Tìm hiểu thêm về giá trị của việc Rước Lễ Thiêng liêng

110 lượt xem

Hỏi: Con muốn biết “rước lễ thiêng liêng” là gì, trong những trường hợp nào thì có thể thực hiện, và liệu việc rước lễ thiêng liêng có giá trị thực như rước Mình Thánh Chúa hay không?
Trả lời của linh mục Diego Pancaldo, Giáo sư Thần học linh đạo:
Trong sắc lệnh của Công đồng Trentô về Bí tích Thánh Thể, có viết:
“Liên quan đến tập lệ [Bí tích Thánh Thể], các vị tiền nhân của chúng ta đã phân biệt một cách chính đáng và khôn ngoan ba cách lãnh nhận Bí tích thánh này. Các ngài dạy rằng: có những người chỉ rước lễ mang tính Bí tích, như những người đang sống trong tội lỗi; có những người chỉ rước cách thiêng liêng, đó là những ai đón nhận Bánh bởi trời chỉ bằng một hành vi ước ao, nhờ đức tin sống động ‘được thể hiện qua đức mến’, thì họ cũng lãnh nhận được hoa trái và ích lợi; nhóm thứ ba là những người rước lễ bằng cả hai cách, vừa bí tích vừa thiêng liêng, họ là những người biết xét mình và chuẩn bị kỹ lưỡng, để có thể tiến đến bàn tiệc thánh này trong trang phục lễ cưới”.
Trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 34, Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng: “Cần phải dưỡng nuôi trong tâm hồn một khát vọng thường hằng đối với Bí tích Thánh Thể. Từ đó nảy sinh ra thực hành ‘rước lễ thiêng liêng’, vốn đã hiện diện cách tốt đẹp trong Giáo Hội từ nhiều thế kỷ và được các thánh sư trong đời sống thiêng liêng khuyến khích. Thánh Têrêsa Giêsu đã viết: ‘Khi các con không thể rước lễ hay tham dự Thánh lễ được, các con có thể rước lễ cách thiêng liêng, điều này rất hữu ích… làm như vậy tình yêu của Chúa sẽ in đậm trong tâm hồn các con’”.
Đức Bênêđictô XVI, trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng, Sacramentum Caritatis, số 55, cũng xác định rằng: “Ngay cả khi không thể rước Thánh Thể, thì việc tham dự Thánh lễ vẫn luôn cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa và đem lại nhiều ơn ích. Trong hoàn cảnh như vậy, thật tuyệt vời khi nuôi dưỡng khát vọng được kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô, chẳng hạn qua thực hành rước lễ thiêng liêng”.
Nhiều vị thánh đã để lại những dòng thật cảm động về hình thức cầu nguyện này, qua đó biểu lộ lòng khát khao sống động được hiệp nhất với Thiên Chúa. Trong số đó có thánh Anphongsô Maria Liguori, ngài đã cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang hiện diện trong Bí tích cực thánh. Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và con khát khao đón rước Chúa vào linh hồn con. Song bây giờ con không thể rước thật Mình Thánh Chúa, thì xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng… Con ôm lấy Chúa như thể Chúa đã đến, và kết hợp trọn vẹn với Chúa. Xin đừng bao giờ để con lìa xa Chúa”.
Qua đó, chúng ta thấy có sự liên kết giữa các yếu tố nền tảng của lòng sùng kính Thánh Thể: việc tuyên xưng Đức tin vào sự Hiện diện thật của Chúa, lòng khát khao hiệp lễ, và tâm tình tạ ơn.
Cuốn “Gương Chúa Giêsu” cũng nhắn nhủ rằng đừng bỏ Rước Lễ nếu không có lý do chính đáng, nhưng đảm bảo rằng: “Nếu ai vì lý do chính đáng không thể rước lễ, nhưng có thiện chí và ý hướng đạo đức muốn rước lễ, thì người ấy sẽ không mất phần ơn ích của Bí tích. Vì bất kỳ ai có tinh thần đạo đức đều có thể, trong mọi ngày và mọi giờ, hiệp thông cách thiêng liêng với Đức Kitô mà không ai có thể ngăn cản… Thật vậy, sự dưỡng nuôi linh hồn vô hình này, tức là rước lễ thiêng liêng, được thực hiện mỗi khi ta sốt sắng suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể và Khổ nạn của Đức Kitô, khiến tâm hồn bừng cháy tình yêu dành cho Ngài”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô, vào thời điểm đại dịch Covid, đã viết một lời nguyện thật hay, diễn tả tinh thần của thực hành đạo đức này: “Lạy Chúa Giêsu, con sấp mình dưới chân Chúa và dâng lên Chúa lòng ăn năn thống hối từ tận đáy lòng con, nhỏ bé và bất xứng trước sự hiện diện thánh thiện của Chúa. Con thờ lạy Chúa trong Bí tích tình yêu, con khát khao được rước Chúa vào nơi cư ngụ nghèo hèn là trái tim con. Trong khi chờ đợi niềm hạnh phúc được rước Chúa, con muốn đón rước Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa Giêsu, Xin hãy đến với con, để con cũng được đến với Chúa. Xin tình yêu của Chúa thiêu đốt toàn thân con, trong cả cuộc sống và sự chết. Con tin vào Chúa, con trông cậy nơi Chúa, con yêu mến Chúa. Amen”.
G. Võ Tá Hoàng

Có thể bạn quan tâm