Suy Niệm Chúa Nhật XIV Thường Niên C – Triều Đại Thiên Chúa Đã Đến Gần

75 lượt xem

Chúa Nhật Tuần XIV – Mùa Thường Niên

Bài đọc 1     Is 66,10-14c

Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10 Đức Chúa phán thế này :

“Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem,
hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ,
hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô !
Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng,
hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô,
11để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi,
được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang,
như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.
12Vì Đức Chúa phán như sau :
Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả,
và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.
Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,
được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối.
13Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy ;
tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.
14cNhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc,
thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.
Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người
cho các tôi tớ biết.”

Đáp ca     Tv 65,1-3a.4-5.6-7a.16 và 20 (Đ. c.1)

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

1Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa,
2đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời,
nào dâng lời ca tụng tôn vinh !
3aHãy thưa cùng Thiên Chúa :
“Khủng khiếp thay, sự nghiệp của Ngài !”

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

4Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ,
và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh.
5Đến mà xem công trình của Thiên Chúa :
hành động của Người đối với phàm nhân
thật đáng kinh đáng sợ !

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

6Chúa làm cho biển khơi hoá đất liền,
và dân Người đi bộ qua sông ;
việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ.
7aChúa uy dũng hiển trị muôn đời.

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

16Tất cả những ai kính sợ Chúa Trời,
đến mà nghe tôi kể việc Chúa đã làm để giúp tôi.
20Xin chúc tụng Thiên Chúa
đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng,
lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình.

Đ.Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa.

Bài đọc 2     Gl 6,14-18

Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ga-lát.

14 Thưa anh em, ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian. 15 Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. 16 Chúc tất cả những ai sống theo quy tắc ấy, và chúc Ít-ra-en của Thiên Chúa được hưởng bình an và lòng thương xót của Người. 17 Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. 18 Thưa anh em, nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. A-men.

Tung hô Tin Mừng   Cl 3,15a.16a

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Ước chi lòng anh em phấn khởi vì được Đức Ki-tô ban tặng bình an,
và ước chi lời Người hằng sinh hoa kết quả dồi dào trong anh em.

 Ha-lê-lui-a.

Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.   Lc 10,1-12.17-20 

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : “Bình an cho nhà này !” 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” 12 Thầy nói cho anh em hay : trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

17 Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói : “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.” 18 Đức Giê-su bảo các ông : “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống. 19 Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. 20 Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.”

Triều Đại Thiên Chúa Đã Đến Gần

Is 66,10-14c; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20

Nước Thiên Chúa, Nước Trời hay Triều Đại Thiên Chúa là những thành ngữ mà chúng ta đã được nghe nhiều lần, nên chúng không xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, để hiểu đúng ý nghĩa của nó như thế nào thì không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa lời loan báo của Chúa Giêsu:

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9.11).

1. Ý nghĩa của Nước Thiên Chúa

Thuật ngữ ‘Triều Đại Thiên Chúa’ xuất hiện trong Tân Ước tất cả 122 lần, mà 99 lần nằm trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, trong đó có 90 lần do chính miệng Đức Giêsu nói ra. Cũng cần biết rằng trước phục sinh, trọng tâm của sứ vụ rao giảng là xoay quanh Tin Mừng về Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,15). Sau phục sinh, trọng tâm sứ vụ rao giảng là Đức Kitô Phục Sinh. Bởi vậy, Nước Thiên Chúa là cốt lõi của lời giảng của Chúa Giêsu, có giá trị cao nhất và là mục đích lịch sử hướng tới.

Theo các Giáo Phụ, chúng ta có thể phân biệt ba chiều kích trong việc giải thích thuật ngữ mấu chốt này.

Ý nghĩa thứ nhất thuộc Kitô học. Khi đọc lời của Đức Giêsu, Origênê đã gọi Đức Giêsu là “Autobasileia,” có nghĩa là Nước Trời ở trong chính con người Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là vương quốc; vương quốc không phải là một đối tượng, một không gian quyền lực như các vương quốc trần gian, nhưng đó là một con người: Người chính là vương quốc. Đức Giêsu hướng dẫn con người đón nhận sự kiện vĩ đại: Thiên Chúa hiện diện trong Người giữa nhân loại, Người là sự hiện diện của Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa ngay bây giờ hiện diện trong Người và qua Người.

Theo nghĩa này, Công Đồng Vaticanô II định nghĩa:

“Nước Trời được bày tỏ trước hết trong con người của Chúa Giêsu” (LG, số 5).

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết:

“Nước Trời không phải là một khái niệm, một học thuyết, một chương trình để tự do xây dựng, nhưng trên hết là một con người có khuôn mặt và tên gọi là Giêsu thành Nadarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (RM. 20).

Ý nghĩa thứ hai là ý nghĩa ‘lý tưởng’ hay ‘thần bí.’ Nước Thiên Chúa ngự trị cách cơ bản trong nội tâm con người. Chính Origênê khai mở lối chú giải này. Nước Thiên Chúa không được đồng hóa với một vương quốc trần thế nào cả, không hiện diện trên bất cứ bản đồ thế giới nào cả. Nước đó không phải là vương quốc theo cách thức vương quốc trần gian; vị trí của nó là tâm hồn con người, nơi những người thánh thiện. Chỉ nơi đó, Nước Thiên Chúa phát triển và tác động. Chúa Giêsu có lần giải thích:

“Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này! Hay ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,20-21).

Theo nghĩa này, Thánh Phaolô quả quyết:

“Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Như thế, Nước Trời chính là Quà Tặng Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha đổ vào lòng chúng ta như thánh Phaolô nói:

“Thiên Chúa đã đổ Tình Yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

Nhờ Thánh Thần, chúng ta được trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, thuộc về Thành Thánh là thuộc về Nước Thiên Chúa. Ai sống theo Chúa Thánh Thần là công dân Nước ấy.

Ý nghĩa thứ ba của Nước Thiên Chúa mang ý nghĩa Giáo Hội học: Nước Thiên Chúa và Hội Thánh liên hệ với nhau, liên kết gần hay xa với nhau. Giáo Hội được xem như sự hiện thực Nước Trời ngay trong lịch sử. Nước Trời hiện diện trong Giáo Hội, nhưng không đồng hóa Nước đó với Giáo Hội Công Giáo.

Cuối cùng, chúng ta còn phải lưu ý đến ý nghĩa ‘cánh chung’ của thực tại Nước Thiên Chúa. Lời rao giảng Nước Thiên Chúa phải được hiểu cách triệt để theo hướng cánh chung. Đây là lời loan báo về việc tận thế cận kề, việc xuất hiện một thế giới mới của Thiên Chúa, cũng là vương quyền của Người (x. dụ ngôn người gieo giống Mc 4,3-9; về hạt cải Mc 4,30-32; về nắm men Mt 13,33; Lc 13,20). Theo ý nghĩa này, Nước đó đã đến nhưng vẫn chưa đến cách hoàn toàn. Phải đợi đến thời đại cánh chung. Nước Thiên Chúa chính là trời mới đất mới.

2. Vì Nước Trời

Nước Thiên Chúa là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Vì thế, Người đã sai 72 hai môn đệ đi rao giảng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Con số 72 (hay 70) là con số rất ý nghĩa, biểu trưng 72 thành phần của dân Ítraen xưa và nay biểu trưng cho các dân tộc trên thế giới. Sứ vụ này được trao cho nhóm 72 này vì Tin Mừng của Chúa Giêsu được nhắm đến muôn dân trên trái đất. Hôm nay, Người cũng sai chúng ta đi loan báo

“Nước Thiên Chúa đã đến gần…
Vì lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít.”

Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta:

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Lời này tạo một trật tự ưu tiên cho hành động và cho thái độ hằng ngày của chúng ta. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày xin cho Nước Cha ngự đến. Chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng để tâm hồn chúng ta luôn biết lắng nghe Thiên Chúa. Chỉ nhờ việc gặp gỡ và hiệp thông với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể bước vào Nước Thiên Chúa, vì nơi nào Người hiện diện, nơi đó có Nước Trời. Nếu chúng ta để cho mình được bồi dưỡng bằng chính sức mạnh của Đức Kitô, thì vương quốc này bắt đầu và đâm rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.

Khi cầu xin ‘Nước Cha trị đến,’ chúng ta hãy thưa với Đức Giêsu: Lạy Chúa, xin cho chúng con thuộc về Ngài! Xin Ngài trở nên một với chúng con và sống trong chúng con. Xin quy tụ nhân loại đang rải rác khắp nơi về trong thân thể của Ngài; để trong Ngài, mọi người đều tùng phục Thiên Chúa. Amen!

————————–

 Sứ Mạng Truyền Giáo

Nếu Chúa Nhật tuần trước, Lời Chúa nói về việc Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta “hãy theo Thầy” để làm môn đệ Chúa Kitô, thì với Chúa Nhật này, Lời Chúa nói về việc “Chúa sai chúng ta đi để truyền giáo.” Trong thánh lễ này, chúng ta tìm hiểu về sứ vụ này qua những điểm sau đây: Ai phải truyền giáo? Nội dung của lời rao giảng và cách thức rao giảng.

1. Ai được sai đi truyền giáo?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 người nữa và sai các ông cứ hai người một đến các thành và các nơi mà Người sẽ tới (x. Lc 10,1-2). Con số 70 (theo bản văn tiếng Hípri) hay con số 72 (theo bản văn tiếng Hy Lạp) là những con số rất ý nghĩa. Ngày xưa người ta quan niệm 72 (hay 70) tượng thành phần Ítraen xưa, và nay tượng trưng cho 72 (hay 70) dân tộc quốc gia tản mác khắp nơi trên thế giới. Nên Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ để sai họ đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Nước Chúa, như Môsê xưa đã nghe lời góp ý của nhạc phụ chọn ra 72 vị kỳ lão giúp phục vụ dân Chúa trong thời Xuất Hành (x. Xh 18,13tt). Như thế, tác giả Tin Mừng Luca muốn nhấn mạnh rằng: Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ phổ quát, bao gồm hết mọi người môn đệ Chúa Kitô và được sai đi khắp mọi nơi trên thế giới, chứ không dừng lại ở một vùng miền nào. Vì “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít.”

Bởi thế, trong hiến chế Ad Gentes, số 2, Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng quả quyết:

“Không một ai trong những người tin vào Đức Kitô, không một tổ chức nào trong Hội Thánh được miễn trách vụ cao cả này: Đó là đi loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc.”

Như thế, sứ vụ rao giảng là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu. Ngày xưa Chúa Giêsu đã kêu gọi 72 môn đệ và sai họ đi truyền giáo, thì ngày hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi tất cả mỗi người chúng ta tham gia vào sứ vụ này. Nói như thánh Phaolô:

“Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16)!

2. Nội dung lời rao giảng

Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng:

“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,5).

Như thế, nội dung của lời loan báo trước hết là bình an. Người tông đồ là người mang bình an, niềm vui, hoan lạc chứ không phải mang tin buồn và sự bất an cho những ai mình gặp gỡ. Điều này cũng được tiên báo ở trong bài đọc I:

“Vì Đức Chúa phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ” (Is 66,12).

Thiên Chúa là nguồn bình an và người rao giảng tiên vàn phải là sứ giả của bình an cho mọi người. Đi đến đâu người tông đồ mang bình an đến đó, chứ không phải sự chia rẽ.

Nội dung quan trọng thứ hai phải rao giảng là:

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11).

Nước Thiên Chúa là trọng tâm của lời loan báo. Tại sao? Bởi vì, Nước Thiên Chúa được hiểu ở đây là chính Chúa Giêsu, sự hiện diện của Người trên trần gian. Chúng ta rao giảng là nói về Chúa Giêsu và giúp cho mọi người nhận biết Tin Mừng và tin nhận Người như là Đấng Cứu Độ của nhân loại, chứ không phải rao giảng về mình hay thăng tiến bản thân. Quả thế, Chúa Giêsu đến để khai mở Nước Trời ở trần gian. Người mang đến cho nhân loại sự bình an, niềm vui, ơn cứu độ, và quyền năng để chiến thắng mọi quyền lực của ma quỷ, tội lỗi và bệnh tật đè nặng con người. Nước Trời đã bắt đầu hiện diện và sẽ được thành toàn trong ngày sau hết. Nên Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cộng tác để mở mang Nước Chúa trên trần gian. Đó là ý nghĩa của lời cầu: Xin cho Nước Cha trị đến.

3. Cách sống và cách thế để loan báo

Chúa Giêsu cũng dạy các ông cách sống và cách thế để loan báo Tin Mừng hiệu quả:

“Anh em hãy đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4).

Công việc truyền giáo luôn có những khó khăn thử thách, sẽ có cả sự từ chối và chống đối. Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết điều đó. Để truyền giáo hiệu quả, ngày xưa, một đàng Chúa Giêsu khuyên họ hãy can đảm, kiên nhẫn và vững tin, đàng khác, Chúa muốn họ phải sống một cuộc sống thanh thoát, đơn giản và khó nghèo để làm chứng cho Tin Mừng như “đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” Nghĩa là người tông đồ không tìm kiếm vật chất và cậy dựa vào chúng, nhưng thanh thoát cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ rao giảng.

Ngày nay, để truyền giáo hiệu quả, Giáo Hội mời gọi chúng ta sự dụng mọi phương tiện Chúa ban để loan báo Tin Mừng. Chúng ta cần phải sử dụng tiền của để xây dựng nhà thờ, trường học, cơ sở tôn giáo để dạy giáo lý và học hỏi Kinh Thánh.

Chúng ta dùng cả những phương tiện của khoa học công nghệ như mạng internet, facebook, email, website, truyền hình, truyền thanh để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng trong thời đại kỹ thuật số. Đây là những phương tiện truyền thông để truyền giáo rất hiệu qua, vừa nhanh nhẹn vừa dễ dàng…

Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi tất cả chúng ta tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng và dùng hết mọi phương tiện, khả năng Chúa ban để loan báo Triều Đại Thiên Chúa cho con người hôm nay.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo, ban cho chúng ta có đủ can đảm, khôn ngoan và kiên nhẫn để loan báo Tin Mừng. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Có thể bạn quan tâm