Suy Niệm Tin Mừng – Khánh Nhật Truyền: Môn Đệ Truyền Giáo Với Lòng Bừng Cháy

2744 lượt xem

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

(Is 60, 1-6; Tv 18; Rm 10,9-10; Mt 28,16-20)

Môn Đệ Truyền Giáo Với Lòng Bừng Cháy

Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,16). Truyền giáo là chân tính của Giáo hội Chúa Kitô. “Được rửa tội và được sai đi”, sứ vụ của mọi người trên bình diện chung của mọi kitô hữu, “được thánh hiến cho sứ mạng” là sứ vụ cụ thể đối với chúng ta, linh mục, tu sĩ. “Được sai đi” gắn liền với Bí tích Rửa tội. Đó là sứ mạng của một “dân tộc cho mọi người”, “toàn thể dân Chúa loan báo Tin mừng”, Đức Phanxicô khẳng định: “Loan báo Tin mừng là nhiệm vụ của Hội thánh. Hội thánh trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa” (EG 111).

Cần ý thức linh đạo truyền giáo trong đời sống Kitô hữu, một nền linh đạo được linh hoạt hóa bởi những yếu tố quan trọng, trong đó, nhà thừa sai phải là người mang lấy những đặc tính: có niềm khao khát cháy; bám chặt vào Thiên Chúa; con người của bình an và khẳng khái.

  1. Môn đệ truyền giáo – lòng bừng cháy niềm khát khao

Truyền giáo là căn tính và làm nên căn tính của từng người chúng ta. Cái gì làm nên chúng ta, chúng ta cần trân quý và phong nhiêu nó. Là chân tính, truyền giáo phải là ưu tư, khát vọng của toàn bộ hiện hữu chúng ta. Vậy nên, chúng ta phải đặt mình trong dịch chuyển linh hoạt của một thừa sai với “lòng hăng say”, “bừng cháy” của những “môn đệ truyền giáo”. Quả thực, toàn thể dân Kitô giáo, nhờ sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và thúc đẩy tới truyền giáo. Tông huấn Evangelii Gaudium dạy:

Do Phép rửa, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19). Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo. […]. Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô: chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo” (EG 120).

Từ việc ý thức ơn gọi và sứ mạng làm nên hiện hữu của mình – “môn đệ truyền giáo”, chúng ta cần luôn để cho lòng mình bừng cháy khát vọng truyền giáo, một nỗi khắc khoải thường trực và cấp thiết: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2). Chỉ trong cảm thức Giáo hội – sensus Ecclesiae và cảm thức với Giáo hội – sensus cum Ecclesia, chúng ta mới có thể đặt mình trong dịch chuyển năng động của việc truyền giáo với một khát vọng nồng cháy để loan truyền những kỳ công của Đấng “đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9). Khát vọng này cần được nuôi dưỡng bằng việc ý thức căn tính và làm triển nở nó trong đời sống thân mật với Thiên Chúa, đồng thời không ngừng khẩn nài Chủ ruộng làm cho chúng ta trở thành những trợ gặt đúng nghĩa.

Thánh Grêgôriô Cả dạy “thế giới đầy dẫy linh mục, nhưng họa lắm mới có người hoạt động trong cánh đồng của Thiên Chúa”.[1] Chúng ta cũng có thể diễn dịch câu này thành: Thế giới đầy kitô hữu, đầy giám mục, linh mục, người thánh hiến, nhưng họa hiếm mới thấy những người thợ đích thực trong cánh đồng truyền giáo. Vậy nên, chúng ta khẩn nài xin Chúa cho chúng ta có “lòng bừng cháy” khát khao và “bước chân nhanh” trên hành trình sứ vụ của những bước chân đẹp loan báo Tin mừng.

  1. Người tín thác, bám chặt vào Thiên Chúa

Truyền giáo không nhất thiết phải băng mình trên những vùng truyền giáo, tiên vàn là nỗi khát khao và thực hiện nó trong một modus vivendi và modus operandi – phong cách sống và hành động theo ơn gọi riêng của chúng taThánh nữ Têrêsa Lisieux chưa một lần đặt chân tới một miền truyền giáo nào, nhưng lại trở nên bổn mạng của các xứ truyền giáo. Tại sao? Bởi vì ngài luôn sống trong sự tròn đầy cảm thức căn tính của mình. Ngài nối kết với bước chân của các thừa sai trong bức tường đan viện bằng lời cầu nguyện, bằng những hy sinh với một niềm tín thác, bám chặt vào Thiên Chúa cho sứ mạng này.

Ngày 15.10.2023, Đức Phanxicô đã công bố Tông huấn “C’Est La Confiance – Chính sự tin tưởng”, nói về Thánh Têrêsa Lisieux. Theo Đức Thánh Cha, Thánh Têrêsa Lisieux chỉ cho chúng ta điều cốt yếu trong Giáo hội sứ mạng, đó là tình yêu và sự tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Phân tích kinh nghiệm thiêng liêng của thánh nữ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu “đã mời gọi ngài đi truyền giáo”. Thánh nữ đã vào dòng Cát Minh “để cứu các linh hồn”. chính sự tin tưởng dẫn tới ơn gọi Tình yêu. Vị thánh trẻ Têrêsa đã diễn tả tâm hồn truyền giáo của mình như thế này: “Tôi cảm thấy rằng ngọn lửa tình yêu càng đốt cháy trái tim tôi (…) thì càng có nhiều linh hồn đến gần tôi, các linh hồn này càng chạy nhanh đến với hương thơm của Đấng Yêu dấu của họ, bởi vì một tâm hồn đang cháy bỏng tình yêu không thể cứ đứng yên”.

Trong chỉ thị cho các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi họ đặt niềm tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa trong hành trình đường trường và thập giá “chiên đi giữa bầy sói”: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4). Nhà thừa sai – môn đệ truyền giáo là người thanh thoát, được chọn giữa thế gian, sử dụng những phương tiện của thế giới, nhưng không bám víu vào thế gian mà tín thác, bám chặt vào Đấng sai mình. Đây là chỉ thị mà mỗi môn đệ truyền giáo phải lưu tâm luôn. Truyền giáo là một sứ mạng, sứ mạng thần linh. Sứ mạng này được linh hoạt hóa và được nhập thể trong từng bối cảnh khác nhau với những phương tiện khác nhau bởi sức mạnh của Thánh Thần.

Nhà truyền giáo cần khả năng thích nghi, và tất nhiên cần sử dụng những phương tiện trần thế để thực thi sứ mạng, nhưng tuyệt đối không được cậy dựa vào những của cải, những tổ chức của thế gian. Khi bám víu vào trần thế và những gì thuộc về nó, nhà thừa sai, môn đệ truyền giáo có nguy cơ biến Tin mừng trở thành đối tượng, phương tiện phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc tổ chức trần thế.

Thợ thì đáng được trả công”, môn đệ truyền giáo được bảo đảm bởi quyền năng của Đấng Phục sinh, bởi hoa trái của Tin mừng. Công bộc của môn đệ truyền giáo không phải là một khoản lương được chi trả cho tác vụ mà là Tin mừng được loan báo, nghĩa là niềm vui Tin mừng được thông truyền và được đón nhận. Đó là vẻ đẹp của “những bước chân của sứ giả Tin mừng” (Rm 10,16).

Chúng ta tham dự vào các hoạt động bác ái xã hội, giáo dục, ý tế… để thi thố đặc sủng của mình nhằm lan tỏa Tin mừng trong tác vụ đặc thù và riêng biệt. Đó là những phương tiện, những cách thế, những môi trường để chúng ta sống và thực thi ơn gọi và tác vụ của mình, chứ không phải là mục đích. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô là “trở nên mọi sự cho mọi người”, để “chinh phục” mỗi người cho đức Kitô, để “cứu” bằng mọi giá ít là một số người. “Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin mừng” (1Cr 9,23).

  1. Người của bình an và của chuẩn mực Tin mừng

Hành trang và sứ điệp mà người môn đệ truyền giáo cưu mang và thông truyền không phải thứ gì khác mà là bình an. Chúa Giêsu chỉ thị cho các môn đệ: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Bình an mà chúng ta thông truyền không phải là kiểu “an nhàn”, “thư thái” của thế gian hay một bài tham luận về sự bình an, mà là một Con Người, Hoàng Tử Thái Bình, Đức Giêsu, Niềm vui Tin mừng. Vậy nên, môn đệ truyền giáo là con người của bình an, của niềm vui.  Khi đó, sứ điệp trở nên xương thịt của nhà thừa sai, người được Kitô hóa, toàn nhập như Thánh Phaolô: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15).

Bình an là niềm vui và ánh sáng đem lại sự giải thoát cho con người như Isaia trong bài đọc thứ nhất tiên báo: “Hãy đứng lên, hãy tỏa sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, và vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi” (Is 60,1). Bình an thì hợp nhất, liên kết mọi người trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân, phá tan sự phân mảnh, bất hòa.

Môn đệ truyền giáo là con người của bình an, con người xây dựng hòa bình trong nhân tâm là ơn cứu độ. Đó là mục đích của việc truyền giáo. Tuy nhiên, bình an của Thiên Chúa không phải là sự thỏa hiệp với những người chối bỏ sự bình an, khước từ ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ: Nếu người ta không đón tiếp anh em, thì hãy ra khỏi thành, ngay cả bụi dính ở chân cũng bỏ lại. Nhà truyền giáo cần có sự khẳng khái, thẳng thắn của Tin mừng. Trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu lấy một số người, nhưng cũng nhất quán theo quy chuẩn Tin mừng, không bao giờ được thỏa hiệp để bán rẻ, đổi chác giá trị Tin mừng vì bất kỳ lý do nào của tình thần thế gian. Đức Phanxicô dạy cần biết nói không với: nền kinh tế loại trừ,  với ngẫu thần tiền bạc, với sự bất bình đẳng, với ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng, với thái độ bi quan, với tinh thần thế tục thiêng liêng. Và nói có với: thách thức của một nền linh đạo truyền giáo và nhất là nói có với tương quan mới do Đức Kitô mang tới (EG 53-101).

Như một lời kết:

Truyền giáo là sứ mạng làm nên hiện hữu của chúng ta, không có một lý do nào biên minh cho việc thoái thác sứ mạng sống còn này. “Sự khiếm khuyết của chúng ta không thể là cái cớ để tránh né; trái lại, truyền giáo là một kích thích để chúng ta không ở yên trong tình trạng tầm thường nhưng phải tiếp tục lớn lên” (EG, 121). Đức Phanxicô mời gọi:

“Chúng ta hãy lên đường một lần nữa, hãy để mình được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. Chúng ta hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người.[2]

Lm. Hoa Thập Tự
Nguồn: dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận