Vatican News
Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas cũng nói về sự vỡ mộng về khả năng giải quyết của các cơ quan quốc tế và niềm tin được vun đắp qua công việc của một Giáo hội không ngừng khơi dậy niềm hy vọng và gần gũi với người dân vốn đã phải chịu đựng sự xâm lược của quân đội Nga quá lâu.
Cuộc trò chuyện của Đức Tổng Giám mục Visvaldas Kulbokas với truyền thông Vatican diễn ra sau cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào lãnh thổ Ucraina, trong đó hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái được sử dụng chủ yếu nhằm tấn công cơ sở hạ tầng. Ngoài thiệt hại về cơ sở hạ tầng, cuộc tấn công còn gây tử vong và thương tích nhiều dân thường.
** Thưa Đức Tổng Giám mục Kulbokas, để giúp người dân vun trồng niềm hy vọng, cần phải xoa dịu nỗi đau của họ bằng cách đồng hành với họ trong việc nhận ra ý nghĩa của hoàn cảnh này. Nhiệm vụ này đã được Giáo hội tại Ucraina thực hiện như thế nào trong 1000 ngày qua của cuộc chiến này?
– Tôi không chỉ nghĩ đến những người sống trong các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của chính phủ Ucraina, mà cả những người ở ngoài các vùng lãnh thổ này và đặc biệt là các tù nhân. Giúp đỡ những người này là điều rất khó khăn bởi vì chỉ còn lại lời cầu nguyện, đó là sức mạnh duy nhất. Nhưng tôi rất tin tưởng, bởi vì tôi biết rằng lời cầu nguyện có thể làm nên những điều kỳ diệu. Các mục tử sát cánh với người dân của mình và đây là món quà của Giáo hội Công giáo cũng như của các Giáo hội và cộng đồng đức tin khác. Chẳng hạn, tôi đã thấy điều này ở Kherson, nơi tôi nghe những câu chuyện về các linh mục, những người thực tế vẫn là điểm tham chiếu duy nhất của người dân và vì điều này mà người dân rất biết ơn các linh mục. Vì vậy, việc ở bên nhau là rất quan trọng. Hành động của các tuyên úy quân đội cũng rất quan trọng vì người lính thường không biết ngày mai mình có còn sống hay không và ở đó câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống càng trở nên quan trọng hơn.
Tôi đã nghe một số câu chuyện về những người tình nguyện mang thuốc cho binh lính và thường nghe những người lính nói: “Đối với tôi, bạn giống như Chúa Giêsu, vì bạn đã đi bằng mọi cách để mang thuốc cho tôi”. Vì vậy, có một ý thức rất mạnh mẽ về tình người. Và rồi cũng chính những vị tuyên úy quân đội này, khi có thể nói chuyện với binh lính, luôn nhắc nhở họ: “Hãy nhìn xem, ngay cả khi các bạn mất đi sức khỏe, tính mạng hay người thân trong gia đình, mọi chuyện không kết thúc ở đây, bởi vì có người yêu quý các bạn bất chấp tất cả: đó là Thiên Chúa”. Tôi có thể nói rằng niềm hy vọng này đối với các quân nhân có tầm quan trọng nền tảng vì thực sự có rất nhiều khó khăn. Nếu xét lại 1000 ngày kể từ khi bắt đầu chiến tranh quy mô lớn, chúng ta có thể thấy rằng cuộc chiến không hề giảm đi nhưng ngược lại: năm 2023 có nhiều người chết hơn năm 2022. Nếu chúng ta nói về năm 2024 này, thì có nhiều người chết hơn năm 2023. Vì vậy, ngày càng gia tăng, đau khổ ngày càng gia tăng và vì lý do này, điều rất quan trọng là phải đưa ra ý nghĩa, ý nghĩa Kitô giáo khi đối mặt với sự bất an và sợ hãi. Tôi không dám nói rằng Giáo hội đã làm được điều đó một cách hoàn hảo, nhưng mỗi mục tử hay mỗi tín hữu đều cố gắng làm theo sức mình.
** Người dân Ucraina nghĩ gì về những ngày trôi qua kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược?
– Chiến tranh đã diễn ra quá lâu và người dân có cảm giác mất lòng tin. Không tin tưởng bởi vì thế giới có những cơ quan như Liên Hiệp Quốc, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng các tổ chức này lại cho thấy đó là những cơ cấu không phù hợp, không có khả năng giải quyết được việc gì. Cũng bởi vì trong Hội đồng Bảo an có ai đó có liên quan trực tiếp. Rồi về các tù nhân, gia đình họ luôn nhắc lại với tôi: “Nhưng Công ước Genève có tác dụng gì? Có ai có thể đến thăm các tù nhân của chúng tôi hay không?”. Sự thật cho chúng ta biết là không, không thể áp dụng hoặc thực thi các Công ước. Vì vậy, có rất nhiều cảm giác thất vọng về cách nhân loại giải quyết vấn đề này, rõ ràng không chỉ ở Ucraina mà còn ở các nơi khác trên thế giới. Vì vậy, có một cảm giác rất mất tin tưởng, mệt mỏi. Nhưng ở đây tôi không gặp nhiều người đếm ngày tháng. Ở các nước khác hoặc trên các trang tin tức họ làm điều đó vì lý do thống kê. Ngược lại, ví dụ, ở Kyiv, chúng tôi bị choáng ngợp bởi nhiều vấn đề và thường chúng tôi thậm chí không thể theo dõi ngày hoặc tháng đã trôi qua. Và câu hỏi về ý nghĩa của việc kéo dài chiến tranh là rất mạnh mẽ và tôi cũng tự hỏi mình điều đó. Cá nhân tôi, việc chiến tranh kéo dài khiến tôi hiểu rõ hơn về những ảo tưởng mà chúng ta thường dựa vào, và từ đó hiểu rõ hơn về tính nhất thời của những ảo tưởng. Nhưng nói theo cách con người (chiến tranh) chẳng có ý nghĩa gì.
** Tình hình nhân đạo trong nước như thế nào? Nhu cầu cấp thiết nhất trong giai đoạn này là gì?
– Có nhiều phạm vi nhu cầu khác nhau. Ví dụ, các cựu tù nhân hoặc trẻ em trở về nước và cần gia đình hoặc tổ chức tiếp nhận họ. Vì vậy, một trong những câu hỏi là xem giáo phận nào, dòng tu nào có khả năng chào đón những người này. Một thách thức nhân đạo khác là điều phối viện trợ nhân đạo vì năm 2024 viện trợ giảm đáng kể so với năm 2022. Sẽ cần đến các nhóm có khả năng tin tưởng vào các nhà tài trợ để thực hiện các dự án hoặc sáng kiến khi viện trợ đã giảm. Một khía cạnh khác là: một số tình nguyện viên đến từ Ý, từ giáo phận Como, cộng tác với giám mục Công giáo nghi lễ Đông phương ở Kharkiv, nói với tôi rằng trong những ngày gần đây họ thấy rằng ở các vùng xung quanh Kharkiv có rất nhiều người cần được giúp đỡ tất cả mọi thứ, từ củi, lò sưởi đến các sản phẩm vệ sinh, quần áo cho mùa đông, nước, thực phẩm. Tôi cũng thấy những thách thức tương tự ở vùng Zaporizhzhia. Ví dụ, tôi biết rằng ở vùng Kherson, các linh mục mang nước uống đến cho người dân. Ở nhiều vùng, nước uống là điều khó tiếp cận. Vì vậy, trong thực tế, chúng tôi cần mọi thứ, mỗi thứ một chút.
** Theo ý kiến của ngài, có bất kỳ khía cạnh nào trong việc phục vụ của Giáo hội đã nổi lên đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh không?
– Tất nhiên, sẽ có nhiều khía cạnh khác nhau cần giải quyết. Một khía cạnh mà hôm nay chúng tôi, với một mục sư Tin Lành, trao đổi. Chúng tôi đã nói về thực tế rằng trong bối cảnh chiến tranh, việc tìm cách ở bên nhau là rất quan trọng. Không thể giải quyết tất cả những khó khăn tồn tại giữa các hệ phái và cộng đoàn khác nhau, nhưng điều rất quan trọng là làm nổi bật những gì hiệp nhất chúng ta. Một khía cạnh rất quan trọng khác là Giáo hội và các Giáo hội thực thi thừa tác vụ lương tâm, họ là tiếng nói của lương tâm. Các tuyên úy quân đội làm điều này, hoặc ít nhất là cố gắng làm điều đó, với các chỉ huy, bởi vì có một cách và một cách đối phó với chiến tranh: có một cách nhân đạo hơn và một cách ít nhân đạo hơn và các tuyên úy quân đội đang cố gắng thực hiện sứ mạng này, trở thành tiếng nói của lương tâm. Ngay cả ở cấp độ toàn cầu, đối với tôi, dường như nhu cầu Giáo hội trở thành tiếng nói của lương tâm đã xuất hiện. Bởi vì chúng ta xem mình là những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến: rõ ràng là Giáo hội không thể ép buộc ai, nhưng luôn cố gắng duy trì sự tiếp xúc tối thiểu với mọi người, cũng cố gắng tìm những cách để nói, hy vọng là cả bằng cách nói không trực tiếp, nhưng theo những cách dễ hiểu, kêu gọi lương tâm, kêu gọi sự cấp bách của việc chấm dứt chiến tranh. Rõ ràng, đó là một vai trò khó khăn, nhưng đây là một trong những sứ vụ chính của Giáo hội, là tiếng nói của lương tâm, bằng cách cố gắng biết dùng những lời nào để kêu gọi lương tâm. Và Giáo hội tiếp tục làm như vậy.
** Ngài đã gặp gỡ nhiều người thân – cha mẹ, vợ con, anh chị em – của các tù nhân chiến tranh và những người mất tích. Điều gì giúp họ không rơi vào tuyệt vọng?
– Hiển nhiên, những người thân cần được hỗ trợ nhiều về mặt tinh thần. Khi gặp họ, tôi nói với họ: “Khi bạn cầu nguyện cho những người thân yêu của mình, hoặc nếu bạn không phải là tín đồ, khi bạn nghĩ đến những người thân yêu của mình – tôi biết điều này từ câu chuyện của những tù nhân được trả tự do – thì lời cầu nguyện hay thậm chí ý nghĩ đơn giản được truyền đi, sẽ đến với họ”. Tôi đã nghe những câu chuyện từ các cựu tù binh chiến tranh nói rằng họ đã nghĩ đến việc tự tử vì tuyệt vọng hoặc vì sự tra tấn mà họ đang trải qua, nhưng điều đã cứu họ là hoặc ý nghĩ về Thiên Chúa, vì đức tin thường cứu họ, hoặc ký ức về những người thân yêu, về các thành viên trong gia đình. Chúng ta biết rằng lời cầu nguyện hoặc suy nghĩ có thể chạm tới, có thể nói về mặt thể chất, những người thân và động viên họ. Nhưng rõ ràng là cần phải đồng hành với những người thân này một cách có tổ chức hơn. Tôi có thể nói rằng vẫn chưa có công việc nào được thực hiện đủ tốt để đồng hành cùng những người này, bởi vì cần có các chuyên gia, các nhà tâm lý học và thường chính là để ở bên họ. Đôi khi người thân của các tù nhân đến gặp tôi, thậm chí chỉ nói chuyện, chỉ để trút tâm sự thôi cũng rõ ràng là quan trọng. Thật khó để đón tiếp hết mọi người, bởi vì có hàng ngàn người thân của hàng ngàn tù nhân.
Ngoài ra còn có những sáng kiếncủa Giáo hội nhằm chuẩn bị cho các linh mục và tình nguyện viên Caritas để hỗ trợ những người này. Bởi vì sẽ quá tầm thường nếu nói với họ: “Mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Cần phải có sự chuẩn bị, thậm chí là chuẩn bị cụ thể để nói chuyện với họ. Thường thì bạn không cần phải nói bất cứ điều gì và chỉ ở bên cạnh họ trong im lặng.
** Thưa Đức Tổng Giám mục, ngài có muốn chia sẻ thêm điều gì không?
– Tôi muốn nói thêm rằng thật là một niềm vui lớn khi thấy các nhóm người tiếp tục đến đây từ nhiều quốc gia khác nhau: từ Ý, Ba Lan, Pháp, Đức. Đôi khi họ mang lại những sự giúp đỡ nho nhỏ bởi vì họ là những người bình dân. Điều này thực sự mang lại niềm vui. Sự gần gũi cá nhân cũng tạo ra sự tương phản nhất định bởi vì trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chiến tranh thường chỉ được xem xét ở khía cạnh thống kê, do đó ở khía cạnh kém nhân đạo hơn, hoặc chỉ được xem xét bằng những phát ngôn lạnh lùng. Ngược lại, những cuộc viếng thăm của các nhóm cầu nguyện hoặc tình nguyện viên luôn mang lại niềm vui vì họ khiến chúng tôi tin rằng có tấm lòng, có lòng nhân đạo và điều này tự nó mang lại niềm hy vọng. Chiến tranh còn ác độc vì nó muốn giết chết sự tin tưởng vào tình nhân loại, nó có nguy cơ phá hủy niềm tin vào mọi cơ cấu quốc tế, vào mọi liên minh các quốc gia, bởi vì kết quả cho thấy như thể những điều này không tồn tại. Chứng tá của các tình nguyện viên và những người đến đây tạo nên sự tương phản và tỏ cho thấy có tấm lòng, có sự quan tâm, có sự chú ý, có lòng nhân đạo. Và tôi muốn nhân cơ hội này để cảm ơn từng người trong số họ vì những sáng kiến họ thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Việc phục vụ Chúa nơi người nghèo canh tân Giáo hội
Th1
Đức Thánh Cha Phanxicô: Một Nữ Tu Sẽ Là Chủ Tịch Phủ Thống..
Th1
Thánh Lễ Tất Niên & Đặt Viên Đá Xây Dựng Trung Tâm Mục..
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 3: Xuân Yêu Thương
Th1
Tài Liệu Tuần Cầu Nguyện Cho Các Kitô Hữu Hiệp Nhất Năm 2025
Th1
Cáo phó: Ông cố Phaolô – Thân phụ của Sr. Anna Nguyễn Thị..
Th1
Giáo Hạt Đầu Tiên Hành Hương Về Nhà Thờ Chính Tòa Trong Năm..
Th1
Thánh Lễ Khánh Thành Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Bàu Sen trong Tuần..
Th1
Đức Cha Louis dâng thánh lễ khai mạc Tuần Chầu Lượt tại Giáo..
Th1
Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên C: Tiệc Cưới Giao Ước Mới
Th1
TGM-GPHT: Thông Báo Thánh Lễ Tất Niên Giáp Thìn 2024 & Đặt Viên..
Th1
“Xuân Yêu Thương” Khai Sáng Niềm Hy Vọng Tại Giáo phận Hà Tĩnh
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Bình Chính Tĩnh Tâm, Gặp Mặt Và Tổng Kết..
Th1
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Tất Niên Xuân Ất Tỵ 2025
Th1
Quý Cha Giáo Hạt Kỳ Anh Tĩnh Tâm & Họp Bàn Công Việc..
Th1
Đức cha Louis đến thăm các Trung tâm và Mái ấm trong Giáo..
Th1
Suy niệm mỗi ngày, Tuần I Thường niên, năm lẻ
Th1
Tổng Giám mục Gądecki phê bình kiến nghị cấm trẻ vị thành niên..
Th1
Tổng Thống Biden Trao Tặng Đức Thánh Cha Huân Chương Tự Do
Th1
Nhịp Sống Giáo Hội Việt Nam Số 2
Th1