Đức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục miền Amazzonia

1267 lượt xem

Hai mươi mốt tháng sau khi chính thức chuẩn bị với cuộc họp ngày 19/01/2018 tại Puerto Maldonadom, Peru, sáng Chúa nhật 06/10/2019, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô để khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục miền Amazzonia. Công nghị này tiến hành cho đến ngày 27/10 tới đây về đề tài: “Amazzonia – những con đường mới cho Giáo Hội và nền sinh thái học toàn diện”.

Thành phần tham dự

Tham dự công nghị Giám mục đặc biệt này có 184 nghị phụ, trong đó 113 Giám mục đến từ các giáo phận ở miền Liên Amazzonia, 13 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 33 nghị phụ gồm Hồng y, Giám mục và linh mục do Đức Thánh Cha bổ nhiệm, 15 linh mục vị do Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên. Trong số các nghị phụ có 28 Hồng Y, 29 Tổng giám mục, 62 Giám mục chính tòa, các Giám mục còn lại là các vị phụ tá, Đại diện Tông Tòa và Giám mục đặc trách các giám hạt. Có 21 nghị phụ không phải là Giám mục và 25 linh mục chuyên gia. Các giáo sĩ đều đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ khai mạc.

Hiện diện trong thánh lễ cũng có 55 dự thính viên, trong đó có 10 nữ tu Bề trên do Hiệp Hội các nữ Bề trên Tổng quyền bầu lên. Tổng số phụ nữ tại công nghị Giám mục này là 35 người. Ngoài ra có 17 thổ dân bản xứ, đại diện cho hàng trăm bộ tộc khác nhau ở miền Amazzonia, cùng với khoảng 8 ngàn tín hữu.

Vì là một Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia, nên không có Giám mục Việt Nam nào tại công nghị Giám mục này, và vị duy nhất người Á châu là Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn độ, cũng là cố vấn của Đức Thánh Cha.

Đứng tại bàn thờ cạnh Đức Thánh Cha là 5 chức sắc chính của Thượng Hội đồng Giám mục, gồm Đức Hồng y Tổng thư ký Baldisseri, Đức Hồng y Hummes, O.F.M, Tổng tường trình viên, Đức tân Hồng y Czerny, S.J, Tổng thư ký đặc biệt và 2 Giám mục khác.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn lời thánh Phaolô Tông Đồ nhắn nhủ môn đệ Timôthê trong bài đọc thứ hai và áp dụng hành trình Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia, đặc biệt là vai trò của các vị Mục Tử. Ngài nói: “Thánh Phaolô Tông Đồ, nhà truyền giáo lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội, giúp chúng ta “cử hành Thượng Hội đồng Giám mục”, “đồng hành với nhau”: điều mà thánh nhân viết cho Timôthê dường như cũng nói với chúng ta, các Mục Tử đang phục vụ Dân Chúa.

Khơi dậy hồng ân Chúa ban để phục vụ

Trước tiên thánh nhân nói: “Cha nhắc nhở cho con hãy khơi dậy hồng ân Thiên Chúa, ở trong con, qua sự đặt tay của Cha” (2 Tm 1,6). Chúng ta là Giám mục vì chúng ta đã nhận lãnh một hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta không ký một thỏa thuận, chúng ta không nhận trên tay một tờ hợp đồng làm việc, nhưng chúng ta được đặt tay trên đầu, để chúng ta giơ tay lên cầu bầu với Thiên Chúa và giơ tay ra hướng về các anh chị em. Chúng ta đã nhận lãnh một hồng ân để trở thành những món quà. Một món quà không phải là điều ta mua, trao đổi và bán: chúng ta nhận lãnh và trao tặng. Nếu chúng ta chiếm hữu món quà ấy, nếu chúng ta đặt mình ở trung tâm thì sẽ không đặt món quà, không đặt hồng ân ở trung tâm, và như thế, từ những Mục Tử, chúng ta trở thành những công chức: chúng ta biến hồng ân thành một chức năng và đặc tính nhưng không biến mất, và rốt cục chúng ta phục vụ cho bản thân và sử dụng Giáo Hội cho mình. Trái lại, cuộc sống của chúng ta là vì hồng ân đã nhận lãnh, là để phục vụ […]. Trọn vẹn niềm vui của chúng ta là phục vụ vì chúng ta đã được Thiên Chúa phục vụ, Đấng đã trở nên người phục vụ chúng ta. Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm thấy mình được kêu gọi tại đây để phục vụ bằng cách đặt hồng ân của Chúa ở vị trí trung tâm.”

Khơi dậy ơn gọi như khơi dậy ngọn lửa đổi mới

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Để trung thành với ơn gọi, với sứ mạng của chúng ta, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng hồng ân cần phải được khơi dậy, hồi sinh. Động từ được xử dụng ở đây có sức thu hút: nghĩa đen là “mang lại sự sống cho một ngọn lửa”, anazopurein. Hồng ân mà chúng ta đã nhận lãnh là một ngọn lửa, là tình yêu nồng cháy đối với Thiên Chúa và anh em. Ngọn lửa không tự nuôi dưỡng mình, ngọn lửa tắt đi nếu không được giữ cho nó cháy, nó tắt lịm nếu bị tro phủ. Nếu tất cả cứ tiếp tục giữ nguyên như cũ, nếu chúng ta cứ để cho những ngày của mình diễn ra như cũ, viện lẽ rằng “từ trước đến nay vẫn làm vậy”, thì hồng ân sẽ biến tan, nó sẽ bị ngộp vì những đám tro sợ hãi và bận tâm lo bảo vệ hiện trạng (status quo), tình trạng nguyên như cũ. Nhưng “Giáo Hội không thể nào tự giới hạn vào một thứ mục vụ “duy trì”, dành cho những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô. “Đà tiến truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng về sự trưởng thanh của một cộng đoàn Giáo Hội” (Biển Đức 16, Tông huấn Verbum Domini, 95). Chúa Giêsu không đến để mang làn gió nhẹ ban chiều, nhưng mang lửa xuống trần thế.”

Ngọn lửa là hồng ân của Thánh Linh

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Ngọn lửa khơi dậy hồng ân chính là Chúa Thánh Linh, Đấng ban các ân huệ. Vì thế, thánh Phaolô nói tiếp [với Timôthê]: “Nhờ Thánh Linh, con hãy gìn giữ điều quý giá được ủy thác cho con” (2 Tm 1,14). Và, “Thiên Chúa không ban cho chúng ta một tinh thần nhát đảm, nhưng là tinh thần mạnh mẽ, yêu thương và thận trọng khôn ngoan” (c.7). Không phải một tinh thần nhát đảm, nhưng là thận trọng khôn ngoan: thánh Phaolô đặt sự thận trọng khôn ngoan đối nghịch với nhát đảm. Vậy sự thận trọng khôn ngoan của Thánh Linh là gì? Sách Giáo Lý đã dạy: khôn ngoan thận trọng “không bị lẫn lộn với sự nhát đảm hoặc sợ hãi”, nhưng “là nhân đức giúp phân định trong mọi hoàn cảnh đâu là điều thiện hảo thực sự của chúng ta và chọn lựa những phương thế thích hợp” (n.1806).

Thái độ các vị Mục Tử cần có

“Đó là nhân đức của vị Mục Tử, để phục vụ khôn ngoan, biết phân định, nhạy cảm đối với điều mới mẻ của Thánh Linh. Vì thế, khơi dậy hồng ân trong lửa của Thánh Linh là điều trái ngược với thái độ cứ để cho sự việc tiếp tục mà không làm gì cả. Và trung thành với điều mới mẻ của Thánh Linh là một ơn thánh chúng ta phải cầu khẩn trong kinh nguyện. Thánh Linh đổi mới mọi sự, ban cho chúng ta ơn thận trọng khôn ngoan táo bạo; xin Thánh Linh soi sáng cho Công Nghị của chúng ta biết canh tân những con đường của Giáo Hội tại miền Amazzonia, để ngọn lửa truyền giáo không bị tắt lịm.”

Chống lại những hành động tham lam, tàn phá Amazzonia

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Ngọn lửa của Thiên Chúa là lửa tình thương chiếu sáng, sưởi ấm và mang lại sự sống, chứ không phải là ngọn lửa bùng lên và thiêu rụi. Nếu không có tình yêu và không tôn trọng, thì ngọn lửa ấy nuốt chửng các dân tộc và các nền văn hóa, đó không phải là ngọn lửa của Thiên Chúa, nhưng là của thế gian. Thế mà bao nhiêu lần hồng ân của Thiên Chúa không được trao tặng, nhưng áp đặt, bao nhiêu lần có sự thực dân hóa thay vì loan báo Tin Mừng! Xin Chúa giữ gìn chúng ta khỏi sự ham hố của những chế độ thực dân mới. Ngọn lửa kèm theo những lợi lộc thì tàn phá, như ngọn lửa mới đây đã tàn phá miền Amazzonia, đó không phải là ngọn lửa của Tin Mừng. Ngọn lửa của Thiên Chúa là sức nóng thu hút và tập hợp trong sự hiệp nhất. Nó được nuôi dưỡng bằng sự chia sẻ, chứ không phải bằng sự kiếm chác lợi lộc. Trái lại ngọn lửa nuốt chửng khi người ta chỉ muốn thực hiện những ý tưởng riêng của mình, tạo ra nhóm riêng, thiêu hủy những khác biệt để đồng nhất hóa mọi người và mọi sự. […]

Dấn thân mang Tin Mừng giải thoát cho anh chị em ở Amazzonia

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta cùng nhau nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đanh, trái tim Chúa mở toang vì chúng ta. Chúng ta hãy bắt đầu từ đó, vì từ đó đã phát nguồn hồng ân đã sinh ra chúng ta; từ đó Thánh Linh đổi mới (Xc Ga 19,30) đã được phú cho chúng ta. Từ đó chúng ta được kêu gọi, tất cả và từng người, hãy hiến mạng sống. Bao nhiêu anh chị em ở miền Amazzonbia đang mang thập giá nặng nề và chờ đợi sự an ủi giải thoát của Tin Mừng, sự vuốt ve của tình thương Giáo Hội. Cho họ và cùng với họ, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước.

G. Trần Đức Anh, O.P.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận