Ngẫm về “chết”

1002 lượt xem

Lặng mình đứng trước những nấm mộ nằm bất động giữa khoảng trời rộng mênh mông, cúi mình ngâm nga câu kinh bên di ảnh đã phai mờ theo dòng thời gian, rùng mình tự hỏi: ai rồi cũng đến đây sao?

Ngẫm! Thật đáng để mỗi chúng ta hòa mình với tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chung với bản nhạc du dương mang âm hưởng sầu khuất, hay mượn cơn mưa hiu hắt cuối thu làm bạn để đi vào cõi mình ta với ta. Chết, một động từ làm con người phải bàng hoàng, sợ hãi khi đã chứng kiến hoặc từng đối diện giữa ranh giới sống và chết. Bởi chết là chấm dứt cuộc sống nơi dương trần, chấm dứt các mối tương quan trong gia đình, bạn bè và làng xóm.

Than ôi! Mới ngày nào thân xác còn thơm tho bây giờ lại thối nát, mục rữa. Đôi tay, đôi chân ngày nào còn làm việc bây giờ lại nằm bất động trong khung gỗ nhỏ.Trái tim, hơi thở ngày nào còn nhịp nhàng vang vọng bây giờ đã lặng thinh, dòng máu còn chảy lưu thông bây giờ lại chôn vùi trong lòng đất vô tri.

“Sinh lão bệnh tử”, một quy luật bất biến trong cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Quy luật ấy đã khiến bao nhiêu người rơi lệ, luyến tiếc và đau thương khi lần lượt giã từ những người thân yêu. Người mất cha, mất mẹ, mất đi anh chị em, v.v., đau thương hơn, cảnh “lá vàng chưa rơi đã tiễn lá xanh rụng tàn”. Tất cả, dường như đã minh chứng phần nào cho sự tang thương, ai oán và sầu thảm của cái chết. Bởi chết là sự chia ly cuộc sống nơi gian trần, để đi đến một vùng đất mới, hòa bình và yêu thương.

Trong một xã hội đang phát cuồng trong lối sống hưởng thụ và chủ nghĩa vật chất. “Văn hóa sự sống”, tiền, tài, danh, dục vọng, … dường như là chỉ tiêu phấn đấu, là khuôn mẫu lý tưởng không ít người khát khao theo đuổi. Điều này, đã và đang phần nào bào mòn đi căn tính tốt đẹp của con người và làm lu mờ tín ngưỡng khi đi trái ngược với các giá trị đạo đức của tôn giáo.

Đáng buồn hơn khi con người ngày nay chỉ lo mải miết kiếm tiền nuôi sống thân xác mà chẳng lo kiếm nuôi linh hồn. Chỉ thích thờ bái tượng này qua tượng nọ, thánh này qua thánh kia mà chẳng bao giờ trung thành. Chỉ thích xây những ngôi nhà thật to, mua những chiếc xe thật đẹp mà quên đổ móng cho chắc, xây đường cho vững. Và con người chỉ muốn an nhàn, hạnh phúc mà chẳng muốn vất vả, khó khăn.

Vậy có bao giờ ta tự hỏi chết sẽ như thế nào không? Vàng bạc, nhà cửa, xe hơi… có đi theo ta không? Thật vậy! Người giàu, người nghèo, người tốt, người xấu… ai cũng phải chết, cái chết chẳng trừ một ai và chẳng một ai biết được mình chết khi nào. Bao nhiêu của cải, nhà cao, cửa đẹp, bao nhiêu dự án đầu tư, v.v., tất cả chỉ là quá khứ, tất cả chỉ là phù vân. Vào đời bằng hai bàn tay trắng, chết cũng hai bàn tay trắng không, chẳng mang được gì nơi trần gian ngoài nắm tro tàn chôn vùi trong lòng đất.

Thánh vịnh cũng phần nào diễn tả về ngôi nhà tương lai của con người: “Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp” (Tv 49, 12). Dẫu biết rằng đã là con người ai cũng mong muốn một cuộc sống sung túc, giàu sang và đầy đủ mọi tiện nghi, nhưng đối với bản tính xác thịt chẳng bao là là đủ, người giàu lại muốn giàu thêm khi họ cố gắng tích trữ tiền bạc, đất đai, nhà cửa, v.v., và để đạt được những thứ đó không ít người đã cố ăn mòn trên nhân phẩm của những người nghèo khổ, trên những cánh rừng nguyên sinh hay những mỏ than, mỏ đá được chôn vùi trong lòng đất, mặc cho bao hậu quả gây ra là lũ lụt, hạn hán và sạt lở đất. Để lại cho ta một câu hỏi “Tiền, tài, danh” để làm gì?

Thật vậy! Khốn thay cho kẻ nào khi chỉ chăm lo tích trữ của cải cho mình (x. Lc 12, 13-21). Chúa gọi những người này là “Đồ ngốc” (c.20), bởi chính vào giờ họ không biết, vào lúc họ không hay, Người sẽ lấy mạng nó, và của cải do công sức nó làm ra cũng chẳng mang theo được. Cái đi theo chính là danh thơm tiếng tốt, việc lành phúc đức và phục vụ khiêm nhường. Thiết nghĩ, những thứ đó là hành trang, là bước chạy đà hoàn hảo và khôn ngoan nhất để giúp chúng ta tiến về quê trời vinh phúc.

Trong nhạc phẩm “Ở trọ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.” Dường như bằng những kinh nghiệm sống và vốn liếng kiến thức về tôn giáo, nhạc sĩ đã đúc kết ra được cuộc sống trần gian chỉ là quán trọ, chúng ta là những khách lữ hành đang trên con đường tiến về một quê hương mới. Nơi đó chúng ta không còn là những vị khách xa lạ mà là những người con cùng một Cha và một quê hương.

Thánh sử Mátthêu đã nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).  Dường như Chúa Giê-su tha thiết mời gọi mỗi chúng ta hãy tìm kiếm Người, qua đời sống cầu nguyện giúp đi vào mối tương giao mật thiết với Người, để như hai người bạn hữu gặp được nhau (x. Ga 15, 9-17) cùng nhau chia sẻ, lắng nghe và kín múc ân sủng trong Người. Tuy nhiên, giữa dòng xoáy của xã hội với bao nhiêu thú vui thế tục làm cho thân xác an nhàn, sung sướng, mà đôi lúc chúng ta lãng quên đi sự hiện diện của Chúa, phớt lờ đi các giá trị luân lý Kitô giáo. Thậm chí, loại bỏ việc tìm kiếm Thiên Chúa bằng việc tìm kiếm thú vui cho thân xác.

Quả vậy với bản tính và năng lực của con người thì thật khó để vượt qua hay chống trả lại với 3 thù: “ma quỷ”, “thế gian”, và ‘xác thịt”. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy năng mời Chúa ghé thăm và canh tân tâm hồn ta mỗi ngày, qua việc kinh nguyện, trau dồi nhân đức và việc làm bác ái, như là phương thế giúp chúng ta “bám rễ sâu vào Đức Kitô” (Cl 2, 7). Đó là khuôn mẫu lý tưởng sống cho mỗi cá nhân, qua đó ý thức mầu nhiệm sự Chết không còn đau thương, buồn rầu và khổ đau, mà là hy vọng, hân hoan, vui mừng vì được sống lại vinh hiển với Người.

Như dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan luôn chuẩn bị dầu để đón chàng rể (x. Mt 25, 1-13). Mỗi chúng ta cũng đặt vị thế của mình vào đó, để ví như là “dầu” làm hành trang trên con đường vào nhà Chúa và “lửa” là ánh sáng chỉ đường ta đi. Chính vì lẽ đó mỗi người hãy khôn ngoan trong việc sẵn sàng chờ ngày Chúa đến, để cùng với Người tiến vào quê trời vĩnh cửu như kết quả của một đời sống công chính, bác ái và yêu thương.

Thánh Giacôbê Tông Đồ cũng khẳng định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi yêu ai mỗi chúng ta phải chứng minh tình yêu đó bằng sự chung thủy, cũng vậy khi tin chúng ta cũng phải diễn tả bằng hành động, qua các việc làm bác ái thiết thực nhất phát xuất từ lòng “Yêu mến”. Bởi chính Thánh Phaolô đã nói: Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, … chịu đựng tất cả.” (x.1Cr 13, 4-7)

Thật vậy! Yêu thương là một nghĩa cử cao cả, giúp mỗi chúng ta tự nhìn lại bản thân trong bậc sống của mỗi cá vị đã đúng với danh nghĩa là Kitô hữu chưa? Từ đó như là hồi chuông vang vọng trong tâm can mỗi người, biết lưu tâm đến những người nghèo khổ đang bị chà đạp nhân phẩm cách nghiêm trọng. Động lòng trắc ẩn trước tiếng khóc than của những thai nhi vô tội bị tước quyền làm người. Cuối cùng là đồng cảm và có trách nhiệm trước tiếng kêu gào của thiên nhiên bởi sự tàn phá của con người.

Mỗi chúng ta luôn được mời gọi sống trọn giây phút hiện tại để cảm nghiệm được giá trị thánh thiêng của sự sống, và ý thức được giá trị huyền nhiệm của sự chết. Để từ đó, cái chết không còn đáng sợ, nhưng là sự chuyển giao thế giới mới nhẹ nhàng và bình an!

Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi. Người muốn sao nên vậy: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1,21). 

Gioan Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận