Toà án đời – Lương tâm đạo

976 lượt xem

TOÀ ÁN ĐỜI – LƯƠNG TÂM ĐẠO
 (Nhận định về những vụ tai tiếng nghiêm trọng đang xảy ra trong Giáo Hội)

Trên cuộc lữ hành dằng dặc suốt 20 thế kỷ, nếm trải bao đoạn gian nan, vượt qua muôn trùng nguy biến, Hội Thánh Chúa Kitô vẫn hiên ngang tiến về phía trước và không ngừng “vén tỏ khuôn mặt đích thực của Chúa Kitô”[1] !

Nhưng trong những ngày này, “Chiếc thuyền Hội Thánh Công Giáo Rôma” gần như đang trôi bềnh bồng và bị vùi dập tơi bời giữa một đại dương đang mùa “sóng cả” !

Sau đây, xin đan cử 3 “con sóng bạc đầu” tiêu biểu và “thời sự nhất” đang làm chao đảo “con thuyền của Thánh Phêrô”:

– Ngày Ngày 14 tháng 8 năm 2018: Bồi thẩm đoàn ở Pittsburgh, Pa (Pennsylvania) công bố một bản báo cáo dài 884 trang được viết bởi 23 bồi thẩm, là những người đã bỏ ra 18 tháng dài để điều tra sáu giáo phận, kiểm tra nửa triệu trang tài liệu và được FBI hỗ trợ trong quá trình điều tra. Báo cáo bồi thẩm đoàn bao gồm các cáo buộc lạm dụng trong 70 năm qua, từ năm 1947 đến năm 2017, xác định hơn 1.000 nạn nhân bởi 300 linh mục, và kết luận rằng các cáo buộc là đáng tin cậy và trình bày một bức chân dung u ám về hàng giáo phẩm, là đã bỏ qua, làm mờ nhạt, hoặc che đậy các cáo buộc – lý do là để bảo vệ vị linh mục bị cáo buộc hoặc để che dấu sự bê bối của Giáo hội.[2]

– Ngày 16 tháng 2 năm 2019: Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Bộ Giáo lý Đức tin, đã ra lệnh trục xuất khỏi hàng giáo sĩ Theodore McCarrick, nguyên là một Hồng Y và Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của tổng giáo phận Washington, và là một nhân vật đầy thế giá trong Giáo Hội, trong giới ngoại giao và chính trị tại Hoa Kỳ, cũng như trên thế giới. Quyết định này đã được Tòa Thánh công bố … theo sau một “thủ tục tố tụng hành chính” do Bộ Giáo Lý Đức Tin tiến hành, trong đó McCarrick bị kết tội “gạ gẫm trong Bí tích Giải tội, và phạm vào Điều răn thứ Sáu với trẻ vị thành niên và người lớn, với yếu tố gia trọng là lạm dụng quyền lực”.[3]

– Ngày 26 tháng 2 năm 2019: Bồi thẩm đoàn ở Melbourne, Úc, phán quyết rằng Đức Hồng Y George Pell, 77 tuổi, phạm 5 tội xâm phạm tình dục hai nam thiếu niên trong ca đoàn trong một căn phòng nhỏ tại nhà thờ St. Patrick vào năm 1996 khi ấy ngài là Tổng Giám mục Giáo phận Melbourne. Bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết vào tháng 12, nhưng phán quyết này đã được niêm phong không tiết lộ cho báo chí theo luật định. Đức Hồng y Pell, hiện đang được tại ngoại, sẽ tái hầu tòa vào thứ Tư (27/2). Ngài có thể sẽ phải đối mặt với một bản án tổng cộng 50 năm tù.[4]

Trong 3 sự kiện “hổ mày hổ mặt” trên, có 2 vụ thuộc “TOÀ ÁN ĐỜI” và 1 vụ của “TOÀ ÁN GIÁO HỘI”.

Đứng trước những “vụ tai tiếng nghiêm trọng nầy”, người Kitô hữu cần hiểu rõ vấn đề và cần có cái nhìn đức tin thế nào để vừa không rơi vào một thái độ “mặc cảm tự ti” và thất vọng, nản lòng, vừa không để bị lôi kéo đến những phản ứng nóng nảy, trịch thượng thiếu khôn ngoan và khiêm hạ.      

I- TOÀ ÁN ĐỜI KHÔNG PHẢI LUÔN ĐỨNG VỀ PHÍA CỦA CHÂN LÝ

Để củng cố cho “luận điểm” trên, xin nêu bật một sự trùng hợp hiếm có:

Vào đúng ngày thứ Ba, 26.2.2019, ngày Bồi Thẩm Đoàn ở Melbourne, Úc, kết án Đức Hồng Y George Pell phạm 5 tội xâm phạm tình dục, thì Bài Đọc 1 giờ Kinh Sách của Giáo Hội, trích đoạn sách Giảng Viên, đoạn 3, từ câu 1-22, trong đó câu 16 và 17 nói rằng:

“Tôi lại còn thấy dưới ánh mặt trời: có sự gian ác tại chốn pháp đình, có sự gian ác tại nơi xét xử. Và tôi tự nhủ: người công chính cũng như kẻ gian ác đều sẽ bị Thiên Chúa xét xử. Vì mọi sự, mọi việc, đều có thời, có lúc.”

Từ 5 thế kỷ trước Công Nguyên, Thiên Chúa qua miệng của “Ông Cô-hê-lét”, đã tuyên bố như thế ; và toàn thể Hội Thánh cùng đọc lại chính lời Chúa phán dạy nầy trong giờ kinh nguyện Phụng vụ đúng ngày Toà Án ở Melbourne Úc Đại Lợi kết án một cách tuỳ tiện, đầy ác ý một chức sắc cao cấp, uy tín và đạo đức của Giáo Hội Công Giáo Úc – Đức Hồng Y George Pell.

Dĩ nhiên, các hoạt động thuộc lãnh vực “Hiến pháp, Luật pháp, Tư Pháp, Toà Án…” là dành để phục vụ con người, bảo vệ công lý….Tuy nhiên, do ảnh hưởng của “tinh thần thế tục”, não trạng “bài giáo sĩ”, dị ứng và đố kỵ với các lập trường luân lý truyền thống của Giáo Hội…(nhất là lập trường mang chiều hướng truyền thống, bảo thủ về các vấn đề như ly dị, phá thai, đồng tính luyến ái, an tử…), điều đó không hẳn được hiện thực như mục tiêu ban đầu, mà biến thái thành một công cụ của tội ác, như Công Đồng Vatican trong Hiến chế mục vụ “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” (Gaudium et Spes) đã xác quyết:

“…Giáo Hội không thể không lặp lại lời sau đây của thánh Phaolô: “Anh em đừng nên giống như thế gian nầy” (Rm 12,2) nghĩa là đừng buông mình ham chuộng hư danh và gian xảo khiến hoạt động con người, vốn quy hướng về việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người, lại biến thành phương tiện phạm tội” (GS số 37).

Từ những phát biểu của Lời Chúa và nhận định của Giáo Huấn Hội Thánh trên, chúng ta có thể “kiểm nghiệm” tính chất tuỳ tiện, thiếu công bằng và sự thật của các toà án đời, ít nhất qua hai sự kiện cụ thể: Bản cáo trạng ngày 14.8.2018 của Bồi Thẩm Đoàn ở Pennsylvania về tội “lạm dụng tình dục” của 300 linh mục thuộc 6 giáo phận tại Mỹ…và vụ mới nhất: kết án Đức Hồng Y George Pell (cũng với tội danh trên) của Toà Án ở Melbourne Úc Đại Lợi vào ngày 26.2 vừa qua.

1/ Về bản cáo trạng 14.8.2018 của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania: Thực chất, đây là một “luận cứ” mang tính “cả vú lấp miệng em”, vừa cố tình “đánh bóng để gia trọng” các tội phạm lạm dụng tình dục của hàng ngũ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, vừa lên án cách bất công các hành xử mục vụ của thẩm quyền Giáo Hội khi phớt lờ mọi nỗ lực và thực hành cụ thể của Giáo Hội trong việc đẩy lùi, khắc phục tệ nạn và xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân.

Nói cách khác, đó là bản cáo trạng mà việc “có tội” đã trở thành mặc nhiên, phải chấp nhận; mọi kháng cáo, phản biện, bào chữa… đều trở thành “đồng loã” hay “bao che” cho phạm nhân. Bản cáo trạng nầy, một cách nào đó, giống như “bản cáo trạng” của những người Biệt Phái khi dẫn người phụ nữ ngoại tình đến trước Đức Kitô: “Thưa Thầy, người đàn bà nầy bị bắt quả tang đang ngại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người… (Ga 8,4-6).

Để nắm rõ các sơ hở và hạn chế đầy ác ý của “bản Cáo Trạng Pennsylvania”, xin mời đọc loạt bài nghiên cứu tường tận mang tên: “Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra”, nguyên văn tiểu luận của Peter Steinfels.

Chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn để thuyết minh tóm tắt nội dung trên:

“Cách đây không lâu, việc đề cử Brett Kavanaugh vào Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã khiến cả nước lao vào một cuộc tranh cãi về việc suy đoán vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội. Các cuộc tranh luận gay gắt thậm chí còn xoay quanh tính hợp pháp và hoạt động của các cơ quan đăng ký tội phạm tình dục liên bang và tiểu bang – và các cơ quan áp dụng vào các cá nhân đã bị xét xử và kết án một cách hợp pháp, chứ không chỉ được coi như “bị tố cáo một cách đáng tin cậy” bởi một giáo phận hoặc một thực thể khác. Tuy nhiên, hầu như không ai nêu câu hỏi về một đại bồi thẩm đoàn, một bộ tưởng tư pháp hoặc một giáo phận tuyên bố một cách có thẩm quyền rằng rất nhiều linh mục và giám mục phạm các tội ác khủng khiếp, nhưng nhiều người không có bất cứ phiên xử nào hay cơ hội nào để tự bào chữa.

Đây không phải là nơi để giải quyết vấn đề nan giải này. Có những lý lẽ hợp lý từ mọi bên. Tuy nhiên, điều phúc trình Pennsylvania làm là dựng các bảng quảng cáo tên của tất cả những kẻ lạm dụng bị tố cáo hoặc nghi ngờ một cách đáng tin cậy, hiện tại hay quá khứ, còn sống hay đã chết, có cơ hội trả lời các tố cáo hay không, coi nó như một tiêu chuẩn không thể tranh cãi. Bất cứ điều gì kém hơn thế đều bị phúc trình lên án trong yếu tính như là “che dấu” một cách phạm pháp. Nếu đúng như thế, thì điều đó không nên được tuyên bố đơn phương bởi một đại bồi thẩm đoàn mà phải được thiết lập bằng đạo luật và áp dụng cho tất cả các tổ chức chứ không phải cho một mình Giáo Hội Công Giáo…”[5] (Hết trích).

2/ Về phán quyết 26.2.2019 của Bồi Thẩm Đoàn Melbourne:

Phần nào cũng diễn ra một “kịch bản” giống như “bản cáo trạng Pennsylvania”, nhưng “Cáo trạng Melbourne” xem ra có một sự “chuẩn bị dọn đường” hoàn chỉnh hơn bởi các phương tiện truyền thông, bởi uy tín chính trị của các chính trị gia đương nhiệm và nhất là bởi một lực lượng “quần chúng” hăng máu và hùa theo đám đông.

Cái “màn kịch” kết án Đức Hồng Y George Pell lại hao hao như bản án của Philato, được giật giây bởi nhóm tư tế và biệt phái, để tranh thủ “làn sóng phẫn nộ của đám cuồng dân”: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,22-23).

Một chuyên viên nổi tiếng về luật pháp tại Úc, linh mục Frank Brennan, Dòng Tên, trong bài nghiên cứu công phu về “bản cáo trạng Melbourne” mang tựa đề: “vụ kết án ĐHY Pell đảo ngược diễn trình công lý: từ nay bị cáo phải chứng minh mình vô tội chứ không thuộc công tố viện phải chứng minh tội lỗi” sẽ cho chúng ta nhận ra những sự thật đen tối, phũ phàng đằng sau bản cáo trạng nầy. Xin trích:

“Tôi rất ngạc nhiên trước bản án. Thực thế, tôi tan nát cả cõi lòng. Kết luận duy nhất của tôi là bồi thẩm đoàn đã bất kể nhiều lời chỉ trích do Richter đưa ra bằng chứng rõ ràng về bằng chứng của nguyên cáo, và mặc dù người khiếu nại bị nhầm lẫn về mọi cung cách của sự việc, nhưng bồi thẩm đoàn vẫn cứ nghĩ – như ủy ban hoàng gia gần đây đã thảo luận – rằng trẻ em bị xâm phạm tình dục lúc nào cũng nhớ chi tiết về thời gian, địa điểm, trang phục và tư thế. Mặc dù người khiếu nại sai về đủ loại sự kiện, nhưng bồi thẩm đoàn vẫn tin rằng Đức Hồng Y Pell đã làm điều gì đó khủng khiếp đối với anh ta. Các bồi thẩm viên chắc đã đánh giá người khiếu nại là trung thực và đáng tin cậy mặc dù nhiều chi tiết anh ta đưa ra là không thể cái nhiên (improbable) nếu không muốn nói là không thể.

“Đức Hồng Y Pell đã được công luận chú ý trong một thời gian rất dài. Có một số người sẵn sàng kết án ngài về mọi điều ở tòa công luận bất kể bằng chứng ra sao. Có nhiều người khác không bao giờ kết án ngài bất cứ điều gì, hết sức tôn trọng ngài. Hệ thống công lý hình sự có mục đích chống lại các định kiến này. Tuy nhiên hệ thống này đang bị sức căng nghiêm trọng, khi nói đến Đức Hồng Y Pell.

“Các biến cố trong cuộc điều tra của quốc hội Victoria, ủy ban hoàng gia liên bang, việc xuất bản cuốn sách ‘Cardinal’ của Louise Milligan và bài hát ‘Come Home (Cardinal Pell)’ của Tim Minchin đã được tiếp theo, chỉ hai tuần trước khi phiên tòa bắt đầu, bởi lời xin lỗi của Quốc hội đối với các nạn nhân của nạn trẻ em bị lạm dụng tình dục.

“Thủ tướng Scott Morrison nói: ‘Không chỉ như một người cha, mà còn như một Thủ tướng, tôi cũng tức giận vì việc hủy hoại có tính toán cuộc sống và lạm dụng lòng tin, kể cả những người đã lạm dụng lá chắn đức tin và tôn giáo để che giấu tội ác, một lá chắn được giả thiết để bảo vệ người vô tội, chứ không bảo vệ kẻ gây tội. Họ bị kết án… thay mặt cho nhân dân Úc, Quốc hội này và chính phủ chúng tôi… nói đơn giản tôi tin các bạn, chúng tôi tin các bạn, đất nước của các bạn tin các bạn’.

“Những điều như thế có xu hướng chuyển không phải gánh nặng pháp lý, mà là gánh nặng uy tín lên người bị buộc tội phải chứng minh sự vô tội thay vì công tố viện phải chứng minh tội lỗi.”[6] (Hết trích).

Riêng tác giả George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trên tờ National Review đã cho rằng: Bản án của Đức Hồng Y Pell là một hình thức tử đạo mới của các Giám Mục truyền thống. Xin trích:

“Ngày 18 tháng Tư, 2005, trong bài giảng thánh lễ khai mạc Cơ mật viện bầu Giáo Hoàng sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger nói:

“Biết bao nhiêu làn gió chủ thuyết mà chúng ta đã biết đến trong những thập niên cuối cùng … Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu đã thường bị đánh bởi những đợt sóng này – trôi giạt từ thái cực này sang thái cực khác: từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp và vân vân. Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và xảy ra điều mà Thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc(x Eph 4:14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Giáo Hội, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín. Trong khi chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để chính mình ‘bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý’ dường như lại là cách thức hành xử duy nhất thức thời. Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”

Cái chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối ấy không chấp nhận được những ai như Đức Hồng Y George Pell, một người Công Giáo bảo thủ, “là kẻ thù không thể tránh khỏi, cứ đứng sừng sững đó cản trở ‘sự tiến bộ’ trong Giáo hội. Trong khi có những người Công Giáo tách ra và thỏa hiệp, ngài đã bảo vệ một cách dứt khoát các giáo lý của Giáo hội và từ chối thỏa hiệp về hôn nhân đồng tính, an tử và phá thai.”

Nó phải triệt hạ ngài để đưa ra một lời cảnh cáo cho những ai muốn bảo vệ đức tin tinh tuyền của Giáo Hội rằng họ cũng sẽ phải tử đạo như ngài với những bản án hết sức nhục nhã.”[7] (Hết trích). (Xem thêm tác giả Miranda Devine của tờ The Daily Telegraph có bài bình luận nhan đề “How Pell became the Vatican’s sacrificial lamb?” – “Hồng Y Pell trở thành chiên hy sinh cho Vatican như thế nào?”) [8].

Kể từ khi “Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống” bị kết án nhục nhã trên thập giá, thì quả thật, những bản án của toà án đời dành cho Giáo Hội và những con cái Giáo Hội, suốt 2000 năm nay, chẳng phải là điều mới mẻ gì. Bởi vì, nói cho cùng, tất cả chỉ vì một lý do duy nhất: TÌNH YÊU, như Thánh Phaolô đã nói:

“Ðức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8), và “Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32).

Và đó cũng chính là điều mà cách đây 2000 năm, Đức Kitô đã tiên liệu, khi Ngài sắp xếp thành hạng mục “hạnh phúc” cuối cùng (hay thứ 8) trong “Bài Giảng Trên Núi”:

“Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa…” (Mt 5,11).

Đó là một vài nhận định về “TOÀ ÁN ĐỜI” với hai bản cáo trạng đang làm tổn thương nghiêm trọng đến “dung nhan thánh thiện” của Mẹ Hội Thánh.

Tuy nhiên, với “LƯƠNG TÂM ĐẠO”, chúng ta cần khiêm hạ và can đảm “tự đấm ngực ăn năn sám hối” về những hư hèn, yếu đuối của chính mình, cho dù ở cương vị nào, đấng bậc nào, chức danh nào.

II- VẪN MÃI LÀ CÁI “NHÀ THƯƠNG”

Nếu mỗi ngày Chúa Nhật đoàn dân Công Giáo khắp năm châu đều lớn tiếng tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…”, thì qua nhiều sự cố “Scandals” liên tiếp trong những năm gần đây và những ngày nầy, “đặc tính thánh thiện” của Giáo Hội đang bị đặt trước một thách thức lớn, như cái nhìn của Peter Steinfels trong tiểu luận mang tựa đề: “Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra”.

“Chỉ trong vài giờ, phúc trình của đại bồi thẩm đoàn Pennsylvania đã được đẩy lên vị thế quốc tế. Vatican bày tỏ sự “xấu hổ và đau buồn”. Các tĩnh từ chồng chất lên nhau từ các nguồn Công Giáo và thế tục: gớm ghiếc, ghê tởm, đáng trách, buồn nôn, quỉ quái. New York Times đã xã luận về “Vết Nhơ Bất Thánh Thiện của Giáo Hội Công Giáo”.[9]

Thật ra, quan niệm về “đặc tính thánh thiện” của Giáo Hội đôi khi bị hiểu sai để rồi nhiều người căn cứ vào “quan niệm sai lệch” đó xúm vào kết án Giáo Hội. Họ nghĩ rằng: Giáo Hội Công Giáo tự cho rằng mình thánh thiện, vô tỳ tích, các thành viên trong Giáo Hội đều đạo đức, thánh thiện, công chính… Nên khi phát hiện trong Giáo Hội có ai đó, sự cố gì đó là bại hoại, là tội lỗi, là ô nhơ… thì họ ào ào nỗi lên tố cáo: Công Giáo giã hình, Công Giáo dối trá, Công Giáo bịp bợm, Công Giáo toàn là bọn quái quỷ đội lốt thiên thần…

Nhất là những người am tường lịch sử Giáo Hội, đọc thấy nhiều vết đen, gương mù gương xấu của Giáo Triều Rôma thời Trung cổ, hay những tai tiếng tày liếp hiện nay… họ càng to tiếng để lên án, để dè bĩu…!

Nhưng chúng ta, những người thuộc “đàn chiên nhỏ” của Chúa Giêsu, chúng ta luôn ý thức thân phận của mình và của cả Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập cũng như sứ mạng được Ngài giao phó, đó là: nuôi dưỡng , thương yêu, nâng đỡ cho mọi con cái không phân biệt mầu da, tiếng nói và văn hóa; đặc biệt lưu tâm đến các đứa con bệnh hoạn, tức những người tội lỗi để ân cần chữa lành cho chúng, theo gương Chúa Kitô, Đấng đến “như Thầy thuốc đi tìm người đau ốm để chữa trị chứ không tìm người mạnh khỏe, không cần thấy thuốc”. Hay nói khác đi, “Chúa không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” ( Mt 9: 13).

Chính biến cố Đức Giáo Hoàng Trục xuất Đức Hồng Y Tổng Giám Mục McCarrick khỏi hàng giáo sĩ ngày 16.02 vừa qua là một bằng chứng hùng hồn làm chứng Giáo Hội luôn can đảm tự nhận mình và nhiều con cái mình là kẻ có tội.

Đứng trước sự kiện khá đau đớn nầy, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã có những phản ứng thật đúng đắn và tích cực qua các vị chủ chăn với các phát biểu sau:

– Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, cho biết hình phạt của Vatican đối với McCarrick là một tín hiệu rõ ràng rằng lạm dụng sẽ không được dung thứ. Ngài nói thêm: “Không có giám mục nào, dù có ảnh hưởng đến đâu, được ngồi trên giáo luật. Đối với tất cả những người bị McCarrick lạm dụng, tôi cầu nguyện cho phán quyết này sẽ là một bước nhỏ, trong số nhiều bước khác, hướng đến việc chữa lành.”[10]

– Đức Hồng Y DiNardo nhận định rằng đối với các giám mục anh em của ngài “điều này củng cố quyết tâm của chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Tôi biết ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về đường lối quyết liệt mà ngài đã dẫn dắt Giáo Hội trong việc đáp trả.”[11]

– Đức Hồng Y Tobin nói: “Bất kể những hành vi sai trái đáng trách và những tội ác của tất cả những người đã lạm dụng trẻ vị thành niên, chúng ta phải kiên vững thách thức bản thân mình để tiếp tục theo Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng ta trong Giáo Hội của Người, nơi sức mạnh chữa lành của tình yêu Thiên Chúa được thể hiện mỗi ngày.”[12]

– Đức Cha Checchio cũng lưu ý rằng: “Theodore McCarrick sẽ luôn gắn liền với lịch sử của giáo phận chúng ta và di sản của ông đáng tiếc đã trở thành một trong những biểu tượng tai tiếng và phản bội…Tuy nhiên, tôi đã được nhắc nhở khi cầu nguyện rằng giáo phận của chúng ta không được thành lập trên nền tảng của Theodore McCarrick, mà là trên nền tảng của Chúa Kitô, Đấng làm mới Giáo Hội của Ngài trong mọi thời đại …”[13]

Và bằng chứng cụ thể nhất chứng minh Chúa Kitô đang đổi mới Giáo Hội của Ngài, Chúa Thánh Thần luôn thổi vào cơ thể Giáo Hội những luồn sinh khí mới, đó chính là cuộc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội vừa kết thúc tại Rôma ngày 24.02.2019 vừa qua. Chúng ta có thể dừng lại để nghe đôi lời hiệu triệu của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ bế mạc cuộc Hội nghị quan trọng nầy:

“Anh chị em ơi, ngày nay chúng ta thấy mình trước một biểu hiện của một sự xấu xa trơ trẽn, hung dữ và hủy hoại. Đằng sau và bên trong nó, là ma quỷ, mà trong niềm kiêu hãnh và kiêu ngạo của nó tự coi mình là Chúa tể thế gian và nghĩ rằng nó đã chiến thắng. Tôi muốn nói điều này với anh chị em với thẩm quyền của một người anh và một người cha, chắc chắn tôi chỉ là một người bé mọn và là một kẻ tội lỗi, nhưng trong tư cách mục tử cai quản Giáo Hội trong tình bác ái, tôi khẳng định rằng trong những trường hợp đau đớn này, tôi thấy bàn tay của sự ác không tha cho cả sự ngây thơ của những đứa trẻ. Và điều này khiến tôi nghĩ đến trường hợp của Herôđê, là kẻ trong nỗi sợ mất quyền lực, đã ra lệnh tàn sát tất cả những trẻ thơ thànn Bêlem. Đằng sau chuyện này có satan. Cố nhiên chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp thực tế theo lẽ thường mà khoa học và xã hội cung cấp cho chúng ta, nhưng đồng thời chúng ta cũng không được quên đi thực tại này; chúng ta cần phải sử dụng các phương thế siêu nhiên mà chính Chúa dạy chúng ta: đó là khiêm nhường, tự cáo buộc mình, cầu nguyện và đền tội. Đây là cách duy nhất để thắng vượt ma quỷ. Đó chính là cách Chúa Giêsu đã chiến thắng nó…”[14].

Như vậy, cho dù “TOÀ ÁN ĐỜI” có kết án như thế nào, thì “LƯƠNG TÂM ĐẠO” vẫn luôn mách bảo chúng ta rằng: “Anh em là muối ướp đời …Anh em là ánh sáng thế gian…” (Mt 5,13-16).

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
TĐD Giáo phận Qui Nhơn

[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Bản dịch của UB. Giáo lý đức tin trực thuộc HĐGMVN, nxb. Tôn giáo 2012, Hiến Chế Giáo Hội, số 8: “Tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa”, Giáo Hội loan báo Thập Giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x. 1 Cr 11,26). Nhưng được củng cố nhờ quyền lực của Chúa Phục sinh, với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, Giáo Hội vượt thắng các khổ nhọc và khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, để trung thành tỏ lộ cho thế giới mầu nhiệm của Đức Kitô, hiện vẫn đang còn bị che khuất, cho đến lúc được biểu lộ dưới ánh sáng vẹn toàn.
[2] Trần Mạnh Trác. Bài viết: Vụ Pennsylvania: bồi thẩm đoàn công bố chi tiết cuộc điều tra Giáo Hội Công Giáo. Nguồn: Trang mạng vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/246203
[3] Đặng Tự Do. Bài viết: Quyết định của Đức Giáo Hoàng: Trục xuất McCarrick khỏi hàng giáo sĩ. Nguồn: Trang mạng vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/248942
[4] Bản tin của đài VOA tiếng Việt: https://www.voatiengviet.com/a/hong-y-george-pell-pham-5-toi-xam-hai-tinh-duc/4804446.html
[5] Peter Steinfels: ”Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra”. Chuyển ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Trang mang vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/248414
[6] Frank Brennan: “vụ kết án ĐHY Pell đảo ngược diễn trình công lý: từ nay bị cáo phải chứng minh mình vô tội chứ không thuộc công tố viện phải chứng minh tội lỗi”. Chuyển ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Trang mạng vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/249090
[7] Tiến sĩ George Weigel: Bản án của Đức Hồng Y Pell là một hình thức tử đạo mới của các Giám Mục truyền thống. Biên tập Việt ngữ: Đặng Tự Do. Nguồn: Trang mạng vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/249107
[8] Miranda Devine: “How Pell became the Vatican’s sacrificial lamb?” – “Hồng Y Pell trở thành chiên hy sinh cho Vatican như thế nào?”: “Nhưng biến một người đàn ông vô tội thành một người tử vì đạo không sửa sai được những sai lầm đó đâu. Nó chỉ chồng chất thêm cái ác.”
[9] SĐD (Peter Steinfels: ”Phúc Trình Đại Bồi Thẩm Đoàn Pensylvannia: Không Phải Như Nó Tỏ Ra”. Chuyển ngữ: Vũ Văn An. Nguồn: Trang mang vietcatholic. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/248414)
[10] Đặng Tự Do: Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước tin McCarrick bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ. Chuyển dịch từ nguồn: Catholic News Angency U.S. bishops react to McCarrick laicization. Link: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/248951
[11] Ibid.
[12] Ibid.
[13] Ibid.
[14] Toàn văn diễn từ bế mạc Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên Trong Giáo Hội của Đức Thánh Cha Phanxicô, J.B. Đặng Minh An dịch. Nguồn: Trang mạng vietcatholic: http://www.vietcatholic.org/News/Home/Article/249056

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận