Những thuận lợi cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

2225 lượt xem

Trước thềm thiên niên kỷ mới, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định: “Hơn bao giờ hết, hôm nay, Giáo hội có cơ hội thuận tiện để đưa Phúc âm đến cho tất cả mọi người, mọi dân tộc, qua chứng nhân cuộc sống hoặc bằng lời nói. Tôi thấy đang ló rạng một kỷ nguyên truyền giáo và sẽ bừng sáng rạng rỡ và nặng trĩu hoa trái, nếu tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt các nhà truyền giáo và các Giáo hội trẻ đáp lại những kêu gọi và thách đố của thời đại với lòng quảng đại và sự thánh thiện.”[1]

Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, hẳn nhiều người có phần ngờ hoặc, nghi ngại nhận định trên của Đức Thánh cha, bởi lẽ, sau hơn 400 năm Tin mừng được chính thức truyền giảng trên đất Việt, tỷ lệ người Công giáo ở đây mới ở mức chưa đầy 7% dân số, thậm chí, tỷ lệ này so với cách đây nửa thế kỷ vẫn không thay đổi, khoảng 6,93%.[2] Tuy nhiên, người viết thiển nghĩ rằng, nhận định trên đây của Đức Thánh cha vẫn nguyên giá trị trong bối cảnh Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có nhận diện được hay nỗ lực tận dụng những thuận lợi ấy để có được những hoa trái ngọt lành hay không. Trong bài viết ngắn này, người viết không có tham vọng tìm hết hay phân tích đến ngọn nguồn nhưng chỉ dám ‘điểm danh’ những thuận lợi cơ bản về phương diện chủ quan (1) và khách quan (2) trong bối cảnh hiện tại, như một định hướng tương lai cho bản thân trong sứ vụ loan báo Tin mừng.

Những thuận lợi chủ quan

Khi đưa ra nhận định lạc quan trên, hẳn là Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II có hàm ý đến Á châu, mà ở đó, Việt Nam được kể là một Giáo hội trẻ đầy năng động với nhiều lợi thế đang có. Nói là một Giáo hội trẻ, nhưng thực ra, Giáo hội Việt Nam đã có cho mình một bề dày, một bệ đỡ đủ vững, được đắp xây bởi lịch sử với biết bao kinh nghiệm, trải nghiệm đầy thăng trầm, oanh liệt nhiều mà bi thương cũng không ít; đủ để có thể vững chãi bước đi và vươn mình.

Sau một thời gian khá dài “đón nhận” và “đi theo”, Giáo hội Việt Nam, từ khá lâu nay, đã tự mình làm chủ, để là người Việt của người Việt và cho người Việt. Đây là một lợi điểm không nhỏ về cảm thụ văn hóa, điều mà người ta vẫn thường đề cập khi nói đến sự khác biệt giữa văn hóa nơi sứ điệp Tin mừng được hình thành, văn hóa của người rao giảng và văn hóa nơi tiếp nhận, vốn là một trở ngại rất lớn trong quá khứ. Để với kinh nghiệm được hun đúc và bén rễ sâu trong lịch sử, Giáo hội Việt Nam biết cần phải làm gì và làm như thế nào cho đồng bào của mình.

Đành rằng, vẫn còn đó sự đa dạng và khác biệt về văn hóa vùng miền, nhưng so với thời kỳ trước, với các nhà truyền giáo ngoại quốc, chúng ta lợi thế hơn rất nhiều. Chính việc để hiểu biết các nền văn hóa ấy trong bối cảnh hiện nay cũng thuận lợi hơn trước kia. Điều này giúp dễ dàng tìm được những phương thức và phương thế phù hợp cho tiến trình hội nhập văn hóa.[3]

Những cuộc bách hại trong quá khứ, nhất là chính sách Phân tháp thời Tự Đức và những “sao chép tương tự” mãi cho đến ngày nay, nhằm phân tán cộng đồng Kitô hữu với mục đích tiêu diệt đức tin, đã vô tình đưa những “nhúm men” rải rác khắp các “thúng bột”. Giả như “các nhúm men” quây vần một cụm, các thúng bột lại tụ hội một nơi, thật khó để các thúng bột ấy có thể dậy men, nhất là đối với văn hóa Việt, vốn nặng tính làng xã, khép kín, thích an cư.

Nhìn vào thực tế hiện nay, các cộng đồng Công Giáo sống giữa những dân ngoại, và sự xen lẫn này xem ra hầu khắp, ta nhận thấy một lợi thế không thể tốt hơn. Người Việt chúng ta lại “suy bằng bụng”, thiên về cảm tính, thích biểu tượng và đặc biệt dễ bị thuyết phục bởi gương sáng: “trăm nghe không bằng một thấy”, “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”…[4] Trong một bối cảnh như thế, “chứng tá của đời sống Kitô hữu và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa.”[5] Thật vậy, sự hiện diện yêu thương là một hình thức trình bày rõ nét chứng tá truyền giáo.[6]

Đó là đời sống chứng tá của người giáo dân mà Giáo hội từ Công đồng Vaticanô II đến nay đặc biệt nhấn mạnh.[7] Đời sống chứng tá này lại càng có ý nghĩa quan trọng trong việc truyền giáo tại Việt Nam, nơi mà tính cộng đồng, làng xã, gia đình như một nét đặc thù. Những đặc tính này sẽ là nhịp cầu để Tin mừng đến được với muôn dân và muôn dân gặp gỡ, tiếp xúc với Tin mừng. Ở đây, tình liên đới của Tin mừng gặp được sự tương đồng, tương thích với tình liên đới của truyền thống, văn hóa. Trên thực tế, những kết quả truyền giáo chúng ta có được, hầu hết nhờ đời sống chứng tá và liên đới của người giáo dân.

Tính liên đới này đang được diễn tả cách sinh động nơi các xứ đạo, và được biểu lộ cách phong phú trong đời sống phụng vụ. Chính “phụng vụ cũng là việc cử hành hoạt động truyền giáo.”[8] Về điểm này, lời của Thánh Gioan Phaolô II cho ta một cái nhìn lạc quan: “Phụng vụ là phương tiện quyết định của việc rao giảng Tin mừng, nhất là tại Á châu, nơi mà những người theo đạo khác nhau rất ưa thích việc tế tự, những lễ hội tôn giáo và những việc đạo đức bình dân.”[9]

“Đạo đức bình dân là hoa trái của Tin mừng đã được gieo rắc, nơi đó có một sức mạnh truyền giáo thật năng động mà chúng ta không thể đánh giá thấp được.”[10] Đó là một cách sống đức tin hợp pháp, một cách thức cảm nhận mình là thành phần thuộc về Giáo hội, một cách thức là nhà truyền giáo. Lòng đạo đức này mang nơi mình ân sủng của sứ vụ, bước ra khỏi bản thân và trở thành kẻ lữ hành: Sự kiện cùng bước đến thánh điện, chia sẻ những cách biểu lộ lòng đạo đức bình dân, cùng mang theo những đưa trẻ hay mời gọi những kẻ khác, tự tại là một hành động truyền giáo.[11]

Chính các hội đoàn, ban đoàn được thiết lập và đang hoạt động hiệu quả ở các giáo hội địa phương hiện nay không chỉ giúp ích rất lớn cho đời sống đức tin của người tín hữu mà còn là một nguồn lực quan trọng và hữu hiệu cho việc truyền giáo. Môi trường hội đoàn, giáo xứ và nhất là gia đình mà nét truyền thống vẫn còn giữ được đã giúp cho người trẻ có một nền tảng đức tin và nhân bản khá vững để họ có thể sống đức tin trong tương lai và góp phần cho công cuộc loan báo Tin mừng. Chính nơi đây cũng tạo nguồn nhân sự phong phú cho Giáo hội, nhất là ơn gọi linh mục, tu sỹ.

Nhắc đến ơn gọi này, Giáo hội Việt Nam phải thấy đó là một lợi thế rất lớn. Nguồn nhân lực dồi dào này sẽ giúp cho Giáo hội Việt Nam thêm phong nhiêu, mạnh mẽ sống chứng tá đức tin; hơn thế nữa, các giáo phận, dòng tu có nhiều điều kiện để “đầu tư” cho lãnh vực truyền giáo, nhất là nơi những vùng miền xa xôi, khó khăn. Việc đào tạo nhân sự hiện nay cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây và so với nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề là chúng ta có đặt truyền giáo ở vị trí ưu tiên[12] để rồi mạnh dạn chuyển mình từ một thứ mục vụ chỉ biết bảo trì sang mục vụ truyền giáo đích thực;[13] và chấp nhận “ra khỏi sự yên vững riêng tư của mình và can đảm đi đến những nơi cần đến ánh sáng của Tin mừng”[14] hay không?

Trong thời gian gần đây, Giáo hội Việt Nam và các giáo hội địa phương cũng đã chú trọng nhiều đến lãnh vực truyền giáo khi thiết lập các ủy ban, các chuyên ban cũng như có nhiều chương trình và tài liệu hướng dẫn.

Một điều kiện thuận lợi khác nữa là Giáo hội đang ngày càng có được ‘chỗ đứng’ quan trọng, uy tín trong lòng dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh cho công lý hòa bình, thực thi bác ái, Giáo hội Công giáo dường như đang ở một vị thế tiên phong, “là một cơ chế đáng tin cậy, nhất là trong lãnh vực liên đới và quan tâm đến những người cần giúp đỡ nhất.”[15] Xem ra Công giáo đang là tôn giáo có vị thế nhất trong xã hội Việt hiện nay.

Những thuận lợi về phương diện chủ quan trên đây có thể chưa phải là nhiều nhưng nếu chúng ta biết tận dụng, cùng với những thuận lợi khách quan, chắc chắn, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam sẽ khởi sắc hơn.

Những thuận lợi khách quan

Việt Nam là một dân tộc đậm chất tôn giáo, con người nơi đây quả thực có một tâm thức tâm linh phong phú tựa như mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin mừng nảy mầm và sinh trưởng. Linh mục Leopold Cadiere (1869-1955), một học giả Việt Nam học đã từng nhận định: “Trước hết phải thừa nhận rằng người An Nam, nói cho đúng, sống trong một thế giới siêu nhiên… Họ thấy mọi biến cố may và nhất là biến cố rủi, đều biểu hiện sự can thiệp của thần thánh hay tổ tiên… Người Việt Nam tắm mình trong bầu khí tôn giáo.”[16] Chất tâm linh ấy dường như đã đi vào huyết quản, trở nên tâm tính đặc nét của người Việt, khiến cho chủ trương “sa mạc hóa tâm linh” của nhà nước Cộng sản thất bại, và nay nở rộ đến mức khó kiểm soát. Người ta ước tính hằng năm có đến hơn 8000 lễ hội diễn ra tại Việt Nam.[17]

Việt Nam là vùng đất của những tôn giáo, nền văn hóa Việt vốn đậm chất tâm linh, có nhiều điểm tương đồng với niềm tin Kitô giáo. Nơi các tôn giáo và các nền văn hóa ấy, ta luôn tìm thấy có những mầm giống, những yếu tố, những tia sáng của chân lý và ân sủng, có thể mang đến cho chúng ta những ý tưởng cụ thể về việc cứu độ, [18] không hẳn là không đi ngược Tin Mừng, nhưng cũng chẳng thể nào đồng nhất với Tin Mừng. Tất cả trông giống như những phản ảnh về một thực tại duy nhất là nhân loại, và chứng tỏ mọi người đều đang tìm kiếm Chúa.[19]

Vốn đã sẵn có một vũ trụ quan, một nhân sinh quan và một quan niệm tôn giáo rất phong phú và khá vững chắc, phần lớn người Việt không phải là không biết đến Thiên Chúa, trái lại, họ cũng đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Người một cách nào đó và gọi Người bằng những tên gọi khác nhau như Trời, Thiên, Đạo .v.v… dẫu cách tiếp cận, phương pháp học thuật và thực hành khác nhau.

Trên nền tảng nhân sinh quan và thế giới quan đó, chúng ta thấy có nhiều điểm dễ tạo nên những cuộc gặp gỡ tương giao với lối diễn đạt chân lý Tin mừng. Lối sống duy cảm, duy tình của người Á đông nói chung và người Việt nói riêng, lòng hiếu khách và bao dung, lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, việc kính trên nhường dưới trong gia đình với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm được kết dệt trên nền tảng đời sống tâm linh phong phú mà Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo và nhất là đạo Ông Bà đã gầy dựng và vun xới từ xa xưa, sẽ là một cửa ngõ rộng mở cho hội nhập văn hóa, vốn “là tiến trình hướng tới việc truyền giáo”,[20] và là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống Tin mừng nẩy mầm, lớn lên và trổ sinh hoa trái.[21]

Chính tâm thức ấy đã đưa đến một nền luân lý, nhất là lòng hiếu đạo gần gũi với Tin mừng. Dẫu vết thương trong quá khứ vẫn còn đó của nghi kỵ, hiểu lầm và thành kiến, nhưng càng ngày sự hiểu biết và thiện chí đã và đang làm mờ đi “vết sẹo” còn để lại. Đành rằng, việc xóa bỏ hết mọi hiểu lầm và những ấn tượng tiêu cực trong quá khứ vốn đã ăn sâu, và cuộc ‘hòa giải’ thực sự giữa người lương dân với giáo dân trong vấn đề Đạo Hiếu vẫn còn là một viễn ảnh, nhưng xem ra, so với trước đây, đạo hiếu đang làm cho đạo-đời xích lại gần nhau hơn; vì tự bản chất, Đạo Hiếu rất gần với Đạo Chúa. Chính thành kiến coi Đạo Chúa là một tôn giáo ngoại lai, tôn giáo của thực dân như trước đây đang dần dần được xóa bỏ. Nhờ đó, Đạo Chúa được nhìn với ánh mắt thiện cảm hơn trước và không còn xa lạ với đồng bào Việt.

Trong bối cảnh xã hội nhiễu nhương hiện nay, sự sống và nhân phẩm bị coi rẻ, các giá trị bị đảo lộn và xuống cấp, lòng tin bị đánh cắp, chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, ích kỷ chiếm chỗ, người ta làm giàu bất chấp sự an nguy tính mạng đồng loại, thậm chí là ăn chặn cả những gói mì của những người đang chết đói; mọi sự đều được nhìn và lượng giá dưới lăng kính đồng tiền, những điều vô giá cũng có thể đem ra định giá và đổi chác thiệt hơn; giả dối lừa lọc lan tràn, một sự lên ngôi của ‘văn hóa sự chết’… thì gương sống chứng tá Tin mừng của người Kitô hữu trở thành một lời rao giảng hùng hồn nhất, và các giá trị Phúc âm có thể trở thành một hấp lực hơn bao giờ hết, để khỏa lấp những khát vọng khôn nguôi của một ‘tâm hồn đạo’ mà dù có chạy trốn, người ta vẫn khó lòng chối bỏ.

Giữa đêm đen, người ta càng thấy ánh sáng quý giá và đáng khát mong, và chỉ có nó mới tìm mong đuổi xua bóng tối. Người viết nghĩ rằng, xã hội Việt Nam hôm nay đang đói khát các giá trị Tin mừng, họ cần một luồng gió mát lành để xua tan không khí ngột ngạt, ủ dột thậm chí là độc hại; và người Kitô hữu thấm đượm niềm vui Tin mừng có thể mang đến cho họ.[22] Vấn đề là chúng ta có chấp nhận lội ngược dòng để mạnh mẽ biểu lộ các giá trị ấy bằng đời sống chứng tá của mình hay không.

Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều ngổn ngang, tệ trạng tham nhũng, bất công xã hội, nhất là sự nghèo đói, thậm chí nhiều người đang phải chiến đấu để sống còn và chỉ sống với một ít nhân phẩm,[23] có thể đang là nơi mà ánh sáng Tin mừng dễ dàng chiếu rọi; ở đó, bác ái vốn “là nguồn mạch và tiêu chuẩn của sự truyền giáo”[24] cũng như sự đề cao nhân vị có được tiếng vang nhất. Chúng ta cũng nên biết rằng, “đại đa số người nghèo luôn mở rộng cho niềm tin, họ cần đến Thiên Chúa và chúng ta không được chểnh mảng đem đến cho họ tình thân của Người, lời chúc lành của Người, Lời Người, việc cử hành bí tích và đề nghị một con đường phát triển và trưởng thành trong đức tin.”[25] Được tình ưu ái của Thiên Chúa linh hứng, Giáo hội đã chọn đứng về phía người nghèo.[26] Ngày nay và mãi mãi, họ sẽ là những người được ưu tiên đón nhận Tin mừng.[27]

Ngoài ra, truyền thông cũng đang là một lợi thế trong bối cảnh hiện nay, khi nó tác động sâu rộng và trở nên một thị hiếu, nhất là đối với giới trẻ. Nếu chúng ta biết vận dụng, nó sẽ là một phương thế hữu hiệu cho việc truyền giáo.

Tóm lại, đứng trước thực tế qua những con số thống kê, nhiều người nghĩ ngay và cũng đã có rất nhiều người đề cập đến những khó khăn và thách đố mà công cuộc loan báo Tin mừng tại Việt Nam đã và đang gặp phải. Một cái nhìn sơ lược về những điểm thuận lợi trên đây chỉ mong có thêm cho bản thân những hành trang cần thiết cho sứ vụ loan báo Tin mừng. Người viết thiển nghĩ rằng, việc nhận ra và cố gắng vượt qua những khó khăn là cần thiết, nhưng việc nhận diện và tận dụng những thuận lợi cũng cần thiết không kém. Một nhà sử học Việt Nam đã từng nói: Nếu việc loan báo Tin mừng được “hội nhập văn hóa” hơn, thì những thế kỷ XVII – XVIII, Việt Nam đã trở thành một nước hầu như toàn tòng Kitô giáo.[28]

Linh mục PM. Lê Hùng

[1] ĐGH. Gioan Phaolô II, Redemtoris Missio, số 92.
[2] X. ĐGM. Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Bài thuyết trình tại Đại hội Loan báo Tin Mừng lần III (Huế, 01-04/9/2015), http://gpbanmethuot.vn, 2015, Truy cập ngày 01/12/2017.
[3] Xem thêm Sebastian Karotamprel, Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Mệnh, nd. Lm. Ngô Quang Tuyên, (Bùi Chu: Tủ sách Ra Khơi, 2017), 136-137.
[4] X. Lm. Phaolô Nguyễn Đức Vinh, Tâm Lý Mục Vụ, (lưu hành nội bộ, 2017), 46.
[5] Apostolicam Actuositatem, số 6.
[6] X. Sebastian Karotamprel, Bước Theo Đức Kitô Trên Đường Sứ Mệnh, 22, 98.
[7] X. Ad Gentes, số 12.
[8] ĐGH. Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 24.
[9] ĐGH. Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia, số 22.
[10] Evangelii Gaudium, số 126.
[11] Document d’ Aparecida, số 264. X. Evangelii Gaudium, số 124.
[12] Redemtoris Missio, số 86.
[13] X. Redemtoris Missio, số 370.
[14] Evangelii Gaudium, số 20.
[15] Evangelii Gaudium, số 95.
[16] Đỗ Quang Chính, SJ.,Tản mạn lịch sử GH Công giáo VN, (Hà Nội:NXB.Tôn giáo,2008), 38.
[17] X. “Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ”, http://vietnamnet.vn, 2015, truy cập 15/1/2017.
[18] X. Nostra Aetate, số 2; Ad Gentes, số 3
[19] X. Lm. Đặng Xuân Thành, “Làm Sao Phúc Âm Hóa Văn Hóa?”, http://conggiao.info, 2012, 12/12/2017.
[20] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Africa, 1995, trích trong ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, (ĐCV. Vinh Thanh, 2015), 58.
[21] Góp ý chuẩn bị THĐGM Á châu, 1998, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ Định hướng tùng thư 1998.
[22] X. Evangelii Gaudium, số 1 và số 21.
[23] Evangelii Gaudium, số 25.
[24] Redemtoris Missio, số 62.
[25]Evangellii Gaudium, số 200.
[26] Evangelii Gaudium, số 198.
[27] Evangelii Gaudium, số 48.
[28] Thái Sơn,“Ngẫm nghĩ về cuộc nhập thể văn hóa của Giáo hội VN”,trong Thời sự Thần học-số 10, 12/1997.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận