I. CÁC LOẠI VÀ TÊN CÁC VĂN KIỆN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
1. Tông Hiến – Constitutio Apostolica
Constitutio: luật căn bản; Apostolica: tông đồ, tông tòa.
Đây là loại văn kiện cao cấp nhất và quan trọng nhất do Đức Giáo Hoàng ban hành. Tông Hiến ảnh hưởng trực tiếp đến Giáo luật Công giáo và pháp luật của Tòa Thánh Vatican. Do đặc tính quan trọng, Tông Hiến luôn được gửi đến toàn thể Giáo hội Công giáo để áp dụng.
– Tông Hiến về Sách Lễ Roma quy định các luật lệ về Thánh lễ được Đức Phaolô VI ban hành 03-4-1969.
– 29/1/2018: Tòa Thánh công bố Tông Hiến “Niềm vui Chân lý” (Veritatis Gaudium) của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông Hiến gồm 87 trang, có tựa đề Veritatis Gaudium, trong đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các cơ sở giáo dục Đại Học của Giáo Hội phải phục vụ cho nhu cầu chính yếu của Giáo Hội hôm nay, đó là “để Dân Thiên Chúa sẵn sàng bắt tay vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa ‘đầy Thánh Linh’”. Ngài viết rằng thách đố này đòi hỏi “một quá trình đầy quyết tâm trong việc phân định, thanh lọc, và cải tổ.
2. Thông Điệp – Littera Enciclica
Enciclica do tiếng Hylạp en-kyklios (en: trong, kyclos: vòng tròn). Thế kỷ 18, Enciclica dành riêng làm thuật ngữ chỉ văn thư của Đức Giao Hoàng gửi cho mọi thành phần trong Giáo Hội (Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân).
Littera Enciclica: trong tiếng Việt có nghĩa là Thông Điệp (thông: truyền đạt đi; điệp: văn thư).
Đây là một thuật ngữ chỉ văn thư của Đức Giáo Hoàng có tính long trọng dùng để gửi cho mọi thành phần trong Giáo Hội. Văn kiện này không nhằm chuyển tải những định nghĩa tín lý, mà chỉ đưa ra những lời khuyên bảo hay soi sáng những điểm giáo thuyết nào cần minh xác và trình bày cho phù hợp với hoàn cảnh đặc biệt.
– Thông Điệp “Hòa Bình Thế Giới” (Pacem in terris) do Đức Gioan XXIII ban hành ngày 11 tháng 4 năm 1963.
– Thông Điệp “Sự Sống Nhân Loại” (Humanæ vitae) do Đức Phaolô VI ban hành ngày 25 tháng 7 năm 1968.
– Thông Điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” (Dives in Misericordia) của Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980.
– Thông Điệp “Chân Lý Rạng Ngời” (Veritatis Splendor) do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 6 tháng 8 năm 1993.
– Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus caritas est) do Đức Bênêđíctô XVI ban hành ngày 2 tháng 5 năm 2006.
– Thông Điệp “Ánh Sáng Đức Tin” (Lumen Fidei) do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2013.
– Thông Điệp “Chúc Tụng Chúa” (Laudato Si) do do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 24 tháng 5 năm 2015.
3. Tông Huấn – Exhortatio Apostolica
Tông Huấn: Tông: tông đồ, tông tòa; Huấn: dạy bảo, giải thích.
Đây là một loại văn kiện mà các Đức Giáo Hoàng thường dùng để chuyển đạt giáo huấn được các Thượng Hội Đồng Giám Mục nghiên cứu, gửi đến cộng đồng Kitô hữu Công giáo, nhằm dạy dỗ và khuyến khích họ thực hiện một hoạt động cụ thể nào đó theo sự biến đổi của xã hội, nhưng đây không phải là một định nghĩa về giáo lý.
Tông Huấn được coi là văn kiện thấp hơn Thông Điệp, nhưng cao hơn so với Tông Thư và các văn kiện khác của giáo hoàng.
– Tông Huấn “Kitô Hữu – Giáo Dân” (Christifideles laici) do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 30 tháng 12 năm 1988 sau Thượng Hội Đồng Giám mục 1987 bàn về vai trò giáo dân trong Giáo Hội.
– Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii Gaudium), là Tông Huấn gửi các Giám mục, Linh mục và Phó tế, các người thánh hiến và giáo dân về việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay. Tông huấn này được soạn thảo từ những gợi ý của các Nghị Phụ tham dự Thượng Hội Đồng Giám mục về việc “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, diễn ra tại Vatican từ ngày 7 tới 28 tháng 10 năm 2012. Và đã được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành tại Roma, ngày 24 tháng 11 năm 2013, năm đầu tiên sứ vụ Giáo Hoàng của ngài, nhân ngày đại lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, và ngày kết thúc Năm Đức Tin.
4. Tông Thư – Littera Apostolica
Tông Thư là thư của Đức Giáo Hoàng viết bàn về một vài điều gửi cho một thành phần hay một số thành phần nào đó trong Giáo Hội, như giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân… Khác với Thông Điệp là gửi cho toàn thể mọi người, Tông Thư nhắm đến đối tượng nhỏ hơn. Tông thư có mục đích là khuyến khích và dạy dỗ.
– Tông Thư “Hòa bình và Hòa giải” (Pax et reconciliatio) của Đức Phaolô VI ban hành ngày 14 tháng 2 năm 1964.
– Tông Thư “Phẩm Giá Người Phụ Nữ” (Mulieris Dignitatem) của Đức Gioan Phao lô II ban hành ngày 15 tháng 8 năm 1988, nói về phẩm giá người phụ nữ.
– Tông Thư “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria” (Rosarium Virginis Mariae) của Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2002.
5. Tông Sắc – Bulla
Tông sắc là một văn bản chính thức của Đức Giáo Hoàng, với mục đích thiết lập một trật tự tôn giáo, làm rõ một học thuyết, phê chuẩn các văn kiện khác, thành lập một trường đại học, triệu tập một công đồng, tuyên bố một năm hồng phúc (Năm Thánh) hay một tuyên bố tương tự.
Trong tiếng Anh, tông sắc được định nghĩa bởi thuật ngữ bull. Thuật ngữ này nhằm đề cập đến con dấu chì, bulla, được đính kèm với tài liệu để chứng thực một tông sắc. Con dấu này miêu tả các Thánh tông đồ là thánh Phêrô và thánh Phaolô đi kèm với tên của vị Giáo hoàng kí tên, nhấn mạnh đến thẩm quyền Giáo Hoàng
– Tông Sắc “Mầu nhiệm Nhập Thể” (Incarnationis Mysterium) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 29 tháng 11 năm 1998.
6. Tông Dụ – Epistula Apostolica
Tông Dụ: Tông: tông đồ, tông tòa; Dụ: huấn dụ, huấn giáo. Là văn kiện hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng dành cho những người cấp dưới thực hiện. Cũng có văn thư chỉ đề Epistola thôi.
– Tông Dụ “Lumen Ecclesiae” (Ánh sáng của Giáo Hội) của Đức Phaolo VI ban hành ngày 20 tháng 11 năm 1974, nói về vai trò ánh sáng của Giáo Hội và của mọi thành phân trong Giáo Hội đối với nhân loại.
7. Tự Sắc – Motu Proprio
Viết đầy đủ là: Litterae Apostolicae Motu Proprio datae, còn gọi là Tông Thư dưới hình thức Tự Sắc. Những thư này thường mở đầu: Tên Vị giáo hoàng…
Motu: một chuyển động, một hành động, Proprio: tự ý riêng mình.
Đây là một loại văn kiện có tính pháp lý được Đức Giáo Hoàng tự ý ban hành (motu proprio) chứ không phát xuất từ bất cứ sự thỉnh cầu nào. Tự sắc của ngài thường gửi đến toàn thể Giáo Hội. Ngày nay, Tự sắc được sử dụng để ban hành những quy định quan trọng về luật nhưng không cần phải dùng đến văn kiện long trọng như Tông Hiến (Constitutio apostolica). Và để thành lập các tổ chức của Tòa Thánh hoặc Giáo Hội; điều chỉnh, thay đổi nhỏ các quy luật hoặc thủ tục, vinh danh một cá nhân… nhưng thường không trái ngược với Tông Hiến.
– Tự Sắc “Matrimonia mixta” của Đức Phaolô VI quy đinh luật lệ về hôn nhân hỗn hợp giữa Công giáo và người Tin lành, giữa người Công giáo và người chưa lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ban hành ngày 31 tháng 3 năm 1970.
– Tự Sắc “Omnium in mentem” do Đức Bênêđíctô XVI ban hành ngày 26 tháng 10 năm 2009. Tự Sắc này thay đổi 5 điều giáo luật của Bộ Giáo Luật 1983.
– Tự Sắc “Porta Fidei” (Cánh Cửa Đức Tin) do Đức Bênêđíctô XVI ban hành ngày 11 tháng 10 năm 2011, công bố Năm Đức Tin, trong đó ngài trình bày lý do, mục đích, những đường hướng chỉ đạo và những quy định phải tuân thủ về việc cử hành năm này.
8. Sắc Chỉ hay Tông Chiếu – Bulla Apostolica:
Là thư bổ nhiệm chức vụ trong Giáo Hội do Đức Giáo Hoàng ban.
Bulla cũng được sử dụng để nói về con dấu, rồi cũng nói luôn về chính tài liệu. Hiện nay Bulla có thể được dùng để chỉ các văn kiện giáo hoàng có tầm quan trọng đặc biệt: nghĩa là, các văn kiện đó phải được đóng con dấu của Đức Giáo Hoàng.
– Tông Chiếu “Dung Nhan Lòng Chúa Xót Thương” (Misericordiae Vultus), của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành ngày 11 tháng 4 năm 2015.
9. Tuyên bố Chung – Declaratio
Là tuyên bố chung của Đức Giáo Hoàng với một vị lãnh đạo của một tôn giáo khác có liên quan đến sự hiểu biết chung hay nhằm mục đích đại kết.
10. Buổi Tiếp kiến – Audientia
Buổi Tiếp kiến Chung của Đức Giáo Hoàng dành cho dân chúng, diễn ra vào Thứ Tư hằng tuần, tại Quảng trường Thánh Phêrô hoặc một địa điểm nào đó tại Vatican như Đại Thánh Đường Phaolô VI.
Các bài diễn thuyết của Đức Giáo Hoàng khi Tiếp kiến Chung, thường phản ánh tình hình thời đại.
Buổi Tiếp kiến Riêng của Đức Giáo Hoàng dành những cá nhân hay các nhóm. Chủ đề các bài nói chuyện lúc này tương ứng, thích hợp với khách mời. Ví dụ, vấn đề về y học đối với một nhóm các bác sĩ; hay tình hình thế giới với các nguyên thủ quốc gia, các nhà ngoại giao; những giảng dạy và những thủ tục của Giáo hội đối với các giám mục, viên chức của Giáo triều Rôma. Các buổi tiếp kiến dạng này thường diễn ra tại Sảnh Đường Công Nghị, Điện Tông Tòa hoặc Đại Thánh Đường Phaolô VI.
11. Bài giảng – Homilia
Là các bài giảng của Đức Giáo Hoàng về những đoạn Kinh Thánh trong Thánh Lễ hay trong một cử hành phụng vụ.
12. Diễn văn – Oratio
Là các văn kiện của Đức Giáo Hoàng bên ngoài phạm vi của Thánh Lễ hay bên ngoài của những buổi tiếp kiến, có thể khi Đức Giáo Hoàng đến thăm một nơi nào đó.
13. Sứ điệp – Messaggio
Là các sứ điệp của Đức Giáo Hoàng gởi cho toàn thể Giáo Hội vào các dịp đặc biệt trong năm, nhằm hướng dẫn, khuyến khích Kitô hữu sống sứ mạng của mình trong thế giới, chẳng hạn như sứ điệp hòa bình dịp đầu năm, sứ điệp Mùa Chay hằng năm,…
II. CÁC VĂN KIỆN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Các văn kiện của Công đồng Vatican II gồm có ba loại: Hiến Chế, Sắc Lệnh và Tuyên Ngôn, đều đặt nền tảng trên Kinh Thánh, Thánh Truyền, Quyền Giáo huấn với hoàn cảnh mới, xã hội thay đổi. Mỗi văn kiện lấy chữ đầu tiên của số một chương một để đặt tên cho văn kiện đó.
1. Hiến Chế – Constitutio
Hiến là pháp luật; Chế là làm ra, đặt ra, bó buộc. Hiến Chế giống như hiến pháp, là luật căn bản, nền tảng của các luật khác, gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ cơ bản về phụng vụ, tổ chức, hoạt động mục vụ,…
Công đồng có 4 Hiến Chế:
1. Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium
2. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội – Lumen Gentium
3. Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa – Dei Verbum
4. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay – Gaudium et Spes
2. Sắc Lệnh – Decretum
Sắc là chiếu chỉ của vua; Lệnh là bố cáo ra, công bố ra. Sắc Lệnh là những quy tắc pháp lý được ban hành để giải quyết những vấn đề cấp bách, không có tính ổn định của Giáo Hội, nhưng chưa phải là luật hoặc đang trong giai đoạn hình thành luật. Sắc lệnh gồm có tổng quát và riêng biệt (khi có đơn thỉnh cầu để xin một ân ban nào đó).
Chín Sắc Lệnh của Công đồng Vatican II là những điều luật và những chỉ dẫn của Giáo Hội nhắm đến từng đối tượng riêng: Giám mục, Linh mục, Chủng viện, Tu sĩ, Giáo dân, Ơn gọi tông đồ,… Công đồng có 9 Sắc Lệnh:
1. Sắc Lệnh Về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội – Inter Mirifica
2. Sắc Lệnh Về Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương – Orientalium Ecclesiarum
3. Sắc Lệnh Về Đại Kết – Unitatis Redintegratio
4. Sắc Lệnh Về Nhiệm Vụ Mục Tử Của Các Giám Mục Trong Giáo Hội – Christus Dominus
5. Sắc Lệnh Về Đào Tạo Linh Mục – Optatam Totius
6. Sắc Lệnh Về Việc Thích Nghi Canh Tân Đời Sống Tu Trì – Perfectae Caritatis (Đức Ái Hoàn Hảo)
7. Sắc Lệnh Về Hoạt Động Tông Đồ Giáo Dân – Apostolicam Actuositatem
8. Sắc Lệnh Về Tác Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục – Presbyterorum Ordinis
9. Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo Của Giáo Hội – Ad Gentes
III. Tuyên Ngôn – Declaratio
Tuyên là bày tỏ cho mọi người biết; Ngôn là lời nói. Ba Tuyên Ngôn của Công đồng Vatican II nói lên lập trường, đường lối của Giáo Hội về Giáo dục Kitô giáo, về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, về Tự do tôn giáo. Công đồng có 3 Tuyên Ngôn:
1. Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo – Gravissimum Educationis
2. Tuyên Ngôn Về Mối Liên Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo – Nostra Aetate
3. Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo – Dignitatis Humanae
Quốc Vũ, 2019
Có thể bạn quan tâm
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Đêm Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Dựng Bia Ghi Ơn Hội Thừa Sai..
Th12
Lần Đầu Tiên Đức Thánh Cha Bổ Nhiệm Phụ Nữ Làm Thành Viên..
Th12