Đức thánh cha Phanxicô: Chọn lựa ưu tiên vì người nghèo là câu trả lời của Tin Mừng

817 lượt xem

ĐỨC THÁNH CHA TIẾP KIẾN CHUNG
(19-08-2020)
CHỌN LỰA ƯU TIÊN VÌ NGƯỜI NGHÈO LÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA TIN MỪNG

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo trong Phúc âm và yêu cầu rằng những người cần nhất cũng được xem xét trong việc tìm kiếm phương pháp chữa trị vi-rút corona. Nếu ưu tiên vắc-xin cho những người giàu nhất thì đó là một điều đáng buồn.

Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư 19/08, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài suy tư về đại dịch Covid-19 với chủ đề “Chữa lành thế giới”. Bài suy tư thứ ba nói về “Chọn lựa ưu tiên dành cho người nghèo và đức ái”. Đức Thánh Cha nói rằng đại dịch làm cho chúng ta nhạy cảm với một thứ vi-rút còn trầm trọng hơn đang ảnh hưởng thế giới: đó là vi-rút bất công xã hội, thiếu các cơ hội công bằng và những người nghèo và những người thiếu thốn nhất bị loại ra bên lề xã hội.

Đức Thánh Cha nhắc rằng gương mẫu và giáo huấn của Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy rằng một chọn lựa ưu tiên cho người nghèo là tiêu chuẩn thiết yếu trong căn tính đích thực của các môn đệ Chúa Ki-tô. Bác ái Ki-tô giáo yêu cầu chúng ta đi xa hơn những trợ giúp xã hội, khi biết lắng nghe tiếng nói của họ và hành động để vượt qua tất cả những gì cản trở sự phát triển vật chất và tinh thần của họ. Ngài mong ước rằng Tin Mừng có thể soi sáng cho chúng ta để tìm ra những cách thức sáng tạo để thực hành đức ái được kiến tạo trong đức tin và đâm rễ trong đức cậy; đức ái này có thể chữa lành thế giới bị thương tích và thăng tiến lợi ích thật sự cho toàn thể gia đình nhân loại.

Bắt đầu buổi tiếp kiến, các tín hữu đã nghe đọc đoạn thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi tín hữu Côrintô chương 8 (1-2.9), trong đó thánh nhân khen ngợi các tín hữu Ma-kê-đô-ni-a: “trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại”; thánh nhân cũng nhắc lại gương mẫu của Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Từ tấm gương yêu thương tự hạ của Chúa Giê-su và lòng bác ái của tín hữu Ma-kê-đô-ni-a, Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý của ngài. Đức Thánh Cha nói:

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Đại dịch đã phơi bày tình cảnh của người nghèo và sự bất bình đẳng to lớn đang thống trị thế giới. Và vi-rút, trong khi không phân biệt người nào, đã tìm thấy, trên con đường tàn phá của nó, sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử mạnh mẽ. Và nó đã làm những điều này gia tăng thêm!

Lựa chọn ưu tiên vì người nghèo – câu trả lời của Tin Mừng

Do đó, phản ứng với đại dịch là phản ứng kép. Một mặt, phải cấp bách tìm ra cách chữa trị loại vi-rút nhỏ bé nhưng kinh khủng, đang khiến cả thế giới phải quỳ gối. Mặt khác, chúng ta cũng phải chữa khỏi một loại vi-rút to lớn, đó là sự bất công xã hội, bất bình đẳng về cơ hội, việc gạt ra ngoài lề xã hội và thiếu bảo vệ cho những người yếu đuối nhất. Trong phản ứng kép để chữa trị này, có một lựa chọn, mà theo Tin Mừng, không thể thiếu được: đó là lựa chọn ưu tiên cho người nghèo (x. Tông huấn Evangelii gaudium [EG] – Niềm vui Tin Mừng, 195).

Người đầu tiên sống lựa chọn vì người nghèo

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Đây không phải là một lựa chọn chính trị; cũng không phải là lựa chọn lý tưởng, hay lựa chọn đảng phái. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo nằm ở trung tâm của Tin Mừng. Và người đầu tiên thực hiện lựa chọn này chính là Chúa Giê-su; chúng ta đã nghe về điều này trong đoạn thư gửi các tín hữu Cô-rin-tô vào đầu buổi tiếp kiến. Chính ngài, Đấng giàu có, đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có. Ngài làm vì mỗi người chúng ta và do đó, ở trung tâm của Tin Mừng, ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giê-su, có chọn lựa này.

Chính Chúa Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa, đã tự hạ, trở nên giống như con người; và Người không chọn một cuộc sống đặc ân, mà đã chọn điều kiện của một tôi tớ (x. Pl 2,6-7). Người tự hủy chính mình khi tự trở nên một đầy tớ. Người  sinh ra trong một gia đình khiêm hạ và làm nghề thủ công. Khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Người đã loan báo rằng trong Nước Thiên Chúa, người nghèo được chúc phúc (x. Mt 5,3; Lc 6,20; EG, 197). Người ở giữa những người bệnh tật, người nghèo và những người bị loại trừ, tỏ cho họ thấy tình yêu thương xót của Thiên Chúa (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2444). Rất nhiều lần Người đã bị đánh giá là người ô uế vì đến gặp người bệnh, người phong cùi… Và theo não trạng của luật thời đó, những người này làm cho người ta bị ô uế. Và Người đã chấp nhận để gần gũi với những người nghèo.

Các tiêu chí của môn đệ Chúa Ki-tô

Từ mẫu gương của Chúa Ki-tô, Đức Thánh Cha nhắc lại các tiêu chí của môn đệ Chúa Ki-tô: Vì thế, người ta nhận ra các môn đệ Chúa Giêsu qua sự gần gũi của họ với người nghèo, những người bé mọn, những người bệnh tật và tù đày, những người bị loại trừ và bị lãng quên, những người thiếu cơm ăn áo mặc (x. Mt 25,31-36; GLCG, 2443). Chúng ta có thể đọc thấy tiêu chuẩn nổi tiếng này trong Tin mừng thánh Matthêu chương 25, tiêu chuẩn mà theo đó chúng ta sẽ được xét xử. Đây là tiêu chuẩn nòng cốt để chứng tỏ đặc tính Ki-tô chân chính (x. Gl 2,10; EG, 195). Một số người lầm tưởng rằng tình yêu ưu tiên đối với người nghèo là nhiệm vụ của một số ít người, nhưng trên thực tế, đó là sứ mệnh của toàn thể Giáo hội (x. thánh GIOAN PHAO-LÔ II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis – Mối quan tâm về các vấn đề xã hội, 42). “Mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn đều được kêu gọi trở thành khí cụ của Thiên Chúa để giải phóng và thăng tiến người nghèo” (EG, 187).

Hành động để thay đổi những cấu trúc xã hội tồi tệ

Đức Thánh Cha nói tiếp: Lòng tin cậy mến nhất thiết thúc đẩy chúng ta hướng tới sự ưu tiên dành cho những người túng thiếu nhất[1], điều này còn vượt xa sự trợ giúp cần thiết (xem EG, 198). Thật vậy, nó ám chỉ việc đi cùng nhau, để mình được truyền giảng Tin Mừng bởi họ, là những người biết rõ về Chúa Kitô đau khổ, để chúng ta được “lây nhiễm” bởi kinh nghiệm cứu độ, bởi sự khôn ngoan và sáng tạo của họ (x. Ibid). Chia sẻ với người nghèo nghĩa là làm giàu cho nhau. Và, nếu có những cấu trúc xã hội bệnh tật ngăn cản họ mơ ước về tương lai, chúng ta phải cùng nhau hoạt động để chữa lành chúng, để thay đổi chúng (x .ibid., 195). Tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương chúng ta đến tận cùng, đưa chúng ta đến điều này (x. Ga 13,1) và đi đến các biên giới, các tận cùng, các biên giới hiện sinh. Đưa những vùng ngoại vi vào trung tâm có nghĩa là tập trung cuộc sống của chúng ta vào Đức Kitô, Đấng đã “tự trở nên nghèo” vì chúng ta, để làm giàu cho chúng ta “nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8, 9).[2]

Tất cả chúng ta đều quan tâm đến hậu quả xã hội của đại dịch. Nhiều người muốn trở lại cuộc sống bình thường và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Tất nhiên, nhưng “sự bình thường” này không được bao gồm những bất công xã hội và sự suy thoái môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng và chúng ta không thoát khỏi khủng hoảng như chúng ta đã từng là: hoặc chúng ta sẽ tốt hơn hoặc chúng ta sẽ tệ hơn. Chúng ta phải thoát khỏi đại dịch tốt hơn, để cải tiến tình trạng bất công xã hội và suy thoái môi trường.

Cần thăng tiến, phát triển người nghèo, chứ không chỉ trợ giúp

Về cơ hội chúng ta có thể có trong đại dịch, Đức Thánh Cha nói: Hôm nay chúng ta có cơ hội để xây dựng một điều gì đó khác biệt. Ví dụ, chúng ta có thể thúc đẩy một nền kinh tế phát triển toàn diện cho người nghèo chứ không phải nền kinh tế duy trợ giúp. Tôi không muốn lên án việc trợ giúp; các hoạt động trợ giúp rất quan trọng. Chúng ta hãy nghĩ đến hoạt động tình nguyện, đó là một trong những công trình kiến ​​trúc đẹp nhất mà Giáo hội Ý có. Họ đang trợ giúp, nhưng chúng ta phải đi xa hơn, để giải quyết những vấn đề thúc đẩy chúng ta chỉ “duy trợ giúp”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: Một nền kinh tế mà không tìm các biện pháp chữa trị thì trong thực tế, nó đầu độc xã hội, chẳng hạn như lợi nhuận không đi liền với việc tạo ra công ăn việc làm xứng đáng (xem EG, 204). Loại lợi nhuận này bị tách ra khỏi nền kinh tế thực sự, là nền kinh tế đáng lẽ mang lại lợi ích cho người dân thường (x. Thông điệp Laudato si ‘[LS], 109), và hơn nữa, đôi khi thờ ơ với những thiệt hại gây ra cho ngôi nhà chung.

Lựa chọn xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa

Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, sự đòi hỏi đạo đức – xã hội này, xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa (xem LS, 158), cho chúng ta động lực để suy nghĩ và hoạch định một nền kinh tế, nơi mà mọi người, và đặc biệt là những người nghèo nhất, ở trung tâm. Và nó cũng khuyến khích chúng ta hoạch định việc chữa trị vi-rút bằng cách ưu tiên cho những người cần nó nhất. Đức Thánh Cha lưu ý: Thật đáng buồn biết bao nếu vắc xin Covid-19 được ưu tiên dành cho những người giàu nhất! Và sẽ là một vụ bê bối nếu tất cả hỗ trợ kinh tế mà chúng ta đang thấy – hầu hết bằng tiền công – đều tập trung vào việc cứu các ngành công nghiệp không góp phần vào việc bao gồm những người bị loại trừ, thăng tiến những người rốt cùng nhất, cho công ích hoặc chăm sóc công trình sáng tạo (sđd…). Đây là bốn tiêu chí để lựa chọn những ngành công nghiệp cần trợ giúp.

Chữa lành vi-rút dịch bệnh và cả vi-rút bất công xã hội

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi: Nếu virus lại bùng phát trong một thế giới không công bằng với những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, chúng ta cần thay đổi thế giới này. Theo gương của Chúa Giêsu, vị lương y của tình yêu toàn vẹn của Thiên Chúa, vị lương y chữa lành thể xác, xã hội và tâm linh (x. Ga 5,6-9), chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành những bệnh dịch do những vi-rút nhỏ bé vô hình gây ra, và để chữa lành những vi-rút do những bất công xã hội to lớn và hữu hình gây ra. Tôi đề nghị rằng điều này được thực hiện bắt đầu từ tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách đặt các vùng ngoại vi ở trung tâm và những người cuối cùng lên hàng đầu. Bắt đầu từ tình yêu cụ thể này, được neo giữ trong đức cậy và được đặt nền trên đức mến, một thế giới lành mạnh hơn sẽ là điều có thể. Ngược lại, chúng ta sẽ tồi tệ hơn khi ra khỏi cuộc khủng hoảng. Xin Chúa giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh để tốt hơn khi thoát khỏi khủng hoảng, bằng cách đáp lại các nhu cầu của thế giới hôm nay.

Hồng Thủy

[1] X. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị về một số khía cạnh của “Thần học Giải phóng”, (1984), 5
[2] ĐGH Biển Đức XVI, Diễn văn khai mạc Đại hội của châu Mỹ Latinh và vùng Caribê (13/05/2007), 3.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận