Tác Viên Loan Báo Tin Mừng và nẻo đường ra đi truyền giáo

2035 lượt xem

TÁC VIÊN LOAN BÁO TIN MỪNG
VÀ NẺO ĐƯỜNG RA ĐI TRUYỀN GIÁO

Michel Trương

Một nguyên lý đặc thù thuộc Sứ vụ Loan báo Tin Mừng (LBTM), một điều tiên quyết để khởi bước dấn thân vào Sứ vụ chính là lòng nhiệt huyết, hay còn được gọi Lửa Truyền Giáo. Với ước mong hun đúc lên ngọn lửa ấy nơi tâm can của thành phần Giáo dân, mà nội dung bài viết sẽ được trình bày dưới đây hân hạnh gửi đến Quý độc giả. Hơn nữa, bài viết cũng xin được đóng góp một số ý tưởng nhằm động viên mọi thành phần có thiện chí, hãy ra sức dấn thân hơn nữa vì Sứ vụ LBTM trên quê hương.

1. Khái quát về danh gọi Tác Viên Loan Báo Tin Mừng2. Ý nghĩa của Tiếng Mời Gọi dấn thân vì Sứ vụ

3. Đặc tính của sự Hiệp Thông trong Sứ vụ LBTM

4. Linh đạo Truyền giáo cho người Tác viên LBTM

      a. Đặc nét Sống Lời Chúa trong Linh đạo

      b. Thể hiện Đặc Nét Máu Đào

      c. Ý nghĩa của đời sống với Đặc nét Ngoại biên

      d. Đặc Nét về đời sống Cầu nguyện và Chiêm niệm

5. Một kiến nghị chân thành hướng đến việc thực hiện khả thi

6. Lời kết trong kêu gọi

1. Khái quát về danh gọi Tác Viên Loan Báo Tin Mừng

Trong khuôn khổ chỉ mô tả lý thuyết thuộc chuyên đề LBTM, thì những ai dù là Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân, nếu mang tâm đắc và dấn thân đáng kể trong Sứ mạng Truyền giáo, cách chung có thể gọi họ là Thừa sai. Tuy nhiên, tại bối cảnh xứ sở Việt Nam chúng ta, trong quá khứ các vị Thừa sai đến từ Châu Âu có công gầy dựng Giáo hội Việt Nam, và đã để lại ấn tượng khá sâu sắc khiến cho một thời, khi dùng từ này người ta dễ liên tưởng tới các Đấng ấy. Ngày nay, nhờ tiếp cận thường xuyên với các văn kiện Giáo hội, nên phần đông đã thông suốt với cách gọi: Thừa sai chuyên biệt, là những Giáo sĩ thuộc Dòng thừa sai hoặc Linh mục triều được chỉ định riêng để lo việc LBTM cho lương dân nơi các vùng truyền giáo, điều mà các Văn kiện hay gọi là Sứ mệnh Truyền giáo Ad Gentes. Tuy nhiên, sau Công đồng Vatican II trong các văn kiện Giáo Hoàng thường thấy sử dụng cách gọi và mô tả công việc LBTM theo một cách hòa lẫn giữa các ngôn từ: Thừa tác viên, Thừa tác vụ, Thừa sai.

Xin được trưng ra vài ví dụ:

– Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI viết: “Rao giảng về điều mà không phải bởi tự ý con người hay tư tưởng cá nhân của họ (2Cr 4, 5), nhưng là Tin Mừng, mà cả họ lẫn Giáo Hội tuyệt đối không thể hành sự tùy ý, nhưng trong vai trò Thừa tác viên mà loan truyền Lời ấy một cách hết sức trung thực”.[1]

– Cũng ở Tông huấn này: “Ta không thể không cảm thấy một niềm vui lớn khi nhìn thấy một đội ngũ đông đảo những Chủ chăn, Tu sĩ, Giáo dân đang tìm kiếm những phương thế thích hợp hơn để rao truyền Tin Mừng một cách hữu hiệu. Ta khuyến khích sự ”mở rộng” mà ngày nay Giáo Hội đang thực hiện trong chiều hướng và ưu tư nói trên. ”Mở rộng” trước tiên cho suy tư, và mở rộng cho các Thừa tác vụ của Giáo Hội có khả năng làm trẻ trung và tăng cường nỗ lực Truyền giáo của mình”.[2]

– Còn trong Thông điệp Redemptoris Missio, Đức Gioan Phaolô II khẳng định: “Nhiều vị Giáo Hoàng ở thời đại gần đây đã từng nhấn mạnh về tầm quan trọng của vai trò Giáo dân tham gia vào hoạt động Truyền giáo. Qua Tông Huấn Christifideles laici, chính Ta, cũng đã minh định về việc ”Công cuộc Truyền giáo là quan tâm đem Tin Mừng đến những người – mà hàng triệu triệu tha nhân gồm Nam và Nữ – mãi giờ này vẫn còn chưa nhận ra Chúa Kitô Cứu Thế đã hiến mình vì nhân loại” và Ta cũng muốn kêu gọi đến thành phần Giáo dân hãy tham gia đối với Sứ mệnh này. Đây là Sứ mệnh có liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa: Giả như một Tân Giáo hội vừa được thiết lập thì cần đến Phép Thánh Thể, vậy phải cậy nhờ đến Thừa tác viên Linh mục, còn Sứ mệnh Truyền giáo, khi hoạt động với các tình huống đa dạng, thì cũng cần có tính năng giống vậy nơi mọi Tín hữu.[3]

Và còn nhiều dẫn chứng khác nữa cho thấy, trong lãnh vực hoạt động LBTM, những ai tích cực dấn thân vì Sứ vụ thì có thể công nhận họ mang tính năng của Thừa Tác Viên. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn dè dặt trong việc sử dụng ngôn từ này một cách rộng rãi, vì có nguy cơ bị lầm tưởng, ngộ nhận theo cách làm suy giảm tính thánh thiêng, hiệu năng của vai trò Thừa tác viên Chức thánh. Ví dụ cũng có thể dùng từ: Thừa tác vụ Giáo lý viên (như đã thấy diễn đạt trong số 73, T.Đ. Redemptoris Missio), thì khuyên nên chuyển bằng cách gọi: Hoạt động Tông đồ Giáo lý viên.

Kết thúc vấn đề, để vẹn cả đôi đường, thì giới chuyên trách trong lãnh vực LBTM đa số tỏ ra đồng thuận với kiến nghị cho danh gọi “Tác Viên Loan Báo Tin Mừng”, để chỉ về những người thể hiện tâm tình nhiệt huyết mà dấn thân cho Sứ vụ này trên cương vị là Giáo dân (cũng có thể bao gồm Tu sĩ). Tuy nhiên, còn kèm với chữ “nếu”, cơ bản là “nếu” họ được đào tạo để truyền thụ kiến thức khả dĩ về Giáo Hội và các tính năng của Sứ vụ; “nếu” họ tâm nguyện chiết ra một phần, dù chỉ là phần được xem tương đối nhỏ, của cuộc sống mà chuyên tâm vì Phần rỗi tha nhân và mở rộng Nước Chúa; họ đón nhận cách hoạt động dưới sự chỉ định và giám sát của Đấng Bề trên, mà tiêu chí các hoạt động đó cho thấy kỳ vọng đem lại hoa trái cho công cuộc LBTM; và cuối cùng là, họ luôn ý thức phấn đấu để thăng tiến bản thân trên đàng Đạo đức và Thánh thiện.[4]

2. Ý nghĩa của Tiếng Mời Gọi dấn thân vì Sứ vụ

Chúng ta sẽ cùng nhau quan sát ở một số gợi ý dưới đây đặng làm thôi thúc cho nhiệt huyết dấn thân vì Sứ vụ LBTM, mà trong thời gian gần đây các Đấng Chủ Chăn đã không ít lần quan tâm nhắc nhở đối với Đàn Chiên của mình. Không phải vì tình hình xã hội chuyển biến hiện tại mà các Đấng ấy tỏ ra quan tâm hơn, nhưng là vì cái bổn phận mà Thầy Chí Thánh đã ủy thác lại cho Giáo Hội trước khi về Trời, mà tận đến giờ, chúng ta xem ra chưa thực sự dốc sức để thực thi cho tương xứng với Tình yêu mà Người ưu ái dành trước cho ta.

– Khi xưa đời sống sinh hoạt của dân Israel được diễm phúc luôn gắn bó trong các Giao ước với Thiên Chúa, và đặc biệt chỉ dành riêng cho dân này mà thôi. Xin được nêu ra vài dẫn chứng được ghi chép trong Cựu ước.

Với ông Abraham: “Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Abraham như sau: Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này….” (St 15, 18)

Với ông Môsê: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta.” (Xh 19, 5)

Với Tiên tri Giêrêmia: “Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.” (Gr 31, 31-33)

Khởi sự từ biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập thể và Cứu Chuộc loài người, thì ý định của Chúa Cha còn muốn cho toàn thể nhân loại cũng được chung hưởng một đời sống gắn bó với Giao ước theo cùng một cách thể như thời Cựu Ước. Và như thế, từ nay Nước Thiên Chúa sẽ chiếu dải trên mọi dân tộc, không riêng gì đối với dân Israel. Ý định nhiệm mầu ấy đã được diễn tả trong Công đồng Vatican II:

Vì thế, với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian[5].

Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x.1Cor 11, 25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa[6].

Do vậy mà, Giáo Hội nay được ủy thác phải chuyên tâm lo thi hành Sứ vụ LBTM đặng rao truyền cho mọi dân nước nhận biết và đón lấy Hồng Phúc là được tiếp nhận vào trong Vương quốc mới, kết quả là hết thảy loài người trên mặt địa cầu, không trừ một dân nào, nếu là “những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa.” (Ga 1, 12)

– Với Lệnh Truyền cuối cùng của Chúa Kitô trước khi Người giã từ trần thế để về Trời, là ủy thác lại cho các Thánh Tông Đồ một Sứ mệnh cao cả, những mệnh lệnh ấy đã được ghi chép trong Phúc Âm: (Mt 28, 19)(Mc 16, 15) và (Lc 24, 48). Ngoài ra, trong Sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1, 8) cũng có ghi chép lại để cho ta thấy về ý định mang đầy tính khẩn trương ấy. Qua một số chứng cứ như vừa nêu, thì cũng đủ giải thích vì sao trong suốt quá trình hơn 2000 năm của thời Tân Ước, Giáo Hội đã không ngừng cực lực thi hành Sứ vụ này và đồng thời cũng hao tốn không ít công sức cùng với xương máu Tử Đạo. Nhưng tiếc thay, với tình cảnh của nền văn minh nhân loại đang phát triển quá đà như hiện nay, chúng ta vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc thực thi Sứ vụ cao cả này. Vậy thì bằng thiện chí nào và phương thức ra sao, hy vọng sẽ giúp cho mọi người hiểu được ý nghĩa hệ trọng của Sứ vụ này mà nhìn ra một định hướng khả thi để có thể ứng phó trước nhiệm vụ mang tính vĩnh hằng và cấp thiết ấy?

– Qua câu nói ý nghĩa Deus Caritas Est, Thiên Chúa là Tình yêu: Một thắc mắc được đặt ra ngay, tại sao không sử dụng cụm từ ấy chỉ bằng tiếng Việt thôi, dù nó vẫn đúng và trọn nghĩa, mà lại phải mượn ngôn ngữ La-tinh đặng làm chi? Xin thưa: Đó là tiếng vọng phát ra từ miệng của nhiều Vị thánh nhân biểu trưng của Thánh thiện và đã thể hiện đời sống nồng nhiệt trong Tình yêu Chúa, gương về một số vị Thánh với đậm nét Tình yêu Thiêng liêng ấy được biết như là Phanxicô Assisi, Giêrađô, Ignatiô, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Cha Charles de Foucauld v.v… Với mong ước được bước theo gương của các Thánh nhân, đồng thời bài viết còn dụng ý để buộc diễn đạt thông qua ý tưởng, nhờ sống trong tâm tình sốt mến như các Thánh Nhân nên được vững tin ra đi LBTM, mà muốn luôn đi trong đường hướng đúng đắn đó thì tất phải được xuất phát từ Tình yêu nơi Thiên Chúa. Do vậy, dù có mang nhiệt huyết tốt lành ban đầu đến đâu, mà thiếu đi sự hun đúc và nuôi dưỡng bởi Tinh yêu Thiêng liêng thì sẽ bị vấp ngã giữa đàng đó vẫn là chuyện đương nhiên từng có trong lịch sử.

Đến đây, xin mời liên tưởng đến ý phát biểu trong Bài viết: Sứ vụ là chia sẻ tình yêu nhận được từ Thiên Chúa, của Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng trưởng Bộ LBTM, để giúp chúng ta có thêm nhận thức về tác động của Tình yêu Thiên Chúa đối với trọng trách Sứ vụ: “Nhà truyền giáo là những người chia sẻ tình yêu Thiên Chúa, rời bỏ sự an toàn, sự thoải mái của cuộc sống và đi đến những vùng ngoại vi của thế giới, giữa những người nghèo và thiệt thòi nhất, giữa những người đau khổ và thiếu thốn, làm chứng bằng cuộc sống rằng Thiên Chúa là tình yêu, và Người yêu thương và hiến mình cho mọi thụ tạo”[7].

– Dấn thân cho Sứ vụ LBTM cũng là một cách thức để liên tưởng về thân phận yếu hèn nơi con người chúng ta. Việc tham gia hoạt động Sứ vụ cũng là dịp đặng tạo cơ hội đền bù quá khứ tội lỗi của mình. Xin được trích lời của Đức Phanxicô để dẫn chứng: “Trong mọi trường hợp, chúng ta được mời gọi để làm chứng cho những người khác một cách rõ ràng về tình yêu cứu độ của Chúa, là Ðấng bất chấp sự bất toàn của chúng ta, đã ban cho chúng ta sự gần gũi của Người, Lời của Người, sức mạnh của Người, và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta… Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; mà trái lại, việc Truyền giáo là một kích thích liên tục để không chìm vào tình trạng tầm thường và để tiếp tục lớn lên. Việc làm nhân chứng cho Đức tin mà mỗi Kitô hữu được mời gọi để thực hiện, ám chỉ một lời khẳng định, như Thánh Phaolô nói: “Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới ….. và tôi chạy thẳng tới đích” (Pl 3, 12-13)”.[8]

Qua một vài ý tưởng bên trên liên quan đến ý nghĩa của Tiếng Mời Gọi, mà hy vọng sẽ luôn được âm vang trong Giáo Hội để thúc giục nhiều người đón nhận một cuộc dấn thân vì Sứ vụ LBTM. Đến đây cũng xin được phép thân mời những Anh, Chị Đồng sự là thành phần mang ít nhiều thiện chí để phụng sự Giáo Hội, chúng ta hãy cùng nhau đối chiếu với câu Phúc Âm: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho. (Mt 6, 33). Như thế có thể cho phép được bày tỏ một thành ý để đưa ra luận giải: Hãy ưu tiên bận tâm lo thi hành Thánh ý Thiên Chúa và Lệnh Truyền của Thầy Chí Thánh trước đã, rồi sau đấy mới tính đến những nhu cầu trần thế khác trong hoàn cảnh của mình mà ước vọng cầu nguyện xin với Người để ban ân huệ gì cho ta.

3. Đặc tính của sự Hiệp Thông trong Sứ vụ LBTM

Đứng trước bối cảnh Giáo Hội đang tiến hành kỳ họp Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới, đã được bắt đầu từ tháng 10/2021 và sẽ kết thúc tại Rôma vào tháng 10/2024. Nhận thấy cũng cần lướt qua đôi chút về ý nghĩa của thời sự đang được bàn luận, nếu xét ngay trên ngôn từ sử dụng, khi biểu trưng cho cách gọi của chủ đề Hiệp Hành, thì đã lãnh hội được một ý nghĩa tiên vàn rất cụ thể: “Giải thích một cách đơn sơ về ngôn từ ”tính Hiệp Hành, Sinodalità”, là chuyển tiếp từ chữ ”tôi” thành ra chữ ”chúng ta”. Nữ tu Becquart đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu tính Hiệp Hành mà Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội thi hành: ví dụ trong một Giáo phận, tính Hiệp Hành hệ tại luôn đồng hành với nhau, và một người không thể tự mình quyết định mà không tham khảo ý kiến người khác, các Linh Mục phải tham khảo ý kiến với Giáo dân. Hiệp hành là đi từ chữ ”tôi” đến chữ ”chúng ta”. “Chúng ta” ở đây là mọi Tín hữu đã chịu Phép Rửa. Đây là định nghĩa ngắn nhất về tính Hiệp Hành[9].

Nay quay sang phần đàm luận về đặc tính Hiệp thông trong ý niệm chuyên biệt thuộc Sứ vụ LBTM, xin có thể được mô tả theo cách đơn sơ như sau.

Với câu Phúc Âm: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về.(Mt 9, 37-38). Bây giờ chúng ta tạm đồng thuận với nhau về ngôn từ “hãy xin”, cũng đồng nghĩa với động thái của “cầu nguyện”. Theo khoa bảng Truyền giáo học, một điểm đáng lưu ý, cầu nguyện không chỉ có việc quỳ gối thinh lặng hướng tâm trí lên cao mà thôi, nhưng còn là, sống đời Chứng nhân bằng các việc Hy sinh, thực hành mọi việc đạo đức, thánh thiện tốt lành có thể được đặng chuyển hóa thành “Lời khẩn xin” cầu cho thu lượm nhiều Hoa trái nơi Sứ vụ LBTM. Đây cũng chính là tiêu biểu của Linh đạo, Sống Hy sinh và Cầu nguyện theo gương Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Từ ý tưởng này mà gần đây trong Giáo Hội Việt Nam đang manh nha hình thành những thiện nhân muốn dấn thân và mang định hướng với danh gọi Tác Viên Loan Báo Tin Mừng.

Kế đến chúng ta cùng quan sát về động thái “hãy xin” sẽ được gắn kết trong ý nghĩa Hiệp thông như sau: “Đặc tính Hiệp Thông theo một quan điểm đặc thù trong Sứ vụ có thể hiểu như là, khi một Nhà Thừa Sai Ad Gentes dự tính khởi bước ra đi để đến vùng truyền giáo thì cần sửa soạn cho mình một cái ba-lô. Trong đó, có chứa vật Thánh dùng cho sinh hoạt Phượng tự, một số sách vở để dưỡng nuôi tư tưởng, đồ dùng cá nhân, một ít tiền của có giá trị để giúp đỡ dân cư nghèo, và như vậy vẫn là CHƯA ĐỦ, mà tất nhiên, còn phải có thêm công đức thánh thiện của nhiều người gộp vào. Những đồng sự này phải thường xuyên sống đời Chứng nhân bằng hy sinh quên mình trong tu luyện để khẩn cầu Ơn Phù Trợ cho Nhà Truyền Giáo đó nữa, đặng cộng thêm vào với cái gốc tự bản thân Ngài ấy đã có quá trình sống tốt lành trong Ơn nghĩa Thánh với Chúa rồi.

Đối lại ý nghĩa Hiệp Thông còn được hiểu, sau khi Vị Thừa Sai đã gặt hái được những Hoa trái gì cho Sứ vụ Truyền giáo, tức thu phục đặng nhiều Tân tòng chịu nhận Phép Rửa. Thì các Nhà truyền giáo này liền liên tưởng ngay đến: Có được thành quả như hôm nay là do bởi còn có rất nhiều thiện nhân khác đã âm thầm lặng lẽ sống đời tận tụy cùng cộng sự với mình mà khẩn nguyện cùng Chúa Thánh Linh thì mới được Ơn Trên ban cho kết cuộc như vậy[10].

Vậy yếu tố Hiệp Thông đối với vai trò của người Tác viên LBTM có thể được diễn đạt theo cách cho dễ hiểu, là để đạt tới một thành quả chung cho Sứ vụ thì cần có nhiều nhóm thành phần nhân lực cùng hành sự bằng những phương thức khác nhau. Thay vì một Tác viên Tin mừng Giáo dân mà đi giảng Đạo thì bao giờ mới thuyết phục được một Lương dân để trở thành tân tòng, trong khi nhờ sự Hiệp thông này mà sẽ mang đến nhiều hy vọng tạo cho các Thừa sai có khả năng thu phục được đông đảo đồng bào Lương dân hơn. Từ đó sự tương tác giữa các thành phần được hiển thị như là, người này phải âm thầm cầu nguyện và tận tụy hy sinh sống đời Chứng nhân để cho nhóm nhân sự khác tác động trực tiếp với Lương dân, mà hưởng lấy cái thành quả Sứ vụ được nhiều người chứng kiến một cách nhãn tiền. Nói Hiệp thông mà không hiện hữu ra chuyện kẻ được người mất, thì về mặt trần thế mà nói, đó chỉ là chuyện cộng tác bình thường mà thôi.

Nói tóm lại, Người Tác viên LBTM sẽ phải phấn đấu con đường tu luyện bằng mọi phương thế phổ biến theo như cách chỉ dạy của Giáo Hội, để trở nên rập khuôn giống như tiêu chí đức độ đòi hỏi nơi các Thừa sai chuyên biệt. Ngoại trừ khác ở hai đặc điểm là: Không thao tác giảng đạo nhằm thuyết phục Lương dân; và cũng không hiện diện ở Vùng truyền giáo Ngoại biên, nhưng họ vẫn duy trì cuộc sống thường ngày như mọi Kitô hữu Giáo dân khác. Sau cùng xin được thân mời hãy cùng theo dõi những lời huấn dạy trong Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II: “Trong số những hình thái tham gia vào Sứ vụ, phương thức hàng đầu vẫn là việc Cộng tác Thiêng liêng: đó là bằng lời cầu nguyện, hy sinh và sống đời Chứng nhân Kitô hữu. Việc cầu nguyện ấy phải đồng hành với các Nhà truyền giáo trong từng chặng đường của họ để việc Loan báo Lời Chúa đem lại hiệu quả nhờ vào Ơn Chúa….”[11].

4. Linh đạo Truyền giáo cho người Tác viên LBTM

Sau khi đã thông suốt được về bản chất và nhiệm vụ của một Tác viên LBTM, nay chúng ta hãy cùng theo dõi về chiều kích Linh đạo của nhóm thiện nhân này. Linh đạo Truyền giáo của người Tác viên LBTM, được biểu trưng thay cho phương thức hành sự, là một đời sống trong cung cách diễn đạt tâm tình nhiệt huyết ước vọng cùng gánh vác chung trong Sứ mệnh Truyền Giáo với các Đấng Thừa sai chuyên biệt Ad Gentes. Linh đạo này hiển thị gồm 4 Đặc nét thuộc tính: Sống Lời Chúa, Máu đào, Ngoại biên và sau cùng là Cầu nguyện Chiêm niệm.

a. Đặc nét Sống Lời Chúa trong Linh đạo

Càng hiểu biết nhiều về Chúa hơn để dễ yêu mến Người hơn (x.Mc 12, 30). Người Tác viên cũng cần có căn cơ hiểu biết về Thánh Kinh ở mức khả dĩ đừng quá yếu, vì ngay trong tên gọi “Loan báo Tin mừng” đã hàm chứa tính năng chính yếu của Sứ vụ rồi. Lòng sốt mến và Đức tin dẫn tới hành động (Gc 2, 17), chính là động năng chìa khóa thôi thúc ta đến và sống với Lời thánh thiêng ấy. Đọc mà thấy yêu Lời rồi hăm hở đem ra thực thi như những gì Lời dạy, và như thế, mới thực sự xứng với danh gọi Chứng nhân Tin mừng.

Tuy nhiên, làm sao có thể quán triệt được hết ý nghĩa Tâm linh huyền diệu, nhất là, ở một số đoạn văn trong Kinh Thánh không đơn giản để hiểu cho đúng nghĩa. Với kinh nghiệm thực tiễn xin được chia sẻ, vậy người Tác viên nên thường xuyên trau dồi để am tường những gì gọi là cơ bản nắm bắt khả dĩ, bằng cách trang bị bên mình cả hai quyển: Lời Chúa Cho Mọi Người, và quyển, Kinh Thánh ấn bản 2011. Sau mỗi lần có dịp đọc Lời Chúa, thì các bạn nên đào sâu thêm ở phần Chú giải Thánh Kinh bên dưới trang với cả hai Phiên bản của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ.

Về mặt thực hành, nếu không liên tưởng gì đến Lời Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày thì lấy gì để xứng với danh gọi sống trong Linh đạo. Xin được trình bày phương thức sau đây, vừa đơn giản vừa phù hợp cho những Tín hữu thông thường, chưa đạt mức thông hiểu cao độ. Mỗi ngày Chúa Nhật khi dự Thánh lễ, chúng ta hết sức chú tâm lắng nghe 3 Bài đọc, thậm chí cả bài Thánh Vịnh Đáp ca, câu chúc tụng Alleluia, rồi từ đó, chọn cho mình chỉ cần một câu, một ý tưởng mà gây ấn tượng nhất để có thể ghi nhớ và dễ áp dụng thực tiễn cho đời sống trong tuần hoặc luôn cả về sau. Nên thường xuyên nhắc lại trong tâm trí về ý tưởng này nhiều lần mỗi ngày, và nhất là, tìm dịp thực thi cho bằng được những gì của ý dạy qua Lời đó. Việc lắng nghe bài giảng chia sẻ của Linh Mục cũng sẽ dễ cho ta chọn được một ý tưởng thích hợp và thông hiểu về nó sâu sắc hơn.

b. Thể hiện Đặc Nét Máu Đào

Ðể trình bày theo cách vắn gọn cho dễ hiểu về Đặc nét Linh đạo này, xin được trích hai đoạn ý tưởng sau đây để tiện dẫn giải:

Ơn gọi Thừa sai phải được biểu hiện sự trọn vẹn dấn thân cho việc Loan báo Tin mừng, một sự dấn thân dành cho con người và chiếm hữu trọn cuộc đời của nhà Thừa sai, đòi buộc họ một sự hiến dâng không giới hạn bằng hết nỗ lực và suốt thời gian trong cuộc sống của họ[12].

“Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi” (1Tx 2, 8)

Hai ý nội dung trên hẳn nhiên đấy là tính ràng buộc trong Ơn gọi Thừa sai dành cho Giáo sĩ hoạt động Truyền giáo chuyên biệt Ad Gentes. Phần các Tác viên thì theo một cung cách cởi mở hơn nhưng cũng được mời gọi, vì còn phải mang bổn phận gia đình và sinh hoạt trần thế, nên chỉ cố gắng chiết ra một phần nhỏ trong cuộc sống mình mà thi hành một số bổn phận nhân đức thánh thiện trong định hướng LBTM. Tuy nhiên có một đặc điểm cần lưu ý, đó là dù trải qua suốt thời gian dài của cuộc sống mà vẫn giữ tính cách đều đặn và có sự bền đỗ trong thực thi.

Ý nghĩa là, vì chúng ta dành riêng ra một phần thời gian, công sức mà thực hiện các tiêu chí hy sinh đều đặn, được hiểu như là, mình bị chết đi một phần của cuộc sống mà thực hành cầu nguyện xin Ơn phù giúp cho công cuộc Truyền giáo của Giáo Hội. Như vậy, cũng thật xứng với danh gọi: Gắn bó trong Linh đạo Truyền Giáo mang Đặc nét Máu Đào.

c. Ý nghĩa của đời sống với Đặc nét Ngoại biên

Xin được giải thích cách dùng ngôn từ “Ngoại biên”, khi một Thừa sai Giáo sĩ đi đến vùng xa xôi “Ngoại biên” cách biệt, nhằm kêu gọi Lương dân tin nhận Chúa và gia nhập Giáo Hội. Theo nguyên tắc chung thuộc Sứ mệnh Truyền giáo Ad Gentes, là đến lúc đã thu phục được tạm đủ số tân tòng thì Vị ấy phải lo thành lập một cộng đoàn Tân Giáo hội địa phương. Trong khi gầy dựng cái Giáo điểm mới toanh ấy, thì Vị thừa sai hết sức quan tâm đến việc dạy dỗ các Tân tòng thực hành sao cho, đúng theo Quy chế luật lệ Hội Thánh. Vì ý thức rằng, về sau khi cộng đoàn này trưởng thành và sinh hoạt Đạo trở nên sung túc, thì sẽ được bàn giao lại việc cai quản cho một Giáo Hội địa phương truyền thống đã có từ trước gần nơi đó. Như thế những tân tòng này cũng sẽ giữ Đạo theo nề nếp quy củ giống như mọi Tín hữu cố cựu lâu đời. Điều oan nghiệt là, nếu như biết dạy người ta sống cho đúng luật, thì chính bản thân Nhà thừa sai, phải ý thức hết sức nghiêm khắc nép mình tuân thủ trong luật lệ Giáo Hội.

Từ nguyên lý này mà dẫn đến hệ quả là, người Tác viên Giáo dân sống Hiệp thông với Thừa sai Giáo sĩ, thì phải luôn ý thức tôn trọng: các quy định trong quy chế luật định Giáo Hội; tham dự các nghi thức Phụng vụ cho thật cung kính và ý thức chín chắn đúng với ý nghĩa mà Hội Thánh chỉ dạy; đề phòng không để bị ảnh hưởng lai căng theo thói mê tín dân gian; tuyệt đối không để mình vì ham muốn được phép lạ hay quyền năng vượt trội mà chạy theo lối sùng tín thái quá hay cả tin vào bè nhóm tiên tri giả. Thực hành như vậy là mang ý nghĩa, vừa phát quang đặc nét chuẩn mực của người Kitô hữu chứng nhân, cũng vừa dùng hy sinh ấy mà chuyển hóa thành Lời khẩn nguyện tốt lành để có được Ơn Phù Trợ cho những Giáo sĩ Truyền giáo.

d. Đặc Nét về đời sống Cầu nguyện và Chiêm niệm

Xin mọi người cùng quan sát một đoạn ý tưởng của một Nhà Truyền giáo học, Felipe Gomez, để từ đó suy diễn ra giá trị của đời sống Cầu nguyện trong thi hành Sứ vụ:

“Thừa sai phải sống đời cầu nguyện để có thể tự khẳng định mà không sợ mình là kẻ khoa trương, như Thánh Gioan bày tỏ về kinh nghiệm Chiêm niệm và chạm tay gần gũi với Chúa (1Ga 1, 1-3). Người thông thái tài cao học rộng hẳn phải có, tổ chức bác ái từ thiện cũng thật cần, nhưng lãnh vực “chuyên nghiệp” của thừa sai chính là đời sống nội tâm, là chiều kích siêu nhiên nơi thân phận con người. Giả dụ Thừa sai có nhiều tài sản, sẵn sàng dấn thân hữu hiệu cho công tác mở mang cùng tiến bộ về mặt kinh tế và văn hóa, mà thiếu hẳn đi chiều kích siêu nhiên, thì e rằng công trình của nhà Thừa sai ấy “chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13, 1). Có được đời sống thiêng liêng đâm rễ sâu trong Thần Khí, thì Thừa sai mới tránh được những cơn cám dỗ khiến cho dễ bùng phát ra lắm trò múa rối tệ hại.”

Bước nâng cao của đời sống Suy niệm và Cầu nguyện, chính là cảnh giới Chiêm niệm. Trong khi giới thiệu về sinh hoạt tâm linh này, các Nhà thần học hầu như đều có phát biểu: “Đó là Ơn huệ đặc thù dành riêng cho một số người”. Tuy vậy, tiêu chí ấy lại là điều đòi buộc đối với các Nhà thừa sai chuyên biệt ít nhiều phải có. Vì thế, mong rằng các bạn Tác viên, nếu có điều kiện thích hợp thì cũng nên tìm cơ hội nghiên cứu và thử nghiệm thực hành về sinh hoạt thánh thiện cao siêu này. Tuy nhiên, cũng cần đặt ra tính cẩn trọng, để tránh sự bồng bột nghĩ ngợi tính năng thần quyền giả tạo, cho nên yêu cầu là, phải tìm hiểu cặn kẽ về động thái Tu đức này với những Vị thông thạo và từng có kinh nghiệm đi trước. Phải tỏ ra hết sức ý thức tính hệ trọng và bảo toàn tấm lòng thành tín mà kiên định: Chỉ vì ước vọng Tình yêu Thiêng liêng mà thôi.

5. Một kiến nghị chân thành hướng đến việc thực hiện khả thi

Để nhập ý cho phân mục, xin thân mời mọi người hãy cùng quan sát một câu trong Phúc Âm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12, 30) Một cách dè dặt để đưa ra nhận xét, thường thì phần đông có vẻ hơi thiếu quan tâm đến cụm từ “Hết trí khôn”. Bài viết xin được trích dẫn vài ý nhận định của chuyên viên Thần học thuộc lãnh vực đào tạo nhân sự để đảm trách trong Sứ vụ LBTM.

Khi đề cập đến nhu cầu đào tạo giáo dân, Linh mục Jess S. Brena S.J. đã viết những dòng sau: “Thật dễ nhận ra rằng đại đa số các Kitô hữu chúng ta đã không được huấn luyện để đảm nhận tích cực phận vụ của mình trong Giáo hội hoặc trong công tác tông đồ. Mọi người có thể công nhận ngay về nhu cầu huấn luyện một cách thích đáng là điều quá rõ ràng và cần thiết. Mặc khác, Giáo dân có quyền được lãnh nhận sự huấn luyện ấy để có thêm nhiều năng lực nhiều hơn trong việc gánh lấy các bổn phận mà Thiên Chúa ủy thác cho họ.

Về điểm này, Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật mới đã công bố rõ ràng: ”Do vậy, ngay khi phải bận rộn với những lo toan trần thế, người Giáo dân cũng có thể và phải thể hiện những nỗ lực xứng đáng để đưa Tin mừng vào trần gian. Đặc biệt, một số người trong họ sẽ vận dụng hết khả năng của mình để đảm nhận các phận vụ thiêng liêng trong trường hợp thiếu linh mục hoặc bị cấm cách. Nhiều giáo dân dấn thân hoàn toàn cho những công tác tông đồ, nhưng công việc mở rộng và phát triển sức mạnh của Nước Chúa Kitô ở trần thế là bổn phận chung của mọi tín hữu. Vì vậy, người Giáo dân cần phải được rèn luyện để nắm vững vàng hơn về chân lý Mạc khải và phải nhiệt thành cầu xin Chúa ban cho mình ơn khôn ngoan” (Hiến chế Lumen Gentium, số 35).

Phải coi sự huấn luyện này là nền tảng và là điều kiện cần thiết cho mọi hoạt động tông đồ đặng hữu hiệu. Và trong Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 29 cũng huấn bảo: ”Bởi việc huấn luyện tông đồ không chỉ đơn thuần về mặt lý thuyết, nhưng phải từng bước và khôn khéo giúp cho người Giáo dân biết xem xét và thực thi mọi sự trong ánh sáng Đức tin. Đồng thời, khi họ hành động biết tiếp tục tự luyện và trở nên hoàn thiện cùng với người khác. Được như vậy họ sẽ phục vụ Giáo hội một cách tích cực. Việc huấn luyện này cần được hoàn thiện luôn mãi vì con người ngày một trưởng thành và vì những vấn đề thực tại luôn trong tình thế biến hóa…”[13].

Ngoài ra, Đức Gioan Phaolô II cũng có đề cập đến nhiệm vụ này đối với những Vị đảm trách việc cai quản Giáo Hội: “Nhiệm vụ của các Mục tử là đảm bảo cho các Giáo dân được huấn luyện để trở thành các Nhà truyền bá Tin Mừng, có khả năng đối diện với những thách đố của thế giới ngày nay, không phải bằng sự khôn ngoan và hiệu năng của thế gian, mà chính là bằng một tâm hồn đã được chân lý Chúa Kitô đổi mới và củng cố. Trong lúc làm chứng cho Tin Mừng ở mọi lãnh vực đời sống xã hội, người tín hữu Giáo dân có thể giữ một vai trò độc nhất vô nhị là xóa bỏ những bất công, áp bức và để làm được điều này họ cũng cần phải nhận được sự đào tạo thích đáng. Muốn như thế, tôi xin hiệp ý cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng để đề nghị thành lập ở cấp Giáo phận hay cấp quốc gia những trung tâm đào tạo Giáo dân, để chuẩn bị cho họ thực thi công việc Truyền giáo như những Chứng nhân của Đức Kitô tại Châu Á ngày nay[14].

Và sau cùng là Đức Phanxicô cũng không quên ban những lời huấn dạy như sau: “Thành phần chủ yếu giáo dân chiếm đa số hầu hết trong cộng đồng Dân Chúa. Vì nhu cầu phục vụ cho họ, nên có một thiểu số: là những thừa tác viên có chức thánh. Ý thức về căn tính và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội đang được lớn dần. Chúng ta cần cậy nhờ đến thành phần giáo dân, tuy thiện chí họ chưa hẳn là đủ, nhưng có mang trong mình ý thức vì cộng đồng được đâm rể sâu và lòng trung thành vững vàng để dấn thân trong các việc bác ái, dạy giáo lý và biểu hiện niềm tin. Nhưng việc nhận thức đón lấy trách nhiệm trong vai trò giáo dân xuất phát từ hiệu năng của Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức không hẳn được thể hiện cùng cách như nhau đối với mọi người. Trong một số trường hợp bởi vì họ không được đào tạo để đảm nhận những trách nhiệm quan trọng, hoàn cảnh khác vì không tìm ra chỗ đứng nơi Giáo Hội địa phương để đặng cơ hội thể hiện khả năng và hành sự, và cũng bởi tình hình phổ biến giáo sĩ trị nên gạt họ ra bên lề của các quyết định. Cũng vậy, dẫu người ta có đặt cách phần lớn những ai có tham gia quan trọng đặng vào chức năng Thừa tác viên giáo dân, thì việc phục vụ vì chức danh đó cũng không tác động gì nhiều để làm thâm nhập các giá trị Kitô vào trong giới xã hội, chính trị và kinh tế. Nhiều lần người ta thấy tính hạn chế đối với nhiệm vụ bản thân Giáo Hội đã không thực sự tận tâm trong việc đem Tin Mừng nhắm tới khả năng làm chuyển hóa xã hội. Việc đào tạo giáo dân và thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng ở cấp độ chuyên môn và trí thức cũng tiêu biểu cho một thách đố mục vụ quan trọng[15].

Qua những lời ưu tư nhắc nhở và kêu gọi của các Đấng Chủ Chăn, trong tâm thức muốn dâng hiến của mọi thành phần Tín hữu đang mang nhiệt huyết vì Sứ vụ, chúng ta cần giữ thái độ không gì bằng, là mong đợi đến khi các Vị Cai quản có lên được một chương trình huấn luyện đào tạo liên quan Sứ vụ thì sẽ tích cực hưởng ứng ngay. Vì rằng, thiện chí có là bao thì, theo lẽ tự nhiên con người, cũng cần phải có được một tri thức hiểu biết cho cân xứng.

6. Lời kết trong kêu gọi

Nhóm cộng sự trong việc soạn thảo để thực hiện nội dung này, bằng tâm tình đơn sơ mà phát biểu, thông qua các chứng tá kinh nghiệm thực tiễn mà cảm nhận được, xin phép được diễn ý theo cách dưới đây đặng thay cho Lời Kết.

Khi trải qua quá trình trung tín tận tụy trong đời hiến dâng vì Sứ vụ LBTM, nếu luận theo Niềm tin thuộc phạm trù Thiêng liêng, thì chúng ta có thể đặt Lòng Trông Cậy vào Thiên Chúa, là Đấng Lòng Lành thấu suốt mọi việc và sẽ đoái nhìn tới lòng thành khẩn nơi con người. Tuy nhiên, vẫn có thể được ân điển để chúng ta ước vọng về điều dựa trên luận giải Thần học liên quan đến tính Hiệp Thông trong Sứ vụ Giáo Hội. Khi các Anh Chị Em Tác viên theo đuổi chí hướng dấn thân vì Sứ vụ LBTM, cộng với lòng thành tín mà phấn đấu sống theo 4 Đặc nét Linh đạo Truyền giáo như trình bày, và nếu như Thiên Chúa đón nhận tấm lòng tận hiến ấy như đã đón nhận Lễ vật Abel, tôi trung của Ngài, thì hẳn các bạn sẽ được thăng tiến trên đàng nhân đức thánh thiện, mang sắc thái biểu trưng một đời sống tốt lành xuất phát từ thiện chí gắn bó trong Linh đạo ấy. Khi chúng ta nhận thức được sự thăng tiến như thế và cảm nhận nơi mình Lòng sốt mến ngày một hơn, thì tin chắc là, ở nơi phương trời xa xôi nào đó, có những Giáo sĩ Thừa sai chuyên biệt cũng đang đạt được những thành quả mỹ mãn ngoài mong đợi.

Nhìn sang một chiều hướng khác, qua Lời dạy của Đức Kitô: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại (Lc 6, 38), mà “Cái cho” mình muốn chọn lại là “dấn thân vì Sứ vụ” thì ắt được xem là xứng đáng vượt trội. Đây cũng là ngụ ý ở cuối Bài viết muốn diễn đạt, theo kinh nghiệm được chia sẻ bởi những đồng sự cũng là Giáo dân từng có tâm đắc và đã qua quá trình gắn bó trong Linh đạo, không thể phủ nhận về Hồng phúc hiện diện song hành trên đàng tu đức và cuộc sống đối phó với thực tại trần thế. Thêm vào đó, căn cứ vào sự kiện khác trong Phúc Âm: “Ông Phêrô thưa: Thầy coi phần chúng con đã bỏ những gì mà theo Thầy…….” (Lc 18, 28-30), vậy trong tâm tình khiêm tốn và phó thác, chúng ta vững tin rằng, không những bản thân sẽ được nắm phần chắc hưởng nhờ Ơn Cứu độ, mà còn có thể đón nhận thêm muôn vàn Ơn lành khác cho con cháu, người thân chúng ta, đời này và đời sau.


[1] Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 15

[2] Ibid, số 73

[3] Thông điệp Redemptoris Missio, số 71

[4] Trích trong Tập San Hiệp Thông, bản tin HĐGM VN số 114; Tựa đề: Tiêu Đề Huấn Luyện Tác viên LBTM, trang 117; tác giả: Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long

[5] Hiến chế Lumen Gentium, số 5

[6] Ibid, số 9

[7] Website: vaticannews.va/vi/church/news/2021-02/dhy-tagle-su-vu-chia-se.html

[8] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 121

[9] Website: hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-toi-cung-di-voi-anh-tim-hieu-khai-quat-ve-y-nghia-hiep-hanh-synodality–42793

[10] Trích trong bản Báo cáo sau kỳ Đại hội LBTM lần V, được tổ chức do Ủy Ban LBTM kết thúc ngày 29/09/2022. Bài viết mang tựa đề: “ĐỊNH HƯỚNG MỘT CƯƠNG LĨNH CHUNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO DÂN”

[11] Thông điệp Redemptoris Missio, số 78

[12] Ibid, số 65

[13] Trích: NGÀI GỌI CON, CON ĐÂY, Thủ Bản huấn luyện Tông Đồ Giáo Dân, trang 145-148, Nhà xuất bản: Trung Tâm Đào Tạo và Thăng Tiến Đài Bắc – Đài Loan, 1984.

[14] Tông huấn Ecclesia in Asia, số 45

[15] Tông huấn Evangelii Gaudium, số 102

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận