Truyền giáo Việt Nam hiện nay: Ánh sáng và bóng tối

1119 lượt xem

I. Bối cảnh hiện tại

Đức Cha Đinh Đức Đạo, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo điện tử vaticaninsider.lastampa.it về kết quả truyền giáo tại Việt Nam, đã cho biết như sau:

“Năm 1960, số tín hữu Công Giáo là 2,43 triệu người, số dân cả nước là 35 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.

Bốn mươi năm sau, năm 2000, có 5,2 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 77 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 6,75%.

Năm 2014, có 6,6 triệu người Công Giáo, số dân cả nước là 95,2 triệu người, tỷ lệ người Công Giáo trên dân số cả nước là 7%.”[1]

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở, được công bố tại Hà Nội ngày 19/12/2019 mới nhất vừa qua cho thấy: Dân số VN là 96,2 triệu người, có 16 tôn giáo được phép hoạt động với 13,2 triệu tín đồ, chiếm 13,7% tổng số dân cả nước. Trong đó số người theo Công Giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 6,1% dân số. Tỷ lệ dân số Công Giáo sút giảm từ 6,61% năm 2009, xuống còn 6,1% năm 2019.

Như vậy, dựa trên những con số trên đây thì kết quả của việc truyền giáo tại Việt Nam từ khi thiết lập hàng giáo phẩm cho đến nay dường như giậm chân tại chỗ! Và có thể nói là còn thụt lùi.

Linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã làm một so sánh về việc truyền giáo với Giáo hội Tin Lành ở Việt Nam, năm 1999: số tín hữu là 400,000 người. Năm 2008: con số này đã lên tới 1,500,000 người. Như thế, số tín hữu tăng gần 4 lần trong vòng 10 năm.

Ngoài ra, những con số về kết quả truyền giáo tại Giáo Hội Hàn Quốc cũng có thể làm cho chúng ta khâm phục:

– Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.

– Năm 2009: Công giáo 9.65% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35.65% theo Kitô giáo.

– Như vậy, chỉ trong vòng 60 năm (1949-2009) dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9.65% và trong 10 năm (1999-2009) tăng từ 7.73% lên 9.65%.[2]

Riêng Giáo Phận Cần Thơ, theo báo cáo của Đức Cha Stêphanô Giám Mục giáo phận với Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam rằng; Người công giáo địa phận Cần Thơ giảm từ 4,7% xuống còn 4,4%.[3]

Theo phát biểu của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long: “Số tín hữu gia nhập đạo, tức chịu phép Rửa tội, cho thấy thường do hai cách: hoặc sinh ra từ gia đình công giáo; hoặc do kết hôn với người có đạo (chiếm 80-90% trong số người lớn theo đạo). Như thế thì phải nói rằng việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê.

Số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Năm 2014, số linh mục cả nước là 4.635 (3.546 linh mục giáo phận và 1.089 linh mục dòng); số chủng sinh là 2.357, số tiền chủng sinh là 2.389; số tu sĩ là 19.717 (2.834 nam tu, 16.883 nữ tu); số giáo lý viên cả nước là 59.448 người. Tổng số các nhân sự gắn liền với việc truyền giáo là 88.546 người. Số người tân tòng gia nhập đạo năm 2014 là 41.395 người. So sánh hai con số 88.546 và 41.395, ta thấy cứ hai tín hữu ưu tuyển chưa đem được một người vào đạo. Đó là chưa nói đến con số rất lớn các hội viên hội đoàn công giáo tiến hành trong cả nước.”[4]

Riêng về con đường Nam Sông Hậu – nối dài Cần Thơ và Sóc Trăng khoảng 60km, mà chỉ có 1 nhà thờ trên quốc lộ. Đi 30 km mới có được 1 nhà thờ. Còn các nhà thờ Tin Lành và chùa chiền có rất nhiều. Riêng về Tin Lành, cứ chỗ nào đông đông dân xíu là có điểm nhóm sinh hoạt. Còn Công Giáo thì cần phải có đủ thứ giấy tờ, phải có đất và có Linh Mục…

Nhà thờ giáo điểm truyền giáo Trà Ếch có từ 1935, đến nay chưa tới 100 người đi lễ. Hai điểm nhóm Tin Lành phía trước nhà thờ có khoảng 10 năm, nhưng mỗi điểm nhóm Tin Lành này cũng đã được vài chục người sinh hoạt thường xuyên mỗi Chúa Nhật.

Năm nào cũng có phong chức, biết bao Tân Linh Mục “ra trường”, biết bao người trẻ dấn thân tận hiến tu trì trong các nhà dòng, biết bao cơ sở phát triển đầy hoành tráng, biết bao cộng đoàn mới được thành lập, biết bao khóa huấn luyện… Vậy mà tại sao tỉ lệ người Công Giáo vẫn giảm thụt lùi?

1. Hoàn cảnh xã hội thay đổi

a. Mặt trái:

Xã hội Việt Nam hôm nay đang nằm trong vòng xoáy thay đổi của cả thế giới. Khoa học kỹ thuật phát triển quá nhanh. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ như điện thoại thông minh, máy móc… được ứng dụng trọng cuộc sống làm cuộc sống đầy đủ tiện nghi hơn… Điều này dẫn đến một xã hội thực dụng, tiêu thụ… Mục tiêu của con người thời đại dường như chỉ là kiếm tiền để mua được điện thoại, sắm sửa được máy móc, tìm cuộc sống tiện nghi… Nhiều người coi các giá trị tâm linh và nhân bản là thứ yếu hay dần lùi vào quên lãng…

Các cuộc di dân lên thành phố, các khu công nghiệp mọc lên, người dân miền quê bỏ ruộng vườn lên thị thành đi làm xí nghiệp, dẫn đến thay đổi cấu trúc xã hội, người di dân ít được quan tâm chăm sóc hơn, lên thành thị là mạnh ai nấy sống, ít biết nhau, cũng không còn thời gian thăm viếng quan tâm nhau… Sự trợ giúp từ cộng đồng tình làng nghĩa xóm ít đi. Đi lên thành phố là hầu như ra ngoài sự nhắc nhở và quan tâm của các vị mục tử bổn sở (hữu trách). Chưa nói tới những khu chung cư cao cấp ở các đô thị rất khó vào thăm, vì họ có bảo vệ kỹ càng. Tình liên đới không còn nữa… 

b. Mặt tích cực:

Có nhiều người, tổ chức thích làm từ thiện, sẵn sàng nghĩ đến người khác, có điều kiện để thực thi, kể cả người trẻ…

Có một bộ phận người rất quan tâm và tìm về tâm linh, có vẻ như họ đang tìm hướng đi cho đời sống tâm linh mình. Có một số công giáo và kể cả không công giáo càng ngày càng đào sâu đời sống tâm linh, bám rất chắc vào các tôn giáo hoặc niềm tin họ theo đuổi… vì dường như cuộc sống xô bồ này làm nảy sinh nhu cầu tâm linh sâu đậm trong họ, và họ chỉ có thể thỏa mãn khao khát đó khi gặp được đúng đường đi trong tâm hồn.

2. Chính trị hiện nay

Tuy còn rất nhiều khó khăn và ngột ngạt, nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tích cực thì ta thấy hoàn cảnh đất nước hiện nay cũng thông thoáng hơn trước nhiều (so với sau 1975). Đời sống kinh tế có tạm khá hơn. Sự quản lý về tôn giáo của nhà nước cũng có nhiều điểm thoáng hơn, các sinh hoạt tôn giáo cũng được tương đối dễ thở hơn trước (dù không phải hoàn toàn). Tuy cũng còn rất nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung là đã có phần đỡ hơn (hay ít ra là tại một vài địa phương), việc mở các giáo điểm ở miền Tây có lẽ dễ hơn ở các miền khác, việc tổ chức nghi lễ, các nơi hành hương… Nên nếu nhìn ra mặt tích cực thì cũng có lý do để tạm an ủi.

3. Giáo hội hiện nay

a. Tích cực

Giáo hội có nhiều người trẻ tận hiến, các chủng viện và dòng tu đầy người. Người đi tu rất còn được kính trọng. Nhiều người trẻ dám quảng đại dấn thân và phục vụ.

Đất nước kinh tế phát triển, nên cũng có nhiều người phất lên, và họ sẵn sàng đóng góp tài chính cho các công việc chung. Nên Giáo Hội cũng dễ xoay sở hơn trong các công việc cần thực thi.

Nhân sự Giáo hội, các giáo phận, các dòng tu phát triển, trình độ chuyên môn cũng được nâng cao. Giáo dân đông đúc nơi các nhà thờ thánh lễ. Họ còn nghe các vị thẩm quyền.

b. Khiếm khuyết

* “Bề trên quản trị” khác “bề trên truyền giáo”

Cũng theo phát biểu của Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long: “Trước hết do GHVN chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về công cuộc loan báo Tin Mừng. Muốn nhận thức đúng thì cần phải biết quan điểm, đường lối và hoạt động của GH về vấn đề truyền giáo. Năm mươi năm qua, GH đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến sứ vụ truyền giáo… Nhưng đa số tín hữu Việt Nam, kể cả các linh mục, tu sĩ, không được học hỏi thấu đáo, thì không thể có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc loan báo Tin Mừng.”[5]

Các Đấng Bản Quyền, Bề Trên, Giám Mục… cũng còn chưa quan tâm nhiều đến việc Loan Báo Tin Mừng. Hoặc quan tâm mà chưa đủ, chưa thực tế, chưa có hành động cụ thể. Chỉ nói suông, hoặc giao phó việc Loan Báo Tin Mừng cho ai đó phụ trách. Coi như đó là xong là hoàn thành nhiệm vụ.[6]

Nếu không có sự thúc bách, đồng hành, nâng đỡ của bề trên. Chắc chắn “bề dưới” làm việc truyền giáo không nhiệt huyết và thiếu hiệu quả.

* Thiếu thống nhất, chương trình chung cho từng địa phương.

Các tổ chức, Giáo Hội địa phương chưa đưa ra được các phương pháp cụ thể, chiến lược chiến thuật rõ ràng về truyền giáo, chưa có mục tiêu cụ thể, chưa thống nhất đồng bộ, kể cả chưa có chương trình thích ứng với từng địa phương… Mạnh ai nấy làm, ai thích thì gồng mình lên làm, ai nhiệt huyết thì làm, ai không làm thì thôi.

* Các chủng viện, dòng tu

Các chủng viện tuy cũng có nhắc đến việc truyền giáo, nhưng hình như chưa đủ và thiếu thiếu điều gì đó rất là căn bản. Các Tân chức ra trường hầu như thiếu khả năng đáp ứng cho bối cảnh truyền giáo. Nhất là thiếu “tâm hồn” truyền giáo, ngại khó ngại khổ. Có quá đáng không khi nói nhiều chủng sinh ra trường chỉ để trở thành nhà kỹ trị bảo trì họ đạo có sẵn, hơn là vui say dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng cho vùng dân ngoại. Thiếu cả các kỹ năng truyền giáo. Thiếu những gương sáng cụ thể để họ noi theo.

– Thiếu gương sáng về truyền giáo cho chủng sinh noi theo

– Chương trình đào tạo chủng viện quá nặng về lý thuyết, duy lý, đào tạo về truyền giáo chưa đủ

– Thiếu điều kiện thực tiễn thực hành truyền giáo.

– Dẫn đến chủng sinh thiếu vắng “tâm hồn truyền giáo”… thiếu nhiệt tình.

Các dòng tu thì đua nhau mở nhà trẻ, nhưng các cơ sở bác ái từ thiện, y tế, giáo dục, trẻ mồ côi, người già neo đơn… gần như bị lãng quên. Hãy nhìn vào thực mỗi nhà dòng xem có bao nhiêu nhà trẻ và được bao nhiêu nhà mồ côi? Hãy nhìn các giáo phận xem có bao nhiêu cơ sở tôn giáo nhưng được mấy cơ sở cho người nghèo? Và cơ sở nào hoành tráng hơn? Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.

Dù rằng công cuộc Tân Phúc-Âm hóa để loan truyền đức tin được nhắm đến ba đối tượng:

– Các kitô hữu vẫn giữ đạo;

– Những người đã được rửa tội nhưng nguội lạnh, để mời họ hoán cải, phục hồi niềm vui của đức tin;

– Những người chưa biết Chúa hay chối bỏ Ngài. (cf. EV.14).

Nhưng cho đến nay, nói chung, chúng ta chỉ mới chú trọng làm mục vụ cho những người đang giữ đạo, những con chiên ngoan hiền, chứ chưa quan tâm đủ đến những người khô khan nguội lạnh, hay những người chưa hề biết Chúa.[7]

* Giáo dân và đời sống đạo

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong diễn từ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô dịp Ad limina tháng 3.2018 nói đến não trạng “cầu an”, “thủ thân khép kín” đang tồn tại nơi Giáo Hội Việt Nam. Não trạng này chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng “không nên loan báo Chúa Kitô cho người chưa biết, cũng như không nhất thiết gia nhập Giáo Hội, vì người tốt cũng được cứu độ.”

Hoặc trong bài thuyết trình của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long tại hội thảo toàn quốc về Phúc Âm Hoá (Trung tâm Mục Vụ TGP Huế, 3/9/2018 – 6/9/2018) nói như sau: “Người giáo dân VN vẫn còn chú trọng giữ đạo hình thức bên ngoài chưa quan tâm đến giới thiệu đức tin cho người xung quanh”.

Vị mục sư Rạch Vọp nói với Linh mục Chánh xứ Trà Ếch như sau: “Bên công giáo nhiều hoạt động đông đảo nhưng giáo dân bên Công giáo không có hoạt động truyền giáo nhiều như bên Tin Lành. Các tín hữu Tin Lành hăng say thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng.”

4. Tâm thức người Miền Tây

Do ảnh hưởng của địa lý, khí hậu sông nước hiền hòa… tâm thức người Miền Tây là mộc mạc, chân chất, bình dị… rất dễ thương gần gũi và tốt bụng. Đây là điểm rất thuận lợi cho việc Loan Báo Tin Mừng.

Chúng ta thấy thực tế là các dòng tu nước ngoài rất thích về Việt Nam mở rộng hội dòng, nhất là miền Nam và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Có một số linh mục đã tận dụng tốt điểm tích cực này, nên rất thành công trong việc mở mang nước Chúa cho người thôn quê miền Tây.

II. Những Khó Khăn và Thách Đố

1. Trong các quan niệm về truyền giáo

Có một số quan niệm cho rằng không cần phải Loan Báo Tin Mừng, vì người ngoài Kitô giáo mà sống tốt vẫn được cứu độ.

Tài liệu làm việc (Lineamenta) chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục khóa XIII năm 2012, số 35-36 trình bày vấn nạn này như sau: “Ngày nay có một sự lầm lẫn ngày càng tăng khiến nhiều người không nghe hoặc không thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa (xem Mt 28,19). Người ta thường chủ trương rằng tìm cách thuyết phục người khác theo đạo là giới hạn tự do của họ. Theo quan điểm này, chỉ được phép trình bày ý tưởng của mình và mời gọi người ta hành động theo lương tâm họ mà không nhắm tới việc làm cho họ trở lại với Đức Kitô và đức tin Công Giáo. Có thể nói là chỉ cần giúp người ta trở nên nhân bản hơn hay trung thành hơn với đạo của họ; chỉ cần xây dựng những cộng đồng tìm kiếm công lý, tự do, hoà bình và tình liên đới. Hơn nữa, một số người còn chủ trương rằng không cần phải loan báo Đức Kitô cho những ai không biết Ngài, hoặc không cần phải khuyến khích họ vào Hội Thánh, vì họ vẫn có thể được cứu rỗi mà không cần phải minh nhiên biết Đức Kitô và không cần phải gia nhập Hội Thánh một cách chính thức” (số 35).

– Có nhiều ý kiến cho rằng Loan Báo Tin Mừng chi cho mệt. Giúp đỡ bác ái chi cho mệt. Vì họ ăn rồi họ cũng bỏ đạo. Vì LBTM cho họ vô đạo rồi họ trước sau họ cũng bỏ thôi. Vô ích.

– Nếu ta LBTM mà họ sau này bỏ đạo, thì linh hồn họ ai chịu trách nhiệm?…

– Tôi có biết bao nhiêu việc làm còn không kịp, giờ đâu mà lo đi Loan Báo Tin Mừng? Giáo dân tôi lo còn chưa xong, lo chi tới chuyện đi đâu rao giảng.

– Tôi ngồi ở nhà đọc kinh cầu nguyện, soạn giảng cho hay, tập hát cho chuẩn… ý hướng về việc Loan Báo Tin Mừng, vậy tôi cũng là đang thực hiện việc LBTM rồi, cần chi đi đâu xa xôi, làm chi cho thêm rắc rối mệt mỏi.

2. Trong thực tế

– Trở ngại không được nâng đỡ, bề trên không hiểu. Anh em không ủng hộ. Thiếu hợp tác. Lẻ loi cô đơn LBTM, không khéo còn bị ghép thêm tội này tội kia.

– Trở ngại chính quyền địa phương, nhiều điểm nhiều nơi rất khó khăn để có được giấy phép hoạt động.

– Các tôn giáo khác và các tổ chức khác hoạt động rất mạnh, ta không khéo dễ bị mất sức hút ảnh hưởng.

– Khó khăn về tài chính. LBTM ít nhiều cũng cần tài chính. Nhưng đa số các hoạt động LBTM là do tự túc, tự quyên góp. Không hề có quỹ chung và nếu có cũng chẳng được bao nhiêu. Tiền bạc đổ dồn vào việc xây dựng… mà không dành phần tương xứng cho việc truyền giáo.

– Công Giáo rất hay là có tổ chức cơ cấu phẩm trật. Nhưng đôi khi chính cơ cấu phân ranh giới luật lệ lại giết chết việc LBTM.

– Thiếu đào tạo cán bộ LBTM, thiếu huấn luyện trường kỳ. Thiếu đi sự quan tâm của các vị bề trên hữu trách.

– Các hội đoàn thiếu sinh hoạt thiếu yếu tố LBTM, cứ lo linh đạo của hội đoàn mình mà không ý thức được LBTM cũng phải là linh hồn của các hội đoàn.

– Một trong những khó khăn lớn nữa và cũng là rất tế nhị khi cha sở sau phá những gì cha sở trước làm, hoặc không tiếp nối các công việc LBTM của cha sở trước, hoặc không có khả năng, hoặc không có tâm hồn LBTM, hoặc ích kỷ nhỏ nhen, hoặc muốn tạo dấu ấn của riêng mình, cái gì mình bày ra mình làm, cái gì của cha trước phá bỏ đi, thay đổi cả nhân sự, lãnh đạo tầm thường chứ không phải là lãnh đạo cao thượng… nên công việc chung LBTM nơi đó không tiếp tục đạt kết quả.

– …

III. Vượt Qua Trở Ngại

1. Mọi người cùng ý thức: Loan báo Tin Mừng để mời gọi người khác vào đạo vẫn là điều cần thiết

Tài liệu làm việc (Lineamenta) chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục khóa XIII năm 2012 giải thích: “Mặc dù những người không phải là Kitô hữu vẫn có thể được cứu rỗi nhờ ân sủng Thiên Chúa ban cho, bằng những cách chỉ một mình Người biết, song Hội Thánh không thể không biết rằng mỗi con người đều muốn biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và vui hưởng hôm nay tình bạn của Đức Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Việc gắn bó với Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, và trở nên thành viên của Hội Thánh Người không làm giảm tự do con người, nhưng đúng hơn nó gia tăng tự do và dẫn đưa tự do tới chỗ hoàn thiện nhờ một tình yêu xả kỷ và sự chăm lo cho hạnh phúc của mọi người. Quả là một món quà vô giá khi được sống trong vòng tay yêu thương của tất cả các bạn hữu của Thiên Chúa, nhờ được hiệp thông với thịt và máu ban sự sống của Con Thiên Chúa; và quả là vô giá khi đón nhận từ Người sự chắc chắn rằng tội lỗi của chúng ta được tha, và được sống trong tình yêu phát sinh từ đức tin! Hội Thánh muốn mọi người được dự phần vào sự giàu có ấy, để họ có thể đạt được chân lý sung mãn và các phương thế cứu độ, để “được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Khi loan báo và thông truyền đức tin, Hội Thánh bắt chước chính Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình cho nhân loại bằng việc ban Con của Người là Đấng đổ tràn Thánh Thần để mọi người có thể được tái sinh làm con cái Thiên Chúa” (số 36)

Sắc lệnh Ad Gentes số 7 cũng quả quyết: “Dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin, vì không có đức tin thì không thể làm vui lòng Ngài, nhưng Giáo Hội có bổn phận và đồng thời có thánh quyền rao giảng Phúc Âm; do đó, ngày nay và luôn mãi, hoạt động truyền giáo vẫn còn giữ trọn vẹn hiệu lực và cần thiết”.

ĐTC Phaolô VI khẳng định vị trí ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng và nhắc nhở các tín hữu: “Sẽ rất ích lợi nếu mỗi Kitô hữu và mỗi người rao giảng Tin Mừng cầu nguyện theo ý tưởng này: người ta cũng có thể được cứu rỗi bằng những cách thức khác, cho dù chúng ta không rao giảng Tin Mừng cho họ; nhưng đối với chúng ta, liệu chúng ta có thể được cứu rỗi hay không nếu vì sự trễ nải, sợ hãi hay hổ thẹn – điều mà Thánh Phaolô gọi là ‘xấu hổ vì Tin Mừng’ – hay vì những tư tưởng sai lạc mà chúng ta không rao giảng Tin Mừng?” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi)

2. Hành động cụ thể

– Mỗi vị bề trên phải là “Bề trên truyền giáo” chứ không nên là “bề trên quản trị”. Bề trên phải nhúng tay vào việc truyền giáo. Chứ không chỉ hô khẩu hiệu rồi giao cho ai muốn làm gì thì làm.

– Các Giáo Hội địa phương nên có những chương trình thống nhất cụ thể để đưa ra thực hành cho việc LBTM nơi hoàn cảnh địa phương mình. Hằng năm, hàng tháng… cấp độ Giáo Phận, Giáo Hạt, giáo xứ, hội đoàn, giáo dân…

– Phải dành riêng ngân sách cụ thể rõ ràng tương xứng hằng năm cho việc truyền giáo.

– Đào tạo và nhấn mạnh căn tính LBTM cho các chủng sinh, tu sĩ… dồn hết sức để tạo điều kiện huấn luyện cho họ say mê LBTM. Các vị giáo sư bậc thầy dạy phải có những năm tháng sống tận các giáo điểm, có thể là Châu Phi, những xứ nghèo, quốc gia nghèo… để cảm nghiệm thực tế và có kinh nghiệm LBTM. Khi đó lời giảng của mình nặng ký hơn và mới có thể làm gương sáng về truyền giáo và giảng dạy thực tế cho các chủng sinh, tu sĩ noi theo. Cũng vậy, chủng sinh tu sĩ phải tạo huấn luyện và tạo điều kiện để trải nghiệm sống thực tế nơi các giáo điểm truyền giáo để nuôi dưỡng “hồn tông đồ”.

– Đào tạo giáo dân thành nhân sự LBTM: Tạo các cộng đoàn cơ bản nhỏ. Làm men làm muối làm chứng nhân Tin Mừng cho những người xung quanh họ. Có chương trình huấn luyện rõ ràng định kỳ phân cấp… theo Địa phận, theo hạt, theo xứ đạo. Chính giáo dân làm việc này rất tốt và nhiều khi hiệu quả hơn các linh mục, tu sĩ.

– Mở rộng việc làm bác ái, giúp đỡ cụ thể cho người nghèo khổ: Thành lập những Trại Mồ Côi, nhà hưu dưỡng, bệnh viện Công Giáo, các cơ sở giáo dục… Điểm này ta còn thiếu rất nhiều.

– Các gia đình, các thành viên các hội đoàn, mỗi giáo dân… tìm cách kết thân với một cá nhân, bạn bè, gia đình bên chưa Công giáo để yêu thương và chia sẻ LBTM.

– Tạo sân chơi cho các giới, nhất là giới trẻ và thiếu nhi… thu hút mọi thành phần.

– Dùng phương tiện truyền thông để LBTM, huấn luyện nhóm chuyên viên để làm các video clip… tốt đẹp, gương sáng để LBTM

– …

IV. Cách Thức Loan Báo Tin Mừng cho Người Miền Tây.

1. Mở rộng họ đạo, giáo điểm. (Cách thức của cha Fx Đinh Trọng Tự – Gp Cần Thơ)

Đầu tiên chúng ta nên mở rộng việc bác ái tại họ đạo, giáo điểm của mình. Các việc bác ái như là:

– Về giáo dục: Mở các lớp hè, mở các khóa học Anh Văn, vi tính, nấu ăn, chưng bông, học võ miễn phí… Điều này sẽ thu hút các học viên đến rất đông, và từ đó ta hỏi thăm làm quen, đến tận nhà thăm họ…

– Về y tế: ta nên mở phòng thuốc khám bệnh từ thiện bác ái miễn phí châm cứu Đông Tây Y, hàng tuần hoặc hàng tháng. Có nhiều tiền thì Tây Y, ít tiền hơn thì Đông Y, thuốc Nam, châm cứu…. Đây sẽ là điểm quy tụ nhiều người nghèo già bệnh, họ sẽ đến, ta gặp gỡ làm quen và giúp đỡ…

– Nhất là đi thăm viếng, cho con trẻ cái bong bóng, cho người già điếu thuốc lá… Họ rất có cảm tình, mà khi họ đã có cảm tình rồi thì nói gì họ cũng nghe. Họ không thấy Chúa, nhưng thấy ông cha đang sống với họ. Những điều trên sẽ tạo tiếng vang uy tín cho vị Linh mục, và khi đó đi đến đâu dân cũng thương cũng nể, dù là công giáo hay ngoại đạo. Họ sẽ đến với ta, và ta đến với họ. Ảnh hưởng của ta sẽ rộng ra và nhà thờ giáo điểm sẽ đông người đến.

2. LBTM từ một vùng trắng

Đi thăm vùng trắng. Ở đâu có điện đường trường trạm, có dân cư tập trung, ngã ba ngã tư ta nên đến thăm. Lân la làm quen nơi cây xăng, quán vỉa hè, điểm tâm sáng… nhờ người bán vé số dạo dò hỏi xem ở đây có người đạo Công Giáo mới tới làm ăn không? Nếu có ta tới tận nhà thăm, nếu không ta hỏi xem ở đây có ai nghèo không? Chắc chắn có người nghèo. Lúc đó ta sẽ cho chút quà nhỏ nhân dịp Noel, lễ Tết…

Từ đó ta sẽ làm quen lân la ra các bô lão trong vùng, các người già đứng đầu dòng tộc có uy tín, các vị cao niên trong khu vực. Ta sẽ liên hệ cho quà Giáng Sinh chút đỉnh bất kể lương giáo… ai nghèo là cho.

Ít nhiều trong đó cũng có người ngày xưa có đạo, hoặc ông bà cha mẹ có đạo, hoặc người thân lấy vợ lấy chồng có đạo, hoặc bạn bè có đạo, hoặc thời xưa khi đi học có mấy người bạn rủ tới lui nhà thờ… Từ đó ta nắm lấy họ làm mắt xích, đến thăm họ, nhờ họ làm cầu nối với những người khác.

Ta đến thăm, lắng nghe, quan tâm, vui vẻ… họ sẽ yêu mến ta, và khi ta đã có uy tín với họ rồi thì từ đó họ sẽ dễ dàng nghe ta nói.

Được một người cao niên là được cả dòng họ đó. Được một em bé đón tiếp là được cả gia đình đó.

Mà cao niên thì ngồi nói chuyện, còn em bé thì cái bong bóng và vài ba câu tiếng Anh là lấy lòng được ngay.

Rồi mời họ tới nhà thờ mình chơi khi có dịp… Noel, lễ Tết…

Họ sẽ thấy hoạt động của ta, thấy giáo dân đông vui, ít nhiều cũng có người theo.

Bước tiếp theo ta mua đất nhỏ, hoặc thuê đất nhỏ, lân la làm quen chính quyền địa phương và âm thầm sinh hoạt vui chơi làm bác ái, dạy học cho thiếu nhi… tại chỗ đó. Và từ từ sẽ hình thành một cộng đoàn cơ bản nhỏ, từ đó nhân rộng ra… Với ơn Chúa, sẽ thành công!

3. Quan niệm về bác ái

Có vài ý kiến cho rằng cho họ ăn rồi họ cũng bỏ. Giúp làm chi… khám bệnh từ thiện có hết đâu, khám làm chi…

Thư Giacôbê chương 2 câu 15-16 viết: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”

Thông Điệp Redemptoris Missio của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt các công việc bác ái trong chương 5 như là một hoạt động truyền giáo, cũng hệt như việc giảng dạy vậy. “Vì động lực của truyền giáo là tình yêu, mang tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Mà tình yêu là phải hành động, không nói suông. Vậy bất cứ cách nào chuyển thông tình yêu của Chúa, qua thái độ, tâm tình, cử chỉ, hành động… cũng là truyền giáo vậy. Hơn nữa sự cứu rỗi nằm ở toàn diện con người, không phải chỉ cứu rỗi linh hồn hạnh phúc đời sau, mà cả thân thể hạnh phúc đời này nữa. Sự cứu rỗi toàn diện con người đòi hỏi phải giải phóng con người khỏi những gì là hạ thấp nhân phẩm: nghèo đói, dốt nát, bất công…

Bác ái là con đường ngắn nhất đi từ trái tim tới trái tim.

Như đã nói trên, người miền Tây rất hiền hòa, chân chất và nhân hậu. Vậy ta nên dựa vào điểm tích cực này để LBTM.

Thực sự họ nghèo chúng ta phải giúp đỡ họ cách vô vị lợi. Không cần họ vô đạo mà họ nghèo chúng ta cũng nên giúp họ. Bên anh em Cao Đài – Hòa Hảo làm rất tốt việc bác ái này…

Với người miền Tây chân chất, chỉ cần ít gạo mì đường, và một nụ cười cùng lời hỏi thăm… là ta đã lấy được lòng họ, cứu được linh hồn của họ. Từ đó ta đưa họ đến gặp gỡ một Đức Kitô đang sống (Christus Vivit). Chia sẻ kinh nghiệm về sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong đời mình với họ. Rồi họ sẽ được gặp Ngài, có kinh nghiệm với Ngài và cảm nhận được Ngài yêu thương họ. Từ đó họ sẽ có niềm tin hứng khởi và niềm hy vọng.

V. Kết Luận: Hy vọng lên đường

Đức Thánh Cha nhắn nhủ với chúng ta trong tông huấn Evangelii Gaudium rằng, “tôi chỉ muốn tìm lời động viên cho việc truyền giáo nhiệt thành hơn, vui tươi, quảng đại, can đảm, đầy tình yêu sâu xa và một cuộc sống được truyền đạt!”

Loan báo Tin Mừng yếu kém thể hiện một đức tin trống rỗng. Làm sao việc LBTM phải là một dòng chảy nóng bỏng thẩm thấu trong máu thịt tâm hồn người Kitô hữu thúc bách họ ra đi dấn thân tận hiến.

Điều này phải bắt nguồn mãnh liệt từ tình yêu Chúa Kitô, một kinh nghiệm tràn đầy hạnh phúc với Đức Kitô đang sống, để từ đó phun trào lên nguồn ân sủng thúc bách tín hữu ra đi rao giảng niềm vui hạnh phúc này.

Ai cũng có quyền được nghe và đón nhận Tin Mừng. Ta đã được nhận nhưng không, hãy giúp cho anh chị em mình cũng được nghe và đón nhận Tin Mừng cách nhưng không như vậy.

Xin Chúa Thánh Thần thúc bách ta theo mẫu gương của Mẹ Maria dịu hiền lên đường mang Chúa đến cho người anh chị em.

Mic. Nguyễn Khắc Minh

[1] Vietnamese Church, when faith is not about numbers, https://www.lastampa.it/vatican-insider/en/2015/10/14/news/vietnamese-church-when-faith-is-not-about-numbers-1.35215113
[2] Để Nước Chúa trị đến trên quê hương “con rồng cháu tiên”, https://sjjs.edu.vn/blog/2017/09/08/de-nuoc-chua-tri-den-tren-que-huong-con-rong-chau-tien/#_ftn15
[3] Trích tài liệu dịp tĩnh tâm hạt Đại Hải 7/2020
[4] https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002
[5] https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002
[6] Bề trên quản trị” chứ không phải “bề trên truyền giáo”, Cha Jerome Nguyễn Đình Công, giám đốc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo tại VN, Khóa bồi dưỡng Thần Học và Truyền Giáo tại Vũng Tàu 30/-2/7/2020)
[7] Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/canh-tan-hoat-dong-loan-bao-tin-mung-tai-viet-nam-ngay-nay-49002

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận