Tôi không định viết về một người từ lâu đã nổi tiếng toàn cầu, người trị vì lâu nhất trong lịch sử của một quốc gia kỳ bí và giầu có, người đầu tiên được bầu là Giáo hoàng mà không phải gốc Italia kể từ gần 500 năm nay; cũng không phải để viết về một người có uy lực trước một tỷ tín đồ Công giáo thế giới mà là viết về một con người sinh ra ở thị trấn nhỏ Ba Lan, nơi 20 phần trăm dân chúng là người Do Thái; một người đau đớn biết rõ về nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa bài Do Thái, người có lòng thương xót trước những số phận nghèo hèn; có trong tay nhiều quyền lực nhưng lại kiên quyết đấu tranh cho quyền tự trị cá nhân của mọi con người và hơn cả, là người có tinh thần sám hối, dám dũng cảm công khai xin lỗi toàn thế giới về những sai lầm trong quá khứ của Giáo hội mà mình là người đứng đầu, một tác giả của nhiều tác phẩm (kịch nói, thơ ca, triết học, thần học) tác động mạnh mẽ đến tinh thần toàn thế giới…
Người ấy, đức Giáo hoàng John Paul II (tên thật là Karol Józef Wojtyla, sinh ngày 18.5.1920) đã về với Chúa lúc 9 giờ 37 phút đêm giờ Italia (2 giờ 37 phút giờ Việt Nam) ngày 2.4.2005, hưởng dương 84 tuổi. Chỉ vài giờ sau đó tại quảng trường Thánh Phê-rô (San Pietro) đã có hơn 10.000 người trên toàn thế giới đổ về cầu nguyện cho ngài. Rồi Hồng Y đoàn toàn thế giới sẽ có mặt để tiễn đưa ngài… Các hãng truyền hình toàn thế giới sẽ đưa tin về tang lễ của ngài.
Vâng. Tôi muốn viết về một người lao động làm việc 17 tiếng với một lịch trình nghiêm ngặt và hiệu quả trong một ngày dù ở tuổi 80 và suốt 27 năm từ khi ngồi vào cương vị Giáo hoàng (1/10/1978). Ngài là tác giả của các nghiên cứu và bài viết, bài diễn thuyết về nhiều lĩnh vực của đời sống – đặt giáo hội Công giáo vào một tiến trình có tính thần học không thể nhầm lẫn về giáo lý, về vai trò của phụ nữ, về hoà bình và giải quyết xung đột… Người mà tôi đã nhìn thấy ở cửa sổ thứ 2 tầng thứ 3 trong Toà thánh Rome vào ngày thứ 4, tuần thứ 2 của tháng 10 năm 2003. Và sau đó ở lễ mừng Ngân khánh 25 năm Giáo hoàng của ngài. Hôm ấy, quảng trường San Pietro cũng có hàng vạn người nhưng reo hò, hô vang hai chữ papa chứ không nức nở như hôm nay.
Lẽ đời, con người ở vị thế có vương miện thường đứng giữa sự lựa chọn: một cho đời sống xa hoa hưởng thụ, một cho đạo đức cống hiến đầy hy sinh gian khổ với một sự mẫn tiệp tuyệt vời. John Paul II chọn cách thứ hai. Không giành một chút tài sản gì cho mình, cho gia đình mình, ngược lại ngài còn kêu gọi gia đình sống thương người như thể thương thân, sống là sống cho người khác và vì người khác…
Ngài được toàn thế giới (tín ngưỡng hay không tín ngưỡng) kính trọng ở chỗ ngài không là một người điều hành Giáo hội theo kiểu hành chính và lề lối giáo điều quen thuộc. Ngài là người có khả năng đối thoại trực tiếp trong các buổi gặp gỡ bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của người đối thoại, thậm chí cả tiếng Triều Tiên và tiếng Nhật Bản, và không né tránh những vấn đề bức xúc, nóng hổi của nhân loại. (Có người kể, trong một buổi hành lễ, biết có người Việt Nam, ngài đã chào bằng tiếng Việt). Ngài đã nói với hàng vạn người dự lễ về những chủ đề mà ngài coi là cấp bách, về những vấn đề có tính thời sự mà toàn thế giới đang quan tâm. Vào các ngày chủ nhật, ngài thường đi thăm một trong 323 nhà thờ ở Rome. Trước đó ngài mời linh mục cai quản đến và nghe linh mục ấy nói về những khó khăn gặp phải của giáo phận và của giáo dân ở địa phương đó để đưa ra những ý kiến hướng dẫn thật hiệu quả… Đứng đầu một trong những nhà nước giầu có của thế giới nhưng ngài không quan tâm đến sự thụ hưởng dù là nhỏ nhoi nhất. Nhiều bữa ăn của ngài đã được sử dụng làm thời gian để các nhà khoa học, kinh tế, doanh nghiệp, chính trị, văn nghệ sĩ được gặp gỡ và tự do trao đổi với nhau, với ngài về các vấn đề thời đại từ triết học tới toán học và vật lý lượng tử. Ngài còn là một nhà nghiên cứu văn học Ba Lan, triết học và là tác giả nhiều cuốn sách nổi tiếng, một nhà thể thao, thích bơi lội, am hiểu bóng đá và đồng cảm với sự hâm mộ bóng đá của người Italia.
Một người biết cảm thông sâu sắc
Hôm ấy, tháng 10.2003 Vatican kỷ niệm 25 năm ngài ở ngôi Giáo hoàng. Tình cờ trong chuyến đi châu Âu tôi đọc thấy tin ấy và có được vé vào cửa. Một nghi lễ long trọng chưa từng thấy đã được tổ chức ở Quảng trường San Pietro. Trời còn chưa sáng Quảng trường đã có hàng vạn người. Ðến giờ lễ, theo tin của NHK thì hôm đó quãng 300.000 người có mặt. Ðức Giáo hoàng hiện diện giữa các Hồng y trên lễ đài đón nhận những lời chúc mừng nhiệt liệt gửi đến từ nhiều quốc gia. Ngài đã mời trẻ em, những người khuyết tật bất kể đến từ đâu, màu da nào cùng đến đứng trên lễ đài với ngài. Những người nghèo khổ và tàn tật được ngài ưu tiên trước nhất để thăm hỏi. Không biết có phải vì thế mà hôm nay, hàng vạn người tay cầm nến, nước mắt lã chã đã đến chật Quảng trường, kéo dài kín con đường đôi Della Concilia tới tận chân cầu. Báo chí thế giới đưa tin có hàng triệu người trên hành tinh đang đề nghị được đến dự tang lễ của ngài ở Italia… Trên các kênh truyền hình vệ tinh, người ta thấy John Paul II cùng cây trượng Giáo hoàng của mình nằm yên nghỉ trên một bệ phủ thảm nhung. Khoảng 12 giờ trưa (5 giờ chiều ngày 03.4 giờ Việt Nam) bắt đầu lễ viếng. Lễ viếng sẽ kéo dài 9 ngày theo đúng thể thức Vatican. Trong đoàn viếng đầu tiên người ta thấy các nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng Italia rồi đến các sĩ quan cận vệ cùng đội ngự lâm Thụy Sĩ của Giáo hoàng…
Báo chí thế giới giật những hàng tít lớn về sự mất mát này. Họ nhắc đến con người vừa yên nghỉ đó với biết bao công tích. Người chủ trương “đi thực tế” từng có mặt nhiều nơi trên thế giới để tự tai mắt mình nghe thấy và nhìn thấy những vấn đề để có thể góp phần giải quyết những vấn đề đó một cách cơ bản và văn hoá. Khi nhìn thấy quang cảnh buổi lễ hôm nay tôi lập tức nhớ đến hình ảnh ngài với tấm lưng còng, già nua cúi gục bên bàn thờ để cầu nguyện. Hình ảnh ngài đứng trên lễ đài năm 1994 qua lá thư kêu gọi và thúc giục Hồng Y đoàn để bày tỏ quan điểm sám hối của mình. Bức thư có đoạn: “Làm sao chúng ta có thể im lặng trước tất cả các hình thức bạo lực đã gây ra nhân danh lòng mộ đạo? Ðối với những cuộc chiến tôn giáo, những toà án dị giáo và những cách thức khác nhau vi phạm đến quyền của các cá nhân?”. Ý tưởng sám hối và nhìn vào lương tâm do ngài tiến hành, sự đánh giá mang tính phê phán về toàn bộ lịch sử Nhà thờ là điều chưa từng xảy ra. Có lẽ John Paul II tin rằng, với hoạt động mang tính đổi mới rộng lớn này nhân loại sẽ nhìn nhận thân thiện hơn và tin tưởng hơn với những hoạt động của Giáo hội. Việc thừa nhận lỗi lầm đối với vụ án Galileo trong quá khứ hay việc thiêu sống những người bất đồng quan điểm như Jan Hus (1495, người tiên phong của sự canh tân đạo Tin lành), như Girolamo Sovonarola (1498, người chỉ trích lối sống xa hoa của Giáo hoàng Leo X) là việc không ít khó khăn trước những thế lực bảo thủ của Giáo hội. Và còn khó khăn hơn khi ngài, vị Giáo hoàng đầu tiên đã gửi thư cho phụ nữ toàn thế giới, nhận lỗi về việc “không ít những người của Giáo hội đã cản trở công cuộc giải phóng phụ nữ”, dường như ngài thừa nhận rằng “phụ nữ đã bị hiểu sai về phẩm giá, bị thể hiện sai lệch về đặc quyền và bị gạt ra khỏi lề xã hội thậm chí bị hạ thấp xuống làm nô lệ”. Nhớ đến những nỗ lực đại kết với các tôn giáo khác trong tinh thần yêu mến, tôn trọng và khoan dung lẫn nhau của ngài. Ðại kết là một chủ trương có thể đem lại hoà bình và tôn trọng lẫn nhau trên toàn thế giới. Nhớ đến câu ngài nhắc về việc cải cách chế độ Giáo hoàng, xác định lại những giới hạn của chế độ Nhà thờ…, bỗng nhớ ra rằng đôi khi dù có bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu đức độ con người vẫn khó mà được hưởng trọn vẹn sự tử tế của người khác chỉ vì ganh ghét và quá khích, và thế là tôi liên tưởng đến việc ngài bị ám sát hụt năm 1981. Ám sát là cách người ta vẫn dùng đối với những người có ảnh hưởng lớn. Thế mà ngài không sợ, không bao giờ lùi bước dù có nhiều hiểm nguy rình rập. Chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng mà ngài đi xe có mui. Những người Việt Nam tình cờ du lịch như tôi hôm ấy ở Rome mà còn sờ được vào vạt áo của ngài giữa một biển người đã chứng tỏ điều đó… Ngài vẫn một lòng tin tưởng ở con người.
Người ta nghĩ rằng ngài là người dẫn dắt cuộc sống của nhân loại qua ngả đường văn hoá.
Sau 15 ngày kể từ hôm nay, Hồng Y đoàn sẽ bầu Giáo hoàng mới. Vĩnh biệt John Paul II, người mang cây thập giá đời. Việt Nam hiện có 2 đức Hồng Y, đức Phạm Ðình Tụng và đức Phạm Minh Mẫn. Cho đến lúc này chưa nghe tin các ngài có đến Rome dự tang lễ hay không.
21 giờ 03.4.2005
Trần Thị Trường
Có thể bạn quan tâm
Tám cách giúp con trẻ vượt qua nỗi mất mát người thân
Th11
Linh Mục Đoàn Giáo Phận Hà Tĩnh Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Năm..
Th11
Những Nấm Mồ Biết “Nói”
Th11
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo
Th11
Thánh Lễ Ban Bí Tích Thêm Sức Cho 76 Em Tại Giáo Xứ..
Th11
Mở Án Phong Chân Phước Cho Sơ Clare Crockett
Th11
Niềm Vui Khánh Thành Nhà Mục vụ Giáo Xứ Tràng Lưu Trong Tuần..
Th11
Suy Niệm Chúa Nhật XXXII TNB: Ai Vui Vẻ Dâng Hiến Thì Được..
Th11
Giới Trẻ Tham Gia Đời Sống Giáo Hội
Th11
Tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris ngân vang sau 5 năm hỏa..
Th11
Đức Thánh Cha thêm Đức TGM Domenico Battaglia vào danh sách tân Hồng..
Th11
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô
Th11
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng
Th11
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có những căng thẳng nhưng..
Th11
Caritas Giáo Phận Hà Tĩnh: Đại Hội Tổng Kết 5 Năm Hình Thành..
Th11
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Năm 2024
Th11
Bản Văn Phụng Vụ Trong Năm Thánh 2025
Th11
Nghi Thức Bế Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th11
Một Hội Thánh Cùng Đi Với Chúa Loan Báo Tin Mừng
Th11
Nghi Thức Khai Mạc Năm Thánh 2025 Tại Các Hội Thánh Địa Phương
Th11