Hiểm họa SB 360

1768 lượt xem

HIỂM HỌA SB 360
(Dự luật buộc các linh mục phải khai báo với cảnh sát về kẻ xâm phạm tình dục trẻ em, mà linh mục biết được qua lời xưng tội)

Cuối tháng 5, 2019 vừa qua, thượng viện California đã thông qua dự luật SB 360 (gọi tắt là SB 360) do TNS Jerry Hill soạn thảo. Dự luật buộc các linh mục phải khai báo với cảnh sát về kẻ xâm phạm tình dục trẻ em, mà linh mục biết được qua lời xưng tội của người đó trong tòa giải tội. Chúng ta có thể hiểu, đây là phản ứng về vụ khủng hoảng xâm phạm tình dục trẻ em của một số giáo sĩ trong vài năm trước. California trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ đã đưa ra một dự luật xen vào nội bộ của tôn giáo.

Trên thực tế, California đã có luật bảo vệ trẻ em từ lâu. Luật buộc mọi nhân viên trong các cơ sở  xã hội phải báo cáo những gì mình biết hay nghi ngờ về sự kiện ấu dâm hay bạo hành trẻ em. Nay có thêm SB 360 nhắm vào những linh mục giải tội. Tuy ý hướng của SB 360 là để bảo vệ trẻ em, nhưng cách thi hành luật lại xâm phạm nặng nề vào quyền tự do tôn giáo. Công Giáo ấn định rằng bí mật của bí tích hoà giải là một bí mật linh thánh, không thể bị phản bội với bất cứ lý do nào (GLCG 2490). Trước áp lực của giới chính trị, hàng giáo phẩm Công Giáo, California nói riêng và Giáo Hội nói chung, phải giải quyết như thế nào.

Ý nghĩa của bí tích giải tội

Chúng ta chỉ có thể định giá đứng đắn sự việc, khi hiểu rõ ý nghĩa của bí tích hòa giải. Có rất nhiều ý nghĩa và giá trị thiêng liêng trong bí tích này như ơn tha thứ, ơn hòa giải, ơn thống hối… Ở đây tôi chỉ nói đến căn tính của bí tích hòa giải để nêu rõ sự lạc hướng của SB 360.

Người ngoài Công Giáo thường phủ nhận phép xưng tội. Họ cho rằng hối nhân có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa. Linh mục là người bất toàn, không có quyền nghe tội và tha tội cho ai. Có hai điểm quan trọng cầu phải nhận thức rõ về vấn đề này.

Thứ nhất, Công Giáo khảng định rằng hối nhân bắt buộc phải xưng tội với vị linh mục, bởi vì chính Đức Giêsu đã ấn định như vậy. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu trao trách nhiệm giải tội cho các đệ tử, Người nói, “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:21-23; Mt 18:18).

Thứ hai, không nên hiểu lầm tự chính vị linh mục có quyền tha tội, vị này chỉ là người nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để thể hiện chức vụ. Thánh Phaolô cho biết, “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa… và Người trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr 5:18). “Chúng tôi” là những vị được Giáo Hội ủy thác cho chức vụ giao hòa (GLCG 1442). Thiên Chúa ban cho con người quyền năng đó (Mt 9:8). Vì vậy hối nhân phải xưng tội của mình ra với  vị linh mục, nếu không xưng ra, vị linh mục làm sao biết những tội gì mà giải tội cho hối nhân.

Một yếu tố khác là bổn phận giữ kín những lời xưng tội của hối nhân. Thuật ngữ thần học gọi là Ấn tín tòa giải tội (Seal of confession – hay ấn tín hòa giải).(1) Theo bộ Giáo Luật (Canon Law), điều 983, “Ấn tích tòa giải tội mang tính bất khả vi phạm. Các linh mục bị cấm tuyệt đối không được tiết lộ lời xưng tội của hối nhân qua mọi cách, và vì bất kỳ lý do gì”. Ðiều 984, “Cấm tuyệt đối linh mục giải tội không được xử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để làm hại hối nhân dù không có nguy cơ tiết lộ”. Điều 1388, “Linh mục nào vi phạm ấn tín giải tội sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc”. 

Sở dĩ linh mục giữ kín lời xưng tội vì tôn trọng danh phẩm của người xưng tội. Trong khi quần chúng cho rằng luân lý xã hội là tòa án cao nhất để xét xử tội nhân, bất kể lương tâm kẻ đó có hối lỗi hay không. Phép hòa giải, trái lại, coi trọng hối nhân. Nhờ đó hối nhân mới có lòng tin tưởng để giãi bày một cách trung thực cuộc chiến đấu nội tâm với tội lỗi . Khi phơi bày những sai lầm của mình, hối nhân diệt bỏ được tính kiêu ngạo. Nhờ lòng khiêm hạ và chân thành hối lỗi, hối nhân nhận được ơn chữa lành qua máu thánh Chúa Giêsu và được ơn cứu độ. Qua lương tâm hối lỗi của hối nhân, phép hòa giải tái nối kết hối nhân với Thiên Chúa và với Giáo Hội.

Những điều nêu trên là cấu trúc của bí tích hòa giải.

Thực thể mâu thuẫn của dự luật SB 360

Những nạn nhân của vụ lạm dụng tình dục và đa số những người ngoài Công Giáo ủng hộ SB 360. Họ cho rằng đã có sự bao che của Giáo Hội cho các giáo sĩ phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Nhà làm luật đã dựa vào giả định chủ quan đó để tạo ra dự luật SB 360. Những người ủng hộ SB 360 đã nhìn lầm vấn đề do thiếu hiểu biết về bản chất của một bí tích tôn giáo. Thành kiến tiêu cực cho rằng Giáo Hội bao che kẻ phạm tội là hoàn toàn sai. Hơn ai hết, Giáo Hội đã rất cứng rắn buộc các giáo sĩ phải báo cáo những gì mình biết về kẻ lạm dụng tình dục. Ngoài ra các linh mục giải tội thừa khôn ngoan để giải quyết vấn đề này. Đối với nạn nhân trẻ em, linh mục giải tội có thể khuyên chúng tìm sự can thiệp của cha mẹ hay giới chức trách. Đối với tội nhân, vị linh mục có thể khuyên người đó đi tự thú, hay xin thảo luận với người đó bên ngoài tòa giải tội.

Có rất nhiều tội được xưng ra trong tòa giải tội. Chẳng hạn tội sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, hãm hiếp, lường gạt, bạo hành… chúng đều là những tội nặng, tuy nhiên SB 360 không nhắc tới. Dự luật thiếu tính cách khách quan và không thực tế. Nó thật sự chẳng làm gì tốt hơn để bảo vệ trẻ em, nhưng nó lại cho cảnh sát quyền giám sát một bí tích tôn giáo. Đối với Công Giáo, một luật dân sự có quyền hạn vượt trên luật ấn tín tòa giải tội là điều không thể chấp nhận. 

Có hợp lý không khi SB 360 chỉ nhắm vào các vị linh mục giải tội? Pius Pietrzyk, giáo sư luật tại University in Menlo Park và St.Patrick’s Seminary, California, nói rằng SB 360 đã có một nhầm lẫn rất lớn về nguyên tắc luật pháp. Hiện tại luật buộc phải báo cáo những kẻ xâm phạm trẻ em chỉ áp dụng cho các nhân viên được chính phủ cấp giấy phép như bác sĩ, luật sư và nhân viên xã hội… Các linh mục là những người không do chính phủ cấp giấy phép hành nghề, nên không thể ràng buộc họ vào luật này.

Nếu SB 360 thành luật, những kẻ ấu dâm sẽ chẳng dại gì mà đi xưng tội. Đồng thời nếu Công Giáo hủy bỏ ấn tín tòa giải tội cũng sẽ có rất nhiều người không muốn đi xưng tội. Những hối nhân này sẽ phải chịu đựng sự dằn vặt khốn khổ trong lương tâm. Như vậy chính quyền đã xâm phạm vào quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Ngoài ra vị linh mục cũng không thể báo cáo với nhà chức trách về kẻ phạm tội, bởi vì vị linh mục không biết một chút gì về căn cước của người đó. Anh ta không buộc phải nói ra cho linh mục biết. Linh mục là người giải tội không phải là cảnh sát truy tìm tội phạm. Ngay cả khi linh mục khuyên tội phạm tự thú với cảnh sát nhưng người đó có làm hay không là tùy ở tự do lương tâm của người đó. Tóm lại SB 360  không giải quyết được việc gì.

Phản ứng hiện tại

Ngay khi nhận được tin về dự luật SB 360, Hội Đồng Công Giáo California (California Catholic Conference) tức thời lên tiếng phản đối, “Chúng tôi thất vọng vì Thượng viện California hôm nay đã thông qua dự luật SB 360, một dự luật chẳng giúp ích được gì cho ai nhưng lại có tiềm lực làm tổn thương mọi người. Hội Đồng Công Giáo California chia sẻ ý hướng chống đối tai họa lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, nên Hội Đồng đã tăng cường sự bắt buộc khai báo. [Tuy nhiên] sự can thiệp của chính quyền vào tòa giải tội sẽ không hoàn thành mục tiêu đó nhưng làm suy yếu sự bảo đảm quyền riêng tư nội tâm mà tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào.”

Giám Mục Jaime Soto, giáo phận Sacramento, California kêu gọi giáo dân và tất cả những người thiện tâm (all people of good will) liên lạc với các vị dân biểu quốc hội yêu cầu họ bỏ phiếu chống lại SB 360. Dự luật này không những thất bại trong sự thiếu hiểu biết về vai trò của linh mục trong bí tích hòa giải, mà còn xâm phạm quyền tự do tôn giáo của gần 11 triệu người Công Giáo ở California. Sự hòa giải là khoảnh khắc thiêng liêng của hối nhân khi trao linh hồn cho Chúa để xin tha thứ những lỗi lầm của mình. Người Công giáo tin rằng thông qua chức vụ của linh mục, ân sủng tha thứ được ban cho hối nhân.

Tổng Giám Mục José H. Gomez, Los Angeles, California cho biết, trong các buổi điều trần về dự luật SB 360, không ai dẫn chứng được có một trường hợp nào – ở California hoặc bất cứ nơi nào khác – tội phạm này có thể ngăn chặn nếu một linh mục tiết lộ tin tức đã nghe được trong tòa giải tội. Trong khi đó những thông tin về tội phạm nắm giữ bởi luật sư hay phóng viên lại có quyền giữ kín. SB 360 rõ ràng tìm cách giải quyết một cuộc khủng hoảng không có thực.

Cùng lúc, các giới chức Công Giáo đều lên tiếng cho rằng trên nguyên tắc, tư pháp không được quyền đưa ra một đạo luật nhằm phá vỡ nền tảng của một tôn giáo. Nguyên tắc này đã được minh xác trong Tu Chính Án Thứ Nhất (the First Amendment). Vì vậy quốc hội sẽ không bao giờ được quyền đưa ra những đạo luật ngăn chặn quyền tự do tôn giáo. Giám mục Robert Barron, giáo phận Los Angeles nói rõ hơn, dự luật này buộc các linh mục phải lựa chọn hoặc bị trục xuất khỏi Giáo Hội hoặc bị chính phủ bỏ tù.

Ngày 1-7-2019, đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho Tòa Xá Giải Tối Cao (Apostolic Penitentiary) một tài liệu để được xuất bản. Tài liệu tái khảng định luật buộc phải giữ kín những lời xưng tội của hối nhân. Đức Giáo Hoàng kêu gọi các linh mục hãy bảo vệ ấn tín tòa giải tội bằng mọi giá, dù phải trả với giá sinh mạng của mình, đó là hành vi tử vì đạo. Trong bối cảnh như vậy nhiều linh mục lên tiếng sẵn sàng vào tù chứ không vi phạm luật Giáo Hội. Cha sở Leon Juchniewicz, họ đạo Good Shepherd, Elk Grove, California, tuyên bố sẵn sàng tử vì đạo theo gương các thánh.(2)

Tài liệu của Giáo Hoàng Phanxicô nói thêm, sự bí mật trong tòa giải tội cũng cùng loại với những hồ sơ mật chuyên nghiệp (professional secret) đang áp dụng cho những chuyên gia và khách hàng hoặc bệnh nhân của họ. Nhưng cá biệt hơn, bí mật trong tòa giải tội còn là luật bí mật tòa thánh (pontifical secret). Vì vậy sự từ chối tiết lộ những gì nghe được trong lời xưng tội không bao giờ bị coi là đồng lõa hoặc che đậy sự ác. Trái lại phép giải tội  thực sự là thuốc giải độc cho tội ác, vì lúc đó hối nhân ở trong trạng thái từ bỏ chính mình để Thiên Chúa hàn gắn. Vị linh mục biết tội của hối nhân không phải trong tư cách con người, nhưng là Thiên Chúa “non ut homo sed ut Deus”. Vị linh mục vô tư đến mức “không biết” những gì đã xưng ra trong lời thú tội vì vị linh mục không lắng nghe như một con người, nhưng chính xác là nhân danh Thiên Chúa.

Hiện tại SB 360 đang chuyển qua quốc hội tiểu bang để biểu quyết. Nếu thông qua, dự luật sẽ chuyển lên Thống Đốc ký tên để thành luật. Từ đó nó có thể sẽ gây ra ảnh hưởng giây chuyền qua những tiểu bang khác. Với một định kiến tiêu cực, SB 360 đã đưa ra sự ép buộc phi lý đối với Công Giáo. Nhà cầm quyền thế tục đã hung hăng xâm phạm vào đời sống nội tâm của tôn giáo. SB 360 thật sự không giải quyết được vấn đề ngăn ngừa kẻ xâm phạm tình dục trẻ em. Bởi vì, đối với những kẻ phạm tội, để tránh nguy hiểm họ sẽ không đi xưng tội nữa. SB 360 cũng không thể cưỡng ép các linh mục giải tội đi khai báo. Bởi vì họ không muốn phá vỡ ấn tín xưng tội. Nếu chính quyền không tìm một giải pháp chung, Kitô hữu chúng ta phải nỗ lực ngăn chận dự luật SB 360 trở thành luật.

Đỗ Trân Duy

Ghi chú

(1) Trước kia truyền thống nhấn mạnh vào ý xưng tội (confession), bây giờ Giáo Hội nhấn mạnh vào ý hòa giải (reconciliation).
(2) Xin dẫn ra đây một trường hợp tiêu biểu, cha thánh Mateo Correa Magallanes. Vào năm 1927, cha Mateo giải tội cho các tù nhân chống lại chính phủ Mexico. Chính phủ ép cha tiết lộ những bí mật của nhóm kháng chiến quân qua lời xưng tội. Cha nói rằng, “Tôi là linh mục, tôi phải giữ ấn tín tòa giải tội. Tôi thà chịu chết cứ không phạm luật.” Sau đó cha bị bắn chết.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận