Tập trung vào Chúa Kitô để sống tuần thánh sốt sắng

1032 lượt xem

Chúng ta biết rằng, để gặp Chúa, để lắng nghe Chúa nói, để nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để ngày càng yêu mến Ngài hơn, thì bước đầu tiên ta phải quan tâm, đó là tập trung vào Ngài. Lấy Chúa làm trung tâm của mọi thao thức, ước muốn, dự phóng và hoạt động. Đó là một sự chú ý dứt khoát, có chủ đích, chủ tâm, thoát ra khỏi những lo ra, những xao lãng, những vô tư, những lạnh nhạt trong cuộc sống thường ngày của mình.

ĐGM GB Bùi Tuần trong bài giảng có chủ đề “Tập trung vào Ðức Kitô” đã chia sẻ như sau:

Phúc Âm Ga 1, 47-51 cho thấy ông Nathanael, khi vừa được ông Philipphê gọi, đã vội tìm đến gặp Ðức Kitô. Chúng ta cũng hãy làm như vậy.

“Học giáo lý, nghe giảng về Ðức Kitô là việc tốt cần làm. Gặp nhau để học hỏi về Ðức Kitô là việc lành cần thực hiện. Nhưng việc cần thực hiện hơn hết là hãy gặp gỡ chính Ðức Kitô.

“Gặp gỡ bằng sự cầu nguyện chung riêng. Gặp gỡ bằng việc suy gẫm Lời Chúa trong Phúc Âm. Gặp gỡ bằng việc chầu Mình Thánh và chịu Mình Thánh trong thánh lễ. Gặp gỡ bằng sự lắng nghe Ðức Kitô nói trong lòng, qua các gương sáng và tiếp cận với các cảnh khốn khổ cùng cực. Gặp gỡ bằng sự đón nhận Ðức Kitô đến với chúng ta qua các biến cố vui buồn, đặc biệt là qua những khổ đau của thánh giá.

“Hãy gặp gỡ Ðức Kitô với tâm hồn khiêm nhường, khó nghèo, đơn sơ, mến thương, khao khát. Những hình thức gặp gỡ Ðức Kitô mang ý hướng phô trương, sẽ chẳng bao giờ nhận ra được dung mạo thực của Ðức Kitô, là tình yêu cứu độ giải phóng con người”. [1]

Bình thường trong mùa Chay thánh, đặc biệt trong Tuần Thánh và Tam Nhật Vượt Qua, tín hữu chúng ta rất bận rộn và bận tâm bởi những việc đạo đức bình dân đã có từ lâu đời, như đeo tang trong ngày thứ Sáu Thánh để thể hiện tinh thần thương tiếc Chúa chết, như rước tiệc chiên vào thứ Năm Thánh, riêng thứ Sáu Thánh thì có rước kiệu bắt, đọc đoạn, ngắm đứng, dâng hạt, tháo đinh, táng xác Chúa với việc các tín hữu mặc đồ trắng và đầu chít khăn tang, viếng hang đá, hôn chân Chúa, rước kiệu đi đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời, ngắm Dấu Đinh trong ngày thứ Bảy Thánh, vào Chúa Nhật Phục Sinh thì có kiệu tượng Chúa Phục Sinh và Đức Mẹ v.v… [2]

Ngày nay, tuy nhiều nơi đã lược bớt những việc đạo đức này, nhưng nơi nào còn lưu giữ thì vẫn có rất nhiều người tín hữu sốt sắng thực hành, vì đối với họ thiếu những việc này thì việc tưởng niệm Chúa chết và sống lại xem ra không còn ý nghĩa gì nữa!

Năm nay, do ảnh hưởng quá nghiêm trọng bởi dịch cúm Covid-19 nên tại VN và nhiều nơi trên thế giới, Hội thánh Công giáo cho dừng tất cả các thánh lễ có người tham dự, không cử hành những nghi thức Phụng vụ Tuần Thánh kể cả Thánh lễ Chúa Nhật Phục Sinh. Việc này khiến cho khá nhiều tín hữu hụt hẫng, hoang mang, buồn bã vì giáo đường im tiếng chuông, thánh đường vắng tiếng hát, tiếng kinh, cửa đóng then cài, lễ lạy không có, cộng đoàn không được phép quy tụ… tất cả như một “Hội thánh thầm lặng”.  

Tuy nhiên, dù trong hình huống nào bất kỳ, hàng ngày nếu chúng ta có ước muốn thì chúng ta vẫn có thể sống-với-Chúa và có thể tập trung vào Chúa để gặp gỡ Ngài một cách thiết thực cụ thể, theo như kinh nghiệm của thánh Phao-lô, đó là: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô…” (Pl 1, 21). 

Trước đây, chúng ta chưa có kinh nghiệm sống trong thời kỳ của dịch bệnh, phải cách ly để chống dịch, phải ở-nhà để trốn dịch nên chúng ta yên tâm giữ đạo. Trong khi đó đã có nhiều thời điểm cực kỳ khó khăn như chiến tranh, giặc giã, cấm cách, di tản…người ta phải trốn tránh hoặc không có điều kiện để giữ đạo cho yên ổn. Khi ấy, việc hành đạo chỉ được thực hiện qua việc đọc kinh, cầu nguyện, rước lễ thiêng liêng, làm việc bác ái.  

Hôm nay, khi dịch cúm Covid-19 xảy ra, mọi sự đổi thay, nhất là những sinh hoạt đạo đức và tâm linh trở nên hạn chế bất thường, chúng ta như người mất phương hướng, chao đảo. Tuy vậy, xét cho cùng chúng ta vẫn có thể gặp Chúa ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và bất kỳ trong tình huống nào. Tất cả tùy thuộc vào chúng ta hoàn toàn.

Hãy trở về với nội tâm và giữ thinh lặng, đó là nơi Chúa nói với chúng ta.

Chúa sẽ nói với chúng ta việc tập trung vào Ngài là tối cần thiết và để đạt được điều ấy chúng ta phải thành tâm cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và đón nhận thánh ý Ngài.  

Tập trung vào Chúa : Cầu nguyện – Gặp gỡ Chúa

Khi chúng ta tập trung vào Chúa, chúng ta sẽ coi cầu nguyện như một lẽ sống, như một điều gì đó không thể thiếu được. Vì qua cầu nguyện, chúng ta gặp Chúa và tâm sự với Chúa. Việc cầu nguyện của chúng ta không bị giới hạn vào thời gian, không gian nào, trái lại chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào và bất cứ hoàn cảnh nào.

Quả thực, việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu không dừng lại như những việc đạo đức lẻ tẻ, nhất thời, mà đó là một đời sống đích thực. Đời sống cầu nguyện. Lúc đó việc cầu nguyện bao trùm, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống chúng ta. Nó chính là sự sống và hơi thở của ta vậy. Đức Cố HY Phx Nguyễn Văn Thuận đã viết như sau: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu là cầu nguyện. Ai không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (Sách Đường Hy Vọng, đề mục Cầu Nguyện). Thánh An-phong-sô cũng đã nói như sau: “Sự giàu có của ta là cầu nguyện và ngày nào không cầu nguyện là ngày vất bỏ. Bỏ cầu nguyện là tự dìm mình vào hoả ngục”.

Khi chúng ta không thể đến nhà thờ đọc kinh, dâng lễ, rước lễ, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể sống đạo được. Bởi vì chúng ta vẫn có thể gặp Chúa qua cầu nguyện cá nhân hay trong gia đình.  

Tập trung vào Chúa : Đọc, suy niệm và lắng nghe Lời Chúa

Việc tập trung vào Chúa thúc đẩy chúng ta siêng năng đọc Thánh Kinh, chăm chỉ suy niệm Lời Chúa và nhiệt tình lắng nghe Chúa nói.

Sáng Chúa Nhật ngày 26-1-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã cử hành thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô nhân ngày Chúa Nhật Lời Chúa lần thứ nhất. Nhân dịp này, ĐTC khuyến khích các tín hữu đọc và lắng nghe Lời Chúa để nghe tiếng Chúa mời gọi sám hối thay đổi đời sống mỗi ngày, để Lời Chúa đưa chúng ta ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng. [3]

Trong bài giảng, có đoạn ĐTC nhấn mạnh: “Để theo Chúa Giêsu, những việc làm tốt thôi chưa đủ, còn cần lắng nghe lời mời gọi của Người mỗi ngày. Chỉ có Người, Đấng biết và yêu chúng ta tận thẳm sâu, giúp chúng ta bước ra biển đời. Do đó chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa giữa hàng ngàn tiếng nói mỗi ngày, chỉ có Lời Chúa không nói với chúng ta những sự kiện nhưng về sự sống”.

ĐTC đã kết thúc bài giảng bằng lời mời gọi, Hãy dành chỗ cho Lời Chúa. Mỗi ngày hãy đọc cẩn thận vài câu Kinh Thánh. Và ngài khuyên chúng ta luôn có cuốn Kinh Thánh bên cạnh, trên ghế bành ở nhà, trong túi áo, trên điện thoại. Hãy để Lời Chúa linh hứng cho chúng ta. Chúng ta sẽ khám phá rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, chiếu sáng bóng đêm của chúng ta, dẫn dắt chúng ta bằng tình yêu.

Việc đọc Thánh Kinh đối với phần đông chúng ta có lẽ không dễ dàng gì, vì một phần trong nhà chúng ta không có cuốn Thánh Kinh nào, phần khác chúng ta không có thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh.  

Tuy nhiên đây là một việc rất hệ trọng, bởi không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô (Thánh Giê-rô-ni-mô).

Nhân đây cũng xin nhắc lại thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2005 chủ đề “Sống Lời Chúa”, trong đó đã nhấn mạnh về việc “Tăng cường vai trò ưu tiên của Thánh Kinh”, như sau:

Yêu mến Thánh Kinh không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn là siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Nhìn chung, Kitô hữu Việt Nam còn chưa thực sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng xứng đáng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình.

Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển sâu rộng về mọi phương diện, bởi lẽ Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý đạo đức.

“Ước gì Thánh Kinh, nhất là những trang liên hệ đến đời sống mới trong Đức Kitô, từ Bài Giảng Trên Núi cho đến những lời khuyến thiện trong Thư các thánh Tông đồ, từ các sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước cho đến những lời cảnh tỉnh trong sách Khải Huyền, thực sự trở thành sức mạnh nâng đỡ và ánh sáng soi đường cho chúng ta”.

Vậy trong thời điểm khó khăn này, nếu chúng ta biết tập trung vào Chúa Ki-tô qua việc đọc, suy niệm Lời Chúa trong Thánh Kinh, thì đó một chọn lựa rất khôn ngoan và rất thích hợp.

Tập trung vào Chúa : Đón nhận thánh ý Chúa trong các biến cố

Khi chúng ta tập trung vào Chúa, coi Chúa là trung tâm điểm đời sống thì Chúa sẽ dìu dắt chúng ta đi theo Ngài. Tất cả những biến cố vui buồn xảy tới đều mang dấu ấn của thông điệp Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta thưa với Thiên Chúa là “xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, chúng ta bày tỏ sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa trên chúng ta.

Tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra, thay vì chúng ta khiêm tốn cầu xin để biết đâu là đường lối của Thiên chúa, đâu là kế hoạch của Người, thì chúng ta lại muốn Thiên Chúa làm điều này điều kia như thể ban một vài phép lạ nào đó cho chúng ta, theo ý chúng ta.

Thực ra, ý Thiên Chúa luôn là một mầu nhiệm. Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi” (Is 55, 8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho con người, dù tốt hay xấu, chúng ta một lòng tin tưởng và phó thác vào Chúa quan phòng. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28).

Hiện nay, do tác động của dịch cúm Covid-19, thánh đường không mở cửa, cộng đoàn không có thánh lễ, các quy tụ để cử hành việc đạo đức bị ngưng, tiếng chuông giáo đường im bặt… Tất cả những điều đó có thể khiến chúng ta hoang mang, lo lắng. Đời sống đức tin của chúng ta có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tập trung vào Chúa, bám lấy Chúa, sống kết hợp thân mật với Chúa, thiết tha cầu nguyện với Chúa, chân thành lắng nghe tiếng Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ được sống trong bình an. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. (Mc 6, 50)./.

Aug. Trần Cao Khải

___________

[1] ĐGM GB Bùi Tuần – Làm chứng cho Đức Kitô tới tận cùng trái đất – GP Long Xuyên năm 2000 trang 111
[2] cgvdt.vn
[3] giaophanlongxuyen.org

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận