần chỗ họ, gần với những người bị quên lãng đang sống ở những vùng ngoại biên. Thiên Chúa đến những nơi mà phẩm giá con người bị ném vào nghịch cảnh. Người đến để nâng cao phẩm giá của những con người bị loại trừ, và Người tự tỏ mình cho họ trước tiên: không phải với những nhân vật quyền cao chức trọng, nhưng là với những người lao động nghèo khổ. Đêm nay, Thiên Chúa đến để mang lại cho nhọc mệt của lao động một phẩm giá. Người nhắc chúng ta rằng: mang lại phẩm giá cho con người bằng công việc thì quan trọng dường nào, cũng như mang lại phẩm giá cho công việc của con người. Bởi vì, con người là chủ chứ không phải là đầy tớ của công việc. Trong ngày của Sự Sống, chúng ta hãy lập lại: những người phải chết vì lao động đã quá đủ rồi. Và chúng ta hãy dấn thân cho điều này.

Cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào Hang Đá, bằng việc mở rộng tầm mắt đến tận cùng để bắt gặp những nhà chiêm tinh, những người đang trên đường hành hương đến thờ lạy Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm và hãy hiểu rằng, tất cả được nối kết trong sự hiệp nhất bằng việc quây quần bên Hài Nhi Giêsu: không chỉ có những người rốt hết, những mục đồng, nhưng còn có cả những bậc thông thái, những người giàu có, và những nhà chiêm tinh. Nơi Bêlem, mọi người hiện diện cùng nhau, có người giàu và người nghèo, có người uyên bác như các nhà chiêm tinh, có người lao động như các mục đồng. Tất cả mọi người liên kết với nhau vì có Đức Giêsu ở trung tâm: không phải những tư tưởng của chúng ta về Người, nhưng là CHÍNH NGƯỜI, Đấng Hằng Sống. Bởi thế, anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy trở lại Bêlem, hãy trở về với tận nguồn cội: đó chính là tính thiết yếu của đức tin, là tình yêu nguyên thủy, là sự tôn kính và lòng bác ái. Chúng ta hãy nhìn ngắm các nhà chiêm tinh trên đường hành hương, và như Giáo hội Hiệp hành đang tiến bước, chúng ta hãy đến Bêlem, nơi có Đấng là Thiên Chúa và là con người, nơi mà Thiên Chúa chiếm vị trí cao nhất và được tôn thờ, nơi mà người rốt hết cũng có chỗ gần bên Người, nơi mà các mục đồng và người chiêm tinh cùng hiện diện trong tình huynh đệ, vốn mạnh mẽ hơn mọi phân chia tầng lớp. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trở nên một Giáo hội thờ phượng, khó nghèo và huynh đệ. Đây là điều thiết yếu. Chúng ta hãy trở lại Bêlêm.

Thật là tốt khi chúng ta đến đó, ngoan ngùy trước Tin Mừng Giáng Sinh đang trình bày cho chúng ta Gia Đình Thánh, các mục đồng, các nhà chiêm tinh: toàn thể nhân loại đang trên cuộc hành trình. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến bước lên đường, bởi vì cuộc sống là một chuyến hành hương. Chúng ta hãy trỗi dậy, hãy thức tỉnh bởi vì đêm nay một ánh sáng đã bừng lên. Đó là ánh sáng dịu hiền và ánh sáng ấy nhắc chúng ta rằng, nơi sự nhỏ bé của chúng ta, chúng ta là những người con được yêu thương, chúng ta là con cái của ánh sáng (1 Tx 5,5). Cùng nhau chúng ta hãy vui mừng! bởi vì, không một ai có thể dập tắt được ánh sáng này, Ánh Sáng của Chúa Giêsu, Đấng từ đêm nay chiếu soi trên toàn thế giới.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

3. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2020: Con Thiên Chúa làm người để con người trở thành con cái Thiên Chúa

Anh chị em thân mến,

Đêm nay ứng nghiệm lời của đại ngôn sứ Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời vì chúng ta, một người con được ban tặng cho chúng ta” (Is 9,5).

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Người ta thường nói thế này: niềm vui lớn nhất của cuộc sống, đó là niềm vui khi một trẻ thơ chào đời. Điều ấy thật phi thường, vì điều ấy thay đổi tất cả, điều ấy mang lại sức mạnh không thể hình dung, giúp vượt thắng khó khăn vất vả, giúp đánh thức khỏi mơ ngủ, bởi vì điều ấy mang lại niềm hạnh phúc lớn lao, để thấy rằng trước mắt chẳng có chi là đáng kể. Và Giáng Sinh là thế: Cuộc hạ sinh của Chúa Giêsu luôn là điều mới mẻ, giúp chúng ta mỗi năm lại được tái sinh từ bên trong, để tìm thấy nơi Người sức mạnh giúp chúng ta đối diện với mọi thử thách. Đúng thế, Người hạ sinh là vì chúng ta, là cho chúng ta: cho tôi, cho bạn, cho từng người. Và đó cũng là lời ngôn sứ Isaia chúng ta nghe đêm nay: “Một trẻ thơ chào đời vì chúng ta”, và chúng ta nhẩm đi nhắc lại trong Thánh Vịnh: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta”. Chúa Giêsu “đã trao ban chính mình Người cho chúng ta” (Tt 2,14), thánh Phaolô tuyên xưng như thế. Trong Tin Mừng, các thiên thần cũng loan báo: “Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,11).

Thế nhưng, có ý gì khi nói: “cho chúng ta, vì chúng ta”? Có nghĩa là, Con Thiên Chúa, bởi bản tính đầy ơn phúc, đã đến ban ơn chúc phúc cho chúng ta, để làm cho chúng ta trở thành những người con được chúc phúc. Đúng thế, Thiên Chúa đã đi vào thế giới trong vị thế của một Người Con, để nâng chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Thật là món quà tuyệt vời! Hôm nay Thiên Chúa làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, và Ngài nói với từng người trong chúng ta rằng: Con thật tuyệt.  Anh chị em thân mến, đừng để mình bị nản lòng. Anh chị em có thể có cám dỗ nghĩ về những sai lầm của mình? Nhưng Thiên Chúa nói với anh chị em rằng: “Không, con là con của Cha!”. Anh chị em cảm thấy là sẽ không làm được, hoặc sợ là không xứng đáng, sợ là không thể thoát ra khỏi đường hầm? Nhưng Chúa nói: “Can đảm lên, vì Ta ở cùng con”. Thiên Chúa không nói với anh chị em bằng lời, nhưng chính Ngài đã trở nên một người con giống như bạn, như tôi, để giúp bạn nhớ điểm xuất phát của mọi cuộc tái sinh: đó là nhận biết rằng, bạn là con cái Thiên Chúa. Đây là tâm điểm không thể xóa nhòa của niềm hy vọng của chúng ta, đây là cốt lõi, là trụ cột nâng đỡ sự hiện hữu của chúng ta. Vượt qua tất cả những gì là phẩm chất và khiếm khuyết, vượt qua tất cả những gì là tổn thương lớn nhất và những thất bại nặng nề của quá khứ, vượt qua những gì là sợ hãi và bất an về tương lai, vượt qua tất cả những điều ấy, có một sự thật là: chúng ta là những người con được thương yêu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phụ thuộc và không bao giờ phụ thuộc vào chúng ta: Tình yêu thương của Ngài hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn là quà tặng, hoàn toàn là phúc lành. Đêm nay, thánh Phaolô nói với chúng ta: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11). Chẳng có gì đáng giá hơn thế.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì đó, mà đã ban chính Người Con Duy Nhất của Ngài, vốn là tất cả niềm vui của Ngài. Thế nhưng, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn mà con người dành cho Thiên Chúa và nhìn vào sự bất công mà con người dành cho nhau, sẽ nảy sinh nghi ngờ rằng: Thiên Chúa đã làm tất cả mọi điều tốt lành cho chúng ta, đã ban cho chúng ta như thế, liệu chúng ta có thực sự đáng tin nữa không? Thiên Chúa có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Đúng, Thiên Chúa đánh giá chúng ta quá cao, đến nỗi Ngài yêu thương chúng ta cho đến chết. Ngài không thể không yêu thương chúng ta. Ngài là thế, Ngài khác chúng ta quá nhiều. Ngài luôn luôn yêu mến chúng ta, hơn tất cả những gì mà chúng ta có thể dành cho chính bản thân mình. Đó là bí mật của Ngài để đi vào trái tim chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, cách thức duy nhất để cứu chúng ta, để chữa lành chúng ta, là yêu thương chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, chúng ta có thể trở nên tốt hơn, chỉ bằng cách đón nhận tình yêu thương không mệt mỏi của Ngài, tình yêu mến ấy không bao giờ thay đổi, tình yêu mến ấy biến đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu mến của Chúa Giêsu mới biến đổi cuộc đời, chữa lành những vết thương sâu kín nhất, giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của những bất mãn, giận dữ và than phiền.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Trong máng cỏ nghèo nàn của chuồng bò tối tăm, ở đó có chính Con Thiên Chúa. Câu hỏi nảy sinh là: Tại sao Ngài sinh ra trong đêm, không ở một nơi xứng đáng, nhưng trong cảnh nghèo nàn và bị bỏ mặc, trong khi Ngài xứng đáng được hạ sinh nơi vĩ đại nhất nơi đẹp nhất trong các cung điện? Tại sao? Tại vì, để làm cho chúng ta hiểu tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta tới đâu, Ngài yêu thương chúng ta đến mức yêu mến thân phận con người, đến nỗi chạm vào cái khổ đau tồi tệ nhất của chúng ta, bằng tình yêu thương của Ngài. Con Thiên Chúa sinh ra đã bị từ chối, bị bỏ mặc, để nói cho chúng ta rằng, tất cả những ai bị bỏ mặc, đều là con Thiên Chúa. Ngài đã đến thế gian trong vị thế của một trẻ thơ yếu đuối, để chúng ta có thể đón nhận sự mỏng dòn của bản thân bằng sự hiền lành dịu dàng. Và để khám phá ra một điều quan trọng: Cũng giống như Belem, Thiên Chúa thích làm nên những điều lớn lao qua sự khó nghèo của chúng ta. Ngài đã đặt tất cả niềm hy vọng của chúng ta nơi máng cỏ và Ngài không sợ cái nghèo của chúng ta: Chúng ta hãy để cho tình thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài biến đổi những nỗi khốn cùng của chúng ta.

Vậy, đó là điều muốn nói “một người con được ban tặng cho chúng ta”. Nhưng vẫn còn một điều khác, đó là điều mà thiên thần nói với các mục đồng: “Đây là dấu cho anh em: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ này, Hài Nhi nằm trong máng cỏ, cũng là dành cho chúng ta, để định hướng cuộc đời chúng ta. Ở Belem, cũng có nghĩa là “Nhà của bánh”, Thiên Chúa ở trong máng cỏ, trong máng đựng thức ăn, điều ấy nhắc chúng ta nhớ rằng, để sống, chúng ta cần Ngài như cần bánh để nuôi sống. Chúng ta cần biết để cho mình được vượt thắng và đụng chạm tới tình yêu nhưng không, tình yêu không biết mệt mỏi, tình yêu cụ thể của Ngài. Biết bao lần, chúng ta chỉ dừng lại với những thú vui, những thành công và tính thế gian; những điều ấy nuôi chúng ta, nhưng cũng để lại khoảng trống trong tâm hồn! Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã than thở rằng: trong khi bò lừa còn nhận biết máng ăn, còn chúng ta là dân Chúa, thì không nhận biết Ngài là nền tảng cuộc đời (Is 1,2-3). Thực tế là: với sự sở hữu vô độ, chúng ta tự ném mình vào bao nhiêu máng cỏ của sự phù vân, trong khi quên đi máng cỏ Belem. Máng cỏ Belem nghèo nàn về mọi thứ, nhưng giàu có về tình yêu thương, điều ấy dạy chúng ta rằng, điều cần thiết của cuộc đời là để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và yêu thương anh chị em mình. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta: Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là trẻ thơ, không nói, nhưng trao tặng sự sống. Còn chúng ta, chúng ta nói quá nhiều, nhưng lại mù quáng và không biết gì về lòng tốt.

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Ai đã có một hài nhi bé nhỏ, sẽ biết được mức độ của tình yêu thương và sự kiên nhẫn mà chúng ta cần có. Biết bao điều cần làm, nào là cho ăn, chăm sóc, vệ sinh, chăm lo cho những gì là yếu ớt mong manh của trẻ thơ và những nhu cầu, thường thì rất khó để hiểu được. Một đứa trẻ khiến bạn cảm thấy được yêu thương, nhưng cũng dạy bạn cách yêu thương. Thiên Chúa hạ sinh làm trẻ thơ, để thôi thúc chúng ta biết chăm sóc tha nhân. Tiếng khóc dễ thương của trẻ thơ khiến chúng ta hiểu rằng, rất nhiều ý tưởng của chúng ta thực ra là vô ích. Tình yêu của Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, thời gian chúng ta có, không phải để khóc cho chúng ta, mà là để xoa dịu những giọt nước mắt của người khổ đau. Thiên Chúa ở gần chúng ta, nơi những người nghèo khó và thiếu thốn, để nói với chúng ta rằng, bằng cách phục vụ người nghèo, là chúng ta yêu mến Ngài. Từ đêm nay, như lời của một nhà thơ viết rằng: “Nhà của Chúa ở gần nhà tôi. Và nội thất của căn nhà là tình yêu thương” (E. DICKINSON, Poems, XVII).

Một người con được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, chính là Ngài, Ngài là Người Con, đã nâng con lên làm con cái Thiên Chúa. Ngài đã yêu mến con như chính con là, chứ không như con mơ tưởng. Con xin ẵm lấy Ngài, lạy Hài Nhi bé nhỏ trong máng cỏ, xin hãy ẵm lấy cuộc đời con. Khi đón nhận Ngài là Bánh sự sống, con cũng muốn trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Ngài đã cứu độ con, xin cũng dạy con biết sống phục vụ. Ngài chẳng khi nào bỏ mặc con, xin dạy con biết giúp đỡ và an ủi anh chị em con, bởi vì từ đêm nay tất cả chúng con đều là anh chị em.

Nguồn: vaticannews.va/vi

4. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2019: Tình yêu Thiên Chúa là ân sủng nhưng không

Anh chị em thân mến,

“Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1). Lời tiên tri mà chúng ta được nghe trong Bài đọc 1 đã được hiện thực hóa nơi Tin Mừng: khi những người chăn chiên thức đêm canh giữ vùng đất của họ, ‘vinh quang của Chúa chiếu toả xung quanh’ (Lc 2,9). Nơi đêm đen của trái đất, một ánh sáng từ trời xuất hiện. Ánh sáng này xuất hiện trong bóng tối nghĩa là gì? Tông đồ Phaolô giải thích cho chúng ta: ‘ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người’. (Tt 2,11).”

Nhưng ân sủng này là gì? Đó là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu làm thay đổi cuộc đời, làm mới lịch sử, mang lại hòa bình và niềm vui. Đêm nay, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ ra cho chúng ta: Hài Nhi Giêsu. Nơi Giêsu, Đấng tối cao tự trở nên Em Bé, để được chúng ta ôm lấy. Nhưng, chúng ta vẫn có thể tự hỏi, tại sao Thánh Phaolô gọi việc Thiên Chúa đến thế gian là “ân sủng”? Vì để nói cho chúng tôi rằng nó hoàn toàn nhưng không, miễn phí. Trong khi trên trái đất này, mọi thứ dường như theo logic cho đi là để nhận lại, thì Chúa lại đến nhưng không, miễn phí. Tình yêu của Ngài không so đo: chúng ta chưa làm gì để đáng được điều đó và chúng ta cũng sẽ không bao giờ đáp lại tương xứng.

Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ. Đêm nay chúng ta nhận ra rằng, trong khi chúng ta không đủ tầm, Ngài đã tự trở nên nhỏ bé vì chúng ta; khi chúng ta chỉ lo cho mình thì Ngài đã đến giữa chúng ta. Giáng Sinh nhắc chúng ta rằng Chúa tiếp tục yêu mỗi người, ngay cả tồi tệ nhất. Đối với tôi, với bạn, với mỗi chúng ta hôm nay, Ngài nói: “Ta yêu con và sẽ luôn yêu con, con thật quý giá trong mắt Ta”. Chúa không yêu bạn vì bạn nghĩ đúng và cư xử chuẩn mực; nhưng Ngài yêu bạn chỉ vì tình yêu của Ngài vô điều kiện, nó không phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể có những quan niệm sai lầm nhưng Chúa không từ bỏ yêu thương bạn.

Đã bao lần chúng ta nghĩ rằng Chúa tốt nếu chúng ta tốt và Ngài trừng phạt nếu chúng ta xấu. Không phải thế. Trong tội lỗi của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục yêu chúng ta. Tình yêu của Ngài không thay đổi; Ngài thành tín và kiên nhẫn. Đây là món quà chúng ta tìm thấy nơi Giáng Sinh: chúng ta kinh ngạc khám phá rằng Chúa là tất cả sự nhưng không, tất cả sự dịu dàng. Vinh quang của Ngài không làm chúng ta choáng váng, sự hiện diện của ngài không làm chúng ta sợ hãi. Ngài sinh ra nghèo khó về mọi thứ, để chinh phục chúng ta bằng sự phong phú của tình yêu.

Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ. Ân sủng đồng nghĩa với vẻ đẹp. Đêm nay, nơi vẻ đẹp của tình yêu của Chúa, chúng ta cũng khám phá lại vẻ đẹp của chính mình, bởi vì chúng ta là những người được yêu của Thiên Chúa. Dù tốt hay xấu, dù sức khỏe và bệnh tật, vui hay buồn, trong mắt Ngài, chúng ta vẫn thật đẹp, không phải vì những chúng ta làm, nhưng vì những gì chúng ta là. Có một vẻ đẹp không thể xóa bỏ nơi chúng ta, một vẻ đẹp không thể thay thế, đó là cốt lõi của con người chúng ta. Hôm nay, Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều đó, khi bằng tình yêu, Ngài mang lấy nhân tính của chúng ta và “kết hôn” với nó mãi mãi.

Thật vậy, “niềm vui lớn” được loan báo cho các mục đồng đêm nay là “của tất cả mọi người”. Nơi những người chăn chiên, những người chắc chắn không phải là thánh, chúng ta nhìn thấy mình, với những mong manh và yếu đuối của chúng ta. Khi Ngài gọi họ, Chúa cũng gọi chúng ta, vì Ngài yêu chúng ta. Và, vào những đêm tối của cuộc đời, Ngài nói với chúng ta như đã nói với họ: “Đừng sợ” (Lc 2,10). Hãy can đảm, đừng mất niềm tin, đừng mất hy vọng, đừng nghĩ rằng yêu thương là mất thời gian! Đêm nay tình yêu đã vượt qua nỗi sợ hãi, một hy vọng mới xuất hiện, ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa đã chiến thắng bóng tối kiêu ngạo của con người. Nhân loại, Thiên Chúa yêu bạn và trở thành con người vì bạn, bạn không còn cô đơn!

Anh chị em thân mến, chúng ta phải làm gì khi đứng trước với ân sủng này? Chỉ một điều duy nhất: đón nhận món quà đó. Trước khi đi tìm Thiên Chúa, chúng ta hãy để mình được Thiên Chúa tìm. Chúng ta không khởi đi từ khả năng của mình, nhưng từ ân sủng của Ngài, vì Ngài, Giêsu, là Đấng Cứu Độ. Chúng ta hãy chăm chú ngắm nhìn Hài Nhi và để mình được chiếm lấy bởi sự dịu dàng của Ngài. Chúng ta sẽ không còn lý do để từ chối, không để mình được Ngài yêu: bởi những sai lầm trong cuộc sống, những điều không ổn trong Giáo hội, những gì chưa được trên thế giới. Nó sẽ là thứ yếu, bởi vì đối diện với tình yêu điên dại của Giêsu, một tình yêu tất cả sự nhẹ nhàng và gần gũi, không còn sự lên án nữa.

Vì thế, câu hỏi của Giáng Sinh là: “Tôi có để mình được Chúa yêu không? Tôi có buông chính mình cho tình yêu của Ngài để cứu tôi không?

Một món quà tuyệt vời như thế xứng đáng có được một lòng biết ơn lớn. Đón nhận ân sủng là biết cảm ơn. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta thường quên lòng biết ơn. Hôm nay là ngày thích hợp để đến Nhà Tạm, hang đá, máng cỏ để nói lời cảm ơn. Chúng ta đón nhận món quà là Chúa Giêsu, để rồi sau đó trở thành một món quà như Chúa Giêsu. Trở thành một món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất để thay đổi thế giới: chúng ta thay đổi, Giáo hội thay đổi, lịch sử thay đổi khi chúng ta bắt đầu, không phải là muốn thay đổi người khác, nhưng là thay đổi chính mình, biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà.

Đêm nay Giêsu cho chúng ta thấy điều đó: Ngài không thay đổi lịch sử bằng cách ép uổng, nhưng bằng món quà sự sống của mình. Ngài đã không chờ đợi chúng ta trở nên tốt rồi yêu chúng ta, nhưng Ngài đã hiến mình cho chúng ta cách nhưng không, miễn phí. Chúng ta cũng vậy, đừng chờ đợi người khác trở nên tốt rồi mới làm điều tốt cho họ, hay chờ Giáo hội hoàn hảo rồi mình mới yêu. Hãy bắt đầu từ chúng ta. Đây là cách đón nhận món quà ân sủng. Và thánh thiện không gì khác hơn là bảo vệ tính nhưng không này.

Có một truyền thuyết đẹp kể rằng, khi Chúa Giêsu chào đời, các mục đồng đã chạy đến hang đá với nhiều món quà khác nhau. Mỗi người mang đến những gì họ có, nào là thành quả công việc, nào là những thứ quý giá. Nhưng, trong khi mọi người dâng lên những món quà của mình, thì có một người không có gì. Anh ấy rất nghèo, không có gì để dâng. Trong khi mọi người tranh nhau tặng quà, anh đứng tách biệt, xấu hổ. Có lúc thánh Giuse và Đức Mẹ khó khăn khi nhận tất cả những món quà, đặc biệt là Đức Mẹ phải chăm lo Hài Nhi. Nhìn thấy anh mục đồng tay không đó, Mẹ nói anh đến gần hơn, và đặt Chúa Giêsu vào tay anh. Anh chăn cừu, tay bồng Chúa, nhận ra rằng anh đã nhận điều anh không đáng được, rằng anh có được món quà lớn nhất của lịch sử trong tay mình. Anh ta nhìn đôi tay mình, đôi tay luôn có vẻ trống rỗng, để trở thành cái nôi của Chúa. Anh cảm nhận mình được yêu và vượt qua sự mặc cảm, bắt đầu cho người khác thấy Chúa Giêsu, bởi vì anh đã không thể giữ lấy cho mình Món quà của các món quà.

Anh chị em thân mến, nếu đôi tay anh chị em dường như trống rỗng, nếu anh chị em thấy trái tim mình nghèo tình yêu, thì đêm nay là đêm dành cho anh chị em. Ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ để tỏa sáng trong cuộc sống của anh chị em.

Nguồn: vaticannews.va/vi

5. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2018: Bêlem có nghĩa là ngôi nhà bánh

Anh chị em thân mến!

Cùng với Maria, người đã thành hôn với mình, Thánh Giu-se đã đi tới “thành Bêlem, là thành của vua Đavít” (xc. Lc 2,4). Đêm nay, chúng ta cũng trẩy về Bêlem để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.

  1. Bêlem: Danh xưng này có nghĩa là ngôi nhà bánh. Hôm nay, Thiên Chúa muốn gặp gỡ nhân loại trong “ngôi nhà” ấy. Ngài biết rằng, chúng ta cần tới lương thực để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng, lương thự thế gian không làm cho con tim được no thỏa. Trong Kinh Thánh, tội Nguyên Tổ của nhân loại được liên kết với việc tiếp nhận lương thực: “Họ vặt lấy những trái cây và ăn” – Sách Sáng Thế thuật lại (3,6). Họ vặt và ăn. Con người đã trở nên tham lam và háu ăn. Việc chiếm hữu và gom góp mọi thứ xem ra có vẻ như là ý nghĩa đối với nhiều người. Một sự tham lam vô độ xuyên suốt lịch sử nhân loại đã dẫn tới những nghịch lý của thời đại hôm nay, mà theo đó, một số ít người thì chè chén say sưa thỏa thích đến độ nứt mỡ, trong khi rất nhiều người khác lại không có đủ lương thực để sống.

Bêlem được coi là khúc ngoặt trong quá trình lịch sử. Ở đó, Thiên Chúa được sinh ra tại ngôi nhà bánh trong một chiếc máng thức ăn. Như thể Ngài muốn nói rằng: Ta ở đây với tư cách là lương thực của các ngươi. Ngài không lấy gì, nhưng Ngài giới thiệu một điều gì đó để ăn; Ngài không cho cái gì khác ngoài bản thân Ngài. Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là người lấy mất sự sống, nhưng là Đấng trao ban sự sống. Chúa Giêsu nói với kẻ mà ngay từ đầu đã quen với việc cầm lấy và ăn rằng: “Hãy cầm lấy mà ăn; đây là Mình Thầy” (Mt 26,26). Thân xác bé nhỏ của hài nhi Bêlem mở ra một mẫu sống mới: không ngấu nghiến và tích trữ, nhưng chia sẻ và cho đi. Thiên Chúa khiến mình trở nên bé nhỏ để trở thành lương thực cho chúng ta. Trong khi chúng ta nuôi sống bản thân mình bằng Bánh Hằng Sống, chúng ta sẽ có thể được tái sinh trong Tình Yêu cũng như có thể nghiền nát vòng xoáy của sự tham lam và sự vô độ. Từ “ngôi nhà bánh”, Chúa Giêsu tái dẫn con người đi về nhà, để con người trở thành người nhà của Thiên Chúa, và trở thành người anh em của những người chung quanh mình. Nếu chúng ta ngắm nhìn Hang Đá, chúng ta sẽ hiểu được rằng, điều nuôi dưỡng sự sống, không phải là sự sở hữu, nhưng là Tình Yêu; không phải là sự tham lam, nhưng là Đức Ái; không phải là sự thừa bứa mà người ta thích khoe ra, nhưng là sự giản dị mà người ta phải bảo vệ.

Thiên Chúa biết rằng, chúng ta cần tới lương thực mỗi ngày. Vì thế, Ngài đã trao hiến chính sự sống của Ngài cho chúng ta mỗi ngày, từ hang đá Bêlem cho tới Bữa Tiệc Ly tại Giêrusalem. Và ngay cả ngày hôm nay, trên bàn Thờ, Ngài cũng vẫn đang còn biến mình thành tấm bánh được bẻ ra cho chúng ta: Ngài gõ cửa nhà chúng ta để bước vào, để cùng dùng bữa với chúng ta (xc. Kh 3,20). Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy lãnh nhận Chúa Giêsu, bánh bởi trời, trên trái đất: một lương thực mà nó không biết đến ngày hết hạn, nhưng làm cho chúng ta được thưởng nếm sự sống đời đời ngay từ bây giờ.

Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng, sự sống của Thiên Chúa chảy trong mạch máu của nhân loại. Nếu chúng ta đón nhận sự sống ấy, thì lịch sử sẽ thay đổi, khởi đi từ mỗi người chúng ta. Vì nếu Chúa Giêsu biến đổi con tim, thì trung tâm điểm của đời sống sẽ không còn phải là cái bản ngã ích kỷ và đói khát của tôi nữa, nhưng là Đấng đã đến thế gian này vì Tình Yêu. Chúng ta – những người mà đêm nay được mời gọi tuốn về Bêlem, tuốn về ngôi nhà bánh – hãy tự hỏi: Điều gì là lương thực nuôi sống tôi mà tôi không thể khước từ? Phải chăng đó là Thiên Chua hay là một điều gì khác? Nếu chúng ta bước vào hang đá và nhận ra hương thơm mới của sự sống, hương thơm của sự giản dị trong sự nghèo khó mong manh của hài nhi, chúng ta sẽ tự hỏi: Chúng ta có thực sự cần tới quá nhiều những đồ vật và những thực đơn quá phức tạp để sống hay không? Tôi có cố gắng khước từ những điều phụ tùy nhưng quá dư thừa để chọn một cuộc sống đơn giản hay không? Tại Bêlem, bên cạnh Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy những con người đã lên đường, chẳng hạn như Đức Maria, Thánh Giu-se và các Mục Đồng. Chúa Giêsu chính là lương thực cho sự lên đường. Ngài không muốn việc ngừng tiêu hóa kéo dài quá lâu và trì trệ mà trong đó không có bất cứ điều gì chuyển động, nhưng Ngài thôi thúc chúng ta hãy mau chóng đứng dậy khỏi bàn để trở nên một tấm bánh được bẻ ra cho người khác. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, tôi có bẻ tấm bánh của tôi ra cho những người không có bánh hay không?

  1. Tới Bêlem với tư cách là ngôi nhà bánh, giờ đây chúng ta hãy suy tư về Bêlem với tư cách là thành của vua Đavít. Ở đó, khi còn trẻ, vua Đavít là một mục đồng, và với tư cách là một mục đồng, ông đã được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành một mục tử và trở thành người dẫn dắt Dân Ngài. Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, tại thành Đavít, các mục đồng cũng đã nồng nhiệt chào mừng Chúa Giêsu. Trong đêm hôm ấy, Tin Mừng nói về họ rằng: “Họ rất đỗi sợ hãi” (xc. Lc 2,9), nhưng Thiên Thần nói với họ: “Đừng sợ!” (Lc 2,10). Mệnh lệnh Đừng Sợ này được lập đi lập lại nhiều lần trong Tin Mừng như là một điệp khúc của Thiên Chúa trên con đường kiếm tìm con người. Vì ngay từ đầu, con người đã luôn sợ hãi trước Thiên Chúa mỗi khi tái phạm tội: “Vì tôi sợ hãi […] nên tôi đã ẩn trốn” (St 3,10) – Ađam đã nói như thế sau khi đã phạm tội. Bêlem chính là phương dược khắc trị sự hãi sợ, vì bất chấp “tiếng thưa không” của con người, Thiên Chúa vẫn luôn luôn nói “” ở đó: Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta mãi mãi. Và để sự hiện diện của Ngài không khơi lên nỗi sợ hãi, Ngài đã đến với tư cách là một hài nhi mỏng manh. Đừng sợ: Mệnh lệnh ấy đã không được nói với các vị Thánh, nhưng là nói với các mục đồng, những con người giản dị, tức những con người mà chắc chắn hồi đó đã không lôi kéo sự chú ý nhờ vào phong thái tốt đẹp hay nhờ vào sự đạo đức của mình. Con vua Đavít đã được sinh ra giữa các mục đồng để nói với chúng ta rằng, không ai còn phải cô đơn nữa; chúng ta có một mục tử, Đấng thắng vượt những nỗi sợ hãi của chúng ta, và yêu thương tất cả chúng ta, không trừ một ai.

Các mục đồng Bêlem cũng nói cho chúng ta biết, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa như thế nào. Họ thức suốt đêm: họ không ngủ, nhưng thực hiện điều mà Chúa Giêsu sẽ không ngừng yêu cầu: họ tỉnh thức (xc. Mt 25,13; Mc 13,35; Lc 21,36). Họ luôn tỉnh thức, họ chờ đợi trong đêm tối, và “vinh quang của Thiên Chúa bao phủ họ” (Lc 2,9). Điều đó cũng được áp dụng cho chúng ta. Cuộc sống chúng ta có thể trở thành một sự mong chờ, nó tín thác vào Thiên Chúa và khát khao Ngài ngay cả trong những đêm thức trắng; và rồi chúng ta sẽ được nhận lãnh ánh sáng của Ngài. Nhưng cuộc sống chúng ta cũng có thể trở thành một yêu sách mà ở đó chỉ có sức riêng và những phương tiện riêng của mình là đáng kể; tuy nhiên, trong trường hợp ấy, con tim vẫn cứ đóng kín trước ánh sáng của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thích được chờ đợi, nhưng không phải là chờ đợi Ngài bằng cách nằm ngủ trên những chiếc ghế tràng kỷ. Trong thực tế, các mục đồng đã chuyển động: “Họ vội vã lên đường” – Tin Mừng nói như thế (Lc 2,16). Họ không đứng lỳ ra đó như những người nghĩ rằng, mình đã tới nơi rồi, và không cần bất cứ điều gì nữa, nhưng họ ra đi, để đàn chiên lại một mình, họ đánh liều vì Thiên Chúa. Và sau khi thấy Chúa Giêsu, họ đã lên đường để loan báo Ngài, mặc dù họ không biết nói năng cách khôn khéo, đến độ “khi nghe những người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên” (Lc 2,18).

Tỉnh thức chờ đợi, lên đường, chấp nhận rủi ro, thuật lại những điều tốt đẹp: Đó là những cử chỉ Tình Yêu. Vị mục tử tốt lành đến vào ngày Lễ Giáng Sinh để trao tặng sự sống cho đoàn chiên, sẽ đặt ra cho Phêrô, và qua ông, cho tất cả chúng ta nữa, một câu hỏi có tính quyết định vào Ngày Lễ Phục Sinh: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15). Tương lai của đoàn chiên sẽ phụ thuộc vào câu trả lời. Đêm nay chúng ta được kêu gọi hãy trả lời và nói với chính Ngài rằng: “Con yêu mến Thầy”. Câu trả lời của mỗi cá nhân sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tất cả đoàn chiên.

Nào chúng ta hãy tới Bêlem” (Lc 2,15): Các mục đồng nói với nhau như thế, và họ cũng đã làm điều đó. Lạy Chúa, chúng con cũng muốn tới Bêlem. Con đường ngày hôm nay cũng vẫn đang còn gập ghềnh: Vì thế, ngọn đồi ích kỷ phải được thắng vượt, và ở đây, người ta không được phép trượt chân vào trong những vực thẳm của thế gian và của chủ nghĩa hưởng thụ. Con muốn tới Bêlem, lạy Chúa, vì Chúa đang đợi con ở đó. Và con muốn làm cho mình ý thức được rằng, Chúa – Đấng đang nằm trong một chiếc máng thức ăn – chính là bánh hằng sống của con. Con cần tới hương thơm thoang thoảng của Tình Yêu Chúa để cũng trở thành chính lương thực cho thế giới. Xin vác con trên đôi vai của Chúa, lạy Mục Tử tốt lành: Được Chúa yêu thương, con cũng sẽ có thể yêu thương cũng như có thể cầm lấy cánh tay của những người anh chị em con. Rồi sẽ là Đại Lễ Giáng Sinh khi con có thể thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (xc. Ga 21,17)

Nguồn: daminhtamhiep.net

6. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2017: Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!

Anh chị em thân mến,

Bà Maria “đã sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,7). Với những lời đơn giản và rõ ràng này, Luca đưa chúng ta vào trọng tâm của đêm thánh ấy: Mẹ Maria sinh con; Mẹ cho chúng ta Chúa Giêsu, Ánh Sáng của trần gian. Một câu chuyện đơn giản dìm chúng ta vào trong biến cố làm thay đổi lịch sử của chúng ta mãi mãi. Mọi sự, trong đêm hôm ấy, đã trở nên nguồn hy vọng.

Chúng ta hãy trở lui lại mấy câu. Theo sắc lệnh của Hoàng đế, Maria và Giuse thấy rằng mình buộc phải lên đường. Các ngài phải rời bỏ người thân, nhà cửa và xứ sở để đi làm kiểm tra dân số. Đây là cuộc hành trình không thoải mái hay dễ dàng cho đôi vợ chồng trẻ sắp sinh con, vì phải rời khỏi xứ sở của mình. Trong lòng các ngài tràn đầy hy vọng và mong đợi vì em bé sắp sinh ra; nhưng những bước chân lại nặng trĩu vì những bất trắc và nguy hiểm đang đợi chờ những người phải rời nhà ra đi.

Và rồi các ngài thấy mình phải đối mặt với điều có lẽ là khó khăn hơn cả. Các ngài đến Bêlem và thấy rằng đó là một miền đất chẳng mong đợi mình. Một miền đất không có chỗ cho các ngài.

Và nơi đó, nơi mọi thứ đều là một thử thách, Đức Maria đã sinh ra cho chúng ta Đấng Emmanuel. Con Thiên Chúa phải sinh ra trong một chuồng bò vì người nhà của Ngài không dành chỗ cho Ngài. “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Và nơi đó, trong tăm tối của một thành phố chẳng có phòng cũng chẳng có chỗ cho người lạ từ xa đến, trong tăm tối của một thành phố nhộn nhịp mà lúc này dường như muốn hình thành bằng cách quay lưng lại với người khác … ngay ở nơi đó, một đốm lửa cách mạng của tình yêu của Thiên Chúa đã bừng lên. Ở Bêlem, một tia hy vọng đã mở ra cho những người đã mất đất đai, quê hương, mơ ước của mình; cả cho những ai bị ngộp thở vì cuộc sống đóng kín.

Theo bước Giuse và Maria có biết bao dấu chân khác. Chúng ta thấy những cuộc hành trình của những gia đình buộc phải ra đi vào thời của chúng ta ngày nay. Chúng ta thấy những cuộc hành trình của hàng triệu người không muốn ra đi nhưng phải bỏ lại những người thân vì bị xua đuổi khỏi đất nước mình. Trong nhiều trường hợp, cuộc ra đi này đầy hy vọng, hy vọng cho tương lai; nhưng với nhiều người khác, cuộc ra đi này chỉ có thể mang một tên gọi: thoát thân. Thoát khỏi những Hêrôđê của thời nay, là những kẻ dùng quyền lực thống trị để làm giàu, và không hề áy náy khi đổ máu người vô tội.

Maria và Giuse, những người không có phòng trọ, lại là những người đầu tiên đón nhận Đấng đến để ban cho tất cả chúng ta quyền công dân. Đấng đã dùng sự nghèo khó và khiêm hạ để công bố và tỏ cho thấy quyền năng và tự do đích thực được thể hiện nơi việc tôn vinh và trợ giúp những ai yếu đuối và thấp hèn.

Đêm ấy, Đấng không có nơi để sinh ra đã được loan báo cho những người không có chỗ trên bàn ăn hay trên đường phố. Các mục đồng là những người đầu tiên nghe được Tin Mừng này. Do công việc của mình, họ là những người buộc phải sống ở rìa xã hội. Hoàn cảnh sống của họ và nơi họ phải sống không cho họ thi hành mọi nghi lễ buộc phải giữ về việc thanh tẩy; nên họ bị coi là ô uế. Da thịt, quần áo, mùi vị cơ thể, cả cách nói năng, nguồn gốc của họ, tất cả đều phản lại họ. Tất cả mọi thứ về họ đều gây ra mất tin tưởng. Họ là những người nam và nữ bị xa cách, làm cho người khác sợ hãi. Họ bị coi là những kẻ ngoại giữa những người tin, là kẻ tội lỗi giữa những người công chính, là ngoại kiều giữa các công dân. Nhưng thiên thần lại nói với họ – những người dân ngoại, tội nhân và ngoại kiều ấy: “Đừng sợ; vì tôi mang đến cho anh em một tin vui lớn lao, cũng là tin vui cho toàn dân: hôm nay Đấng Cứu thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavid, Người là Đấng Mêsia, là Chúa” (Lc 2,10-11).

Đây là niềm vui mà đêm nay chúng ta được mời gọi chia sẻ, cử hành và loan báo. Niềm vui mà Thiên Chúa, với lòng thương xót vô hạn của Ngài, đã ôm lấy chúng ta khi chúng ta còn là dân ngoại, là kẻ tội lỗi và người xa lạ, và Ngài đòi chúng ta cũng phải làm như vậy.

Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng đêm nay cho chúng ta thấy được Thiên Chúa hiện diện trong những hoàn cảnh mà chúng ta tưởng Ngài vắng mặt. Ngài hiện diện nơi người khách đến quấy rầy, mà lắm khi chúng ta không nhận ra, người khách đang đi qua các thành phố và khu xóm của chúng ta, đang đi trên những chuyến xe buýt cùng chúng ta và gõ cửa nhà chúng ta.

Chính niềm tin này cũng thôi thúc chúng ta dành chỗ cho sự sáng tạo mới về mặt xã hội, và không sợ phải sống những mối tương quan mới, trong đó không ai cảm thấy rằng không có chỗ cho mình trên trái đất này. Giáng sinh là thời gian để biến sức mạnh của sợ hãi thành sức mạnh của tình yêu, sức mạnh cho một sáng tạo mới của lòng bác ái. Lòng bác ái ấy không bằng lòng với chuyện bất công, như thể đó là điều đương nhiên, nhưng giữa những căng thẳng và mâu thuẫn, can đảm trở thành “ngôi nhà bánh”, một miền đất hiếu khách. Đó là điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã nói với chúng ta: “Đừng sợ! Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô” (Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ giáo hoàng, 22 tháng Mười 1978).

Nơi Hài nhi Bêlem, Thiên Chúa đến gặp chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những người tham gia tích cực vào đời sống chung quanh chúng ta. Ngài hiến mình cho chúng ta, để chúng ta có thể bồng ẵm Ngài, nâng đỡ Ngài và ôm lấy Ngài. Để trong Ngài, chúng ta không còn sợ phải bồng ẵm, nâng đỡ và ôm lấy những người đói khát, người xa lạ, người trần trụi, đau yếu, người bị giam cầm (x. Mt 25,35-36). “Đừng sợ! Hãy mở ra, hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô”. Nơi Hài nhi này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên những sứ giả của niềm hy vọng. Ngài mời gọi chúng ta trở nên những người lính canh cho rất nhiều người đang bị đè nén bởi nỗi tuyệt vọng vì gặp những cánh cửa đóng kín. Nơi Hài nhi này, Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người thực thi lòng mến khách của Ngài.

Hân hoan vì quà tặng là Hài nhi Bêlem, chúng con xin Chúa cho tiếng khóc của Chúa thức tỉnh chúng con ra khỏi thói thờ ơ, mở to mắt trước những ai đang đau khổ. Xin cho lòng nhân hậu của Chúa đánh thức sự nhạy cảm của chúng con và cho chúng con thấy mình được mời gọi nhận ra Chúa nơi những người đến thành phố của chúng con, bước vào lịch sử và cuộc sống của chúng con. Xin cho lòng nhân hậu cách mạng của Chúa dẫn chúng con đến chỗ cảm nghiệm được lời mời gọi trở nên những người đem lại niềm hy vọng và lòng nhân hậu cho dân tộc chúng con.

WHĐ (26.12.2017)

7. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2016: Mầu nhiệm Giáng Sinh chất vấn và khuấy đảo chúng ta

Anh chị em thân mến,

Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tit 2,11). Lời của Thánh Tông đồ Phaolô tỏ lộ mầu nhiệm của đêm thánh này: ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đó là món quà tặng không; nơi Hài nhi được ban cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình.

Đó là đêm của vinh quang, vinh quang được các thiên thần loan báo ở Bêlem và ngày nay chúng ta cũng loan báo vinh quang ấy trên khắp thế giới. Đó là đêm của niềm vui, bởi vì từ lúc ấy cho đến mãi về sau, Thiên Chúa vô biên hằng hữu là Thiên Chúa ở cùng chúng ta: Ngài không ở xa, chúng ta không phải đi tìm Ngài ở trên trời hoặc trong các khái niệm thần bí; Ngài ở gần bên, Ngài đã làm người và sẽ không bao giờ xa cách nhân loại chúng ta nữa, nhân loại mà Ngài đã nhận làm của mình. Đó là đêm của ánh sáng: ánh sáng đã được tiên tri Isaia loan báo (9,1), ánh sáng sẽ soi chiếu những người đi trong bóng tối, đã xuất hiện và bao phủ các mục đồng tại Bêlem (x. Lc 2,9).

Các mục đồng chỉ nhìn thấy “một trẻ thơ được sinh ra cho chúng ta (Is 9,5) và họ hiểu rằng tất cả vinh quang này, tất cả niềm vui này, tất cả ánh sáng này đều quy vào một điểm duy nhất, đó là dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ: “Các ngươi sẽ thấy một em bé được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Đây vẫn luôn là dấu chỉ để tìm gặp Chúa Giêsu. Không chỉ vào thời ấy, mà cả ngày nay nữa. Nếu chúng ta muốn mừng lễ Giáng sinh một cách đích thực, chúng ta phải chiêm ngắm dấu chỉ này: nét đơn sơ mỏng manh của một em bé sơ sinh, sự êm ái của nơi em nằm, sự mềm mại dịu dàng của tấm khăn bao bọc em. Thiên Chúa ở đó.

Qua dấu chỉ này Phúc Âm cho thấy một nghịch lý: tuy nói về vị Hoàng đế, vị Thủ lãnh, là những bậc quyền thế của thời ấy, nhưng Thiên Chúa lại không tỏ ra như thế; Người không sinh ra trong cung điện hoàng gia, nhưng trong sự nghèo nàn của một chuồng bò; không phải trong phô trương trình diễn, nhưng trong sự đơn giản của cuộc sống; không tỏ ra uy quyền, nhưng lại nhỏ bé đến ngạc nhiên. Để gặp được Người, chúng ta phải đến nơi Người đang ở: chúng ta phải cúi xuống, phải hạ mình, phải trở nên bé nhỏ. Hài nhi mới sinh chất vấn chúng ta: Người kêu gọi chúng ta từ bỏ ảo tưởng phù phiếm để đi vào điều chính yếu, từ bỏ những tham vọng vô độ, những bất mãn không cùng và nỗi buồn bực vì điều gì đó chúng ta sẽ chẳng bao giờ có. Chúng ta phải bỏ đi những điều ấy để tái khám phá bình an, niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống trong sự đơn sơ của Chúa Hài nhi.

Chúng ta hãy để cho Hài nhi trong máng cỏ chất vấn chúng ta, nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị chất vấn bởi những trẻ em trong thế giới ngày nay, là những trẻ không được nằm trong nôi, không được cha mẹ yêu thương vỗ về, mà phải nằm trong “chiếc nôi phẩm giá bẩn thỉu”: trú ẩn dưới lòng đất để tránh oanh kích, nằm trên vỉa hè của một thành phố lớn, chịu nhét dưới đáy của một chiếc thuyền chở người nhập cư quá tải. Chúng ta hãy để cho mình bị chất vấn bởi những trẻ em không được sinh ra, bởi những trẻ em kêu khóc vì không ai làm thoả mãn cơn đói của chúng, bởi những trẻ em cầm trên tay không phải là đồ chơi mà là vũ khí.

Mầu nhiệm Giáng Sinh -là ánh sáng và niềm vui- chất vấn và khuấy đảo chúng ta, vì vừa là mầu nhiệm của hy vọng vừa là mầu nhiệm của đau buồn. Mầu nhiệm ấy mang theo hương vị của nỗi buồn, bởi vì tình yêu không được đón nhận và sự sống bị chối bỏ. Đó là điều xảy ra cho Thánh Giuse và Mẹ Maria, các ngài chỉ gặp những cánh cửa đóng kín, nên phải đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ “vì không có chỗ cho các ngài trong nhà trọ” (c. 7). Chúa Giêsu sinh ra trong sự từ chối của một số người và nhiều người khác dửng dưng. Ngày nay cũng có thể có sự dửng dưng ấy, khi Giáng sinh trở thành một ngày lễ mà nhân vật chính là chính chúng ta, chứ không phải là Chúa Giêsu; khi ánh đèn của thương mại đẩy ánh sáng của Thiên Chúa vào trong bóng tối; khi chúng ta chỉ quan tâm đến quà cáp mà dửng dưng với những người bị loại trừ.

Nhưng hương vị chủ yếu của Giáng sinh là hương vị hy vọng bởi vì, dù cuộc sống chúng ta nhiều u tối, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn ngời sáng. Ánh sáng êm dịu của Ngài không làm cho chúng ta sợ hãi; Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, lôi kéo chúng ta đến với Người bằng sự dịu dàng, sinh ra nghèo hèn và mong manh giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Người sinh ra ở Bêlem, nghĩa là “ngôi nhà bánh”. Như thể Chúa muốn nói với chúng ta rằng Người sinh ra để làm tấm bánh cho chúng ta; Người đi vào cuộc sống để ban cho chúng ta sự sống của Người; Người đi vào thế giới của chúng ta để ban cho chúng ta tình yêu của Người. Người không đến để huỷ hoại hay chỉ huy nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Như thế có một sợi chỉ xuyên suốt nối liền máng cỏ và thập giá, nơi mà Chúa Giêsu trở nên tấm bánh bị bẻ ra: đó là sợi chỉ tình yêu tự hiến và cứu độ chúng ta, mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta và bình an cho tâm hồn chúng ta.

Các mục đồng hiểu rõ điều này trong đêm ấy. Họ thuộc về số những người bị gạt ra bên lề vào thời ấy. Nhưng không ai trong số họ bị gạt ra khỏi cái nhìn của Thiên Chúa và chính họ mới là những người được mời đến gặp Hài nhi Giêsu. Những kẻ cảm thấy tự tin, tự mãn, lại đang ở nhà với tài sản của mình; còn các mục đồng thì “vội vã ra đi” (Lc 2,16). Đêm nay chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chất vấn và kêu gọi chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng đến với Người, khởi đi từ chỗ chúng ta cảm thấy mình bị loại trừ, từ những giới hạn của chúng ta. Chúng ta hãy chạm vào sự dịu dàng có sức cứu thoát.

Chúng ta hãy đến gần Thiên Chúa là Đấng đang đến với chúng ta, chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm máng cỏ, và hình dung sự kiện Chúa Giêsu sinh ra: ánh sáng, bình an, nghèo đến tột cùng, và bị từ chối. Chúng ta hãy đi vào khung cảnh Giáng sinh thực sự với các mục đồng, dâng cho Chúa Giêsu tất cả những gì mà chúng ta đang là: sự tha hóa, những vết thương chưa được chữa lành. Để rồi, trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ được hưởng nếm hương vị tinh thần Giáng sinh thực sự: đó là vẻ đẹp vì được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, chúng ta hãy dừng lại trước máng cỏ, trước Chúa Giêsu được sinh ra làm tấm bánh cho đời tôi. Khi chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn và vô biên của Người, chúng ta hãy nói với Người: con cảm ơn Chúa, con cảm ơn Chúa vì Chúa đã làm tất cả những điều này vì con.

WHĐ (24.12.2016)

8. Đức Phanxicô, Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2015: Hài nhi Giêsu mang đến niềm an ủi đích thực

Anh chị em thân mến,

Đêm nay, một “ánh sáng huy hoàng” đã bừng lên (Is 9,1); ánh sáng của Chúa Giêsu giáng sinh chiếu soi trên tất cả chúng ta. Lời tiên tri Isaia chúng ta vừa nghe thật đúng và hợp lúc biết bao: “Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỉ, đã tăng thêm nỗi vui mừng” (9, 2)! Tâm hồn chúng ta đã mừng vui khi chờ đợi giây phút này, giờ thì niềm vui ấy lại càng đầy tràn chan chứa, vì lời hứa cuối cùng đã được thực hiện. Niềm vui ấy là dấu chỉ chắc chắn rằng sứ điệp trong mầu nhiệm đêm nay thực sự từ Thiên Chúa mà đến. Không có chỗ cho sự nghi ngờ; hãy dành mối nghi ngờ cho những kẻ hoài nghi là những kẻ chỉ biết đi tìm nguyên do mà chẳng bao giờ gặp được chân lý. Không có chỗ cho sự thờ ơ đang thống trị trong tâm hồn của kẻ không thể yêu thương vì họ sợ mất đi điều gì đó. Mọi nỗi buồn đau phải tiêu tan, vì Hài nhi Giêsu mang đến niềm an ủi đích thực cho mọi tâm hồn.

Hôm nay, Con Thiên Chúa đã sinh ra: mọi sự đều thay đổi. Đấng Cứu Thế đã đến chia sẻ bản tính con người của chúng ta; chúng ta không còn cô đơn hay bị bỏ rơi nữa. Đức Trinh nữ ban tặng cho chúng ta Người Con là khởi đầu của cuộc sống mới. Ánh sáng đã đến soi chiếu cuộc đời của chúng ta, vẫn thường bị giam hãm trong bóng tối của tội lỗi. Hôm nay một lần nữa chúng ta lại khám phá để biết mình là ai! Đêm nay, chúng ta được chỉ cho biết con đường phải đi để đạt mục tiêu. Bây giờ chúng ta phải loại bỏ mọi nỗi lo lắng và khiếp sợ, vì ánh sáng đã chỉ đường cho chúng ta đến Belem. Chúng ta không được trơ lì. Chúng ta không được phép dừng lại. Chúng ta phải lên đường đi gặp Đấng Cứu Chuộc đang nằm trong máng cỏ. Đây là lý do để chúng ta vui mừng: Hài nhi này được “sinh ra cho chúng ta”, được “ban tặng cho chúng ta” như Isaia đã loan báo (x. 9,5). Dân từ hai ngàn năm qua đã rong ruổi khắp các nẻo đường thế giới để làm cho mọi người được chia sẻ niềm vui này, nay lại được trao sứ vụ làm cho mọi người nhận biết “Hoàng tử Bình an” và trở thành công cụ hữu hiệu của Người giữa các dân tộc.

Thế nên, khi nghe tường thuật về cuộc giáng sinh của Hài nhi Giêsu, chúng ta hãy thinh lặng và để cho Hài nhi nói với chúng ta. Hãy in sâu vào lòng chúng ta lời của Người và luôn chiêm ngắm dung nhan Người. Nếu chúng ta bồng ẵm Người trên tay và để cho Người ôm lấy chúng ta, Người sẽ ban tặng chúng ta sự bình an vĩnh cửu cho tâm hồn. Hài nhi ấy dạy chúng ta điều gì là chính yếu thật sự trong đời sống của chúng ta. Người sinh ra trong cảnh nghèo đói của thế giới này; không có chỗ trong quán trọ cho Người và gia đình của Người. Người trú thân trong một chuồng bò, và được đặt nằm trong máng ăn của loài vật. Nhưng, từ chốn hư không ấy, ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa đã bừng lên. Từ nay, con đường giải thoát đích thực và ơn cứu chuộc muôn đời đã mở ra cho những con người có tấm lòng đơn sơ. Hài nhi ấy, với dung nhan rạng ngời nét từ nhân, lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa Cha, đã dạy tất cả chúng ta là các môn đệ của Người, như thánh Phaolô đã nói “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức” (Tt 2,12).

Trong một xã hội đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ và lạc thú, say mê của cải và sa hoa, ưa chuộng vẻ bên ngoài và tự mãn, Hài nhi ấy kêu gọi chúng ta phải sống tiết độ, hay nói cách khác, sống đơn giản, quân bình, kiên định, có khả năng nhìn ra và sống điều thiết yếu. Trong một thế giới đã quá thường xuyên không tỏ lòng thương xót người có tội nhưng lại dễ dãi với tội lỗi, chúng ta phải vun trồng một ý thức mạnh mẽ về công chính, phân định và thực thi ý Chúa. Trong một nền văn hóa vô cảm thường dẫn đến chỗ tàn nhẫn, mong sao chúng ta biết sống tinh thần đạo đức, đầy lòng vị tha, cảm thông, và thương xót, được kín múc nơi nguồn suối cầu nguyện hằng ngày.

Như những mục đồng ở Belem, ước gì chúng ta cũng có được đôi mắt đầy ngạc nhiên khi chiêm ngắm Hài nhi Giêsu Con Thiên Chúa. Và đứng trước Hài nhi, xin cho con tim chúng ta bật lên lời kinh nguyện: “Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 85,8).

Nguồn: hdgmvietnam.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận