Một số điều cần biết về Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành

2381 lượt xem

Họp báo giới thiệu lịch trình và tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành

 

Đại hội đồng thứ nhất của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 với chủ đề “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ” sẽ bắt đầu diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến 28/10/2023. Hiệp hành là gì? Những câu hỏi chính? Thượng hội đồng về tính hiệp hành khác với các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây như thế nào? Thành phần tham dự gồm những ai?

Vatican News

Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16, tập trung suy tư về tính hiệp hành trong Giáo hội, được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng vào tháng 10/2021 và là một hành trình kéo dài nhiều năm trên toàn thế giới, trong đó các tín hữu Công giáo được yêu cầu gửi phản hồi cho các giáo phận địa phương của mình về câu hỏi “Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để phát triển trong ‘việc đồng hành cùng nhau?’”

Tiến trình hiệp hành rộng lớn của Giáo hội Công giáo đã trải qua các giai đoạn giáo phận, quốc gia và lục địa và sẽ lên đến đỉnh điểm trong hai đại hội toàn cầu tại Vatican. Đại hội đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 28/10/2023 và đại hội thứ hai vào tháng 10/2024 để tư vấn cho Đức Thánh Cha về chủ đề: “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”.

Để chuẩn bị những ngày đại hội Thượng Hội đồng sắp tới, chúng ta cùng điểm qua một vài nét liên quan đến Thượng Hội đồng về tính hiệp hành này.

Tính hiệp hành là gì?

Ủy ban Thần học Quốc tế của Bộ Giáo lý Đức tin đã xác định vào năm 2018 rằng đây là “hoạt động của Chúa Thánh Thần trong sự hiệp thông với Thân Mình Chúa Kitô và trong hành trình truyền giáo của dân Thiên Chúa”.

Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội đồng năm 2021 mô tả tính hiệp hành là “hình thức, phong cách và cơ cấu của Giáo hội”.

Tài liệu mới nhất được Vatican công bố cho biết thêm rằng tính hiệp hành cũng có thể được hiểu là một điều gì đó “không bắt nguồn từ việc đưa ra một nguyên tắc, một lý thuyết hay một công thức nhưng phát triển từ việc sẵn sàng bước vào một động lực mang tính xây dựng, tôn trọng và cầu nguyện, lắng nghe và đối thoại.”

“Căn bản của tiến trình này là việc chấp nhận, trong cả tư cách cá nhân lẫn cộng đồng, một điều gì đó vừa là một hồng ân vừa là một thách đố: trở thành một Giáo hội gồm các anh chị em trong Chúa Kitô, lắng nghe nhau và khi làm như vậy, chúng ta dần dần được Chúa Thánh Thần biến đổi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng ngài hình dung Thượng Hội đồng về Tính hiệp hành là “một cuộc hành trình bước theo với Thánh Thần, không phải là một nghị viện để đòi hỏi quyền lợi và đòi hỏi các nhu cầu phù hợp với chương trình nghị sự của thế giới, cũng không phải là một cơ hội để đi theo bất cứ nơi đâu có gió thổi, nhưng là cơ hội để ngoan ngoãn trước hơi thở của Chúa Thánh Thần”.

Những câu hỏi chính mà Thượng Hội đồng về Tính hiệp hành sẽ cố gắng trả lời là gì?

Có ba câu hỏi bao quát cho kỳ họp Thượng Hội đồng sắp tới như được xác định trong tài liệu hướng dẫn của Đại hội Thượng Hội đồng năm 2023 có tên là Tài liệu Làm việc:

1. Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ đầy đủ hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại?

2. Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân tứ và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?

3. Những tiến trình, cơ cấu và thể chế nào cần thiết trong một Giáo hội hiệp hành truyền giáo?

Theo Tài liệu Làm việc, mục tiêu chính của phiên họp đầu tiên vào tháng 10 sẽ là thiết kế một kế hoạch học hỏi theo “phong cách hiệp hành” và chỉ ra ai sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận đó. Việc phân định sẽ được “hoàn thành” trong phiên họp năm 2024 của Thượng Hội đồng.

Thượng hội đồng về tính hiệp hành khác với các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây như thế nào?

Thượng Hội đồng là một cuộc họp của các Giám mục được quy tụ để thảo luận về một chủ đề có ý nghĩa thần học hoặc mục vụ nhằm chuẩn bị một tài liệu gợi ý hoặc tư vấn cho Đức Giáo Hoàng.

Lần đầu tiên, Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023 sẽ bao gồm các đại biểu bỏ phiếu không phải là giám mục. Ngày 21/9 vừa qua Vatican đã thông báo danh sách các tham dự viên tham dự đại hội Thượng Hội đồng vào tháng 10 tới đây, bao gồm các giáo dân là các đại biểu có quyền bỏ phiếu.

Các đại biểu bao gồm các đại diện được chọn của các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội Công giáo Đông phương, các vị lãnh đạo giáo triều Roma và các đại biểu được chính Đức Thánh Cha chọn, bao gồm giáo dân, linh mục, nữ tu và phó tế.

Cuộc họp tháng 10 sẽ được tổ chức tại Hội trường Phaolô VI, thay vì Hội trường Thượng Hội đồng mới của Vatican, với các đại biểu ngồi ở các bàn tròn, mỗi bàn khoảng 10 người. Phần sau của cuộc họp tháng 10 sẽ tập trung vào việc quyết định các bước tiếp theo của Giáo hội và “các nghiên cứu thần học và giáo luật chuyên sâu cần thiết để chuẩn bị” cho kỳ họp thứ hai vào tháng 10/2024.

Thành phần tham dự Thượng Hội đồng 

Trước hết là Đức Thánh Cha Phanxicô trong vai trò Chủ tịch của Thượng Hội đồng; và Đức Hồng y Mario Grech người Malta là Tổng Thư ký. Bên cạnh đó có các đại biểu Chủ tịch, là những người sẽ thay mặt Đức Thánh Cha điều hành các phiên họp.

Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng là Đức Hồng y Jean Claude Hollerich, dòng Tên, Tổng Giám mục Luxembourg. Còn có 2 vị Thư ký đặc biệt được bổ nhiệm cho Thượng Hội đồng lần này.

Trong số 464 tham dự viên, với 363 đại biểu có quyền bỏ phiếu, trong đó có 54 phụ nữ, có 75 tham dự viên được mời tham dự Đại hội Thượng Hội đồng với vai trò điều phối viên, chuyên gia hoặc trợ giúp thiêng liêng.

Hai Giám mục Trung Quốc

Đặc biệt trong số các Giám mục đại biểu có 2 vị đến từ Trung Quốc là Đức cha Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang), Giám mục Giáo phận Chu Thôn (Zhouchun), tỉnh Sơn Đông, và Đức cha Diệu Xuân (Yao Shun), Giám mục Giáo phận Tể Ninh.

Trong cuộc họp báo hôm 21/9, Đức cha Luis Marín de San Martín, Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, cho biết: “Giáo hội địa phương ở Trung Quốc, đồng ý với chính quyền, đã giới thiệu tên của hai Giám mục nói trên và Đức Thánh cha đã liệt kê hai vị đó vào các thành viên do ngài bổ nhiệm cho Thượng Hội đồng Giám mục này”.

Giám mục Hồng Kông và Đài Loan

Bên cạnh đó còn có Đức Tân Hồng y Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Giám mục Hồng Kông. Và Đức cha Norberto Phổ Anh Hùng, Giám mục Giáo phận Gia Nghĩa, là đại biểu của Hội đồng Giám mục Đài Loan.

Hai Giám mục Việt Nam

Hai Giám mục Việt Nam sẽ tham dự Thượng Hội đồng là Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Giáo phận Phan Thiết, và Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh.

Những sự kiện nào khác đang diễn ra trước Đại hội đồng tại Vatican vào tháng 10?

Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023 tại Vatican sẽ bắt đầu bằng cuộc tĩnh tâm ba ngày dành cho các giám mục Công giáo và các tham dự viên từ ngày 1 đến 3/10/2023, do Linh mục Dòng Đa Minh Timothy Radcliffe, nguyên Tổng quyền dòng Đaminh hướng dẫn.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã công bố một buổi cầu nguyện đại kết sẽ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô vào chiều ngày 30/9/2023, như một phần của Thượng hội đồng về Tính hiệp hành. Buổi canh thức cầu nguyện, do Cộng đoàn Taizé tổ chức, sẽ phó thác cho Thiên Chúa công việc của Thượng hội đồng tháng 10.

Nguồn:www.vaticannews.va

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận