Vụ tẩy chay AirVisual và tâm lý tự ti dân tộc của nhiều người trẻ Việt

1282 lượt xem

Hà Nội và khói bụi ô nhiễm

Một sự kiện thu hút truyền thông gần đây là ngày 06 Tháng Mười vừa qua, phần mềm AirVisual, vốn là một ứng dụng đo lường chất lượng không khí nổi tiếng, được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, đã biến mất khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam. Nguyên nhân là vì, như thông báo của AirVisual, đã có quá nhiều người Việt Nam thực hiện report tiêu cực, thậm chí là chửi bới, về ứng dụng này.

Theo Reuters, vụ tẩy chay này diễn ra sau khi một thầy giáo dạy Hoá trên mạng viết bài chỉ trích và kêu gọi tẩy chay AirVisual, nghi ngờ tính xác thực của thông tin lẫn mục đích mang tính lợi dụng của phần mềm.[1] Theo thiển ý người viết, lý do sâu xa khiến nhiều người trẻ thực hiện theo lời kêu gọi này là vì vào ngày 04/10, AirVisual đã hiển thị số liệu rằng Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chính điều này đã bật ‘công tắc tự động’ cái tâm lý tự ái dân tộc nơi nhiều người trẻ, khiến họ sẵn sàng tẩy chay bất cứ điều gì mang thông tin gây ‘xấu mặt’ nước nhà. Bài viết này không bàn đến vấn đề ô nhiễm không khí, mà về hiện tượng tự ái dân tộc này.

Tự hào dân tộc hay tự ti dân tộc?

Thứ phản ứng như trên nói lên điều gì? Có nhiều người cho rằng nó là biểu hiện của lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, đó là một sự ngộ nhận. Lòng tự hào dân tộc đúng đắn không thể biểu hiện ra những hình thức tự ái như thế được, vì nó phải chứa đựng sự chân nhận và ý thức về các giá trị đúng đắn của dân tộc mình. Thiết tưởng, ẩn đằng sau thứ phản ứng nói trên chính là tâm lý tự ti dân tộc.

Tâm lý tự ti dân tộc về cơ bản bắt nguồn từ việc không tin tưởng vào dân tộc mình, và luôn bị ám ảnh bởi sự thua kém của nước mình so với các nước khác. Thứ tâm lý này dẫn đến những tư duy và hành động mang tính tiêu cực và phá huỷ, từ thái độ cào bằng, ghen ghét, dèm pha, chỉ trích, cho tới lối sống co cụm, không mở ra.

Vụ việc AirVisual cũng chỉ là một ví dụ tiêu biểu trong vô vàn những cách thức thể hiện của tâm lý này. Ví dụ, cách đây mấy năm, một số cầu thủ nước ngoài theo đội bóng đến đá giao lưu với Việt Nam đã bị chửi xối xả vì không chịu nói câu ‘tôi yêu Việt Nam’ theo lời mớm của các cổ động viên; hay một anh chàng người Mỹ, đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, đã bị chửi bới và miệt thị thậm tệ khi anh ta đăng bức hình góp ý về nạn xả rác bừa bãi ở Việt Nam.[2]

Một thứ biến thể khác rất đáng bàn của biểu hiện tâm lý tự ti dân tộc chính là tâm lý sính ngoại, trong đó có những hình thức lệch lạc đến mức dị hợm. Ví dụ, nhiều bạn trẻ Việt Nam chen lấn, xô đẩy nhau để tiếp cận các ngôi sao giải trí đến từ nước ngoài, hay thậm chí là khóc lóc và quỳ hôn ghế mà họ đã ngồi. Chúng ta cũng thường xuyên phải chứng kiến cảnh khách ngoại quốc được hưởng những sự phục vụ ân cần khi họ sử dụng các loại dịch vụ ở Việt Nam, trong khi với khách người Việt, dù phải trả đồng giá, lại không nhận được sự phục vụ như vậy.

Tác hại của lòng tự ti dân tộc

Tâm lý tự ti dân tộc có thể mang lại rất nhiều mức độ tác hại, trong đó có những tác hại mà ta có thể nghiệm được cách rõ ràng. Ví dụ điển hình chính là vụ Airvisual vừa qua. Hiện phía truyền thông vẫn đang khai thác câu hỏi: liệu rằng kết quả hiển thị mà AirVisual đưa ra là hoàn toàn chính xác hay không chính xác? Hay, liệu rằng nguyên tắc nghiên cứu và chọn điển hình hoá, tức đặt thiết bị đo tại một vị trí nhất định, có phản ánh chung cục về chất lượng không khí của cả một thành phố? Nhiều người trẻ cũng vịn vào các lập luận từ những câu hỏi này để tẩy chay AirVisual. Tuy nhiên, tính tự ti dân tộc đã khiến họ quên đi điều cốt lõi: cho dù thông số AirVisual không hoàn toàn chính xác, nó cũng đã chỉ ra được thực tế là mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đã ở mức rất cao, như được xác nhận bởi các cơ quan đo đạc của nhà nước sau đó.[3] Hơn nữa, cùng một số phần mềm khác, nó đã đóng vai trò tiên phong trong việc đưa thông tin cảnh báo cho dân chúng, cũng như thúc đẩy các cơ quan hữu trách phải đối diện vấn đề ô nhiễm.

Khi thực hiện những việc như kiểu tẩy chay AirVisual, chúng ta đã gián tiếp loại bỏ những đóng góp từ bên ngoài như thế ra khỏi xã hội. Điều đó có nghĩa là chúng ta đã trở nên vô trách nhiệm, vô nhân đạo với chính đồng bào của mình vì đã tìm cách che dấu những thông tin nguy hại, cũng như không thúc ép những người chức trách hành động.

Tương tự, mặc dù tâm lý sính ngoại tự nó chưa hẳn đã xấu, nhưng vấn đề là nó đi liền với tâm lý ‘bài nội’. Chúng ta rất thường bắt gặp việc những người Việt, nhất là người nghèo, bị đối xử cách tệ bạc, khinh khi bởi chính đồng bào của mình. Ngay cả những người tài giỏi, những người làm được việc này việc kia, cũng có thể bị chê bai, bị ‘dìm hàng’, chỉ vì họ là người Việt Nam.

Vậy, cần phải làm gì?

Người viết nêu ra hiện tượng này không phải để chỉ trích giới trẻ, vì hẳn phải có những nguyên nhân khiến cho rất nhiều người trong cả một thế hệ bị đẩy đưa đến thứ tâm lý như thế. Trong mức độ nào đó, họ là nạn nhân của rất nhiều nguyên nhân: từ hoàn cảnh lịch sử, phương pháp giáo dục, môi trường hiện tại, vv. Tuy nhiên, điều quan trọng trước hết là phải nhìn lại và thừa nhận thực trạng của vấn đề. Việc tìm phương hướng để giải quyết là một bài toán khó khăn và dài hơi, với câu hỏi thiết yếu: đâu là những giá trị mà giới trẻ Việt Nam có thể nhìn vào để xây dựng một sự trưởng thành đúng đắn về tâm lý dân tộc. Người viết không có tham vọng tìm lời giải đầy đủ. Tuy nhiên, thiết tưởng một số điểm sau đây cần phải được lưu ý, nhất là với những người có vai trò định hướng tư tưởng cho người trẻ.

Thứ nhất, cần phải xem lại vấn đề giáo dục, nhất là giáo dục lịch sử – không phải là thứ lịch sử trình bày theo thành kiến, mà thứ lịch sử chân thật. Như nhà phê bình văn học Thuỵ Khuê nhận xét, “khi học sinh biết rõ lịch sử đích thực của dân tộc mình trong 300 năm nay,… Thì họ mới biết kính trọng đất nước và tìm cách sống sao cho xứng đáng với tổ tiên… Không biết rõ lịch sử nước mình là một yếu kém, một bất hạnh, là kẻ mồ côi… Tất cả những sự tự ti mặc cảm, những sự ngoại vọng, đều phát xuất từ vấn đề không biết rõ lịch sử nước mình.”[4]

Thứ hai, cần gợi lại cái chất, cái hồn đích thực của danh tính văn hoá Việt Nam nơi người trẻ. Cái chất đó không nằm ở những công trình hay thành tựu nào đó, như kiểu ‘cặp bánh Trung Thu lớn nhất thế giới’, cũng không gói gọn trong mấy biểu tượng văn hoá như nón lá, áo dài, vv. Cái chất đó chính yếu nằm ở tâm hồn, tư duy, mỹ cảm, và lối sống của người Việt Nam. Như Mahatma Gandhi phát biểu: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân.” Vì thế, nếu cha ông chúng ta đã chọn một lối sống thấm đẫm những nét đẹp rất Việt Nam, thì thế hệ trẻ hiện nay cần được cổ võ đào sâu và phát huy những nét đẹp đó. Thiết tưởng, trong những nét đẹp tiêu biểu, phải kể đến sự hiếu thảo, lòng yêu quê hương, tính gắn kết cộng đồng, tính cần cù, lòng nhân ái, tinh thần hiếu khách.

Vụ việc AirVisual vừa qua đã cho thấy lỗ hổng lớn về mặt tâm lý dân tộc nơi rất nhiều người trẻ Việt Nam hiện nay. Nhưng nó cũng là cơ hội để chúng ta có thể giúp nhau hướng đến một tầm mức trưởng thành hơn, với ít nhất hai biểu hiện sau đây: một mặt, người trẻ có thể thoát được thứ tâm lý ‘tự tôn dân tộc’, bởi nó hàm ý đặt bản thân mình lên vị trí cao hơn các dân tộc khác, khiến chúng ta dễ tự hào một cách hợm hĩnh, trịch thượng, đến mức bị thao túng bởi cá nhân hay bởi đám đông nào đó; mặt khác, họ cũng không tự ti đến mức quỵ luỵ khi tiếp xúc với bất cứ một sự kiện nào, hay với nền văn hoá khác. Trưởng thành về tâm lý dân tộc sẽ khiến chúng ta biết tôn trọng chính mình, tôn trọng đồng bào mình, đồng thời cũng tôn trọng mọi con người và mọi dân tộc trên thế giới. Đó hẳn là ước mơ của bất cứ ai muốn được nhìn thấy một quốc gia phát triển đích thật!

[1] https://www.reuters.com/article/us-vietnam-pollution-airvisual/air-quality-app-under-coordinated-attack-in-vietnam-amid-heavy-hanoi-smog-idUSKBN1WM18U.
[2] https://www.dkn.tv/khac/nguoi-nuoc-ngoai-bi-mang-chui-khi-gop-y-ve-nan-xa-rac-bua-bai-o-viet-nam.html. Cập nhật 06/10/2019.
[3] Xem https://tuoitre.vn/khong-khi-ha-noi-o-nhiem-toi-nguong-gay-hai-cho-suc-khoe-20190930215413255.htm. Cập nhật ngày 06/10/2019.
[4] http://thuykhue.free.fr/stt/h/HaThuyNguyen-PhongVan1.html.

Khắc Bá, SJ

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận