ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN GIÁP THÌN
Các con thân mến,
Năm Quý Mão 2023 đã gần kết thúc. Những ngày cuối năm được xem là thời gian để nhìn lại, tổng kết, nghĩ ngơi và chuẩn bị cho một chu kỳ mới của cuộc sống. Gọi là chu kỳ mới, vì những ngày tết vẫn luôn là một mốc thời gian đặc biệt để khởi đầu cho rất nhiều cái mới: năm mới, tuổi mới, quyết tâm mới, hy vọng mới. Cha vẫn luôn nhớ về những câu giáo lý đã học từ thuở nhỏ: Ơn Chúa là sự sống và sức mạnh Chúa ban cho chúng ta, giúp chúng ta sống hạnh phúc đời này và đời sau vĩnh cửu. Những lời ấy càng trở nên thuyết phục và thúc đẩy nơi chúng ta một hành vi thật xứng hợp với Chúa trong những ngày cuối năm này. Vậy, cùng với Thánh Tông đồ Phaolô, chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì mọi điều đang có trong cuộc sống mình, đều phát xuất từ lòng nhân lành của Người (x. 1 Cr 15, 10).
Trong văn hóa Việt Nam, tết là khởi đầu cho những ước vọng đến tương lai, nhưng cũng là dịp để hướng về cội nguồn. Cho nên sau lời tạ ơn Chúa mỗi khi tết đến xuân về, cha ước mong tất cả các con hãy để ý đến cụm từ đặc biệt này: “thảo kính và biết ơn”. Đây là một thái độ sống cần và luôn phải có của chúng ta đối với những người có liên quan và trách nhiệm về sự hiện diện của chúng ta trong trần thế này, trong đó, phải kể đến những hạnh phúc và những điều tốt đẹp mà chúng ta đã đón nhận. Thái độ này vừa biểu lộ nét văn minh và trưởng thành của một con người, nhưng cũng vừa thể hiện đúng với lời dạy của Chúa dành cho chúng ta trong đời sống đức tin hàng ngày của mình. Giờ đây, dựa trên các ý chỉ của phụng vụ những ngày lễ tết, cha muốn chia sẻ với các con những đối tượng cụ thể và quan trọng cho lòng thảo kính và biết ơn của mình.
1. Biết ơn đối với Thiên Chúa
Nếu như phải tìm một từ ngữ nào thích hợp để nói về Chúa, thì Thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 1,1). Chỉ cần nhìn ở góc độ tạo dựng như một mối liên hệ đầu tiên với Thiên Chúa, ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Ngài đã yêu thương con người một cách kỳ diệu hơn hẳn mọi loài mọi vật được tác sinh trong trần thế này (x. St 1, 26 – 27). Tình yêu ấy càng lúc càng trở nên lớn lao và sâu đậm, được biểu lộ trong từng trang giấy và câu chuyện của lịch sử cứu độ mà Kinh Thánh đã mô tả lại cho chúng ta. Với từng người trong chúng ta, nếu khiêm nhường và chân thành nhìn lại cuộc sống, chúng ta sẽ thấy tình yêu của Chúa đã và đang tiếp tục trải dài và hình thành nên cuộc đời hiện tại của mình, cho nên chỉ có một việc làm phù hợp nhất để đáp lại lòng nhân từ của Người, đó là chúng ta cám ơn Chúa. Biết rằng lời cám ơn này phải được thực hiện luôn luôn trong cuộc sống, thế nhưng với người dân Đất Việt, Tết là một khởi đầu mới, thì việc nhắc lại và thực hành lời tạ ơn ấy mang một ý nghĩa đặc biệt hơn. Cám tạ Chúa là việc làm không khó lắm, nhưng đòi hỏi chúng ta phải ý thức và nỗ lực, đó là yêu mến và sống theo lời khuyên dạy của Ngài. Yêu mến Chúa, yêu mến những người thân thuộc, yêu mến tha nhân, và yêu mến chính bản thân mình nữa. Chúng ta không được hành hạ hay khinh miệt bất cứ ai vì họ cũng là công trình tạo dựng của Người. Lòng yêu mến đó phải được cụ thể hóa bằng việc cầu nguyện, san sẻ, giúp đỡ, đón tiếp, lắng nghe và tha thứ cho nhau.
Kế đến, chúng ta cũng hãy cám ơn Chúa bằng việc thờ phượng Ngài. Sách GLHTCG số 2096 dạy rằng: “Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Dựa vào sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,13), Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8)”. Hãy thờ phượng Chúa bằng một đời sống đạo kiên trì và trung thành với các Thánh lễ ngày Chúa nhật, đó chính là biểu lộ cao nhất của đức tin, và đó cũng là những cơ hội để lãnh nhận những ơn lành của Chúa, vốn là rất cần thiết cho đời sống chúng ta.
2. Thảo kính đối với cha mẹ
Cha mẹ chính là phương tiện đẹp nhất và an toàn nhất mà Chúa dùng để đưa chúng ta vào cuộc đời này. Cha mẹ cũng chính là những người thầy dạy kiến thức và đức tin đầu tiên cho chúng ta. Để giúp ta có thể cảm nhận được phần nào công đức to lớn này, người xưa đã sánh ví bằng những hình ảnh mang tính cách biểu tượng trở thành câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Văn hóa Việt Nam qua những truyền thống và phong tục trong ngày Tết, đều nhấn mạnh và tôn vinh các đấng sinh thành, như một việc làm không thể thiếu được trong cuộc sống con người. Sách GLHTCG đã mở đầu cho điều răn thứ 4 của Chúa dạy, bằng việc xác định phần thưởng lớn lao dành cho những ai biết thảo kính đối với cha mẹ. “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20,12).
Vậy, chúng ta phải thực hành việc thảo kính cha mẹ như thế nào ? Nếu các con chỉ dừng lại những lời chúc tuổi đầu năm, hoặc hơn nữa là những bao lì xì tượng trưng trong ngày tết cho cha mẹ thôi, thì quả thật là chưa đủ và chưa đúng với lời dạy và của Chúa. Chúa Giêsu đã không làm như thế. Phúc âm thuật lại là trong gia đình Nagiaret với Đức Mẹ và Thánh Giuse, “Người hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51). Sự vâng phục này bao gồm lòng kính trọng, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ. Cha có thể bảo đảm với các con rằng: trên thế gian này, không ai thương các con bằng chính cha mẹ, cũng không ai đi với các con trên đường đời này dài như cha mẹ. Bởi thế, các con hãy bắt chước Chúa Giêsu là người Thầy Chí Thánh của mình, cố gắng thật nhiều để thực thi giới răn quan trọng này. Yêu mến một người nào khác, đôi khi chúng ta phải cân nhắc, nhưng đối với cha mẹ, là việc phải thực thi, vì đó là truyền thống đạo hiếu của người Việt Nam, và Kinh Thánh dạy. Về giới răn nầy, Thánh Tông Đồ Phaolô khuyên bảo: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3) (x. Đnl 5,16).
3. Yêu mến đối với quê hương
Hai chữ “Quê hương” có thể gợi lên thật nhanh chóng nơi chúng ta hình ảnh một mảnh đất thân thương, một ngôi nhà ấm áp, nơi đó có những ký ức tuổi thơ thật đẹp, hay những láng giềng chân chất thân tình. Trong cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn, Giáo hội gọi đó là “một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần. Xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành “người thừa tự”, lãnh nhận “các nén bạc” làm phong phú căn tính của mình và họ phải làm cho chúng tăng thêm hoa trái. Theo lẽ phải, mỗi người phải tận tâm với các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có nhiệm vụ mưu cầu công ích” (Sách GLHTCG số 1880). Vừa định nghĩa nhưng cũng vừa nhắc nhở một trách nhiệm đầy đủ của một người con Chúa.
Ngày mùng 1 Tết, chúng ta được kêu gọi Cầu Bình An Năm Mới. Ý chỉ này chứa đựng lời khuyên của Thánh Phaolô, là “hãy cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tim 2, 1-2). Để có bình an, mọi người phải mạnh khỏe, có nghề nghiệp ổn định, những nhà lãnh đạo quốc gia phải khôn ngoan và kiên nhẫn trong việc tìm kiếm và dấn thân cho những thiện ích cộng đồng. Vậy, trong những ước nguyện đầu năm của mình, chúng ta hãy thể hiện lòng yêu mến quê hương qua việc cầu nguyện cho hòa bình trên đất nước, yên vui trên người dân, khôn ngoan và kiên định cho những nhà lãnh đạo, để tất cả cùng hướng đến một cuộc sống yên bình, tự do và hạnh phúc.
Các con thân mến, chúng ta đang đứng trước thềm năm mới 2024 với niên hiệu Giáp Thìn. Một lần nữa con rồng Đất Việt lại vươn lên, mang theo những ước mong và khát vọng cho một năm mới nhiều ơn lành và mọi sự tốt đẹp, thế giới không còn chiến tranh, dịch bệnh, đau khổ và chết chóc. Cha cầu chúc cho các con và gia đình năm mới an vui mạnh khỏe, dồi dào phước lành của Chúa Xuân, thành đạt trong công việc học tập và rèn luyện bản thân.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024.
Vĩnh Long, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12