ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ
BAN PHỤNG VỤ – THÁNH NHẠC
SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ
CHỦ ĐỀ:
THẬP GIÁ – NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
MÙA CHAY 2025
LỜI MỞ ĐẦU
Kính thưa cộng đoàn, chúng ta cùng quy tụ nơi đây trong bầu khí trang nghiêm và linh thánh để bước vào cuộc suy niệm Đàng Thánh Giá. Chúng ta cùng chiêm ngắm hành trình thương khó mà Đức Giê-su Ki-tô đã trải gần hai ngàn năm trước – một hành trình yêu thương và tự hiến, đỉnh cao của công trình cứu độ nhân loại.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những nỗi thống khổ: chiến tranh, xung đột, nghèo đói, bất công, bạo lực và chia rẽ. Nhiều tâm hồn rơi vào lo âu, thất vọng, mất phương hướng trước những biến động không ngừng của thời đại. Niềm tin vào Thiên Chúa bị lung lay, nhiều Ki-tô hữu đã rời xa Giáo Hội, như thể cuộc thương khó của Đức Ki-tô đã khép lại trong bi kịch và thất bại.
Nhưng không! Cây Thập Giá không phải là dấu chấm hết, mà là khởi đầu cho một niềm hy vọng mới. Từ cái chết trên thập giá, Đức Ki-tô đã phục sinh để trao ban cho chúng ta sự sống đời đời. Người là Niềm Hy Vọng vững bền, là ánh sáng chiếu soi bóng tối của thế gian. Chính trong bối cảnh đó, Năm Thánh Hy Vọng được Giáo Hội khai mở như một lời mời gọi mọi Ki-tô hữu canh tân đức tin, củng cố niềm hy vọng và tái khám phá tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Khi cùng nhau bước theo hành trình thương khó của Đức Ki-tô, chúng ta không chỉ tưởng niệm nỗi đau Thầy Giêsu gánh chịu, nhưng còn dấn bước theo Người với niềm xác tín: nơi thập giá, có sự sống; nơi khổ đau, có hy vọng; nơi thử thách, có ơn cứu độ. Chính Đức Ki-tô đã nói: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Nguyện xin Chúa Thánh Thần – Đấng đã dẫn đưa Đức Ki-tô vào hoang địa, Đấng đã phục sinh Người từ cõi chết – Đấng đã đổ đầy tình yêu trong lòng chúng ta, đánh động tâm hồn chúng ta, giúp mỗi người kiên vững trong đức tin, kiên trì trong thử thách, và can đảm làm chứng cho Tin Mừng giữa thế gian. Xin cho giờ suy niệm này giúp chúng ta thêm yêu mến Thánh Giá, nhận ra Thánh Giá không phải là gánh nặng nhưng là con đường dẫn đến vinh quang và sự sống đời đời.
Hát: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ ĐI QUA (hát 1 trong 2 câu solo)
- Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn lên đau xót. Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư, đường tình đó Ngài dành cho con.
ĐK: Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang.
- Lạy Chúa, mũi đòng nào đâm thấu con tim, đinh nhọn nào còn loang máu đào, tủi nhục nào còn vương trên mắt. Lạy Chúa, những bước nào gục ngã đau thương, bao roi đòn hằn vết thê lương. Đường tình đó Ngài dành cho con.
– Kinh ăn năn tội:
Lạy Chúa con, Chúa là Đấng lọn tốt lọn lành vô cùng…)
– Kinh Đàng Thánh Giá:
Lạy ơn Đức Chúa Giê-su, chúng con ước ao ngắm mười bốn nơi thương khó Đức Chúa Giê–su trong đàng Thánh Giá này, …
– Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, Vì đã dùng cây Thánh Giá mà cứu chuộc thế gian.
CHẶNG THỨ NHẤT
ĐỨC GIÊ-SU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
Cầu cho các tù nhân bị tước đoạt tự do
Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 19,14-16)
Ông Phi-la-tô nói với người Do thái: “Đây là vua các người!” Họ liền hô lớn: “Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Phi-la-tô nói với họ: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” Các thượng tế đáp: “Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xê-da.” Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.
Suy niệm: Bị kết án bất công, Đức Giê-su đã mang lấy nỗi đau của tất cả những ai bị tước đoạt tự do, đặc biệt là những người bị giam cầm vì bất công. Người không phản kháng, nhưng đón nhận bản án trong sự hiền lành và phó thác, biến đau khổ thành con đường cứu độ. Hình ảnh Phi-la-tô nhượng bộ trước áp lực của đám đông gợi lên biết bao trường hợp trong xã hội hôm nay, khi công lý bị bóp méo bởi quyền lực và lợi ích riêng. Những tù nhân, đặc biệt là những ai bị giam giữ vì lẽ phải, cũng đang mang trên mình một phần thập giá của Đức Kitô. Nhưng ngay giữa bóng tối của lao tù, ánh sáng của Chúa vẫn tỏa chiếu. Người không bỏ rơi những ai bị áp bức, nhưng luôn hiện diện với họ, mang đến niềm an ủi và sức mạnh để họ kiên trì trong thử thách.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, nơi Chúa, chúng con nhận ra nỗi đau của tất cả những ai đang bị tước đoạt tự do. Xin Chúa thương đến những tù nhân, đặc biệt là những người vô tội, những người bị đối xử bất công và những ai đang sống trong cảnh cô đơn tuyệt vọng. Xin ban cho họ niềm hy vọng và sức mạnh để chịu đựng thử thách trong bình an. Xin Chúa cũng khơi dậy nơi chúng con lòng can đảm để dấn thân bảo vệ công lý, biết cảm thông và nâng đỡ những anh chị em đang chịu khổ đau, hầu trở nên chứng nhân của Chúa giữa thế gian.
Hát: Câu 1 bài 14 Đàng Thánh Giá.
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ HAI
ĐỨC GIÊ-SU VÁC THẬP GIÁ
Cầu cho các Ki-tô hữu đang ở những vùng xung đột
Tin mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 19,16-17)
“Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Ðức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Ðức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Đồi Sọ, tiếng Híp-ri gọi là Gôngôtha”.
Suy niệm: Trong hành trình lên đồi Gôn-gô-tha, Chúa Giê-su đã chấp nhận vác lấy thập giá nặng nề, không chỉ là gánh nặng của cây gỗ thô ráp, mà còn là sức nặng của tội lỗi nhân loại, của những khổ đau, bất công trên thế giới. Hôm nay, nơi những vùng chiến sự, các Ki-tô hữu cũng đang vác lấy thập giá đời mình: đau thương vì mất mát, hoảng loạn trong bom đạn, và tuyệt vọng khi viễn tượng hòa bình thật mong manh. Dẫu bị bao phủ bởi bóng tối của sợ hãi và khổ đau, họ vẫn không đơn độc. Bởi, Chúa Giê-su đã và đang vác thập giá cùng họ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Ước gì, họ nhận ra rằng, thập giá không phải là dấu chấm hết, nhưng là con đường dẫn đến sự sống, để họ luôn tiến bước trong niềm cậy trông.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Thánh Giá của Ngài là nguồn hy vọng và sức mạnh cho chúng con. Xin nâng đỡ những anh chị em đang là nạn nhân của những bách hại và chiến tranh. Xin Chúa cho họ có được lòng cậy trông vững vàng cũng như nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Xin cũng cho chúng con cũng biết vác thập giá đời mình với niềm tin tưởng, vì sau bóng tối là ánh sáng, sau đau khổ thập giá là vinh quang phục sinh.
Hát: Câu 2 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ BA
ĐỨC GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT
LẦN THỨ NHẤT
Cầu cho các bệnh nhân
Trích sách Tiên tri I-sai-a (Is 52,5)
“Người bị đâm thâu cạnh sườn vì lỗi lầm của chúng ta, bị nghiền nát vì tội ta. Người mang lấy hình phạt thay ta, để ta được an bình, và nhờ vào thương tích của Người mà chúng ta được chữa lành.”
Suy niệm: Dưới sức nặng của thập giá, Chúa Giê-su ngã xuống đất, thân xác rướm máu, đau đớn tột cùng. Người đã ngã xuống đất không phải chỉ để mang lấy tội lỗi chúng ta, nhưng còn để cảm thông sâu xa với những ai đang oằn mình trong đau khổ, bệnh tật. Hình ảnh Chúa ngã xuống là tiếng vọng của biết bao bệnh nhân đang chống chọi với nỗi đau thể xác và tinh thần, trong bệnh viện, trên giường bệnh hay nơi cô đơn, lặng lẽ. Nhưng Người đã đứng lên, tiếp tục hành trình thập giá. Nhờ đó, các bệnh nhân có lý do để hy vọng khi đặt niềm tin tưởng vào Đức Ki-tô. Trong từng giọt nước mắt, từng cơn quằn quại của bệnh tật, Chúa đang ở đó, để nâng đỡ, thánh hóa và cùng gánh chịu với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ngã xuống đất vì yêu thương chúng con. Xin Chúa nâng đỡ những ai đang phải chiến đấu với bệnh tật. Xin ban cho họ lòng kiên nhẫn, sự bình an và niềm tín thác vào tình thương Chúa. Xin cũng nâng đỡ các bác sĩ, các nhân viên y tế và những ai đang chăm sóc bệnh nhân, để họ trở nên dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Hát: Câu 3 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ BỐN
ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC GIÊ-SU VÁC THẬP GIÁ
Cầu cho các gia đình đang gặp khủng hoảng
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 2,34-35)
Ông Si-mê-on nói với bà Ma-ri-a, Mẹ của Hài Nhi: “… Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra”.
Suy niệm: Trên hành trình thập giá của Đức Giê-su, Đức Ma-ri-a luôn đồng hành và dõi theo từng bước chân của Người. Mẹ đã cùng Con đi suốt hành trình dương thế, từ lúc thụ thai, sinh hạ, dưỡng dục, cho đến giây phút đau đớn này. Trái tim Mẹ hòa nhịp với trái tim Con, để cùng gánh chịu nỗi thống khổ của nhân loại. Nhưng, Mẹ không gục ngã. Hình ảnh Mẹ gặp Chúa Giê-su trên đường thánh giá cũng là hình ảnh của biết bao gia đình hôm nay đang phải đối diện với những khủng hoảng, chia rẽ, khổ đau, mất mát hay bị thử thách đức tin. Những tổn thương, hiểu lầm, bất hòa trong gia đình chẳng khác nào lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn họ. Nhìn lên Mẹ Ma-ri-a, họ học được sự kiên trì, nhẫn nại và niềm tin mạnh mẽ để vượt qua thử thách, giữ vững tình yêu và lòng trung tín với nhau.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin nhìn đến những gia đình đang bên bờ đổ vỡ, những mái nhà đang chìm trong bất hòa và đau khổ. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban ơn nâng đỡ, để mọi người biết lắng nghe nhau với con tim rộng mở, biết đón nhận nhau trong sự tha thứ và yêu thương. Để cùng Mẹ, mỗi gia đình trở thành dấu chỉ hy vọng giữa thế gian, phản chiếu tình yêu chung thủy của Chúa.
Hát: Câu 4 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ NĂM
ÔNG SI-MÔN VÁC THÁNH GIÁ ĐỠ ĐỨC GIÊ-SU
Cầu cho những người di cư
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 23,26)
“Khi điệu Đức Giê-su đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giê–su”.
Suy niệm: Giữa đám đông thờ ơ và hung bạo, ông Si-môn Ky-rê-nê đã bất ngờ được chọn để vác đỡ Thập giá cho Đức Giê-su. Ông có thể đã cảm thấy bị ép buộc, nhưng chính khoảnh khắc ấy đã biến đổi ông, giúp ông trở thành người đồng hành với Đấng Cứu Độ trên con đường khổ nạn. Hình ảnh ông Si-môn cũng phản chiếu hành trình của biết bao người di cư ngày nay – những con người buộc phải rời xa quê hương, mang trên vai gánh nặng của sự bấp bênh, sợ hãi và hy vọng. Họ đối diện với muôn vàn nước mắt và thử thách: sự thiếu thốn, bị phân biệt đối xử, và nỗi nhớ gia đình da diết. Tuy nhiên, như ông Si-môn đã tìm thấy ý nghĩa nơi hành động vác thập giá, những người di cư cũng có thể tìm được hy vọng và sự an ủi nếu họ được đón nhận, nâng đỡ và đồng hành trên hành trình của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho ông Si-môn chia sẻ gánh nặng thập giá của Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng với những anh chị em di cư, những người đang gánh chịu khổ đau vì phải rời xa quê hương. Xin Chúa ban cho họ sức mạnh để kiên trì trong thử thách, tìm được những người sẵn sàng nâng đỡ và đồng hành với họ. Xin soi sáng các nhà lãnh đạo và cộng đồng biết nhìn nhận phẩm giá của người di cư, đối xử với họ bằng tình liên đới và yêu thương, để không ai bị bỏ rơi hay lãng quên. Xin Chúa cũng dạy chúng con biết vác thập giá cùng nhau, để xây dựng một thế giới đầy tình thương và công lý.
Hát: Câu 5 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ SÁU
BÀ VÊ-RÔ-NI-CA TRAO KHĂN CHO ĐỨC GIÊ–SU LÓT MẶT
Cầu cho những người nghèo khổ
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 25,40)
Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
Suy niệm: Trên con đường khổ nạn, Đức Giê-su đã kiệt sức vì đòn roi và sức nặng của thập giá. Trong khoảnh khắc ấy, bà Vê-rô-ni-ca, một người phụ nữ với lòng can đảm và đầy tình yêu thương, đã vượt qua sợ hãi, tiến đến lau khuôn mặt đẫm máu và mồ hôi của Chúa. Cử chỉ nhỏ bé ấy không làm vơi đi gánh nặng của Chúa, nhưng mang đến cho Người sự an ủi và chút hơi ấm của tình người. Hình ảnh bà Vê-rô-ni-ca là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta về sứ mạng yêu thương và phục vụ, đặc biệt đối với những người nghèo khổ. Họ không chỉ thiếu thốn về vật chất, mà còn thiếu sự đồng cảm, sẻ chia, và sự đỡ nâng về tinh thần. Trong từng khuôn mặt nhọc nhằn, từng ánh mắt u buồn của những người khốn khó, chúng ta nhận ra chính dung mạo của Đức Ki-tô đang chờ đợi lòng thương xót của chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, Chúa đã dạy rằng: “Điều mà các ngươi làm cho những người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính Ta vậy”. Xin Chúa cho chúng con biết mở rộng trái tim, để sống quảng đại, hy sinh, chia sẻ để giúp đỡ những người nghèo khổ không chỉ vật chất mà còn là những lời an ủi, sự đồng hành và yêu thương chân thành. Xin cho những người nghèo khổ tìm được sự nâng đỡ và được sống trong phẩm giá, để họ cảm nhận được rằng Chúa luôn ở cùng họ qua tình thương của mỗi người chúng con.
Hát: Câu 6 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ BẢY
ĐỨC GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT
LẦN THỨ HAI
Cầu cho những người tội lỗi được ơn hoán cải
Trích sách Sa-mu-en quyển thứ 2 (2 Sm 12,13)
“Bấy giờ, vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa”. Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết”.
Suy niệm: Đức Giê-su ngã xuống đất lần thứ hai, nhưng Người không ngã quỵ vì yếu đuối, mà vì gánh nặng của tội lỗi nhân loại. Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa luôn đi bước trước để tìm kiếm và cứu độ những ai lầm lạc. Như vua Đavít khi xưa đã chân thành thống hối trước nhắc nhở của ngôn sứ Nathan, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở về với lòng thương xót Chúa. Tội lỗi có thể làm chúng ta gục ngã, nhưng không bao giờ là rào cản khiến Chúa ngừng yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Khi biết ăn năn và hoán cải, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự nâng đỡ và đổi mới từ chính Đấng đã hy sinh vì chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, nhiều khi chúng con vẫn đang vô tâm, vẫn phản nghịch lỗi nghĩa với Chúa, và mải mê trong bóng đen của tội lỗi. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn nhận ra thân phận tội lỗi của mình, biết trở về với Chúa như vua Đa-vít xưa, và quyết tâm biến đổi đời sống, hầu đón nhận được ơn tha thứ từ Thánh Tâm từ ái Chúa. Nhờ tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa, xin cho những ai đang lạc lối cũng tìm thấy ánh sáng, can đảm chỗi dậy và bước đi trong ân sủng của Chúa.
Hát: Câu 7 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ TÁM
ĐỨC GIÊ-SU ĐỨNG LẠI YÊN ỦI CON THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM
Cầu cho các gia đình đang gặp khủng hoảng
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 23,27-28.31)
“Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì hãy khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?”
Suy niệm: Trên đường thập giá, Chúa Giê-su vẫn dừng lại để an ủi những phụ nữ Giê-ru-sa-lem, nhắc họ hướng cái nhìn về chính gia đình và thế hệ tương lai. Lời của Chúa vẫn vang vọng trong thời đại hôm nay, khi nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng, tan vỡ vì những mâu thuẫn, ích kỷ, và thiếu vắng tình yêu chân thành. Những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương, những bậc cha mẹ bất lực trước những sóng gió gia đình. Dẫu vậy, chính giữa những đổ vỡ ấy, Chúa Giê-su vẫn luôn là nguồn hy vọng và chữa lành. Người mời gọi mỗi gia đình đặt nền tảng đời sống trên tình yêu, sự tha thứ, và lòng trung tín – những giá trị có thể vực dậy bất kỳ mái ấm nào đang chao đảo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dừng lại trên đường khổ nạn đã an ủi các bà mẹ thành Giê-ru-sa-lem, xin cũng đến nâng đỡ những gia đình đang gặp thử thách hôm nay. Xin Chúa lau khô những giọt nước mắt, chữa lành những vết thương lòng, và soi sáng để họ biết tìm kiếm nhau trong tình yêu. Xin cho các bậc cha mẹ biết quảng đại hy sinh vì gia đình, và cho con cái luôn cảm nhận được sự ấm áp của tình thân. Giữa bao thử thách, xin Chúa ban ơn để các gia đình luôn kiên vững trong tình yêu Chúa, biết vượt qua những khủng hoảng và trở nên dấu chỉ sống động của lòng thương xót Chúa trong thế gian.
Hát: Câu 8 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ CHÍN
ĐỨC GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT
LẦN THỨ BA
Cầu cho những người cao niên
Trích sách tiên tri I-sai-a (Is 53, 7)
“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt.”
Suy niệm: Càng tiến gần đỉnh đồi Canvê, sức lực của Chúa Giê-su lại càng trở nên yếu đuối. Thân thể Chúa trở nên rã rời, kiệt quệ. Lần ngã thứ ba là dấu chứng cho sự cùng cực của sự đau đớn thể xác và tinh thần. Nhưng dù thân xác rã rời, Người vẫn không bỏ cuộc. Tình yêu thúc đẩy Người đứng dậy, tiếp tục hành trình cứu độ nhân loại. Hình ảnh Chúa Giê-su ngã xuống đất cũng gợi nhớ đến những người cao niên – những bậc ông bà, cha mẹ đã dành cả đời hy sinh, nhưng khi về già lại mang lấy gánh nặng của sự cô đơn, bệnh tật, và đôi khi bị lãng quên. Dẫu vậy, họ vẫn âm thầm tiếp tục trong vai trò nâng đỡ, truyền lại đức tin và kinh nghiệm sống cho các thế hệ mai sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, khi tuổi đà xế bóng, nhiều lúc, gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật, cô đơn, cùng cảm giác bị bỏ rơi làm cho các bậc cao niên phải ngã quỵ. Xin Chúa thương nắm lấy những đôi tay đã bị hao mòn theo thời gian năm tháng. Xin Chúa ban sức mạnh và nâng đỡ họ như Chúa đã tự mình chỗi dậy trên đường khổ giá. Xin cho họ luôn tìm được niềm an ủi nơi tình yêu Chúa và sự quan tâm của gia đình, để tiếp tục trở thành nguồn khích lệ và là ánh sáng hy vọng cho thế hệ mai sau.
Hát: Câu 9 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ MƯỜI
QUÂN DỮ LỘT ÁO ĐỨC GIÊ-SU
Cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 27, 28-29)
“Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do thái.”
Suy niệm: Là Vua muôn vua, thế nhưng, Chúa Giê-su không khoác áo lụa là, không mang vương miện vàng bạc, không xuất hiện trong ánh hào quang như bao vương đế trần gian. Trái lại, Người xuất hiện trong một hình hài đầy nhục nhã và tủi hổ. Bởi lẽ, trước sự nhạo báng của quân thù, vương miện của Người chỉ là vòng gai kết nên bởi tội lỗi nhân loại. Cẩm bào Người khoác chỉ là một thân thể đẫm máu vì yêu. Người đón nhận sự nhục nhã tột cùng, không chỉ vì tội lỗi nhân loại, mà còn để dạy chúng ta con đường từ bỏ mình, sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Hình ảnh Chúa Giê-su bị lột áo cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ với những ai dấn thân trong đời sống linh mục, tu sĩ: muốn thuộc trọn về Chúa, cần biết từ bỏ vinh quang trần thế, khoác lên mình tấm áo của khiêm nhường, phục vụ và yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã bị lột bỏ tất cả để mặc lấy sự nghèo khó mà hiến dâng trọn vẹn cho nhân loại. Xin cho các linh mục, tu sĩ biết nhìn lên Chúa, biết trút bỏ đi tấm áo của hư vinh, của những ham muốn quyền lực, can đảm từ bỏ những vinh hoa thế gian để sống đời khiêm nhường, thanh bần và phục vụ. Xin cũng ban cho Giáo Hội nhiều thợ gặt lành nghề, và xin cho các ngài luôn trung tín với ơn gọi, dám sống trọn vẹn cho sứ mạng Tin Mừng, để trở nên những chứng nhân của niềm hy vọng.
Hát: Câu 10 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT
ĐỨC GIÊ-SU CHỊU ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ
Cầu cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 23,33-34)
“Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Suy niệm: Đối với người Do Thái, thập giá là đỉnh cao của thù hận, là tận cùng của căm hờn, ghét ghen, nhưng chính trên thập giá, Chúa Giê-su đã yêu thương và thứ tha tội lỗi cho nhân loại. Thập giá đã trở thành Thánh giá, là nơi sưởi ấm cho tâm hồn và là chốn để tỏa lan sự bình an,… Trên Thánh Giá, Chúa Giê-su không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin ơn tha thứ của Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Ngày nay, Chúa Giê-su vẫn đang dang tay mời gọi con người tha thứ cho nhau, cùng nhau kiến tạo hoà bình, cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất yêu thương, cùng nhau xoá bỏ những cuộc chiến tranh vô nghĩa, những cuộc xung đột tàn khốc, những kỳ thị màu da sắc tộc, những sự bất hòa trong gia đình, trong giáo xứ. Tha thứ là điều cần thiết để thế giới này trở thành một nơi tràn đầy tình yêu thương, niềm vui và hạnh phúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dang rộng đôi tay trên Thánh gia để ôm trọn nhân loại trong tình yêu và tha thứ. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa lòng bao dung, can đảm tha thứ ngay cả khi phải chịu thiệt thòi. Xin cho chúng con biết sống mầu nhiệm Thánh giá trong cuộc đời, biết chấp nhận những hy sinh nhỏ bé mỗi ngày để xây dựng sự hiệp nhất, bắt đầu từ gia đình, giáo xứ và rộng hơn là cả thế giới.
Hát: Câu 11 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ MƯỜI HAI
ĐỨC GIÊ-SU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ
Cầu cho những người trẻ mất niềm hi vọng
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 23,44-46)
“Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trướng trong Ðền Thờ bị xé ngay chính giữa. Ðức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”.
Suy niệm: Trong bóng tối của đồi Canvê, Chúa Giê-su trao phó linh hồn mình cho Chúa Cha, hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại. Cái chết của Người không phải là dấu chấm hết, nhưng là ánh sáng khai mở niềm hy vọng cho con người. Tuy thế, giữa một thế giới đầy cạm bẫy hôm nay, nhiều người trẻ đang đánh mất hy vọng. Những áp lực về kinh tế, danh vọng và những cám dỗ của lối sống hưởng thụ khiến họ trở nên lạc lõng, chênh vênh trong chính cuộc đời mình. Họ tìm kiếm hạnh phúc nơi những giá trị chóng qua và rơi vào cảm giác thất vọng, cô đơn và mất hướng đi. Trong cảnh huống đó, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ nơi Thiên Chúa mới có niềm hy vọng đích thực. Chính Đấng chịu treo trên cây gỗ đã minh chứng sự toàn thắng của tình yêu trước những biến cảnh đau thương, thất vọng. Nơi Chúa Giê-su, người trẻ tìm điểm tựa duy nhất và neo đậu cuộc đời của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa những bấp bênh của cuộc đời, xin cho chúng con không đánh mất niềm hy vọng. Xin giải thoát người trẻ hôm nay khỏi những xiềng xích của đam mê mù quáng, chủ nghĩa cá nhân và những cám dỗ hư ảo. Xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa, nhận ra giá máu Chúa đã đổ ra vì yêu thương chúng con. Xin ban cho chúng con lòng can đảm dám sống và dấn thân vì Chúa và tha nhân.
Hát: Câu 12 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ MƯỜI BA
HẠ XÁC ĐỨC GIÊ-SU XUỐNG KHỎI THẬP GIÁ
Cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 19,33-38)
“Khi đến gần Ðức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Sau đó, ông Giô-xép, người A-ri-ma-thê, xin ông Phi-la-tô cho phép hạ thi hài Ðức Giê-su xuống. Ông Giô-xép này là một môn đệ theo Ðức Giê-su, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do thái. Ông Phi-la-tô chấp thuận.”
Suy niệm: Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su đã trở nên nguồn hy vọng cứu độ cho nhân loại. Nhờ đó, chúng ta được thông phần vào sự chết và sự phục sinh của Người, được mời gọi sống theo sự thật và công lý. Thế nhưng, trong xã hội hôm nay, nhiều nhà lãnh đạo vì lợi ích cá nhân mà lạm dụng quyền lực, làm lu mờ giá trị lương tâm và Tin Mừng. Họ có trách nhiệm bảo vệ công lý và phục vụ dân, nhưng lại bị chi phối bởi sợ hãi, áp lực chính trị hoặc tham vọng riêng. Hình ảnh ông Giô-xép A-ri-ma-thê can đảm xin hạ xác Chúa nhắc nhở rằng, người lãnh đạo chân chính phải dám đứng lên vì sự thật, biết đặt trách nhiệm và lương tâm lên trên mọi toan tính cá nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chấp nhận cái chết để đem lại sự sống cho nhân loại. Xin Chúa soi sáng và hướng dẫn các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết dùng quyền bính theo thánh ý Chúa – không vì lợi ích cá nhân hay phe nhóm, nhưng biết bảo vệ công lý, hòa bình và phẩm giá con người. Xin Chúa ban cho họ lòng can đảm, biết đặt dân tộc lên trên hết, noi gương ông Giô-xép thành A-ri-ma-thê, dám hành động vì sự thật và tình yêu, dù có phải hy sinh chính mình.
Hát: Câu 13 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN
TÁNG XÁC ĐỨC GIÊ-SU TRONG HANG ĐÁ
Cầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 19,41-42)
“Nơi Ðức Giê-su bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giê-su ở đó”.
Suy niệm: Ngôi mộ mới trong vườn, nơi an nghỉ của Đức Giê-su, tưởng chừng là dấu chấm hết cho sứ vụ của Người. Thực ra, đó chỉ là khởi đầu cho một sự sống mới – sự sống vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai tin vào Người. Khi đặt thân xác Chúa vào ngôi mộ, hẳn lòng các môn đệ đau buồn và hoang mang. Nhưng từ chính giây phút tối tăm ấy, Chúa đã làm bừng lên ánh sáng Phục sinh, trao ban niềm hy vọng mới cho nhân loại. Cũng vậy, hành trình loan báo Tin Mừng luôn có những giai đoạn tưởng chừng như thất bại, như rơi vào bóng tối của sự thinh lặng, chống đối, hay thử thách. Nhưng chính từ những hạt giống âm thầm gieo vào lòng đất, từ những chứng nhân dám hy sinh, mà Tin Mừng đã và đang lan tỏa khắp nhân gian. Ngôi mộ không phải là kết thúc, mà là cánh cửa mở ra niềm hy vọng cho nhân loại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho các nhà truyền giáo lòng can đảm và tình yêu, để họ không ngại gian khó, mà tiếp tục đem ánh sáng Tin Mừng đến những người chưa nhận biết Chúa. Xin cho mọi Ki-tô hữu ý thức sứ mạng truyền giáo bằng chính đời sống yêu thương và phục vụ của mình. Như hạt giống được chôn vùi để trổ sinh bông hạt, xin cho mỗi người chúng con biết sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình để Tin Mừng được lan rộng. Xin cho hạt giống Tin Mừng sớm được thấm đẫm vào các nền văn hoá trên thế giới, nhờ đó làm trổ sinh những giá trị của Nước Trời.
Hát: Câu 14 bài 14 Đàng Thánh Giá
Cộng đoàn: Lạy Chúa Ki-tô chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa…
LỜI KẾT
Lạy Chúa Giê-su, cộng đoàn chúng con vừa được sống lại những chặng đường Thập giá mà Ngài đã đi qua. Chúng con đã chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa, Đấng đã chịu đau khổ, chịu sỉ nhục và chịu chết vì phần rỗi nhân loại. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng: Chúa chính là Niềm Hy Vọng đích thực, là quà tặng cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.
Giữa một thế giới đầy bất ổn, khi bóng tối của chiến tranh, nghèo đói, bất công và đau khổ vẫn bao trùm, xin cho chúng con biết nhận ra những dấu chỉ của niềm hy vọng, đang âm thầm tỏa sáng trong từng khuôn mặt con người – nơi những ai đang hy sinh phục vụ tha nhân, nơi những tâm hồn vẫn bền đỗ trong đức tin, nơi những cuộc đời biết yêu thương và tha thứ.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong niềm hy vọng để chúng con không thất vọng (x. 1Tm 1,1), trong ánh sáng không bao giờ lụi tàn, trong lòng bao dung biết tha thứ và đổi mới con tim, trong hòa bình dẫn đến hạnh phúc. Xin cho mỗi Ki-tô hữu trở thành khí cụ của hy vọng, mang tình yêu của Chúa đến với những ai đang đau khổ, tuyệt vọng và lạc lối.
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đã đồng hành cùng Con Chí Ái suốt hành trình Thập Giá trong nước mắt và đớn đau, nhưng với một niềm hy vọng kiên vững. Xin Mẹ, Đấng được tôn vinh là “Sao Mai Hy Vọng – Stella Maris”, đồng hành với Giáo Hội và từng người chúng con, nâng đỡ chúng con trên hành trình vượt qua biển đời đầy thử thách. Xin giúp chúng con luôn cậy trông, tin yêu và tín thác vào tình yêu cứu độ của Con Mẹ, để dù trong gian nan, lòng chúng con vẫn vững vàng bước đi trong ánh sáng của niềm hy vọng Phục Sinh.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho Thập Giá của Chúa luôn là nguồn ơn cứu độ, là ánh sáng soi đường và là sức mạnh nâng đỡ chúng con. Amen.
KINH VẬT MỌN (Chúng con là vật mọn….)
Lời nguyện kết thúc và ban phép lành
Chủ sự: Chúng ta dâng lời cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập giá, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và thông phần vinh quang phục sinh với Người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em
Cđ: Và ở cùng cha
Chủ sự: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
Cđ: Amen.
Chủ sự: Chúc anh chị em đi bình an.
Cđ: Tạ ơn Chúa.
Hát kính Đức Mẹ: TÂM CA ĐỒNG HÀNH (F)
- Nhịp bước bên Mẹ, con đem Giê-su đi vào lòng đời. Nhịp bước với Mẹ, con đem Ngôi Lời vào trong thế giới.
ĐK. Ma-ri-a xin giúp sức cho con, dìu con đi trên những lối gian nguy. Đời dâng hiến cho Nước Trời hôm nay. Bao chông gai nhưng có Mẹ con vững lòng.
- Nhịp bước bên Mẹ, con đem Giê-su xây lại cuộc đời. Nhịp bước với Mẹ, con đem Tin Mừng vào nơi tối tăm.
Có thể bạn quan tâm
Danh Sách Các Điểm Hành Hương Năm Thánh 2025 Tại Việt Nam
Th4
Doanh nhân Giáo phận tĩnh tâm và hành hương Năm Thánh
Th4
Suy Niệm Đàng Thánh Giá 2025: “Thập Giá – Niềm Hy Vọng Của..
Th4
Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C: “Một Khởi Đầu Mới..
Th4
Phụng vụ Tuần Thánh: Cơ Cấu và Ý nghĩa các Nghi Thức
Th4
Ủy Ban Phụng Tự Lưu Ý Khi Cử Hành Nhiều Lần Nghi Thức..
Th4
Ý Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng – Tháng 4/2025
Th4
Lá Thư Mùa Chay (4): Sai Một Ly Đi Một Dặm
Th4
Tin Tổng Hợp Giáo Phận Hà Tĩnh Tháng 03/2025
Th4
Cáo Phó: Ông Cố Gioan Baotixita – Thân phụ của Nt. Têrêxa Cao..
Th4
Thánh Lễ Cao Điểm Tuần Chầu Lượt Giáo Xứ An Nhiên
Th4
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 13 (24/3 – 31/3/2025): Bác Ái..
Th4
Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C: “Niềm Vui Của Người..
Th3
Đức Thánh Cha đau buồn trước động đất ở Myanmar, Thái Lan và..
Th3
Gia Đình Thánh Tâm Giáo Phận Tĩnh Huấn Tông Đồ Trong Dịp Hành..
Th3
“Đến Với Anh Em” – Chuyến Thăm Của Đức Cha Louis Nguyễn Anh..
Th3
VP-TGMGPHT: Thông báo Thánh Lễ Truyền Dầu năm 2025
Th3
Legio Curia Hạt Ngàn Phố – Tổ Chức Đại Hội Acies
Th3
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay C – Danh Người Là Thương..
Th3
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Hạt Ngàn Phố Tĩnh Tâm Mùa Chay
Th3