“NGƯỜI CHĂN DẪN DÂN MÌNH NHƯ NGƯỜI MỤC TỬ” (Tv 78, 52)
Daniel Laliberté, Ph.D.
Giám đốc Văn phòng Phụng vụ Quốc gia
(Hội đồng Giám mục Canada)
Parabole, Juin 2024, Vol. XL, no 2, tr. 8-9
Mối liên kết giữa Thiên Chúa và hình ảnh người mục tử có nguồn gốc sâu xa trong Cựu Ước, câu nổi tiếng và được hát lên nhiều nhất chắc chắn là Thánh Vịnh 23, 1: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”. Ta hãy khám phá Cựu Ước để tìm hiểu khái niệm về người chăn chiên được triển khai ở đó như thế nào. Ngoài nghĩa đen, từ “người chăn chiên” (berger) thường được dùng theo nghĩa ẩn dụ, điều này sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn ngữ nghĩa của nó khi được gán cho chính Thiên Chúa.
Người chăn chiên ở Israel là gì?
Bạn có thể nói đây là câu hỏi tầm thường vì mọi người đều biết: người chăn chiên là người chăn giữ gia súc. Vâng, nhưng còn gì nữa không? Nghề này được nhìn nhận như thế nào nơi người Israel?
Người chăn chiên đầu tiên trong các trình thuật Kinh Thánh là Abel, người đã dâng “những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” cho Thiên Chúa, cùng với hoa màu đất đai của anh trai mình là Cain (Stk 4, 4). Chúng ta biết rằng Đức Chúa thích lễ vật của Abel hơn, nhưng không nêu lý do. Chính tính cách độc đoán của Ngài đã khiến Cain khó chịu và dẫn đến vụ giết người đầu tiên. Không có gì ở đây cho phép chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa thiên vị nghề mục tử hơn nghề làm nông.
Sau đó, trong Stk 46, 34, chúng ta thấy rằng “người Ai Cập ghê tởm mọi người làm nghề chăn chiên”. Tuy nhiên, ta sẽ thấy ông Giacóp và các con trai ông khi định cư ở Ai Cập đã mạnh dạn nói với Pharaôn rằng họ là những người chăn nuôi. Và nhà vua cho phép họ làm nghề này. Vì vậy, không có gì để cho rằng nghề nghiệp này là tiêu cực. Cùng lắm thì chúng ta có thể cảm nhận được sự mong manh trong điều kiện sống của những người này trong một đoạn sách Isaia: “Nhà tôi ở đã bị giật tung, và đem đi như lều mục tử” (38, 12).
“Như chiên không người chăn”
Cách diễn đạt này được sử dụng trong các Tin Mừng để nói về lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với đám đông đến nghe Ngài (Mt 9, 36; Mc 6, 34). Nó được tìm thấy sáu lần trong Cựu Ước (Ds 27, 16; 1 Vua, 17; 2 Sbn 18, 16; Gđt 11, 19; Êd 34, 4-6; Dcr 10, 1-2), mà năm lần xuất phát từ miệng một ngôn sứ, cùng một ghi nhận như Đức Kitô. Theo sách Dân Số, chính Môisê đã cầu xin Chúa tìm cho ông một người kế vị, để dân không “như đàn chiên không có người chăn” (Ds 27,16).
Thật hiển nhiên khi điều này hướng chúng ta đến nhiều đoạn văn trong đó từ “người chăn chiên” được sử dụng theo nghĩa ẩn dụ để chỉ người đứng đầu dân Israel. Ngoài việc đề cập thoáng qua đến Môise là “vị mục tử đàn chiên của Người” (Is 63, 11), quả thật chàng trai trẻ Đavít là người đầu tiên được chỉ định như vậy: tất cả các chi tộc đều đồng ý rằng từ nay trở đi anh sẽ đảm nhận nhiệm vụ “người chăn dắt Israel” (2 Sm 5, 2), hình ảnh sẽ được nhắc đến trong những câu cuối cùng của Thánh Vịnh 77.
Có hai ngôn sứ đã sử dụng phép ẩn dụ “vua-người chăn chiên” này một cách miệt thị; họ tấn công “các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên [của Đức Chúa]” (Êd 34, 8) và những người chăn chiên mà cơn thịnh nộ của Đức Chúa nhắm vào họ (Dcr 10, 3). Điều này sẽ dẫn họ, cùng với vị ngôn sứ thứ ba, tuyên bố rằng một ngày nào đó, Chúa sẽ “cho xuất hiện một mục tử” (Êd 34, 23; Dcr 11, 16), người sẽ từ Bêlem và là người “dựa vào quyền lực Đức Chúa, vào uy danh Đức Chúa, mà đứng lên chăn dắt họ (Mk 5, 3).
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi” (Tv 23, 1)
Thấy rằng đàn chiên “bị phân tán vì thiếu người chăn” (Êd 34, 5) khiến Êdêkien kết luận rằng từ nay, Đức Chúa sẽ tự mình thực hiện công việc: “Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Như người chăn chiên trông chừng đàn chiên của mình khi chúng bị tản lạc nên ta sẽ trông chừng đàn chiên của ta” (Êd 34, 12).
Nhận xét này đưa chúng ta đi theo dấu vết của những đoạn văn mà trong đó chính Chúa là mục tử của dân Người. Vì là một ẩn dụ nên không dễ lấy ra ý nghĩa cụ thể: Chúa Người chăn chiên “tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40, 11), “thâu tập lại, canh giữ” (Gr 31, 10), “chăn dắt và cho chúng nằm nghỉ” (Êd 34, 15), “dẫn dắt, hướng dẫn, bảo vệ, trấn an” (Tv 77, 52-53), “tìm kiếm con chiên lạc và mang nó về” (Êd 34, 16) và đưa chúng tới đồng cỏ của mình (Mk 7, 14).
Cũng có những đoạn mà Thiên Chúa được trình bày như một mục tử riêng, chẳng hạn như Thánh Vịnh 23, 1 – “Chúa là mục tử chăn dắt tôi” – và trình thuật Giacóp chúc phúc cho các con trai ông như sau: “Xin Thiên Chúa là mục tử chăn dắt tôi kể từ khi tôi tồn tại và cho đến ngày nay, xin Sứ thần là Đấng đã giải thoát tôi khỏi mọi tai hoạ, chúc phúc cho những đứa trẻ này!” (Stk 48, 15-16) Trong cả hai trường hợp toát ra ý tưởng về sự bảo vệ của Thiên Chúa: “Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23, 4). Thánh vịnh bảo đảm thêm rằng vị mục tử này biết cách hướng dẫn những người được ông chăm sóc, cung cấp cho họ “đồng cỏ tươi” và “nước trong lành” (23, 2).
Tất cả những động từ và từ hạn định này khiến chúng ta so sánh với công việc hàng ngày của người chăn chiên đối với chiên của mình. Vậy thì có cách nào để nắm bắt được tầm phạm vi của phép ẩn dụ này không? Từ môi miệng của Giêrêmia, Êdêkien và Isaia, những đoạn thông báo rằng dân chúng sẽ được quy tụ lại chắc chắn là tiên báo cho sự trở về từ nơi lưu đày. Nhưng chúng ta hãy nhìn xa hơn một chút, bắt đầu từ quyết định của Thiên Chúa tự mình đảm nhận vai trò dẫn dắt dân Ngài vì họ đã trở thành một “dân không người chăn dắt”. Chúa đã giao phó cho các nhà lãnh đạo dân Israel trách nhiệm gì và họ đã không còn đảm nhận được nữa? Lãnh đạo dân “như lòng Người mong muốn” (1 Sm 13, 14), như Đavít đã làm, không phải là một nhiệm vụ chính trị mà là một cách bảo đảm rằng mọi người sống trung tín với Giao ước, được thể hiện bằng sự tôn trọng Lề Luật. Thiên Chúa sẽ làm gì cho đàn chiên của Ngài khi lấy lại quyền quản lý? “Con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Êd 34, 16). Việc đề cập đến Lề Luật, nghĩa là Torah, cũng được tìm thấy trong văn chương khôn ngoan: “Người trách cứ, sửa sai, dạy dỗ, và dẫn đưa, như mục tử dẫn đàn chiên. Người xót thương những ai đón nhận lời giáo huấn và ân cần tìm phán quyết của Người” (Hc 18, 11-14). Bởi vì sự khôn ngoan của Israel không phải là một triết lý suy lý mà là một lối sống với niềm xác tín rằng với Torah, Thiên Chúa duy nhất đã ban cho Israel ân huệ khôn ngoan lớn hơn hết. Vì vậy, dành lấy lại đàn chiên có nghĩa là dẫn đưa nó tuân thủ Lề Luật trở lại.
Một giao ước mới
Đối với Êdêkien, một giao ước mới được ký kết mà Thiên Chúa là mục tử của dân Ngài: “Ta sẽ buộc các ngươi phải theo sự hướng dẫn của Ta và tôn trọng giao ước” (20, 37); “Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an” (34, 25). Thỏa thuận mới này giữa Thiên Chúa và dân Ngài được thực hiện nhờ sự thay đổi bên trong: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Êd 11, 19-20). Và khi đó chúng ta nghe Giêrêmia đương thời của ông, trong chương duy nhất dùng sự so sánh với người mục tử, loan báo những lời nổi tiếng này: “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 33).
Các ngôn sứ sử dụng từ vựng mục tử đã lớn tiếng loan báo điều này: cần phải lật sang trang mới về một giai đoạn trong lịch sử Israel khi các nhà lãnh đạo đã thất bại trong việc dẫn dắt dân chúng đi theo con đường của Giao ước. Thiên Chúa phải lấy lại công việc và thay đổi tấm lòng của những ai trung tín với Ngài. Chỉ bằng cách này họ mới tìm được con đường đến “đồng cỏ xanh tươi”, trong khi chờ đợi sự xuất hiện của một “Đavít mới”, một mục tử biết đàn chiên của mình và hiến mạng sống vì chúng.
Nguồn: gpquinhon.org
Có thể bạn quan tâm
Các cử hành phụng vụ của ĐTC Phanxicô trong hai tháng 11 và..
Th10
Sinh Viên Công Giáo tại Hà Tĩnh Mừng Kính Thánh Bổn Mạng Têrêsa..
Th10
Hiệp Đoàn Antôn Padova Hạt Kỳ Anh: Sa Mạc Huấn Luyện & Thăng..
Th10
Thánh Giuseppe Allamano, nhà truyền giáo không vượt trùng dương
Th10
Ngày 15/10: Thánh Tê-rê-sa A-vi-la – Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh (1515-1582)
Th10
Bài Hát Cộng Đồng Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm B
Th10
Đức Thánh Cha chủ sự giờ cầu nguyện đại kết cầu cho các..
Th10
Gia Đình Thánh Tâm Hạt Hoà Ninh Tĩnh Tâm & Mừng Lễ Kính..
Th10
Kinh Mân Côi, Kinh nguyện của gia đình và cho gia đình
Th10
Cáo phó: Bà cố Anna – Thân mẫu của nữ tu Anna Nguyễn..
Th10
Khôn Ngoan Kiếm Tìm Của Cải Đích Thực – Suy Niệm Chúa Nhật..
Th10
Hội Mân Côi Giáo Hạt Văn Hạnh Mừng Trọng Thể Lễ Đức Mẹ..
Th10
Ngày 11/10: Thánh Gioan 23, Giáo hoàng
Th10
Thượng Hội Đồng, Ngày 6: 62.000 Euro Được Quyên Góp Và Gửi Đến..
Th10
Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ: Bài 142 – Tình Yêu Nam..
Th10
Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Cho Đức Cha Tân Cử Đaminh Nguyễn..
Th10
Bạn đang dùng Facebook như thế nào?
Th10
Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II: Cuộc Đời và Sứ Điệp
Th10
Toà Thánh: Để ngăn ngừa nạn nghiện ma tuý, cần giáo dục thế..
Th10
Sự ngạc nhiên của một vài tân Hồng y và ý hướng của..
Th10