Việt Nam tham dự Ngày Giáo Hoàng tại Singapore

1007 lượt xem

Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski

VIỆT NAM THAM DỰ NGÀY GIÁO HOÀNG TẠI SINGAPORE

Truyền thông Hội đồng Giám mục

 Nhận lời mời của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ Thần Tòa Thánh [Vatican] tại Singapore kiêm Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM), và cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGM, đã đại diện HĐGM tham dự Ngày Giáo Hoàng tại Singapore. Truyền thông HĐGM (TT HĐGM) đã phỏng vấn Đức cha Tổng Thư ký (Đức cha TTK) về chuyến đi này và trân trọng giới thiệu.

TT HĐGM: Kính thưa Đức cha Tổng Thư ký, chúng con được biết Đức cha đã đại diện HĐGM tham dự Ngày Giáo Hoàng tại Singapore, xin Đức Cha cho chúng con biết về Ngày Giáo Hoàng này.

Đức cha TTK: Năm 1929, Tòa Thánh đã ký Lateran Treaty với nhà nước Italy để thiết lập thể chế độc lập như một quốc gia mang tên Vatican, và tính đến hôm nay thì Tòa Thánh Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Tòa Thánh Vatican cũng có “quốc ca” và một ngày kỷ niệm như quốc khánh các quốc gia khác. Tuy nhiên, với đặc thù của Vatican, ngày “quốc khánh” được ngoại giao đoàn Tòa Thánh tại các quốc gia tổ chức hàng năm vào dịp kỉ niệm Đức Giáo Hoàng đương nhiệm được Mật nghị Hồng y bầu chọn. Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kỉ niệm 10 năm sứ vụ vào ngày 13 tháng 3. Vì năm nay kỉ niệm 10 năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nên trước đó Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam, nơi mà ngài là Đại diện của Đức Thánh Cha, để tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng tại Nhà thờ Chính tòa Tổng Giáo phận Hà Nội vào ngày 6 tháng 3 vừa qua; thăm mục vụ Giáo phận Phan Thiết và tham dự buổi cầu nguyện vào tối ngày 4 tháng 3 và dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao vào sáng ngày 5 tháng 3. Trong dịp đó, Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh đã mời HĐGM sang dự Ngày Giáo Hoàng tại Singapore do Tòa Sứ Thần tổ chức. Ban Thường vụ HĐGM đã đề nghị tôi đại diện tham dự và vì thế tôi và cha Giuse Đào Nguyên Vũ đã đi tham dự Ngày Giáo Hoàng tại Singapore.

TT HĐGM: Đức cha có thể chia sẻ về những ngày vừa qua tại Singapore?

Đức cha TTK: Cảm nhận đầu tiên khi tới Singapore, ngay tại phi trường và rồi trên đường đi, đó là một màu xanh đồng bộ của cây cỏ. Một không gian thân thiện với môi trường thiên nhiên phủ đầy quốc đảo Singapore, ngay giữa những tòa nhà cao vút ở trung tâm và dọc suốt các con đường. Màu sắc của cây xanh đầy ắp mọi ngóc ngách của một quốc đảo phát triển đa dạng với rất nhiều nhà cao tầng.

Cảm nhận thứ hai là tinh thần hiệp thông sống động của Hội Thánh. Trong Thánh lễ lúc 10g30 ngày Chúa nhật III Mùa Chay, 12 tháng 3, do Đức Hồng y William Goh chủ sự tại nhà thờ Chính tòa của ngài có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Sứ Thần Tòa Thánh và đại diện các thành phần Dân Chúa của Tổng Tổng Giáo phận Singapore, có cả sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Giới trẻ, các chính trị gia của Singapore là người Công giáo; đại diện Giáo hội Việt Nam có tôi và Cha chánh văn phòng HĐGM cũng như một số giáo dân Việt Nam. Bí tích Thánh Thể là cao điểm của sự hiệp thông trong Hội Thánh, trong đó mọi người cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vị cha chung của Giáo Hội Công giáo hoàn vũ, nhân dịp kỉ niệm 10 năm được bầu chọn làm Giáo Hoàng.

Ngày hôm sau, tối 13 tháng 3, Đức Tổng Giám mục Sứ Thần Tòa Thánh đã tổ chức buổi tiếp tân ngoại giao, sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Bên cạnh sự hiện diện của Đức Hồng y Tổng Giám mục Singapore, đại diện HĐGM Việt Nam, đại diện các thành phần Dân Chúa, các vị đại sứ đặc mệnh toàn quyền hoặc đại biện lâm thời của các quốc gia tại Singapore, và chính khách nước sở tại. Về phía ngoại giao đoàn, cá nhân tôi cũng đã có dịp chào hỏi và tiếp đón ông Mai Phước Dũng, đại sứ Việt Nam tại Singapore; ông Kakhramon Shakirov Đại sứ Uzbekistan và là Niên trưởng Ngoại giao đoàn tại Singapore.

Về phía Nhà nước, tôi nhận thấy có sự hiện diện và bài phát biểu của bà Sim Ann, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; ông Edwin Tong, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Giới trẻ; các chính khách và thành viên Quốc hội Singapore.

Về nghi thức của buổi tiếp tân ngoại giao, cũng giống hình thức các buổi tiếp tân do các Đại sứ tổ chức nhân dịp quốc khánh, Đức Tổng Giám mục Sứ Thần Tòa Thánh khai mạc nghi lễ với bài phát biểu trước khi ca đoàn nhà thờ Chính tòa Singapore hát bài “quốc ca” Tòa Thánh; tiếp theo là bài phát biểu chúc mừng của đại diện chính quyền sở tại trước khi cử hành quốc ca. Tôi ấn tượng khi bà Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Singapore đã ca ngợi 3 nét nổi bật trong suốt 10 năm vừa qua của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là con người “kiến tạo hòa bình”, con người của “bảo vệ môi trường” và con người của “tình huynh đệ”. Kết thúc bài phát biểu, bà Quốc vụ khanh Sim Ann đã nhắc đến thông điệp mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn gửi ngoại giao đoàn dịp đầu năm: Khi đại dịch COVID-19 qua đi, đây là lúc chúng ta cần phải liên đới với nhau nhiều hơn. Tóm lại, biến cố kỉ niệm 10 năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô là dịp để mời gọi mọi người sống trong sự hài hòa với môi trường và với nhau để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, tràn đầy yêu thương và thắm tình huynh đệ.

TT HĐGM: Trong chuyến đi 3 ngày vừa qua tại Singapore, Đức cha có dịp gặp gỡ anh chị em Việt Nam?

Đức cha TTK: Do sự sắp xếp hết sức chu đáo và tình cảm của Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, tôi và cha Vũ đã có dịp đến dâng lễ với quý Cha và anh chị em Việt Nam tại giáo xứ Immaculate Heart of Mary (IHM) vào chiều ngày Chúa nhật, 12 tháng 3. Đồng hành với cộng đoàn Việt Nam tại đây có 3 linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, đang làm việc tại Singapore: cha Grégoire Giảng, cha Gioan Đích, cha Phaolô Phong. Cùng chung tâm tình hiệp thông với Giáo Hội Singapore để cầu nguyện cho Đức Thánh cha Phanxicô, Thánh lễ này cũng diễn tả sự hiệp thông giữa giám mục Việt Nam và anh chị em Việt Nam đang sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Tóm lại, trong chuyến đi ngắn này, tôi cảm nghiệm sâu đậm tình hiệp thông trong Hội Thánh Công giáo vượt qua mọi rào cản và khác biệt về địa lý, chính kiến, văn hóa, ngôn ngữ, đẳng cấp xã hội để cùng nhau xây đắp hòa bình, gìn giữ tình huynh đệ, và nuôi dưỡng môi trường thiên nhiên đúng hướng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hướng dẫn suốt thập niên vừa qua và đang cùng với Hội Thánh bước tới Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.

Nguồn: hdgmvietnam

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận