Suy Niệm Chúa Nhật 29 Thường Niên B – Phục Vụ, Linh Đạo Truyền Giáo

713 lượt xem

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN B
(Is 53,10-11; Tv 32; Dt 4,14-16; Mc 10,35-45)

Bài đọc 1   Is 53,10-11

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

10Đức Chúa đã muốn người tôi trung
phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.
11Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Đáp ca       Tv 32,4-5.18-19.20 và 22 (Đ. c.22)

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

4Lời Chúa phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
5Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

18Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
19hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

20Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa,
bởi Người luôn che chở phù trì.
22Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Đ.Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

Bài đọc 2   Hr 4,14-16

Ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

14 Thưa anh em, chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Tung hô Tin Mừng       Mc 10,45b

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.  Mc 10,35-45

35 Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Phục vụ, linh đạo truyền giáo

Lm. Hoa Thập Tự

Trong sứ điệp Khánh nhật truyền giáo năm này, Đức Phanxicô mới gọi toàn thể Hội thánh ý thức lệnh truyềnL “Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc” (cf. Mt 22:9). Ngài lưu tâm tới hai động từ: “Hãy đi và mời”. Ra đi đến mọi nơi và mời gọi mọi người vào Hoan tiệc Con Chiên, Hoan tiệc Nước Trời. Đó là thông dự vào niềm vui ơn cứu độ – “Chiều kích cánh chung và Thánh Thể của sứ vụ Đức Kitô và Hội Thánh”. Và Lời Chúa hôm nay, mời gọi chúng ta ý thức lệnh truyền này với linh đạo phục vụ.

Chúa nhật trước, Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta trước mãnh lực và sức lôi cuốn của Mammon – Thần tài – thứ ngẫu tượng trỗi vượt nhất, thứ “thần được người ta đúc lên” (x. Xh 34,17), là đối thủ của Thiên Chúa trong thế giới này. Và hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta canh thức trước ma lực của quyền bính – power, khát vọng đẩy con người mọi nơi mọi thời và đặt họ vào cuộc phân tranh – tiêu trừ để tìm chỗ đứng, danh dự. Mammon và power là những thực tại thường đi với nhau và là “ngẫu thần” mà chúng ta luôn phải đối diện trong hành trình tuyên xưng danh tính của môn đệ Chúa Kitô. Bởi vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện thứ quyền bính đích thực: quyền bính để phục vụ, phẩm hạnh của Đấng cúi mình phục vụ con người như một tôi tớ.

  1. Quyền bính, sức mạnh đê mê nhân tâm

Lần giở những trang sử nhân loại, dường như mọi thời điểm luôn được đánh dấu bởi những cuộc tranh quyền đoạt vị. Nó không phải là những câu chuyên xa xưa của thời dĩ vãng, và chúng ta chỉ có thể đọc lại trong những trang sử ký hay những thước phim mà là câu chuyện của mỗi ngày sống chúng ta. Hàng ngày chúng ta vẫn chứng kiến những cuộc cạnh tranh, thanh trừng, tiêu từ của nhóm này, nhóm kia, giữa đối thủ này với địch thủ nọ, giữa hệ tư tượng này và tư tưởng khác. Nhiều kẻ tắm máu đồng bào, thân hữu của mình, và thậm chí còn nhân danh công lý, chính nghĩa để đoạt cho kỳ được một chỗ ngồi, để nắm giữ quyền bính và thống trị người khác.

Con người, hữu thể nhân linh được tạo dựng để quy hướng quyền bính đích thực là Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người đã sử dụng tự do của mình để tìm kiếm chính mình thay vì quy phục Thiên Chúa. Để xây dựng đế chế, uy quyền của mình, người ta chấp nhận việc “xay xát, uống máu quân thù”, và mỗi chúng ta, cách nào đó cũng mang trong mình ham muốn một thứ quyền lực, ít nhất là sự khẳng định chính mình. Quyền bính sẽ trở nên lệch lạc và đáng sợ khi nó không phục vụ cho thiện ích chung, cho sự thăng tiến của con người, nghĩa là đạt tới quyền bính đích thực, là mãnh lực đê mê nhiều nhân tâm.

Chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con một điều”, hai người con ông Dêbêđe trình thỉnh nguyện riêng lên Thầy. Tác giả Matthêu khi ghi chú sự kiện này, đã đặt ý nguyện trên môi miệng người mẹ của hai ông (20,20). Tâm nguyện gì vậy? Được bền đỗ theo Thầy? Sở đắc được Đạo lý của Thầy? Là học trò – môn đệ chính dánh? Không phải là việc đạt tới phẩm cách môn đệ mà là “chỗ đứng trong vương quốc vinh quang”. Không phải chỗ tầm thường, phải là “hai bên tả hữu”. Mất công đánh quả lẻ, môn đệ Chúa yêu và người anh xin chỗ danh dự và trọng yếu nhất trong vương quốc tương lai của Thầy.

Tưởng rằng chỉ anh em nhà Dêbêđê mới có tham vọng quyền bình. Thực ra tất cả bạn hữu của các ông cùng mang một thể thức ấy: “Mười môn đệ kia đâm ra tức tối với hai ông”, tức tối vì hai ông đánh quả lẻ, vì chỗ ngon nhất có người nhòm ngó và đi bước trước đặt chỗ! Cùng một mong muốn, có chăng người giám nói ra, kẻ khác lặng thinh mà thôi. Điều này thật thú vị! Không phải người đời mới chạy chức chạy quyền, mà môn đệ của “Đấng đã tước bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” cũng tính kế tìm ngai và giữ ghế; không phải một vài người nào đó có tham vọng làm “lãnh đạo”, “bề trên”, mà dường như tất cả chúng ta đều có cái gọi là “tham vọng” nào đó về quyền bính.

Tác giả Tin mừng đầy dụng ý khi đặt cảnh này sau biến cố Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba cuộc khổ nạn phục sinh của Người. Và Thầy trò Giêsu đang đi lên Giêrusalem – nghĩa là đang đi trên con đường tự hủy, bị tước hết vinh quang danh dự để phục vụ ơn cứu độ, song các môn đệ của Người né tránh, cản lối như Phêrô (Mc 8,32), các ông vẫn còn “tối dạ, không hiểu” (Mc 9,32) và “kinh hoàng sợ hãi” (Mc 10,32), lại còn bận tâm về địa vị, chỗ đứng của mình. Qua đó, Chúa Giêsu giáo huấn các ông đề linh đạo phục vụ.

  1. Phục vụ, biểu hiện quyền bính đích thực

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay trình bày chủ đề phục vụ, kêu gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm nhường và thập giá, đó là con đường mà Đức Giêsu đạt tới vương vị – quyền bính, sức mạnh của tình yêu trao hiến.

Bài đọc thứ nhất ngôn sứ Isaia đã mô tả về  “Tôi Tớ của Thiên Chúa” (53,10-11) và sứ mệnh cứu độ của Người. Người Tôi tớ không thuộc về một dòng họ của bậc vương giả: Người bị khinh miệt, bị mọi người xa lánh, một người đầy những ưu phiền; Người không làm những sự vĩ đại hay đưa ra những bài diễn thuyết hùng hồn ấn tượng. Thay vào đó, Người hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa với sự khiêm hạ, trong sự hiện diện lặng lẽ và qua những đau khổ của mình.

Chúa Giêsu chính là Tôi tớ của Thiên Chúa. Cuộc sống và sự chết của Người, được đánh dấu bằng một thái độ phục vụ hoàn toàn của tôi tớ (x. Pl 2,7). Thánh Marco ghi lại cảnh tượng Chúa Giêsu đối diện với hai môn đệ Giacôbê và Gioan. Hai ông muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Người trong Nước Thiên Chúa (x. Mc 10,37), đòi những chỗ danh dự, theo tầm nhìn phẩm trật của họ về Nước Trời. Viễn tượng của họ vẫn còn bị che mờ bởi ảo ảnh của những thành đạt trần thế. Chúa Giêsu liền “dáng” cú đầu tiên vào những quan niệm nặng mùi thế tục của các môn đệ: “Chén mà Thầy uống, cả các con cũng sẽ uống, còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Thầy, Thầy không có quyền cho, những Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (c.39-40).

“Uống chén đắng” là cách thức để các môn đệ dự phần đầy đủ vào con đường của vương quyền Giêsu – Sequela Christi – vác thập giá theo Người. Câu trả lời của Người là một lời mời gọi hãy theo Người trên con đường yêu thương và phục vụ, từ khước mọi cám dỗ trần thế muốn ngồi chỗ nhất, thống trị và ra lệnh cho người khác để bước vào con đuờng mà Thánh Phaolô xác tín nếu chúng ta cùng chết với Người, ta sẽ sống lại và thống trị với Người (x. Rm 6,3-4.8-11).

Trước cơn cám dỗ tìm kiếm quyền bính và thành công, các môn đệ xưa và chúng ta hôm nay được kêu gọi hãy làm ngược lại với tâm thức của thế tục: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (c. 42-44). Với những lời ấy Chúa chỉ cho chúng ta thấy việc phục vụ là cách thức thực thi quyền bính trong cộng đoàn Kitô. Ai phục vụ người khác và không tìm tư lợi, là thực thi quyền bính thực sự trong Giáo hội. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi cách nhìn và vượt qua cám dỗ quyền bính để đạt đến niềm vui phục vụ trong lặng lẽ. Tiêu trừ ước muốn bản năng là được thống trị người khác và thực thi nhân đức khiêm nhường phục vụ tha nhân.

  1. Phục vụ theo mẫu gương Thầy Giêsu

Sau khi giáo huấn các môn đệ đừng bắt chước kiểu cách tìm kiếm danh dự chỗ đứng, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chiêm ngắm và học biết cung cách phục vụ của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c. 45). Trong Bữa tiệc ly, sau khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu nhắn gởi: “Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như vậy” (Ga 13,15), vì “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27c).

Chúng ta biết rằng, trong truyền thống Kinh thánh, Con Người là Đấng lãnh nhận từ Thiên Chúa “quyền bính, vinh quang và vương quyền” (Dn 7,14). Chúa Giêsu làm cho hình ảnh ấy được tràn đầy ý nghĩa mới. Người được hưởng quyền bính vì Người là Tôi tớ; được hưởng vinh quang vì có thể hạ mình xuống; và được hưởng vương quyền vì sẵn sàng thí mạng sống mình. Qua cuộc thương khó và cái chết, Người chiếm chỗ rốt nhất, đạt tới mức độ phục vụ cao cả nhất, và truyền lại điều đó cho Giáo hội của Người.

Giáo huấn của Chúa Giêsu về quyền bính hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của nhân loại. Việc phục vụ khiêm nhường là đặc trưng của quyền bính theo giáo huấn và gương của Chúa Giêsu. Vinh dự, thành công, danh tiếng, những vẻ vang trần thế đối chọi với logic của Đấng chịu đóng đinh, và dĩ nhiên tham vọng và lòng khát khao sự nghiệp không tương hợp với tư cách là môn sinh Chúa Kitô.

Đức Giêsu chịu đóng – Ngươi tôi trung đau khổ, Vị thượng tế biết cảm thương là những danh xưng diễn tả quyền bính đích thực của Messia của Đức Chúa. Người không đến như một quân vương thống lãnh bá tánh nhưng như một người anh em giữa anh em mình như tác giả thư gởi tin hứu Do thái trình bày: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (4,15).

Chúa Giêsu sống chức tư tế đích thực của lòng thương xót và cảm thông. Người đã kinh nghiệm trực tiếp về thân phận người với những khốn cùng của nó. Sự kiện Người không mắc tội lỗi không ngăn cản Người thấu hiểu các tội nhân. Vinh quang của Người không phát sinh từ tham vọng hay khao khát thống trị, nhưng là vinh quang của Đấng yêu mến con người, đón nhận và chia sẻ yếu đuối của họ và ban cho họ ơn chữa lành, tháp tùng họ với sự dịu dàng giữa trăm chiều gian truân của họ.

Chúng ta đang tiến bước trên con đường môn đệ của Đấng chịu đóng đinh, khiêm nhường và hiền hậu phục vụ ơn cứu độ nhân loại hay là kiếm tìm sự thống trị theo quan niệm thế gian? Niềm vinh dự của tôi là thập giá Chúa Kitô – sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa hay là việc cậy dựa vào tiền bạc – quyền lực của con người?

Nguồn: dcvphanxicoxavie.com

Có thể bạn quan tâm