Theo ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, chiều Chúa nhật 15/3/2020, Đức Thánh Cha rời Vatican đến Đền thờ Đức Bà Cả, nơi có bức ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Rôma (Maria Salus Populi Romani). Sau đó, Đức Thánh Cha đi bộ như một người hành hương đến nhà thờ Thánh Marcello nằm trên đường Corso, nơi có Thánh Giá làm phép lạ.
Tại hai nơi này, Đức Thánh Cha đã khẩn nài Chúa Giêsu và Đức Mẹ cho đại dịch chấm dứt, cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, xin cho các gia đình của các bệnh nhân tìm được niềm ủi an và khích lệ. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho các nhân viên y tế, bác sĩ, y tá và cho biết bao người, trong những ngày này, đã làm việc để đảm bảo sự hoạt động của xã hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng tôn sùng đặc biệt bức ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Rôma. Ngài không chỉ đến đó vào các dịp lễ lớn của Đức Mẹ, nhưng còn đến đó cầu nguyện trước khi thực hiện các chuyến tông du quốc tế, và khi trở về cũng đến đó để tạ ơn. Vào năm 593, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô I đã cho rước kiệu bức ảnh Đức Mẹ này để cầu xin chấm dứt bệnh dịch, và vào năm 1837, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã nài xin trước ảnh Đức Mẹ chấm dứt một trận dịch tả.
Nhà thờ Thánh Marcello ở Corso, nơi có Thánh Giá gỗ cổ xưa, được tôn kính từ thế kỷ mười lăm, còn sót lại sau một vụ hỏa hoạn. Theo niềm tin của các tín hữu, chính Thánh Giá này đã cứu thành Roma khỏi bệnh dịch. Trong Năm Thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã ôm Thánh Giá này trong nghi thức Ngày tha thứ.
Rất nhiều phép lạ nhờ “Tượng Chịu Nạn Rất Thánh” này đã được truyền tụng. Bắt đầu vào tối 23/5/1519, khi một đám cháy đã phá hủy toàn bộ nhà thờ hiệu tòa của Đức Giáo Hoàng Marcello. Sáng hôm sau, tòa nhà đã bị biến thành đống đổ nát, nhưng trong đống đổ nát, cây Thánh Giá vẫn còn nguyên vẹn, dưới chân một ngọn đèn dầu nhỏ vẫn còn cháy. Hình ảnh này làm cho các tín hữu xúc động, và một số người quy tụ vào mỗi tối thứ sáu để cầu nguyện. Vào 08/10/1519 Đức Giáo Hoàng Leo X đã ra lệnh xây dựng lại nhà thờ.
Ba năm sau vụ hỏa hoạn, Roma đã bị “Đại dịch hạch” tấn công. Dân thành Roma đã tổ chức rước kiệu Thánh Giá này, mặc cho sự cấm cản của chính quyền do việc lây lan căn bệnh. Cây Thánh Giá được cung nghinh qua các đường phố của Roma đến Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước kéo dài trong 16 ngày: từ 4 đến 20 tháng 8 năm 1522. Khi Thánh Giá được rước tới đâu thì nơi đó bệnh dịch có dấu hiệu suy giảm, và do đó mỗi khu phố cố gắng giữ Thánh Giá càng lâu càng tốt. Cuối cùng, khi Thánh Giá được đưa trở lại nhà thờ, bệnh dịch đã chấm dứt hoàn toàn. Bắt đầu từ năm 1600, cuộc rước kiệu từ nhà thờ Thánh Marcello đến Đến thờ Thánh Phêrô đã trở thành một truyền thống diễn ra trong Năm Thánh. Ở mặt sau của Thánh Giá có khắc tên của các vị Giáo hoàng với năm mở Năm Thánh (CSR_1574_2020).
Ngọc Yến
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26-12: Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi
Th12
Đức cha Louis chủ sự đại lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Chính..
Th12
Chuyến mục vụ của Đức cha Louis trước đại lễ Giáng Sinh
Th12
Suy Niệm Lễ Giáng Sinh – Một Người Con Đã Được Ban Tặng..
Th12
Ngày 25 Tháng 12 – Đại Lễ Giáng Sinh
Th12
Ngắm nhìn Hang Đá Máng Cỏ chúng ta nghĩ gì?
Th12
Thư Gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo Nhân Dịp Mừng Lễ Chúa..
Th12
Thánh Lễ An Táng Đức Cố Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể
Th12
Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng C: Đức Maria, Người mang Chúa..
Th12
Đức Thánh Cha Phanxicô: Năm Thánh, Cơ Hội Ân Sủng Gặp Gỡ Chúa..
Th12
Bầu không khí và các Hang đá mừng Chúa Giáng Sinh tại Giáo..
Th12
Thánh Ca Năm Thánh 2025
Th12
Điều gì đã lấy mất ý nghĩa Giáng sinh của chúng ta
Th12
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
Th12
Bài Hát Cộng Đồng Lễ Chúa Giáng Sinh Năm 2024
Th12
VPTGM-GPHT: Thông báo Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2025
Th12
5 Cách Đơn Giản Để Dọn Tâm Hồn Đón Chúa
Th12
Ai Tín Của Toà Tổng Giám Mục Huế: Đức Nguyên Tổng Giám Mục..
Th12
Hy Vọng Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số: Những Đề Xuất Mục Vụ..
Th12
Nguồn Gốc và Ý Nghĩa Của Hang Đá
Th12