Lớn lên trong Lời Chúa

855 lượt xem

LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA
(Chuyện Trường Cao đẳng Giáo lý Trực tuyến)

Lời mở đầu

Con về Ghetsêmani
Thôi nghe ai oán Cô Vi sầu buồn.
Thì ra lặng chính là nguồn
Cho sinh cho thức trào tuôn vỡ bờ.
(TTT)

Đại dịch Covid-19 bùng phát nhanh vào cuối mùa Chay, gây ấn tượng chưa từng có, với một Tuần Thánh chỉ còn thánh lễ trực tuyến. Giáo dân không được rước Mình Thánh Chúa nhưng nhiều người lại cảm thấy Chúa đang đến tận nhà. Lạ thay, dù chưa qua đỉnh dịch, ngay từ sáng sớm lễ Phục sinh ta cảm thấy bình an và ánh sáng đã trở về và đang lan tỏa. Ngay những ngày đầu tuần Bát nhật Phục sinh, Tòa Thánh đã tỏ ra quan tâm đến tình thế sau đại dịch. Đức Hồng y Turkson cho biết: “Chúng ta phải nghĩ đến thời kỳ sau Covid-19 để khỏi bị ngỡ ngàng”.

Thánh Bộ của ngài đã thành lập 5 nhóm để đối đầu với cuộc khủng hoảng và nhìn về tương lai. Còn giới Công giáo Việt Nam? Chúng ta sẽ làm gì sau đại nạn? Nếu chỉ nhìn theo hướng đối phó, sẽ thấy nhiều bế tắc và mỏi mệt với những áp lực nặng nề. Để thấy bừng sáng cần hướng tới những chân trời xa.

Có một cột mốc vừa gần vừa xa có thể gợi ý cho ta nhiều điều, đó là sự kiện kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến trên đất Việt (1533-2033), chỉ 13 năm nữa! Với thao thức về giáo dục tuổi thơ, chúng tôi đã nghĩ tới một trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến cho các giáo lý viên và huynh trưởng. Nhân có người nêu câu hỏi về trí thức Công giáo, chúng tôi nghĩ nên mở rộng đối tượng tới nhiều nhóm khác để có một trường huấn luyện chung ít tốn kém, ở trong tầm tay của mọi người trong và ngoài nước. Nếu đề xuất này được quan tâm, đây sẽ là một công việc có sức tạo nên năng động tập thể, vừa giúp giải quyết vấn đề nhân sự cho Giáo hội Việt Nam vừa tạo nên một sức bật đẩy lùi não trạng tục hóa đang đe dọa Dân Chúa.

Với cái nhìn ấy, chúng tôi xin đóng góp loạt bảy bài dưới đây, tựa đề “Lớn lên trong Lời Chúa” góp phần suy tư về việc huấn luyện đời sống tâm linh, ý thức tông đồ, các kiến thức giáo lý và chuyên môn cho những giáo dân có học, như những gợi hứng mở đầu giúp nhiều người cùng suy tư góp ý về nhiều lãnh vực khác của Giáo Hội Việt Nam, để từ đó chúng ta có thể cùng tiến bước xa hơn. Rất mong quý bạn đọc cùng tích cực tham gia ý kiến và sáng kiến. 

Qui Nhơn ngày 07/5/2020
Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp. Qui Nhơn



Bài 1: NGƯỜI CÓ HỌC TẦM ĐẠO

Đầu năm 2020 này, tôi nhận được thư một giảng viên đại học băn khoăn không biết một trí thức Công giáo có thể đóng góp thế nào để xây dựng Giáo Hội.

Thời sinh viên, anh đã có mấy năm tìm hiểu ơn gọi triều rồi dòng. Nay anh đã lập gia đình và dạy toán bậc đại học. Anh cứ ngại ngần, chẳng biết Giáo Hội có cần gì mình chăng cho nên “chỉ khi nào các cha hỏi, hay nhờ việc gì đó con mới làm, còn thường con ít tham gia hay cộng tác điều gì.” Bây giờ anh chợt cảm thấy cần đáp đền ơn Chúa. Trong thư, anh hình dung trí thức Công giáo như một lớp người có trình độ trong các lãnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, y học, chính trị, kinh tế,… Anh tìm hiểu xem nơi lớp người đi trước một hình mẫu trí thức Công giáo người Việt nhưng không thấy. Tôi có nghĩ tới một vài vị có thể coi là điển hình nhưng không nhắc đến vì muốn cùng anh nhìn vấn đề từ một góc khác.

MỘT LỚP NGƯỜI CÓ HỌC

Để giúp anh có cái nhìn thực tế và lạc quan hơn về Giáo Hội Việt Nam, thay vì cụm từ “trí thức Công giáo”, tôi đề nghị cùng chia sẻ về lớp người “có học” trong các giáo xứ và giáo họ, ngoài học thức, có một trình độ văn hóa hoặc một trình độ chuyên môn, họ còn là những người “có cái nhìn đức tin và có lòng đạo”. Tôi đã hạ chỉ tiêu thứ nhất xuống thật thấp. Tôi nhắn anh thử nhìn nơi các Hội đồng Giáo xứ, nơi những anh chị vừa là giáo viên trường phổ thông vừa tham gia dạy giáo lý, những điều dưỡng viên, bác sĩ Công giáo đang tham gia các công tác thiện nguyện. Rồi nhiều người khác tương tự, đã tốt nghiệp cao đẳng hay đại học và hiện đang làm nghề tự do hoặc buôn bán nhỏ nhưng hằng tuần vẫn tham gia một vài sinh hoạt đặc thù nào đó trong giáo xứ, giáo họ.

Cả những người chỉ mới qua lớp Chín, lớp Mười, mà hiện nay vẫn không ngừng quan tâm cập nhật thông tin, mở mang kiến thức nhiều mặt, cách riêng là ngày càng chuyên sâu trong ngành chuyên môn của mình, thì cũng nên xếp vào lớp người có học. Với tuổi đời, với bề dày cuộc sống, lại thêm tìm hiểu và suy tư để giải quyết các vấn đề cách có phương pháp, thì trong những công việc chung của nhà thờ, nhà xứ, họ đều góp phần như những người có học.

Một số giáo phận đã nâng cao tầm vóc những người này qua những khóa huấn luyện ngắn ngày nhưng hữu hiệu, đi xa hơn, còn có những chương trình đào tạo thần học giáo dân với những khóa dài hạn, những khóa hè hoặc những khóa học buổi tối. Từ Nha Trang, Sài Gòn và có thể cả một vài giáo phận khác, dù ít nhưng đã có một số giáo dân được gửi đi học nước ngoài về giáo lý, về mục vụ… Tuy nhiên, hầu hết những hình thức ấy khá xa vời với hoàn cảnh giáo dân các giáo phận tỉnh lẻ…

Tình cảnh cách ly, phong tỏa thời dịch bệnh có lẽ là lúc thuận lợi để ta khởi động chương trình “Không được đến trường, thì ở nhà học”.

HỌC GIỮA THỜI CÁCH LY

Giám mục Giáo phận Bắc Ninh trước đây, Đức cố Hồng y Phaolô Phạm Đình Tụng, đã tận dụng một thời gian bị cách ly vì lũ lụt để viết nên trường ca “Tóm lược cuộc đời Chúa Giêsu”, một thủ bản giáo lý đã hướng dẫn và nâng đỡ đức tin của các tín hữu phía Bắc một thời gian dài.[1]

Giờ đây, giữa những âu lo do dịch bệnh, “người nào ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở nhà đó”, ta sẽ làm gì? Ngày 03/4/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp video đến các gia đình trong thời đại dịch này. Trong đó ngài có nói: “Chúng ta hãy cố gắng, nếu có thể, để tận dụng tốt nhất thời gian này… Điều cần thiết cho ngày hôm nay là: sự sáng tạo của tình yêu… Cùng đứng bên nhau, trong tình yêu và sự kiên nhẫn, chúng ta có thể chuẩn bị cho một thời kỳ tốt đẹp hơn, ngay trong những ngày này.”

Nếu chúng ta có quyết tâm thì tình cảnh cách ly lại rất thuận lợi để làm những việc cần làm mà lâu nay chưa làm được, kể cả việc học. Tôi nghĩ đến một cụm từ đầy gợi ý của cha Augustinô Đoàn Cao Lý: “Người có học tầm đạo”. Những năm 1975-1985 xuất hiện nhiều tư liệu hỗ trợ việc dạy giáo lý cho người trưởng thành. Cha Lý cũng có loạt bài của ngài, với tựa đề vừa hay vừa xác đáng ấy. Để trở thành trí thức Công giáo, con đường trước mắt là con đường của những “Người có học tầm đạo”.

Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống tại phía Nam đổi thay, ai cũng phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Những bạn trẻ muốn dâng mình cho Chúa không còn điều kiện tu học bình thường. Họ phải phân tán thành những nhóm nhỏ làm rẫy, làm ruộng, làm muối, hoặc về các thành phố làm hợp tác xã, chạy xích lô, đi buôn nước mắm… Họ tranh thủ từng mười phút để đọc sách, vừa làm việc vừa nghe băng học sinh ngữ, vừa làm thủ công mỹ nghệ vừa nhẩm học những từ mới. Khi có điều kiện, họ đạp xe hằng chục cây số để dự những buổi học chui về Kinh Thánh, Triết học, Thần học… Về sau, khi đã trở thành cha phó, cha sở, Tổng đại diện, Giám mục, Tổng Ggiám mục, ôn lại những tháng ngày gian khổ, họ ứa lệ tạ ơn Chúa Quan phòng đã thương rèn luyện họ bằng chính cuộc sống.

THỜI CỦA PHÁT MINH VÀ SÁNG TẠO

Ngày nay chúng ta có một hoàn cảnh bấp bênh khác, do Covid-19, chẳng biết kéo dài bao lâu, rồi sau đó ra sao… Trả lời cuộc phỏng vấn đầu tháng Tư 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy ngài phải suy nghĩ nhiều để kịp thích nghi với hoàn cảnh. Ngài nói: “Tôi sống những điều ấy trong thời nhiều bất trắc lớn lao. Đây là thời của phát minh, của sáng tạo”.

Đức Phanxicô nhận định thêm rằng “óc sáng tạo của các Kitô hữu cần được biểu lộ rõ qua việc mở ra các chân trời mới, mở các cửa sổ, mở ý thức siêu việt hướng tới Thiên Chúa và hướng tới người ta, và qua việc tạo ra những cách thế mới để ở trong nhà… Hãy quan tâm chăm sóc cái bây giờ, cho cái tương lai. Luôn luôn một cách sáng tạo, với một óc sáng tạo giản đơn, có khả năng phát minh ra một điều gì đó mới mẻ mỗi ngày”.

Theo hướng ấy, tôi có một đề xuất cho cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, cách riêng là các bạn trẻ, qua  bài 2: “Hướng tới một trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến”.

——————–
[1] Xem bản văn tại: https://linhmucmen.com



Bài 2: HƯỚNG TỚI
MỘT TRƯỜNG CAO ĐẲNG GIÁO LÝ TRỰC TUYẾN

Có thể độc giả thắc mắc: Học cái gì? học thế nào? ai học? và ai dạy cho mình học? Nơi bài trước đã có câu trả lời cho hai điểm đầu: Học nâng cao nhận thức đức tin và học qua Internet. Giờ đây, xin nói về điểm thứ ba và thứ tư .

NHỮNG LỚP CÓ NGƯỜI HỌC VÀ NHỮNG NGƯỜI HỌC CÓ LỚP

Nơi các hội viên tu hội đời, dòng ba tại thế và cộng tác viên các dòng, hầu như đều khao khát có điều kiện để được nâng cấp. Về phía người đào tạo, các hội dòng liên quan đều mong nâng cao trình độ các thành viên tại thế của mình. Hoặc như Legio Mariae, hiện nay con số hội viên cả nước là trên 50.000, nhưng có mấy người trong đó đã được đào tạo đúng mức? Việc tổ chức trường lớp có lẽ không thể nào làm được. Thế nhưng, nếu Senatus đứng ra thực hiện một chương trình đào tạo trực tuyến, thì năm này qua năm nọ, trình độ các hội viên sẽ không ngừng tiến lên, số thành viên trẻ sẽ tăng lên đều đặn. Như thế, nhu cầu đào tạo rất lớn, và nếu được giải quyết đúng mức, tầng lớp Công giáo có học khắp nơi sẽ được nhân lên khá nhanh, tạo thuận lợi cho đà thăng tiến sinh hoạt các giáo xứ và giáo họ.

Ai dạy? Chỉ riêng trên địa bàn Tổng Giáo phận Sài Gòn hiện có không dưới 15 học viện của các dòng tu. Mỗi học viện khai trương một trang Web huấn luyện các thành viên tại thế của các dòng liên quan, từ những chương trình huấn luyện có vẻ “văn nghệ” ở bước đầu, tiến dần tới những khóa học bài bản, có ghi danh, làm bài kiểm tra, luận văn tốt nghiệp, cấp chứng chỉ có triện son và chữ ký hẳn hoi. Không bao lâu ta sẽ thấy xuất hiện hàng chục trường cao đẳng giáo lý trực tuyến.

Ngay cả đối với các khóa học đóng tiền, học trực tiếp, vẫn có học viên bỏ dở. Đối với các khóa học trực tiếp, qua thời gian, học viên rơi rụng dần. Vậy nên đối với các khóa học trực tuyến, lại miễn phí, sẽ còn bao nhiêu % “bền chí đến cùng”?

“CON VIRUS” GÂY CHẾT YỂU VÀ “VACINNE” BỀN ĐỖ

Trong bài viết về giáo dục tuổi thơ, “Chương Trình Quà Tặng Khuyến Học Bông Hồng Nhỏ”, chúng tôi có ghi nhận “do ảnh hưởng của văn hóa tiêu thụ “dùng một lần rồi bỏ”, người ta ái ngại không muốn bị một cam kết nào ràng buộc. Vâng, không riêng ở chuyện đặt mua dài hạn một ấn phẩm định kỳ, cả đến nơi những điều hệ trọng như giáo dục và hôn nhân người ta cũng ngập ngừng, ngại cam kết. Tâm trạng không dám cam kết ấy ăn sâu cả nơi người tín hữu. Có thể đây chính là đầu mối khiến nhiều người vừa rời khỏi môi trường gia đình và giáo xứ là không còn đứng vững trong điều tốt, dễ buông xuôi theo hoàn cảnh, đưa tới chỗ coi việc học văn hóa quan trọng hơn việc học giáo lý, và trong hôn nhân thì chạy theo trào lưu sống thử, phá thai, ly dị…” Trong bài ấy, chúng tôi gọi đó là một thứ “virus”, virus gây chết yểu, và đề xuất một loại “vaccine”, một đáp án kiểu trò chơi cho trẻ con.

Khi đặt vấn đề cho người lớn, loại “vaccine” nào sẽ diệt được con “virus”?

Ta trở lại với hành trình “người có học tầm đạo”. Cụm từ này nêu bật tính cách tích cực của người lên đường đi tìm. Họ nghe có tiếng gọi, lên đường tìm kiếm và khám phá ra chân trời mỗi ngày mỗi mới hơn.

Để duy trì được tinh thần tầm đạo, việc học tập trực tuyến đòi phải được chuẩn hóa về giáo trình, giáo viên, tổ chức giảng dạy… Công việc này đòi hỏi có sự chuẩn bị, đầu tư chứ không phải muốn là làm được ngay.  Dù sao, hướng tới kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến trên đất Việt, chúng ta cần cùng nhau suy tư đóng góp. Hơn nữa, chính tình thế cách ly đang rọi cho ta ánh sáng để làm tăng trưởng những hạt cải Chúa đã gieo trồng, nơi mái trường Lời Chúa.

MÁI TRƯỜNG LỜI CHÚA

Thông báo chiêu sinh của trường có thể tìm thấy tại Mt 11,28-29: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, và tại Ga 8,31-32: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”.

Lời của Chúa nằm sẵn trong quyển Tân Ước nơi tay ta. Mỗi ngày học viên có thể tự mở lấy đoạn Tin Mừng có ghi nơi quyển lịch Công giáo. Còn tài liệu học tập thì lấy ở đâu? Chàng học trò nghèo Trần Minh ngày xưa, không có dầu đèn, phải đọc sách dưới trăng hoặc dưới ánh chớp đom đóm. Bạn đọc ngày nay không đến nỗi như thế. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy ánh sáng trên trang Web của nhiều dòng tu cũng như nhiều giáo phận. Đó đã là chìa khóa đơn giản, là chương trình căn bản để huấn luyện cho Giáo Hội một lớp người có học, có đức tin và có lòng đạo.

Số tín hữu vào các trang truyền thông Công giáo hiện không phải là ít nhưng hình như không mấy ai thấy được thúc đẩy để tiến xa hơn một chút. Phải chăng chỉ vì nó chẳng thiết thực gì với cơm áo gạo tiền? Phải chăng vì có cố gắng cho lắm cũng có ai quan tâm gì tới? Phải chăng vì cái cảm tưởng ở trường ấy chỉ có một lớp, một lớp vỡ lòng cứ học đi học lại mãi? Phải chăng vì thế mà những người tầm đạo ngày ngày vẫn đi ngang cổng trường nhưng không vào?

Tôi cho rằng lý do ở chỗ khác. Có thể vì người ta quên mất rằng giá trị không tùy thuộc sự nhìn nhận của người này người nọ nhưng ở nụ cười hài lòng của Thiên Chúa khi nhìn mỗi đứa con của Ngài. Tại đây hẳn là có điều gì đó tựa như một công án ở các thiền đường, bởi lẽ bước qua cổng trường là bạn thấy ngay mấy dòng chữ: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Dù sao vẫn không phải là lỗi của bạn, chỉ là một hiểu lầm không đáng có. Những gợi ý nọ cho bài Tin Mừng hằng ngày có thể chẳng có gì mới. Tuy nhiên, điều nhà trường đề nghị với bạn không phải là nội dung những gợi ý ấy, mà là chính Lời Chúa và chính Chúa. Đoạn gợi ý sẽ chỉ là cái cớ để nhắc bạn trung thành tiến vào việc thực tập và đào sâu kinh nghiệm gặp Chúa,  tự nuôi mình bằng Kinh Thánh theo những cách thức tiến lên dần của các Truyền thống Công giáo: Đọc Lời Chúa theo phụng vụ thánh lễ hằng ngày, học thuộc một câu, làm lectio divina, học hỏi, suy niệm, rồi dựa vào đó để xét mình, phân định tìm ý Chúa, vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt, uốn mình theo sự thanh tẩy và huấn luyện  của Chúa, và cuối cùng là sống hiệp nhất trong Chúa. Như thế, bạn sẽ làm cho nụ cười của Chúa ngày càng mãn nguyện về bạn. Và cũng vì thế, đây không phải là chuyện hậu Covid-19 nhưng là chuyện hiện tại.

Những cách tự nuôi mình trên đây là những bước giúp bạn lớn lên trong Lời Chúa. Mẫu số chung của những cách ấy là sự lắng nghe. Bài 3: Thực tập lắng nghe.



Bài 3: THỰC TẬP LẮNG NGHE

Cuối bài trước ta đã nói tới những kinh nghiệm khác nhau của các Truyền thống Công giáo: Đọc Lời Chúa theo phụng vụ thánh lễ hằng ngày, học thuộc một câu, làm lectio divina, học hỏi, suy niệm, rồi dựa vào đó để xét mình, phân định tìm ý Chúa, vượt thắng những cám dỗ làm điều tốt, uốn mình theo sự thanh luyện của Chúa, và cuối cùng là sống hiệp nhất trong Chúa.

MỘT KINH NGHIỆM TIẾN DẦN

Nếu nói là tiến lên dần thì đúng ra, những kinh nghiệm này nên đọc từ dưới lên:

10. Hành trình Phanxicô
9. Hưởng ứng sự thanh luyện của Chúa (phân định 3).
8. Ở lại trong Đấng yêu thương ta.
7. Thắng những cám dỗ làm điều tốt (phân định 2).
6. Soi lòng, xét mình thăm dò ý Chúa (phân định 1).
5. Thinh lặng suy niệm.
4. Học hỏi Lời Chúa.
3. Làm “lectio divina”.
2. Học thuộc một câu và ghi nhớ cả số trích của nó.
1. Đọc đoạn Lời Chúa.

Những sợi rễ thầm lặng khuất sâu phía dưới, nuôi dưỡng cả cây cao, từ gốc to trụ vững toàn thân, với cành lá sum suê trổ sinh nhiều hoa trái. Vẫn có những trường hợp ngoại lệ, một em bé sáu tuổi như Đấng đáng kính Antonietta Meo[1] hoặc một bà cụ không biết đọc biết viết ở một làng quê nào đó có thể chỉ biết vài câu Lời Chúa ngắn ngủi mà vẫn thường xuyên ở lại trong Chúa. Thế nhưng thông thường, ta phải xây từ nền móng.

NHỮNG KINH NGHIỆM LẮNG NGHE

Nếu nói là đào sâu, người ta có thể xếp thứ tự từ ngoài vào trong, tiến theo vòng xoắn ốc. Khởi đầu là đọc bằng mắt, nghe bằng tai, rồi thấy bằng tâm trí và nghe bằng cõi lòng. Những ngày cách ly và phong tỏa có một hiệu quả hay là giảm bớt những gì không cần thiết. Nhờ đó cả ngoài đường lẫn trong nhà đều yên tĩnh hơn và ta dễ lắng nghe hơn.

Ta có thể bất ngờ được nghe tiếng Chúa giữa nhiều tình huống cuộc sống, mà cũng có thể chủ động tìm nghe tiếng Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,10).

Để nghe Chúa, ta phải dành cho Ngài một chút thời giờ. Trong những ngày chống dịch, bạn đang dùng thời giờ vào việc gì? Nếu bạn bắt đầu thấy coi trọng việc gặp Chúa hơn, thì hãy dành thời giờ cho Chúa cách hào phóng hơn. Khi dịch Covid-19 qua đi, bạn ít rảnh rỗi hơn, nhưng nhờ kinh nghiệm hào phóng hôm nay, lúc ấy bạn sẽ dễ dành ưu tiên cho Chúa.

Trước đây những bước càng vào trong càng bị coi là chuyện riêng của giới nhà tu, và ít có tài liệu hướng dẫn cách dễ hiểu cho giáo dân. Với loạt bài này, chúng tôi mong cung cấp cho các bạn đọc giáo dân trẻ những dẫn nhập thật gần gũi, để bạn tập thử và rủ người khác tập rồi cùng nhau trao đổi, giúp nhau dần dần nâng cao kinh nghiệm.

Ngay hôm nay, bạn hãy dành thời giờ cho những thực tập khởi đầu, trước hết là đọc Lời Chúa.

ĐỌC LỜI CHÚA THEO THÁNH LỄ TRONG NGÀY

Kinh nghiệm đầu tiên là đọc đoạn Lời Chúa theo thánh lễ hằng ngày. Các chu kỳ bài đọc thánh lễ Chúa nhật và ngày thường đã được ấn định từ năm mươi năm rồi. Nó có vẻ là một sự phân chia máy móc, nhưng lạ thay, biết bao người đã phản hồi rằng những bài đọc in sẵn ấy luôn sát sườn với thực tế cuộc sống hiện tại của họ. Bạn ngạc nhiên chăng? Hãy cứ mở rộng cõi lòng đón nhận rồi đọc, bạn sẽ khám phá ra đó là bữa tiệc dọn sẵn và ta là khách được mời nhưng thường thì ta còn mải lo mua bò, tậu ruộng…

HỌC THUỘC LÒNG

Kinh nghiệm thứ hai là từ bài đọc ấy, bạn tự chọn một câu giàu ý nghĩa nhất cho bạn lúc này, lặp đi lặp lại đến thuộc lòng và ghi nhớ cả số trích của nó. Sau năm 1975, Ban Thánh nhạc Gp. Nha Trang có sáng kiến chọn mỗi Chúa nhật một câu Tin mừng, dệt thành bài ca Ý lực sống để hát cho thuộc. Tới nay, chương trình ấy được đúc kết thành hai bộ, cho hai lần chu kỳ ba năm A, B, C. Song song đó, còn có thêm bộ thứ ba của linh mục nhạc sĩ Mi Trầm, với tên gọi “Bài ca Lời Chúa” được dọn thành Karaoke… Các bạn trẻ lớn lên tại những giáo xứ áp dụng sáng kiến ấy, sau 330 Chúa nhật của hai chu kỳ, có thể thuộc 300 câu Kinh thánh là ít. Các bạn trẻ Tin Lành có thể thuộc chưa tới 100 câu nhưng là những câu chọn sẵn để vận dụng cho việc rao giảng và thuyết phục. Họ đọc vanh vách cả câu Kinh thánh lẫn số trích khiến bạn có cảm tưởng họ thuộc lòng trọn bộ Kinh thánh. Nếu bạn có kế hoạch vận dụng kho Ý Lực Sống trên đây, bạn sẽ không kém gì họ. Tuy nhiên đây không phải là chuyện để bàn lúc này.

LECTIO DIVINA 

Kinh nghiệm thứ ba là “lectio divina”, có thể dịch là “gậm nhấm thiên thư”, lấy từ đời sống các đan sĩ. Hằng ngày, ngoài các giờ kinh, nguyện ngắm và thánh lễ, các đan sĩ thường phải làm việc tay chân liên tục. Họ tranh thủ từng năm ba phút để đọc sách nuôi dưỡng đời sống tâm linh, từ các sách trong Kinh thánh cho đến sách các giáo phụ và các bậc thầy tâm linh, nghiền ngẫm để dọn đường cho tĩnh nguyện. Về sau, nhiều cộng đoàn chính thức rải đều những khoảng rảnh để “đọc các sách đạo”  (x. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1177). Chính nhờ giải pháp ấy, các đan sĩ có thể tự học và thăng tiến không ngừng, có thể trở thành những học giả thầm lặng. Nội dung  được chọn đọc là sách đạo chứ không riêng Kinh thánh, và cách đọc là đọc góp từng phút rồi vừa lao động vừa nghiền ngẫm, cho nên từ “lectio divina” của các đan sĩ có lẽ phải được dịch là “gậm nhấm thiên thư”, đọc sách đạo từng chút một và nghiền ngẫm. Mai đây, khi Giáo Hội Việt Nam có những cao đẳng và đại học trực tuyến, các học viên có thể tìm thấy nơi kinh nghiệm này một giải đáp tuyệt vời cho tình cảnh vừa học vừa làm. Bạn hãy sắm một quyển Tân Ước cỡ nhỏ nhất, tiện đem theo mình khi đi đường, để bất cứ lúc nào và ở đâu cũng có thể đọc và nhâm nhi một đoạn ngắn hoặc vài câu. Bạn cũng có thể đem theo một quyển “sách thiêng liêng”, hoặc một sách đạo nào khác để đọc cả trên xe như những người khách “du lịch ba lô” vẫn làm. Bạn cũng có thể ghi những nội dung ấy vào ‘smartphone’ để mang theo đọc nữa chứ?

HỌC HỎI LỜI CHÚA

Kinh nghiệm thứ tư là học hỏi Lời Chúa. Giáo trình khối Kinh Thánh trong Chương trình Giáo lý Phổ thông (12-15 tuổi) nhằm chuẩn bị cho các bạn trẻ khả năng này. Bạn đã qua chu kỳ Giáo lý khối Kinh thánh nhưng hiện bạn còn kiên trì với việc đọc Kinh thánh chăng? Để tái lập, duy trì và phát triển kinh nghiệm ấy, bạn thử tự đặt lại vấn đề học Kinh thánh để mỗi ngày một tiến xa hơn. Xin giới thiệu những bài viết giản dị và sáng rõ của cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, dòng Tên, trên trang Web của Ủy ban Kinh thánh trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, tại http://www.kinhthanhvn.net/ .  Mỗi tuần có một nội dung học hỏi khởi đi từ Tin Mừng Chúa nhật, với tám câu hỏi và trả lời. Tám cặp hỏi đáp của cha Siêu giúp bạn tập quen với hai việc: học hỏi Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa.

QUỸ THỜI GIAN CHO HỒN KITÔ HỮU

Ta không cứ xây đi đắp lại mãi nền móng ban đầu. Internet đang tạo điều kiện để mọi tín hữu đã xong chương trình lớp 12 đều có thể trở thành những người có học, có đức tin và lòng đạo. Vấn đề là biết dành ưu tiên cho những bận tâm này trong thời gian biểu hằng ngày, hằng tuần và hằng năm của ta. Tại Hàn Quốc, có những nơi các học sinh tốt nghiệp trung học được khuyến khích theo một khóa học truyền giáo trước khi vào đại học, tựa như bên Campuchia nhiều bạn trẻ vào tu sáu tháng ở chùa trước khi lập gia đình. Sau thời gian ở chùa, các bạn trẻ Campuchia sẽ lập gia đình như những cư sĩ Phật giáo. Sau năm học về truyền giáo, các bạn trẻ Công giáo người Hàn sẽ quay lại nhà trường như một nhà truyền giáo sinh viên rồi ra trường như một nhà truyền giáo kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, kiến trúc sư, vv… Các học viện cao đẳng giáo lý trực tuyến sẽ không đòi bạn trẻ dành hẳn một năm hay sáu tháng nhưng sẽ xin họ từng giờ trong cuộc sống, suốt nhiều năm liền. Để có được quyết tâm kiên trì học hỏi, chúng ta cần tự trang bị nhiều lòng hiếu học và hiếu đạo hơn cả các bạn trẻ Công giáo Hàn Quốc và Phật tử Tiểu thừa.

Bạn hãy tập dành quỹ thời gian ấy cho hồn đạo của bạn ngay từ hôm nay.

Mời bạn xem bài 4: Ở lại trong Đấng yêu thương ta, để thoát khỏi làn sóng tục hóa.

—————————————————
[1] Văn phòng Tuyển tập Bông Hồng Nhỏ đang xúc tiến xuất bản sưu tập những lá thư của vị thánh nhi.



Bài 4: Ở LẠI TRONG ĐẤNG YÊU THƯƠNG TA

Khi bản thảo loạt bài này được gửi đến một số người để xin góp ý, ba bài đánh số 4, 5 và 6 không chỉ giới thiệu các kinh nghiệm mà đã dừng lại để nói về cách thực tập, khiến dòng tư tưởng của ba bài trước bị đứt đoạn. Tôi hơi khó xử, một số người có thể đang chờ nghe xem những kinh nghiệm tiếp theo là thế nào, nhưng với một số người khác, đây lại là chuyện dài dòng, không cần thiết!

Để dung hòa, mời anh chị em chúng ta dừng lại và lùi lại một chút để cùng nhìn vào thách đố chung của Hội Thánh toàn cầu cũng như riêng của Hội Thánh Việt Nam và viễn ảnh đang chờ ta ở chân trời 2033.

Thách đố lớn hiện nay là tình trạng tục hóa ngày càng trầm trọng, không ở đâu xa mà ngay trong lòng Giáo Hội tại quê nhà. Cả người Công giáo bị lây nhiễm sự vô cảm của xã hội, đã mất hẳn sự “hăng hái”, chẳng còn thấy ai muốn làm gì cả! Quả là có sự khác biệt giữa hai bầu khí sống đạo trước và sau năm 1985-1986, thời điểm bắt đầu đổi mới về kinh tế, chuyển dần sang cơ chế thị trường, ngày càng tiến theo văn minh tiêu thụ. Người ta nói đến một sự tuột dốc đáng bi quan. Giáo lý Công giáo như đã bị biến thành chuyện lý thuyết suông? Điều gì đã khiến người ta phai nhạt dần đức tin, đức mến và buông theo cầu an, hưởng thụ? Tuy nhiên, vững tin vào Chúa Kitô Phục sinh, ta hiểu rằng đó là cái hiện tại đang qua đi để lạc quan về một hiện tại đang tới mà chính Chúa vẫn luôn ban ơn cho ta xây đắp. Ta hãy nhìn thẳng vào thực trạng đang qua đi, trào lưu tục hóa.

TRÀO LƯU TỤC HÓA

Cuối năm 2000, Đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng lưu ý chúng tôi rằng: “Đoàn sủng chiêm niệm Cát Minh rất cần cho Dân tộc Việt Nam thời hậu chiến, khi phải đương đầu với sức hút của văn minh tiêu thụ. Cuộc đối mặt này sẽ gay go hơn nhiều so với các cuộc bách hại những thế kỷ qua”.

Nay đã hai mươi năm rồi, lời nhắn nhủ ấy ngày càng thấm thía. Người tín hữu đứng trước ngã ba đường, không thể làm tôi hai chủ, phải chọn hoặc là Thiên Chúa hoặc là Tiền Của và họ đang chọn gì? (x. Mt 6,12). Nhìn các bạn trẻ rời lớp giáo lý của giáo xứ, lên đường đi học, đi làm xa, ta man mác buồn vì cảm thấy mình đang mất đi những đứa con ưu tú, mất không do cách xa về không gian nhưng do chỗ họ sẽ khó đứng vững trước cơn lốc tiêu thụ.

Cùng lúc ấy, luồng gió triết học của chủ nghĩa tương đối chi phối cách nhìn và tư tưởng của thế hệ mới, cả nơi không ít những người thánh hiến. Khi các giá trị nền tảng trước đây bị đặt dấu hỏi, đúng hay sai đều trở thành tương đối, họ bị mất phương hướng, mất hệ quy chiếu, và không còn đủ nội lực để chống lại một sức hút mãnh liệt đang lôi cuốn.

Đúng như lời Thánh Phaolô: “Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe” (2Tm 4,3). Đó cũng là điều chính Chúa đã báo trước: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Ngài còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

Hình như người Công giáo Việt Nam ngày nay không còn mấy hãnh diện được là con cháu các Thánh Tử Đạo và cũng không còn tha thiết mấy với việc chiến thắng chính mình. Làm sao để giúp mọi tín hữu tìm lại được khí phách của tiền nhân? Thiết tưởng cần có một sư phạm gợi lên được những đà sống tự phát của đại chúng tín hữu, không riêng trong việc tôn kính các Thánh[1] mà trước hết trong việc cảm nghiệm Lời Chúa, sức mạnh vô song giúp nâng cao đức tin và lòng mến.

CẦN GIÚP DÂN CHÚA TIẾP CẬN VỚI LỜI CHÚA

Khi khắp nơi phải đình chỉ những thánh lễ tụ tập đông người, Đức cha Antonio Gómez Cantero, Giám mục Giáo phận Teruel, Tây Ban Nha, đã thẳng thừng nêu cho các giám mục và linh mục câu hỏi về việc kêu gọi tham dự thánh lễ trực tuyến: “Chẳng phải là chúng ta đang đối xử với các tín hữu như thể họ không biết cầu nguyện, và nên phụ thuộc vào hàng giáo sĩ?… Với những gì chúng ta đã làm cho đến nay, có phải chúng ta đang coi anh chị em tín hữu chỉ là khán giả?… [2]

Cách đặt vấn đề của Đức cha Antonio khiến ta phải suy nghĩ. Từ nửa thế kỷ rồi, Phụng vụ của Giáo hội đã trao tặng cho Dân Chúa một cái khung tuyệt vời để đọc, học và sống Lời Chúa hằng tuần và hằng ngày. Giờ đây bỗng dưng không được dự lễ tập trung, mấy gia đình có khả năng tự tổ chức cùng đọc Lời Chúa và chia sẻ với nhau? Đã có những linh mục muốn cùng đọc Lời Chúa với giáo dân trong thánh lễ nhưng hình như luật phụng vụ không cho phép?

Thiết tưởng luật phụng vụ cần quan tâm tới một sư phạm giúp giáo dân tham dự tích cực hơn, để họ trưởng thành hơn, và có thể tự đảm nhận việc đọc và nghe Lời Chúa khi thiếu vắng linh mục. Có thể một đôi trường hợp nào đó không đạt yêu cầu, nhưng có hệ gì? Đức Thánh Cha Phanxicô từng viết: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình.” (Tông huấn Niểm Vui Tin Mừng, 49). “Chúng ta cần phải chuyển đổi từ một nền mục vụ thuần tuý bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát  mang tính truyền giáo” (Sđd, 15).

Cuộc cách ly xã hội có tác dụng trắc nghiệm cả đức tin của người tín hữu và cả đường lối sư phạm cũ mòn của chúng ta.

Đã đến lúc chúng ta cần bám chặt lấy Lời của chính Chúa để nhìn thẳng vào cơn hồng thủy tục hóa đang xói mòn và làm tê liệt sự sống của Dân Chúa, và để cùng nhau tìm giải đáp phù hợp. Đã hơn một lần Đức Thánh Cha nói cuộc khủng hoảng hiện nay là cơ hội để hồi tâm. Ta còn có thể nói thêm: Đây là cơ hội để đến với Lời Chúa một cách mới. Tất cả chúng ta, linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân đều được mời gọi dìm mình vào Lời Chúa và để cho Lời Chúa thanh tẩy.

Bao năm Lời Chúa bị lãng phí, Lời Chúa không thật sự tác dụng, không phát huy được khả năng đem lại sự sống cho Dân Chúa. Lời Chúa không phải chỉ được học mà đủ, còn phải được nghiền ngẫm và sống. Sư phạm của chúng ta có tạo nên được thói quen nghiền ngẫm và sống Lời Chúa chưa? “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4,12-13).

Cần giúp Dân Chúa đích thân đến với Lời Chúa. Nếu họ chỉ thụ động đến nhà thờ ngồi nghe, làm sao họ xác tín được chính nghĩa nơi dòng nước ngược của Bài giảng Trên núi? Thiên Chúa muốn nói gì với Hội Thánh khi phơi bày thực tế đại chúng giáo dân bị hoang mang và sớm biến chất chỉ vì thiếu các thánh lễ tập trung? Sự kiện ấy không hề là một sự kiện không đáng kể. Chúng ta cần đọc ra được ý định của Chúa để quả cảm đi tìm một lề lối sư phạm mới và hữu hiệu.

Cùng với vị Giám mục Tây Ban Nha, chúng ta hiểu rằng chìa khóa chính để nhân loại thoát khỏi cơn lốc tục hóa là Giáo Hội cần có được những linh mục yêu thích cầu nguyện trong thinh lặng. Muốn vậy, thiết tưởng trong thời khóa biểu hằng ngày của chủng viện, cần ưu tiên xếp cho việc nguyện ngắm đủ 30 phút để chủng sinh có thể bảo đảm được trọn 20 phút nguyện ngắm. Xin để cho chủng sinh lớn lên trong tình Chúa nhờ được thinh lặng một mình với Chúa từ đầu tới cuối giờ, thay vì cứ phải nghe ru ngủ bên tai những lời gợi ý mớm sẵn. Chính họ có gặp Chúa trong thinh lặng, khi làm mục vụ mới biết cách giúp giáo dân cũng gặp Chúa và dám theo đuổi công cuộc phúc âm hóa, ngược với dòng tục hóa. Cũng thế, đội ngũ học viên trường trực tuyến cần được huấn luyện thế nào để sẽ thực sự là những tác nhân chính trong tiến trình dậy men Chúa mong ước.

THEO CHÂN HỘI THÁNH THUỞ BAN ĐẦU

Sự đối nghịch giữa Phúc Âm hóa và tục hóa được gói gọn trong lời Chúa nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24), nói theo người Việt mình, đây là sự đối nghịch giữa nhân nghĩa với tiền tài. Tục hóa xây dựng tất cả nhắm tiền bạc và lợi nhuận, còn Phúc Âm hóa là xây dựng tất cả khởi đi từ tình thương và nhắm đến tình thương (x. Ga 13,34-35), như trong buổi đầu của Hội Thánh, “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32).

Đó là nhúm men của nền văn minh tình thương đã từng lây lan tới Việt Nam và giờ đây chúng ta cần làm lây lan thêm nữa. Khi Hội đồng Giám mục Việt Nam nhóm họp lần đầu, năm 1980, mô hình ấy đã được đề ra thật chói sáng. Những vị biên soạn lá thư chung đầu tiên đã có một cảm hứng kỳ diệu là xây định hướng mục vụ trên căn bản giáo hội học theo thông điệp “Giáo Hội Chúa Kitô” của Đức Thánh Cha Phaolô VI và Hiến chế Tín lý về Hội Thánh của Công đồng Vaticanô II. Đã bốn mươi năm rồi, lá thư chung đầu tiên ấy vẫn luôn xứng đáng là một tuyên ngôn của Giáo hội Việt Nam:

“Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất” (Mt 5,13-16; GH 9,2).

“…Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh như vừa nói ở trên, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.

Trước hết, chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô nghĩa là:

– Gắn bó với Chúa Kitô và hợp nhất với Hội Thánh toàn cầu.

– Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm “chăn dắt đoàn chiên của Người” (Ga 21,15-18), và “làm cho anh em vững mạnh” (Lc 22,32).

– Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội Thánh thời sơ khai: “Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung” (Cv 4,32; 2,42).

– Trung thành với tinh thần của Công đồng Vaticanô II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội mình đang sống.

Để đạt mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội Thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn. Công việc này chúng ta thực hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và thành tâm kiểm điểm đời sống (LBTM 15).” (Sđd, số 8).

Tôi đã được nhìn thấy Hội Thánh thuở ban đầu như thể tái hiện ở Tp. Đà Lạt, khi mọi người cùng nhau học tập và sống theo lá thư ấy. Tôi chỉ là một người khách tạm trú nhiều năm tại địa phương Đà Lạt, chỉ tham gia các buổi học về thư chung chứ không tham gia giảng huấn. Thế nhưng mãi tới nay tôi vẫn còn ngây ngất khi nhớ lại mình đã từng được chạm tới bầu khí của một Hội Thánh đích thật khi đến thăm và sinh hoạt với những nhóm lớn nhỏ tại nhiều giáo xứ khác nhau. Tôi còn giữ được chứng từ, chín lá thư một cô giáo tín đồ Cao Đài gửi cho người chị em bạn kể lại hành trình theo Chúa cam go của cô, cô quyết theo Chúa chỉ vì cảm kích trước tình hiệp thông và hiệp nhất của cộng đồng giáo xứ Suối Thông B.

Đức cha Bartôlômêô đã xây dựng được hình ảnh lý tưởng ấy nhờ bốn yếu tố: (1) chính ngài dám chấp nhận bị hiểu lầm để nêu cao giáo huấn của Công đồng về Hội thánh, (2) Giáo xứ Chánh tòa Đà Lạt được xây dựng đúng theo quan điểm và chỉ thị của ngài, (3) có tới sáu giáo xứ đầy sức sống do những linh mục thuộc những Dòng khác nhau đảm trách, vị nào cũng cố gắng phát huy sự hiệp nhất và hiệp thông theo cách của Dòng mình, và thứ tư là (4) một tầng lớp có học, có tinh thần đức tin và lòng đạo. Nhóm người này là lớp men giúp cho việc học tập và sống theo thư chung lan rộng tới các giới, các đoàn thể và những nhóm chia sẻ Lời Chúa.

Cũng như nơi Giáo Hội thuở đầu, dù cho chỉ kéo dài được dăm bảy năm rồi phai nhạt dần do ảnh hưởng của trào lưu đổi mới về kinh tế khiến việc học tập bị lơi là, bầu khí ấy vẫn là lời chứng sống động cho thấy lý tưởng Tin Mừng là khả thi. Rồi cũng như xưa, khi đại chúng Dân Chúa không còn giữ được nếp sống lý tưởng ấy, các Dòng tu vẫn tiếp tục duy trì nó, để đến một lúc nào đó lại giúp Dân Chúa thấm nhuần Tin mừng của Chúa. Ước gì giờ đây, qua các thành viên tại thế của mình, mỗi Dòng tu sẽ lại cung cấp cho Dân Chúa tại Việt Nam những kinh nghiệm thực hành của Dòng trên đường nhắm tới đức ái hoàn hảo.

Đức cha Bartôlômêô xưa là giám đốc Đại Chủng viện Huế. Ngài không những cho phép mà còn khuyến khích chủng sinh gia nhập các hiệp hội huynh đệ linh mục triều nhằm giúp nhau thăng tiến đời sống tâm linh. Tôi không học ở Huế nhưng, được quen biết một số cha đàn anh thuộc các giáo phận miền Trung, tôi rất ngưỡng mộ những thành viên của các nhóm OPAC, USU, Caritas, Ora et Labora, v.v…quả là những người mẫu mực. Nếu sợ rằng các tổ chức huynh đệ này sẽ gây chia rẽ trong hàng ngũ linh mục giáo phận thì thật sai lầm, bởi lẽ trong thực tế thì ngược lại, chính các anh em ấy là men hiệp nhất rất hữu hiệu cho cộng đồng linh mục.

Khi một linh mục tha thiết với tinh thần hiệp thông, nhà xứ của vị ấy sẽ thành “nhà Đức Chúa Trời”. Có lần tôi đến thăm một cha đàn anh thuộc dòng Phan Sinh. Anh vừa coi một xứ rất đông tại Xuân Sơn, Bà Rịa, vừa chăm sóc gần mười bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi. Tôi hỏi bí quyết, anh bảo: “Tôi chỉ dặn họ rằng: mấy ông thấy tôi làm sao thì cứ làm như vậy là xong.” Đó là sư phạm dậy men, sư phạm của ánh sáng và sự sống.

Khoảng năm 1980 có dịp về thăm tận phía cực Nam của đất nước, tôi được đến thăm một nhà xứ mà về sau nhiều anh em bảo đó là một nhà xứ mẫu, có hộp tiền dùng chung cả cha sở, cha phó và thầy xứ, các vị cùng chung tay lo cho người nghèo và làm việc có kế hoạch. Đó là nhà xứ của cha Giuse Nguyễn Văn Việt (1936-2015) ở Rạch Giá… Đó đây đều có những nhà xứ để lại cho tôi ấn tượng tuyệt vời, dù chỉ dừng chân vội vã, với hình ảnh những đàn anh đạt đạo, vui trong cảnh nghèo, những người cùng tuổi hoặc những đàn em trẻ trung, thanh thoát, hồn nhiên.

Cả những Tòa Giám mục nghèo khó nữa, như Tòa Giám mục Bắc Ninh. Tôi đến đó với một cha đàn anh vào tháng 9-1990. Mọi người trong Tòa Giám mục đều ăn cơm chung với Đức Giám mục. Có một linh mục, mươi chị em tu hội đời, một nhóm chủng sinh lớn và nhỏ, mấy người giúp. Đức cha Phaolô Phạm Đình Tụng bảo các chị tu hội hát tặng các cha miền Nam một bài quan họ. Rồi ngài bỏ nghỉ trưa để chia sẻ cho chúng tôi kinh nghiệm về hiệp thông và hiệp nhất, mong chúng tôi về kể lại cho anh em miền Nam. Tại Bắc Ninh hồi ấy cả giáo phận chỉ có Đức Giám mục và hai hay ba linh mục được công nhận. Chiều thứ Bảy, giáo dân khắp giáo phận kéo về xưng tội và dự lễ, nằm la liệt khắp khuôn viên Tòa Giám mục. Họ đem theo gạo và thức ăn, còn nồi niêu, chén bát, bếp, củi thì Tòa Giám mục có sẵn… Không ai kể cái gì mình có là của riêng, mọi sự đều là của chung… Hai mươi bảy năm sau tôi có dịp quay lại, nhà ăn Tòa giám mục Bắc Ninh cũng dành chung cho tất cả, từ Giám mục đến những người nhỏ nhất…

Ở Kontum cũng không khác. Năm ngoái đây, về thăm một anh em bị tai biến nằm một chỗ, tôi rất vui vì Tòa Giám mục Kontum thật giản dị mà thâm tình, đâm nghĩa. Có lần trước đây, tôi đi thăm Đức cha Micae nhưng chưa tới Kontum thì gặp ngài ở Pleiku. Ngài mời lên xe, đưa tới những giáo điểm rất mới, rải rác giữa núi rừng, có những nơi thiếu vắng linh mục, chỉ có vài nữ tu đơn độc. Ít lâu sau, tôi có việc ghé thăm đan viện Cát Minh Sài Gòn. Chị phụ trách nhà khách tại đó vừa ở Kontum về sau mấy tháng giúp chị em cùng dòng trên ấy. Tôi hỏi chuyện, chị giơ cao hai tay và nói:

– Chúa ơi, mấy ông cha ở Kontum sống như thời các thánh Tông đồ.

Còn nữa, ôi, nếu phải kể hết những tấm gương sáng chói của những cuộc sống gia đình đã khiến tôi quyết chạy đua trên đường nên thánh! Nhưng có lẽ tôi chỉ cần kể bằng ấy cũng đủ để nói rằng nếu chúng ta muốn thì Chúa vẫn ban cho chúng ta đủ ơn để xây dựng ngay nơi gia đình và cộng đoàn của mình một nền văn minh tình thương. Và đó là phần thứ ba trong chương trình huấn luyện của trường Cao đẳng trực tuyến mà tôi đề nghị: Một tấm lòng cho Chúa và các linh hồn.  

Nếu để riêng từng người một, ta có thể bị nao núng, không dám bước theo con đường hẹp của Chúa, nhưng khi biết dắt tay nhau cùng đi, ta sẽ thấy an tâm bên cạnh Thầy yêu và bạn quý, liên kết với Chúa Kitô là đầu và với mọi anh chị em là chi thể.

TẬN DỤNG NGOẠI CẢNH, TẬP SỐNG LẮNG ĐỌNG

Từ kinh nghiệm của chính mình, linh mục sẽ giúp mỗi gia đình tận dụng hoàn cảnh cách ly xã hội mà khám phá lại ơn gọi của mình và xây dựng hạnh phúc của mình nơi sự thinh lặng. Ta cần có những chỉ dẫn giúp các gia đình tổ chức lại việc cầu nguyện của họ. Thay vì gọi là “kinh sáng”, “kinh tối”, cần gọi là việc cầu nguyện đầu ngày và cuối ngày để nhấn mạnh chỗ ðứng của Lời Chúa và sự thinh lặng khi cầu nguyện. Cần dành những khoảng lặng trong mỗi giờ kinh và những chỗ nghỉ trong từng kinh. Cần hát và đọc kinh nhỏ tiếng, theo nhịp thở than rên siết khôn tả của Chúa Thánh Thần (x. Rm 8,26). Cần phát huy tính chiêm niệm của chuỗi Mân côi và chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót bằng cách đọc nhẹ, chậm và có nhiều khoảng lặng.

Nên gợi ý để các nhóm gia đình biết chia sẻ với nhau về kinh nghiệm cầu nguyện trong thinh lặng, lập nên những câu lạc bộ tĩnh nguyện, khởi đi từ những đoàn thể mang tính gia đình. Cũng cần nhắc nhở các gia đình giữ luật nghỉ việc ngày Chúa nhật để họ thật lòng yêu mến thánh lễ Chúa nhật khi hoàn cảnh cho phép.

Cuộc khủng hoảng hiện nay giúp ta hiểu bao nhiêu thứ thừa thãi và vô ích đã khiến ta bị thoái hóa. Chúng còn nhắc ta nhớ rằng để phục hồi chỗ đứng đích đáng của Chúa, chỉ mổ xẻ Lời Chúa thôi không đủ, trước hết cần vào trong thinh lặng cõi lòng và để cho Lời Chúa mổ xẻ ta (x. Hs 2,16). Xin Thiên Chúa đổ ơn thinh lặng trên mỗi người, từ từng năm phút cho tới những ngày dài trong Chúa.

Theo hướng ấy, xin mời đón xem bài 5: “Những kỷ niệm về một ngôi trường sẽ có”. Chúng ta sẽ nhảy vọt tới năm 2033 để nhìn về hôm nay.

————————————————————————————————
[1]  Cần tổ chức kính trọng thể lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam cố định vào ngày 24-11, ngày này mới dễ trở thành một lễ hội dân gian được mọi người nôn nao đợi chờ và nhắc nhau trẩy hội, cứ đến hẹn là về, chẳng cần ai bảo ai. Việc mừng trọng thể lễ này vào Chúa nhật khiến cho ngày 24-11 bị lu mờ, không được nhắc tới và do đó không có cơ may trở thành một lễ hội tự phát.
[2] Xem https://dcctvn.org


 

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận