Tóm tắt Huấn thị của Bộ Giáo sĩ về việc cải cách Giáo xứ và tái cơ cấu Giáo phận

1183 lượt xem

Huấn thị của Bộ Giáo sĩ đề ra các dự án khác nhau để cải cách giáo xứ giữa tình trạng thiếu ơn gọi và canh tân sự dấn thân của giáo dân trong việc loan báo Tin Mừng.

Ngày 20/07/2020, Bộ Giáo sĩ đã ban hành Huấn thị về việc “hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội”. Huấn thị này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn vào ngày 27/06 và được Bộ Giáo sĩ ký ngày 29/06. Huấn thị mở rộng các hướng dẫn trước đây về giáo xứ, bắt đầu bằng tài liệu Ecclesia de mysterio (1997) và Linh mục, mục tử và người hướng dẫn của cộng đoàn (2002).

Huấn thị mới không đưa ra bất kỳ luật mới nào nhưng đưa ra những cách thức để áp dụng các quy tắc giáo luật hiện hành cho có hiệu năng hơn, với mục đích cổ võ sự đồng trách nhiệm của những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội và thúc đẩy việc chăm sóc mục vụ dựa trên sự gần gũi và hợp tác giữa các giáo xứ.

Nguyên tắc chính yếu của Huấn thị là Giáo hội có chỗ cho mọi người, trong khi tôn trọng ơn gọi của mỗi người.

Điều nổi bật nhất trong Huấn thị là sự khẩn thiết canh tân truyền giáo, một sự hoán cải mục vụ để có thể tái khám phá ra sự năng động và sáng tạo giúp giáo xứ luôn luôn “đi ra”, với sự hỗ trợ và đóng góp của tất cả mọi người đã được rửa tội.

Giáo hội: Ngôi nhà giữa các ngôi nhà

Trong phần thứ nhất, từ chương 1-6, Huấn thị suy tư về việc đổi mới mục vụ, tiếp cận truyền giáo và các giá trị của giáo xứ trong bối cảnh đương đại. Huấn thị mô tả giáo xứ là “một ngôi nhà giữa nhiều ngôi nhà” khi là dấu chỉ trường tồn của Đấng Phục Sinh ở giữa Dân Người và bản chất truyền giáo của nó là nền tảng cho việc truyền giáo. Toàn cầu hóa và thế giới kỹ thuật số đã làm thay đổi sự liên kết cụ thể của nó về lãnh thổ mà nó bao trùm. Do đó, giáo xứ không còn là một không gian địa lý, mà là một không gian hiện hữu. Chính trong bối cảnh này, “tính linh hoạt” của giáo xứ xuất hiện, cho phép nó đáp ứng những yêu sách của thời đại và thích nghi việc mục vụ với các tín hữu và với lịch sử.

Canh tân truyền giáo

Do đó, Huấn thị nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc canh tân sứ mệnh truyền giáo trong các cấu trúc của giáo xứ: tránh xa sự tự quy chiếu và loại bỏ sự giáo sĩ hóa, phải nhắm đến sự linh động thiêng liêng và cuộc hoán cải mục vụ dựa trên việc loan báo Lời Chúa, đời sống bí tích và chứng tá bác ái.

“Văn hóa gặp gỡ” phải là bối cảnh thiết yếu cho việc đối thoại, đoàn kết và cởi mở đón nhận mọi người. Theo cách này, các cộng đồng giáo xứ có thể phát triển một “nghệ thuật đồng hành” thực sự. Đặc biệt, Huấn thị khuyến khích trở nên chứng nhân về đức tin trong đức ái và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc chăm sóc người nghèo mà giáo xứ loan báo Tin Mừng và được rao giảng Tin Mừng bởi họ.

Mỗi tín hữu được rửa tội phải là một nhân tố tích cực trong việc truyền giáo và do đó thay đổi tâm thức và đổi mới nội tâm là điều thiết yếu để thực hiện một cuộc cải cách truyền giáo về mục vụ. Đương nhiên, các quá trình thay đổi này cần phải linh hoạt và tiệm tiến, để mọi dự án được đặt trong bối cảnh thực tế của đời sống cộng đoàn, không nên được áp đặt và không nên “giáo sĩ trị” việc chăm sóc mục vụ.

Những phân chia trong giáo phận

Phần thứ hai của Huấn thị, từ chương 7-11, bắt đầu với việc phân tích vấn đề phân chia giáo xứ. Trước hết, Huấn thị giải thích rằng các giáo xứ cần tuân thủ theo một nguyên tắc chính là sự gần gũi, trong khi xét tới những điểm tương đồng về dân số và những đặc điểm của địa hạt. Tiếp đến, Huấn thị tập trung vào các tiến trình cụ thể liên quan đến việc thành lập, sáp nhập hoặc phân chia các giáo xứ, và về các điều khoản liên quan đến Vicariati Foranei (còn được gọi là hạt), liên kết một số giáo xứ, và các đơn vị mục vụ, qui tụ một số hạt (Vicariati Foranei).

Cha sở: “mục tử” của cộng đoàn

Sau đó, Huấn thị nói đến chủ đề chăm sóc mục vụ của các cộng đoàn giáo xứ, theo cách thông thường và cách ngoại thường. Trước hết, Huấn thị nhấn mạnh vai trò của cha sở là một “mục tử ” của chính cộng đồng. Ngài phục vụ giáo xứ, chứ không phải giáo xứ phục vụ ngài, và ngài chăm sóc toàn bộ các linh hồn. Do đó, cha sở phải là người đã được lãnh nhận chức linh mục; mọi khả năng khác đều bị loại trừ.

Là người quản lý tài sản của giáo xứ và là đại diện pháp lý của giáo xứ, cha sở được bổ nhiệm vô hạn định, vì lợi ích của linh hồn đòi có sự ổn định cũng như những hiểu biết về cộng đoàn và sự gần gũi. Tuy nhiên, Huấn thị cũng nhắc nhở rằng, những nơi Hội đồng giám mục đã ấn định bằng văn bản, một Giám mục có thể bổ nhiệm một linh mục chính xứ cho một thời gian cố định, với điều kiện là không ít hơn 5 năm.

Khi đến tuổi 75, cha sở có “nghĩa vụ luân lý” làm đơn từ chức; nhưng việc từ chức chỉ bắt đầu khi được Đức Giám Mục chấp thuận và thông báo chấp thuận bằng văn bản. Trong mọi trường hợp, sự chấp nhận luôn có “nguyên nhân chính đáng và tương xứng” để tránh ý niệm “duy chức năng” của thừa tác vụ.

Các phó tế: các thừa tác viên được phong chức, không phải là người ‘nửa linh mục nửa giáo dân’

Một phần lớn của chương thứ tám dành riêng nói về các phó tế. Họ là cộng sự viên của Giám mục và của các linh mục trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng. Họ được thụ phong chức phó tế và tham dự vào Bí tích Truyền chức, đặc biệt trong lĩnh vực truyền giáo và bác ái, bao gồm việc quản trị tài sản, loan báo Tin Mừng và phục vụ tại bàn tiệc Thánh Thể. Trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ơn gọi của các phó tế không được nhìn dưới lăng kính duy giáo sĩ hay duy chức năng, Huấn thị khẳng định rằng các phó tế không được xem là “nửa linh mục nửa giáo dân”.

Chứng tá của những người thánh hiến và sự dấn thân quảng đại của giáo dân

Bộ Giáo sĩ cũng suy tư về các tu sĩ nam nữ, cũng như giáo dân, trong các cộng đồng giáo xứ. Trước hết, về các tu sĩ nam nữ, Huấn thị nhắc rằng họ đóng góp trên hết nhờ bản chất của họ, là “chứng tá của việc theo Chúa Kitô cách triệt để”. Về các giáo dân, Huấn thị nhắc rằng họ tham gia vào hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Họ được mời gọi “dấn thân cách quảng đại” qua cuộc sống hàng ngày theo Tin Mừng, trong khi phục vụ cộng đồng giáo xứ.

Các giáo dân có thể là các thừa tác “Đọc sách và Giúp lễ” trong việc phục vụ Bàn thánh và các công tác được trao phó. Họ hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội công Giáo, được huấn luyện đầy đủ và có một đời sống cá nhân mẫu mực. Ngoài ra, trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ có thể nhận được các nhiệm vụ khác từ Đức Giám Mục, “theo phán quyết thận trọng của ngài”, như việc cử hành Phụng vụ Lời Chúa và các nghi thức an táng, cử hành Bí tích Thanh tẩy, hướng dẫn chuẩn bị hôn nhân – và với phép của Tòa Thánh – họ có thể giảng trong Nhà thờ hoặc nhà nguyện trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, giáo dân không được giảng trong các Thánh lễ.

Các cơ quan đồng trách nhiệm trong Giáo hội

Hội đồng Tài chính

Huấn thị cũng suy tư về các cơ quan của giáo xứ có đồng trách nhiệm trong Giáo hội, trong đó có Hội đồng Tài chính Giáo xứ, với chức năng tư vấn, do cha sở chủ trì, và có ít nhất là ba thành viên. Cơ quan này cần thiết vì điều hành tài sản của giáo xứ là một lãnh vực quan trọng của việc loan báo Tin Mừng và chứng tá Tin Mừng, cả trong Giáo hội và xã hội dân sự.

Bộ Giáo sĩ xác quyết: Tất cả tài sản thuộc về giáo xứ, chứ không thuộc về cha sở. Do đó, nhiệm vụ của Hội đồng Tài chính Giáo xứ sẽ thúc đẩy một “văn hóa đồng trách nhiệm, minh bạch hành chính và phục vụ cho các nhu cầu của Giáo hội.”

Hội đồng Mục vụ

Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cũng đóng vai trò cố vấn, và rất được khuyến khích. Hội đồng Mục vụ không phải là một cơ quan công quyền quan liêu; ngược lại nó phải kiến tạo tinh thần hiệp thông, đề cao tính trung tâm của Dân Chúa như chủ thể tích cực của việc loan báo Tin Mừng. Chức năng trung tâm của Hội đồng này là tìm kiếm và nghiên cứu các đề nghị thực hành cho các sáng kiến mục vụ và bác ái của giáo xứ, hài hòa với chương trình của giáo phận. Tất cả các đề xuất phải được sự chấp thuận của cha xứ trước khi được mang ra thi hành.

Các Bí tích được ban nhưng không; dâng cúng là việc tự nguyện

Chương cuối tập trung vào việc dâng cúng cho các cử hành bí tích. Việc dâng cúng này là một hành động tự do và không được xem như một thứ tiền công hay thuế má. Huấn thị khuyến nghị: Đời sống bí tích không nên “mặc cả” và việc cử hành Thánh lễ, giống như các việc mục vụ khác, không thể bị áp giá cả, thương lượng hoặc buôn bán. Thay vào đó, các linh mục được khuyến khích là gương mẫu đạo đức trong việc sử dụng tiền, thông qua lối sống điều độ và quản lý minh bạch tài sản của giáo xứ. Bằng cách này, các ngài sẽ có thể giúp các tín hữu ý thức để họ sẵn sàng đóng góp cho nhu cầu của giáo xứ cũng là “chuyện của họ”.

Các tài liệu trước đây

Huấn thị mới này ra đời sau Huấn thị được liên Thánh bộ ban hành năm 1997, “Ecclesia de mysterio, về các vấn đề liên quan đến sự cộng tác của tín hữu với cha xứ” và Huấn thị của Bộ Giáo sĩ ban hành năm 2002, đề cập đến “Linh mục chính xứ và cộng đoàn giáo xứ.” 

Hồng Thủy

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận