Giáo xứ Làng Truông: Thánh lễ cung hiến Nhà thờ Giáo xứ

3691 lượt xem

Sáng ngày 22/8/2019, tại giáo xứ Làng Truông, Giáo hạt Ngàn Sâu, Giáo phận Hà Tĩnh, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận đã long trọng chủ sự Thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến Nhà thờ Giáo xứ. Đồng tế với Ngài có Cha GB. Nguyễn Khắc Bá, Tổng Đại diện Giáo phận cùng quý cha trong và ngoài giáo phận. Tham dự Thánh lễ còn có sự hiện diện của quý Thầy Chủng sinh, quý Tu Sĩ nam nữ, quý vị ân nhân, quý khách gần xa và đông đảo cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài Giáo xứ.

Quả thật, “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”  (Tv 127,1). Sau bao năm tháng miệt mài góp công, góp của cùng nhau chung sức, chung tay xây dựng, bao khát khao chờ đợi trong sự háo hức và niềm hân hoan mừng ngày trọng đại, ngày mà cả toàn Giáo xứ Làng Truông dường như đứng ngồi không yên, băn khoăn, thao thức, hồi hộp, mong ngóng để rồi vỡ òa trong niềm vui sướng chào đón Đức Cha Phaolô, Giám mục giáo phận, về cắt băng khánh thành và cung hiến ngôi Nhà thờ mới của Giáo xứ. Đây là một sự kiện mà nhiều người còn nói là không tin vào sự thật, bởi nơi xứ đạo nghèo khó này lại làm được công trình Nhà Chúa đẹp đẽ, khang trang trong một thời gian chưa phải là dài giữa thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay có thể nói là một kỳ tích.

Thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến nhà thờ, bàn thờ được bắt đầu vào lúc 8h30 trong một bầu khí hết sức trang trọng và sốt sắng với thời tiết mát mẻ như được thiên nhiên ưu ái giữa mùa nắng nóng.

Trước khi bắt đầu nghi thức cắt băng khánh thành, Cha quản xứ Antôn Lâm Văn Hân đã bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc qua những tâm tình ngắn gọn, súc tích, đồng thời dâng ngôi Thánh đường lên Đức Giám mục Phaolô. Trước một bầu khí trang trọng, tràn ngập niềm vui, Đức Cha Phaolô cũng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, Ngài nói: “Tôi rất vui mừng khi đặt chân đến đây, đến tại giáo xứ này, đến mảnh đất khởi nguồn cho việc loan báo Tin mừng nơi giáo hạt Ngàn Sâu. Chúng ta cùng cám ơn Chúa đã cho chúng ta một buổi sáng thời tiết mát mẻ, êm dịu và một bầu khí vui tươi, phấn khởi, trang trọng và sốt sắng để hồi tưởng lại con đường tiền nhân của chúng ta đã đi, nhất là cám ơn Cha quản xứ cũng như những người đã cố gắng để hoàn thành ngôi Thánh đường này, một giai đoạn chỉnh sửa, trùng tu và xây dựng để rồi tiếp tục nối bước con đường loan báo Tin Mừng mà các vị tiền nhân của chúng ta đã đi trước…”. Sau những lời huấn từ, Đức Cha Phaolô, cha Tổng Đại diện, cha Quản lý TGM, cha Quản hạt Ngàn Sâu và cha Quản xứ đã cắt băng khánh thành.

Thánh lễ long trọng trong ngôi Thánh đường mới được bắt đầu với khúc ca “Lên đền” vang lên du dương và sốt sắng từ Ca đoàn Giáo xứ.

Thật là một niềm vui khôn tả vì công trình được kết dệt từ bao công sức, bao tâm huyết của cha quản xứ Antôn Lâm Văn Hân cùng sự nổ lực của bà con giáo dân trong giáo xứ đã đổ ra sau hơn 2 năm chung lưng đấu cật không biết mệt mỏi để sớm hoàn thành ngôi thánh đường mà cha quản xứ đã xác tín cho bà con giáo dân thấu hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc xây dựng công trình Nhà Chúa, đó là vì “Đền thờ là nhà cầu nguyện, nơi đó Thiên Chúa đón nhận những lời chúc tụng ngợi khen của dân Ngài, và đồng thời Ngài ban mọi ân huệ dồi dào cho họ” (Is 56, 1.6-7). Có thể nói Nhà thờ là trái tim của người tín hữu, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ tha nhân và tìm gặp chính mình. Vì mỗi lần chúng ta đến nhà thờ cầu nguyện, trò chuyện với Chúa là chúng ta được gặp gỡ và ở lại với Chúa. Mỗi lần chúng ta đến nhà thờ là chúng ta gặp gỡ nhau nơi mái nhà chung. Không những thế mà chúng ta còn gặp lại chính mình, nhận ra con người vốn bất toàn, yếu đuối, dễ sa ngã, để xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu sót trong cuộc sống thường ngày. Nhà thờ còn là hình ảnh của Hội Thánh, là Hội Thánh được xây bằng gạch, bằng đá và Hội Thánh là nhà thờ được xây dựng bằng những tâm hồn với ý thức “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” (1P 2, 5). Trên phương diện thực tế thì Nhà thờ là một công trình kiến trúc, một ngôi nhà như bao ngôi nhà khác, nhưng lại là biểu tượng của Đức tin, hình ảnh ngôi nhà thờ cũng mang các chức năng như con người của Đức tin. Là một ân huệ của Thiên Chúa để tiếp diễn sự sống thiêng liêng và là nơi cử hành mầu nhiệm Đức tin, tuyên xưng Đức tin và chia sẻ Đức tin cho người khác. Còn với giáo xứ Làng Truông thì ngôi nhà thờ còn mang đậm dấu ấn lịch sử, dấu ấn của nền tảng Đức tin của cả giáo hạt Ngàn Sâu và giáo hội Công giáo, bởi nơi đây chính là trung tâm loan báo Tin Mừng đầu tiên, nơi đã trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc để minh chứng cho sự hình thành và phát triển của giáo hội Công giáo nơi miền sơn cước Hương Khê. Đặc biệt ngôi nhà thờ mà Đức cha Phaolô chủ sự Thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến hôm nay còn có nhiều ý nghĩa, đó là kỷ niệm 350 năm giáo xứ và giáo hạt đón nhận hạt giống Tin Mừng, 154 năm thành lập giáo xứ.

Chia sẻ tại Thánh lễ, Đức Cha Phaolô đã gợi hứng và nhắc lại câu lời Chúa trong bài Tin Mừng “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ. Hôm nay, nhà này được chúc phúc” (Lc 19, 9) để nói lên tình yêu thương, che chở, đỡ nâng của Thiên Chúa dành cho giáo xứ, cho những ai hăng say xây dựng nhà Chúa, sẵn sàng hi sinh vì công cuộc loan báo Tin Mừng.

Với giáo xứ Làng Truông nói riêng, Ngài đã nhắn nhủ và khích lệ mọi người vì những hồng ân mà Chúa đã trao ban, nhất là trong việc xây dựng nhà thờ cũng như tổ chức Thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến, Ngài nói “Thật là may mắn vì có một sự trùng hợp rất là ý nghĩa, trong ngày chúng ta làm phép ngôi Thánh đường của giáo xứ Làng Truông, cũng có thể gọi là ngôi Thánh đường mẹ của vùng thượng huyện này lại trùng với ngày chúng ta mừng kính Đức trinh nữ Maria Trinh Nữ Vương, và ngày 22/8 cũng là ngày mà vừa mới đây Liên Hiệp Quốc tuyên bố là ngày cầu nguyện cho các nạn nhân bị bách hại vì niềm tin tôn giáo…”. Qua đó, Ngài đã điểm lại quá trình lịch sử của giáo xứ, của những thăng trầm thời cuộc, gợi lại những dấu chỉ tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho những chứng nhân Đức tin, những thế hệ ông cha nơi mảnh đất này. Đặc biệt, Ngài tỏ ra rất cảm kích trước tinh thần hăng say, nhiệt tâm của bà con giáo dân xứ đạo nghèo nhưng không hèn với truyền thống kiên vững Đức tin, Ngài nói “Chính bà con trong giáo xứ chúng ta đang bước theo những bước chân của cha ông, đang nối tiếp tấm gương hi sinh của bao thế hệ để làm chứng cho tình yêu, cho Tin Mừng. Bởi trong gần 3 năm qua, chúng ta đã chắt chiu từng đồng, góp công, góp của, cộng tác với Hội đồng mục vụ, cộng tác với cha quản xứ một cách tích cực để hoàn thành ngôi thánh đường này. Ngôi Thánh đường này là biểu tượng của niềm tin, biểu tượng của tình hiệp nhất. Chắc chắn rằng, khi được Thánh hiến, ngôi Thánh đường này sẽ trở thành một dấu ấn lịch sử, một ngôi Thánh đường mẹ của miền thượng huyện Hương Khê…”. Ngài cũng luôn đề cập những nỗi lo lắng, những khó khăn thách thức với người dân trong cuộc sống thực tại của xã hội hôm nay, nhất là con đường đi tới tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và của con cái giáo xứ Làng Truông nói riêng.

Theo dòng lịch sử thì vào năm 1669, các nhà truyền giáo dòng Đa Minh đã rảo bước theo đường sông Ngàn Sâu đến vùng đất sơn cước Hương Khê để loan báo Tin Mừng, rắc gieo đạo Chúa. Sau khi nghỉ chân tại làng Vạn Đò (nay là giáo xứ Thổ Hoàng) các Ngài liền tiếp tục ngược miền thượng nguồn Ngàn Sâu để rao giảng lời Chúa và truyền bá Đức tin. Để trốn tránh sự truy lùng bách hại đạo của Chúa trịnh và sau đó là triều đình nhà Nguyễn, các Cha dòng Đa Minh lúc bấy giờ đã chọn mảnh đât làng Đông Thượng này để trú ngụ bởi đây là vùng đất hiểm trở, một mặt là sông, một mặt là núi, đặc biệt phía sau có hòn động “Cấm” như một bức tường từng được giáo dân đắp thành, lập lũy để đối phó với các thế lực bắt bớ, cấm cách đạo Công Giáo rồi lập nên giáo xứ Ngàn Sâu gồm 2 giáo họ là Làng Truông và Thổ Hoàng. Đến năm 1865, Đức cha Ngô Gia Hậu (Gauthier) Giám mục giáo phận Vinh lúc bấy giờ đã chia tách giáo xứ Ngàn Sâu thành 2 giáo xứ là Làng Truông và xứ Thổ Hoàng. Từ đây giáo xứ Làng Truông được chính thức thành lập và nhận Đức mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Năm 1875, các giáo họ Tràng Lưu, Tân Hội và Chúc A tách ra để thành lập giáo xứ Tràng Lưu. Năm 1916, các giáo họ bên kia sông tiếp tục tách ra để thành lập giáo xứ Ninh Cường. Năm 2007, năm giáo họ là Lạc Hạ, Lạc Trung, Lạc Thượng, Vĩnh Phúc và Trại Nãi lại tách ra để thành lập giáo xứ Thịnh Lạc. Hiện tại giáo xứ Làng Truông có hơn 2.934 giáo dân với 740 hộ gia đình được phân bố trên 6 giáo họ là: Làng Truông, Cây Khế, Cây Thị, Thuận Hội, Vạn Nguyên và giáo họ Phước Sơn.

Kể từ khi thành lập cho tới nay, sau vài lần di dời vị trí và làm nhà thờ, nhà nguyện, vào năm 1893, Cha Gioan Nguyễn Ngữ đã khởi công làm ngôi Nhà thờ bằng gỗ theo kiểu kiến trúc Á Đông “Chồng Diêm”, lợp bằng ngói Nam, có diện tích  khá rộng và đẹp. Nhưng khi nhà thờ đang làm giang dở thì Cha Gioan qua đời và Cha GB. Nguyễn Trọng Trung về tiếp quản coi sóc giáo xứ, tiếp tục xây dựng và hoàn thành vào cuối năm 1897.

Trải qua gần một thế kỷ và phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, vào những năm 1980 đến 1984, nhiều phần gỗ trong nhà thờ bị hư hỏng không thể đảm bảo an toàn cho việc thờ tự, kinh nguyện và dâng lễ hằng ngày. Năm 1986, Cha Phêrô Vũ Thiết Lợi đã cùng với bà con giáo dân tu sửa và làm lại ngôi nhà thờ bằng gỗ, xây bao tường bằng gạch táp-lô và được khánh thành vào năm 1989. Thế nhưng trong thời điểm đó, việc kiểm soát chặt chẽ có phần khắc nghiệt từ phía Nhà nước như “không được di dời, không được nâng cao, nới rộng, không được thay thế những đồ gỗ cũ còn dùng được…!” nên chất lượng công trình vì thế mà phải chịu nhiều ảnh hưởng.

Năm 1994, Cha Phêrô Vũ Thiết Lợi già yếu và được Đức Giám mục giáo phận cho Ngài nghỉ hưu tại đây và bổ nhiệm Cha G.B Trần Thanh Đạt về coi sóc giáo xứ. Trong những năm ở đây, Cha Gioan Baotixita đã chăm lo xây dựng trường học cho con em và lo tu sửa, xây dựng nhà thờ một số giáo họ. Năm 2002, Cha GB. Trần Thanh Đạt chuyển về xứ Vĩnh Hội, Đức Giám mục giáo phận Vinh Phaolô Maria Cao Đình Thuyên bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Văn Thắng về coi sóc giáo xứ. Ngài đã san ủi mặt bằng, hạ độ dốc con đường chính để nâng vị thế ngôi Nhà thờ, chỉnh trang khuôn viên, xây trường giáo lý, xây nhà xứ …và một số cơ sở hạ tầng trong giáo xứ.

Cuối năm 2012, Cha Giuse Nguyễn Văn Thắng chuyển về giáo xứ Bùi Ngọa và giáo xứ đã được Đức Giám mục giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp bổ nhiệm Cha Antôn Lâm Văn Hân, một vị mục tử trẻ, khỏe, năng động, tận tâm về coi sóc giáo xứ. Từ khi về nhận nhiệm sở, ngoài việc chăm lo đời sống đạo hạnh cho giáo dân, thăm viếng các gia đình… Ngài đã quy hoạch lại và tiếp tục chỉnh trang khuôn viên, xây dựng bờ bao, làm tượng đài Đức Mẹ, tượng đài Thánh Antôn… Nhưng điều mà Ngài thao thức, trăn trở và lo lắng nhất là ngôi Nhà thờ bằng gỗ được trùng tu từ năm 1986 đã bị xuống cấp trầm trọng do yếu tố thời gian… phần tường xây và tháp chuông được làm bằng gạch táp lô cũng đã bị mục thối không còn đảm bảo an toàn cho giáo dân sinh hoạt và kinh nguyện hằng ngày. Trước thực trạng đó và với nhu cầu cấp thiết của ngôi Thánh đường, Ngài đã cùng với bà con giáo dân đặt quyết tâm và đệ trình xin phép và được Đức Giám mục giáo phận cho phép xây dựng lại ngôi nhà thờ mới. Cuối năm 2016 Cha xứ Antôn đã cùng với bà con giáo dân bắt tay vào việc mua gỗ, sắm dụng cụ cưa xẻ gỗ và những vật liệu cần thiết. Đầu năm 2017, những công việc tiếp theo được triển khai và tháo dỡ ngôi Nhà thờ cũ bị xuống cấp để bắt đầu xây dựng. Ngày 16/8/2017, Đức cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên đã về chủ sự lễ đặt viên đá xây dựng Nhà thờ giáo xứ. Sau hơn 2 năm miệt mài xây dựng, ngôi Nhà thờ bằng gỗ khang trang được thiết kế theo kiểu Á – Đông kết hợp với phần xây hiện đại đã hoàn thành một cách mỹ mãn để rồi bao khát khao chờ đợi của giáo xứ đã trở thành hiện thực.

Thánh lễ cắt băng khánh thành và cung hiến Nhà thờ, bàn thờ của giáo xứ được diễn ra một cách long trọng và tốt đẹp. Kể từ đây ngôi nhà thờ này trở nên như Người Mẹ của mỗi con dân trong Giáo xứ, Người Mẹ ấy luôn ở bên, luôn yêu thương, luôn đứng đó chờ đợi để tha thứ lỗi lầm cho mỗi người con trở về với lòng Mẹ để nhờ đó gặp lại được Con Mẹ dấu yêu là Chúa Giêsu.

Sau Thánh lễ, vị đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ đã bày tỏ niềm vui và lòng tri ân sâu sắc tới Đức cha Phaolô, cha Tổng Đại diện, cha Quản lý Tòa giám mục, cha quản hạt Ngàn Sâu, Quý cha trong và ngoài giáo phận, quý Thầy, quý Souers, quý vị ân nhân, các vị đại diện chính quyền địa phương, và đặc biệt là cám ơn sự chăm lo, chỉ đạo tận tâm, tận tình của cha quản xứ.

Thánh lễ kết thúc nhưng chắc chắn rằng niềm vui của đại lễ, niềm vui của ngôi nhà thờ mới sẽ còn nối dài suốt tuần chầu Đền Tạ của giáo xứ và sẽ còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người giáo dân, bởi đây là dấu ấn lịch sử, là mốc son mới trong sự phát triển của giáo xứ để nên những câu thơ:

Dù ai đi ngược về xuôi
Làng Truông quê mẹ xin người chớ quên
Cội nguồn lan tỏa Đức tin
Thăng trầm bao nỗi vẫn luôn vững vàng. 

Đaminh Tiến Khởi

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận