Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa – Năm B

2470 lượt xem

SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – NĂM B
Lời Chúa
: Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mc 1,7-11

Mục lục

1. DÒNG SÔNG NHỎ – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

2. MỘT KỶ NGUYÊN MỚI – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

3. SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA – Lm. Anphong Trần Đức Phương

4. CHÚA CHỊU PHÉP RỬA, CẢ TRẦN GIAN ĐƯỢC THÁNH HÓA – Antôn Nguyễn Văn Độ

5.SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘITGM Giuse Ngô Quang Kiệt

——————————————————————-

1. DÒNG SÔNG NHỎ – Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Khi Minh Sư trở nên già yếu và bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần. Minh Sư bảo họ: “Nếu như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?”. Các đệ tử hỏi lại: “Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?”

Nhưng Minh Sư im lặng, ngài không nói lời nào. Khi ngài sắp lìa trần, một lần nữa các đệ tử hỏi thêm: “Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?”

Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: “Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông…” (Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”).

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa nhật thứ I mùa Thường Niên hôm nay nhắc đến một dòng sông có tên là Giođan, nơi Chúa Giêsu đã đến sau 30 năm sống âm thầm ẩn dật ở Nazareth. Bên dòng sông này, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy Giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa. Phụng Vụ khép lại Mùa Giáng Sinh và mở ra Mùa Thường Niên. Không còn những tưng bừng bên ngoài, nhưng là sâu lắng niềm vui cùng đồng hành mùa cứu độ trong thiên tính và nhân tính của Đấng Cứu Thế.

Việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa từ tay Gioan là sự hạ mình sâu thẳm và là một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Cựu ước và Tân ước. Biến cố này không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mông ghe thuyền qua lại thì dòng sông Giođan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng sông Giođan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Giođan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Giođan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Chúa Giêsu đã chọn dòng sông bé nhỏ này, không phải như Môisen hay Giôsua xưa kia giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng sông nhỏ bé cùng với những tội nhân lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Giođan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Giođan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Chúa Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc.1,5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc.1,4) lại có cả Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng Sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá như một tên trộm cướp chỉ vì yêu thương.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người !

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Chúa Giêsu từ tốn bước xuống dòng sông Giođan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần hiên diện như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu”. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Giođan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu.

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và Nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: “Này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con”. Và tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày mỗi hơn với ân huệ đã lãnh nhận.

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng với sức lực của con người, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Thánh mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa. Chỉ vì muốn trở nên bạn đồng hành với thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người. Chúa đã đứng chung với các tội nhân để làm gương cho tội nhân lãnh nhận phép rửa sám hối từ Gioan. Xin ban cho con ơn biết sám hối, biết thường xuyên sửa mình, biết thay đổi lối suy nghĩ và mạnh dạn để đi đến những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của đời con. Amen

2. MỘT KỶ NGUYÊN MỚI – TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã cử hành lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu được giới thiệu cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông. Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” khác qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa. Sự kiện này được trình bày như một nghi thức phong vương long trọng. Qua nghi thức này, chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại về Chúa Con và sứ mạng của Người. Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện dưới hình chim bồ câu và đậu trên Chúa Giêsu.

Dưới ngòi bút của thánh sử Maccô, Chúa Giêsu được diễn tả như một Môisen mới. Nếu ông Môisen trong Cựu Ước đã dẫn Dân Thánh đi qua biển đỏ, thì nay, Chúa Giêsu cũng dẫn nhân loại vượt qua tội lỗi đến đạt tới sự thánh thiện. Cách nói “vừa lên khỏi nước” gắn liền với nghi thức thanh tẩy Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ tay ông Gioan Tẩy giả, phần nào muốn nhắc tới cuộc vượt qua biển đỏ của dân Do Thái trong lịch sử.

Chi tiết kể lại việc “Chúa Giêsu thấy tầng trời mở ra” có ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc: theo truyền thống Do Thái, cửa trời đã đóng lại sau những vị ngôn sứ cuối cùng (Agê, Giacaria, Malakia) ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cũng vì thế mà gián đoạn. Trước khi Chúa Giêsu đến trần gian, dường như hoạt động của Thần Khí đã bị ngưng lại. Với Chúa Giêsu, mọi sự đã thay đổi. Kỷ nguyên mới đã khai mào. Việc các tầng trời mở ra (nguyên văn tiếng Hy lạp: trời xé toạc ra) chứng minh cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không còn ngăn cách nữa, mà được nối lại. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như dấu hiệu của thời cứu rỗi và của cuộc sáng tạo mới. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Giêsu dường như phác họa lại thời hoang sơ, trước khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người: “Thần Khí Chúa bay là là trên vực thẳm hỗn mang”  (St 1,2). Việc Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu giúp chúng ta liên tưởng đến con chim ngậm cành ôliu sau trận Đại hồng thủy trong Cựu Ước. Thần Khí Chúa đến để loan báo cho nhân loại biết thời gian trừng phạt của Chúa đã mãn (x. St 8,8-11). Cũng giống như nước hồng thủy đã rút và một nhân loại mới tinh tuyền thánh thiện đã khởi đầu, thời kỳ cứu độ trong ân sủng đã khai mào trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu. Vì vậy, từ thời các Giáo phụ, trận lụt Đại hồng thủy, cũnng như cuộc vượt qua Biển Đỏ, đã được chú giải như hình bóng của Bí tích Thanh tẩy của các Kitô hữu.

Một chi tiết nữa rất quan trọng trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Thánh Máccô, đó là tiếng nói từ trời. “Tiếng nói từ trời” là cách diễn tả Thiên Chúa của người Do Thái, như kiểu người Việt chúng ta kiêng tránh phạm húy. Tiếng nói ấy đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”. Đây cũng là một lời giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại. Những người hiện diện hôm đó ở bờ sông Giođan, khi nghe câu tuyên bố của Chúa Cha, chắc chắn liên tưởng đến những lời của Cựu Ước: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã hạ sinh ra con” (Tv 2,7); hoặc: “Đây là tôi tớ mà Ta tuyển chọn. Ta hài lòng về Người” (Is 42,1-2).

Vì những chú giải ở trên, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được hiểu như một cuộc “thần hiện”, qua đó, sứ mạng của Chúa Giêsu được giới thiệu công khai cho dân chúng. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Người đã khởi đầu sứ mạng một cách rất khiêm tốn, hòa vào dòng người đang nhận mình là tội nhân và sám hối bằng cách dìm mình xuống dòng sông để được ông Gioan thanh tẩy.

Theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, khi chấp nhận dìm mình xuống dòng sông Giordan và lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Tẩy, để rồi từ nay, những ai được dòng nước thiêng ấy tẩy rửa, họ sẽ được tha tội Tổ tông và các tội khác đã phạm, trở nên một tạo vật mới tinh tuyền thánh thiện. Thánh sử Maccô đã nhìn thấy bản chất siêu nhiên của bí tích Thanh Tẩy Kitô giáo, khi ghi lại lời của Gioan Tẩy giả: “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”. Như vậy, trong nghi thức Thanh tẩy, linh mục chủ sự chỉ đóng vai trò như ông Gioan Tẩy giả, còn chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Nhờ việc ban Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người con cái của Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, tức là cùng với Người hưởng gia nghiệp vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha. Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chấm dứt cuộc sống cũ và bước sang thời đại mới, thời đại của ơn cứu rỗi. Huyền nhiệm vinh dự của phép Thanh tẩy chỉ có thể cảm nhận bằng Đức Tin, vì “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).

Nếu Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, thì vào ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vậy. Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức tin và soi sáng giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại. Có Đức tin là một ơn Chúa ban. Chúng ta ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, giống như chúng ta và đã chết trên cây thập giá, đã sống lại vào ngày thứ ba. Đương nhiên chúng ta chưa thể hiểu hết những mầu nhiệm này. Tuy vậy, khi thinh lặng quỳ gối cầu nguyện, chúng ta nhận ra những màu nhiệm ấy là có thật. Khi chiêm ngắm cầu nguyện trước Thánh Thể, là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu, chúng ta ra về với tâm hồn thanh thản và được tăng thêm sức mạnh.

“Đây là con Ta yêu dấu!”. Chúa Cha đã nói những lời ấy về Chúa Giêsu. Khi được thanh tẩy, Chúa Cha cũng nói về chúng ta như thế. Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian, để đem niềm vui và hy vọng đến cho cuộc đời.

3. SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA – Lm. Anphong Trần Đức Phương

Với lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, chúng ta chấm dứt Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường Niên I, chu kỳ năm B, kéo dài đến Chúa Nhật VII, rồi bước vào Mùa Chay Thánh với Thứ Tư Lễ Tro.

Bài Đọc I trích trong Isaia (42, 1-4, 6-7; có thể chọn đoạn 55, 1-11), nói đến ‘Người được Thiên Chúa tuyển chọn và làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự’. Bài Đọc II trích trong Sách Công Vụ Tông Đồ (10, 34-38; cũng có thể chọn 1Gioan 5, 1-9) nói đến việc Chúa Giêsu được Thiên Chúa xức Dầu Thánh, được đầy Chúa Thánh Thần và ra đi rao giảng. Bài Phúc Âm (Matcô 1, 7-11) ghi lại việc Chúa Giêsu đến để chịu Phép Rửa của Thánh Gioan, và khi Ngài chịu xong, Chúa Thánh Thần tràn ngập trên Ngài, có tiếng từ Trời cao nói: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”

Lúc đó là vào khoảng năm 30 (Lc 3, 23), Thánh Gioan Tẩy Giả đang ban Phép Rửa thống hối tại sông Giodan (Gioan 1,28) (chỗ gọi là Bêtania phía đông sông Giodan; nơi này khác với làng Bêtania là quê hương của ba chị em Matta, Maria va Ladarô). Thánh Gioan kêu gọi mọi người đến chịu Phép Rửa để tỏ dấu ăn năn tội lỗi và sửa lại cuộc sống, đón chờ Chúa Cứu Thế đến. Chúa Giêsu cũng đến nhận Phép Rửa của Thánh Gioan. Dịp này, Ngài được Đức Chúa Cha chính thức giới thiệu Ngài là Đấng ‘Thiên Sai’ và Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên Ngài. Từ nay Chúa Giêsu từ bỏ cuộc sống 30 năm ẩn dật ở Nagiaret để bắt đầu cuộc sống công khai ra đi rao giảng.

Phép Rửa Thánh Gioan ban chỉ là một ‘phép rửa bằng nước’ để tỏ lòng sám hối tội lỗi. Còn Bí Tích Rửa tội là một trong bảy phép Bí Tích, là ‘phép Rửa Tội trong Chúa Thánh Thần và lửa!’ (Matthêu 3, 11). Khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội là chúng ta được tha tội nguyên tổ (tội tổ tông truyền) và các tội riêng chúng ta đã phạm (khi chúng ta chịu vào tuổi đã khôn lớn). Lúc đó chúng ta được ‘chết đi với Chúa Kitô, từ bỏ đời sống tội lỗi và sống lại thật với Chúa Kitô, trở nên trong sạch xứng đáng là con Chúa, và chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội Chúa, bắt đầu một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, trở nên một chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và cùng góp phần vào việc làm tăng trưởng gia đình Giáo Hội qua cuộc sống làm chứng cho Chúa” (Theo Sách Giáo Lý). Vì thế, Bí Tích Rửa Tội khởi đầu cuộc sống Kitô hữu (Bí Tích khai tâm), chỉ sau khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta mới được chịu các phép Bí Tích khác. Bí Tích Rửa Tội ghi dấu thiêng liêng vào linh hồn chúng ta, không bao giờ mất, nên chỉ được chịu một lần (cũng như Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Truyền Chức Thánh).

Mừng Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa là dịp để mọi người chúng ta nhớ lại phép Rửa tội chúng ta đã được lãnh nhận, để tạ ơn Chúa và cầu xin cho mọi người chúng ta luôn cố gắng sống xứng đáng con cái Chúa trong gia đình Giáo Hội và luôn sống làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta nên nhớ: vào cuối nghi thức Rửa Tội, vị chủ sự trao cho người vừa được rửa tội Tấm Áo Trắng (tượng trưng tâm hồn trong sạch qua Bí Tích Rửa Tội) và Cây Nến cháy sáng đốt từ ngọn lửa của Cây Nến Phục Sinh (tượng trưng Ánh Sáng Chúa Kitô). Khi trao Tấm Áo Trắng, vị chủ sự nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy lãnh nhận áo trắng này, con hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến ngày ra trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống muôn đời.” Khi trao Cây Nến Sáng, vị chủ sự nói với chúng ta: “Con đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, con hãy luôn luôn sống như con cái Sự Sáng, để được bền vững trong Đức Tin. Khi Chúa Kitô ngự đến, con sẽ xứng đáng ra nghênh đón Người cùng với toàn thể các Thánh trên trời.”

Trong nghi thức rửa tội trẻ em, vị chủ sự trao áo trắng và nói: “Con đã trở nên một tạo vật mới, và đã mặc lấy Chúa Kitô, chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.” Và khi trao Nến Sáng (qua cha mẹ đỡ đầu), vị chủ sự nói: Anh chị em thân mến, là những bậc làm cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu, ánh sáng này được trao phó cho anh chị em chăm sóc, tức là lo lắng cho những em được Chúa Ktô soi sáng, luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong Đức Tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, các em sẽ được ra nghênh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.” Điều này nhắc nhở trọng trách của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái khi các em lớn lên; đồng thời cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cha mẹ đỡ đầu. Thật là một vinh dự khi được mời làm cha mẹ đỡ đầu, nhưng đó cũng là một trọng trách mà cha mẹ đỡ đầu phải lo chu toàn trước mặt Chúa. Chúng ta phải ý thức bổn phận này khi chúng ta được mời để đỡ đầu cho các tân tòng hay các em nhỏ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Kết thúc Bí Tích rửa Tội, trước khi lãnh nhận phép lành, chúng ta cùng nhau đọc Kinh Lạy Cha, để nhắc nhở chúng ta, qua Bí Tích rửa Tội, chúng ta được vinh dự có Chúa là Cha, và chúng ta đều là anh em với nhau trong gia đình Giáo Hội. Xin cho chúng ta luôn hết lòng phụng sự Chúa và yêu thương lẫn nhau để cùng nhau loan truyền cho mọi người nhận biết Chúa là Cha, và chung tay xây dựng tình yêu thương trong gia đình nhân loại.

4. CHÚA CHỊU PHÉP RỬA, CẢ TRẦN GIAN ĐƯỢC THÁNH HÓA – Antôn Nguyễn Văn Độ

Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, Phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, kết thúc mùa Giáng sinh. Lễ này đã được các Giáo phụ quan tâm đặc biệt ngay từ những thời kỳ đầu, vì tầm quan trọng đặc biệt có tính cổ thời của nó. Đây là lễ được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và tượng trưng cho toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Đấng Cứu Thế. Để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại, Ngài đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mặc dù Ngài là Đấng vô tội, nhưng Ngài đã mang trên mình tất cả tội lỗi của nhân loại. Hành động khiêm nhường và tự hủy này, đã được Chúa Cha chứng dám: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mc 1, 11). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.

Câu hỏi được đặt ra trước hết là tại sao Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?

Thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Na-di-en cho biết: “Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người A-đam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo”. Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Grêgôriô, giám mục Na-di-en). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì: “Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gio-an đóng vai Đức Kitô; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát”. Nên Gioan giảng: “Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần” (Mc 1, 8). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: “Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình” (Mc 1,10).

Tại sao khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, trời lại mở ra?

Chúa Giêsu vừa bước lên khỏi nước lúc ấy trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Ngài. Vì xưa kia, khi bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, chính A-đam đã đóng cửa trời lại, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.

Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ… Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.

Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình một con chim bồ câu mà hiện xuống?

Lý do là vì chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là thần khí dịu êm và an bình. Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại một sự kiện chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước khi trái đất bị ngập do lũ lụt và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ôlui xuất hiện để báo sự chấm dứt của cơn đại hồng thủy, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa… Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Noe là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất. Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn phải chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.

Lời ngôn sứ nói: “Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét” (Tv 28). Tiếng nào vậy? “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người” (Is 42, 1). Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác: “Con là Con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha” (Mc 1, 11).

Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: “Đức Kitô chịu phép rửa, cả trần gian được thánh hoá, chúng ta được tha thứ tội lỗi, được thanh tẩy nhờ nước và Thánh Thần” (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Chúng ta hãy thanh tẩy mình cho thanh sạch, hãy tiếp tục thanh tẩy cho thanh sạch hoàn toàn và đem lòng tôn kính mà tưởng niệm ngày Đức Kitô chịu phép rửa, và hãy mừng lễ cách xứng đáng. Amen.

5.SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘITGM Giuse Ngô Quang Kiệt

1) Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ

Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.

2) Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời

Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.

3) Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.

4) Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.

Từ xưa trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.

Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế. Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn bí tích Rửa Tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

1) Bạn có dễ dàng nhận lỗi không?

2) Bạn đã thực sự sống như một người con hiếu thảo đối với Chúa chưa?

3) Ơn phép Rửa Tội là gì? Bạn đã sống ơn phép Rửa Tội chưa?

4) Bạn đã thực sự là Tin Mừng cho những người chung quanh chưa?

5) Chúa Giêsu chịu phép rửa trình bày cho ta những hình ảnh nào về Chúa?

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

Có thể bạn quan tâm