Suy tư của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức 16 về luật độc thân linh mục

1482 lượt xem

Đức nguyên Giáo hoàng và Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phụng tự đã suy tư về chủ đề độc thân linh mục trong một cuốn sách. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về chủ đề này nhiều lần.

Một cuốn sách về chức linh mục mang chữ ký của Đức nguyên Giáo hoàng Joseph Ratzinger và Đức Hồng y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự, sẽ được xuất bản tại Pháp vào ngày 15/01. Những đoạn được báo Le Figaro đăng trước cho thấy rằng với đóng góp của mình, các tác giả tham gia vào cuộc tranh luận về luật độc thân và về khả năng phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn. Đức Giáo hoàng Ratzinger và Đức Hồng y Sarah – tự định nghĩa mình là hai giám mục “trong sự vâng phục con thảo đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô”, đang “tìm kiếm sự thật” trong một “tinh thần yêu quý sự hiệp nhất của Giáo hội” – bảo vệ kỷ luật độc thân và đưa ra những lý do mà theo quan điểm của các ngài, các ngài khuyên không nên thay đổi luật này. Vấn đề độc thân được nói đến trong 175 trang của cuốn sách, với hai bản văn, một của Đức Giáo hoàng và một của Đức Hồng Y, cùng với phần giới thiệu và kết luận được ký bởi cả hai tác giả.

Trong văn bản của mình, Đức Hồng y Sarah nhắc lại rằng “có một mối liên hệ bản thể – bí tích giữa chức linh mục và đời sống độc thân. Bất kỳ việc làm nào làm suy yếu liên kết này sẽ đặt vấn đề về huấn quyền của Công đồng và của các Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI. Tôi cầu xin Đức Giáo hoàng Phanxicô bảo vệ chúng ta cách dứt khoát khỏi khả năng này bằng cách phủ quyết bất kỳ sự làm suy yếu nào về luật độc thân linh mục, ngay cả khi chỉ giới hạn ở một khu vực này hoặc một khu vực khác”. Hơn nữa, Đức Hồng y Sarah còn miêu tả khả năng phong chức cho những người nam đã có vợ là “một thảm họa mục vụ, một sự nhầm lẫn về giáo hội học và sự tối tăm trong sự hiểu biết về chức linh mục”.

Trong phần trình bày ngắn gọn của mình, khi suy tư về chủ đề này, Đức Biển Đức XVI quay trở lại cội nguồn Do Thái của Kitô giáo, khẳng định rằng chức linh mục và độc thân đã được hợp nhất kể từ khi bắt đầu “giao ước mới” của Thiên Chúa với nhân loại, được thiết lập bởi Chúa Giêsu. Và ngài nhắc lại rằng “trong Giáo hội cổ xưa”, nghĩa là trong thiên niên kỷ thứ nhất, đã có “những người nam đã kết hôn có thể lãnh nhận bí tích truyền chức chỉ khi họ cam kết tiết chế tình dục”.

Độc thân linh mục không và chưa bao giờ là một tín điều. Đó là một kỷ luật giáo hội của Giáo hội Latinh, nó tượng trưng cho một món quà quý giá, như tất cả các Giáo hoàng sau này xác định. Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương cho phép khả năng phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn và ngoại lệ cũng đã được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cho phép đối với Giáo hội Latinh trong Tông Hiến “Anglicanorum coetibus” – các nhóm Anh giáo, dành cho các mục sư Anh giáo xin hiệp thông với Giáo hội Công giáo “Anglicanorum coetibus” dành riêng cho các mục sư Anh giáo, những người muốn hiệp thông với Giáo hội Công giáo; tài liệu dự liệu việc chấp nhận những người nam đã kết hôn, trong từng trường hợp cụ thể, lãnh nhận chức linh mục, theo các tiêu chí khách quan được Tòa Thánh phê chuẩn”.

Cũng đáng ghi nhớ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng đã nhiều lần thể hiện ý kiến của mình về chủ đề này. Khi còn là một Hồng y, trong cuộc trò chuyện với Rabbi Abraham Skorka, ngài đã giải thích rằng ngài ủng hộ việc duy trì tình trạng độc thân: “với tất cả các ưu và nhược điểm, trong mười thế kỷ đã có nhiều kinh nghiệm tích cực hơn là sai lỗi. Truyền thống có giá trị và hiệu lực.” Trong cuộc đối thoại với các nhà báo trên chuyến bay từ Panama trở về Roma hồi tháng 1 năm ngoái, Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng trong các Giáo hội Công giáo Đông phương, lựa chọn độc thân hoặc kết hôn trước khi chịu chức phó tế là có thể; nhưng ngài nói thêm, liên quan đến Giáo hội Latinh: “Tôi nhớ câu nói của thánh Phaolô VI: Tôi thà hy sinh sự sống của mình hơn là thay đổi luật về độc thân. Nó xuất hiện trong đầu tôi và tôi muốn nói điều đó, bởi vì đó là một câu nói can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn thế này, những năm 1968/1970 … Cá nhân tôi nghĩ rằng độc thân là một món quà dành cho Giáo hội. Thứ hai, tôi không đồng ý với việc cho phép việc độc thân tùy chọn, không.” Trong câu trả lời của mình, ngài cũng nói về cuộc tranh luận giữa các nhà thần học về khả năng miễn trừ cho một số vùng xa xôi, như các đảo ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ngài nói rõ, “tôi không có quyết định đó. Quyết định của tôi là: độc thân tùy chọn trước khi chịu chức phó tế. Nó là một ý kiến của tôi, một cái gì đó cá nhân, tôi sẽ không làm điều đó, điều này rõ ràng. Nó là điều đã đóng lại, đúng không? Có lẽ. Nhưng tôi không muốn đến trước mặt Chúa với quyết định này.”

Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazon được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 và chủ đề này đã được tranh luận ở đó. Như có thể thấy ở tài liệu chung kết, có những giám mục đã hỏi về khả năng phong chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn đã kết hôn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vào ngày 26 tháng 10, trong bài phát biểu kết thúc Thượng Hội đồng, Đức Giáo hoàng, sau khi đã theo dõi tất cả các giai đoạn của các bài phát biểu và thảo luận trong hội trường, đã không đề cập đến bất kỳ cách nào về chủ đề phong chức linh mục cho người nam đã kết hôn, kể cả chỉ nói qua. Thay vào đó, ngài nhắc lại bốn chiều của Thượng hội đồng: đó là sự hội nhập văn hóa; chiều kích sinh thái; chiều kích xã hội; và cuối cùng là chiều kích mục vụ, điều bao gồm tất cả. Cũng trong bài phát biểu đó, Đức Thánh Cha đã nói về sự sáng tạo trong các sứ vụ mới và về vai trò của phụ nữ; và khi đề cập đến việc thiếu giáo sĩ ở một số khu vực truyền giáo, ngài nhắc rằng có nhiều linh mục từ một quốc gia đã đến với thế giới thứ nhất, ví dụ, Hoa Kỳ và Châu Âu, và không có đủ linh mục để gửi đến khu vực Amazon của cùng quốc gia đó.”

Cuối cùng, điều quan trọng là Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong khi cảm ơn các phương tiện truyền thông, đồng thời cũng yêu cầu họ giúp đỡ: “trong việc phổ biến Tài liệu chung kết, họ sẽ tập trung trên hết vào các khía cạnh, là phần quan trọng hơn, phần mà Thượng hội đồng thực sự diễn tả tốt nhất: chiều kích văn hóa, chiều kích xã hội, chiều kích mục vụ và chiều kích sinh thái. Sau đó, Đức Giáo hoàng đã mời họ tránh rơi vào nguy cơ tập trung vào việc “bên nào thắng và bên nào thua” khi nhìn vào những gì được quyết định liên quan đến các vấn đề kỷ luật.

Andrea Tornielli

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận