Thánh lễ an táng cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện: Vị Linh mục một đời gắn liền với sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng

6209 lượt xem

Hôm nay, chúng ta về đây, từ nhiều nơi khác nhau, để tiễn biệt một người linh mục, một người anh em, một vị mục tử nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo. Đây là một mục tử đặc biệt mà Chúa ban cho Giáo phận Hà Tĩnh chúng ta. Bởi vì không những là một người hăng hái dấn thân loan báo Tin Mừng, mà ngài còn là một người đã can đảm khai mở con đường mục vụ cho một vùng đất gần 60 năm không còn tiếng chuông, không còn lời kinh vọng lên, cũng không còn mục tử hay đoàn chiên.

Vào lúc 18h30, thứ Năm, ngày 20/06/2019, tin cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện đã được Chúa gọi về trong sự tiếc thương và đau xót của của gia quyến cũng như tất cả mọi người, nhanh chóng được loan đi qua các phương tiện truyền thông.

Với 49 năm trong hành trình dương thế, 9 năm là linh mục của Chúa, cuộc đời cha Phaolô gắn liền với những câu chuyện truyền giáo. Sau khi truyền chức, cha đã xung phong về với vùng cực nam của Giáo phận (lúc bấy giờ là Giáo phận Vinh), nơi mà hạt giống đức tin đã bị èo uột, vì bị quên lãng suốt hơn nửa thế kỷ sau năm 1954, để gầy dựng và dẫn dắt những con chiên lạc quay trở về với Chúa, làm trổ sinh thêm nhiều bông hạt. Cha được ví như là người viết cổ tích trên dải đất miền trung. Thật vậy, sau 9 năm tái truyền giáo cha Phaolô đã vực dậy được đời sống đức tin tại 4 Giáo xứ Trung Quán, Hoành Phổ, Phúc Tín, Bình Thôn, 4 Giáo xứ thuộc TGP Huế được bàn giao lại cho Giáo phận Vinh vào năm 2005 và chính thức khôi phục và bàn giao trong thánh lễ sáng ngày 23/3/2009.

Giáo xứ Đồng Tiến trong những ngày này như được phủ một màu khăn tang. Giáo dân từ khắp nơi, từ những vùng đất mà bước chân của “vị anh hùng truyền giáo” từng in dấu, đã về với Đồng Tiến, quê hương của cha Phaolô, để kính viếng ngài, để thắp một nén nhang, thầm thỉ một lời nguyện cầu trước linh cửu của người cha đáng kính.

Vào lúc 09h30, ngày 23/06/2019, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận, đã chủ sự trong Thánh lễ an táng cho Phaolô tại Giáo xứ Đồng Tiến. Hiệp dâng thánh lễ với Đức cha Phaolô có quý cha quản hạt, quý cha trong và ngoài Giáo phận, quý chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ và bà con giáo dân đến từ nhiều Giáo xứ.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức cha Phaolô mời gọi mỗi người cùng khám phá lại sự sống mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta. Ngài nói: “Chúng ta hiện diện nơi đây, không phải chỉ để cầu nguyện cho người cha, người anh em vừa mới ra đi, nhưng hơn thế là để củng cố niềm tin của chính mình. Thật vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm chắc chắn rằng cái chết chỉ là của ngỏ để mở ra sự sống vĩnh cửu cho cuộc sống mai sau.

Trong câu trả lời của Chúa Giêsu cho Matta: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dù có chết cũng sẽ được sống và ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25). Hai chữ ‘sống-chết’ được lặp đi lặp lại, được dùng trong một câu nhưng với những tầng nghĩa khác nhau. Sự sống lại ở đây là sự sống vĩnh cửu. Con người chúng ta sau khi bước qua cái chết về thể lý thì được sự sống muôn đời. Ai đang sống trong cuộc đời này, ai đang là lữ khách của chuyến đò trần thế, ai đang bước đi trên con đường lữ thứ trần gian…nếu đặt trọn niềm tin nơi Đức Kitô phục sinh thì sẽ không phải chết bao giờ. “Con có tin điều đó không?, Đức Giêsu hỏi cô Matta nhưng cũng đang hỏi mỗi người chúng ta “các con có tin điều đó không?; các con có xác tín với tính cách là người Kitô hữu, cuộc sống này có đẹp đẽ bao nhiêu thì vẫn chỉ là tạm bợ, như Nguyễn Gia Thiều trong Cung oán ngâm khúc đã triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng: “Trăm năm còn có  gì đâu/Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”. Tất cả chúng ta đều phải ra đi, ra đi với hai bàn tay trắng, chính vì vậy, mỗi người chúng ta khi tham dự thánh lễ tiễn đưa người cha, người anh em của chúng ta, thì chúng ta cũng phải nói lên được điều xác quyết của Matta “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27).  Nhưng để được như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải sống như thế nào? Đây là dịp để mời gọi mỗi chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống của mình, để hoán cải, để sống tốt hơn, ngõ hầu chúng ta được cũng được phục sinh, được đưa vào quê hương vĩnh cửu như Đức Giêsu đã hứa ban cho những ai luôn tin vững vào sự bất tử của Ngài.

Hôm nay, chúng ta về đây, từ nhiều nơi khác nhau, để tiễn biệt một người linh mục, một người anh em, một vị mục tử nhiệt thành trong sứ vụ truyền giáo. Đây là một mục tử đặc biệt mà Chúa ban cho Giáo phận Hà Tĩnh chúng ta. Bởi vì không những là một người hăng hái dấn thân loan báo Tin Mừng, mà ngài còn là một người đã can đảm khai mở con đường mục vụ cho một vùng đất gần 60 năm không còn tiếng chuông, không còn lời kinh vọng lên, cũng không còn mục tử hay đoàn chiên. Chính vì vậy, để hiểu con người đó, hiểu sứ vụ đó, có lẽ chúng ta dừng lại để tìm hiểu đôi nét về vùng đất tận cùng của Giáo phận này. Thời bấy giờ, theo quy định của Hội Thánh, tỉnh Quảng Bình được chia làm hai vùng mục vụ lấy sông Gianh làm ranh giới. Vùng đất phía bắc sông Gianh thuộc Giáo phận Vinh, vùng nam sông Gianh thuộc Giáo phận Huế. Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, các xứ đạo nơi vùng nam sông Gianh được phát triển mạnh mẽ về nhân sự cũng như chất lượng so với miền bắc sông Gianh. Rất nhiều vị thừa sai ở vùng đất đó đã đem lại nhiều dấu ấn đặc biệt cho công tác loan báo Tin Mừng mà còn cho văn hoá Việt Nam, như cha L. Cadière, nhà Việt Nam học lừng danh; Đức cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, một thời làm cha phó Giáo xứ Tam Toà, và thi sĩ nổi danh Hàn Mạc Tử.

Tuy nhiên vào những thập niên 50 của Thế Kỷ XX, vùng đất nơi đã một thời vang bóng đã trở nên tan hoang vì bom đạn, vì chiến tranh, vì nghiệt ngã của thời cuộc. Không còn nhà thờ nào đứng vững, tất cả đều đổ nát hoang tàn, không còn tiếng chuông, không còn lời kinh, không còn cộng đoàn Kitô hữu. Sau năm 1954, đại đa số giáo dân, linh mục và tu sỹ ở đó đã di cư vào miền Nam, để lại những Giáo họ, Giáo xứ u sầu buồn thảm, tan hoang. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ XX các linh mục của Giáo phận Huế cũng không thể ra hoạt động mục vụ tại mảnh đất này. Trước hoàn cảnh khó khăn đó, ngày 15/08/1997, Tổng Giám mục Giáo phận Huế chính thức nhờ Đức cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục Giáo phận Vinh, hỗ trợ mục vụ cho vùng đất nam Quảng Bình. Kể từ đó, một đôi lần, một vài linh mục Giáo phận Vinh đến mục vụ nơi đó. Nhưng phải chờ đến năm 2005, nhà nước mới chính thức chấp thuận cho Giáo phận Vinh được quản lý mục vụ vùng đất nam Quảng Bình, và Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã giao cho cha Phêrô Lê Thanh Hồng, quản xứ Sen Bàng, kiêm nhiệm các Giáo xứ vùng nam sông Gianh vào năm 2006.

Ngày 19/06/2010, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã phong chức linh mục cho các thầy thuộc khoá VIII, Đại chủng viện Vinh Thanh. Cha Phaolô là một trong số 23 tân linh mục lúc bấy giờ. Hơn một tháng sau, ngày 23/07/2010, tôi được tấn phong Giám mục Giáo phận Vinh. Theo thông lệ các tân linh mục được một tháng dâng lễ tạ ơn rồi phải về nhận nhiệm sở mới. Ban cố vấn cũng thảo luận để lên danh sách cùng với hai Đức cha để bổ nhiệm nhân sự. Trong lần công bố quyết định bổ nhiệm công tác mục vụ cho các tân linh mục, giữa rất nhiều những cân nhắc, chọn lựa, một cánh tay dơ lên, tình nguyện đi vào vùng khó khăn đó, đó là linh mục Phaolô Nguyên Chí Thiện. Lúc đó Trung Quán, Phúc Tín, Bình Thôn và Hoành Phổ chưa có nhà xứ nên phải ở Sen Bàng , cha Thiện cũng đã đồng ý. Nhưng sau một thời gian đi lại, cha Phaolô cảm thấy không thể làm mục vụ mà thỉnh thoảng đi thăm như đi du lịch, và cũng không thể làm mục vụ một cách hiệu quả nếu không sống chết, lăn lộn với chính con chiên của mình. Chính vì vậy, cha Phaolô đã quyết định ở lại trong mảnh đất mà ngài đã được sai đến. Đó là một mảnh đất đã từng bị bom đạn cày xới. Năm 2010 Trung Quán cũng chỉ mới có một ngôi nhà cấp 4 ba gian chật chội, đã giột nát, đến mùa mưa lũ cũng không thể trụ lại. Chính vì vậy, có một vài lần, cha Phaolô đã phải nhảy lên bàn thờ ôm Chúa, có những lần khác phải cùng Chúa di cư đi nơi khác trên thuyền thúng. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết vẫn không bao giờ tắt, như lời sách Diễm ca: “Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8,7).

Tôi nhớ có lần được mời về làm lễ rửa tội cho hơn 130 tân tòng trong giáo xứ. Được biết HĐMV và cha quản xứ cũng đã chuẩn bị để che phông rạp, làm mái che cho thánh lễ, nhưng mà đêm đó chính quyền không cho phép và đã bị giỡ luôn trong đêm. Sáng hôm sau, thánh lễ cử hành dưới trời mưa.

Nhưng rồi, bất chấp những khó khăn, con đường mục vụ vẫn tiến bước không ai ngăn nổi. Ba Giáo xứ Phúc Tín, Bình Thôn, Hoành Phổ được củng cố và tại Trung Quán ngôi nhà thờ khang trang đang được hoàn thành. Và giữa lúc đó, Giáo phận nghĩ đến một sứ vụ khác, một khúc quanh  khác cho người mục tử tại nam Quảng Bình, đó là cử đi du học tại Pháp, bởi vì cha đã từng tốt nghiệp cử nhân Pháp văn. Tất cả đang tiến hành, hồ sơ cũng đang tiến hành, cha cũng đã chuẩn bị để bàn giao công việc lại cho cha mới để lên đường thì Chúa lại đưa ra một khúc quanh khác, khúc quanh ngoài ý tưởng và dự tính của mọi người, như chúng ta đã biết.

Trong bài đọc thứ nhất, chúng  ta thấy rằng Thiên Chúa có những dự định rất đặc biệt. Rất có thể Chúa muốn đưa người con của Ngài về quê hương vĩnh cửu sớm để khỏi vấn vương bụi trần, cũng không phải lấm mùi tục lụy. Chính vì vậy, người mục tử đó đã ra đi ở tuổi 49. Hôm nay, người mục tử đã từng hăng say loan báo Tin Mừng đang nằm yên bất động ở giữa chúng ta, cánh tay đã từng giơ lên xung phong đi vào một chỗ mà ít người dám đi, hôm nay đã buông xuôi. Nhưng tinh thần và chí khí, mẫu gương của người ngài vẫn sống động, vẫn in đậm nét trong mảnh đất miền nam Quảng Bình cũng như trong tâm trí của rất nhiều người. Nói như một nhạc sĩ Việt Nam: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Chính người chết nằm đó, đã nối linh thiêng vào đời, nối chúng ta vào cõi thiêng, giúp chúng ta xác tín hơn niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu và nối kết chúng ta với nhau. Chính vì vậy, trong lễ an táng cha Phaolô hôm nay, chúng ta hiện diện nơi đây từ nhiều nơi, nhưng chắc chắn trong tâm trí mỗi người còn in đậm dấu ấn người mục tử đã yêu thương đồng loại. Chắc chắn người mục tử đó cũng mời gọi chúng ta nối kết với nhau, nối kết với quê trời, nối kết với sứ vụ loan báo tin mừng còn dang dở trên mảnh đất quê hương của chúng ta.

Cha Thiện thân mến, sau những ngày tháng hăng say không biết mệt mỏi, quên khổ đau cho công cuộc loan truyền Lời Chúa. Thời gian cuối cùng, cha được hân hạnh cùng với Đức Giêsu Kitô mang thập giá trên bản thân, đó cũng là thời gian đau khổ nhất, nhưng cũng là thời gian tâm phúc nhất. Hôm nay, mặc dầu thể xác cha không còn trông thấy nữa, nhưng chúng tôi tin rằng cha vẫn đang hiện diện nơi đây, vẫn dơ cánh tay, không phải để xung phong đi vào miền đất nam Quảng Bình, mà giơ tay vẫy gọi mọi người, chào mọi người với nụ cười tươi nở trên môi. Chào nhưng không phải bằng giọt nước mắt như lần tôi gặp lại cha nằm trên giường bệnh mà với nụ cười. Có lẽ chính lúc đó, cha cũng từ biệt chúng tôi, chính nụ cười đó, khích lệ chúng tôi dấn thân trong công tác loan báo Tin Mừng.

Một sự trùng hợp trong ngày lễ an táng cha Phaolô, người đã một đời gắn liền với sứ vụ dấn thân loan báo Tin Mừng, một mục tử sống hết mình vì đoàn chiên. Chúng ta lại được mời gọi chiêm ngắm bí tích Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Khoảng thời gian 9 năm linh mục, với những lễ tế dâng trên bàn thờ mỗi ngày, cha đã họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô hiến tế chính mình trên thập giá năm xưa để ban tặng chính thần lương của Ngài nuôi sống gian trần. Cha cũng đã dành trọn tuổi trẻ, quảng đời thanh xuân của mình để vực dậy niềm tin nơi vùng đất nam Quảng Bình. Xin cho Giáo Hội luôn có những vị mục tử như lòng Chúa mong ước, luôn sống một cuộc đời hy sinh hết mình vì đoàn chiên.

Peter Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận