Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy thánh Phanxicô Xaviê đi đến những biên cương xa xăm

1563 lượt xem

TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: TÌNH YÊU CHÚA KITÔ THÚC ĐẨY THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ ĐI ĐẾN NHỮNG BIÊN CƯƠNG XA XĂM

Sáng thứ Tư, ngày 17 tháng Năm vừa qua, hơn 15.000 tín hữu hành hương từ nhiều nước đã đến tham dự buổi tiếp kiến chung của Đức Thánh cha Phanxicô tại Quảng trường thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lúc 8 giờ 45, Đức Thánh cha tiến ra quảng trường trên chiếc xe mui trần, tiến qua các lối đi để chào thăm mọi người, trước khi lên thềm đền thờ để bắt đầu buổi tiếp kiến.

Như mọi lần, mở đầu là phần lắng nghe lời Chúa, với một đoạn thư thứ 2 của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô (2 Cr 5,14-15.20):

“Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”.

Bài giáo lý

Trong bài huấn dụ tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về “sự hăng say loan báo Tin mừng: lòng nhiệt thành tông đồ của tín hữu”. Bài thứ 13 này có tựa đề: “Các chứng nhân: Thánh Phanxicô Xavie”.

Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục hành trình của chúng ta với một vài mẫu gương về lòng nhiệt thành tông đồ, hôm nay chúng ta gặp thánh Phanxicô Xaviê, người có lý được coi là nhà thừa sai lớn nhất thời cận đại, và bổn mạng các xứ truyền giáo Công giáo.

Phanxicô sinh năm 1506 trong một gia đình quý tộc nhưng trở nên nghèo sau đó tại miền Navarra, bắc Tây Ban Nha. Phanxicô đi học tại đại học Paris để có một sự nghiệp giáo sĩ hậu hĩ đảm bảo tương lai. Đó là một thanh niên thiện cảm và xuất sắc, nổi bật về thể thao và học hành. Tại đại viện, anh gặp một bạn đồng môn lớn tuổi hơn một chút nhưng hơi đặc biệt, đó là Ignaxio Loyola. Họ trở thành bạn thân với nhau và Ignaxio giúp Phanxicô sống kinh nghiệm tâm linh mới mẻ và sâu xa, một cuộc hoán cải đích thực để được giải thoát khỏi mọi tham vọng và hiến thân không chút dè dặt để phụng sự Thiên Chúa, yêu mến và theo Chúa Giêsu Kitô. Học xong, cùng với vài người bạn khác, họ đến Roma và đặt mình tùy thuộc sự sử dụng của Đức Giáo hoàng cho các nhu cầu cấp thiết của Giáo hội trên thế giới. Ban đầu, họ có khoảng 10 người và quyết định gọi là “Campagnia di Gesù”, đội binh của Chúa Giêsu.

Ra đi truyền giáo

Bấy giờ, chúng ta đang ở thời kỳ mà chân trời mở rộng từ Âu châu Kitô hướng về các biên cương thế giới chưa được biết đến thời ấy. Những đại lục mới được khám phá, và có sự khám phá các dân tộc chưa được nghe Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Vua Bồ Đào Nha xin Đức Giáo hoàng sai một số tu sĩ dòng Tên đến miền Đông Ấn Độ; trong số này có cả Phanxicô Xavie. Phanxicô là người đầu tiên trong đoàn ngũ đông đảo các thừa sai hăng say, sẵn sàng chịu đựng nhưng cơ cực và những nguy hiểm rất lớn lao. Nhiều người chết trong hành trình vì đắm tàu hoặc bệnh tật. Xavie trải qua trên tàu ba năm rưỡi, một phần ba thời gian truyền giáo của ngài.

Tại Ấn Độ sang Indonesia

Đến Goa bên Ấn Độ, thủ đô của Bồ Đào Nha Đông phương, Xavie đặt căn cứ tại Goa, nhưng không dừng lại đó. Ngài đi loan báo Tin mừng cho các ngư phủ nghèo ở bờ biển miền nam Ấn, dạy giáo lý và kinh nguyện cho các trẻ em, rửa tội và chăm sóc các bệnh nhân. Rồi trong một buổi cầu nguyện ban đêm cạnh mộ thánh Bartholomeo tông đồ, ngài cảm thấy phải đi xa hơn Ấn Độ. Xavie để lại trong tay tốt lành công việc đã khởi sự và can đảm xuống tàu đi tới quần đảo Molucche (Moluku), là những đảo xa xăm nhất trong quần đảo Indonesia, nơi mà trong hai năm làm việc ngài thiết lập nhiều cộng đoàn Kitô. Ngài diễn tả giáo lý Công giáo trong những câu vè bằng tiếng địa phương và dạy hát các câu đó. Chúng ta hiểu tâm trạng của thánh nhân qua các thư của Ngài. Thánh nhân viết: “Những nguy hiểm và đau khổ, được tự nguyện đón nhận và chỉ vì tình yêu và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, đó là nhưng kho tàng giàu an ủi thiêng liêng. Ở đây trong vài năm, người ta có thể mù mắt vì khóc quá nhiều do vui mừng!” (20-1-1548).

Sang Nhật Bản

Một hôm, tại Ấn Độ, thánh nhân gặp một người Nhật Bản. Ông nói với ngài về đất nước xa xăm của ông, nơi mà không bao giờ có một thừa sai Âu châu nào được thúc đẩy đi tới. Xavie quyết định ra đi tới đó càng sớm càng tốt, và đến nơi sau một hành trình phiêu lưu trên một con thuyền của một người Hoa. Ba năm ở Nhật Bản rất cơ cực, vì khí hậu, vì những chống đối và vì không biết ngôn ngữ, nhưng tại đây những hạt giống sẽ mang lại hoa trái dồi dào.

Mong sang Trung Quốc

Tại Nhật Bản, thánh Xaviê hiểu rằng quốc gia quan trọng quyết định cho việc truyền giáo là một nước khác, đó là Trung Quốc. Với văn hóa, lịch sử, sự to lớn, Trung Quốc có một ảnh hưởng ưu thế trên phần miền này của thế giới. Vì thế, ngài trở về Goa và ít lâu sau đó lại xuống tàu với hy vọng có thể vào Trung Quốc, mặc dù đất nước này khép kín đối với người ngoại quốc. Nhưng kế hoạch của thánh nhân thất bại: ngài qua đời ngày 03 tháng Mười Hai năm 1552 trên hòn đảo Thượng San nhỏ bé, chờ đợi mãi mà không thể đổ bộ lên đất liền gần Quảng Châu, trong tình trạng bị bỏ rơi hoàn toàn, chỉ có một người Hoa cạnh ngài để chăm sóc. Thế là kết thúc hành trình trần thế của thánh Phanxicô Xaviê. Ngài mới 46 tuổi, nhưng tóc đã bạc phơ, và những sức lực của ngài tàn lụi, hiến thân không chút dè dặt cho Tin mừng.

Hoạt động liên kết với kinh nguyện

Hoạt động rất khẩn trương của thánh Xaviê luôn luôn được kết hiệp với kinh nguyện, kết hiệp với Thiên Chúa, kết hiệp thần bí và chiêm niệm. Bất kỳ ở đâu ngài đều chăm sóc các bệnh nhân, người nghèo và trẻ em. Tình yêu đối với Chúa Kitô là sức mạnh đã thúc đẩy ngài đi đến tận những biên cương xa xăm, với những cơ cực và nguy hiểm liên tục, vượt thắng những thất bại, thất vọng và nản chí, trái lại càng mang lại cho ngài an ủi và vui mừng trong việc theo và phụng sự Chúa cho đến cùng.

Chào thăm và kêu gọi

Sau bài huấn giáo của Đức Thánh cha, buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm tắt bài giáo lý và những lời chào thăm của ngài.

Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu thuộc nhiều giáo phận, đặc biệt các tín hữu đến từ nước Haiti, do Đức cha Dumas hướng dẫn; từ giáo phận La Rochelle bên Pháp, với Đức cha Colomb. Đức Thánh cha nói thêm rằng: Ước gì sự hăng say và tấm gương của thánh Phanxicô Xaviê giúp chúng ta khám phá niềm vui sâu xa của vị thừa sai, hạnh phúc vì mang Chúa Kitô đến tận bờ cõi trái đất, giữa những cơ cực và khó khăn trong sứ mạng.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Anh, Đức Thánh cha nhắc đến những tín hữu đến từ Anh quốc, Ecosse, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Canada và Mỹ, đồng thời nói: “Trong niềm vui Chúa Kitô Phục sinh, tôi cầu xin tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta đổ tràn trên anh chị em và gia đình”.

Khi chào các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến nhóm tín hữu dấn thân bảo vệ sự sống thuộc Huynh đoàn “Malych Stópek”, và nhắc đến lễ kính thánh Anrê Bobola, dòng Tên, linh mục tử đạo kính ngày 16 tháng Năm vừa qua, tại Ba Lan, đồng thời nói rằng: “Chúng ta hãy phó thác cho thánh nhân tất cả các vấn đề khó khăn của tổ quốc anh chị em và của những nước khác, đặc biệt vấn đề hòa bình ở Ucraina”.

Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào Hiệp hội Công giáo tiến hành Tổng giáo phận Lecce ở miền nam Ý, do Đức Tổng giám mục Michele Seccia hướng dẫn, và nói: “Xin Thánh Thần của Chúa Phục Sinh giúp anh chị em phân định những dấu chỉ thời đại, để trung thành và hân hoan làm chứng cho Tin mừng trong mọi môi trường. Anh chị em hãy trở thành những người kiến tạo tình huynh đệ!”.

“Sau cùng, như thường lệ, tôi nghĩ đến các bạn trẻ, bệnh nhân và người cao tuổi cũng như các đôi tân hôn. Lễ Chúa Lên Trời mà chúng ta sắp cử hành mời gọi chúng ta hãy nhìn lúc Chúa Giêsu, trước khi lên trời, đã ủy thác cho các tông đồ sứ mạng mang sứ điệp cứu độ của Ngài cho đến tận bờ cõi trái đất. Hỡi những người trẻ, đặc biệt các con là học sinh của bao nhiêu trường hiện diện tại đây, khi đón nhận sứ vụ truyền giáo của Chúa Kitô, các con hãy dấn thân dùng sự hăng say của các con để phục vụ Tin mừng. Và hỡi anh chị em là những người già yếu bệnh tật, anh chị em hãy hiệp với Chúa, với xác tín dâng một đóng góp quý giá làm tăng trưởng Nước Chúa trong trần thế. Và hỡi anh chị em là các đôi tân hôn, hãy làm sao để gia đình anh chị em trở thành nơi học yêu mến Thiên Chúa và là những chứng nhân của Chúa trong vui tươi”.

Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.

Nguồn: vietnamese.rvasia.org

 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận