Truyền giáo, sứ mạng chính yếu của người Kitô hữu

2243 lượt xem

Trong Tông Huấn đầu tiên Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng về việc Loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: “Tôi muốn hướng đến mọi Kitô hữu Công Giáo, mời gọi họ bước vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa, được ghi dấu ấn của niềm vui này và vạch lối đi cho Giáo Hội trong những năm tới.”[1] Bởi lẽ, sứ vụ truyền giáo là sứ vụ chính yếu của Giáo Hội nói chung và của mọi Kitô hữu nói riêng. Đó là trách nhiệm tiên khởi của chúng ta.

Ý thức về nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng hiện nay trong thế giới hôm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành riêng tháng 10 năm 2019 như là tháng ngoại thường để cầu nguyện, học hỏi và thực hiện sứ vụ truyền giáo với chủ đề: “Được rửa tội và được sai đi.”

Để có thể thi hành tốt sứ vụ này trong bối cảnh xã hội hiện nay, trong bài viết này, chúng ta tìm hiểu về chủ đề truyền giáo với những điểm chính sau: 1) Lý do phải truyền giáo; 2) Đối tượng cần được truyền giáo; 3) Cách thức để truyền giáo; 4) Để truyền giáo hiểu quả.

1- Lý do phải truyền giáo

Trước khi đi vào nội dung, cần phải giải thích một số từ ngữ truyền giáo. Liên quan đến sứ vụ này, trong lịch sử đã có nhiều hạn từ được dùng khác nhau:

Ban đầu, trong Tân Ước, truyền giáo có nghĩa là sai đi, phát xuất từ tiếng Hy Lạp – “Apostolos,” có nghĩa là người được gửi đến, được sai đi; nó trở thành tên của các Tông Đồ, người được Chúa Giêsu sai đi truyền giáo. Trong tiếng La Tinh truyền giáo được dịch bằng từ “missio,” có nghĩa là sứ vụ, người được sai đi thực thi sứ vụ.

Sau này người ta hiểu truyền giáo là truyền bá đức tin, nên dùng từ “Propagatio Fidei.” Nhưng từ này làm cho nhiều người dị nghĩ, hiểu truyền giáo là tuyên truyền. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thay đổi bằng cách dùng một từ khác, đó là từ “Evangelizatio – Phúc Âm hóa.” Sau này, Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô II thường dùng lại và thêm vào những tín từ như: Tái Phúc âm, Tân Phúc Âm hóa. Ngài giải thích rằng Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, nhưng là rao giảng chính Tin Mừng của Chúa Kitô với những phương pháp mới, lòng nhiệt thành mới, với ngôn ngữ mới và cách thức mới. Chúng ta dùng hai hạn từ trong bài là truyền giáo và Phúc Âm hóa.

Thật vậy, truyền giáo không phải là một thứ thêm vào cho đời sống Giáo Hội nhưng là tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Truyền giáo là bổn phận chính yếu của mọi người Kitô hữu. Tại sao chúng ta phải truyền giáo?

Trước hết, truyền giáo là lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16,15-16; x. Mt 28,19-20). Chúng ta được mời gọi phải truyền giáo, bởi vì, đây là ý muốn của Thiên Chúa, Người muốn cho mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ nhờ việc tin vào Đức Giêsu Kitô (x. 1 Tm 2,4). Hoạt động truyền giáo nhằm phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhằm phục vụ con người. Truyền giáo là thông đạt cho tha nhân hồng ân đức tin quý báu mà chúng ta đã lãnh nhận và hồng ân ấy liên hệ tới hạnh phúc của mọi người là được mời gọi thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ hồng ân cứu độ của Chúa Kitô. Nói cách khác, chúng ta may mắn được nhận biết Chúa Kitô và tin vào Người. Niềm vui này cần phải được chia sẻ cho người khác để họ cũng có cơ hội để nhận biết và tin vào Chúa Kitô như chúng ta.

Bởi thế, Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Ad Gentes cho rằng: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo.”[2] Giáo Hội được thành lập để truyền giáo. Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội đã luôn cố gắng thực hiện lệnh truyền này của Chúa Giêsu, nhờ đó, Tin Mừng đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi trên thế giới. Giáo Hội bắt đầu từ một nhóm người rất nhỏ bé, nay đã trở thành mội đại gia đình rộng lớn và phát triển mạnh mẽ khắp mọi nơi và mọi dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, Giáo Hội càng phải tích cực hơn nữa để tiếp tục sứ vụ này. Có thể nói rằng đây là thời điểm của truyền giáo. Về điểm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Niềm Vui Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận ân ban cứu độ của Người thì được thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn phiền, sự trống rỗng và nỗi cô độc nội tâm. Với Đức Giêsu Kitô, niềm vui thường hằng tái sinh.”[3] Đó là lý do mà chúng ta phải truyền giáo.

2- Đối tượng của truyền giáo

Khi xem xét và nhận định về tình hình của thế giới hôm nay, cũng trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói tới ba đối tượng mà chúng ta phải hướng tới để loan báo Tin Mừng.[4]

Cho những Kitô hữu bình thường

Đối tượng thứ nhất đó là những người đã được Rửa Tội và đang thực hành niềm tin của mình một cách bình thường.

Đối tượng này gồm những người trong cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình chúng ta. Mỗi người chúng ta cần phải tiếp tục Tin Mừng hóa bản thân bằng việc lắng nghe Lời Chúa, nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng, thực hành Lời Chúa, nhờ đó chúng ta trở thành những người Kitô hữu đích thực, những người đượm chất Tin Mừng, chứ không phải chỉ là những Kitô hữu trên danh nghĩa. Từ việc Tin Mừng hóa bản thân, chúng ta có thể Tin Mừng hóa gia đình, giáo xứ và môi trường mà chúng ta sống. Có thể nói đây là phạm vi mục vụ thông thường.

Cho những Kitô hữu không còn thực hành niềm tin

Đối tượng thứ hai cần được loan báo Tân Phúc Âm hóa là những người Kitô hữu đã được rửa tội, nhưng nay họ không còn thực hành niềm tin, không đến nhà thờ nữa, họ đã rời bỏ Giáo Hội. Nếu nhìn vào bức tranh truyền giáo của thế giới, những đối tượng này phần lớn thuộc các nước ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc. Ở đó, có rất nhiều người Công Giáo nhưng chỉ trên danh nghĩa, họ không còn sống niềm tin của mình. Có thể nói rằng cánh đồng truyền giáo cho những đối tượng này thật bát ngát bao la. Những người này cần được tiếp tục tái truyền giáo, nhờ đó họ trở lại sống niềm tin của mình.

Cho những người chưa biết Chúa và Tin Mừng

Đối tượng thứ ba đó là những người chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng, họ là những người không có tôn giáo nào, hoặc thuộc về một tôn giáo nào đó, nhưng chưa nhận biết Tin Mừng và chưa tin vào Chúa Kitô, họ là những người lương dân sống bên cạnh chúng ta.

Theo thống kê niêm giám của Tòa Thánh công bố ngày 06 tháng 3 năm 2019, tổng dân số thế giới có khoảng 7 tỷ 500 triệu người. Nhưng chỉ có 1 tỷ 313 triệu người Công Giáo, chiếm 17,7% dân số thế giới.

Ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn rất nhiều người chưa biết Chúa và Tin Mừng. Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có hơn 96 triệu người, nhưng tỷ lệ người Công Giáo chỉ chiếm gần 7%, nghĩa là cứ 100 người Việt thì chỉ có 7 người Công Giáo. Hằng năm, con số người gia nhập đạo rất ít.

Như thế, phần lớn là những người chưa biết Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nếu nhìn theo viễn tượng này, thì Lời Chúa vẫn rất thời sự và cấp bách đối với chúng ta ngày nay: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2). Chúng ta được mời gọi đến với những người này, gặp gỡ họ và chia sẻ niềm tin của mình với họ.

3- Cách thức truyền giáo

Vậy làm sao chúng ta có thể truyền giáo cho con người hôm nay? Để trả lời câu hỏi này, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói đến ba cách thức truyền giáo: thứ nhất là cử hành phụng vụ. Nghĩa là truyền giáo bằng việc cử hành cách bí tích, đọc kinh, cầu nguyện hằng này. Bởi lẽ, dân Chúa được hình thành nhờ việc cử hành và tham dự các bí tích. Mỗi người chúng ta được mời gọi mỗi ngày, mỗi Chúa Nhật đến tham dự thánh lễ và cử hành các bí tích, đọc kinh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Qua việc tham dự phụng vụ, chúng ta gặp gỡ và sống thân tình với Chúa Kitô, nhờ đó, chúng ta được Lời Chúa và Thánh Thể nuôi dưỡng. Một người Kitô hữu đích thực là một người siêng năng tham dự các bí tích. Không thể là Kitô hữu đích thực nếu ngày Chúa Nhật họ không đến nhà thờ.

Cách thức thứ hai là rao giảng Tin Mừng

Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ: “Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Truyền giáo là loan báo Lời Chúa, kể chuyện về Chúa, kể lại kinh nghiệm đức tin của mình cho người khác. Ngày hôm nay chúng ta cần phải ra đi và chia sẻ Tin Mừng cho những người xung quanh chúng ta. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình cho những người khác. Chúng ta có thể kể chuyện về Thiên Chúa, về ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến cho người khác nghe. Chúng ta có thể làm được điều này trong mọi hoàn cảnh, khi gặp gỡ, khi điện thoại, khi thăm viếng, khi đi đường, khi ở nhà hoặc khi làm việc. Chúng ta có thể dùng truyền thông như facebook, internet, email… để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Tất cả là cơ hội để chúng ta rao giảng Lời Chúa, nói chuyện về Chúa cho người khác.

Cách thức thứ ba đó là sống chứng tá bằng đời sống bái ái

Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất.

Như thế, trong cả ba cách thức trên chúng ta đều có thể áp dụng để truyền giáo cho bất cứ ai mà gặp gỡ. Chúng ta hãy mạnh dạn truyền giáo, đừng sợ hãi, đừng ngần ngại, bởi vì, có Chúa Thánh Thần đến đồng hành và nâng đỡ chúng ta như Ngài đã đến và ban sức mạnh cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,10-20).

4- Để truyền giáo hiệu quả

Để truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô một cách hiệu quả, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hãy sống những điều chính yếu sau đây:

Tập trung vào Chúa Kitô

Đức Giáo Hoàng cảnh báo chúng ta về cám dỗ của ngày hôm nay, chúng ta biết quá nhiều điều và lại quá chú trọng đến những điều thứ yếu mà quên điều chính yếu. Điều chính yếu của đời sống của người kitô hữu biết Đức Kitô và nên giống Người. Để truyền giáo hiệu quả, trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm về Thiên Chúa, đi vào tương quan gặp gỡ, sống mật thiết và yêu mến Chúa Kitô, xây dựng đời sống chúng ta trên nền tảng là Chúa Kitô. Mỗi ngày cố gắng để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để có trái tim của Chúa, tâm tình của Chúa, cách hành xử và cách nghĩ như Chúa. Khi Chúa Kitô trở thành trung tâm điểm đời sống, chúng ta coi những thứ khác như tiền bạc, danh vọng, địa vị, hưởng lạc… là thứ yếu, và có khi có thế nói: “Tôi coi tất cả là rơm rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8).

Vì thế, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta: hãy tập trung đời sống vào Chúa Kitô, phát xuất lại từ Ngài.

Hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công việc truyền giáo, nên chúng ta được mời gọi phó thác hoàn toàn và trong mọi sự cho sự hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần như là vị “linh hướng bên trong”, như là linh hồn của đời sống Kitô hữu, như người nghệ sỹ dưới sự điều khiển của nhạc trưởng, như cây đàn trong tay nghệ sỹ.

Chúng ta có mẫu gương sống động nhất về điều này nơi chính cuộc đời Chúa Giêsu. Người không bao giờ hiểu biết điều gì mà không nhờ Chúa Thánh Thần. Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể truyền giáo, bằng chứng rõ ràng qua biến cố Hiện Xuống: Sau khi Chúa chết, các môn đệ đều thất vọng, hoang mang và sợ sệt, nhưng khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, họ can đảm ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, nói được tiếng lạ, chữa lành  các bệnh tật và trừ quỷ. Tất cả điều đó nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nếu không có Chúa Thánh Thần, truyền giáo trở thành tuyên truyền. Nhưng có Chúa Thánh Thần, truyền giáo trở thành một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định cách rõ ràng rằng: “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính (protagonist) của tất cả sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội.”[5] Chính vì thế mà thánh Tông Đồ mời gọi “Anh em hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn (Gl 5,18).

Xây dựng nền văn hóa gặp gỡ

Thế giới mà chúng ta đang vẫn còn bị thống trị bởi nền văn hóa của loại trừ và thù địch. Con người vẫn còn đối xử và nhìn người khác như là kẻ thù của nhau.

Đức tin kitô giáo không cho phép chúng ta nhìn tha nhân là thù địch, là hỏa ngục, nhưng họ chính là hình ảnh của Thiên Chúa, là một nhân vị quý giá đáng trân trọng, được Chúa Giêsu đổ máu cứu chuộc. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta xây dựng nền văn hóa gặp gỡ. Bắt đầu từ trong gia đình của mình. Để gặp nhau, chúng ta phải dành thời gian cho nhau, tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, nâng đỡ và yêu thương nhau.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn muốn một chúng ta đi ra ngoài, ra vùng ngoại ô, ra khỏi phạm vi của mình để vươn tới mọi người, để gặp gỡ mọi người mà không loại trừ ai.

Chúng ta đừng loại trừ nhau trong gia đình, trong cộng đoàn giáo xứ. Nhưng tất cả được mời gọi mở rộng cái nhìn của mình theo cách nhìn của Thiên Chúa, là biết tôn trọng và đón nhận những khác biệt của người khác, của các tôn giáo khác. Để Giáo Hội là nhà rộng cửa đón tiếp mọi người như là nhà của Thiên Chúa, ngõ hầu họ cũng được ơn cứu độ.

5- Kết luận

Truyền giáo là sứ vụ chính yếu của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta không chỉ là người có Chúa Kitô, nhưng phải là người mang Chúa Kitô cho người khác. Ước mong rằng tâm nguyện của thánh Phaolô phải là tâm nguyện của mỗi người chúng ta mỗi ngày: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16).

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Hướng tới Chúa Nhật Truyền Giáo 2019

[1] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng về việc Loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày này, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội 2014, số 1.
[2] AG, 2.
[3] ĐGH. Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng, Sđd., số 1.
[4] Sđd., số 14.
[5] Gioan Phaolô II, Redemtoris missio, số 21.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận