Sứ điệp Mùa Chay 2022 của Đức Thánh Cha Phanxicô

1273 lượt xem

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2022 CỦA ĐỨC THÁNH CHA

“Làm lành, ta đứng quản ngại từ nan; đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp, ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6, 9-10).

Anh chị em thân mến,

Mùa Chay là thời gian thuận lợi để canh tân cá nhân và cộng đoàn, mùa dẫn đưa chúng ta đến mầu nhiệm vượt qua về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Trong hành trình Mùa Chay 2022, chúng ta sẽ suy gẫm về lời khích lệ của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Galát: “Làm lành, ta đứng quản ngại từ nan; đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi. Vậy bao lâu còn dịp (kairós), ta hãy làm lành đối với mọi người” (Gl 6, 9-10).

  1. GIEO VÀ GẶT

Bằng những lời này, thánh Tông đồ gợi lên hình ảnh gieo và gặt, rất đỗi thân thương với Chúa Giêsu (x. Mt 13). Thánh Phaolô nói với chúng ta về một kairós: một dịp hay một thời cơ thích hợp để gieo vãi điều tốt, hướng nhìn về một vụ mùa tương lai. “Thời cơ” đối với chúng ta là gì? Mùa Chay chắc chắn là một thời cơ thuận lợi, nhưng toàn bộ cuộc sống chúng ta trên dương gian này đều là thời cơ như thế, trong đó Mùa Chay, theo cách nào đó, là một trường hợp điển hình của thời cơ này[1]. Trong cuộc đời này, chúng ta thường tham lam, kiêu căng, ham muốn chiếm hữu, tích lũy và hưởng thụ, như dụ ngôn người đàn ông ngu dại trong Tin Mừng cho thấy, ông nghĩ rằng cuộc sống mình ấm no hạnh phúc, nhờ lúa thóc dồi dào và hoa trái mùa màng chất đống trong kho (x. Lc 12, 16-21). Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi tâm thức, sao cho chúng ta thấy được vẻ chân thật và tuyệt mỹ của cuộc đời không hệ tại ở việc sở hữu nhưng là việc cho đi, không phải là tích lũy nhưng là gieo vãi và chia sẻ điều tốt.

Người gieo hạt đầu tiên là chính Thiên Chúa, Đấng với lòng quảng đại cao cả “tiếp tục vãi gieo những hạt giống tốt trong gia đình nhân loại” (Fratelli Tutti, số 54). Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi để đáp lại ân huệ này của Thiên Chúa bằng cách đón nhận lời Người là lời “sống động và linh hoạt” (Hr 4, 12). Nhờ thường xuyên lắng nghe lời Chúa, chúng ta cởi mở và ngoan ngoãn, sẵn sàng để Ngài hoạt động (x. Gc 1, 21), làm cuộc sống chúng ta trổ sinh hoa trái. Điều này mang lại cho chúng ta nỗi hân hoan vui mừng, thậm chí còn hơn thế nữa, vì chúng ta được trở thành cộng tác viên của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3, 9), khi tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5,16), chúng ta cũng có thể gieo vãi những hạt giống tốt lành. Không nên coi lời mời gọi gieo vãi sự tốt lành này như gánh nặng, nhưng như là ân huệ, qua đó Đấng Tạo Hóa mong muốn chúng ta tích cực kết hợp với sự tốt lành vô biên của Ngài.

Còn vụ mùa thì thế nào? Chúng ta gieo trồng không để gặt hái hay sao? Dĩ nhiên là có! Thánh Phaolô chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa gieo và gặt khi ngài khẳng định: “gieo sẻn thì gặt sẻn; gieo hậu thì gặt hậu” (2Cr 9, 6). Nhưng chúng ta đang nói về mùa gặt nào? Hoa trái đầu tiên của những điều tốt lành mà chúng ta gieo xuất hiện nơi chính chúng ta và trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thậm chí ngay cả trong những nghĩa cử nhỏ bé của chúng ta. Trong Chúa, không một hành vi yêu mến nào, dẫu có nhỏ bé đến đâu, không một “cố gắng quảng đại” nào sẽ bị mất đi (x. Evangelii Gaudium, số 279). Cây được nhận biết nhờ hoa trái của nó (x. Mt 7, 16.20), cũng vậy một đời sống đầy những việc lành sẽ tỏa sáng (x. Mt 5, 14-16) và mang hương thơm của Đức Kitô đến cho thế giới (x. 2Cr 2, 15).

Khi không vương tội lỗi, việc phụng sự Thiên Chúa của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái thánh thiện cứu độ tất cả (x. Rm 6, 22). Thực tế, chúng ta chỉ thấy phần nào hoa trái mà chúng ta gieo vãi, bởi vì, theo câu tục ngữ  trong Tin mừng : “người này gieo kẻ khác gặt!” (Ga 4, 37). Chính khi gieo vãi vì lợi ích của người khác, chúng ta thông dự vào lòng đại lượng bao dung của Thiên Chúa: “Phải thật cao thượng mới có thể khởi sự những tiến trình mà người khác sẽ thu lượm hoa trái, trong khi luôn đặt hy vọng nơi sức mạnh tiềm ẩn của những hạt giống tốt lành được vãi gieo” (Fratelli Tutti, số 196). Việc gieo vãi sự tốt lành vì lợi ích của người khác giải thoát chúng ta khỏi thói tư lợi hẹp hòi, khiến những hành vi của chúng ta thấm đẫm sự vô vị lợi, đưa chúng ta đến viễn tượng tuyệt vời trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Lời Chúa mở rộng và nâng cao tầm nhìn của chúng ta: Lời Chúa nói với chúng ta rằng mùa gặt đích thực là mùa gặt cánh chung, mùa gặt của ngày sau hết, ngày mặt trời không bao giờ lặn. Hoa màu sung mãn trong đời sống và hoạt động của chúng ta là “hoa màu sự sống đời đời” (Ga 4, 36), là “kho tàng trên trời” của chúng ta (Lc 12, 33; 18, 22). Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa vùi trong đất chết đi và mang lại hoa trái như biểu tượng của mầu nhiệm chết và phục sinh của Người (x. Ga 12, 24), trong khi Thánh Phaolô dùng cùng một hình ảnh để nói về sự phục sinh thân xác của chúng ta: “Gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng!” (1Cr 15, 42-44). Niềm hy vọng phục sinh là nguồn ánh sáng huy hoàng mà Đức Kitô phục sinh mang lại cho thế giới, vì “Nếu ta đặt mối hi vọng vào Ðức Kitô vẻn vẹn cho lúc sinh thời này thôi, thì quả ta là những kẻ khốn nạn nhất trong cả thiên hạ! Nhưng kỳ thực, Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết, tiên thường của các vong linh” (1Cr 15, 19-20). Những ai kết hợp mật thiết với Ngài trong tình yêu, “nên đồng hình với sự chết của Ngài” (Rm 6, 5) cũng sẽ được liên kết vào sự phục sinh của Ngài để được sống đời đời (x. Ga 5, 29). “Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13, 43).

  1. “LÀM LÀNH, TA ĐỨNG QUẢN NGẠI TỪ NAN”

Sự phục sinh của Chúa Kitô làm sinh động niềm hy vọng trần thế bằng “niềm hy vọng lớn lao” về cuộc sống vĩnh cửu, và đã gieo trồng hạt giống cứu độ ngay thời hiện tại này rồi (x. BÊNÊĐICTÔ XVI, Spe Salvi, số 3 và 7). Khi đối diện với nỗi thất vọng đắng cay vì ước mơ tan vỡ, mối bận tâm sâu xa trước những thử thách đang chờ đón và sự ngã lòng chán nản trước những nguồn lực nghèo nàn, chúng ta có thể bị cám dỗ muốn ích kỷ thu mình lại và tìm nơi ẩn náu trong thái độ thờ ơ trước những khổ đau của người khác. Thật vậy, ngay cả các nguồn lực tốt nhất thì cũng có giới hạn: “Trẻ trung thì mệt, thì mỏi, tráng đinh nghiêng ngả bổ nhào”(Is 40, 30). Tuy nhiên, Thiên Chúa “ban sức mạnh cho kẻ mệt mỏi và kẻ không cường tráng được Người tăng thêm khang kiện. […] những ai trông vào Yavê, sẽ có sức mạnh luôn luôn đổi mới, chúng mọc cánh như những phụng hoàng; chúng chạy mà không mỏi, chúng đi mà không mệt” (Is 40, 29.31). Mùa chay kêu gọi chúng ta đặt niềm tin và trông cậy vào Chúa (x. 1Pr 1, 21), vì chỉ khi nào chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh (x. Dt 12, 2) chúng ta mới có thể đáp lại lời kêu gọi của Thánh Tông đồ: “Làm lành, ta đứng quản ngại từ nan” (Gl 6, 9).

Khi cầu nguyện, đừng quản ngại từ nan. Chúa Giêsu dạy chúng ta “phải cầu nguyện luôn, đừng nhàm chán” (Lc 18, 1). Chúng ta phải cầu nguyện vì chúng ta cần Chúa. Nghĩ rằng không cần gì khác ngoài chính bản thân mình là một ảo tưởng nguy hiểm. Nếu cơn đại dịch có nâng cao nhận thức chúng ta về sự mong manh của mỗi cá nhân và cả xã hội, thì ước mong sao mùa Chay này cho phép chúng ta cảm nghiệm được niềm an ủi nhờ niềm tin vào Thiên Chúa, vì không có Ngài chúng ta không thể đứng vững (x. Is 7, 9). Không ai được cứu độ một mình, vì tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền, giữa những cơn bão tố của lịch sử[2]; và chắc chắn không ai được cứu độ mà không cần Chúa, vì chỉ có mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô mới chiến thắng vùng nước tối đen của tử thần. Đức tin không miễn trừ cho chúng ta khỏi những gánh nặng và gian truân trên đường đời, nhưng nó cho phép chúng ta đương đầu với chúng qua việc kết hiệp với Thiên Chúa trong Đức Kitô, với niềm hy vọng lớn lao chẳng làm chúng ta thất vọng, và dấu chứng bảo đảm cho điều đó chính là tình yêu mà Thiên Chúa đã tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5, 1-5).

Đừng quản ngại từ nan khi nhổ bỏ cái ác ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Ước mong việc chay tịnh phần xác mà Mùa Chay kêu gọi, làm tinh thần chúng ta thêm vững mạnh để chiến đấu chống trả tội lỗi. Đừng quản ngại từ nan khi cầu xin ơn tha thứ trong Bí tích Sám hối và Hòa giải, vì biết rằng Thiên Chúa chẳng bao giờ mệt mỏi khi tha thứ[3]Đừng quản ngại từ nan khi chống lại dục vọng. Đây chính là điểm yếu dẫn đến tính ích kỷ và tất cả mọi thói xấu, và theo suốt dòng lịch sử, với những cách thức khác nhau đã mê hoặc con người khiến họ đắm chìm trong tội (x. Fratelli Tutti, số 166). Một trong các thói xấu này là chứng nghiện phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Thói tật trên làm cho các mối tương quan của con người hóa ra nghèo nàn. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chống lại những loại cám dỗ này và thay vào đó là vun đắp một hình thức giao tiếp trọn vẹn tình người hơn (x. Fratelli Tutti, số 43), vốn được tạo thành từ “những cuộc gặp gỡ đích thực” (Fratelli Tutti, số 50), trực tiếp mặt đối mặt.

Đừng quản ngại từ nan khi tích cực làm các việc bác ái đối với những người thân cận. Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta hãy vui vẻ thực hành bố thí (x. 2 Cr 9, 7). Thiên Chúa là “Ðấng đã cung cấp giống cho kẻ gieo, và bánh nuôi mình cho họ” (2 Cr 9, 10), ban cho mỗi người chúng ta không chỉ có lương thực để ăn, mà còn để quảng đại làm điều tốt cho người khác. Dù đúng là chúng ta có cả cuộc đời để gieo vãi sự tốt lành, nhưng chúng ta hãy đặc biệt tận dụng Mùa Chay này để quan tâm đến những người thân cận với chúng ta, để làm cho những anh chị em đang bị tổn thương trên đường đời trở thành những người thân cận với chúng ta (x. Lc 10, 25-37). Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để tìm gặp, chứ không phải để lảng tránh những người thiếu thốn; để tiếp cận, chứ không phớt lờ những người muốn được lắng nghe và cần một lời nói tử tế; để thăm viếng, chứ không bỏ rơi những người cô đơn. Chúng ta hãy thực hành lời mời gọi làm điều tốt lành với tất cả mọi người, dành thời gian để yêu thương những người nghèo hèn và yếu đuối, những người bị bỏ rơi và khinh miệt, những người bị kỳ thị và bị gạt ra bên lề xã hội (x. Fratelli Tutti, số 193).

  1. “ĐẾN THỜI ĐẾN BUỔI, TA SẼ GẶT, MIỄN LÀ ĐÃ KHÔNG BỎ BUÔNG TRÔI”

Hàng năm trong Mùa Chay chúng ta được nhắc nhở rằng “Điều thiện hảo, cũng như tình yêu, công lý và sự liên đới không cứ giành được một lần là có mãi nhưng phải chinh phục mỗi ngày” (Fratelli Tutti, số 11). Vì vậy, hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng kiên trì nhẫn nại của nhà nông (x. Gc 5, 7) để không thôi làm điều tốt, làm từng việc một. Nếu chúng ta quỵ ngã, hãy chìa tay ra cho Chúa Cha, Người luôn luôn nâng chúng ta dậy. Nếu chúng ta lầm đường, lạc lối bởi những cám dỗ của sự dữ, chúng ta đừng ngần ngại trở về với Thiên Chúa, “Người giàu ơn tha thứ” (Is 55, 7). Trong mùa sám hối này, được nâng đỡ bởi ân sủng của Thiên Chúa và sự hiệp thông trong Hội Thánh, chúng ta đừng chán nản và mệt mỏi khi gieo vãi điều tốt trên mảnh đất được chuẩn bị bằng chay tịnh, được tưới bón bởi cầu nguyện và được trở nên màu mỡ nhờ đức ái. Chúng ta hãy vững tin rằng “đến thời đến buổi, ta sẽ gặt, miễn là đã không bỏ buông trôi”, và với ơn kiên trì, chúng ta sẽ đạt được điều Chúa đã hứa (x. Dt 10, 36) cho chúng ta và cả người khác cùng được hưởng ơn cứu độ (x. 1Tm 4, 16). Bằng cách vun đắp tình huynh đệ với mọi người, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, Đấng hiến ban sự sống mình vì chúng ta (x. 2Cr 5, 14-15), và chúng ta được hưởng nếm trước niềm vui của Nước Trời khi Thiên Chúa “là tất cả trong mọi sự” (1Cr 15, 28)

Lạy Đức Trinh nữ Maria, từ cung lòng Mẹ, Đấng Cứu Thế đã được sinh ra và Mẹ đã “giữ kỹ mọi điều ấy và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19), xin Mẹ bầu cử cho chúng con có được ơn kiên trì.  Xin Mẹ hiện diện bên chúng con bằng tấm lòng từ mẫu của Mẹ, để mùa sám hối này mang lại hoa trái ơn cứu độ đời đời.

Roma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2021, lễ nhớ Thánh Máctinô, Giám mục.

Phanxicô

Bản dịch của Linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
WHĐ (24.02.2022)

[1] X. THÁNH AUGUSTINÔ, Bài giảng 243, 9,8; 270, 3; Giải thích Thánh vịnh 110, 1.

[2] X. Thời khắc cầu nguyện đặc biệt trong mùa đại dịch (27.03.2020).

[3] X. Giờ kinh Truyền tin 17.03.2013.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận