Nhẫn 2.000 năm tuổi khắc tên Tổng trấn Philatô

1677 lượt xem

Một trong những cổ vật hiếm hoi được cho là truyền từ thời Chúa Giêsu còn tại thế đã được phát hiện sau nhiều năm phân tích.

Cái tên Phongxiô Philatô (tiếng Anh Pontius Pilate) vô cùng quen thuộc với các tín hữu. Thế nhưng, rất ít thông tin được truyền đến ngày nay về cuộc đời và công việc của ông ta. Các nhà khảo cổ học vừa bổ sung một manh mối vào danh sách chứng cứ ít ỏi về nhân vật lịch sử “khét tiếng” này: một chiếc nhẫn bằng đồng thau 2.000 năm tuổi mang tên Philatô.

Phát hiện hiếm có

Trên thực tế, chiếc nhẫn được tìm thấy vào cuối những năm 1960, nằm trong số hàng ngàn cổ vật đào được tại Herodium. Đây là tên của một pháo đài và lâu đài cổ ở phía nam Bethlehem, trên Bờ Tây. Tuy nhiên, phải đến gần đây, các nhà nghiên cứu trong lúc phân tích những cổ vật này bằng công nghệ hình ảnh hiện đại mới có thể giải mã được dấu hiệu được khắc trên nhẫn. Nó có nghĩa là “của Philatô”, bằng ký tự Hy Lạp chạy xung quanh một cái bình rượu vang thường được gọi là krater. Giới khảo cổ học cho hay, chiếc nhẫn là cổ vật thứ hai sau hơn 2.000 năm từng được tìm thấy với tên của quan tổng trấn nổi tiếng.

Phát hiện mới đã được công bố trên chuyên san về khảo cổ học của Israel là Israel Exploration Journal. Philatô là Tổng trấn tỉnh Judea, ở rìa phía đông trên bản đồ của đế quốc La Mã, từ năm 26 đến 36 sau công nguyên. Theo tờ The New York Times, rất tiếc là các chuyên gia không chắc chắn chiếc nhẫn này từng được Philatô đeo, chỉ vì nó quá đơn giản và thường thuộc về các binh sĩ hoặc quan chức cấp thấp, chứ không thể đeo trên tay của một người giàu có và quyền lực như vị tổng trấn.

Khu Herodium ở phía nam Bethlehem

“Chúng tôi nghĩ rằng không hợp lý khi một tổng trấn sử dụng chiếc nhẫn mang dấu triện bằng kim loại và kiểu dáng đơn giản đến thế”, theo các chuyên gia. Thế nhưng, trên thực tế, việc tìm được một cổ vật mang tính kết nối cá nhân với Tổng trấn Philatô là một khám phá vô cùng quan trọng trong nỗ lực tìm thêm chứng cứ từ thời Chúa Giêsu. Và nhiều khả năng, chiếc nhẫn có thể thuộc về một tùy tùng của Tổng trấn. Tờ The Times of Israel dẫn lời nhà khảo cổ học Roi Porat, một trong những tác giả cuộc nghiên cứu cho hay cái tên Philatô không hề phổ biến tại khu vực Judea vào thời đó.

Hiểu thêm về lịch sử

Kinh Thánh kể lại câu chuyện về Tổng trấn Philatô cho đẩy Chúa Giêsu sau trận đòn roi đến trước một đám đông đang giận dữ và buông lời nói rằng “này là Người”“ecce homo” theo tiếng Latinh. Và thời khắc này đã trở thành đề tài quan trọng của nghệ thuật thánh xuyên suốt nhiều thế kỷ. Ngoài Kinh Thánh, đa số những thông tin ít ỏi về Philatô đến từ những tác phẩm còn sót lại đến ngày nay của sử gia Flavius Josephus, học giả, nhà sử học người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Bức tranh nổi tiếng “Này là Người” – “Ecce Homo” của họa sĩ Antonio Ciseri

Herodium, nơi chiếc nhẫn được tìm thấy, đã được xây dựng dưới thời vua Herod Cả và cũng là nơi đặt nấm mồ của ông. Một trong số các người con của vị vua này, cũng có tên Herod, làm vua vào thời Chúa Giêsu. Herodium hiện do Israel kiểm soát và phía Palestine tuyên bố chủ quyền. Chiếc nhẫn được phát hiện trong một căn phòng đầy mảnh vỡ thủy tinh, gốm sứ, các đầu mũi tên, những đồng tiền và các đồ vật khác.

Như đã đề cập, ký tự trên nhẫn là tiếng Hy Lạp, được các quan chức La Mã sử dụng khi liên lạc với những người ở phía đông Địa Trung Hải. Tiếng Hy Lạp cũng có thể được dùng trong các thư tín chính thức của Tổng trấn Philatô và các quan chức cần phải ký tên của ông. Cổ vật đầu tiên được tìm thấy ở Judea có thông tin liên quan đến Philatô là một mẩu đá có khắc chữ, được khai quật vào năm 1961 ở thành phố cảng Caesarea từ thời xưa. Nó được biết đến với cái tên là “mẩu đá Philatô”, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem.

Lăng mộ của Herod Cả

Giáo sư Jonathan Price, chuyên ngành lịch sử cổ đại tại Đại học Tel Aviv, phân tích rằng Philatô chỉ là một trong các quan chức La Mã đã được điều đến Judea. Nếu không được nhắc trong Kinh Thánh, “ông này chỉ được nhớ đến như là một quan chức La Mã không làm nên công trạng gì”. Trong khoảng một thập niên cai trị Judea, Philatô tỏ rõ thái độ thù địch với người địa phương và suýt nữa đã thổi bùng 2 cuộc nổi dậy. “Ông ta đã bị triệu hồi vì lý do thiếu năng lực”, theo giáo sư Price, và sau đó chẳng ai còn nghe thấy thông tin gì về nhân vật này nữa. 

Ling Lang

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận