Giáo xứ Tĩnh Giang: 27 anh chị em dự tòng lãnh nhận các bí tích Khai tâm Kitô giáo

2071 lượt xem

Vào lúc 19g30, tối thứ Bảy, ngày 11/01/2019, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận đã viếng thăm và chủ sự Thánh lễ ban các bí tích khai tâm Kitô giáo cho 27 anh chị em dự tòng tại Giáo xứ Tĩnh Giang.

Mở đầu Thánh lễ, ngỏ lời với cộng đoàn, Đức cha Phaolô nói: “Thánh lễ ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo hôm nay là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân để trở nên con người mới, sống đúng tinh thần của Đức Giêsu là sống bác ái, yêu thương với hết thảy mọi người”.

Giảng trong Thánh lễ, Đức cha Phaolô gợi nhắc lại việc Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã đồng hóa mình với những con người thời bấy giờ để chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả. Đây là một khởi đầu mới của mầu nhiệm Nhập Thế lớn lao nhưng Người thực hiện ngang qua lựa chọn rất nhỏ bé và khiêm tốn. Nghi thức của Gioan Tẩy Giả đã tỏ ra thời đại Đấng Cứu Thế sắp đến. Chính ông đã tôn vinh Đức Giêsu: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 29-30). Và chính Gioan cũng đã căn ngăn và nói rằng, chính loài người tội lỗi chúng ta mới được Đức Giêsu làm phép rửa.

Nhưng tại sao Đức Giêsu, Đấng Thánh, là Thiên Chúa, Đấng siêu việt tuyệt đối, lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài”, Đấng mà Gioan đã từng loan báo là “chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian” hôm nay lại xếp hàng với đám đông người tội lỗi, chờ đến lượt mình để được chịu phép rửa. Đấng xóa tội trần gian mà lại đến xin làm phép rửa thanh tẩy tội lỗi. Như thế không có nghĩa là Đức Giêsu cũng là con người tội lỗi, Ngài lãnh nhận phép rửa là để thực hiện thánh ý Thiên Chúa Cha, rằng cuộc nhập thế của Ngài phải đi đến tận cùng, phải chung chia với kiếp người tội lụy để thấu cảm và sẻ chia với phận người yếu đuối, như tác giả thư gửi tín hữu Do thái đã diễn tả về sự liên đới của ĐGS với thân phận con người yếu đuối của chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. Có như thế, công cuộc cứu chuộc của Ngài mới thật sự mang lại ơn ích cho con người được. Hành vi này nói lên sự tự hạ đến tận cùng của Đức Giêsu khi mang thân phận phàm nhân để cứu con người tội lỗi chúng ta.

Nhắn nhủ với 27 anh chị em tân tòng, Đức cha Phaolô nói: Cuộc gặp gỡ Chúa và anh chị em hôm nay là cuộc gặp gỡ đưa lại sự đổi mới toàn diện con người anh chị em, khép lại quá khứ của bóng tối và tội lỗi, đồng thời mở ra tương lai của ánh sáng, ân sủng và sự sống mới. Với 27 anh chị em tân tòng, từ nay anh chị em là từ những người ngoại đạo trở thành người có đạo; từ những lương dân trở nên người tín hữu; từ kẻ xa lạ trở thành người nhà của Thiên Chúa. Bởi đó, hôm nay quả là một hồng ân vô cùng lớn lao đối với 27 anh chị em chúng ta đây – những người có lòng tin tưởng vô biên trong tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em này để mỗi người tiếp tục sống loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Chúa, hầu dẫn đưa nhiều người trở lại với đạo Chúa.

Cuối thánh lễ là những tâm tình đơn sơ của đại diện các tân tòng bày tỏ với Đức Cha, quý cha, quý sơ, quý thầy cô giáo lý viên, quý thân ân nhân và cộng đoàn hiện diện. Cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Tĩnh Giang hân hoan có thêm 27 thành viên mới. Tràng pháo tay rộn ràng biểu tỏ niềm vui, tình hiệp nhất, liên đới, yêu thương của cộng đoàn dành cho anh chị em tân tòng được gia nhập gia đình Hội Thánh.

Trong lời đáp từ, Đức Cha Phaolô cũng nói lên tâm tình tạ ơn Chúa, tạ ơn nhau, cách riêng với các tân tòng và gia đình đã quảng đại đáp lại lời Chúa mời gọi trong cuộc sống kitô hữu mới mẻ và chắc chắn cần nhiều nỗ lực từ bản thân mỗi người và sự nâng đỡ, chia sẻ tận tình của toàn thể cộng đoàn và mọi người thân. Đức Cha cũng không quên chúc mọi người có niềm vui, an bình và những điều tốt đẹp nhất trong năm mới này.

Francis Cao

Có thể bạn quan tâm

Trả lời