Giáo dục nhân bản trong gia đình

969 lượt xem

1. Gia đình Việt Nam hiện nay

Gia đình Việt Nam trong những thập kỷ qua có nhiều sự biến đổi dưới tác động của sự thay đổi nhanh chóng của xã hội theo nhiều chiều hướng, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Một số dữ liệu thống kê cung cấp bức tranh tạm phác hoạ của gia đình Việt Nam:

– Tuổi kết hôn trung bình là 25 tuổi. Tuổi kết hôn có chiều hướng tăng qua các năm có thể cho thấy người trẻ có sự chín chắn, cẩn trọng hơn trong quyết định hôn nhân.

– Tỷ lệ lao động nữ đã qua đào tạo tăng từ 12,3% (2007) lên 20,9% (sơ bộ 2017). Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nữ giới được học tập và tham gia lao động ngoài xã hội ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự tham gia của nam giới vào công việc nội trợ, và cả việc giáo dục con cái không tăng đáng kể và chưa tương xứng với sự gia tăng của phụ nữ tham gia thị trường lao động (Nguyễn Hữu Minh. (2015). Gia đình Việt Nam sau 30 năm Đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 11 (96)).

– Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong gia đình Việt liên tục từ năm 2006 đến nay: 109,8 bé trai/100 bé gái (năm 2006) lên 113,8 bé trai/100 bé gái (năm 2013), mất cân bằng cả ở nông thôn và thành thị; người có điều kiện kinh tế, học vấn cao hơn lại lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn. Theo dự báo đến năm 2050, VN thừa 3-4 triệu đàn ông không lấy được vợ.

– 27,5% gia đình Việt có xung đột: Theo khảo sát trên 1.500 người của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành trong tháng 5 và tháng 6/2015, gia đình Việt Nam đang đối mặt với một số vấn đề như xung đột, bất hòa giữa các thành viên trong gia đình (27,5%), ngoại tình (16%), nợ quá khả năng chi trả (9,9%) và các vấn đề khác.

– Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2016 có 24.308 vụ ly hôn đã xét xử; năm 2017 là 27.948. Một số liệu khác lại cho thấy con số lớn hơn nhiều: năm 2000 là 51.361; năm 2005 là 65.929 (điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng Cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF, trích theo Family).

2. Giáo dục gia đình qua một số nghiên cứu

2.1. Giáo dục gia đình và tác động đến con cái

– Nguyễn Thị Anh Thư (2006) phân tích 2 trường hợp trẻ được chẩn đoán tăng động giảm chú ý để chỉ ra tác động của giáo dục gia đình, đặc biệt vai trò của cha và mẹ trong việc kìm hãm, điều chỉnh những rối nhiễu ở trẻ hay làm tăng thêm rối nhiễu nếu cha mẹ không có cách giáo dục phù hợp. Đoàn Việt (2005) nghiên cứu các biện pháp giáo dục con của cha mẹ vùng nông thôn huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy cha mẹ vẫn quan niệm đánh, mắng con là những biện pháp, công cụ để giáo dục con; một số cha mẹ đã có thay đổi trong nhận thức về việc sử dụng các biện pháp bạo lực trong giáo dục con nhưng trong thực tế họ vẫn thỉnh thoảng sử dụng biện pháp bạo lực như giải pháp tức thời trong tình huống con phạm lỗi, điều này cho thấy sự lúng túng của cha mẹ trong việc đổi mới nhận thức và phương pháp giáo dục con.

– Tác giả Lưu Song Hà (2008) tìm hiểu đánh giá của chính cha mẹ về bản thân và so sánh với cảm nhận của con cái về cha mẹ ở học sinh trung học cơ sở. Kết quả cho thấy có những khác biệt về mức độ hiểu con giữa đánh giá của người cha về bản thân và cảm nhận của con về cha mình. Đối với người mẹ, sự khác biệt thể hiện ở tiêu chí tin tưởng và bình đẳng.

– Nghiên cứu về phong cách giáo dục của cha mẹ cho thấy cha mẹ có xu hướng giữ gìn các mối dây liên hệ cho sự hoà hợp gia đình mà vẫn ủng hộ độc lập của cá nhân (Hoàng M.K., 2005). Các cha mẹ Việt đều có chỉ số khuyến khích tự chủ-tự lập và chỉ số tình cảm cao hơn chỉ số kiểm soát độc đoán.

– Các nghiên cứu khác cũng cho thấy cha mẹ tỏ ra quan tâm nhiều đến con cái của mình ở những độ tuổi khác nhau (Lưu Song Hà, 2007; Lã Thị Thanh Thủy, 2009; Nguyễn Thị Anh Thư và Bùi Minh Đức, 2012). Đặc biệt, tác giả Lưu Song Hà trong nghiên cứu của mình đã nhận thấy rằng, các em học sinh ở độ tuổi trung học cơ sở dù biết rằng cha mẹ quan tâm nhiều đến mình, nhưng các em vẫn mong muốn được cha mẹ quan tâm hơn nữa, và đối xử với mình bớt nghiêm khắc hơn. Đây cũng chính là hai điều mà các em học sinh muốn cha mẹ mình thay đổi nhất. Theo lập luận của tác giả Lưu Song Hà thì nguyên nhân của mong muốn này xuất phát từ việc cha mẹ của các em rất bận rộn với công việc và không nhiều thời gian dành cho con – một thực tế chung cho phần lớn các gia đình hiện nay. Theo kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam 2006, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ cha mẹ không dành chút thời gian nào để chăm sóc con cái dưới 15 tuổi: 6,8% người mẹ và 21,5% người cha.

– Sự thiếu hụt kiến thức của các bậc cha mẹ về đặc điểm phát triển nhận thức, sự thay đổi tâm sinh lý của con cái trong giai đoạn vị thành niên và không nắm được các phương pháp giáo dục con một cách hiệu quả là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ xung đột giữa cha mẹ và con cái (Nguyễn Hữu Minh. (2015). Gia đình Việt Nam sau 30 năm Đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 11 (96)).

2.2. Tương quan giữa cha mẹ và con tuổi vị thành niên

Trẻ vị thành niên được nuôi dưỡng tốt nhất khi những mối quan hệ trong gia đình của trẻ tìm được sự cân bằng giữa sự tự chủ – tự lập và gắn bó với cha mẹ. Nghiên cứu của Allen và cộng sự (1994) về sự cần thiết của cha mẹ trong việc tạo ra cân bằng giữa phát triển tự chủ-tự lập và gắn bó với cha mẹ. Theo đó, có 2 loại hành vi đặc thù liên quan đến sự tự chủ-tự lập của trẻ vị thành niên: hành vi cho phép và hành vi kìm hãm. Những phụ huynh có hành vi cho phép được đánh giá cao thì thường chấp nhận con cái của họ, đồng thời giúp trẻ phát triển và đưa ra ý kiến riêng của mình thông qua những câu hỏi, sự giải thích, và sự bao dung về sự khác biệt quan điểm. Ngược lại, cha mẹ nào sử dụng nhiều hành vi kìm hãm thì sẽ khó chấp nhận cá tính của con em mình, đồng thời phản ứng lại với sự thể hiện suy nghĩ của trẻ bằng những lời nhận xét là thiếu tập trung, phán xét hoặc ít có giá trị. Trẻ vị thành niên có cha mẹ sử dụng nhiều hành vi cho phép lẫn một chút sự kìm hãm thì có khả năng thể hiện cá tính nhiều hơn và có nhiều tiến triển trong sự phát triển bản ngã cũng như năng lực tâm lý xã hội.

Thanh thiếu niên dần dần có được quyền tự chủ – tự lập từ cha mẹ. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, khái niệm tự chủ tự lập được định nghĩa theo các khuynh hướng khác nhau. Tự chủ cảm xúc đề cập đến sự độc lập, tách rời, liên quan đến sự thay đổi trong tương quan giữa cha mẹ và trẻ. Tự chủ cảm xúc dường như đem lại những ảnh hưởng rất khác biệt đến trẻ vị thành niên, phụ thuộc vào mức độ của sự hòa hợp trong mối quan hệ giữa cha mẹ – trẻ. Những trẻ trở nên tự chủ về cảm xúc nhưng đồng thời có cảm giác xa cách, tách biệt với cha mẹ thì sẽ có biểu hiện kém trong mức độ đo lường về điều chỉnh tâm lý cá nhân, còn những trẻ khác, thể hiện cùng mức độ tự chủ cảm xúc nhưng vẫn đi kèm cảm giác gần gũi, gắn bó với cha mẹ thì có đời sống tinh thần khỏe mạnh hơn bạn bè cùng lứa.

Tự chủ về hành vi đề cập đến khả năng quyết định và thực hiện độc lập. Nỗ lực ban đầu của thanh thiếu niên để thiết lập hành vi tự chủ trong gia đình thường là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa cha mẹ và thanh thiếu niên. Giữa thời kỳ niên thiếu, trẻ vị thành niên hành động và được đối xử giống người lớn hơn. Trẻ có nhiều ảnh hưởng đến các quyết định gia đình, và do vậy, không cần khẳng định ý kiến của mình bằng các hành vi chưa trưởng thành (Grotevant, 1998). Trẻ cũng được phép dành nhiều thời gian riêng tư mà không phải chịu sự giám sát trực tiếp của cha mẹ.

Nhìn chung, thanh thiếu niên tự chủ- tự lập cho thấy họ khá thân với cha mẹ, thích có các hoạt động chung với gia đình, tuy có một ít xung đột với cha mẹ nhưng thanh thiếu niên vẫn cảm thấy thoải mái khi cha mẹ tư vấn, chia sẻ, và nói rằng họ muốn được như cha mẹ (Kandel và Lesser, 1972). Các mối quan hệ gia đình căng thẳng xuất hiện có liên quan đến thiếu tự chủ trong tuổi niên thiếu, chứ không phải với sự hiện diện tất yếu của thời kỳ vị thành niên.

Có những thay đổi trong sự hài hoà trong gia đình khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên. Mặc dù có ít nghiên cứu tìm hiểu về tình cảm giữa trẻ vị thành niên và cha mẹ, nhưng một số ít minh chứng từ kết quả nghiên cứu cho thấy quan hệ giữa cha mẹ và con ít gần gũi hơn khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, được nhận thấy qua việc trẻ ít tham gia vào các hoạt động chung trong gia đình và cha mẹ và trẻ ít thể hiện tình cảm. Thực ra, mối quan hệ ít gần gũi giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên chỉ là thể hiện mong muốn gia tăng sự độc lập và riêng tư của trẻ và vì trẻ đã lớn, cha mẹ ít thể hiện tình cảm qua cử chỉ, lời nói, đó không phải là không còn tình yêu và tôn trọng giữa cha mẹ và con cái (Montemayor, 1983, 1986). Nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ có thể trở nên ít mâu thuẫn và thân mật hơn trong giai đoạn cuối tuổi vị thành niên (Thornton, Orbuch, và Axinn, 1995; Larson et al., 1996).Trong các gia đình có sự gắn bó tốt giữa cha mẹ và con ở tuổi đầu vị thành niên vẫn giữ được tương quan gần gũi trong giai đoạn vị thành niên mặc dù tần suất trao đổi, tương tác và các hoạt động chung giữa cha mẹ và con có thể giảm. Mặc dù một số trẻ vị thành niên và cha mẹ có những vấn đề mâu thuẫn, nhưng nhìn chung trong các gia đình, trẻ vị thành niên vẫn có mối quan hệ tốt với cha mẹ, tôn trọng cha mẹ và cảm nhận được tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc cha mẹ dành cho mình (Steinberg, 2001).

Mặc dù xung đột là yếu tố đặc trưng trong mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên và cha mẹ, nhưng nghiên cứu cho thấy rõ ràng những xung đột gay gắt, thường xuyên và dẫn đến bạo lực là không bình thường. Những ảnh hưởng tiêu cực của xung đột giữa trẻ vị thành niên và cha mẹ không nằm ở vấn đề của xung đột mà ở cách thức giải quyết xung đột. Xung đột thường được giải quyết bằng sự phục tùng của trẻ hoặc bằng việc rút lui (bỏ đi chỗ khác), hoặc bằng việc bỏ ngoài tai những lời của cha mẹ (Đỗ Hạnh Nga, 2014). Các cách thức này đều không đem lại hiệu quả cải thiện mối quan hệ cũng như giúp trẻ phát triển năng lực giải quyết vấn đề. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các gia đình rất khác nhau trong vấn đề mâu thuẫn và xung đột giữa cha mẹ và con tuổi vị thành niên. Smetana (1996) đưa ra ba nhóm mâu thuẫn gia đình: i) nhóm đông nhất thường xuyên có xung đột, nhưng không mâu thuẫn không gay gắt, lặt vặt và không có bạo lực; ii) một nhóm nhỏ các gia đình được thấy là không hề có xung đột giữa cha mẹ và con vị thành niên; iii) nhóm gia đình thứ ba cũng thường xuyên có xung đột, mâu thuẫn gay gắt và có thể dẫn đến bạo lực. Theo Smetana (1996), nhóm gia đình 1 thuộc loại gia đình với những xáo trộn điển hình trong thời kỳ này, nhóm 2 là một số ít các gia đình đã khéo léo vượt qua được các khó khăn và thành công trong việc điều chỉnh lại các mối quan hệ để phù hợp với đặc điểm phát triển của tuổi vị thành niên, nhóm 3 đại diện cho các gia đình với nguy cơ rối loạn tâm thần và các vấn đề về điều chỉnh hành vi nơi trẻ vị thành niên. Tóm lại, mâu thuẫn và xung đột thường xuyên, gay gắt, bạo lực là điều không bình thường trong thời kỳ vị thành niên; trong khi những tranh cãi về công việc nhà, quần áo, thời gian vào internet, hoặc các quy tắc, quy định là điều bình thường trong các gia đình có con tuổi vị thành niên. Hầu hết những mâu thuẫn này thể hiện sự thay đổi trong quá trình trưởng thành về nhận thức của trẻ, đặc biệt sự nhìn nhận và thể hiện quan điểm cá nhân về quy ước xã hội.

2.3. Phong cách giáo dục của cha mẹ

Nghiên cứu của Hoàng Mai Khanh (2014) về bốn yếu tố thể hiện phong cách giáo dục của cha mẹ tại một trường THCS quận 1, TP. HCM cho thấy cha mẹ tự đánh giá mình thể hiện sự yêu thương, quan tâm đến con cái tương đối khá, đồng thời không đề cao cách giáo dục áp đặt, con cái phải hoàn toàn tuân theo yêu cầu của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn sử dụng hình phạt với con cái. Cha mẹ vẫn sử dụng hình phạt như một cách thức kỷ luật đối với con: 83,8% cha và mẹ đồng ý và hoàn toàn đồng ý dùng hình phạt khi con hư, nhưng cha mẹ cũng nhận thức rằng hình thức chỉ trích và la mắng không phải là cách giáo dục tốt để con tiến bộ (71% cha mẹ ít đồng ý và không đồng ý với hình thức này).

Khuyến khích tự chủ – tự lập là yếu tố được cha mẹ quan tâm thực hiện trong giáo dục con cái ở độ tuổi THCS. 75% cha mẹ khuyến khích con tự tìm cách giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn. Cha mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn, trẻ được tự do suy nghĩ và chọn lựa. Một kết quả thú vị là cha mẹ rất chú trọng việc phát triển nhận thức, suy nghĩ độc lập cho con qua việc khuyến khích con đặt câu hỏi và suy nghĩ về cuộc sống (91% đồng ý và hoàn toàn đồng ý).

Một kết quả tích cực từ nghiên cứu là các chỉ số thể hiện sự xung khắc giữa cha mẹ và con được đánh giá thấp nhất. Chính trẻ vị thành niên cũng nhận xét ít có mâu thuẫn với cha mẹ. Kết quả này cho thấy xung đột giữa cha mẹ và trẻ vị thành niên thường là những xung đột nhỏ, lặt vặt, không gay gắt và không có bạo lực. Đây là những xung đột điển hình trong thời kỳ này, cả cha mẹ và trẻ đều đang trải qua một thời kỳ thích nghi với một giai đoạn/chu kỳ mới trong cuộc sống gia đình. Trẻ khám phá chính bản thân mình, khám phá khả năng tiềm ẩn của chính mình, học hỏi và rèn luyện những khả năng đó để định vị mình trong xã hội. Cha mẹ cũng học hỏi và thích nghi với sự trưởng thành của con cái.

Cũng giống như cha mẹ, cảm nhận của con về tình yêu thương quan tâm của cha mẹ có chỉ số cao nhất, tiếp đến là yếu tố khuyến khích tự chủ – tự lập. Trẻ vị thành niên cũng có nhận định cha mẹ mình không kiểm soát độc đoán cao trong giáo dục và ít có xung khắc giữa cha mẹ và con.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cha mẹ và trẻ vị thành niên đều đánh giá cao yếu tố khuyến khích sự tự chủ – tự lập, và có sự tương đồng trong quan điểm, nhìn nhận sự tự chủ – tự lập trên 3 khía cạnh: trách nhiệm, thể hiện bản thân và khả năng chọn lựa. Cha mẹ và thiếu niên định nghĩa tự chủ – tự lập là có tinh thần trách nhiệm, chủ động, tự giác, thể hiện bản thân và khả năng quyết định. Quan điểm này phù hợp với khái niệm cái Tôi tự chủ trong liên đới (autonomous-related Self (Kagitcibasi, 1996)) không trở nên tách biệt, độc lập hoàn toàn với người khác, mà là hài hòa và phù hợp với người khác. Trong quá trình phát triển bản sắc cá nhân và xã hội, gắn bó an toàn và khích lệ của cha mẹ là một trong những điều kiện cần thiết. Trong quá trình đạt đến tự chủ – tự lập, trẻ phát triển bản sắc cá nhân và xã hội trong các mối quan hệ xã hội bình đẳng và hỗ trợ tích cực. Sự gắn bó an toàn và khích lệ của cha mẹ rõ ràng cần thiết và thúc đẩy quá trình phát triển tự chủ – tự lập của thanh thiếu niên. Có thể kết luận trong các gia đình lành mạnh, các thiếu niên thân thiết với cha mẹ, đáp ứng thẩm quyền của cha mẹ và tiếp tục tin tưởng vào sự tư vấn của cha mẹ, trong khi vẫn thể hiện tính tự chủ – tự lập ngày càng cao trong các hoạt động của cuộc sống.

2.4. Bàn luận về giáo dục nhân bản qua các kết quả nghiên cứu về giáo dục gia đình và những thách thức của gia đình

Giáo dục Nhân bản (bản chất của con người) là giáo dục nhằm giúp nhận biết con người thật của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, duy nhất, độc đáo, độc lập, trọn vẹn giá trị. Theo định nghĩa này, bức tranh giáo dục của cha mẹ được trình bày từ các kết quả nghiên cứu có thể đưa đến kết luận như thế nào về giáo dục nhân bản trong gia đình?

Với phong cách giáo dục dân chủ – nghiêm minh, thể hiện tình yêu thương, quan tâm đối với con và khuyến khích sự tự chủ – tự lập, khám phá và phát triển “cái Tôi” duy nhất, độc đáo trong sự liên đới, trách nhiệm với con người, môi trường và xã hội, cha mẹ đã đáp ứng mục tiêu của giáo dục nhân bản.

Tuy nhiên, cũng cần nêu rõ là nghiên cứu thực hiện trên địa bàn quận trung tâm, các gia đình lành mạnh và cha mẹ có trình độ và hiểu biết tốt. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ các cha mẹ bận rộn suốt ngày, trẻ con bị giảm thiểu các mối quan hệ giao tiếp và cũng là giảm thiểu những bài tập đầu tiên và cơ bản của giao tiếp xã hội. Ở nông thôn, cha mẹ bỏ ra thành phố kiếm việc dài ngày, con cái phó mặc cho ông bà già. Ở thành thị, trẻ được giao phó cho người giúp việc, trẻ chỉ nhận được tình yêu của cha mẹ qua vài dòng dặn dò ghi trên tấm bảng. Có trẻ tự nhận mình mồ côi ngay khi vẫn còn bố mẹ. Các cha mẹ giáo dục con cái không đúng cách, làm ngơ cho lỗi lầm của con trẻ, đánh đòn con bất kể lý do gì, hay có thái độ bất lực đối với các hành vi mắc lỗi của con cái. Số liệu điều tra Thanh niên và vị thành niên Việt Nam lần 2 (SAVY 2009) cho thấy, có đến 4,1% trẻ vị thành niên tuổi 14 – 17 cho biết đã bị người trong gia đình đánh thương tích, có thể hiểu chủ yếu là cha mẹ đánh. Số liệu Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho biết, có 1,4% người làm cha mẹ đã đánh trẻ khi con cái mắc lỗi trong 12 tháng trước khảo sát. Sự thiếu hụt kiến thức của các bậc cha mẹ về đặc điểm phát triển nhận thức, sự thay đổi tâm sinh lý của con cái trong giai đoạn vị thành niên và không nắm được các phương pháp giáo dục con một cách hiệu quả là nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Bên cạnh những thách thức như công việc bận rộn, thời gian eo hẹp, cả cha và mẹ đều đi làm. Xung đột giá trị là một trong những thách thức lớn của gia đình. Trong bối cảnh của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là dưới sự tác động của toàn cầu hóa, hệ giá trị gia đình ở Việt Nam đang có sự biến đổi rất lớn. Bên cạnh những giá trị cổ truyền như “kính trên, nhường dưới”, “trọng xỉ” (tôn trọng người cao tuổi), thì những giá trị mới như coi trọng “quyền tự do cá nhân”, “bình đẳng giới”, “quyền trẻ em”, “sự tự chủ – tự lập” cũng ngày càng được khẳng định. Các nghiên cứu xã hội học cũng ghi nhận xu hướng tiếp nhận giá trị mới, tiêu biểu nhất là sự bình đẳng giới, bình đẳng giữa các thế hệ trong đời sống gia đình. Tỷ lệ ưu tiên lựa chọn giá trị này ở mức trung bình (51,6%), phản ánh tính chất quá độ trong sự chuyển đổi của gia đình từ truyền thống sang hiện đại. Bình đẳng là một giá trị của xã hội hiện đại, hơn nữa, là một giá trị thuộc về chất lượng cuộc sống. Trong thời kỳ hiện đại, nhất là ở các xã hội đang chuyển đổi, người ta không thể không có sự lựa chọn giữa giá trị sinh tồn và giá trị tự biểu hiện, giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sự biến đổi này, trong một chừng mực nhất định, đã làm cho mối quan hệ ông bà – cha mẹ – con cháu không thuận chiều như trước đây và làm tăng những mâu thuẫn và xung đột thế hệ. Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 cho biết, có khoảng 1/10 số ý kiến từ các hộ gia đình có 3 thế hệ chung sống thừa nhận có sự không thống nhất về các vấn đề về lề lối sinh hoạt, cách quản lý tiền và tiêu tiền, cách thức làm ăn và phát triển kinh tế gia đình, cũng như về phương pháp giáo dục con cháu.

Tuy nhiên, từ các lý thuyết và kết quả nghiên cứu về phong cách giáo dục của cha mẹ, có thể thấy các giá trị truyền thống hay các giá trị mới đều không hề xung đột với phong cách giáo dục yêu thương, quan tâm, xây dựng tương quan gắn bó, tin tưởng, chia sẻ, lắng nghe và tôn trọng giữa cha mẹ và con và khuyến khích sự tự chủ – tự lập.

Bên cạnh đó, giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin còn thông qua chính cuộc sống, công việc, các tương quan, ứng xử, các quyết định, chọn lựa hằng ngày của cha mẹ. Đó chính là cuốn sách sống động về giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái.

Tóm lại, giáo dục là một ơn gọi, sứ mạng cao cả nhất của cha mẹ được thực hiện qua cuộc sống hằng ngày, qua từng ứng xử, từng lời nói với con cái. Giáo dục của cha mẹ mang tính cách độc đáo – cha mẹ là “người mẫu” (dù muốn hay không muốn). Trẻ thẩm thấu từ cha mẹ cách yêu thương chính mình và yêu thương người khác, các quan niệm và giá trị, các hành động, ứng xử, giải quyết vấn đề và các chọn lựa trong cuộc sống. Tương quan giữa cha mẹ và con cái là một tình yêu đặc biệt, không thể thay thế, cùng với những hiểu biết khoa học về giáo dục, tâm lý sẽ giúp cha mẹ trở thành Người thầy tuyệt vời nhất của con.

Biển Đức Hoàng Mai Khanh
Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 115 (tháng 11 & 12 năm 2019)

Tài liệu tham khảo

  1. Allen, J., Hauser, S., Bell, K., and O’Connor, T. (1994). Longitudinal assessment of autonomy and relatedness in adolescent-family interactions as predictors of adolescent ego development and self- esteem. Child Development64, pp. 179-194.
  2. Đỗ Hạnh Nga (2014), Xung đột tâm lý giữa cha mẹ và con lứa tuổi học sinh trung học cơ sở về nhu cầu độc lập. TP. HCM: NXB ĐHQG-HCM.
  3. Grotevant, H. (1998). Adolescent development in family contexts. In W. Damon (Series Ed.) and N. Eisenberg (Vol. Ed.), Handbook of child psychology: Vol. 3. Social, emotional, and personality development.(5th ed., pp. 1097-1150). New York: Wiley.
  4. Hoàng Mai Khanh. (2005). Pratiques éducatives parentales et l’autonomie de l’enfant. Comparaison France-Viet Nam. Thèse de doctorat en Sciences de l’Éducation. Université de Paris X – Nanterre, France.
  5. Hoàng Mai Khanh. (2014). Phong cách giáo dục của cha mẹ: tự đánh giá của cha mẹ và nhận định từ con cái lứa tuổi học sinh THCS. Đề tài NCKH trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM.
  6. Kagitcibasi, C. (1996). Family and human development across cultures: A view from the other side.Hillsdale, NJ: Lawrence Erlbaum.
  7. Kandel, D., and Lesser, G. (1972). Youth in two worlds. San Francisco: Jossey-Bass.
  8. Lã Thị Thanh Thủy. 2009 Mức độ kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái lứa tuổi tiểu học.Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế “Nhu cầu, định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam”, Hà Nội, 08/2009, 232-237.
  9. Lưu Song Hà (2007), Tự đánh giá của cha mẹ và những khác biệt giữa nó với cảm nhận của con về cha mẹ trong quan hệ cha mẹ – con lứa tuổi học sinh trung học cơ sở, Tạp chí Tâm lý học, số 2-2007, tr.24-29.
  10. Lưu Song Hà. (2008). Tác động của giáo dục gia đình đến động cơ thành đạt của thanh niên. Tạp chí Tâm lý học, 8, 16-21.
  11. Montemayor, R. (1983). Parents and adolescents in conflict: All families some of the time and some families most of the time. Journal of Early Adolescence, 3,83-103
  12. Montemayor, R. (1986). Family variation in parent-adolescent storm and stress. Journal of Adolescent Research1, 15-31. Montemayor, R., and Brownlee, J. (1987). Fathers, mothers, and adolescents: Gender-based differences in parental roles during adolescence. Journal of Youth and Adolescence16, 281-292.
  13. Nguyễn Hữu Minh. (2015). Gia đình Việt Nam sau 30 năm Đổi mới. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 11 (96).
  14. Nguyễn Thị Anh Thư, (2006), Ảnh hưởng của giáo dục gia đình đến tăng động giảm chú ý ở trẻ em, Tạp chí Tâm lý học, số 11 (92), tr.34-39.
  15. Nguyễn Thị Anh Thư và Bùi Minh Đức. (2012). Mối quan hệ giữa ứng xử trong gia đình và kết quả học tập của học sinh trung học cơ sở. Tạp chí Tâm lý học, 8, 68-79.
  16. Smetana, J. G. (1996). Adolescent-parent conflict: Implications for adaptive and maladaptive development. Rochester, NY: University of Rochester Press.
  17. Steinberg, L., & Morris, A. S. (2001). Adolescent development. Annual Review Psychology, 52, 83-110.
  18. Thornton, A., Orbuch, T. L., and Axinn, W.G. (1995). Parent-child relationships during the transition to adulthood. Journal of Family Issues, 16,538-564.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận