Một số chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô

1438 lượt xem

MỘT SỐ CHỦ ĐỀ NỔI BẬT
TRONG 10 NĂM TRIỀU ĐẠI GIÁO HOÀNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ

Elise Ann Allen

Ngày 13. 3. 2023 là tròn 10 năm ngày Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng, kế vị thánh Phêrô lãnh đạo Giáo hội. Trên thực tế, trong quãng thời gian này, đã có rất nhiều vấn đề quan trọng, từ sự hoán cải cá nhân đến chủ nghĩa dân túy, đến sự mong manh của nền dân chủ, cuộc khủng hoảng lạm dụng, và những người bị gạt ra bên lề xã hội,… Tuy nhiên, trong số đó, có một số vấn đề nổi bật và là những ưu tiên rõ ràng hơn, bao quát hơn đối với Đức giáo hoàng Phanxicô.

Dưới đây là bài viết của Elise Ann Allen, ký giả tạp chí CruxNow về một số chủ đề nổi bật trong 10 năm triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô.

  1. Một Giáo hội nghèo cho người nghèo

Cho đến nay, câu chuyện về việc Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tước hiệu giáo hoàng của ngài đã được nhiều người biết đến. Đức Thánh Cha đã chia sẻ với báo vài ngày sau khi được bầu chọn làm giáo hoàng vào ngày 13. 3. 2013, rằng: Chính bạn của ngài, cố Hồng y Claudio Hummes người Brazil, đã gợi hứng để ngài chọn tước hiệu này.

Như Đức Phanxicô kể lại, khi mọi chuyện rõ ràng là ngài đã đắc cử, Đức Hồng y Hummes, người đang ngồi bên cạnh ngài, nói khẽ rằng, “đừng quên người nghèo”, và điều này đã truyền cảm hứng cho ngài chọn tước hiệu Phanxicô, theo tên của Thánh Phanxicô thành Assisi, được mệnh danh là “người nghèo thành Assisi”.

Ngay khi đắc cử, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói “Ôi, tôi muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo biết bao”. Kể từ đó, điều này không chỉ trở thành một trong những khẩu hiệu nổi tiếng nhất của ngài, mà còn là cột trụ cho phong cách giáo hoàng và tầm nhìn của ngài đối với Giáo hội.

Từ bộ trang phục màu trắng đơn giản đến chiếc Fiat khiêm tốn mà Đức Thánh Cha sử dụng để đi loanh quanh; từ quyết định tự thanh toán hóa đơn khách sạn của mình sau cuộc bầu cử; từ việc ngài chọn ai để rửa chân vào mỗi Thứ Năm Tuần Thánh; từ việc dành ưu tiên cho phụ nữ, người di cư, người thiểu năng trí tuệ và tù nhân, đều cho thấy tinh thần khó nghèo ẩn dưới những hành động đó.

Vốn là người, mà khi còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, thường xuyên đi tàu điện ngầm và rảo bộ trên dãy phố của những khu ổ chuột (villas miserias), Đức Thánh Cha đã luôn dành ưu tiên cho những người bên lề, rõ nét nhất là qua việc vận động nhân danh người di cư và người tị nạn, cũng như trong các chuyến tông du nước ngoài của ngài.

Ngay từ đầu, Đức Phanxicô đã cam kết đến thăm những quốc gia mà chưa có vị tiền nhiệm nào của ngài đến thăm, hoặc những quốc gia có vẻ nhỏ bé và không xứng tầm với một chuyến thăm của giáo hoàng, với một đoàn chiên Công giáo nhỏ bé, chẳng hạn như Bosnia và Herzegovina; Albania; Macedonia và Bungari; Georgia và Azerbaijan; và Myanmar và Bangladesh.

Trong các chuyến tông du quốc tế, Đức Thánh Cha luôn quan tâm đến việc gặp gỡ những thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, bao gồm cả các tù nhân; người di cư và người tị nạn; nạn nhân bị lạm dụng; trẻ em đường phố ở Philippines; Kitô hữu và các nhóm thiểu số bị bách hại ở Iraq; hoặc các nạn nhân chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.

Giữa các chuyến đi, Đức Thánh Cha luôn chào đón những người nghèo đến Vatican để tham quan bảo tàng hoặc những bãi biển, và thường nâng đỡ những người khuyết tật về thể chất và tinh thần, yêu cầu để họ được phép lãnh nhận các Bí tích. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016, Đức Thánh Cha đã đến thăm những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, bệnh tật và nghèo khó vào mỗi Thứ Sáu.

Có thể nói, tiêu chí “Lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo” của Đức Phanxicô được minh họa rõ hơn trong quyết định của ngài vào năm 2018 khi nâng cánh tay bác ái của ngài, Đức TGM Konrad Krajewski người Ba Lan, lên hàng Hồng y. Những người bị coi là ở bậc thấp nhất theo bậc thang giá trị xã hội, những người không thể tự biện hộ cho mình, đã và luôn ở trong số những ưu tiên hàng đầu của Đức Thánh Cha, và có thể sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.

2.Khí hậu và môi trường

Song song với việc quan tâm, chăm sóc người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, là sự bảo vệ của Đức Phanxicô đối với môi trường, vốn chịu sự ngược đãi mà ngài cho là yếu tố góp phần vào hàng loạt vấn đề, bao gồm cả vấn đề di cư, bênh vực cho điều gọi là “di cư khí hậu”, cũng như đại dịch Covid-19.

Đây là mối quan tâm nổi bật của Đức Phanxicô ngay từ đầu, rõ nét nhất là với việc ngài ban hành Thông điệp về sinh thái Laudato Si năm 2015, trong đó ngài mạnh mẽ lên án chủ nghĩa tiêu thụ và điều ngài gọi là những mô hình phát triển vô trách nhiệm, cảnh báo về những nguy cơ của biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu, đồng thời kêu gọi thế giới hành động ngay lập tức.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ các Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu như các cuộc họp COP, thậm chí ngài dự kiến​​sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 tại Glasgow vào tháng 11. 2021, nhưng ngài đã không thể tham dự vì phải phẫu thuật đại tràng vài tháng trước đó.

Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon năm 2019 chủ yếu tập trung vào các vấn đề môi trường, nhu cầu bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng nhiệt đới Amazon. Nhắm đến việc cứu khu rừng này khỏi nạn canh tác nương rẫy và các kỹ thuật khai thác xói mòn, lấn chiếm đất đai buộc nhiều người bản địa phải rời bỏ nhà cửa khi các công ty khai thác lấn sâu hơn vào khu rừng giàu khoáng sản.

Đức Thánh Cha cũng đã gặp gỡ nhà hoạt động khí hậu trẻ, Greta Thunberg, và ca ngợi “các cuộc đình công vì khí hậu” do nhóm giới trẻ của cô khởi xướng. Trong đại dịch Covid-19, ngài cho thấy phần lớn đó là do thói quen vô trách nhiệm với môi trường, đồng thời, ủng hộ việc phân phối vaccine một cách công bằng.

Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng kiên trì kêu gọi chấm dứt việc khai thác lục địa châu Phi – gần đây nhất là trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan – cáo buộc các ngành công nghiệp khai thác hầm mỏ và các tập đoàn giàu có đã “cưỡng đoạt” đất đai đến mức không thể tu bổ và thu hoạch tất cả của cải cho mình, khiến người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo hơn.

Hình thức vận động này của Đức Thánh Cha là một trong những hình thức nổi bật nhất trong triều đại giáo hoàng của ngài, và rất có thể sẽ tiếp tục được tiến hành.

3.Hiệp hành tính

Một khái niệm quan trọng khác của Đức Phanxicô là “Hiệp hành tính”. Mặc dù nhiều người vẫn thấy khó định nghĩa, nhưng đây là một từ thông dụng bao hàm tầm nhìn của ngài về giáo hội toàn cầu, và đã trở thành một trong những khía cạnh nổi bật nhất của ngài.

Thật vậy, Đức Thánh Cha thường dùng từ “Hiệp hành” để diễn tả hình thức trao đổi hiệp đoàn trong đó cùng nhau đưa ra các quyết định. Dần dần, “Hiệp hành” thường được hiểu là một phong cách quản lý hợp tác và thỉnh vấn, trong đó tất cả các thành viên, giáo sĩ và giáo dân, đều tham gia vào việc đưa ra các quyết định về đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

Từ Hiệp hành bắt đầu xuất hiện trong Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ năm 2018 và dần trở nên nổi bật đến mức trở thành chủ đề suy tư chính cho tiến trình thỉnh vấn nhiều giai đoạn kéo dài 4 năm trong Giáo hội hoàn vũ đang diễn ra như một phần của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành.

Được đặc trưng bởi các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ các cuộc thỉnh vấn cấp giáo phận với giáo dân trong các giáo xứ, và chuyển sang giai đoạn Châu lục, trong đó các bản tóm tắt của các cuộc thỉnh vấn được thảo luận ở cấp độ rộng hơn. Tiến trình này đã bắt đầu vào năm 2021 và sẽ kết thúc với 2 cuộc họp của các giám mục ở Rôma, một cuộc họp diễn ra vào tháng 10 năm nay và cuộc họp tiếp theo được ấn định vào tháng 10. 2024.

Mục tiêu chính của Thượng hội đồng về Hiệp hành là giúp cho Giáo hội trở thành một nơi cởi mở, chào đón và dung nạp hơn; nơi mọi người đều có tiếng nói, được lắng nghe, không ai cảm thấy bị bỏ rơi; và nơi các quyết định không được đưa ra từ trên cao bằng sắc lệnh, trái lại, được thực hiện với sự thỉnh vấn ý kiến của dân chúng.

Trên thực tế, Hiệp hành tính bao gồm một số ưu tiên chính của Đức Phanxicô, từ việc xóa bỏ giáo sĩ trị đến việc trao quyền cho giáo dân và giới trẻ, đồng thời đảm bảo rằng phụ nữ có vai trò lớn hơn trong Giáo hội, đặc biệt là vai trò lãnh đạo và ra quyết định.

Đối với Đức Thánh Cha, Hiệp hành tính là bản lề mà Giáo hội cần vận hành, và là quỹ đạo tự nhiên để thực hiện tầm nhìn của Công đồng Vatican II, đảm bảo rằng Giáo hội cởi mở, dung nạp, và nhất là, đón nhận ý kiến từ dân Chúa.

4.Kinh tế

Một điệp khúc rõ ràng và liên tục trong triều đại của Đức Phanxicô là sự chỉ trích công khai của ngài đối với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, và sự ủng hộ dành cho hệ thống toàn cầu công bằng hơn, tập trung ít hơn vào lợi nhuận và nhiều hơn vào sự phân phối công bằng các nguồn lực để phục vụ công ích và có lợi cho người nghèo.

Đức Thánh Cha tin rằng nhiều cải cách xã hội mà ngài đang kêu gọi bắt đầu ở bình diện kinh tế, và đã kêu gọi những thay đổi lớn đối với hệ thống toàn cầu trong hầu hết các bài diễn văn và tài liệu quan trọng của ngài. Từ việc thúc giục các mô hình phát triển bền vững hơn trong Tông huấn Laudato Si, đến các lời kêu gọi cho một nền kinh tế châu Âu được đổi mới dựa trên sự hội nhập và phẩm giá con người khi ngài nhận Giải thưởng Charlemagne danh giá năm 2016. Trong bài diễn văn vào dịp này, Đức Thánh Cha đã đặt ra cụm từ “bà ngoại châu Âu” nhằm nói rằng Châu lục đã quên đi những lý tưởng sáng lập của mình và trở nên mệt mỏi và đang rất cần sức sống mới. Đồng thời, ngài mời gọi các nhà lãnh đạo chuyển “từ một nền kinh tế thiếu bền vững sang một nền kinh tế xã hội”, bớt hướng vào doanh thu, và đầu tư nhiều hơn vào con người, và chống tham nhũng.

Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 về tình bằng hữu xã hội cũng mang nhiều âm hưởng tương tự. Một đàng, chứa đựng những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa tự do, và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Đàng khác, ủng hộ nhiệt tình các nỗ lực và chính sách đa phương dành ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả người di cư và người tị nạn.

Đức Thánh Cha cũng tìm cách huy động những người trẻ tham gia sự kiện “Nền kinh tế Phanxicô” được tổ chức tại Assisi vào năm 2022. Sự kiện đã thu hút các nhà kinh tế trẻ và những người tạo ra sự thay đổi từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế hòa bình và công bằng hơn, ưu tiên cho người nghèo và môi trường. Ban đầu được ấn định vào năm 2020 nhưng đã bị dời lại do đại dịch Covid-19, với hầu hết các cuộc thảo luận và phiên làm việc trước đó đều được tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, khoảng 1.000 người trẻ đã tham dự cuộc họp trực tiếp và đã ký một Hiệp ước với Đức Thánh Cha, trong đó vạch ra tầm nhìn về một nền kinh tế “hòa bình chứ không phải chiến tranh”, và được hướng dẫn bởi một tập hợp rõ ràng về đạo đức dành ưu tiên đối với phẩm giá con người và người nghèo.

Mặc dù Hiệp hành tính đóng vai trò quan trọng hơn trong khoảng một năm qua, nhưng việc thúc đẩy chuyển đổi hệ thống kinh tế toàn cầu của Đức Thánh Cha vẫn là ưu tiên hàng đầu.

5.Hoán Cải Mục Vụ

Cho đến nay, có lẽ chủ đề quan trọng nhất đối với Đức Thánh Cha là việc thúc đẩy việc hoán cải mục vụ.

Từ những bài diễn văn dài hằng năm trước Giáo triều Roma, đến các tài liệu quan trọng, các buổi tiếp kiến và phát biểu trước công chúng, Đức Thánh Cha liên tục kêu gọi các tín hữu hoán cải cá nhân, đồng thời thúc giục Giáo hội và các mục tử cũng làm như vậy.

Ngay từ những ngày đầu, Đức Thánh Cha đã thúc đẩy sự hoán cải này bằng cách nhắc nhở việc Giáo hội vẫn “đóng kín” trong chính mình, và bày tỏ mong muốn về “một Giáo hội đi ra” tiếp xúc với người dân và nhu cầu của họ thay vì bị ám ảnh bởi những cuộc tranh luận nội bộ tầm thường.

Chiến lược mục vụ của Đức Thánh Cha nhằm mục đích giúp Giáo hội trở thành “bệnh viện dã chiến dành cho người bệnh” mà ngài thường ủng hộ, thay vì một câu lạc bộ dành riêng cho giới thượng lưu được xem là những người tuân theo mọi quy tắc và chấp nhận mọi học thuyết.

Mong muốn hoán cải mục vụ này có thể thấy trong các bài diễn văn hằng năm trước Giáo triều Rôma, mà trong thập niên qua, Đức Phanxicô đã sử dụng như cơ hội để tiến hành một cuộc xét mình tập thể về ý thức, chẩn đoán một số “căn bệnh” thiêng liêng mà ngài nói rằng Giáo hội đang mắc phải, và đưa ra các biện pháp khắc phục luôn nhấn mạnh đến nhu cầu hoán cải.

Đức Thánh Cha muốn cơ quan quản trị trung tâm của Giáo hội và Hồng y đoàn mang tính quốc tế và đa dạng hơn, đồng thời tập trung hơn vào việc loan báo Tin Mừng. Mong muốn này được chứng minh không chỉ bởi những vị mà Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y trong những năm qua, mà còn qua những tài liệu quan trọng như Tông huấn đầu tiên năm 2013, Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng), trong đó ngài mời gọi các tín hữu trở thành “các môn đệ thừa sai” yêu mến Tin Mừng; Tông hiến năm ngoái về cải cách Giáo triều Rôma, Praedicate evangelium (Hãy rao giảng Tin Mừng), trong đó ngài đưa ra những thay đổi sâu rộng đối với giáo triều, lập ra một ban đặc biệt dành riêng cho việc loan báo Tin Mừng, và cho phép giáo dân nắm giữ những vai trò nổi bật hơn trong vai trò lãnh đạo.

Đức Thánh Cha không ngừng mời gọi Giáo hội trở nên nhân từ hơn, bớt thời gian cho các cuộc tranh luận thần học và dành nhiều thời gian hơn để tiếp cận những người bị thương và đau khổ. Đây là kết quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, trong đó Đức Thánh Cha cho phép tất cả các linh mục được tha tội phá thai và mở rộng khả năng tiếp cận với các ân xá, và đó là yếu tố thúc đẩy đằng sau quyết định của ngài trong chú thích số 351 của Tông huấn Amoris Laetitia, được ban hành hậu Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014 và 2015 về gia đình, trong đó Đức Thánh Cha cho phép thận trọng mở ra đối với những người Công giáo ly dị và tái hôn được rước lễ. Đó cũng là động lực đằng sau việc ngài tinh giản (*) thủ tục hủy hôn, và cũng là một yếu tố quan trọng trong Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành hiện nay.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha coi nhiệm vụ của ngài là canh tân Giáo hội để Giáo hội mở ra với thế giới và biến lòng thương xót và việc rao giảng Tin Mừng trở thành động lực đằng sau mọi hoạt động của Giáo hội. Đồng thời, một cách cơ bản là thực hiện tầm nhìn của Công đồng Vatican II, cũng như xóa bỏ những gì có thể gây trở ngại cho tiến trình này.

Hoán cải mục vụ là chìa khóa cho tất cả, đó là điều cần thiết để thực hiện tầm nhìn của Đức Thánh Cha, và điều này có thể sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngài trong phần còn lại của triều đại giáo hoàng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: cruxnow.com (03. 3. 2023)

Nguồn:hdgmvietnam

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận