Vào lúc 14 giờ, ngày 24/12/2019, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá Giáo phận Vinh, đông đảo quý cha trong và ngoài Giáo phận, cùng với mọi thành phần dân Chúa đã tề tựu về tại Giáo xứ Văn Hạnh để hiệp dâng Thánh lễ an táng, cầu nguyện và tiễn đưa cha Phaolô về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trước khi bước vào Thánh lễ, cha Antôn Nguyễn Thanh Tịnh, Chánh văn phòng Tòa Giám mục, đã đọc tiểu sử của cha Phaolô gợi lại một quảng đời với những năm tháng truân chuyên của một người quyết tâm theo đuổi ơn gọi đã bất chấp những nghiệt ngã, thăng trầm của thời cuộc.
Sinh năm 1944 tại Giáo xứ Văn Hạnh, thuộc xóm Trung Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, Cha Phaolô là con trai trưởng trong gia đình có 8 người con, 5 trai, 3 gái. Năm 1960 thầy Phaolô vào Trường tập Xuân Phong (Diễn Châu, Nghệ An). Sau khi nhà trường bị đóng cửa thầy Phaolô về quê sống với gia đình và cũng là quảng thời gian bị quản thúc tại Giáo xứ Văn Hạnh quê nhà; tiếp theo đó là 12 năm phải sống trong lao tù. Năm 1993 thầy Phaolô được gọi vào Đại chủng viện Vinh Thanh. Năm 1999 thầy Phaolô được Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp đặt tay truyền chức linh mục.
20 năm linh mục, trong đó có 10 năm quản các Giáo xứ Ninh Cường và Thọ Vực, và 10 năm sống trong thử thách bệnh tật. Và sau gần 10 năm hưu dưỡng, vì bệnh tật, tuổi cao sức yếu, Cha Phaolô đã được Chúa gọi về vào lúc 03h20’, ngày 23/12/2019, (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Hợi) hưởng thọ 75 tuổi, 20 năm linh mục.
Giảng trong Thánh lễ, cha Micae Hoàng Xuân Hường, quản xứ, quản hạt Ngô Xá đã làm nổi bật 3 điểm: Ý nghĩa của sự chết; Cuộc đời cha Phaolô với cái chết và chúng ta chuẩn bị cái chết như thế nào? Đối với người đời thì chết là hết hay là giai đoạn cuối của cuộc đời. Nhưng đối với người Kitô hữu, chết không phải là hết nhưng là một sự khởi đầu mới cho cuộc sống mới. Bởi vì “Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi”, hay như Thánh Phanxicô Assisi đã có một cái nhìn lạc quan về cái chết khi Ngài nói trong Kinh Hòa Bình: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Đọc vào tiểu sử cha Phaolô, ai cũng có thể nhận ra một cuộc đời long đong, lận đận nơi ngài. Ngài được sinh ra vào thời khắc lịch sử với nạn đói năm 44, năm 45. Lớn lên muốn làm người lương thiện cũng khó, muốn đi tu cũng không hề dễ dàng chút nào với 5 năm quản chế, 12 năm sống trong chốn lao tù và 11 năm đằng đẵng chờ đợi để được quay trở lại trường. Nhưng sau tất cả, Chúa đã yêu thương chọn gọi ngài làm linh mục ở cái tuổi mà chính ngài đã nói: “Con lom khom bước lên bàn thánh”. Với những năm tháng là mục tử của Chúa nơi các Giáo xứ Ninh Cường và Thọ Vực, cha Phaolô luôn là một con người thánh thiện, vui vẻ và dễ mến. Ngài đã chọn Giáo họ Vĩnh Viễn (Giáo xứ Thọ Vực) và Giáo xứ Văn Hạnh để dưỡng bệnh trong những ngày cuối đời. Quả thế, cuộc đời cha Phaolô đã luôn vác thập giá với Chúa thì chắc chắn cũng sẽ được sống hạnh phúc với Ngài. Cha ra đi trong ngày Con Thiên Chúa được sinh ra là lúc để cha được sinh ra trên nước Trời.
Thật vậy, cuộc sống trần gian này chỉ là chóng qua, tạm bợ. Cha ông ta vẫn thường nói: “Ở đời là chốn tạm thời, Thiên Đàng vĩnh cửu mới là quê hương”. Có một điều trớ trêu đối với cái chết, đó là không ai có thể biết được ngày nào, giờ nào chúng ta sẽ từ bỏ thế gian mà về với lòng đất mẹ. Do đó, chúng ta phải luôn sẵn sàng và tỉnh thức như Đức Kitô đã nói: “Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì không biết ngày nào, giờ nào Con Người sẽ đến” (Mt 25, 13). Quả thế, tỉnh thức không phải là không ngủ mà là ngủ trong tư thế sẵn sàng, bởi cái chết có thể ập đến lúc nào. Tỉnh thức là dẹp bỏ những gì cản ngăn chúng ta đến với Chúa, là chu toàn bổn phận ý thức làm việc lành và tránh điều tội lỗi.
Trong nghi thức tiễn biệt, cha Phêrô Trần Đình Lai, quản xứ, quản hạt Nghĩa Yên, đại diện Linh mục đoàn Giáo phận nói lời tiễn biệt cuối cùng với cha Phaolô. Cuộc đời cha Phaolô đã để lại cho những anh em linh mục một bài học vô giá về chứng tá niềm tin, sự hy vọng và lòng trung thành với lý tưởng ơn gọi dâng hiến. Cha mãi mãi là chứng tá trung kiên và gương sắt son cho những anh em Linh mục noi theo. Sự ra đi của Cha Phaolô tuy không đột ngột và bất ngờ nhưng vẫn để lại một khoảng trống cho Linh mục đoàn Giáo phận và tất cả mọi người về một chứng nhân lịch sử.
Với hành trình 75 năm sống trên dương thế và 20 năm làm Linh mục của Chúa, Cha Phaolô Nguyễn Văn Cừ đã được an nghỉ nơi khuôn viên nhà thờ cũ Giáo xứ Văn Hạnh. Xin Chúa nhờ lòng nhân từ của Ngài đón nhận cha Phaolô vào hưởng sự sống muôn đời trên Thiên Quốc.
Francis Cao
Có thể bạn quan tâm
Toà Thánh gửi sứ điệp nhân Ngày Thuỷ sản Thế giới
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII TN.B: Được Mừng Trọng Thể Lễ Các Thánh..
Th11
Ngày Thế Giới Người Nghèo: Đức Thánh Cha Phanxicô Sẽ Dùng Bữa Trưa..
Th11
Tại Sao Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ Sẽ Bỏ Phiếu Cho Một..
Th11
Vì Sao Người Trẻ Dấn Thân – Động Lực Hay Phản Lực?
Th11
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Th11
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng..
Th11
Caritas Giáo Phận Hà Tĩnh: Đại Hội Tổng Kết 5 Năm Hình Thành..
Th11