“Một Giáo hội mang thương tích mới hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay”

1082 lượt xem

Chúa Giêsu Kitô không hiện ra với các môn đệ mà không có các vết thương… Một Giáo hội mang thương tích mới hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay và lấy những thương đau ấy làm của mình.

Như mọi người đã biết, vụ bê bối lạm dụng tình dục của linh mục Karadima ở Chilê cuối cùng đã khiến Đức Thánh Cha Phanxicô cử Đức cha Charles Scicluna, Tổng giám mục Malta, cùng với một cộng sự viên là cha Jordi Bertomeu Farnós thuộc Bộ Giáo lý đức tin, đến gặp các nạn nhân của cha Karadima. Cuộc điều tra được thực hiện ở New York và tại Santiago de Chile từ ngày 30-01-2018. Ngày 20-3 vừa qua, Đức Tổng giám mục Scicluna đã trao cho Đức Thánh Cha tập hồ sơ gồm 2.300 trang, thu thập 64 chứng từ của các nạn nhân. Đức Thánh Cha đã kiên nhẫn đọc hết tập hồ sơ này và ngày 11-4-2018 ngài đã gửi cho các giám mục Chilê một bức thư, thú nhận mình đã mắc sai lầm nghiêm trọng và xin lỗi vì những thẩm định sai về vụ việc.

Đức Thánh Cha cũng đề nghị Đức Tổng giám mục Santiago Silva Retamales, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chile, công bố lá thư này càng sớm càng tốt.

Sau đây là nhận định của phóng viên Andrea Tornielli (Vatican Insider) về lá thư nói trên của Đức Thánh Cha.

“Tôi cam đoan sẽ cầu nguyện cho anh em và muốn chia sẻ với anh em niềm xác tín rằng những khó khăn hiện tại cũng là dịp đặt lại niềm tin nơi Giáo hội, một niềm tin bị huỷ hoại bởi những sai lầm và tội lỗi của chúng ta; và để hàn gắn những vết thương không ngừng rướm máu trong toàn xã hội Chilê”. Bức thư mà Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến hàng giám mục Chilê sau khi đọc kết quả cuộc điều tra của Đức giám mục Scicluna, đã cho chúng ta một cái nhìn của Phúc âm về những gì đã xảy ra.

Điều gây ấn tượng trước hết là sự thừa nhận cá nhân của Đức Thánh Cha khi ngài nói rằng mình đã mắc phải “những sai lầm nghiêm trọng” trong việc đánh giá và thẩm định tình hình, do thiếu thông tin trung thực và quân bình. Đức Thánh Cha không ngại nói rằng ngài đã mắc sai lầm bởi vì thực tế rất khác với những gì người ta trình bày cho ngài. Và điều này mở ra các kịch bản mà chúng ta cần phải đi sâu vào chi tiết: tại sao người ta không cung cấp thông tin trung thực và đầy đủ cho Đức giáo hoàng? Tại sao sự kiện các nạn nhân bị lạm dụng lại được sử dụng như một âm mưu chống Giáo hội? Tại sao họ không được tiếp đón và lắng nghe? Tại sao không chỉ có lạm dụng tình dục bi thảm mà cả lạm dụng quyền lực? Khi thừa nhận rằng mình sai, Đức giáo hoàng đã cho thấy rằng người Kitô hữu – kể cả giáo hoàng – cũng biết nhìn nhận lỗi lầm của mình và xin Thiên Chúa và anh chị em mình tha thứ.

Tuy nhiên, có nhiều đoạn nổi bật khác của bức thư đầy “ý thức sám hối”, vốn tiêu biểu cho cách tiếp cận của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đối với vấn đề lạm dụng. Đức giáo hoàng Ratzinger đã khiến cho nhiều người trong số những người được cho là ủng hộ ngài phải thất vọng khi trình bày khuôn mặt của một Giáo hội tự hạ mình xuống để xin tha thứ và sám hối, bởi vì cuộc tấn công dữ dội nhất chống Giáo hội không đến từ bên ngoài, từ những hành lang chống giáo sĩ và chống Công giáo, nhưng từ tội lỗi bên trong Giáo hội. Hôm nay, người kế nhiệm ngài, nói về “nỗi đau”và “xấu hổ”, cầu xin tha thứ, nhắc nhở các giám mục: “Hôm nay tôi muốn nói với anh em không phải về những điều chắc chắn, nhưng là về một điều duy nhất mà Chúa ban cho ta để ta cảm nghiệm mỗi ngày: niềm vui, bình an, ơn tha tội cho chúng ta và tác động của ân sủng của Ngài”.

Tại Chilê, trong buổi gặp gỡ các tu sĩ vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta có mặt ở đây không phải vì chúng ta tốt lành hơn những người khác; chúng ta không phải là những siêu anh hùng đứng trên đỉnh cao cúi xuống gặp gỡ người phàm. Nhưng chúng ta được sai đi như những người ý thức rằng mình đã được tha thứ. Đó là nguồn vui của chúng ta… Chúa Giêsu Kitô không hiện ra với các môn đệ mà không có các vết thương… Một Giáo hội mang thương tích mới hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay và lấy những thương đau ấy làm của mình, bằng cách đau khổ với họ, đồng hành với họ và tìm cách chữa lành họ. Một Giáo hội bị thương tích không làm cho mình trở thành trung tâm của mọi sự, không tin rằng mình hoàn hảo, nhưng đặt ở nơi trung tâm Đấng có thể chữa lành những vết thương này, và tên của Đấng ấy là Giêsu Kitô. Biết được mình đang mang thương tích sẽ làm cho chúng ta tự do. Phải, điều đó giải thoát chúng ta không trở thành người quy ngã và nghĩ rằng mình hơn người khác”.

Cũng chính lối nhìn ấy toả sáng trong toàn bộ lá thư. Đức Thánh Cha không tỏ ra là một vị sứ thần trừng phạt hay một người áp dụng cách uyển chuyển “các biện pháp chống ấu dâm tốt nhất”, nhưng ngài mang lấy gánh nặng tội lỗi và ô nhục, để mời gọi Giáo hội Chilê –qua chứng từ cá nhân của ngài– cuối cùng cũng hãy làm như vậy. Đức Thánh Cha đã được thông tin sai. Nhưng ngài đã cảm thấy “bị tổn thương từ 2.300 trang ghi lại các chứng từ và báo cáo” do Đức Tổng giám mục Charles Scicluna và người cộng sự Jordi Bertomeu Farnós viết ra. Cũng như hai điều tra viên “cảm thấy bị choáng váng bởi rất nhiều nạn nhân của vụ lạm dụng nghiêm trọng lương tâm và quyền lực, và đặc biệt là lạm dụng tình dục của nhiều giáo sĩ trong nước của anh em đối với trẻ vị thành niên – đã bị cướp mất sự trong trắng”, Đức giáo hoàng cũng khóc lên vì các trang đó. Và việc nhận thức về tội ác đã phạm và bị phủ nhận hoặc che giấu quá lâu, đã dẫn đến câu trả lời của một người cũng mang lấy vết thương trong thân xác của các nạn nhân và của toàn thể Giáo hội và xã hội Chilê, của một người nhận lấy vết thương ấy như của riêng mình.

Lời mời tất cả các giám mục Chilê đến Rôma để có những quyết định cần thiết về những việc cần phải làm trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đã được một số người coi là một đáp ứng không đầy đủ. Có những người mong đợi một vài người đứng đầu phải mất chức ngay lập tức, và sự từ nhiệm mà Đức giám mục Juan Barros đã hai lần đệ trình lẽ ra đã phải được chấp thuận, v.v… Nhưng cuối cùng, với lời mời ấy của Đức Thánh Cha và các phát biểu mạnh mẽ sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô còn làm nhiều hơn thế. Tất nhiên, người ta có thể hy vọng sẽ có các quyết định quan trọng, để tái lập lại sự hiệp thông trong Giáo hội và đưa ra một dấu chỉ thay đổi để thừa nhận rằng vấn đề đã được giải quyết một cách không đầy đủ. Nhưng lá thư của Đức giáo hoàng đòi hỏi nhiều hơn nơi Giáo hội Chilê, đòi Giáo hội Chilê phải “đặt mình vào trạng thái cầu nguyện”. Và ngài cũng đòi hỏi nhiều hơn ở các mục tử của Giáo hội ấy, là những người được mời gọi đi vào một tiến trình phân định sâu xa về điều đã xảy ra. Một sự phân định – theo như cách giải quyết vấn đề cho đến nay, cùng với sự thiếu thông tin trung thực và quân bình – vốn chưa bao giờ thực sự bắt đầu.

(Vatican Insider)
Minh Đức
chuyển ngữ

(WHĐ, 18.4.2018)

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận