Môi trường, lòng tham và hậu quả

1805 lượt xem

Chúng ta đang sống trong một xã hội tiền tiến, phát triển mạnh về khoa học và kĩ thuật. Với trí khôn và khả năng sáng tạo, con người đã phát minh ra những thiết bị hiện đại giúp con người bớt lao động chân tay, tăng năng xuất và giúp tiết kiệm thời gian. Nhưng những phát minh vượt bậc đó không vượt qua được cái tôi ích kỷ, đố kỵ, ghen tuông làm mất dần cảm xúc lý tính, để rồi khi đạt được các nhu cầu cơ bản, con người quên đi những lợi ích chung. Hậu quả để lại cho xã hội, như chặt phá rừng để lấy đất xây công trình, thải chất độc ra không trung, xả nước chưa xử lý ra môi trường… gây đau khổ cho con người vì lòng tham vô đáy.

Có bao giờ chúng ta giành một chút thời gian để tự chất vấn bản thân: Đất vì sao mà có? Cây sao lại lớn lên? Và không khí chúng ta đang thở từ đâu mà ra?… Rất nhiều câu hỏi không thể liệt kê ra hết, nhưng chúng ta phải ngẫm nghĩ về những gì đang sử dụng một cách miễn phí để biết cảm ơn, trân trọng và bảo vệ chúng khỏi mọi tác nhân bên ngoài.

Sách Sáng Thế viết, “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất….” (1:1-31), chắc hẳn mỗi người đều phải biết nguồn gốc của những gì mà chúng ta đang thừa hưởng. Tất cả là do công trình sáng tạo tuyệt mỹ của Thiên Chúa, khi Người tạo nên trời đất, muôn vàn thú, biển và để cho con người làm chủ, cai quản tất cả công trình đó.

Đau lòng thay! Con người ngày nay dường như bị chìm đắm, say mê vào những lối sống thực dụng, và vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại, tiếng khóc thét gào của mẹ thiên nhiên đang ngày đêm nổi giận. “Rừng vàng biển bạc” là câu nói mà cha ông chúng ta thường dùng như một lời biết ơn, kính phục trước vẻ đẹp thiên nhiên và những gì nó ban tặng cho con người thật vô giá.

Vĩ nhân Ấn độ Mahatma Gandhi nói: “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi con người”. Câu này thật đúng với khung cảnh hiện tại. Từ xưa lòng tham luôn là thứ thuốc “phiện” khiến cho con người mải mê kiếm tìm để thỏa mãn những đòi hỏi, khát vọng “cao siêu”, về của cải, danh vọng, quyền lực… mà làm mất đi căn tính tốt đẹp của con người. Cha ông chúng ta thường ví lòng tham của con người giống như cái túi không có đáy, không thể nào đầy được. Chính vì vậy nó luôn là nguyên nhân cho mọi hậu quả khôn lường mà chính chúng ta gây ra.

“Thiên nhiên đã ban cho chúng ta một cái miệng và hai cái tai để chúng ta biết rằng: cần phải nghe nhiều hơn nói.” (Ngạn ngữ Ả rập). Tính chung 7 tháng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.740,5 ha, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 1.409,9 ha, gấp 3,8 lần (theo báo VGP NEW). Khi nhìn vào số liệu này chúng ta không thể trách được thiên nhiên khi cướp đi sinh mạng của những người vô tội, bao nhiêu ngôi nhà, tài sản, hoa màu… tất cả đều bị cuốn trôi, như một cách mẹ thiên nhiên “trả thù” những việc làm sai trái vô thức hay có ý thức. Lũ lụt, lạt sở đất, hạn hán… tất cả là hậu quả của việc chặt phá đốt cháy, và khai thác đất trái phép. Đó thực sự là vấn nạn cấp bách đe dọa đến mạng sống con người và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong sách Sáng Thế (St 1,28) “Thiên Chúa chúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’.” Mỗi người chúng ta đều có một trách nhiệm là làm sinh sôi nảy nở và làm chủ những gì Thiên Chúa đã tạo ra, nhưng không làm hại hay phá hủy nó một cách thái quá, để trục lợi cho cá nhân. Do đó, mỗi tín hữu Kitô luôn mang trên mình trách nhiệm giữ gìn và phát triển môi trường, đảm bảo và cân bằng hệ sinh thái một cách hài hòa, và luôn là người tiên khởi ở nơi sinh sống bằng những việc làm nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, tiết kiệm nước, không giết hại súc vật cách vô lý v.v…, để trở nên chứng nhân cho Thiên Chúa.

Thế giới thiên nhiên có thể tiếp tục tồn tại mà không có chúng ta, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu chúng. Nếu một ngày nào đó môi trường tự nhiên của chúng ta bị tàn phá và có nguy cơ bị xóa sổ, liệu chúng ta có còn sống được nữa hay không? Sự hài hòa và cân bằng giữa tự nhiên và môi trường sống của con người là hai yếu tố tiên quyết giúp chúng ta duy trì sự tồn tại, cả hai cộng sinh và có lợi cho nhau. Nhưng nếu con người quá lạm dụng vào thiên nhiên để trục lợi cá nhân, tức là “cầu lớn hơn cung” – nhu cầu của con người vượt quá giới hạn thiên nhiên – mà khai thác một cách thái quá thì mọi thứ sẽ bị đảo lộn một cách nghiêm trọng.

Chúng ta chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà quên đi những hậu quả theo sau. Khi tác tạo muôn loài, muôn vật, Thiên Chúa đã tạo dựng nên một cách khôn ngoan và tài tình, để giúp loài người nhận ra yếu tố bổ sung của tạo vật. Do đó, chúng ta cần xem xét bản chất của mỗi sự vật, mỗi loài và mối tương quan của nó trong một hệ thống trật tự.

Chúng ta đừng đánh bóng bản thân, tên tuổi, và cả ngôi nhà của mình bằng cách sắm cho mình những bộ cẩm bào, da báo, da hổ…, trưng bày những chai rượu quý ngâm cao hổ, cao gấu…, hay xây cho mình những ngôi nhà to bằng những gỗ hương, gỗ trầm hương… Đó là những món đồ xa xỉ và hoang phí không thể nào thỏa mãn được lòng tham vô đáy của con người.

Hậu quả là các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, các rừng cây lâu năm bị tàn phá một cách nghiêm trọng và có thể bị xóa tên cả một số cánh rừng chỉ bởi lòng tham của con người. Trong Giáo Huấn Xã Hội về Bảo Vệ Môi Trường (số 464) có viết, “Vì khước từ tương quan với Đấng Tạo hóa, con người muốn xây dựng một thế giới tự trị. Sự xa cách Thiên Chúa cũng làm cho con người xa cách thiên nhiên; con người coi như kẻ xa lạ với khung cảnh môi trường”. Do đó, mỗi chúng ta phải biết vun trồng và bảo vệ những quà tặng ấy, như một lời hứa với Thiên Chúa là chúng ta sẽ làm cho sinh sôi và nảy nở chứ không phải hủy diệt.

Chúng ta được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo chứ không phải để phá hủy, bởi vậy mỗi người chúng ta hãy có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái. Chúng ta phải cầu xin với Thiên Chúa để những nhà lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia sẽ đi tiên phong trong công tác bảo vệ môi sinh, và có những biện pháp nghiêm minh hơn để răn đe những việc làm gây ảnh hưởng tới môi trường nhằm trục lợi ích riêng cho cá nhân. Chính chúng ta hãy thay đổi não trạng của mình để có cái nhìn trung thực hơn về môi trường hầu khám phá ra vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó đối với sự sống con người. Các kỹ nghệ gia, khoa học gia cũng cần xác nhận lại mối tương quan giữa loài người với thiên nhiên, cần có cái nhìn sâu rộng, lâu dài và đạo đức trong những phát minh nhằm hạn chế những hậu quả khó lường.

Môi trường là khối tài sản miễn phí mà Tạo Hóa ban tặng cho con người. Nó là tài sản chung chứ không phải của một cá nhân hay tập thể. Do đó, mỗi người chúng ta hãy tự nhận lấy trách nhiệm này và tích cực tiếp tay trong việc đảm bảo và cân bằng hệ sinh thái.

Cường Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận