Người tu sĩ trẻ trên đảo quốc thổ dân

1632 lượt xem

Thầy Giuse Hoàng Quốc Phán (dòng Ngôi Lời – SVD) sinh ra và lớn lên tại Hương Khê – Hà Tĩnh, trong một gia đình có bảy người con thì bốn người đã chọn lý tưởng dâng hiến đời mình cho Chúa. Sức trẻ tuổi “tam thập nhi lập” thúc đẩy người tu sĩ chọn lựa dấn thân không biết mệt mỏi cho sứ vụ truyền giáo tại đảo quốc xa xôi Papua New Guinea, với nhiều trải nghiệm khó quên trong đời.

Tham gia giúp xứ tại các nhà thờ do thành viên của dòng quản nhiệm

Lựa chọn đi tu theo lời mẹ dạy

“Xin cho ba mẹ được mạnh khỏe, đủ sức dưỡng nuôi chúng con ăn học trở thành người tông đồ của Chúa” là lời nguyện bà cố dạy cho anh em thầy Phán từ thuở ấu thơ. Lời cầu đơn sơ đó khắc sâu vào tâm hồn người bạn trẻ như một lý tưởng sống: “Từ bé, mình đã là một lễ sinh cho đến khi học xong lớp 9, sau đó tham gia ca viên ở giáo họ cũng như giáo xứ. Kết thúc năm học 12, ơn gọi đi tu thôi thúc mình mạnh mẽ. Sự ủng hộ hết lòng của gia đình giúp mình có thêm động lực bước theo con đường phục vụ tha nhân”.

Qua thông tin từ chị gái là nữ tu tu hội Bác Ái, khi còn đang học năm 2 đại học, thầy Phán đã tìm hiểu và đăng ký thi, may mắn trúng tuyển vào ơn gọi của tỉnh dòng Ngôi Lời. Nuôi chí hướng đi tu nhưng không xem nhẹ việc tích lũy tri thức đời sống, trước khi chính thức trở thành tu sĩ, thầy đã học xong chuyên ngành Xã hội học và Công tác xã hội tại trường Ðại học Mở TPHCM. Nền tảng kiến thức này giúp ích cho người thừa sai rất nhiều khi bước vào sứ vụ phục vụ cộng đồng. Thầy Phán giải thích: “Ngành học nhắm đến đối tượng là con người, đặc biệt là những người thấp cổ bé họng nhằm đem lại quyền lợi cũng như giải thoát họ khỏi những khổ đau đang phải gánh chịu. Nhờ được học mà mình hiểu hơn về tâm lý con người cũng như cách tìm ra các nguồn để giúp đỡ và phát triển xã hội. Vậy nên khi tiếp cận với người dân nơi vùng truyền giáo, mình không quá lo lắng”.

Từ chiếc nôi đầu đời là gia đình, thầy bước chân vào mái nhà lớn hơn là dòng Ngôi Lời, nơi luôn tạo môi trường mở, tự trưởng thành cho các đệ tử trong những chiều kích mà ban đào tạo đề ra. Song song đó, các đệ tử còn có cơ hội khám phá năng khiếu của mình qua các môn như âm nhạc, hội họa, thể thao…, như lời thầy kể: “Mình thấy chương trình của nhà dòng khá rõ ràng theo từng giai đoạn. Cụ thể là sau khi trúng tuyển vào học viện Triết Thần thì sẽ gia nhập một năm tập. Sau năm tập sẽ tham gia học Triết học, xong rồi đi giúp xứ một năm hoặc đăng ký tham gia OTP (Oversea Training Program – chương trình huấn luyện ở nước ngoài) 2 – 3 năm. Sau đó về hoặc ở lại nước mình đang thực tập sứ vụ tiếp tục chương trình Thần học. Học đến năm Thần 3, chúng mình sẽ khấn trọn và kết thúc Thần 4 sẽ được thụ phong linh mục và ra đi truyền giáo”. Thầy nói cảm thấy biết ơn vì đã tìm được môi trường phù hợp, được truyền cảm hứng từ người thầy đầu tiên là Giêsu, kế đến là các cha thừa sai, chính các vị đã hướng dẫn người tu sĩ trẻ này từ bước đi chập chững cho đến ngày hôm nay.

Trải nghiệm khó quên tại Papua New Guinea

Với mong muốn được trải nghiệm ở nơi có đặc tính truyền giáo thật sự, sau khi hoàn thành năm Triết học, thầy Giuse đăng ký tham gia OTP, chủ động đề xuất nguyện vọng thực hiện sứ vụ tại đất nước Papua New Guinea, nơi có hơn 800 bộ tộc khác nhau. Tuy quốc gia này còn rất hoang sơ, nhưng điều đó không làm chùn bước chân người tu sĩ trẻ trong các hoạt động thường nhật nhằm mang lại ơn ích thiêng liêng cho thổ dân. “Bất cứ vị thừa sai nào đến đây cũng phải cố gắng 200%  sức lực để gieo hạt giống Tin Mừng lên thửa đất tâm hồn người bản địa. Nhờ sứ vụ này mà mình  mới thấm thía sâu sắc công ơn của các vị thừa sai ngoại quốc buổi sơ khai truyền đạo Công giáo vào Việt Nam”, thầy Phán khẳng định.

Niềm vui đến thăm nhà người dân, trò chuyện và kết lá dừa cho các bạn nhỏ

Papua New Guinea có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ. Tin Mừng được rao giảng tại đảo quốc này từ năm 1896 bởi các nhà thừa sai dòng Ngôi Lời. Tinh thần của dòng là khi gia nhập bất cứ một quốc gia nào có dòng hiện diện thì luôn xem đó như nhà của mình. Chính tư tưởng này đã nâng đỡ thầy Phán không bị cô đơn ở đất nước xa lạ. Chia sẻ về công việc thường ngày, người tu sĩ trẻ kể: “Ngoài thời gian học về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng truyền giáo…, mình còn giúp xứ tại các nhà thờ do thành viên của dòng quản nhiệm. Cụ thể ở giáo xứ Kunjingini mình nhận thêm nhiệm vụ đồng hành với giới trẻ, lễ sinh vào thứ Bảy hằng tuần. Chúng mình có giờ cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót sau thánh lễ, sau đó cùng sinh hoạt. Mỗi Chúa nhật thì đi cùng cha xứ vào các giáo điểm xa xôi hẻo lánh để dâng lễ cho người bản địa không đến được nhà thờ”.

Một khi đi ra khỏi quê hương đất nước thì đều có những khó khăn nhất định, nào là ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, các nền nếp sống…, nhưng đặc biệt ở vùng đất Papua New Guinea này còn có khó khăn trong việc đi lại vì đường sá quá thô sơ, bệnh tật hoành hành, không đủ hàng hóa, thuốc men, trang thiết bị y tế. Tưởng rằng thiếu thốn đủ thứ sẽ là trở ngại, nhưng không, thầy bình thản cho biết, cuộc sống đơn sơ và không xô bồ càng làm cho mình gắn kết với đời sống cầu nguyện, đặc biệt giai đoạn đầu học hành vất vả, mọi thứ bỡ ngỡ. Có một trải nghiệm khiến thầy nhớ mãi là lúc mới qua được một tháng thì bị cướp, bị người ta dí súng, dí dao vào người. Thầy nhớ lại: “Lúc đó hoang mang một chút nhưng tinh thần mình vẫn vững vàng. Ở đây cướp là chuyện bình thường. Nhờ lối sống không quá phức tạp, mình vượt qua bằng chính nghị lực và bằng lòng với những gì mình có và do nhà dòng cung cấp”.

Papua New Guinea là một đất nước chỉ có 18% dân số sống ở thành thị. Ðặc tính bộ lạc còn chi phối mạnh mẽ đời sống thổ dân. Một điều thú vị là quốc ca của họ mang đậm tính chất tôn giáo. Nhiều người theo đạo Công giáo, nhưng sau này, vì đức tin không sâu nên một số đã gia nhập tôn giáo khác.“Mình có cảm giác rằng đức tin của họ chưa được bén rễ chắc chắn và chưa có điều kiện để đào sâu nên không cảm thụ được ý nghĩa và giá trị”, thầy Phán trăn trở.

Trải qua một năm rưỡi thực tập sứ vụ truyền giáo ở nước ngoài, giữa năm nay, thầy Giuse sẽ trở về Việt Nam tiếp tục chương trình Thần học. Người thừa sai trẻ nhìn về tương lai: “Hiện nay, số lượng các bạn trẻ tham gia việc gieo trồng hạt giống Tin Mừng ngày càng ít, trong khi đó cánh đồng truyền giáo và tái truyền giáo thì bao la, nên bản thân mình quyết tâm nuôi dưỡng lý tưởng dấn thân cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội và của dòng”.

Ngọc Lan

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận